
47 năm đã trôi qua kể từ khi đất nước hoàn toàn được giải phóng, nhưng không ai có thể quên được những đóng góp thầm lặng mà lớn lao của những người mẹ, người vợ, nhất là của những cô gái thanh niên xung phong đang độ tuổi thanh xuân đẹp nhất. Họ chính là những nhân chứng lịch sử, là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại.
Được gặp họ vào lúc này là một may mắn của thế hệ như chúng tôi bởi đằng sau những câu chuyện đầy ngưỡng mộ và khâm phục của những nữ anh hùng ấy là lý tưởng của một thời tuổi trẻ quên mình vì lý tưởng cách mạng, là tình yêu trọn vẹn họ đã dành cho hai tiếng thiêng liêng - Tổ quốc.
Lý tưởng của tuổi trẻ
Ba nữ anh hùng mà chúng tôi được gặp có thể xem là đại diện cho những lực lượng tác chiến trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước. Anh hùng La Thị Tám đại diện cho lực lượng thanh niên xung phong mà cụ thể là đơn vị chủ lực Đại đội C2 - Giao thông vận tải đóng tại xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh; Anh hùng Ngô Thị Tuyển đại diện cho lực lượng dân quân có nhiệm vụ vác đạn chiến đấu tại khu vực Nam Ngạn - Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa và Anh hùng Nguyễn Thị Mỹ Nhung (bí danh Nguyễn Thị Yên Thảo), nguyên cán bộ Cụm tình báo H63, Đoàn J22, Cục Nghiên cứu, Bộ Tổng Tham mưu (nay là Tổng cục II, Bộ Quốc phòng).
Ở những lực lượng đó, cách mà họ đối mặt với chiến tranh là không giống nhau. Người hoạt động nơi tiền tuyến, người hoạt động ở hậu phương, người hoạt động trong lòng địch, nhưng tất cả đều vì mục đích cao cả của dân tộc là đánh bại Pháp, Mỹ và tay sai trên chiến trường miền nam, cũng như các cuộc tiến công đánh phá miền bắc của chúng, góp phần giành thắng lợi trên toàn chiến trường, kết thúc chiến tranh. Công việc của những người phụ nữ bé nhỏ ấy tưởng như thầm lặng nhưng lại mang nhiều ý nghĩa và biểu tượng lớn.
Chợt nhớ đến những câu hát “Cô gái miền quê ra đi cứu nước. Mái tóc xanh xanh tuổi trăng tròn. Bàn tay em phá đá mở đường. Gian khó phải lùi nhường em tiến bước…” trong bài Cô gái mở đường của cố nhạc sĩ Xuân Giao, hình ảnh những nữ thanh niên xung phong hiện ra thật quả cảm, đẹp đẽ. Trong những năm tháng gian khổ chống chiến tranh phá hoại của địch trên miền bắc, những tuyến đường Trường Sơn với những đoàn thanh niên xung phong ngày đêm mở đường dưới bom đạn đã rất nhiều lần đi vào thơ, ca, nhạc, họa. Hình ảnh những cô gái can trường, mưu trí, vượt qua mưa bom, bão đạn để giao thông thông suốt đã được khắc họa đầy tự hào bên cạnh sự khắc nghiệt trên “những con đường Tổ quốc yêu thương”. Đó là những cô gái đã dành trọn những năm tháng đẹp nhất tuổi thanh xuân để chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Họ đã tiếp nối truyền thống, tinh thần và ý chí của Bà Trưng, Bà Triệu, để rồi bước ra từ các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc như những anh hùng, được nhân dân và Nhà nước tôn vinh, được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng tám chữ vàng: Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang.

Tháng 7/2022, chúng tôi trở về Ngã ba Đồng Lộc để thắp hương cho 10 cô gái đã hy sinh ở đây năm 1968, rồi leo lên quả đồi cao năm xưa mà Anh hùng La Thị Tám đứng đếm bom rơi và cắm tiêu. Đó là đồi Mòi nhưng người dân từ lâu đã quen gọi là đồi La Thị Tám. Trên đồi có một miếu thờ nhỏ, một cột cờ cao, nhưng hình ảnh ấn tượng với chúng tôi chính là dấu vết hằn sâu của chiến tranh năm xưa. Những hố bom vẫn còn đấy, như bằng chứng tố cáo tội ác của giặc Mỹ và nhắc nhở tất cả về sự khốc liệt, dữ dội của chiến trường, của những gian khổ mà một thanh niên xung phong như Anh hùng La Thị Tám và đồng đội từng trải qua, trên hết là sự dũng cảm, can trường của quân, dân Hà Tĩnh.
Ở tuổi 18 tuổi, La Thị Tám gia nhập đội thanh niên xung phong và vào biên chế đơn vị chủ lực Đại đội C2 - Giao thông vận tải. Từ tháng 12/1967 đến tháng 8/1968, đơn vị đóng tại xã Đồng Lộc, La Thị Tám được giao nhiệm vụ đứng trên một quả đồi cao, phía trái của Ngã ba Đồng Lộc vào những lúc máy bay Mỹ ném bom để quan sát, đếm, xác định số bom trút xuống, bao nhiêu quả đã nổ. Sau khi máy bay Mỹ rút, quả bom nào chưa nổ thì sẽ chạy xuống cắm tiêu đánh dấu cho công binh đến rà phá. Suốt 200 ngày đêm, La Thị Tám đã đếm và cắm tiêu được hơn 1.200 quả bom.
Ngày 22/12/1969, Tiểu đội phó tự vệ, Phòng Giao thông Huyện Can Lộc La Thị Tám đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân khi mới 19 tuổi. Đợt ấy có 23 đơn vị và 17 cán bộ, chiến sĩ được tặng danh hiệu cao quý này. Thành tích của Anh hùng La Thị Tám được ghi ngắn gọn trên Báo Nhân Dân số ra ngày 30/12/1969 như sau: Là một cô gái đầy nhiệt tình cách mạng, vô cùng gan dạ, mưu trí. Liên tục 116 ngày đêm làm nhiệm vụ quan sát đánh dấu bom địch ném chưa nổ ở những trọng điểm địch đánh phá hết sức ác liệt, 23 lần bị bom nổ vùi lấp, vẫn kiên cường bám sát trận địa, đánh dấu đủ, rõ các hút bom, phục vụ đắc lực cho việc phá bom, bảo đảm giao thông thông suốt.
Dù đã đọc nhiều thông tin, được nghe chính nhân vật kể lại khi đến thăm bà trong ngôi nhà nhỏ ở đường Nguyễn Biểu, thành phố Hà Tĩnh, chúng tôi không thể hình dung làm thế nào một cô gái nhỏ bé lại có thể đứng vững giữa bom rơi, đạn nổ, dưới cái nắng tháng 6 nóng như đổ lửa, chạy lên chạy xuống ngọn đồi mà chúng tôi chỉ đi bộ thong dong cũng đã thở không ra hơi với hơn 1.000 bước chân.

Anh hùng La Thị Tám. (Ảnh Mạnh Hào)
Anh hùng La Thị Tám. (Ảnh Mạnh Hào)
Anh hùng La Thị Tám chia sẻ, thế hệ của bà có phong trào “Ba sẵn sàng”, với những nội dung như: Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang; sẵn sàng khắc phục mọi khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, công tác và học tập trong bất kỳ tình huống nào; sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần. Lời hiệu triệu ấy của Trung ương Đoàn tác động mạnh mẽ đến ý chí của mỗi đoàn viên thanh niên, mà như lời Anh hùng La Thị Tám kể: “Đang đi trên đường mà nghe tiếng loa đọc là phải dừng lại nghe”.
Dù biết chiến tranh rất ác liệt, gian khổ nhưng thế hệ trẻ như bà đều trăn trở, nếu chưa ra tiền tuyến, chưa chiến đấu trực tiếp nơi chiến trường nghĩa là chưa thật sự tham gia vào cuộc kháng chiến, góp phần nhỏ bé của bản thân vào sự nghiệp giải phóng đất nước. Suy nghĩ tưởng đơn giản đấy nhưng lại là nỗi băn khoăn của một cô gái chỉ mới 17 tuổi trong một thời gian dài, rằng ngay cả khi đã tích cực phục vụ chiến đấu bằng các công việc như ở nhà lấp hố bom, đắp đê vùng xung yếu, cày cấy… cô vẫn cảm thấy chưa làm tròn trách nhiệm của một đoàn viên thanh niên.
Anh hùng La Thị Tám
Khi chúng tôi đặt câu hỏi: “Lúc ấy còn trẻ thế, lại nhìn thấy nhiều người hy sinh, cô không sợ sao?”, Anh hùng La Thị Tám bộc bạch: “Nói không sợ thì cũng không đúng, nhưng hồi ấy tất cả thanh niên chúng tôi đều muốn được lên đường nhập ngũ. Các cụ già còn đi trực súng, chuyện các cụ già bắn rơi máy bay là thế đó. Cả nước đều sục sôi ý chí chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc. Ngày đó, gia đình tôi có hai người anh tham gia chiến trường, có một người em khi đó học cấp II (sau này cũng tham gia chiến đấu và hy sinh năm 1974 ở Quảng Ngãi-PV), tôi là lao động chính trong gia đình và có thể ở nhà, nhưng tôi đã làm đơn ra chiến trường để được đóng góp một phần nhỏ bé vào sự nghiệp chung của cách mạng. Khi ấy tôi 18 tuổi”.
Tiếp nối chủ nghĩa anh hùng
Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, cả dân tộc ta là một tập thể lớn anh hùng. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã trở thành nếp sống chiến đấu, lao động sản xuất của quân và dân ta. Đó là sức mạnh tinh thần và vật chất vô song được thể hiện trong chiến tranh nhân dân. Những người được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân như bà La Thị Tám, Ngô Thị Tuyển hay Nguyễn Thị Mỹ Nhung là tấm gương sáng về chí khí kiên cường, bất khuất. Nhờ đó, một nữ dân quân chỉ nặng 42kg, cao 1m56 như Anh hùng Ngô Thị Tuyển đã có thể vác hai hòm đạn nặng 98kg, một nhiệm vụ vốn chỉ dành cho nam giới, lên đê, xuống dốc, lội sông đưa đạn ra tận mép thuyền tiếp tế cho bộ đội ở chiến trường Nam Ngạn - Hàm Rồng.
Như hai câu trong lời bài hát Cô gái mở đường của cố nhạc sĩ Xuân Giao: “Em có nghe tiếng súng nơi tiền phương giục lòng/Miền nam tha thiết gọi cả nước ta lên đường”, chúng tôi đọc được những tâm sự rất đơn giản của Anh hùng Ngô Thị Tuyển và các cô gái Thanh Hóa đăng trên Báo Nhân Dân ra số ngày 17/7/1965: “Vì thằng đế quốc Mỹ cho nên các anh bộ đội vất vả, dầm mưa dãi nắng, đêm ngày đội trời ngồi trên mâm pháo. Chúng em thương các anh bộ đội lắm. Chúng em phải góp sức để các anh ấy đánh thắng giặc Mỹ chứ!”.
Trong căn nhà nhỏ ở đường Trường Thi, thành phố Thanh Hóa, nữ anh hùng sinh năm 1947 cho biết thêm: “Khi cần người tiếp tế đạn cho bộ đội, tôi luôn có mặt. Tôi vác hết hòm đạn này đến hòm đạn khác đưa đến tận chiến hào. Nhiều lúc, tôi cùng chị em còn ra trận địa lau đạn, lắp đạn, tiếp đạn cho bộ đội”.
Khác với bà La Thị Tám hay bà Ngô Thị Tuyển, nhờ có cơ hội đọc sách, đọc báo nhiều, được nghe kể về sự đàn áp của thực dân với những người yêu nước, về lời kêu gọi đồng bào cả nước đoàn kết đánh đuổi thực dân Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cô gái trẻ Nguyễn Thị Mỹ Nhung năm ấy đã cùng người em Nguyễn Thị Mỹ Linh dù sinh ra trong gia đình giàu có nhưng đã sớm xác định lý tưởng Tổ quốc là trên hết, quyết tâm vào chiến khu đi theo kháng chiến chống Pháp.
Nhớ lại những năm tháng ấy, bà Mỹ Nhung kể lại: “Tôi cũng giống như mọi người dân Việt Nam, theo lời kêu gọi toàn dân kháng chiến của Bác Hồ, ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có súng có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc đánh đuổi thực dân Pháp, những thanh niên như tôi đều muốn đi theo tiếng gọi của Bác Hồ, theo kháng chiến để giành lại độc lập dân tộc”. Năm 1948, bà bắt đầu hoạt động cách mạng tại xã Phú Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long, khi chỉ mới 16 tuổi.
Về sau, cô gái có bí danh Yên Thảo (thường gọi Tám Thảo) trở thành thành viên của Cụm tình báo H63 do đồng chí Phạm Xuân Ẩn (Hai Trung) là điệp viên chủ lực. Cụm Tình báo H63 được đánh giá là mạng lưới tình báo hoạt động hiệu quả, với những điệp viên tiêu biểu: Tư Cang, Hai Trung, Tám Thảo, Mười Nho, Nguyễn Thị Ba...
Năm 1961, nữ tình báo Yên Thảo đã vận chuyển 24 cuốn phim ra Củ Chi sau khi vượt qua nhiều trạm, bốt gác dày đặc. Thông tin trong các cuộn phim đã giúp quân giải phóng nắm được nội dung chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của Mỹ.
Trong lịch sử đấu tranh xây dựng và bảo vệ đất nước luôn có sự xuất hiện của những nữ anh hùng. Điều này cũng đã được nhắc đến khi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến dự Đại hội những người xuất sắc trong phong trào "Ba đảm đang" của phụ nữ Thủ đô Hà Nội ngày 2/12/1965. Tại đây, Người nói: Dân tộc Việt Nam ta là dân tộc anh hùng, thanh niên Việt Nam là thanh niên anh hùng, phụ nữ Việt Nam là phụ nữ anh hùng.





Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm nữ anh hùng đếm bom ở Ngã ba Đồng Lộc. (Ảnh Đình Nam)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm nữ anh hùng đếm bom ở Ngã ba Đồng Lộc. (Ảnh Đình Nam)

Bà Nguyễn Thị Mỹ Nhung (bí danh Nguyễn Thị Yên Thảo, tên thường gọi là Tám Thảo) hạnh phúc cùng con gái trong ngày được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. (Ảnh: Yến Vân)
Bà Nguyễn Thị Mỹ Nhung (bí danh Nguyễn Thị Yên Thảo, tên thường gọi là Tám Thảo) hạnh phúc cùng con gái trong ngày được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. (Ảnh: Yến Vân)
Hai nghìn năm trước đây, ta có các anh hùng: Hai Bà Trưng, Bà Triệu. Trong cách mạng giải phóng dân tộc, trong kháng chiến chống Pháp trước kia và trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ngày nay, ta cũng có nhiều anh hùng là phụ nữ (1).
Thật đặc biệt khi những nữ anh hùng mà chúng tôi được gặp đều có nhiều kỷ niệm khó quên với Bác, nhất là Anh hùng Ngô Thị Tuyển, người vinh dự nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1967, là một trong những người may mắn được gặp Bác nhiều lần, và một nhiệm vụ vinh dự nhất, xúc động nhất trong cuộc đời bà chính là khi được nhận nhiệm vụ túc trực bên linh cữu của Người.
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Năm 2009, tập 11, tr.621
Ngày xuất bản: 02/12/2022
Nội dung: Ngọc Đinh - Mạnh Hào
Ảnh: Yến Vân - Mạnh Hào - Đình Nam
Trình bày: Phùng Trang