Toàn quốc kháng chiến và bài học về độc lập, tự chủ trong hoạch định đường lối

Cách đây 70 năm, dân tộc Việt Nam đứng trước một tình thế hết sức nghiêm trọng. Thực dân Pháp dã tâm trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Từ sau khi kẻ thù gây hấn ở Nam Bộ (23-9-1945), Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm mọi cách thương lượng, đàm phán, tránh cho đất nước một cuộc chiến tranh. Đêm 19-12-1946, trước tình thế không còn con đường nào khác, cả dân tộc Việt Nam nhất tề đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược, chính thức bắt đầu cuộc toàn quốc kháng chiến.

1. Quyết định toàn quốc kháng chiến trong bối cảnh bị bao vây, tình hình quốc tế, khu vực diễn biến phức tạp

Ngay sau khi tuyên bố độc lập (2-9-1945), Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải đương đầu với những khó khăn, thách thức cực kỳ nghiêm trọng. Bên cạnh những khó khăn lớn từ tình hình trong nước, từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9-1945, nhiều lực lượng mang danh nghĩa Đồng minh vào Việt Nam thực hiện nhiệm vụ giải giáp quân Nhật, có chung mục tiêu chống phá cách mạng Việt Nam. Theo thỏa thuận của các nước Đồng minh tại Hội nghị Pốtxđam (Đức) tháng 7-1945(1), Việt Nam bị chia theo vĩ tuyến 16: quân Trung Hoa quốc dân Đảng ở phía Bắc, quân Anh ở phía Nam. Sự có mặt đồng thời của hơn 30 vạn quân đội nước ngoài(2) thuộc 4 thế lực đối địch đã tạo nên chênh lệch lớn trong cán cân lực lượng(3), bất lợi cho cách mạng Việt Nam.

Việt Nam cũng như các nước khác trong khu vực từ lâu là mục tiêu của các đế quốc, thực dân. Là khu vực thuộc địa truyền thống của các nước thực dân phương Tây, Đông Nam Á trở thành mối quan tâm đặc biệt của các nước Mỹ, Anh, Pháp, Hà Lan trong và sau Chiến tranh thế giới thứ II. Tuy nhiên, ý đồ và tham vọng của các nước đế quốc đối với khu vực có vị trí chiến lược quan trọng này rất khác nhau.

Thái độ của Mỹ trong những năm chiến tranh(4) là thúc giục các nước thực dân trao trả độc lập cho các thuộc địa với ý đồ làm suy giảm vai trò của Anh, Pháp, Hà Lan ở Đông Nam Á và mở rộng ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực này. Người đứng đầu Chính phủ Mỹ nhiều lần khẳng định về việc thiết lập một chế độ ủy trị quốc tế ở Đông Dương(5).

Việt Nam cũng như các nước khác trong khu vực từ lâu là mục tiêu của các đế quốc, thực dân.

Thực dân Anh có nhiều thuộc địa ở Đông Nam Á, lo ngại tác động của các quốc gia mới giành độc lập, đã giúp các nước đế quốc tiến hành kế hoạch tái chiếm sau khi phát xít Nhật đầu hàng. Việc ủng hộ Pháp quay trở lại Đông Dương xuất phát từ mục đích bảo vệ quyền lợi của chính mình ở khu vực này.

Ngày 15-8-1945, phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh là thời cơ giành độc lập dân tộc của các nước Đông Nam Á. Những cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thắng lợi đưa đến việc thành lập các quốc gia độc lập đầu tiên vào thời điểm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ II. Điển hình là hai cuộc cách mạng diễn ra vào tháng 8-1945 ở Inđônêxia và Việt Nam, sau đó Lào tuyên bố độc lập ngày 12-10-1945.

Tuy nhiên, những diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế sau chiến tranh đã ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc của các nước vừa giành được và cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của các quốc gia khác ở Đông Nam Á.

Các nước thực dân đưa quân đội trở lại các thuộc địa cũ. Các quốc gia tuyên bố độc lập đầu tiên đều bị các nước thực dân tái chiếm. Hà Lan quay lại Inđônêxia, thực dân Pháp quay trở lại Việt Nam, Lào, Campuchia. Mỹ trở lại Philíppin; Anh trở lại Ấn Độ, Malaixia, Myanma, Xinhgapo.

Sự bắt đầu cuộc chiến tranh lạnh và sự đối đầu căng thẳng giữa hai phe tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa đã biến Đông Nam Á trở thành một trong những điểm nóng trong quan hệ quốc tế cùng với sự xâm nhập của Mỹ vào khu vực này.

Lập trường của Mỹ bắt đầu có sự điều chỉnh(6), chính sách đối ngoại theo hướng cứng rắn hơn, cô lập Liên Xô, chống chủ nghĩa cộng sản, tranh thủ quan hệ đồng minh với Anh, Pháp trong những vấn đề quốc tế quan trọng. Tổng thống Truman đã không đề cập đến chế độ ủy trị quốc tế ở Đông Dương, mà thực thi chính sách có lợi cho Pháp(7). Nước Mỹ giữ thái độ “trung lập”, thậm chí sau đó giúp đỡ quân Pháp trở lại Đông Dương. Đây là một bư­ớc lùi so với kế hoạch thiết lập chế độ ủy trị quốc tế ở Đông Dương của Tổng thống Rudơven.

Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc tiếp tục coi Đông Nam Á nói chung, Việt Nam nói riêng trong tầm kiểm soát của Trung Hoa. Mưu đồ của quân Trung Hoa Dân Quốc khi vào Việt Nam là tiêu diệt Đảng Cộng sản, phá tan Việt Minh, giúp lực lượng phản động lật đổ chính quyền cách mạng.

... Sự “im lặng”của Liên Xô có lợi cho việc Pháp trở lại xâm lược Việt Nam.

Nhà nước Xô viết, trụ cột của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, sau chiến tranh, phải tập trung khôi phục nền kinh tế bị tàn phá nặng nề, viện trợ xây dựng các quốc gia Đông Âu, địa bàn chiến lư­ợc có ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh và chủ quyền của Liên Xô(8). Mục tiêu lớn nhất của Liên Xô lúc này là giữ được nguyên trạng, giữ thế cân bằng lực lượng. Liên Xô tuyên bố nguyên tắc chung là ủng hộ quyền tự quyết của các dân tộc nhưng vì không có lợi ích về vấn đề thuộc địa nên không có thái độ rõ ràng về vấn đề Pháp quay lại Đông Dương. Thái độ của Liên Xô đối với sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa(9) lúc này cho thấy mối quan tâm hàng đầu liên quan đến an ninh của Liên Xô là những biến động ở Tây Âu; sự can thiệp của Liên Xô (nếu có) vào vấn đề thuộc địa của Anh và Pháp có thể gây ra xung đột với lợi ích của hai nước đó, và quan trọng là những tin tức không đầy đủ về Chính phủ Hồ Chí Minh gợi lên trong lãnh đạo Liên Xô mối nghi ngại từ những năm 1930 về lập trường cộng sản hay lập trường quốc gia của Đảng Cộng sản Đông Dương. Việc tuyên bố giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 11-1945) càng làm tăng sự nghi ngại này. Sự “im lặng”của Liên Xô có lợi cho việc Pháp trở lại xâm lược Việt Nam.

Nhìn chung, trên bình diện quốc tế trong thời gian này, khả năng có được lực lư­ợng thực sự ủng hộ nền độc lập Việt Nam là điều xa vời.

Sự thỏa hiệp giữa các cường quốc đã mở đường cho thực dân Pháp quay lại Việt Nam. Phát động cuộc chiến tranh xâm lược tái chiếm Đông Dương và tái lập ách thống trị thực dân là âm mưu từ trước, có kế hoạch cụ thể, từng bước và có hệ thống. Thực dân Pháp có kế hoạch chi tiết về thành lập chính phủ liên bang Đông Dương, các quốc gia Đông Dương được hưởng một số quyền nội trị và kinh tế, còn công việc đối ngoại thuộc về quyền hạn của chính phủ liên hiệp Pháp mà liên bang Đông Dương là một thành viên.

Ngày 23-9-1945, được sự hỗ trợ, giúp đỡ của quân Anh(10), Pháp nổ súng đánh chiếm trụ sở Ủy ban nhân dân Nam Bộ tại Sài Gòn, mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Sau 15 tháng nỗ lực giải quyết bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao nhưng không thành, ngày 19-12-1946, Đảng đã quyết định phát động toàn quốc kháng chiến.

2. Độc lập, tự chủ trong hoạch định đường lối kháng chiến cùng với nỗ lực ngăn chặn nguy cơ chiến tranh

Trong thời gian từ tháng 8-1945 đến tháng 12-1946, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều quyết sách quan trọng thuộc chiến lược và sách lược cách mạng, giữ vững quan điểm độc lập dân tộc trong hoạch định đường lối cứu nước và chỉ đạo cuộc chiến tranh nhân dân, trong bối cảnh bị bao vây, chưa nhận được sự giúp đỡ từ quốc tế, Chính phủ chưa được nước nào công nhận. Đảng chủ trương lợi dụng mâu thuẫn giữa các bên đối phương có mặt ở Việt Nam, tránh trường hợp một mình đối phó với nhiều lực lượng Đồng minh và “chỉ có thực lực của ta mới quyết định được sự thắng lợi giữa ta và Đồng minh’’(11).

Trong quá trình lãnh đạo kháng chiến ở miền Nam, bảo vệ và giữ vững chính quyền cách mạng, những vấn đề cơ bản về tư tưởng chỉ đạo và đường lối kháng chiến dần được hình thành qua những văn kiện cơ bản: Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” ngày 25-11-1945; văn kiện “Công việc khẩn cấp bây giờ” ngày 5-11-1946 và được hoàn chỉnh tại Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng (mở rộng) ngày 18 và 19-12-1946, trong Chỉ thị “Toàn dân kháng chiến” ngày 12-12-1946 của Thường vụ Trung ương Đảng, được cụ thể hóa và phổ biến rộng rãi trong“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19-12-1946. Nội dung cốt lõi của đường lối và tư tưởng chỉ đạo kháng chiến là “toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh”(12).

Nội dung của đường lối kháng chiến là tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, thể hiện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa.

Nội dung cốt lõi của đường lối và tư tưởng chỉ đạo kháng chiến là “toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh”

Kháng chiến về mặt chính trị: đoàn kết toàn dân, chống thực dân Pháp xâm lược. Mục tiêu của cuộc kháng chiến: độc lập cho dân tộc, ruộng đất cho dân cày, tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Kháng chiến về mặt quân sự: phương châm chiến lược là đánh lâu dài, vừa đánh vừa gìn giữ, bảo vệ lực lượng, chuyển yếu thành mạnh; làm cho địch bị tiêu diệt và tiêu hao, từ mạnh trở nên yếu.

Kháng chiến về kinh tế: phá hoại kinh tế địch; xây dựng nền kinh tế theo hướng vừa kháng chiến vừa kiến quốc, tự cung tự cấp về mọi mặt.

Kháng chiến về mặt văn hóa: đánh đổ văn hóa ngu dân, nô dịch và xâm lược của thực dân Pháp; xây dựng nền văn hóa mới của Việt Nam dựa trên 3 nguyên tắc: dân tộc, khoa học và đại chúng.

Mục tiêu: đánh đổ thực dân Pháp và phong kiến phản động, giành độc lập, thống nhất Tổ quốc và đi lên chủ nghĩa xã hội.

Nhiệm vụ: vừa kháng chiến vừa kiến quốc.

Phương châm: toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính và nhất định thắng lợi.

Lực lượng kháng chiến: Chủ lực công - nông - trí thức; Mặt trận dân tộc thống nhất toàn dân tộc; bè bạn quốc tế, láng giềng hữu nghị.

Lãnh đạo kháng chiến: Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nội dung của đường lối kháng chiến mang tính khoa học, được xây dựng trên cơ sở thực tiễn kháng chiến. Kháng chiến toàn dân là nội dung cốt lõi của đường lối kháng chiến. Đường lối kháng chiến toàn diện nhằm khai thác, động viên mọi sức mạnh và tiềm năng của toàn dân tộc, tạo thành sức mạnh tổng hợp để đánh thắng kẻ thù. Đường lối kháng chiến lâu dài dựa trên cơ sở so sánh lực lượng giữa ta và địch có sự chênh lệch, không có lợi cho ta, song phải tranh thủ thời gian, chớp thời cơ để đẩy cuộc kháng chiến có bước nhảy vọt, giành thắng lợi cuối cùng. Đường lối dựa vào sức mình là chính, khai thác, tận dụng mọi khả năng, tiềm lực vật chất, tinh thần của cả dân tộc, lấy nội lực làm chủ yếu, làm cơ sở để sử dụng hiệu quả ngoại lực; hết sức tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ từ bên ngoài. Kháng chiến phải đi đôi với kiến quốc, vì kiến quốc có thắng lợi thì kháng chiến mới mau thành công.

Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Bảo tàng lịch sử quốc gia

Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Bảo tàng lịch sử quốc gia

Kiên trì đường lối ngoại giao hòa bình, bày tỏ thiện chí, thực thi những giải pháp hết sức khôn khéo, linh hoạt để giải quyết tranh chấp, xung đột, ngăn chặn nguy cơ chiến tranh.

Đảng và Chính phủ đã vận dụng một đường lối chính trị nhạy bén và sáng suốt, vừa cứng rắn về nguyên tắc vừa mềm dẻo về sách lược, thực hiện chủ trương hòa hoãn, nhân nhượng, qua các cuộc tiếp xúc ngoại giao, đẩy lùi từng bước âm mưu của lực lượng này.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng kịp thời quyết định ký bản Hiệp định sơ bộ vào chiều ngày 6-3-1946, theo những điều kiện có lợi nhất có thể được đối với Việt Nam, thể hiện rõ sự nhân nhượng có nguyên tắc, phù hợp tương quan lực lượng với cục diện tình hình. Đây là văn bản pháp lý quốc tế đầu tiên mà Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký kết với nước ngoài, tạo cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh ngoại giao của Việt Nam.

Dự báo cuộc chiến tranh xâm lược là khó tránh khỏi, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh một mặt tích cực, chủ động hoạch định đường lối, lãnh đạo kháng chiến cục bộ, đồng thời tranh thủ thời gian hòa hoãn, củng cố, phát triển thực lực cách mạng. Kiên trì đường lối ngoại giao hòa bình, bày tỏ thiện chí, thực thi những giải pháp hết sức khôn khéo, linh hoạt để giải quyết tranh chấp, xung đột, ngăn chặn nguy cơ chiến tranh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân danh người đứng đầu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhiều lần gửi thư, công hàm cho người đứng đầu Chính phủ các nước lớn Mỹ, Anh, Liên Xô, Trung Quốc, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp quốc, thông báo về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khẳng định tính hợp pháp của nhà nước đó và tố cáo thực dân Pháp tiến hành chiến tranh xâm lược Đông Dương.

Mặc dù Mỹ là một nước có vai trò lớn trên thế giới, ngày càng nghiêng về quan điểm ủng hộ Pháp trong cuộc chiến tranh Đông Dương, nhưng Hồ Chí Minh vẫn không bỏ qua một cơ hội nhỏ nào, để kêu gọi, tranh thủ nước Mỹ ủng hộ nền hòa bình ở Đông Dương.

Tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Mỹ tiết lộ, từ tháng 9-1945 đến tháng 2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 8 lần gửi thông điệp, thư, điện và công hàm cho Tổng thống và Ngoại trưởng Mỹ với nội dung Việt Nam chủ động nêu đề nghị có thể hợp tác hoàn toàn với Mỹ, tố cáo thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam, đề nghị Mỹ công nhận nền độc lập hoàn toàn của Việt Nam(13).

Đối với những lực lượng đế quốc, phản động, Đảng giữ vững nguyên tắc bảo vệ quyền lợi tối cao của dân tộc, đồng thời hết sức mềm dẻo, phân hóa kẻ thù, không để chúng câu kết chống phá cách mạng.

Từ tháng 9-1945 đến tháng 3-1946, Đảng thực hiện chủ trương hòa hoãn với quân Trung Hoa Dân quốc ở miền Bắc, tập trung chống thực dân Pháp ở miền Nam. Xác định nhiệm vụ hàng đầu là bảo vệ thành quả cách mạng, làm thất bại âm mưu can thiệp, lật đổ của quân Trung Hoa Dân quốc, Đảng và Chính phủ đã vận dụng một đường lối chính trị nhạy bén và sáng suốt, vừa cứng rắn về nguyên tắc vừa mềm dẻo về sách lược, thực hiện chủ trương hòa hoãn, nhân nhượng, qua các cuộc tiếp xúc ngoại giao, đẩy lùi từng bước âm mưu của lực lượng này.

Thực hiện những nhân nhượng về cả chính trị, quân sự, kinh tế, tài chính, Đảng còn tuyên bố tự giải tán (11-11-1945), rút vào bí mật để bảo toàn lực lượng nhằm tránh sự công kích của kẻ thù. Chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ là hòa hoãn và kiềm chế các lực lượng Trung Hoa Dân quốc tại Việt Nam đã giữ được một giai đoạn tương đối ổn định trên miền Bắc để thực hiện chủ trương kháng chiến kiến quốc, xây dựng củng cố chính quyền, làm thất bại ý đồ sâu xa của chúng nhằm thành lập một chính phủ tay sai ở Việt Nam.

Khi Pháp và Chính phủ Trung Hoa Dân quốc thỏa hiệp, đe dọa trực tiếp tới nền độc lập của Việt Nam, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã có đối sách nhạy bén, phù hợp. Từ tháng 3-1946 đến tháng 12-1946, Đảng và Chính phủ chủ trương hòa với Pháp, đẩy nhanh quân Trung Hoa về nước.

Ngày 28-2-1946, tại Trùng Khánh, Chính phủ Tưởng Giới Thạch và Chính phủ Pháp đã ký một thỏa ước liên quan đến Việt Nam. Theo đó, chính quyền Tưởng Giới Thạch đồng ý cho quân đội Pháp thay thế quân đội Tưởng dưới danh nghĩa giải giáp quân Nhật ở Bắc Đông Dương. Đổi lại, Pháp có những nhân nhượng quan trọng cho Trung Hoa Dân quốc(14). Như vậy, chỉ một thời gian ngắn sau thỏa thuận Pốtxđam, Việt Nam một lần nữa phải đương đầu với một giải pháp do các nước lớn áp đặt. Tuy vậy, cả Pháp và Trung Hoa Dân quốc đều cần sự thỏa thuận đối với phía Việt Nam, đặc biệt khi xung đột giữa lực lượng quân đội Trung Hoa và quân đội Pháp trở nên nghiêm trọng, khi hạm đội của Pháp tiến vào cảng Hải Phòng ngày 6-3-1946.

Đánh giá chiều hướng chính sách của các nước lớn, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kịp thời đề ra quyết sách “Hòa để tiến”(15), sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ cuộc đấu tranh ngoại giao với Pháp là: “Đối với Pháp, độc lập về chính trị, nhân nhượng về kinh tế”(16).

Với nhãn quan chính trị sáng suốt nhạy bén, trước chuyển biến mau lẹ của tình hình, vào thời điểm cả Pháp và Tưởng đều cần phía Việt Nam thỏa thuận với Pháp về một giải pháp mà hai bên có thể chấp nhận được để tránh xung đột mở rộng. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng kịp thời quyết định ký bản Hiệp định sơ bộ(17) vào chiều ngày 6-3-1946, theo những điều kiện có lợi nhất có thể được đối với Việt Nam, thể hiện rõ sự nhân nhượng có nguyên tắc, phù hợp tương quan lực lượng với cục diện tình hình. Đây là văn bản pháp lý quốc tế đầu tiên mà Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký kết với nước ngoài, tạo cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh ngoại giao của Việt Nam.

Ngay sau khi ký Hiệp định sơ bộ, thực dân Pháp vẫn thể hiện rõ mưu đồ dùng ưu thế quân sự hiện có (và ngày một mạnh) tiến tới đảo chính, lật đổ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa(18).

Về phía Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên trì đấu tranh đòi phía Pháp mở cuộc đàm phán chính thức ở Pari nhằm đạt thêm những thỏa thuận mới để củng cố cục diện hòa hoãn, đề cao vị trí quốc tế của Việt Nam, tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân thế giới.

Cho đến trước khi ký Tạm ước 14-9-1946, thực dân Pháp liên tiếp phá vỡ những cơ hội có thể tìm ra giải pháp hòa bình cho vấn đề Việt Nam, quyết tâm gây chiến tranh(19). Từ ngày 6-7 đến 13-9-1946, Hội nghị chính thức Việt - Pháp tại Phôngtennơblô (Pari). Phía Việt Nam nêu lên những nguyên tắc về chủ quyền: độc lập, thống nhất, hợp tác trên cơ sở bình đẳng. Song, với ngoan cố theo đuổi chính sách thực dân, tìm mọi cách phục hồi chế độ thuộc địa ở Đông Dương, phía Pháp khước từ những thiện chí của Việt Nam.

Ông Phạm Văn Đồng, Trưởng đoàn Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đọc diễn văn khai mạc tại Hội nghị Phôngtennơblô, 6/7/1946 (từ trái qua phải các ông: Hoàng Minh Giám, Phan Anh, Phạm Văn Đồng, Dương Bạch Mai). Ảnh: Bảo tàng lịch sử quốc gia

Ông Phạm Văn Đồng, Trưởng đoàn Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đọc diễn văn khai mạc tại Hội nghị Phôngtennơblô, 6/7/1946 (từ trái qua phải các ông: Hoàng Minh Giám, Phan Anh, Phạm Văn Đồng, Dương Bạch Mai). Ảnh: Bảo tàng lịch sử quốc gia

Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong chuyến thăm chính thức nước Pháp (kéo dài hơn 4 tháng từ 31-5 đến 20-10-1946), tranh thủ tối đa khả năng hòa bình, trước “khả năng hòa hoãn giảm dần, khả năng chiến tranh lan rộng tăng dần”, ngày 14-9-1946 (trước khi rời nước Pháp) Chủ tịch Hồ Chí Minh ký với Chính phủ Pháp một bản Tạm ước(20),thể hiện thiện chí hòa bình và tranh thủ thêm thời gian hòa hoãn để chuẩn bị đối phó với sự bội ước của Pháp. Những vấn đề cốt tử là độc lập và thống nhất chưa được giải quyết. Đảng nhận định “Tạm ước 14-9 là một bước nhân nhượng cuối cùng. Nhân nhượng nữa là phạm đến chủ quyền của nước, là hại quyền lợi cao trọng của dân tộc!”(21).

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Marius Moutet tại Paris ngày 14/9/1946. Ảnh: Trung tâm lưu trữ quốc gia I

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Marius Moutet tại Paris ngày 14/9/1946. Ảnh: Trung tâm lưu trữ quốc gia I

Chính phủ Việt Nam cố gắng thực hiệnTạm ước 14-9, nhằm tranh thủ mọi khả năng để gìn giữ nền hòa bình tuy mong manh, đồng thời tích cực chuẩn bị cho kháng chiến cứu nước. Song, phía thực dân Pháp hiếu chiến cố tình gây chiến. Ngày 20-11-1946, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn và cho quân đổ bộ lên Đà Nẵng. Ngày 16-12-1946, Mooclie, chỉ huy quân Pháp ở miền Bắc Đông Dương hai lần gửi tối hậu thư, tuyên bố “Quân Pháp sẽ tự mình đảm nhiệm trị an tại Hà Nội chậm nhất là vào sáng 20 tháng 12 năm 1946”. Trong tháng 12-1946, tại Hà Nội, thực dân Pháp liên tiếp gây các hành động xâm phạm chủ quyền. Quân Pháp khiêu khích, tấn công bộ đội, tàn sát dân thường, điển hình là các vụ ở Lò Đúc, Hàng Bún, Yên Ninh ngày 17-12. Trong hai ngày 17 và 18-12, Bộ Chỉ huy quân Pháp đòi Việt Nam triệt phá các lũy chướng ngại trên đường phố, trao cho quân Pháp quyền giữ trật tự trong thành phố. Sáng ngày 19-12, đại diện Chính phủ Pháp tại Hà Nội trao cho Chính phủ Việt Nam “tối hậu thư” đòi trong vòng 24 giờ, Việt Nam phải triệt thoái quân đội, giải giáp tự vệ và công an ở Hà Nội.

Mặc dù đã hết sức kiềm chế, chịu nhân nhượng để trì hoãn, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, nhưng vào thời điểm cuối tháng 12-1946 ở Thủ đô Hà Nội và các đô thị có Pháp đóng quân, nếu ta không chủ động phát động kháng chiến trước khi quân tiếp viện của Pháp đến, kẻ thù sẽ đẩy ta vào thế bị động, khó tránh khỏi tổn thất ban đầu, về lâu dài cuộc kháng chiến sẽ gặp nhiều khó khăn, phức tạp.

Khi khả năng hòa hoãn không còn, trên cơ sở thế và lực đã chuẩn bị trong điều kiện cho phép, Đảng kiên quyết phát động cuộc kháng chiến toàn quốc đúng thời cơ lịch sử với khí phách “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Trong hai ngày 18 và 19-12-1946, Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng, ở làng Vạn Phúc (Hà Đông), dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết định phát động cuộc kháng chiến chống Pháp trên cả nước vào lúc 20 giờ ngày 19-12-1946. Ngay trong đêm 19-12, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Cả dân tộc Việt Nam đứng lên theo tiếng gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam và hai nước Lào, Campuchia là cuộc đấu tranh quyết liệt nhất trong lịch sử đấu tranh giành độc lập, tự do của các nước Đông Nam Á giai đoạn này.

Ngôi nhà ở Làng Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Tây, 1946. Ảnh: Bảo tàng lịch sử quốc gia

Ngôi nhà ở Làng Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Tây, 1946. Ảnh: Bảo tàng lịch sử quốc gia

Trong hơn một năm, trong hoàn cảnh bị bao vây, Đảng lãnh đạo nhân dân và các lực lượng vũ trang chuẩn bị về mọi mặt, trước hết là về tư tưởng, tổ chức, xây dựng lực lượng, hoạch định đường lối kháng chiến. Việc phát động kháng chiến ở Thủ đô và trong cả nước dựa trên kết quả chuẩn bị và tinh thần sẵn sàng bước vào kháng chiến của quân và dân ta là kịp thời và chính xác.

Qua quyết định phát động toàn quốc kháng chiến, một bài học lớn được rút ra là: kiên quyết với nguyên tắc độc lập dân tộc, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất Tổ quốc, coi đối ngoại và hoạt động ngoại giao là một mặt trận để tập hợp lực lượng quốc tế có mục tiêu rõ ràng, có chiến lược, sách lược, có phương pháp và bước đi phù hợp. Quan điểm hòa bình, hữu nghị luôn luôn được nêu cao và phát huy trong mọi điều kiện, mọi tình huống, coi trọng đối thoại, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, tôn trọng lợi ích của nhau, đặc biệt là các giá trị văn hóa của các dân tộc khác.

Một bài học lớn nữa là, độc lập tự chủ, tin vào sức mạnh của dân tộc, khôn khéo vận dụng những kinh nghiệm của cha ông, đồng thời nhạy bén học hỏi những bài học mới của thế giới. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh: bài học về niềm tin mãnh liệt vào lòng yêu nước của nhân dân ta và có đường lối cách mạng đúng đắn, đoàn kết toàn dân, động viên toàn dân, dựa vào sức mạnh to lớn của toàn dân, của cả dân tộc; đồng thời Đảng ta phải luôn tiền phong gương mẫu để giữ vững niềm tin của nhân dân ta đối với Đảng(22).

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2016
Trình bày: Thùy Lâm
Ảnh: Bảo tàng lịch sử quốc gia, Trung tâm lưu trữ quốc gia I