Tăng hiệu quả đồng vốn đầu tư nhà nước:
BẢO ĐẢM TÍNH HỢP HIẾN, HỢP PHÁP, THỐNG NHẤT
Từ thực tế hiện nay, việc sửa đổi căn bản, toàn diện và ban hành quy định chính sách mới nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp là đòi hỏi cấp bách. Phải có những quy định ấy mới giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật số 69/2014/QH13; hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý cho việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; tạo môi trường và hành lang pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Bộ Tài chính cho biết, trong những năm vừa qua, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2021-2025 cơ bản đã được tái cơ cấu toàn diện theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Báo cáo của Chính phủ về hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc trong các năm từ 2016-2022 cho thấy, số lượng doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có sự thay đổi giảm đáng kể từ 583 doanh nghiệp tại thời điểm 31/12/2016 xuống còn 478 doanh nghiệp tại thời điểm 31/12/2022, tức là giảm được 105 doanh nghiệp.
Số lượng doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có sự thay đổi giảm đáng kể từ 583 doanh nghiệp tại thời điểm 31/12/2016 xuống còn 478 doanh nghiệp tại thời điểm 31/12/2022.
Không những thế, việc quy định rõ ràng môi trường, trách nhiệm pháp lý sẽ bảo đảm tôn trọng và nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp. Cùng việc tăng cường sự kiểm tra, giám sát của nhà nước trong quản lý, đầu tư vốn tại doanh nghiệp, các quy định này bảo đảm doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường trong các ngành, nghề kinh doanh theo yêu cầu của Nhà nước (với vai trò chủ sở hữu).
Nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước tương xứng với nguồn vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, bảo đảm doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước giữ vai trò chủ đạo, giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế; huy động và phát huy hết các nguồn lực của khu vực kinh tế nhà nước nói chung, doanh nghiệp nhà nước nói riêng cho phát triển kinh tế-xã hội là yêu cầu tiên quyết, quyết định hiệu lực, hiệu quả đồng vốn đầu tư nhà nước.
Ngày 22/9/2024, Phó thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã ký Tờ trình số 503/TTr-CP trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Tại Tờ trình này, Chính phủ nêu 5 quan điểm xây dựng dự thảo, trong đó quan điểm dẫn đầu phải là thể chế hóa được đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới, cơ cấu lại và phát triển doanh nghiệp có vốn nhà nước phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; xác định rõ nội dung, nguyên tắc áp dụng Luật bảo đảm tránh chồng chéo, mâu thuẫn với các luật khác có liên quan.
Bên cạnh đó, phải kế thừa, phát huy và hoàn thiện những quy định pháp luật về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp còn phù hợp với thực tế, có tác động tích cực đối với sự phát triển của doanh nghiệp có vốn Nhà nước; loại bỏ những quy định không còn phù hợp với thực tiễn; đồng thời luật hóa một số quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành hiện hành đã ổn định và phù hợp với thực tế.
Việc sửa đổi lần này phải cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp gắn với phân công rõ, phân cấp mạnh cho cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và doanh nghiệp. Tách bạch, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu vốn của Nhà nước và với hoạt động quản trị sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đối với mọi loại hình doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước. Các Bộ, quản lý ngành thực hiện đúng chức năng quản lý nhà nước về tham mưu xây dựng chính sách và ban hành chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành; không can thiệp trực tiếp vào việc quản trị hoạt động, sử dụng vốn tại doanh nghiệp.
Sắp xếp, cơ cấu lại, đổi mới doanh nghiệp có vốn nhà nước theo cơ chế thị trường là quá trình thường xuyên, liên tục với phương thức, giải pháp thực hiện và lộ trình hợp lý theo Nghị quyết 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp. Minh bạch hoạt động của doanh nghiệp có vốn nhà nước gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát, kiểm tra, kiểm soát và trách nhiệm giải trình đối với hoạt động của doanh nghiệp; phòng ngừa thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước. Nâng cao trình độ, năng lực quản trị, phẩm chất đạo đức để kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp có vốn nhà nước. Tách bạch, phân định rõ chức năng cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn với chức năng cơ quan quản lý nhà nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gắn với đẩy mạnh phân công rõ, phân cấp mạnh thực hiện quyền chủ sở hữu vốn cho cơ quan đại diện vốn và lãnh đạo doanh nghiệp.
Ngoài ra, cần bảo đảm không thực hiện quản lý pháp nhân doanh nghiệp, nhà nước là chủ sở hữu phần vốn đầu tư tại doanh nghiệp (quản lý dòng vốn đầu tư), không can thiệp hành chính vào hoạt động quản trị sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản/vốn của pháp nhân doanh nghiệp. Nguồn lực nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp phải được quản lý thống nhất. Việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, đảm bảo nguyên tắc “quyền sở hữu đi đôi với quyền kiểm soát”, vốn nhà nước đầu tư phải được quản lý, giám sát, không phân biệt ngành nghề, lĩnh vực, tỷ lệ Nhà nước nắm giữ, cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp. Nhà nước chỉ đầu tư vốn tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh, phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội của đất nước, những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư và những lĩnh vực ngành nghề phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội của đất nước theo từng thời kỳ, đảm bảo linh hoạt, kịp thời; hoạt động theo cơ chế thị trường, lấy hiệu quả đầu tư vốn và kế hoạch được cấp thẩm quyền giao cho doanh nghiệp làm tiêu chí đánh giá chủ yếu; doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng.
Đáng lưu ý, trong lần chỉnh sửa này, Chính phủ cho biết: hiện nay, do việc quy định “sử dụng vốn nhà nước”, “đầu tư vào sản xuất, kinh doanh” trong tên Luật đã thể hiện sự bó hẹp về cách tiếp cận, hạn chế tính tự chủ của doanh nghiệp trong việc sử dụng vốn, tài sản trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, tên gọi này còn thể hiện sự can thiệp hành chính của nhà nước vào hoạt động của doanh nghiệp; chưa minh định được “vốn nhà nước tại doanh nghiệp” và “vốn của doanh nghiệp”… chưa bao quát được công tác quản lý dòng vốn của nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Đó là chưa kể phạm vi điều chỉnh chưa bao gồm nội dung sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp (thực tế trong thời gian qua cũng như giai đoạn tới việc cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ yếu thực hiện dưới hình thức cổ phần hóa, xắp xếp và cơ cấu lại vốn), trong khi đó cơ chế cổ phần hóa được điều chỉnh bằng Nghị định của Chính phủ, các quy định này đã được thực hiện trong thời gian dài, mang tính ổn định.
Để thực hiện nguyên tắc không trực tiếp quản lý pháp nhân doanh nghiệp, nhà nước chỉ quản lý dòng vốn đầu tư tại doanh nghiệp và doanh nghiệp hoạt động theo quy định pháp luật chung đối với doanh nghiệp.
Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc khẳng định: Để thực hiện nguyên tắc không trực tiếp quản lý pháp nhân doanh nghiệp, nhà nước chỉ quản lý dòng vốn đầu tư tại doanh nghiệp và doanh nghiệp hoạt động theo quy định pháp luật chung đối với doanh nghiệp. Vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản, là vốn của pháp nhân doanh nghiệp, việc doanh nghiệp sử dụng vốn để đầu tư, mua sắm tài sản phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phải do doanh nghiệp tự quyết định. Do đó, cần tách bạch, phân định với chức năng của chủ sở hữu vốn và doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, Nhà nước xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của mình đối với phần vốn của Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, Nhà nước là chủ sở hữu đầu tư vốn, không can thiệp hành chính vào hoạt động quản trị sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp được chủ động sử dụng vốn phục vụ hoạt động kinh doanh và hoạt động đầu tư vốn; việc đầu tư vốn để kinh doanh nhằm mục đích bảo toàn, phát triển vốn được thực hiện theo phân công, phân cấp; quy định rõ về thẩm quyền, trách nhiệm đối với vốn và tài sản của doanh nghiệp.