Tăng hiệu quả đồng vốn đầu tư nhà nước:
CÒN CÓ KHOẢNG TRỐNG
VỀ PHÁP LÝ

Báo cáo của Bộ Tài chính mới đây cho biết, trong quá trình triển khai Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (gọi tắt là Luật số 69/2014/QH13) cùng các văn bản hướng dẫn thi hành, ngoài việc đã tạo hành lang pháp lý cho việc đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu đổi mới, hội nhập, cơ cấu lại doanh nghiệp có vốn nhà nước... thì trong giai đoạn vừa qua, thực tế đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, chưa kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Những tồn tại này cần thiết phải được rà soát, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn và định hướng cơ cấu lại doanh nghiệp có vốn nhà nước trong thời gian tới.
CHƯA PHÂN ĐỊNH RÕ CHỨC NĂNG
Theo Cục trưởng Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Bùi Tuấn Minh, điểm đầu tiên còn vướng mắc và có vai trò rất quan trọng chính là chưa tách bạch, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu vốn của Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp và chức năng quản trị hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, còn đồng nhất vốn và tài sản của doanh nghiệp có vốn Nhà nước là vốn tài sản của Nhà nước. Chính vì thế, vẫn có sự can thiệp trực tiếp vào hoạt động và quản trị sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ban hành các quy định làm hạn chế quyền của doanh nghiệp, chưa tạo điều kiện và xây dựng hành lang pháp lý thống nhất để doanh nghiệp chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chưa bảo đảm “lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ”, công bằng, thị trường. Phạm vi điều chỉnh cũng chưa bao gồm nội dung cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Điểm đầu tiên còn vướng mắc và có vai trò rất quan trọng chính là chưa tách bạch, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu vốn của Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp và chức năng quản trị hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, còn đồng nhất vốn và tài sản của doanh nghiệp có vốn Nhà nước là vốn tài sản của Nhà nước.
Thực tế trong thời gian qua cũng như giai đoạn tới, việc cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ yếu thực hiện dưới hình thức cổ phần hóa, trong khi đó cơ chế cổ phần hóa thì cũng mới được điều chỉnh bằng nghị định, và một số quy định đã được thực hiện trong thời gian dài, có tính ổn định. Hơn nữa, đối tượng áp dụng chưa bao gồm các doanh nghiệp có vốn nhà nước góp dưới 100% vốn điều lệ, còn có khoảng trống về pháp lý cũng như việc tổ chức thực hiện không bảo đảm thống nhất.
"Việc xác định nội hàm quản lý đối với vốn nhà nước đã đầu tư vào doanh nghiệp chưa được xuyên suốt, vẫn còn đồng nhất vốn, tài sản của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư là vốn, tài sản của Nhà nước. Chính điều này đã dẫn tới còn cách hiểu khác nhau, vẫn còn hoạt động can thiệp trực tiếp vào quản trị sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà chưa bảo đảm thống nhất thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, người đại diện vốn để thực hiện các quyền của chủ sở hữu Nhà nước với vai trò là nhà đầu tư vốn vào doanh nghiệp" - Cục trưởng Bùi Tuấn Minh nói.

Về vấn đề này, đại diện Tổng Công ty quản lý và đầu tư vốn nhà nước (SCIC) cho biết, từ thực tế hoạt động của SCIC, có thể thấy yêu cầu cần tách bạch chức năng quản lý vốn nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước được đặt ra hết sức cấp thiết.
Cần có sự phân định rõ giữa doanh nghiệp nhà nước do Nhà nước sở hữu 100% vốn với doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu dưới 100% vì đây là hai loại hình doanh nghiệp có sự khác biệt về cơ chế vận hành, mục đích, mục tiêu, nhiệm vụ.
Theo Chủ tịch SCIC Nguyễn Chí Thành, việc đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp từ quản lý theo cơ chế hành chính sang cơ chế đầu tư, kinh doanh vốn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa là đặc biệt quan trọng, bởi rõ ràng là việc đổi mới căn bản, toàn diện trong công tác quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp hiện nay chưa được thể hiện đầy đủ khi chưa tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước với chức năng quản lý nhà nước đối với mọi loại hình doanh nghiệp, chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước.
Cần có sự phân định rõ giữa doanh nghiệp nhà nước do Nhà nước sở hữu 100% vốn với doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu dưới 100% vì đây là hai loại hình doanh nghiệp có sự khác biệt về cơ chế vận hành, mục đích, mục tiêu, nhiệm vụ. Việc quản lý doanh nghiệp 100% vốn nhà nước nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, trong khi đối với doanh nghiệp dưới 100% vốn nhà nước, việc quản lý nhằm bảo đảm các mục tiêu kinh tế, bảo đảm hài hòa quyền lợi giữa Nhà nước và các cổ đông khác - Chủ tịch Nguyễn Chí Thành nêu quan điểm.
PHÂN ĐỊNH RÕ VAI TRÒ QUẢN LÝ VÀ ĐẠI DIỆN SỞ HỮU
Bên cạnh đó, việc xác định vai trò của cơ quan quản lý nhà nước với vai trò của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa rõ, còn quy định quản lý vốn theo pháp nhân doanh nghiệp dẫn đến các quy định mang tính hành chính can thiệp vào hoạt động quản trị của doanh nghiệp. Đó là chưa kể việc sử dụng vốn sau khi Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp chưa đảm bảo tính công bằng, còn can thiệp vào công tác quản trị doanh nghiệp, chưa tiếp cận theo thông lệ quản trị thế giới (như việc cơ quan quản lý chủ sở hữu vốn cho ý kiến đối với việc quyết định huy động vốn của doanh nghiệp, quyết định đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp).
Ngay trong việc đầu tư vốn (bao gồm cả việc bổ sung và rút vốn) nhà nước tại doanh nghiệp cũng chưa được quy định cụ thể, chưa tạo tính chủ động, kịp thời, linh hoạt (như việc đầu tư vốn vào Vietnam Airlines, các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước, Công ty Đường sắt đô thị số 1 TP Hồ Chí Minh).
Hiện tại, quá trình, quy trình đầu tư trực tiếp vốn từ ngân sách nhà nước vào doanh nghiệp gặp khó khăn, việc đầu tư bổ sung vốn cho doanh nghiệp được quy định của pháp luật ngân sách thuộc lĩnh vực chi đầu tư phát triển, chưa xác định rõ trong đầu tư công.
Việc quản trị vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp cần thực hiện trên cơ sở cơ chế đầu tư kinh doanh vốn, bởi việc đầu tư vốn vào doanh nghiệp khác với cơ chế đầu tư công.
Theo Chủ tịch SCIC Nguyễn Chí Thành, việc quản trị vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp cần thực hiện trên cơ sở cơ chế đầu tư kinh doanh vốn, bởi việc đầu tư vốn vào doanh nghiệp khác với cơ chế đầu tư công. Nhà nước chỉ nên quản trị vốn nhà nước, không quản trị doanh nghiệp, do đó, Nhà nước cần có luật chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp (doanh nghiệp cấp 1), còn các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác (doanh nghiệp cấp 2) thì chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp và các pháp luật chuyên ngành khác, mới tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp chủ động trong các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đánh giá những hạn chế, bất cập và nguyên nhân của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp hiện hành, Bộ Tài chính cho biết, có nhiều vấn đề cần được nhận thức, định nghĩa lại một cách chắc chắn. Hiện tại, việc quy định sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn chịu sự can thiệp hành chính của các cơ quan nhà nước; chưa tách bạch, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp theo Nghị quyết 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII đã đặt ra. Đối với doanh nghiệp sẽ hạn chế tính chủ động, cạnh tranh, không kịp thời.
Bên cạnh đó, còn có sự đồng nhất vốn và tài sản của doanh nghiệp có vốn nhà nước là vốn tài sản của Nhà nước. Theo quy định của Bộ Luật Dân sự thì vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp để thực hiện nghĩa vụ góp vốn chủ sở hữu Nhà nước được xác định là tài sản/vốn của pháp nhân doanh nghiệp bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, tự chủ trong hoạt động của pháp nhân là doanh nghiệp. Do đó, Nhà nước thực hiện quản lý phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, không quản lý doanh nghiệp theo từng tài sản mà chủ sở hữu góp vốn điều lệ (đã chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp); chưa bảo đảm tối đa việc“lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ”, công bằng, thị trường... bởi Nhà nước cũng chỉ là một trong những chủ sở hữu của doanh nghiệp, có quyền và trách nhiệm theo tỷ lệ vốn góp như các chủ sở hữu khác. Trong khi thực tế cho thấy, các doanh nghiệp có thể đầu tư mua cổ phần, phần vốn góp tại các doanh nghiệp khác.
Rõ ràng, để thực hiện nguyên tắc Nhà nước là chủ sở hữu đầu tư vốn tương ứng với phần vốn đầu tư tại doanh nghiệp, không can thiệp hành chính vào hoạt động quản trị sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thì nguồn vốn đầu tư của nhà nước cần được tách bạch, phân định với chức năng của chủ sở hữu vốn. Trên cơ sở đó, cần có sự quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của nhà nước đối với phần vốn của mình tại doanh nghiệp cũng như quyền được chủ động sử dụng vốn góp của doanh nghiệp. Phải rõ ràng như vậy, các nguồn vốn - mạch máu mới đạt sự chủ động và linh hoạt chảy trong cơ thể nền kinh tế một cách rõ ràng, hiệu quả.
