Điện Biên Phủ là trận chiến thắng lớn nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến lâu dài chống bọn đế quốc xâm lược Pháp - Mỹ. Do ảnh hưởng to lớn của nó, Điện Biên Phủ đã đánh dấu một sự chuyển biến lớn lao trong cục diện quân sự và chính trị ở Đông Dương. Nó đã góp phần quyết định vào thắng lợi to lớn của Hội nghị Giơnevơ, lập lại hòa bình ở Đông Dương, trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và lãnh thổ toàn vẹn của nước Việt Nam ta và hai nước bạn láng giềng Campuchia và Lào.
Trong bài này, viết nhân dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ(*), tôi muốn nêu lên một số kinh nghiệm trong sự chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta; tôi muốn nhắc đến tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân đội, tinh thần hết lòng phục tiền tuyến của nhân dân, tinh thần đoàn kết chiến đấu của quân và dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, là yếu tố quyết định thắng lợi. Và đó cũng là bài học kinh nghiệm vĩ đại nhất. Bài học đó là: Một dân tộc nhỏ, một quân đội nhân dân, khi đã có quyết tâm đứng dậy, đoàn kết chiến đấu cho độc lập và hòa bình theo một đường lối chính trị và quân sự đúng đắn, thì có đầy đủ khả năng để chiến thắng mọi lực lượng xâm lược, dù lực lượng đó là một nước đế quốc hùng cường như đế quốc Pháp và có Mỹ giúp sức.
MẤY NÉT SƠ LƯỢC VỀ TÌNH HÌNH CHIẾN SỰ
TRONG ĐÔNG XUÂN 1953-1954
Đế quốc Pháp - Mỹ đề ra kế hoạch Nava
Thu Đông năm 1953, cuộc chiến tranh yêu nước của nhân dân ta đã bước vào năm thứ tám.
Từ chiến dịch Biên giới trở đi, quân đội ta đã chiến thắng liên tiếp trong nhiều chiến dịch, luôn luôn giữ quyền chủ động trên chiến trường miền Bắc. Sau khi tỉnh Hòa Bình được giải phóng, căn cứ du kích ở đồng bằng Bắc Bộ được mở rộng, những địa phương rộng lớn ở Tây Bắc lần lượt trở về tay ta, thế địch ngày càng nguy khốn, bị động. Đế quốc Pháp - Mỹ cũng thấy rõ muốn cứu vãn tình thế thì phải tăng thêm lực lượng, thuyên chuyển tướng tá, thay đổi kế hoạch. Lúc bấy giờ, chiến tranh Triều Tiên vừa mới chấm dứt. Đế quốc Mỹ càng đi sâu vào âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh ở Đông Dương. Chính trong tình hình đó, chúng đã đề ra kế hoạch Nava - một kế hoạch tiếp tục và mở rộng chiến tranh đã được nghiên cứu và chuẩn bị kỹ lưỡng ở Paris và ở Oasinhtơn.
Nói vắn tắt, kế hoạch Nava là một kế hoạch chiến lược quy mô rộng lớn, nhằm mục đích trong vòng 18 tháng tiêu diệt phần lớn chủ lực của ta, giành lấy một thắng lợi chiến lược quyết định, buộc ta phải điều đình theo những điều kiện do Chính phủ Pháp đề ra, thực chất là nhằm biến nước Việt Nam ta thành một nước thuộc địa và một căn cứ quân sự của đế quốc Pháp - Mỹ.
Theo kế hoạch đó, thì trong bước đầu, cần tập trung một lực lượng cơ động khá mạnh ở đồng bằng Bắc Bộ, “bình định” đồng bằng, tấn công ra vùng tự do để tiêu hao và giam giữ chủ lực ta; trong lúc đó ra sức khuếch trương quân ngụy, tiến thêm một bước xây dựng khối lực lượng cơ động chiến lược.
Tiếp theo đó, lợi dụng mùa mưa, trong khi chủ lực ta đã bị mỏi mệt và không thể có hoạt động gì đáng kể, địch sẽ chuyển quân vào miền Nam để đánh chiếm tất cả những vùng tự do và căn cứ du kích của ta ở Liên khu V và Nam Bộ.
Rồi sang Đông Xuân 1954-1955, trong khi tình hình miền Nam đã được “bình định”, thì sẽ chuyển lực lượng cơ động chiến lược lúc đó đã rất mạnh ra chiến trường miền Bắc, thực hiện tấn công chiến lược, tiêu diệt một bộ phận quan trọng chủ lực ta, giành lấy một thắng lợi chiến lược to lớn, có tác dụng tạo nên cục diện mới, có lợi cho đế quốc Pháp - Mỹ.
Mùa thu 1953, tướng Nava bắt đầu thực hiện kế hoạch chiến lược thâm độc nói trên. Với khẩu hiệu “luôn luôn chủ động”, “luôn luôn tấn công”, Bộ Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp tập trung một lực lượng cơ động gồm 44 tiểu đoàn ở đồng bằng Bắc Bộ, mở những cuộc càn quét dữ dội ở vùng sau lưng địch, tấn công ra Ninh Bình, Nho Quan, uy hiếp Thanh Hóa.
Chủ lực của ta di chuyển lên hướng Tây Bắc
Đến tháng 11, trong lúc quân địch cho rằng đã phá được một phần kế hoạch Thu Đông của ta thì chúng phát hiện sự di chuyển của chủ lực ta lên hướng Tây Bắc.
Để bảo vệ Lai Châu, che chở cho Thượng Lào, ngày 20 tháng 11, tướng Nava cho quân nhảy dù đánh chiếm Điện Biên Phủ và sau đó quyết định ra sức tăng cường Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh để tiếp nhận chiến đấu với chủ lực ta, hòng gây cho ta những tổn thất nặng.
Trong thời gian đó, sau khi đã tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch trên mặt trận Ninh Bình, quân ta chủ động thực hiện kế hoạch tác chiến Đông Xuân nhằm phá tan kế hoạch Nava của đế quốc Pháp - Mỹ.
Quân ta mở cuộc tấn công ở Tây Bắc
Tháng Chạp năm 1953, quân ta mở cuộc tấn công ở Tây Bắc, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng Lai Châu, tiến hành bao vây Điện Biên Phủ.
Cũng trong tháng Chạp, quân đội Giải phóng Pathét Lào và các đơn vị bộ đội Tình nguyện Việt Nam mở cuộc tấn công vào mặt trận Trung Lào, tiêu diệt nhiều sinh lực của địch, giải phóng Tha Khét, tiến đến bờ sông Cửu Long.
Sang tháng Giêng năm 1954, ở Liên khu V, quân ta mở cuộc tấn công lên Tây Nguyên, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực của địch, giải phóng thị xã Kon Tum, liên lạc với vùng cao nguyên Bôlôven mới giải phóng ở Hạ Lào.
Cũng trong tháng Giêng năm ấy, quân đội Giải phóng Pathét Lào và các đơn vị bộ đội Tình nguyện Việt Nam mở cuộc tấn công ở mặt trận Thượng Lào, tiêu diệt nhiều sinh lực của địch, giải phóng lưu vực sông Nậm Hu, uy hiếp Luông Phabăng.
Suốt thời gian nói trên, trong các vùng sau lưng địch ở Bắc Bộ, Bình Trị Thiên cũng như ở miền cực Nam Trung Bộ và Nam Bộ, chiến tranh du kích đã phát triển rất mạnh.
Bước vào trung tuần tháng 3, quân địch cho rằng thời kỳ hoạt động tấn công của quân ta đã kết thúc; cho nên ngày 12-3, chúng bèn tập trung một bộ phận lực lượng, tiếp tục chiến dịch Atlăng ở miền Nam Trung Bộ, đánh chiếm Quy Nhơn.
Quân ta mở cuộc Đại tấn công vào
tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ
Ngày hôm sau, 13 - 3, quân ta mở cuộc Đại tấn công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Quân ta chiến đấu trên mặt trận Điện Biên Phủ trong 55 ngày đêm; đến ngày 7 - 5 - 1954, thì tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ hoàn toàn bị tiêu diệt.
Cuộc tấn công Đông Xuân của quân ta kết thúc bằng một chiến thắng lịch sử.
Đó là mấy nét sơ lược về tình hình chiến sự trên các chiến trường trong Thu Đông 1953 và mùa Xuân 1954.
VẤN ĐỀ CHỈ ĐẠO CHIẾN LƯỢC
Vấn đề chỉ đạo chiến lược trong chiến dịch Điện Biên Phủ và nói chung trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 là một điển hình thành công tốt đẹp của đường lối quân sự cách mạng theo chủ nghĩa Mác - Lênin, vận dụng vào thực tiễn cụ thể của chiến tranh cách mạng nước ta.
Chiến lược của địch trong kế hoạch Nava nhằm giải quyết những khó khăn lớn của cuộc chiến tranh xâm lược, hòng cứu vãn tình thế và giành lấy một thắng lợi quyết định.
Chiến lược của ta trong chiến cuộc Đông Xuân là chiến lược của chiến tranh nhân dân, của quân đội cách mạng. Chiến lược đó phân tích sâu sắc mâu thuẫn của địch và căn cứ vào tinh thần chiến đấu rất anh dũng, nhưng lực lượng vật chất còn kém cỏi của quân đội ta mà phát huy đến cùng tinh thần tích cực tấn công, tập trung lực lượng đánh vào những hướng tương đối sơ hở của địch, nhằm tiêu diệt sinh lực của chúng, kết hợp giải phóng một phần đất đai, đồng thời buộc chúng phải bị động phân tán binh lực, tạo điều kiện thuận lợi để giành lấy một thắng lợi quyết định.
Chiến tranh của đế quốc Pháp - Mỹ là một cuộc chiến tranh xâm lược phi chính nghĩa. Do bản chất của nó là một cuộc chiến tranh thuộc địa, mục đích cuối cùng của nó là chiếm lĩnh và thống trị đất đai của ta. Bản chất và mục đích xâm lược đó quyết định sự cần thiết phải phân tán binh lực để chiếm giữ các địa phương đã xâm chiếm. Chính vì vậy, mà quá trình tiến hành chiến tranh của quân đội viễn chinh Pháp là cả một quá trình phân tán binh lực. Từ đơn vị sư đoàn lúc đầu, chúng đã phân tán thành từng trung đoàn, rồi từng tiểu đoàn, từng đại đội, trung đội, trong hàng nghìn cứ điểm, đồn bốt khắp các mặt trận, trên chiến trường Đông Dương.
Mâu thuẫn là ở chỗ: không phân tán binh lực thì không chiếm giữ được đất đai; phân tán binh lực thì lại tự gây ra nhiều nhược điểm; từng bộ phận binh lực phân tán dễ bị quân ta tiêu diệt, lực lượng cơ động lại càng bị hạn chế, nhược điểm thiếu binh lực lại càng tăng thêm.
Mâu thuẫn là ở chỗ, nếu tập trung lực lượng lại để có thể ứng phó với ta một cách chủ động hơn, để thoát khỏi thế bị động, thì lực lượng chiếm đóng lại bị yếu đi, đất đai khó lòng giữ được; mà bỏ đất thì không thể đạt được mục đích cuối cùng của cuộc chiến tranh.
Suốt trong mấy năm kháng chiến, trong khi lực lượng của địch ngày càng phân tán thì chủ trương chiến lược của ta là phát động chiến tranh du kích khắp nơi, và trên mỗi chiến trường, chúng ta chọn những nơi địch tương đối yếu, tập trung lực lượng tiêu diệt sinh lực của chúng, do đó mà quân ta càng đánh càng mạnh, lực lượng của ta ngày càng trưởng thành.
Và song song với quá trình phân tán lực lượng của địch, thì lực lượng vũ trang cách mạng của nhân dân ta đã trải qua một quá trình không ngừng phát triển chiến tranh du kích, đồng thời không ngừng tập trung và xây dựng chủ lực tiến lên chiến tranh chính quy, đẩy mạnh đánh tập trung.
Trong tác chiến và xây dựng, chúng ta đã đi dần từ đại đội độc lập đến tiểu đoàn tập trung, rồi đến trung đoàn, đại đoàn. Trong chiến dịch Biên giới, lần đầu tiên đơn vị đại đoàn của quân ta tham gia chiến đấu, cũng là lần đầu tiên chúng ta giành được những thắng lợi rất lớn, làm cho địch càng thêm khốn đốn.
Lúc bấy giờ, sau chiến dịch Biên giới, tướng Tátxinhi được phái sang để cứu vãn tình thế. Tátxinhi đã phát hiện vấn đề, nhìn thấy tình hình binh lực quá phân tán của chúng và nguy cơ do chiến tranh du kích của ta gây nên, do đó mà đã kiên quyết tập trung binh lực lại, mở những vùng tạm chiếm Bắc Bộ. Nhưng, đứng trước mâu thuẫn cứ giữ binh lực tập trung thì không chiếm thêm được đất đai, rốt cuộc Tátxinhi lại phải phân tán binh lực đánh ra Hòa Bình. Kết quả là sinh lực của chúng ở Hòa Bình bị tổn thất rất nặng; trong lúc đó, các căn cứ du kích của ta ở đồng bằng được khôi phục và mở rộng rất nhanh.
Vào năm 1953, trong khi định ra kế hoạch Nava, bọn đế quốc Pháp cũng đứng trước tình hình nan giải là thiếu một binh lực tập trung để giành lại chủ động, để tấn công và tiêu diệt chủ lực của ta. Chúng đã đề ra nhiệm vụ kiên quyết tập trung lực lượng cơ động và trong thực tế đã tập trung một lực lượng khá lớn ở đồng bằng Bắc Bộ. Với lực lượng đó, chúng mưu mô tiêu hao chủ lực ta, phân tán bộ đội ta giữa đồng bằng và rừng núi, để từng bước thực hiện kế hoạch tác chiến của chúng và chuẩn bị cho một cuộc đại tấn công có tính chất quyết định.
Đứng trước tình hình đó, Trung ương Đảng ta đã phân tích âm mưu của địch và hình thái chiến trường một cách hết sức sâu sắc và sáng suốt. Chúng ta đã nắm vững những mâu thuẫn và quy luật của cuộc chiến tranh xâm lược, nhận rõ những nhược điểm rất lớn của địch do sự tập trung binh lực của chúng gây nên. Trên cơ sở sự phân tích khoa học đó, nắm vững tư tưởng tiêu diệt sinh lực địch là chính, Trung ương đã chủ trương: tập trung lực lượng mở những cuộc tấn công vào những hướng quan trọng về chiến lược mà lực lượng của địch tương đối yếu, nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực của chúng, đồng thời buộc chúng phải bị động phân tán lực lượng đối phó với ta trên những địa điểm xung yếu mà chúng không thể bỏ được. Phương châm chiến lược của ta là: tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt.
Sự chỉ đạo chiến lược của Trung ương sáng suốt ở chỗ: địch đang tập trung lực lượng lớn ở đồng bằng để uy hiếp vùng tự do của ta; nhưng ta thì không để lực lượng lớn ở đồng bằng, không phân tán lực lượng để bị động bảo vệ vùng tự do, mà lại tập trung binh lực, mạnh bạo tấn công lên hướng Tây Bắc. Quả nhiên, quân ta đã tiến lên Tây Bắc với một khí thế rất mạnh, quét sạch hàng nghìn thổ phỉ ở Sơn La và Thuận Châu, giải phóng thị xã Lai Châu, tiêu diệt phần lớn quân địch từ Lai Châu rút chạy; đồng thời chúng ta đã bao vây Điện Biên Phủ và buộc địch phải gấp rút điều động binh lực tăng cường cho Điện Biên Phủ, để tránh khỏi nguy cơ bị tiêu diệt. Ngoài đồng bằng Bắc Bộ, Điện Biên Phủ đã biến thành một nơi tập trung binh lực thứ hai của địch.
Đồng thời với cuộc tấn công lên Tây Bắc, các lực lượng Liên quân Lào - Việt đã mở cuộc tấn công thứ hai vào một phương hướng quan trọng mà địch tương đối sơ hở là mặt trận Trung Lào. Quả nhiên, Liên quân Lào - Việt đã tiến quân với một khí thế rất lớn. Nhiều đơn vị cơ động của địch bị tiêu diệt, thị xã Tha Khét được giải phóng. Đồng thời, các lực lượng của Liên quân đã phát triển về hướng Xênô, một căn cứ không quân quan trọng của địch ở Xavannakhét. Địch đã phải gấp rút điều động lực lượng từ đồng bằng Bắc Bộ và từ các chiến trường khác lên tăng viện, biến Xênô thành một nơi tập trung binh lực thứ ba của chúng.
Vào đầu năm 1954, trong khi địch đang chuẩn bị rầm rộ và bắt đầu mở cuộc tấn công vào vùng tự do của Liên khu V, chúng ta đã chủ trương chỉ để một phần lực lượng yểm hộ hậu phương và tập trung binh lực lớn tấn công lên Tây Nguyên là một phương hướng quan trọng về chiến lược mà địch tương đối sơ hở. Cuộc tiến quân lên Tây Nguyên đã đưa đến những thắng lợi rực rỡ, những bộ phận quan trọng sinh lực địch đã bị tiêu diệt, thị xã và toàn tỉnh Kon Tum đã được giải phóng. Quân ta đã tập kích vào Plâycu, buộc địch phải tăng thêm lực lượng, biến Plâycu và một số cứ điểm ở Tây Nguyên thành nơi tập trung binh lực thứ tư của địch.
Cũng vào thời gian ấy, để đánh lạc hướng phán đoán của địch, tạo điều kiện cho quân ta đẩy mạnh mọi công tác chuẩn bị ở Điện Biên Phủ, Liên quân Lào - Việt đã mở cuộc tấn công vào Thượng Lào. Nhiều đơn vị của địch đã bị tiêu diệt, lưu vực rộng lớn của sông Nậm Hu đã được giải phóng. Trong lúc đó địch đã buộc phải tăng thêm lực lượng lên Luông Phabăng biến Luông Phabãng thành một nơi tập trung binh lực thứ năm của địch.
Trong thời kỳ đầu của cuộc tấn công Đông Xuân, trải qua ba tháng hoạt động của quân ta, quân địch đã bị tổn thất nặng nề trên khắp các mặt trận, nhiều địa phương rộng lớn và quan trọng về chiến lược đã được giải phóng, kế hoạch tập trung binh lực của Nava đã bị phá tan. Từ chỗ ra sức tập trung một binh lực cơ động khá mạnh ở một mặt trận là đồng bằng Bắc Bộ, địch đã bị buộc phải thay đổi kế hoạch đi đến tập trung binh lực với một mức độ thấp hơn ở nhiều địa điểm khác nhau; nói một cách khác, kế hoạch chủ động tập trung binh lực của Nava đã biến thành một hiện tượng bị động phân tán binh lực. “Khối cơ động” nổi tiếng của Nava ở đồng bằng đã từ 44 tiểu đoàn rút xuống 20 tiểu đoàn. Kế hoạch Nava đã bắt đầu phá sản từ đó.
Thời kỳ đầu của cuộc tấn công Đông Xuân là thời kỳ quân ta mở một loạt tấn công vào những hướng quan trọng và tương đối sơ hở của địch, tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng đất đai, đồng thời buộc địch phải phân tán binh lực trên nhiều hướng, giành thế chủ động về ta, hãm địch vào thế bị động. Thời kỳ này cũng là thời kỳ, trên hướng chính, chủ lực ta giam hãm địch ở Điện Biên Phủ, để tạo điều kiện cho quân ta tiêu diệt địch trên các hướng khác. Trên chiến trường cả nước, đã diễn ra một sự phối hợp quy mô rộng lớn giữa mặt trận chính diện và mặt trận sau lưng địch. Trên mỗi một chiến trường, cũng đều có sự phối hợp giữa mặt trận chính diện và mặt trận sau lưng địch. Đứng về cả nước mà nói thì Điện Biên Phủ đã trở nên nơi địch tập trung lực lượng mạnh nhất, Điện Biên Phủ đã trở nên mặt trận chính diện chủ yếu. Do chỗ Điện Biên Phủ bị bao vây trong một thời gian dài, chiến tranh du kích ở các nơi đã có điều kiện thuận lợi mới để phát triển mạnh và thu được thắng lợi lớn, ở đồng bằng Bắc Bộ, ở cực Nam Trung Bộ cũng như Nam Bộ; địch không còn lực lượng để mở những cuộc càn quét tương đối lớn nữa. Trong lúc đó thì vùng tự do của ta cũng không còn bị uy hiếp; không những thế, đồng bào ta ở vùng tự do lại có điều kiện để tự do làm ăn cả ban ngày, không còn bị máy bay địch quấy nhiễu.
Thời kỳ đầu của kế hoạch tấn công Đông Xuân cũng là thời kỳ tiến hành mọi công tác chuẩn bị để mở cuộc tấn công vào Điện Biên Phủ. Hình thái của tập đoàn cứ điểm cũng đã thay đổi nhiều, một mặt lực lượng địch đã tăng cường, công sự phòng ngự đã củng cố thêm; mặt khác sau khi Lai Châu, Phong Sa Lỳ, lưu vực sông Nậm Hu lần lượt được giải phóng, thì Điện Biên Phủ đã trở nên hoàn toàn cô lập, cách xa những căn cứ tiếp tế của địch như Hà Nội hay Cánh đồng Chum hàng mấy trăm kilômét.
Từ ngày 13 tháng 3 năm 1954, thời kỳ thứ hai của chiến cuộc Đông Xuân bắt đầu, chúng ta mở cuộc Đại tấn công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đây là một bước mới trong hình thái chiến sự. Nắm vững phương châm tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt, nắm vững những điều kiện chiến thắng trên mặt trận Điện Biên Phủ, chúng ta tập trung đại bộ phận chủ lực tinh nhuệ của ta mở cuộc Đại tấn công vào tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của địch. Chúng ta đã chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược. Nhiệm vụ của chủ lực trên mặt trận chính không phải là bao vây giam giữ quân địch nữa, mà lại là chiến đấu liên tục, tập trung lực lượng để tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Nhiệm vụ của các chiến trường khắp Trung, Nam, Bắc là phải hoạt động liên tục, để phối hợp với Điện Biên Phủ, để tiêu diệt thêm sinh lực của địch và phân tán giam giữ lực lượng của chúng, làm trở ngại, không để cho chúng dễ dàng tăng viện lên Điện Biên Phủ. Trên mặt trận Điện Biên Phủ, quân ta đã chiến đấu với một tinh thần anh dũng và bền bỉ rất cao. Trên các mặt trận phối hợp, đâu đâu quân ta cũng đều ra sức khắc phục những khó khăn rất lớn, vừa tác chiến vừa chấn chỉnh bộ đội, và đã chấp hành mệnh lệnh phối hợp với tinh thần anh dũng và bền bỉ rất đáng cảm phục.
Trên đây là nội dung chủ yếu của vấn đề chỉ đạo chiến lược trong chiến dịch Điện Biên Phủ và nói chung trong chiến cuộc Đông Xuân. Sự chỉ đạo chiến lược của Trung ương đã nắm vững phương châm “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”, nắm vững tư tưởng “Tiêu diệt sinh lực địch là chính, lợi dụng triệt để những mâu thuẫn của địch, phát huy tinh thần tích cực tấn công của quân đội cách mạng đến cao độ”. Sự chỉ đạo chiến lược chính xác, sáng suốt, anh dũng đó đã điều động binh lực địch theo ý định của ta, tạo nên điều kiện thuận lợi để đánh một trận quyết định trên một chiến trường ta đã chọn lựa và chuẩn bị. Sự chỉ đạo chiến lược đó đã quyết định thắng lợi của toàn bộ chiến cuộc Đông Xuân mà điểm trung tâm là chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ.
VẤN ĐỀ CHỈ ĐẠO CHIẾN DỊCH
Chúng ta đã trình bày nội dung chủ yếu của sự chỉ đạo chiến lược trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954. Căn cứ vào tinh thần và phương châm của sự chỉ đạo chiến lược đó, đứng về chỉ đạo chiến dịch mà nói, trên mặt trận Điện Biên Phủ, hai vấn đề cần giải quyết đã đặt ra:
1. Đánh Điện Biên Phủ hay không đánh?
2. Và nếu đánh thì đánh bằng cách nào?
Bởi vì không nhất định địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ thì ta đánh Điện Biên Phủ. Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm rất mạnh của địch, đánh hay không đánh không phải là một vấn đề không đắn đo cân nhắc mà có thể giải quyết đúng đắn được. Tập đoàn cứ điểm là một hình thái phòng ngự mới của địch xuất hiện trên chiến trường trước sự lớn mạnh của quân đội ta. Ở Hòa Bình cũng như ở Nà Sản, địch đã từng bố trí lực lượng của chúng thành tập đoàn cứ điểm. Trong chiến cuộc Đông Xuân, những tập đoàn cứ điểm mới lại xuất hiện, không những ở Điện Biên Phủ, mà còn ở Xênô, ở Mường Sai, ở Luông Phabăng trên chiến trường Lào; ở Plâycu trên chiến trường Tây Nguyên.
Đứng trước hình thái phòng ngự mới của địch, chúng ta chủ trương đánh vào tập đoàn cứ điểm hay không đánh. Trong những điều kiện lực lượng ta còn kém lực lượng địch một cách rõ rệt về số lượng và trang bị kỹ thuật, nắm vững tư tưởng tập trung lực lượng tấn công vào những nơi địch tương đối yếu để tiêu diệt sinh lực của chúng, chúng ta đã từng chủ trương kiềm giữ chủ lực của địch ở tập đoàn cứ điểm, chọn những hướng thuận lợi hơn để mở cuộc tấn công.
Mùa Xuân 1952, địch đóng tập đoàn cứ điểm ở Hòa Bình, ta đã đánh mạnh và chiến thắng địch ở dọc sông Đà và trên mặt trận sau lưng địch ở Bắc Bộ.
Mùa Xuân 1953, địch đóng tập đoàn cứ điểm ở Nà Sản, chúng ta đã chủ trương không đánh Nà Sản mà tăng cường hoạt động ở đồng bằng và mở cuộc tấn công về hướng tây. Trong những tháng cuối năm 1953 và đầu năm 1954, địch đóng tập đoàn cứ điểm ở nhiều nơi, thì quân ta mở nhiều cuộc tấn công thắng lợi vào những hướng địch tương đối yếu, đồng thời chúng ta đã đẩy mạnh chiến tranh du kích ở sau lưng địch.
Chủ trương tác chiến không trực tiếp tấn công vào tập đoàn cứ điểm đã từng đưa lại nhiều thắng lợi. Nhưng đó không phải là cách tác chiến duy nhất. Chúng ta còn có thể chủ trương trực tiếp tấn công vào tập đoàn cứ điểm, nhằm tiêu diệt sinh lực địch ngay trong hình thái phòng ngự mới của nó. Và chỉ có tiêu diệt tập đoàn cứ điểm thì mới mở được cục diện mới, mới mở đường cho quân đội ta tiến lên, cho cuộc kháng chiến đi đến những thắng lợi quan trọng.
Từ khi hình thái phòng ngự mới của địch mới xuất hiện, chúng ta đã dầy công nghiên cứu và ra sức chuẩn bị bộ đội ta về tổ chức trang bị cũng như về chiến thuật, kỹ thuật, về tinh thần chiến đấu, để có thể tiến lên tiêu diệt tập đoàn cứ điểm của địch. Và có thể nói rằng bước vào Thu Đông 1953 thì bộ đội chủ lực ta đã có sự chuẩn bị đến một trình độ nhất định để làm nhiệm vụ đó.
Chính vì vậy mà khi địch cho quân nhảy dù đánh chiếm Điện Biên Phủ và dần dần biến Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh, thì Trung ương Đảng ta đã nhanh chóng hạ quyết tâm tập trung lực lượng tiêu diệt quân địch ở Điện Biên Phủ.
Chúng ta nhận định rằng Điện Biên Phủ là điểm trung tâm của kế hoạch Nava. Cho nên có tiêu diệt được tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thì mới phá tan được kế hoạch kéo dài và mở rộng chiến tranh của đế quốc Pháp - Mỹ. Nhưng sự quan trọng của Điện Biên Phủ không thế coi là một nhân tố quyết định để hạ quyết tâm trong chiến dịch. Nhân tố quyết định là ở chỗ: Căn cứ vào so sánh lực lượng giữa địch và ta, căn cứ vào khả năng phòng thủ của địch và khả năng chiến đấu của quân ta, chúng ta có thể tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ hay không, ta có nắm chắc phần thắng lợi hay không?
Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm rất mạnh của địch, đó là một mặt. Nhưng mặt khác thì Điện Biên Phủ là một vị trí dựng lên ở chiến trường rừng núi, địa hình có lợi cho ta, không lợi cho địch. Điện Biên Phủ lại là một vị trí hoàn toàn cô lập, cách xa những căn cứ hậu phương của địch, tất cả mọi việc giao thông tiếp tế đều trông cậy vào máy bay; hoàn cảnh đó dễ đưa địch vào chỗ bị động phòng ngự. Về phía ta thì lực lượng ta là những đơn vị chủ lực tinh nhuệ, chúng ta có thể tập trung binh lực đầy đủ, có thể khắc phục khó khăn để giải quyết những vấn đề chiến thuật cần thiết; chúng ta lại có một hậu phương rộng lớn, vấn đề cung cấp tiếp tế có nhiều khó khăn rất lớn nhưng không phải không thể khắc phục; do những điều kiện đó, chúng ta dễ nắm quyền chủ động trong khi tác chiến.
Sự phân tích nói trên về chỗ mạnh và chỗ yếu của ta và của địch chính là cơ sở cho chúng ta hạ quyết tâm tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ, sau một thời gian tạo điều kiện thuận lợi bằng nhiều cuộc tấn công trên các chiến trường cả nước, đồng thời xúc tiến mạnh mẽ công tác chuẩn bị trên mặt trận Điện Biên Phủ.
Quyết tâm rất lớn đó chứng minh một lần nữa tinh thần tích cực, chủ động, linh hoạt trong sự chỉ đạo chiến tranh của Trung ương. Chúng ta chủ trương mở những cuộc tấn công vào những hướng địch tương đối yếu, tranh thủ tiêu diệt địch trong vận động; nhưng nếu điều kiện cho phép, thắng lợi đảm bảo, thì chúng ta quyết không bỏ qua cơ hội tốt dùng cách đánh công kiên lớn để tiêu diệt một kẻ địch tương đối tập trung.
Quyết tâm mở cuộc tấn công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ rõ ràng đã đánh dấu một bước mới trong sự phát triển của cuộc tấn công Đông Xuân của ta, cũng như trong lịch sử chiến đấu của quân đội ta, trong lịch sử kháng chiến của nhân dân ta.
Quyết tâm mở cuộc tấn công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ rõ ràng đã đánh dấu một bước mới trong sự phát triển của cuộc tấn công Đông Xuân của ta, cũng như trong lịch sử chiến đấu của quân đội ta, trong lịch sử kháng chiến của nhân dân ta.
Hạ quyết tâm tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ nhưng còn phải giải quyết vấn đề: tiêu diệt bằng cách nào, Đánh nhanh giải quyết nhanh hay là Đánh chắc tiến chắc. Đó là vấn đề Phương châm của chiến dịch.
Trong thời gian đầu, khi quân ta mới thực hiện bao vây Điện Biên Phủ, quân địch mới nhảy dù xuống, công sự chưa củng cố, lực lượng chưa tăng cường nhiều, vấn đề đánh nhanh giải quyết nhanh đã được đặt ra. Tập trung binh lực đầy đủ, chia nhiều hướng đánh sâu vào trong lòng địch, cắt tập đoàn cứ điểm ra từng bộ phận, rồi nhanh chóng tiêu diệt toàn bộ sinh lực địch. Tranh thủ thời gian đánh nhanh giải quyết nhanh như vậy, có nhiều điều có lợi rất rõ rệt: quân ta mở cuộc tấn công lớn khi còn sung sức, cuộc chiến đấu không kéo dài nên ít ngại tiêu hao mỏi mệt; thời gian của chiến dịch không dài, vấn đề tiếp tế cung cấp chắc chắn bảo đảm được.
Tuy nhiên, đi sâu vào, thì đánh nhanh giải quyết nhanh có một điều bất lợi rất lớn, rất căn bản: quân đội ta chưa có kinh nghiệm đánh tập đoàn cứ điểm, nếu muốn giải quyết nhanh thì phần thắng lợi không đảm bảo một cách chắc chắn được. Chính vì vậy mà trong khi tiến hành các công tác chuẩn bị, chúng ta đã tiếp tục theo dõi tình hình địch, kiểm tra lại khả năng của ta. Và chúng ta nhận định rằng: Đánh nhanh giải quyết nhanh thì không nắm chắc được phần thắng lợi. Do đó, chúng ta đã kiên quyết xác định phương châm của chiến dịch là “Đánh chắc tiến chắc”.
Quyết định chính xác đó đã thấm nhuần sâu sắc tư tưởng “Đánh chắc thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng thì không đánh, - một nguyên tắc cơ bản trong sự chỉ đạo chiến tranh cách mạng".
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, việc xác định phương châm "Đánh chắc tiến chắc" đã đòi hỏi một quyết tâm rất lớn. Bởi vì đánh chắc tiến chắc thì mọi công tác chuẩn bị đều phải kéo dài, thời gian chiến dịch phải kéo dài. Mà thời gian càng kéo dài thì nhiều khó khăn mới, rất lớn, lại nảy ra. Khó khăn về cung cấp tiếp tế tăng lên gấp mấy lần; bộ đội càng lo ngại bị mỏi mệt tiêu hao; trong lúc đó, quân địch lại càng củng cố phòng ngự, lực lượng của chúng cũng có thể tăng thêm. Nhất là thời gian chiến dịch càng kéo dài thì mùa mưa càng gần lại, mùa mưa trên chiến trường rừng núi với tất cả ảnh hưởng nguy hại của nó. Cho nên, không phải ngay từ lúc đầu mà mọi người đều thông suốt phương châm “Đánh chắc tiến chắc”. Chúng ta đã kiên trì giáo dục, chỉ rõ những khó khăn nói trên đều có thực, nhưng nhiệm vụ của chúng ta là phải ra sức khắc phục những khó khăn đó, có thế mới tạo nên điều kiện tốt để giành được thắng lợi to lớn mà chúng ta mong muốn.
Do phương châm "Đánh chắc tiến chắc", chúng ta đã đề ra kế hoạch đánh từng bước, không quan niệm chiến dịch Điện Biên Phủ thành một trận đánh công kiên quy mô rộng lớn và diễn ra trong một thời gian ngắn, mà quan niệm chiến dịch Điện Biên Phủ thành một chiến dịch quy mô rộng lớn, diễn ra trong một thời gian khá dài, và gồm cả một loạt trận chiến đấu công kiên không lớn lắm kế tiếp nhau cho đến khi quân địch bị hoàn toàn tiêu diệt.
Nhìn chung cả chiến dịch mà nói thì chúng ta đã có ưu thế binh lực so với địch, nhưng trong mỗi một cuộc chiến đấu hay trong mỗi một đợt chiến đấu, chúng ta sẽ có điều kiện để thực hiện một ưu thế đầy đủ, bảo đảm chắc thắng cho từng cuộc chiến đấu hay từng đợt chiến đấu, do đó mà bảo đảm toàn thắng cho chiến dịch.
Một kế hoạch tác chiến như vậy rất phù hợp với trình độ chiến thuật, kỹ thuật của quân đội ta lúc bấy giờ, nó tạo điều kiện cho quân đội ta vừa chiến đấu vừa học tập kinh nghiệm, do đó mà thực hiện một cách vững chắc quyết tâm tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ.
Phương châm "Đánh chắc tiến chắc" đã được giữ vững trong suốt quá trình của chiến dịch. Chúng ta đã bao vây địch và tiến hành mọi công tác chuẩn bị trong ba tháng ròng rã; và từ khi cuộc tấn công bắt đầu, quân ta đã chiến đấu liên tục trong 55 ngày đêm. Cuộc chuẩn bị đầy đủ và cuộc chiến đấu liên tục đó đã đưa chiến dịch Điện Biên Phủ đến thắng lợi rực rỡ.
MẤY VẤN ĐỀ CHIẾN THUẬT
Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm tập trung một binh lực khá mạnh: 17 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, ngoài ra còn có các đơn vị cơ giới, không quân, vận tải, v.v. hầu hết là những đơn vị tinh nhuệ nhất trong quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương.
Tập đoàn cứ điểm gồm 49 điểm tựa, tổ chức thành những trung tâm đề kháng kiên cố, chia làm ba phân khu yểm hộ lẫn nhau. Ở giữa là phân khu trung tâm, được các trung tâm đề kháng trên các ngọn đồi phía đông che chở một cách đắc lực, có các lực lượng cơ động, các căn cứ pháo binh và cơ giới, có sở chỉ huy của địch. Sân bay chính của Điện Biên Phủ cũng ở ngay đấy. Toàn bộ tổ chức phòng ngự quy mô rộng lớn nói trên đều nằm trong công sự và hào giao thông, chìm dưới mặt đất.
Các tướng tá cao cấp Pháp - Mỹ nhận định rằng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là một pháo đài kiên cố không sức mạnh nào có thể công phá được. Chúng cho rằng nếu quân ta mở cuộc tấn công vào Điện Biên Phủ thì chỉ có thể có một kết quả là đi vào con đường tự sát, sự thất bại chắc chắn không thể nào tránh khỏi. Cho nên, qua mấy tuần lễ đầu, bộ chỉ huy Pháp đinh ninh cho rằng khả năng quân ta tấn công Điện Biên Phủ không phải là nhiều lắm. Mãi cho đến phút cuối cùng, cuộc tấn công của quân ta vẫn hoàn toàn bất ngờ đối với địch.
Tướng Nava đã đánh giá quá cao hệ thống phòng ngự của Điện Biên Phủ. Địch cho rằng chỉ lấy từng trung tâm đề kháng mà nói, quân ta cũng không thể nào tiêu diệt được. Là vì ở đây không phải là hình thức điểm tựa đơn giản như ở Nà Sản hay Hòa Bình, mà lại là những trung tâm đề kháng, một tổ chức phòng ngự phức tạp và kiên cố hơn rất nhiều.
Đứng về toàn bộ tập đoàn cứ điểm mà nói thì địch cho rằng quân ta lại càng không có khả năng tiêu diệt được. Chúng cho rằng hỏa lực pháo binh và không quân của Điện Biên Phủ có đủ sức mạnh để tiêu diệt mọi lực lượng tấn công từ ngoài vào, trước khi chưa triển khai ở cánh đồng, trước khi chưa tiếp cận được. Địch không hề lo ngại gì đối với pháo binh của ta không những còn yếu ớt mà không có cách nào vận chuyển đến vùng lân cận của Điện Biên Phủ. Địch cũng không hề lo ngại gì cho vấn đề tiếp tế của chúng, vì hai sân bay đều ở ngay trong lòng các phân khu, không thể nào bị uy hiếp được. Trước sau, địch không bao giờ nghĩ đến khả năng toàn bộ tập đoàn cứ điểm có thể bị quân ta tiêu diệt.
Nhận định nói trên của địch rõ ràng là một nhận định chủ quan, nhưng không phải là hoàn toàn không có căn cứ. Quả thật, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có nhiều chỗ mạnh; những chỗ mạnh đó đặt ra cho quân ta nhiều vấn đề mới về chiến thuật cần phải giải quyết, và có giải quyết các vấn đề chiến thuật đó thì mới thực hiện được ý định tiêu diệt địch.
Tập đoàn cứ điểm là một hệ thống phòng ngự có một binh lực lớn, các trung tâm đề kháng có quan hệ mật thiết với nhau, lại được sự yểm hộ đắc lực của pháo binh, cơ giới, không quân, sự chi viện của các lực lượng cơ động. Đó là chỗ mạnh của địch, là khó khăn của ta. Chúng ta đã khắc phục khó khăn đó bằng chiến thuật đánh từng bước, tập trung đầy đủ binh lực, với cách đánh thích hợp, ra sức kiềm chế hỏa lực pháo binh và binh lực cơ động của địch, tạo điều kiện để tiêu diệt từng trung tâm đề kháng một, hay một bộ phận gồm một số trung tâm đề kháng trong một đợt tấn công. Tập trung binh lực đầy đủ, có cách đánh thích hợp thì nhất định tiêu diệt được địch, nhất là lúc đầu, đối với một số cứ điểm ngoại vi. Cách đánh từng bước nói trên lại hợp với trình độ bộ đội ta. Chính cách đánh đúng và sáng tạo đó đã tạo nên bước nhảy vọt làm cho bộ đội ta chỉ trong một thời gian ngắn đã tiến vượt bậc từ chỗ mới tiêu diệt được cứ điểm độc lập một tiểu đoàn của địch đến chỗ tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm rất mạnh của chúng.
Tập đoàn cứ điểm có một hỏa lực pháo binh, cơ giới và không quân khá mạnh. Đó là chỗ mạnh của địch, là khó khăn rất lớn của ta, nhất là trong điều kiện quân ta chỉ có một hỏa lực pháo binh rất có hạn, quân ta không có cơ giới, không có không quân. Chúng ta đã khắc phục khó khăn đó bằng cả một hệ thống hào giao thông, một hệ thống trận địa tấn công và bao vây, tạo điều kiện cho quân ta triển khai và vận động dưới hỏa lực của địch. Các chiến sĩ ta đã đào hàng trăm kilômét hào giao thông, các hào giao thông huyền diệu đó đã giải quyết vấn đề triển khai lực lượng ở ngay cánh đồng và vận động bộ đội dưới bom napan và đạn pháo của địch. Giảm bớt hiệu lực của hỏa lực địch chưa đủ, chúng ta còn phải phát huy sức mạnh hỏa lực của ta. Quân ta đã bạt núi xẻ đồi, mở những con đường mới để vận chuyển pháo của ta đến gần Điện Biên Phủ, nơi nào không mở đường được thì dùng sức người mà kéo pháo. Pháo binh của ta đã được bố trí trong những trận địa hết sức kiên cố, một cách hoàn toàn bất ngờ đối với địch. Pháo binh nhỏ bé của ta đã có một tác dụng lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Hạn chế những chỗ mạnh của địch, đồng thời phải khơi sâu những nhược điểm của chúng. Nhược điểm lớn hơn hết của địch là vấn đề tiếp tế, chỉ dựa vào không quân. Chiến thuật của ta là ngay từ lúc đầu phải dùng hỏa lực của pháo binh mà khống chế sân bay, dùng pháo cao xạ mà đối phó với hoạt động không quân của chúng, về sau, theo sự phát triển của các đợt tấn công, phải dùng đủ mọi biện pháp mà ngăn trở việc tiếp tế của địch; đi đến dần dần triệt tiếp tế của chúng.
Trên đây là một số vấn đề chiến thuật chúng ta đã giải quyết trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Chúng ta đã giải quyết những vấn đề đó trên cơ sở phân tích chỗ mạnh và chỗ yếu của địch, kết hợp những biện pháp kỹ thuật với tinh thần anh dũng, tinh thần lao động và chiến đấu của một quân đội nhân dân.
Nhìn chung lại, với những nội dung chiến thuật nói trên, kế hoạch tác chiến của ta là một kế hoạch xây dựng cả một hệ thống trận địa tấn công và bao vây, yểm hộ cho quân ta liên tục mở những đợt tấn công để tiêu diệt địch. Trận địa tấn công và bao vây đó với vô số hào giao thông, chiến hào, với các công sự hỏa lực, các địa điểm chỉ huy của nó, cứ dần dần theo sự thắng lợi của chiến dịch mà từ các rừng núi lân cận tiến xuống cánh đồng, mỗi một cứ điểm của địch bị tiêu diệt có thể tổ chức ngay lại thành cứ điểm của ta. Bao vây lấy tập đoàn cứ điếm của địch, dần dần đã hình thành hầu như một hệ thống tập đoàn cứ điểm của quân ta, một tập đoàn cứ điểm hết sức cơ động, cứ khép mãi vòng vây lại, trong khi tập đoàn cứ điểm của địch càng bị thu hẹp thêm.
Trong giai đoạn thứ nhất của chiến dịch, từ những trận địa tấn công và bao vây mới xây dựng, chúng ta đã tiêu diệt các trung tâm đề kháng Him Lam, Độc Lập và cả phân khu phía bắc. Quân địch đã cố gắng điên cuồng để triệt hạ các căn cứ hỏa lực của ta. Không quân chúng đã giội bom napan xuống các đồi núi xung quanh Điện Biên Phủ; pháo binh của chúng đã tập trung bắn phá dữ dội các căn cứ hỏa lực của ta. Trận địa của ta vẫn được giữ vững.
Trong giai đoạn thứ hai, hào giao thông trục và rất nhiều hào giao thông chi nhánh của trận địa ta đã phát triển xuống đến tận cánh đồng, cắt phân khu trung tâm với phân khu phía nam. Cuộc tấn công gay go nhưng thắng lợi vào các ngọn đồi phía đông đã tạo điều kiện cho vòng vây hỏa lực của quân ta khép lại. Từ các vị trí quân ta đã đánh chiếm, tất cả các cỡ hỏa lực của ta đều có thể uy hiếp quân địch. Sân bay đã bị hoàn toàn khống chế. Lúc này chính là lúc quân địch ra sức tiếp viện để tăng thêm lực lượng cơ động, tổ chức phản kích, oanh tạc dữ dội vào trận địa của ta, để mong cứu vãn tình thế. Cả một hình thái cầm cự gay go đã diễn ra. Có ngọn đồi ta với địch đã chiếm đi chiếm lại nhiều lần; có cứ điểm ta chiếm một nửa, địch vẫn còn giữ một nửa. Quân ta thực hiện chiến thuật đánh lấn, đánh tỉa, tranh giành từng tấc đất, cắt đứt sân bay, thu hẹp vùng hoạt động trên không của địch.
Giai đoạn thứ ba là giai đoạn tổng công kích. Phạm vi chiếm đóng của địch đã bị thu hẹp vào một khu vực dài rộng từ trên một kilômét đến một kilômét rưỡi. Binh lực của chúng đã bị tổn thất rất nặng. Khi đồi A1 bị quân ta hoàn toàn chiếm lĩnh thì hy vọng cố thủ trận địa của địch đã bị tiêu tan, tinh thần chúng đã suy sụp đến cực độ. Ngày 7 - 5, quân ta mở cuộc tấn công từ các mặt, đánh chiếm sở chỉ huy, bắt sống toàn thể bộ tham mưu của địch. Ngay trong đêm ấy phân khu phía nam bị quân ta tiêu diệt.
Chiến dịch Điện Biên Phủ đã toàn thắng.
Các vị trí của địch trên đồi Him Lam bị trúng đạn pháo của ta đang bốc cháy, các vị trí trên đồi này đã bị tiêu diệt ngay trong ngày 13/3, ngày mở đầu chiến dịch. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Các vị trí của địch trên đồi Him Lam bị trúng đạn pháo của ta đang bốc cháy, các vị trí trên đồi này đã bị tiêu diệt ngay trong ngày 13/3, ngày mở đầu chiến dịch. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Giao thông hào của ta đã cắt đôi sân bay Mường Thanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các chiến sĩ xung kích tiêu diệt địch. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Giao thông hào của ta đã cắt đôi sân bay Mường Thanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các chiến sĩ xung kích tiêu diệt địch. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Các đơn vị xung kích của ta đang tấn công địch trên đồi A1. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Các đơn vị xung kích của ta đang tấn công địch trên đồi A1. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Ngày 7/5/1954, toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị quân ta tiêu diệt, lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" đang phấp phới bay trên nóc hầm tên bại tướng thực dân pháp Đờ-cát. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Ngày 7/5/1954, toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị quân ta tiêu diệt, lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" đang phấp phới bay trên nóc hầm tên bại tướng thực dân pháp Đờ-cát. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
TINH THẦN QUYẾT CHIẾN QUYẾT THẮNG
CỦA QUÂN ĐỘI
Nhiệm vụ trọng đại do Trung ương Đảng và Chính phủ đề ra cho toàn quân và toàn dân là: tập trung lực lượng, quán triệt quyết tâm “Tích cực phát huy tinh thần chiến dấu anh dũng, chịu đựng gian khổ, giành toàn thắng cho chiến dịch”. Vì chiến dịch Điện Biên Phủ, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã nhận định, là một chiến dịch lịch sử, có một ý nghĩa rất quan trọng đối với tình hình quân sự và chính trị ở nước ta, đối với sự trưởng thành của quân đội ta, đối với tiền đồ của cuộc kháng chiến của nhân dân ta cũng như đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng của các dân tộc trên thế giới.
Chiến dịch Điện Biên Phủ là một chiến dịch lịch sử, có một ý nghĩa rất quan trọng đối với tình hình quân sự và chính trị ở nước ta, đối với sự trưởng thành của quân đội ta, đối với tiền đồ của cuộc kháng chiến của nhân dân ta cũng như đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng của các dân tộc trên thế giới.
Toàn quân ta đã phấn đấu để thực hiện nhiệm vụ trọng đại đó với một quyết tâm rất cao. Tinh thần Quyết chiến Quyết thắng của quân đội là một trong những nhân tố quyết định đã đưa chiến dịch Điện Biên Phủ, và nói chung cả chiến cuộc Đông Xuân trên khắp các mặt trận đến thắng lợi rực rỡ.
Trong suốt cuộc kháng chiến của dân tộc, quân ta chưa bao giờ đứng trước một nhiệm vụ to lớn và nặng nề như trong Đông Xuân 1953-1954. Kẻ địch phải tiêu diệt là một kẻ địch khá mạnh. Lực lượng ra trận của ta là một lực lượng lớn. Chiến trường rộng lớn, thời gian tác chiến kéo dài đến nửa năm. Trên mặt trận Điện Biên Phủ, cũng như trên các mặt trận phối hợp, quân ta đã đem một tinh thần anh dũng và gian khổ rất bền bỉ mà khắc phục không biết bao nhiêu khó khăn lớn, vượt qua không biết bao nhiêu trở ngại lớn, để tiêu diệt quân địch, hoàn thành nhiệm vụ. Tinh thần anh dũng và vượt qua gian khổ đó đã được rèn luyện trong bao năm kháng chiến; đặc biệt trong Đông Xuân 1953-1954, tinh thần tích cực cách mạng của quân đội ta đã được nâng cao rất rõ rệt sau các cuộc chỉnh huấn về chính sách phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất. Ở đây, cần nhấn mạnh tác dụng lớn lao của chính sách cải cách ruộng đất với các chiến thắng Đông Xuân, nhất là trên mặt trận Điện Biên Phủ.
Trên mặt trận Điện Biên Phủ, trong thời gian chuẩn bị, quân đội ta đã đem sức mạnh lao động sáng tạo mà mở đường tiếp tế từ Tuần Giáo đến Điện Biên Phủ, làm đường xe hơi để chuyển pháo vào trận địa, xuyên qua rừng núi Điện Biên Phủ; xây dựng trận địa pháo binh, đào hào giao thông từ đồi núi đến cánh đồng, biến đổi địa hình thiên nhiên, san bằng những trở ngại rất lớn, sáng tạo điều kiện thuận lợi để tiêu diệt quân địch. Khó khăn, mỏi mệt, bom đạn của địch không hề làm nao núng ý chí của quân ta.
Tiếng súng tấn công Điện Biên Phủ đã nổ. Trong suốt chiến dịch, quân ta đã chiến đấu với một tinh thần vô cùng oanh liệt. Dưới mưa bom của không quân địch, trong lưới lửa của pháo binh địch, quân ta đã anh dũng xung phong hãm trận, đánh chiếm đồi Him Lam, đánh chiếm đồi Độc Lập, ào ạt tiêu diệt địch trên các ngọn đồi phía đông, phát triển trận địa, cắt đứt sân bay, đánh lui các trận phản kích, thắt chặt mãi vòng vây lại. Trong suốt thời gian đó, bom napan của địch đã đốt sạch cây cỏ trên các ngọn đồi, bom đạn của địch đã cày sâu nhiều mảnh ruộng ở ngay trận địa của ta. Nhưng, quân ta vẫn tiến lên làm nhiệm vụ, người trước ngã kẻ sau tiếp, không khác nào một ngọn trào anh dũng dâng lên mãnh liệt, không có một sức mạnh nào ngăn cản được. Đây là biểu hiện rực rỡ của chủ nghĩa anh hùng tập thể, mà Tô Vĩnh Diện hy sinh tính mệnh để bảo vệ pháo, Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, tổ xung phong cắm cờ Quyết chiến Quyết thắng lên ngọn đồi Him Lam, tiểu đội xung phong đánh chiếm sở chỉ huy của địch, là những tấm gương chói lọi nhất và đáng kính phục nhất.
Trên các mặt trận phối hợp, tinh thần anh dũng và vượt qua gian khổ của quân đội ta cũng rất đáng nêu lên. Mặt trận Tây Nguyên với các chiến thắng lớn ở Kon Tum, An Khê. Mặt trận đồng bằng Bắc Bộ với các trận tập kích vào sân bay Gia Lâm, Cát Bi, nhiều cứ điểm kiên cố của địch bị tiêu diệt, đường số 5 bị cắt đứt. Mặt trận Nam Bộ với trên 1.000 đồn bốt địch bị tiêu diệt và bức rút, với bao nhiêu trận phá kho bom, đánh tầu địch... Trên mặt trận các nước bạn láng giềng, các đơn vị bộ đội Tình nguyện ta cũng đã sát cánh với Quân đội và nhân dân nước bạn, tiêu diệt quân xâm lược, lập nhiều chiến công.
Chưa bao giờ quân đội ta đã chiến đấu liên tục trong một thời gian dài như trong Đông Xuân 1953-1954. Có đơn vị đã hành quân và truy kích địch trên ba nghìn kilômét. Có đơn vị đã hành quân bí mật trên nghìn kilômét trong rừng núi Trường Sơn để làm nhiệm vụ phối hợp ở một chiến trường xa. Các đơn vị ở mặt trận Điện Biên Phủ thì đã hành quân từ đồng bằng lên rừng núi, rồi bắt tay vào làm công tác lao động một cách khẩn trương, đồng thời chiến đấu để bảo vệ công tác chuẩn bị; tiếp đó là bước vào chiến dịch, sống và chiến đấu hai tháng trong trận địa sau khi đã nằm rừng ngủ lán trong ba tháng trời; giữa chừng cũng có đơn vị lãnh nhiệm vụ mở những cuộc tấn công bất ngờ ở những nơi xa cách hàng hai, ba trăm kilômét, sau đó trở về tham gia tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ. Trong chiến đấu, tinh thần hợp đồng giữa các đơn vị, các binh chủng đã được rèn luyện bồi dưỡng, tinh thần phối hợp giữa các chiến trường cũng rất chặt chẽ.
Tinh thần quyết chiến quyết thắng nói trên của quân đội ta do truyền thống quật cường bất khuất của dân tộc ta, do bản chất cách mạng của quân đội ta, do sự dày công giáo dục của Đảng, do các cuộc chiến đấu và chỉnh huấn trước đây đã hun đúc nên.
Giữa lúc chiến sự gay go, không phải những nhân tố tiêu cực không nảy nở. Giữ vững và phát huy tinh thần quyết chiến quyết thắng đó là cả một quá trình giáo dục và đấu tranh liên tục và kiên nhẫn, là cả một sự cố gắng liên tục và kiên nhẫn của công tác chính trị trên chiến trường, lại là một nhiệm vụ lớn của tổ chức Đảng, của chi bộ, của cán bộ.
Sau những trận chiến thắng giòn giã, tư tưởng chủ quan khinh địch đã từng nảy nở, chúng ta đã kịp thời phê phán để uốn nắn lại. Trong khi công tác chuẩn bị kéo dài, nhất là sau đợt hai của chiến dịch, cuộc chiến đấu cầm cự diễn ra vô cùng ác liệt, tư tưởng hữu khuynh tiêu cực một lúc cũng lại nảy nở, ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ. Theo chỉ thị của Bộ Chính trị, chúng ta đã triển khai ngay trước mặt trận một cuộc đấu tranh sâu rộng chống tư tưởng hữu khuynh tiêu cực, phát huy tinh thần tích cực cách mạng và tinh thần triệt để chấp hành mệnh lệnh, nhằm bảo đảm toàn thắng cho chiến dịch. Cuộc đấu tranh tư tưởng đã thành công lớn; đó là một trong những thành công lớn nhất về công tác chính trị trong lịch sử của quân đội ta. Thành công đó đã đưa chiến dịch Điện Biên Phủ đến toàn thắng.
Tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân ta trên mặt trận Điện Biên Phủ và trên các mặt trận phối hợp là một biểu hiện tập trung của lòng yêu nước nồng nàn, của lòng trung thành vô hạn của quân đội nhân dân ta đối với sự nghiệp đấu tranh cách mạng của dân tộc, của Đảng. Đó là một biếu hiện tập trung của truyền thống kiên cường bất khuất của dân tộc Việt Nam ta. Đó là một biểu hiện tập trung của tinh thần hy sinh đến giọt máu cuối cùng để cứu nước, cứu nhà, của tinh thần triệt để cách mạng, của lập trường giai cấp của người cán bộ và chiến sĩ, của người đảng viên trong quân đội. Nó là truyền thống chiến đấu anh dũng, chịu đựng gian khố, quyết tâm làm tròn nhiệm vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tinh thần quyết chiến quyết thắng đã rèn luyện người chiến sĩ của quân đội nhân dân thành người chiến sĩ gang thép. Truyền thống Điện Biên Phủ mãi mãi là truyền thống chiến đấu và chiến thắng của quân đội ta, của nhân dân ta. Lá quân kỳ của chúng ta là lá quân kỳ Quyết thắng.
TINH THẦN PHỤC VỤ TIỀN TUYẾN CỦA NHÂN DÂN
Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định: toàn dân, toàn Đảng tập trung toàn lực chi viện cho tiền tuyến, nhất định bảo đảm cho chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, và nói chung trong cả chiến cuộc Đông Xuân, toàn dân ta, anh chị em công nhân, anh chị em nông dân, anh chị em thanh niên, trí thức, mỗi một người dân Việt Nam yêu nước, đều đã đáp lại lời kêu gọi của nhiệm vụ giải phóng đất nước, ra sức thực hiện khẩu hiệu “Tất cả cho mặt trận, tất cả để chiến thắng” với một tinh thần hăng hái và phấn khởi lạ thường, với một sự cố gắng vượt bậc.
Chưa bao giờ, trong suốt mấy năm kháng chiến, dân ta đã góp công sức nhiều như trong Đông Xuân 1953-1954, để chi viện cho quân đội giết giặc. Trên mặt trận chính, ở Điện Biên Phủ, vấn đề là phải cung cấp lương thực, đạn dược cho một binh lực lớn, ở xa hậu phương 500 - 700km, trong một thời gian dài, và trong điều kiện đường sá khó khăn, phương tiện vận tải thiếu thốn, quân địch không ngừng đánh phá các tuyến cung cấp của ta. Lại còn thời tiết nữa, một trận mưa có thể gây ra trở ngại nhiều hơn một trận bom của địch.
Trên mặt trận Điện Biên Phủ, vấn đề bảo đảm cung cấp lương thực, đạn dược là một nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật; khó khăn về cung cấp quả thực không kém khó khăn về tác chiến. Tình hình cung cấp khẩn trương từng ngày, từng giờ, không kém tình hình chiến đấu. Chính vì vấn đề cung cấp khó khăn như vậy, cho nên quân địch đã không bao giờ tưởng tượng được rằng chúng ta có thể khắc phục khó khăn ấy. Bọn đế quốc, bọn phản động không bao giờ đánh giá được sức mạnh của cả một dân tộc, sức mạnh của nhân dân. Sức mạnh đó là vô cùng tận. Sức mạnh đó có thể khắc phục tất cả mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ địch.
Nhân dân ta, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hội đồng cung cấp tiền phương, đã đem một tinh thần anh dũng và vượt gian khổ rất cao để phục vụ mặt trận.
Từng đoàn xe hơi anh dũng đã vượt suối băng ngàn, có đồng chí lái xe hàng chục đêm liền không ngủ, không quản khó khăn gian nguy, mang lương thực, đạn dược ra mặt trận, để cho quân đội giết giặc.
Từng đoàn xe đạp thồ, hàng nghìn chiếc, từ các thị trấn tiến ra mặt trận, mang lương thực, đạn dược, để cung cấp cho quân đội giết giặc.
Từng đoàn thuyền lớn nhỏ, hàng trăm chiếc, từng đoàn bè mảng, hàng vạn chiếc, vượt thác qua ghềnh, mang lương thực, đạn dược ra mặt trận, để cung cấp cho quân đội giết giặc.
Từng đoàn ngựa thồ, từ trên vùng đồng bào Mông và Dao xuống, từ các địa phương lại, lũ lượt tiến ra mặt trận, mang lương thực, đạn dược ra mặt trận, để cung cấp cho quân đội giết giặc.
Hàng vạn anh chị em dân công, thanh niên xung phong lấy sức người mà chuyển lương thực, đạn dược, ngày đêm trèo đèo lội suối, mặc máy bay của địch, mặc bom nổ chậm, mang lương thực, đạn dược để tiếp tế cho mặt trận.
Ở gần tuyến lửa công tác phục vụ lại phải liên tục, khẩn trương nhiều hơn nữa. Công tác cấp dưỡng, tiếp tế, quân y, vận tải, v.v. đều tiến hành ngay trong hào giao thông của trận địa, dưới bom đạn của địch, trong tiếng súng nổ của địch và của ta.
Đó là nói ở Điện Biên Phủ. Nhưng trên các mặt trận phối hợp cũng đều có những lực lượng bộ đội lớn đang tác chiến, nhất là Tây Nguyên và ở một số chiến trường xa hơn. Ở các mặt trận đó, cũng như ở Điện Biên Phủ, nhân dân ta đã làm tròn nhiệm vụ chi viện cho quân đội giết giặc.
Chưa bao giờ, người dân Việt Nam đi ra mặt trận nhiều như vậy. Chưa bao giờ người thanh niên ta đã đi đến nhiều nơi như vậy, biết thêm nhiều địa phương xa lạ của đất nước như vậy. Từ đồng bằng đến rừng núi, trên các đường lớn và các đường con, trên các dòng sông, các ngọn suối, đâu đâu cũng rộn rịp hẳn lên: cả một hậu phương tuôn người, tuôn của ra mặt trận, để cùng quân đội tiêu diệt địch, giải phóng đất nước.
Hậu phương lại chuyển cả một quyết tâm giết giặc, một tinh thần đoàn kết kháng chiến rất cao, cả một tinh thần phấn khởi cách mạng do cải cách ruộng đất đưa lại, cho đến tận người chiến sĩ đang chiến đấu ở mặt trận. Hàng nghìn thư, điện từ các địa phương gần xa ngày ngày gửi đến trận địa Điện Biên Phủ. Chưa bao giờ, nhân dân ta quan tâm đến người chiến sĩ con em của mình, chưa bao giờ quan hệ giữa hậu phương và tiền tuyến được mật thiết đậm đà như trong các chiến dịch Đông Xuân 1953-1954.
Quả thật, một hậu phương vững chắc là một nhân tố thường xuyên quyết định thắng lợi trong chiến tranh cách mạng. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ và nói chung trong cả chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, nhân dân ta đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của dân tộc.
Ở đây, chúng ta không thể không nói đến sự đồng tình ủng hộ nhiệt liệt của nhân dân các nước anh em, của nhân dân tiến bộ cả thế giới, kể cả nhân dân Pháp. Ngày ngày, từ khắp nơi trên thế giới, tin tức truyền đến mặt trận, qua các đài phát thanh, từ Liên Xô, Trung Quốc, từ Bắc Triều Tiên, và Đông Đức, từ Angiêri, Ấn Độ, Miến Điện, Inđônêxia, từ nhiều nước khác nữa, nói lên sự ủng hộ không bờ bến của loài người tiến bộ đối với cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân ta, của quân đội ta. Đó là một sự cổ vũ rất lớn đối với người chiến sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam trên mặt trận Điện Biên Phủ cũng như trên các mặt trận phối hợp.
CUỘC KHÁNG CHIẾN ANH DŨNG CỦA TOÀN DÂN TA LÀ MỘT TRẬN ĐIỆN BIÊN PHỦ LÂU DÀI VÀ VĨ ĐẠI
Chiến thắng Điện Biên Phủ và nói chung chiến thắng Đông Xuân 1953-1954 là chiến thắng lớn nhất của quân đội và nhân dân ta trong cuộc kháng chiến lâu dài chống đế quốc xâm lược.
Ở Điện Biên Phủ, quân ta đã tiêu diệt tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của địch ở Đông Dương, tiêu diệt 1 vạn 6 nghìn tên thuộc lực lượng tinh nhuệ nhất của chúng. Nói chung cả các mặt trận thì quân ta đã tiêu diệt trên 11 vạn tên địch.
Kế hoạch Nava đã thất bại. Bọn đế quốc Pháp - Mỹ đã thất bại trong âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh ở Đông Dương. Ảnh hưởng của chiến thắng Điện Biên Phủ rất to lớn. Chiến thắng địch ở Điện Biên Phủ và trên các chiến trường phối hợp, chúng ta đã giải phóng thủ đô Hà Nội và cả miền Bắc nước ta. Chúng ta đã thu được thắng lợi lớn tại Hội nghị Giơnevơ. Hòa bình đã được lập lại.
Với kế hoạch Nava, bọn đế quốc Pháp - Mỹ muốn đánh một trận quyết định. Quả thực, Điện Biên Phủ là một trận quyết định. Điện Biên Phủ là một thắng lợi to lớn của quân và dân ta. Điện Biên Phủ là sự thất bại nhục nhã của bọn đế quốc xâm lược.
Điện Biên Phủ là một trận đọ sức giữa quân đội và nhân dân ta với quân đội xâm lược của đế quốc Pháp, có Mỹ giúp sức. Chúng ta đã chiến thắng. Bọn đế quốc xâm lược đã thất bại. Điện Biên Phủ mãi mãi sẽ tiêu biểu cho tinh thần quật cường của dân tộc ta, đem sức mạnh đoàn kết phấn đấu, đem tinh thần anh dũng của một dân tộc đất không rộng người không đông, của một quân đội nhân dân còn non trẻ mà chống chọi với quân đội hùng mạnh của một nước đế quốc. Tinh thần anh dũng đó là tinh thần của nhân dân và quân đội ta trong suốt cuộc kháng chiến lâu dài. Cho nên, chúng ta có thể nói rằng: trong mỗi một cuộc chiến đấu lớn và nhỏ của quân đội và nhân dân ta, đều quán triệt tinh thần Điện Biên Phủ. Cho nên, chúng ta có thể nói rằng: cuộc kháng chiến anh dũng của toàn dân ta là một trận Điện Biên Phủ lâu dài vô cùng vĩ đại.
Chúng ta đã chiến thắng ở Điện Biên Phủ. Cuộc kháng chiến của toàn dân ta đã thu được thắng lợi lớn. Thắng lợi đó chứng tỏ sự lãnh đạo vô cùng sáng suốt và anh dũng của Đảng ta. Thắng lợi đó là thắng lợi rực rỡ của chủ nghĩa Mác - Lênin trong cuộc chiến tranh giải phóng của một dân tộc nhỏ và anh hùng. Dân tộc ta có thể tự hào là: Dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta đã sáng tạo ra một chân lý lịch sử vĩ đại. Chân lý đó là một dân tộc thuộc địa đất không rộng người không đông khi đã biết đứng dậy đoàn kết đấu tranh, kiên quyết chiến đấu cho độc lập và hòa bình thỉ có đầy đủ khả năng để chiến thắng quân đội xâm lược hùng mạnh của một nước đế quốc chủ nghĩa.
Vì vậy, Điện Biên Phủ không những là thắng lợi lớn của nhân dân ta, Điện Biên Phủ còn là thắng lợi lớn của tất cả các dân tộc nhỏ hiện đang đấu tranh chống ách thống trị của bọn đế quốc thực dân. Ý nghĩa lớn lao của chiến thắng Điện Biên Phủ là ở chỗ đó. Và ngày chiến thắng Điện Biên Phủ là ngày hội của toàn dân ta, đồng thời là ngày vui mừng của nhân dân các nước anh em, của nhân dân các nước mới giành được độc lập, của nhân dân các nước hiện đang đấu tranh để tự giải phóng.
Điện Biên Phủ sẽ mãi mãi được ghi vào lịch sử đấu tranh giải phóng của dân tộc ta và của các dân tộc nhỏ trên thế giới. Điện Biên Phủ sẽ được ghi trong các sử sách như một trong những sự kiện then chốt trong trào lưu rộng lớn của các dân tộc Á, Phi, Mỹ latinh, đang vùng lên để tự giải phóng, để làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.
Chính con đường đoàn kết đấu tranh, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, đã đưa nhân dân ta đến chiến thắng Điện Biên Phủ. Con đường đoàn kết đấu tranh đó nhất định sẽ đưa nhân dân ta đến những thắng lợi to lớn hơn trong sự nghiệp xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội và đấu tranh để thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà.
ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP
(*) Bài viết cho Báo Nhân Dân, nhân dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, dưới đầu đề "Điện Biên Phủ".
Nguồn: Sách "Điện Biên Phủ - Trận thắng thế kỷ", NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2004, trang 569. Bản trong sách có sửa chữa và bổ sung.
Ảnh: nhandan.vn, TTXVN
Trình bày: VŨ HẢI