Bài 3: Lộ trình nào để F0 đi làm an toàn trong bình thường mới?

Một số chuyên gia cho rằng, việc “mở” cho F0 đi làm có thể khả thi trong thời gian tới đây nhưng cần phải tuân thủ nhiều nguyên tắc để không lây nhiễm ra cộng đồng. Tuy nhiên, một số người quan ngại khi Covid-19 là bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ lây nhiễm và tử vong cao hơn nhiều so với các bệnh truyền nhiễm khác thì “mở cửa” sẽ làm gia tăng nguy cơ cho cộng đồng. Trong tình hình mới, nếu các đơn vị triển khai cho F0 đi làm, sẽ cần phải giải quyết rất nhiều bài toán.

F0 đi làm cần nâng cao mức phòng, chống dịch

Nơi làm việc phải thông thoáng, tuân thủ khoảng cách và đeo khẩu trang, nếu có khu làm việc riêng cho F0 là lý tưởng nhất… là những đề xuất của các chuyên gia dịch tễ, kiểm soát nhiễm khuẩn trước thực tế tới đây F0, F1 sẽ được đi làm. 

PGS, TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Việt Nam bày tỏ quan điểm, Việt Nam có thể áp dụng cho phép F0, F1 đi làm. Thực tế hiện nay số người nhiễm lớn nhưng tỷ lệ không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ chiếm tỷ lệ cao, tới 70-90%.

Về mặt sức khỏe, tỷ lệ F0 nặng nhập viện và tử vong thấp, không gây quá tải cho hệ thống y tế, không có nguy cơ lớn về công tác phòng, chống dịch. Do đó, việc cho F0 đi làm không gây ra những ảnh hưởng tới công tác phòng, chống dịch.

Tới đây, việc cách ly F0 cũng không khả thi, sẽ làm ảnh hưởng tới nền kinh tế đất nước nhiều hơn là để F1, F0 áp dụng biện pháp phòng ngừa cá nhân vẫn tham gia vào hoạt động sản xuất. Về mặt cá nhân và về mặt xã hội tốt hơn cho nền kinh tế. Bởi vậy, có thể F0 triệu chứng nhẹ có thể đi ra ngoài, thậm chí có thể đi làm”.
(PGS, TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Việt Nam)

Về mặt cá nhân, PGS Hùng cho rằng, người nhiễm Covid-19 và nghi nhiễm (F1) nếu đi ra ngoài phải áp dụng biện pháp phòng ngừa để hạn chế làm lây lan cho người khác, trong đó, quan trọng nhất vẫn là khẩu trang khi tiếp xúc với người khác, khu làm việc phải thông thoáng, bảo đảm khoảng cách.

PGS, TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Việt Nam. 

PGS, TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Việt Nam. 

Người dân phải có trách nhiệm với chính bản thân mình và cộng đồng, chỉ đi làm, không nên tới nơi công cộng, không nên tới khu tụ tập đông người, tham gia các hoạt động ăn uống tập thể.

Về chủ thể cơ quan sản xuất, phải tạo điều kiện bố trí khu làm việc tránh lây ra người khác. Nếu đơn vị có điều kiện tổ chức khu vực riêng cho F0 sản xuất thì tốt, nhưng nếu không có thì cố gắng tạo điều kiện để F0 đi làm tuân thủ ý thức phòng ngừa cá nhân.

Người nhiễm Covid-19 và người không bị nhiễm cũng phải lưu ý trong nhà vẫn có đối tượng có thể nguy cơ bệnh nặng, tử vong nên phải nêu cao ý thức trách nhiệm để bảo vệ đối tượng yếu thế.

PGS, TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, cộng đồng hiện nay vẫn cần phải được an toàn vì số ca mắc gia tăng sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế, thiếu hụt người lao động tại các cơ sở lao động, gây quá tải cho nhân viên y tế.

Đặc biệt số ca mắc nhiều, do không thực hiện tốt 5K nên tỷ lệ trẻ em phơi nhiễm tăng cao thời gian gần đây. Số ca tử vong đã giảm 70-80%, nhưng tỷ lệ 20% còn lại không cứu được vẫn là con số đáng tiếc, do đó vẫn phải bảo đảm an toàn.

Do đó, PGS Dũng cho rằng, việc “mở” cho F0 không triệu chứng đi làm không phù hợp vì F0 vẫn có khả năng lây nhiễm. Việc bảo đảm không lây nhiễm tại nơi làm việc rất khó và rất dễ bị lạm dụng. Chỉ có những ngành nghề thiết yếu xã hội không thể không vận hành nếu thiếu hụt nhân lực như công an, phòng cháy chữa cháy hoặc nhân viên y tế chăm sóc người bệnh Covid-19 thì có thể xem xét.

PGS, TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh.

PGS, TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh.

PGS Dũng cho rằng, muốn giải quyết vấn đề lực lượng lao động, nhà nước nên giải quyết 2 điểm cơ bản: Một là, cho F0 không phải cách ly, chỉ thực hiện 5K chặt chẽ và hai là F1 được đi làm. Nếu được, nên giảm thời gian cách ly tối thiểu xuống cho F0.

“Một số quốc gia khác, F0 chỉ cách ly 5 ngày. Nếu xét nghiệm âm tính, F0 có thể cách ly 3 ngày. Chúng ta nên nghiên cứu thêm phương án rút ngắn thời gian này sẽ tốt hơn cho F0”, PGS Dũng nhấn mạnh.

Chuyên gia này dẫn chứng, tại Mỹ - quốc gia tương đối cởi mở vì quyền tự do con người - nhưng nguyên tắc F0 vẫn phải được cách ly và được hưởng lương, F1 cũng có quyền xin nghỉ chăm sóc người nhà.

Có thể nhiều F0 vì vấn đề mưu sinh dù có triệu chứng nhưng lại thông tin là mình nhẹ để đi làm chắc chắn sẽ tạo ra sự lây nhiễm. Hoặc một số cơ quan, có thể tạo ra cơ chế ép buộc nào đó khiến F0 dù muốn nghỉ ngơi nhưng vẫn phải đi làm”.
(PGS, TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh)

Khủng hoảng nhân lực là câu chuyện “khó có lời giải” của ngành dệt may mùa Covid-19 nếu vẫn áp dụng nguyên các biện pháp phòng, chống dịch như trước kia
Công nhân F1 đi làm lại vẫn phải đảm bảo 5K ngay cả khi… ăn trưa. (ẢNH: SƠN BÁCH)

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam.

Đồng quan điểm này, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, cho biết, hiện nay, dịch bệnh Covid-19 vẫn đang ảnh hưởng tới đời sống và vẫn sẽ có số ca tử vong. Do vậy, Covid-19 vẫn là căn bệnh cần phải lưu tâm hiện nay. Đặc biệt, ở nhóm người yếu thế, nguy cơ chuyển biến nặng khi mắc bệnh (phụ nữ có thai, người cao tuổi, người nhiều bệnh lý nền, nhóm bệnh nhân đang điều trị bệnh lý cấp tính tại bệnh viện)… Do vậy, việc không cách ly người bị nhiễm, lây lan bệnh cho nhóm người yếu thế sẽ làm tăng nguy cơ tử vong.

Chuyên gia này cho rằng, nhóm F0 có thể đi làm chỉ nên áp dụng với nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Đối với các trường hợp F0 không triệu chứng, có thể làm việc trực tuyến tại nhà.

Theo quan điểm của bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, khi các đơn vị triển khai cho F1 và F0 đi làm, cần phải lưu ý vấn đề nguy cơ lây nhiễm vẫn rất cao cho môi trường làm việc. Do đó, các F0 đi làm phải tuân thủ nghiêm ngặt giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, thực hiện các yếu tố phòng tránh lây nhiễm cho đồng nghiệp.

Chuyên gia này nhấn mạnh thêm: “Trong 3-5 ngày đầu tiên của bệnh khi tải lượng virus cao, khả năng lây lớn, nên cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về cách ly. Sau tuần đầu tiên hoặc từ ngày thứ 10, tải lượng virus thấp hơn sẽ an toàn hơn, khi đó F0 có thể đi làm”. 


Cần tạo điều kiện cho F1 đi làm

Mặc dù chưa cởi mở với quan điểm “mở cửa” cho F0 đi làm, nhưng PGS, TS Đỗ Văn Dũng cho rằng, hiện nay lực lượng F1 đang đông gấp nhiều lần so với F0. Bởi vậy, ngành y tế có thể gỡ bỏ cách ly với F1. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng, trong gia đình có 1 F0, thì nguy cơ lây nhiễm cho những người khác có thể lên tới 70-80%. Bởi vậy, dù F1 không cách ly nhưng vẫn phải phải theo dõi sức khỏe của mình.

“Đối với biến chủng Omicron, các triệu chứng rất thô sơ: chảy nước mũi, đau mỏi người, rát họng… Do vậy, F1 cần lưu ý khi có biểu hiện này cần phải xét nghiệm để biết mình có là F0 hay không, phòng nguy cơ lây cho người khác”, PGS Dũng nói.

PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế).

PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế).

PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho rằng, phương án cho F1 đi làm hoàn toàn phù hợp trong tình hình hiện nay. Điều này sẽ giúp giải quyết bài toán nhân lực có thể thiếu hụt trầm trọng. Tuy nhiên, việc thực hiện phải tùy vào từng địa phương, từng cơ quan xí nghiệp. Bởi vì, nguy cơ của đối tượng F1 vẫn có.

Các trường hợp F1 cần tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc 5K; không tiếp xúc gần với những người thuộc nhóm nguy cơ cao (người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai). F1 phải luôn theo dõi sức khỏe và xét nghiệm khi có triệu chứng.

Với cơ quan, xí nghiệp có nhiều F1 đi làm, nếu có điều kiện thì có thể phân chia khu vực làm việc cho các trường hợp này để hạn chế tiếp xúc với các trường hợp khác. Còn trường hợp làm việc trong không gian hẹp cần mở cửa thông thoáng và hạn chế tiếp xúc gần. Nếu một cơ quan không quản lý tốt người F1 thì sẽ có nguy cơ lây lan ra cả cơ quan khiến tình hình dịch phức tạp hơn.

Với PGS, TS Bùi Hoàng Hải, trong suốt 3 năm chống dịch, nhân viên y tế là F1 thường xuyên nên các cán bộ y tế trước tới nay vẫn tuân thủ quy định 5K và đi làm bình thường.

PGS, TS Bùi Hoàng Hải.

PGS, TS Bùi Hoàng Hải.

“Thực tế cho thấy, nếu tuân thủ 5K đúng, đi đến nơi về đến chốn thì không có khả năng lây. Virus dễ lây nhất là khi chúng ta cùng ngồi ăn với nhau, uống nước và nói chuyện mà không có biện pháp bảo vệ”, bác sĩ Hải khuyến cáo.


Phải phân loại đối tượng và cụ thể hóa chính sách

Đồng tình với đề xuất đưa F0 và F1 không triệu chứng đi làm lại bình thường, tuy nhiên, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp cho rằng: Các cơ quan chức năng cần cụ thể hóa chính sách, phân loại rõ nhóm đối tượng thực hiện để bảo đảm tính hiệu quả cũng như sự an toàn.

Ủng hộ đề xuất của Bộ Y Tế, nhưng ông Dương Ngọc Hiếu, Giám đốc phụ trách khối dự án Công ty cổ phần đầu tư Thành Mỹ (Thanh Trì, Hà Nội), đặt ra 2 bài toán cần phải giải quyết: Tư tưởng và cơ sở vật chất.

“Chúng tôi lo nhất hai vấn đề này, trong đó đặc biệt là của dư luận và cách đánh giá từ các đối tác. Thực tế, mọi người hiện nay vẫn rất ngại tiếp xúc với các F0, đặc biệt là các đối tác nước ngoài. Đối với doanh nghiệp, có công nhân đi làm là tốt nhưng đối tác sẽ thế nào? Có chấp nhận lái xe F0 vào các cơ quan khác hay không lại là vấn đề khác”, ông Hiếu thẳng thắn nêu quan điểm.

Cùng hoạt động trong lĩnh vực vận tải, ông Nguyễn Anh Quân - Tổng Giám đốc Taxi G7 - cũng có chung lo lắng. Theo ông Quân, nếu đồng ý để F0 và F1 không có triệu chứng đi làm dù chỉ là khối văn phòng thì công việc đầu tiên phải làm là giải quyết công tác tư tưởng cho các nhân sự còn lại.

Thực tế, ngay cả các doanh nghiệp tại địa phương đi đầu như Long An cũng có tâm tư tương tự. Bà Nguyễn Thị Kim Anh - Giám đốc nhân sự  công ty TNHH Jia Hsin (Khu công nghiệp Cầu Tràm, Cầu Đước) khẳng định: Dù có bố trí nơi làm riêng, ăn riêng và vệ sinh riêng theo đúng quy định phòng, chống dịch nhưng “chắc chắn tâm lý người khỏe mạnh sẽ vẫn… e dè”.

Về vấn đề cơ sở vật chất, các chủ cơ sở sản xuất kinh doanh cũng đưa ra quan điểm của mình. Cả ông Hiếu và ông Quân đều nhận định: Việc bố trí một khu làm việc riêng cho các F không triệu chứng “chắc chắn sẽ khiến chi phí đầu vào” của doanh nghiệp bị đội lên.

“Đấy có thể coi là chi phí rủi ro khi vận hành doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp có thu nhập cao hơn từ các nhân công này thì chúng tôi cũng vui vẻ. Nhưng nếu không bù lại được thì đây thực sự sẽ trở thành gánh nặng, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp có quy mô công nhân lớn”, ông Hiếu chia sẻ.

Ông Võ Thanh Tú - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hòa Thành (Bến Lức) - băn khoăn:  Đối với doanh nghiệp có đông công nhân nhưng không có đủ không gian bố trí lao động F0 làm việc riêng biệt thì cần phải rất thận trọng và cân nhắc.

Bên cạnh đó, một vấn đề đang được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm là nhóm đối tượng F0 và F1 không triệu chứng nào… nên được đi làm trở lại.

Ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh cho rằng: Tùy vào đặc thù và tính chất nghề nghiệp để đưa ra quy định cho phù hợp. Nếu người lao động làm việc tập trung tại các nhà máy, xí nghiệp mà bị nhiễm bệnh thì nên được cách ly tại nơi ở để theo dõi, điều trị, nếu đi làm sẽ ảnh hưởng đến cả dây chuyền sản xuất, khó kiểm soát được tình hình. Tuy nhiên, Bộ Y tế nên xây dựng tiêu chí cụ thể để đánh giá mức độ lây nhiễm của dịch bệnh, cơ sở nào đánh giá F0 được đi làm và chưa được đi làm, đặc thù ngành nghề… để các doanh nghiệp, đơn vị, người sử dụng lao động có căn cứ tham khảo, áp dụng quy định để thực hiện.

Dẫn chứng cụ thể hơn, ông Nguyễn Anh Quân,lãnh đạo hãng Taxi G7, nói: “Nếu để cho F0 không có triệu chứng đi làm là anh em lái xe thì hoàn toàn không ổn vì nguy cơ tiếp xúc, lây nhiễm rất cao, từ đó ảnh hưởng tới cộng đồng”.

Ông Quân cho rằng, chỉ nên áp dụng đề xuất với một bộ phận khối văn phòng, tùy vào cơ sở vật chất của từng công ty.

“Tuy nhiên khi đi làm chắc chắn vẫn phải bảo đảm cách ly giữa F0 và các nhân sự chưa phải F”, Tổng Giám đốc Taxi G7 thẳng thắn.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Thanh Hưng (Công ty cổ phần May xuất khẩu H.P Bắc Giang) cũng cho biết: Nếu được lựa chọn, ông sẽ chỉ cho phép khối văn phòng áp dụng đề xuất nhằm tránh rủi ro.

Ngay tại Long An, đại diện công ty TNHH MTV Cheng Da Việt Nam, ông Hoàng Khắc Vân, đề xuất nên áp dụng phương án cho F0 là nhân viên các phòng, ban làm việc trực tuyến; F0 là công nhân làm việc tại các chuyền sản xuất thì cách ly tại nhà để bảo vệ sức khỏe cho một tập thể đông người. Các trường hợp F1 có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính thì sẽ được đi làm bình thường.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng (Khu công nghiệp An Hạ, huyện Bình Chánh), cũng đồng tình với quan điểm người bị F0 cần được nghỉ ngơi để bảo đảm sức khỏe, thực hiện 5K nhằm bảo vệ sức khỏe cho chính mình và những người chung quanh.

Theo ông Hùng, Công ty khuyến khích F0 thuộc khối văn phòng có thể làm việc trực tuyến, còn công nhân trực tiếp sản xuất thì sau khi test âm tính có thể quay trở lại làm việc ngay, thông thường thời gian điều trị của F0 trung bình là 7 ngày.

Ông Đàm Văn Tuấn, công nhân bộ phận Ráp thô, Công ty Công ty CP Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng chia sẻ: “Tôi bị Covid-19 về quê điều trị cách ly thời gian 7 ngày, thêm 3 ngày nghỉ ngơi ổn định xong mới quay trở lại làm việc. Tôi thấy F0 nên nghỉ ngơi, theo dõi diễn biến bệnh là hợp lý. Khi nào có kết quả kiểm tra âm tính hãy đi làm, như vậy sẽ bảo đảm an toàn cho anh em công nhân tại Công ty”.

“Theo tôi, điều quan trọng nhất là các cơ quan chức năng cần cụ thể hóa chính sách, phân loại rõ các nhóm đối tượng để việc thực hiện được hiệu quả và an toàn”, một chủ doanh nghiệp nêu quan điểm.

Về việc phân loại các nhóm đối tượng F0 được đi làm, theo giám đốc một doanh nghiệp xin giấu tên, việc đưa F0 đi làm trong doanh nghiệp cần phân biệt khối quản lý và khối sản xuất.

F0 làm việc trên dây chuyền sản xuất sẽ không chắc chắn loại bỏ được khả năng lây nhiễm cho ngưòi khác cùng dây chuyền hoặc ảnh hưởng đến sản phẩm dù thực hiện 5k và các đồ bảo hộ cần thiết như găng tay, khử khuẩn.

Tuy nhiên khối quản lý, bao gồm lãnh đạo, kỹ thuật và quản lý chất lượng, cung ứng nguyên liệu hàng hóa... là những nhân sự phụ trách các khâu then chốt, khó thay thế thì cần phải cố gắng mọi cách để thực hiện mô hình làm việc tại doanh nghiệp để họ có thể cùng tham gia duy trì sản xuất ngay cả khi bị mắc Covid-19. Thông thường khối quản lý này đã được thiết kế khu làm việc riêng, số lượng nhân sự không lớn nên  phân khu an toàn riêng cho F0 là khả thi, dễ thực hiện.

“Sẽ kịp thời điều chỉnh các văn bản phù hợp”

Liên quan tới nội dung F0, F1 được đi làm, mới đây trả lời Báo Nhân Dân, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, nhằm hài hòa giữa phát triển kinh tế và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý F0, F1, phù hợp với diễn biến tình hình dịch, Bộ Y tế đã đề xuất nới lỏng không phải cách ly y tế cho F1 dù đã tiêm đủ hay chưa tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19.

“F0, F1 có thể tham gia đi làm, học tập nhưng vẫn phải thực hiện nghiêm 5K. Qua đó tạo điều kiện cho các trường hợp F0, F1 tham gia hoạt động, làm việc, học tập tại các cơ quan, xí nghiệp, bảo đảm hiệu quả công việc cũng như công tác phòng, chống dịch; nhất là các dịch vụ chăm sóc y tế, các dịch vụ thiết yếu tại các cơ sở y tế, các cơ sở sản xuất kinh doanh, các địa phương, đơn vị, cơ quan nhà nước. Điều này đặt ra trong bối cảnh Việt Nam đã tiêm vaccine phòng Covid-19 với tỷ lệ cao trên phạm vi toàn quốc, nên hầu hết các trường hợp mắc không có biểu hiện triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, tỷ lệ chuyển biến nặng và tử vong giảm mạnh”, ông Tuyên nói.

Hiên nay, Bộ Y tế đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ Tổ chức Y tế thế giới cũng như các tổ chức quốc tế, quốc gia khác theo dõi tình hình dịch Covid-19 cũng như cập nhật sự biến đổi của virus SARS-CoV-2 để kịp thời điều chỉnh các văn bản theo hướng từng bước nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch để phù hợp với thực tiễn tình hình dịch.

“Người lao động và doanh nghiệp cần có nhận thức đúng đắn”

TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, chia sẻ góc nhìn của một chuyên gia lao động, rằng đề xuất của Bộ Y tế để một số trường hợp F0 nhẹ không có triệu chứng và F1 tham gia làm việc trong thời gian cách ly là có thể chấp nhận được. Chỉ trong khoảng một tuần qua, trung bình mỗi ngày, nước ta ghi nhận tới hơn 160 nghìn ca mắc mới Covid-19. Con số này trong thực tế có thể còn cao hơn nhiều, bởi nhiều trường hợp nhiễm Covid-19 không khai báo, hoặc người bệnh nhiễm không có triệu chứng.

Hiện nay, chúng ta đã thực hiện tinh thần "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" theo Nghị quyết 128/NĐ-CP của Chính phủ. Như vậy, với F0 không triệu chứng, hoặc có triệu chứng nhẹ, tùy theo hoàn cảnh, điều kiện khác nhau có thể quyết định đi làm trong thời gian cách ly. Vấn đề quan trọng là người lao động và doanh nghiệp phải có nhận thức đúng đắn, phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Tuy nhiên, cần lưu ý tới các môi trường sản xuất, đặc biệt tại các doanh nghiệp có môi trường làm việc kín, đông người lao động để tránh tình trạng lây nhiễm chéo.

Quy định này không trái với Bộ luật Lao động hiện nay, vì người lao động chỉ được nghỉ ốm có hưởng lương khi có xác nhận của y tế; trong khi họ chưa có triệu chứng nặng và vẫn có khả năng làm việc.

Hơn nữa, quy định này được điều chỉnh để phù hợp thực tế thiếu nguồn nhân lực trong các nhà máy, xí nghiệp hiện nay do đại dịch Covid-19 và cũng đáp ứng cung - cầu lao động. Doanh nghiệp cần nguồn nhân lực sản xuất, người lao động có nhu cầu đi làm, tạo thu nhập bảo đảm đời sống và đúng với chủ trương của Nhà nước và khuyến cáo của cơ quan chuyên môn y tế.

Nhiều doanh nghiệp đồng tình với giải pháp này là có cơ sở. Nguyên nhân chính vì họ đang “khát” lao động để đáp ứng yêu cầu sản xuất-kinh doanh, hồi phục và phát triển kinh tế trong điều kiện Nhà nước cho phép thực hiện "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 ". Vấn đề cần chú trọng ở đây là doanh nghiệp phải có các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh”.Nhiều doanh nghiệp đồng tình với giải pháp này là có cơ sở. Nguyên nhân chính vì họ đang “khát” lao động để đáp ứng yêu cầu sản xuất-kinh doanh, hồi phục và phát triển kinh tế trong điều kiện Nhà nước cho phép thực hiện "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 ". Vấn đề cần chú trọng ở đây là doanh nghiệp phải có các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh”.
(TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội)

Cụ thể, doanh nghiệp phải bảo đảm làm sạch môi trường, khử khuẩn và chuẩn bị điều kiện làm việc an toàn trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Chuyên gia Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, cần kiểm soát dịch chứ không để dịch kiểm soát chúng ta, bảo đảm cho người lao động tiêm đủ số liều vaccine. Đồng thời, doanh nghiệp phải có các chế độ bồi dưỡng giúp người lao động tăng cường sức đề kháng; giảm các chi phí tuyển dụng, đào tạo tay nghề hoặc đào tạo lại cho người lao động. Đơn vị sử dụng lao động cần quan tâm chính sách tiền lương ưu đãi, tiền thưởng, tiền làm thêm giờ, chính sách hỗ trợ nhà ở, điện nước, giữ trẻ và phương tiện đi lại bảo đảm an toàn phòng dịch. Đây là các biện pháp tích cực thu hút lao động nhưng doanh nghiệp phải tăng chi phí, giảm lợi nhuận, thậm chí còn gánh lỗ để bảo đảm duy trì sản xuất, khoan sức lao động chuẩn bị cho sự phát triển phục hồi, ổn định và tăng tốc trong tương lai.


Ngày xuất bản: 20/3/2022
Tổ chức thực hiện: NGỌC THANH, HỒNG VÂN
Nội dung: THIÊN LAM, SƠN BÁCH, LÊ NGÂN
Ảnh: THÀNH ĐẠT, ĐĂNG KHOA, BÁO NHÂN DÂN
Trình bày: ĐĂNG PHI