
Trận Điện Biên Phủ là một trận quyết chiến chiến lược vĩ đại và là chiến thắng lớn nhất của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến lâu dài chống đế quốc xâm lược Pháp và can thiệp Mỹ. Chiến thắng Điện Biên Phủ đánh dấu một chuyển biến lớn trong cục diện quân sự, chính trị lúc bấy giờ, góp phần quyết định vào thắng lợi của Hội nghị Giơnevơ 1954, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Xin trân trọng giới thiệu bài viết của Đại tướng Hoàng Văn Thái nhân kỷ niệm 10 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Năm nay chúng ta kỷ niệm lần thứ mười ngày chiến thắng Điện Biên Phủ trong lúc nhân dân ta ở miền Bắc đang hăng hái thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội và đã thu được nhiều thắng lợi, nhân dân ta ở miền Nam đang anh dũng chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược cùng bè lũ tay sai và đã làm cho chúng bị thất bại thảm hại trong giai đoạn đầu của cuộc “chiến tranh đặc biệt”. Phấn khởi trước những thành tích to lớn đó, nhân dân cả nước ta đang ra sức khắc phục khó khăn, tiến lên giành những thắng lợi mới. Nhân dịp này, ôn lại lịch sử vẻ vang và những bài học kinh nghiệm quý báu của chiến thắng Điện Biên Phủ là một việc có ý nghĩa quan trọng.
Năm 1953, cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân ta bước vào năm thứ tám. Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, quân và dân ta càng đánh càng thu nhiều thắng lợi. Tiếp sau chiến dịch Biên giới, chúng ta liên tiếp thắng lợi ở trung du, Hòa Bình, Tây Bắc, giữ vững quyền chủ động chiến lược trên chiến trường miền Bắc, đẩy quân địch vào thế ngày càng nguy khốn và bị động. Sau tám năm chiến tranh, tổng số quân địch bị giết và bị bắt đã lên đến gần 39 vạn tên, vùng chiếm đóng của chúng ngày càng bị thu hẹp, nhất là trên chiến trường Bắc Bộ. Kinh tế tài chính của bọn thực dân Pháp ngày càng kiệt quệ, chiến phí ở Đông Dương từ 3,2 tỷ phơ răng năm 1945 đã tăng lên tới 556 tỷ phơ răng năm 1953, khiến chúng phải ngày càng lệ thuộc vào đế quốc Mỹ để duy trì chiến tranh xâm lược. Phong trào đấu tranh của nhân dân Pháp và nhân dân thế giới chống “cuộc chiến tranh bẩn thỉu” ở Đông Dương ngày càng lên cao làm cho nội bộ của bọn thực dân Pháp ngày càng lục đục. Mặc dù chính phủ Pháp đã 18 lần lập lên đổ xuống, đã phải thay đổi 6 tướng tổng chỉ huy và 5 cao ủy ở Đông Dương, nhưng chúng vẫn không sao tránh khỏi tình trạng ngày càng bị sa lầy trong cuộc chiến tranh xâm lược. Càng đánh, chúng càng dần dần mất hy vọng ở thắng lợi cuối cùng. Chính trong tình hình đó, đế quốc Pháp đã cử tướng Nava sang Đông Dương. Chúng đặt ra kế hoạch Nava, mong dựa vào “viện trợ” của Mỹ để cứu vãn tình thế nguy ngập của chúng và giành lấy một thắng lợi quyết định về mặt quân sự, hòng tìm “một lối thoát có danh dự” cho cuộc chiến tranh xâm lược, về phía đế quốc Mỹ thì sau khi thất bại và buộc phải ký kết hiệp định đình chiến ở Triều Tiên, chúng ngày càng can thiệp sâu vào chiến tranh Đông Dương, âm mưu thông qua kế hoạch Nava để dần dần thay chân thực dân Pháp hòng kéo dài và mở rộng cuộc chiến tranh ở vùng này, ngăn chặn phong trào giải phóng dân tộc ở Đông Dương và Đông Nam Á. (!)

Chiến thắng Điện Biên Phủ buộc chính phủ Pháp phải ký kết Hiệp định Giơnevơ (7/1954) công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ ba nước Đông Dương, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ kéo dài 9 năm (1945-1954). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Chiến thắng Điện Biên Phủ buộc chính phủ Pháp phải ký kết Hiệp định Giơnevơ (7/1954) công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ ba nước Đông Dương, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ kéo dài 9 năm (1945-1954). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Kế hoạch chiến lược quy mô lớn của Nava - dự định thực hiện trong vòng 18 tháng, chia làm hai thời kỳ:
Từ mùa thu năm 1953 đến mùa Hè năm 1954 là thời kỳ phòng ngự chiến lược ở miền Bắc, tiến công chiến lược ở miền Nam. Trong thời kỳ này, trước hết địch tập trung lực lượng ở chiến trường miền Bắc nhằm tăng cường càn quét, đánh phá căn cứ du kích của ta ở vùng địch tạm chiếm, đồng thời chủ động mở những chiến dịch tiến công để tiêu hao lực lượng và phá kế hoạch tiến công Thu Đông của ta. Và: trong lúc chờ đợi xây dựng một lực lượng cơ động hùng hậu, chúng tránh quyết chiến với chủ lực lớn mạnh của ta ở miền Bắc; đợi đến đầu năm 1954, sau khi phá được các cuộc tiến công Thu Đông của ta và chủ lực ta bị tiêu hao, mệt mỏi, chúng sẽ tập trung lực lượng vào bình định chiến trường miền Nam mà trọng tâm là đánh chiếm vùng tự do Liên khu V và các căn cứ du kích rộng lớn của ta ở miền Tây Nam Bộ.
Bước sang thời kỳ thứ hai, vào Đông Xuân 1954 - 1955, sau khi bình định xong chiến trường miền Nam và xây dựng xong lực lượng cơ động hùng hậu, chúng sẽ tập trung toàn bộ lực lượng ra chiến trường miền Bắc mở cuộc tiến công chiến lược, quyết chiến với chủ lực của ta, hòng giành một thắng lợi có tính chất quyết định.
Để thực hiện kế hoạch nói trên, Nava chủ trương ra sức bắt người, cướp của ở vùng địch tạm chiếm, dự định phát triển quân ngụy từ 168.000 tên lên 280.000 tên, tổ chức 108 tiểu đoàn khinh quân, dùng quân ngụy làm nhiệm vụ bình định để tập trung quân Âu - Phi làm lực lượng cơ động, đồng thời xin thêm viện binh ở Pháp sang để có thể đưa lực lượng cơ động từ 9 lên tới 27 binh đoàn. Có thể nói, chưa lúc nào đế quốc Pháp lại có một kế hoạch phát triển quân ngụy và xây dựng lực lượng cơ động với quy mô lớn và tốc độ nhanh như lúc này. Để giúp Pháp thực hiện kế hoạch Nava, đế quốc Mỹ đã tăng "viện trợ” quân sự từ 269 tỷ lên 420 tỷ phơ răng, cung cấp thêm trang bị cho 6 tiểu đoàn pháo binh, 2 trung đoàn cơ giới, 6 tiểu đoàn vận tải, tăng thêm 123 máy bay và 212 tàu chiến các loại.
Kế hoạch Nava rõ ràng là một âm mưu chính trị và quân sự vô cùng thâm độc, về mặt chính trị, nó thể hiện sự tăng cường cấu kết giữa thực dân xâm lược Pháp và can thiệp Mỹ hòng đè bẹp cuộc kháng chiến ngày càng thắng lợi của nhân dân ta, thực hiện mưu đồ thực dân của chúng, về mặt quân sự, nó nói lên sự gian ngoan của địch, đã phần nào nhìn thấy chỗ yếu và thế bị động về chiến lược của chúng ngay trong lúc chúng vẫn còn chiếm ưu thế về số lượng quân đội cũng như về binh khí kỹ thuật; biết tạm thời phòng ngự để chuẩn bị điều kiện cho một cuộc tấn công lớn có tính chất quyết định; biết nắm vững khâu chính là tổ chức một lực lượng cơ động mạnh trên cơ sở phát triển nhanh chóng quân ngụy.
Tuy nhiên, do tính chất và mục đích của cuộc chiến tranh mà chúng theo đuổi là xâm lược, nên bản thân kế hoạch của chúng (kế hoạch Nava) có những mâu thuẫn và nhược điểm không thể nào khắc phục nổi, trong đó mâu thuẫn cơ bản nhất là mâu thuẫn giữa phân tán và tập trung. Mục đích của cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp là chiếm lấy nước ta và nô dịch nhân dân ta; mục đích đó buộc chúng phải phân tán binh lực để chiếm giữ đất đai, nhưng phân tán binh lực thì lại lâm vào thế bị động, dễ bị quân ta tiêu diệt, cố gắng tập trung một lực lượng cơ động lớn mạnh để thoát khỏi thế bị động về chiến lược thì lực lượng chiếm đóng lại bị yếu đi, đất đai khó lòng giữ được, mà bỏ đất thì không thực hiện được âm mưu vơ vét sức người, sức của để duy trì chiến tranh, không đạt được mục đích cuối cùng của cuộc chiến tranh xâm lược. Nhược điểm căn bản nhất của kế hoạch Nava là chỉ dựa vào ưu thế về vũ khí, trang bị, không thấy được sức mạnh của yếu tố chính trị và tinh thần. Địch đã phạm sai lầm là đánh giá quá thấp lực lượng của ta, đánh giá quá cao lực lượng của chúng nên đã đề ra một kế hoạch có tính chất chủ quan mạo hiểm. Vì vậy chúng không tránh khỏi thất bại.
Mùa thu năm 1953, kế hoạch Nava được bắt đầu thực hiện. Khẩu hiệu của địch là: “Tập trung lực lượng, tích cực tiến công giành lấy chủ động”. Chúng đã tập trung 112 tiểu đoàn ở đồng bằng Bắc Bộ tức là gần 50 phần trăm lực lượng của chúng trên toàn cõi Đông Dương, trong đó có 44 tiểu đoàn cơ động, chiếm hơn một nửa lực lượng cơ động của chúng trên toàn cõi Đông Dương. Với lực lượng to lớn đó, chúng mở những cuộc càn quét lớn ở tả ngạn và hữu ngạn sông Hồng, đánh thọc lên Lạng Sơn, thả hàng nghìn thổ phỉ biệt kích xuống Tây Bắc để quấy rối hậu phương ta. Trung tuần tháng 10-1953, chúng mở chiến dịch Hải Âu, đánh ra Nho Quan, đồng thời nghi binh tiến công vào Thanh Hóa, uy hiếp vùng tự do của ta ở Phú Thọ, Hòa Bình, nhằm phá sự chuẩn bị tiến công của quân chủ lực của ta vào đồng bằng Bắc Bộ. Đi đôi với hoạt động về quân sự, địch đẩy mạnh tuyên truyền, cổ động cho “thắng lợi” của kế hoạch Nava.
Bước vào Thu Đông năm 1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã phân tích tình hình một cách sâu sắc và toàn diện, đánh giá đúng chỗ mạnh, chỗ yếu của kế hoạch Nava và đề ra chủ trương quân sự để phá tan âm mưu của địch: “Ra sức tăng cường chiến tranh du kích trên khắp các chiến trường ở vùng sau lưng địch, không chỉ ở Bắc Bộ mà cả ở Trung Bộ và Nam Bộ để phá âm mưu bình định của địch, phá kế hoạch phát triển quân ngụy và kế hoạch tập trung quân ra miền Bắc của chúng. Bộ đội chủ lực thì nắm vững phương châm tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt, tập trung binh lực nhằm tiêu diệt sinh lực địch, tranh thủ giải phóng đất đai ở những vùng chiến lược quan trọng mà địch tương đối yếu”, đồng thời phá tan âm mưu của Nava định tập trung và xây dựng lực lượng cơ động, hòng giành lại quyền chủ động chiến lược. Để thực hiện chủ trương quân sự nói trên, Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy quyết định lấy Tây Bắc làm phương hướng chính, nhằm tiến công tiêu diệt toàn bộ quân địch ở khu vực Lai Châu, giải phóng toàn khu Tây Bắc, chiến trường phụ là Trung du Bắc Bộ..., chiến trường phối hợp trực tiếp là Liên khu V và đồng bằng Bắc Bộ.
Tháng 11-1953, sau khi đánh lui cuộc tiến công của địch ra Rịa và Nho Quan, tiêu diệt khoảng 1.500 tên, quân ta bắt đầu thực hiện kế hoạch tác chiến Đông Xuân nhằm phá tan kế hoạch Nava. Các đơn vị chủ lực lần lượt tiến ra các chiến trường đã định. (!)
Trung tuần tháng 11-1953, Nava phát hiện bộ đội ta tiến quân lên Tây Bắc, liền vội vã cho 6 tiểu đoàn nhảy dù xuống Điện Biên Phủ (20-11) để ngăn chặn cuộc tiến công của ta, yểm hộ Lai Châu và trực tiếp bảo vệ Thượng Lào. Quân ta được lệnh nhanh chóng bao vây giữ địch ở Điện Biên Phủ, đồng thời tiếp tục tấn công về hướng Lai Châu. Chỉ trong vòng nửa tháng, từ 10 đến 23-12, chủ lực ta đã tiêu diệt và đánh tan 24 đại đội địch, giết và bắt sống trên 1.100 tên, giải phóng thị xã và toàn tỉnh Lai Châu.
Ngày 21-12-1953, bộ đội tình nguyện Việt Nam phối hợp cùng bộ đội Pathét Lào mở cuộc tiến công vào Trung Lào. Sau một tuần chiến đấu, Liên quân Lào - Việt tiêu diệt hơn 3 tiểu đoàn bộ binh của địch, truy kích địch trên một quãng đường dài 200 km, giải phóng tỉnh Khămmuộn và thị xã Tha Khẹt (27-12-1953), tiến sát đến bờ sông Cửu Long, cắt đôi chiến trường của địch. Trước tình hình đó, Nava buộc phải vội vã điều động lực lượng cơ động ở đồng bằng Bắc Bộ lên Trung Lào, biến căn cứ không quân Xênô thành tập đoàn cứ điểm lớn gồm 13 tiểu đoàn, trong đó có 9 tiểu đoàn điều từ Bắc Bộ tới. Liên quân tiếp tục phát triển về hướng đường số 9 và Hạ Lào, và cuối tháng 1 năm 1954 giải phóng toàn bộ cao nguyên Bôlôven và thị xã Atôpơ, buộc địch phải điều quân tăng viện cho Pắcxế.
Trên chiến trường Liên khu V, ngày 20-1-1954, Nava tập trung 20 tiểu đoàn bộ binh, 4 tiểu đoàn pháo và 3 tiểu đoàn cơ giới mở cuộc tiến công vào Tuy Hòa, Phú Yên nhằm thực hiện âm mưu đánh chiếm toàn bộ vùng tự do của ta ở Liên khu V bao gồm hơn 3 tỉnh khoảng 2 triệu rưỡi dân, dài gần 30 km mà y cho là một bàn đạp tiến công rất lợi hại của ta ở chiến trường miền Nam. Chấp hành chỉ thị của Bộ Chính trị, Trung ương chỉ để một bộ phận nhỏ quân đội cùng với các lực lượng vũ trang địa phương đối phó với quân địch ở mặt chính, còn phần lớn chủ lực thì mở cuộc tiến công bất ngờ lên miền bắc Tây Nguyên. Chỉ trong 10 ngày chiến đấu, quân ta đã giải phóng hoàn toàn tỉnh Kon Tum (bao gồm thị xã Kon Tum) và một phần tỉnh Gia Lai, tiếp đó phát triển tiến công xuống sát đường 19. Quân địch hoảng hốt buộc phải tạm ngừng cuộc tiến công ở đồng bằng Liên khu V và vội vã rút lực lượng cơ động ở mặt trận đồng bằng, ở các chiến trường Bình Trị Thiên và Nam Bộ tăng cường cho Tây Nguyên, biến Plâycu thành một tập đoàn cứ điểm mới gồm 13 tiểu đoàn đóng giữ.
Cũng vào cuối tháng 1-1954, để đánh lạc hướng phán đoán của địch, để tạo điều kiện thuận lợi cho quân ta đẩy mạnh mọi mặt công tác chuẩn bị ở Điện Biên Phủ, Quân tình nguyện Việt Nam sang phối hợp với Quân giải phóng Pathét Lào, bất ngờ mở cuộc tiến công vào Thượng Lào. Từ ngày 31-1 đến ngày 18-2-1954, Liên quân Lào - Việt đánh tan và tiêu diệt 15 đại đội địch, giết và bắt sống khoảng 2.200 tên, giải phóng hoàn toàn tỉnh Phong Sa Lỳ và khu vực sông Nậm Hu là khu vực giàu có nhất ở Thượng Lào, tiến sát và trực tiếp uy hiếp Luông Phabăng. Một lần nữa Nava lại phải hoảng hốt điều một binh đoàn cơ động và một số tiểu đoàn dù ở đồng bằng Bắc Bộ lên, biến Luông Phabăng (5 tiểu đoàn) và Mường Sài (4 tiểu đoàn) thành những tập đoàn cứ điểm mới.
Trong lúc đó, chiến tranh du kích phát triển mạnh mẽ trên khắp các chiến trường ở vùng sau lưng địch, ở Nam Bộ, kết hợp chặt chẽ tác chiến với địch vận, quân và dân ta đã tiêu diệt và bức rút hàng trăm đồn bốt. Ở đồng bằng Bắc Bộ, lợi dụng lúc lực lượng cơ động của địch bị phân tán, ta nhiều lần cắt đứt đường số 5, đánh mạnh vào tuyến sông Đáy, sông Đào (Nam Định), tuyến đường 10... Các hoạt động chiến tranh du kích và các mặt đấu tranh khác ở ngay trong các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định... cũng được đẩy mạnh. Đặc biệt là hai trận tập kích lớn vào sân bay Cát Bi (4-3) và sân bay Gia Lâm (7-3), đã phá hủy 78 máy bay, làm cho lực lượng không quân địch bị tổn thất nặng nề, phối hợp đắc lực với chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đến đây kết thúc thời kỳ thứ nhất của chiến cuộc Đông Xuân năm 1953-1954.
Như vậy là sau 3 tháng tác chiến, tính từ đầu tháng 12-1953 đến trước ngày ta tiến công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, trên toàn quốc, quân và dân ta đã tiêu diệt gần 3 vạn quân địch, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn ở Tây Bắc, Thượng Lào, Hạ Lào và bắc Tây Nguyên... Chúng ta đã phá tan kế hoạch tập trung quân và âm mưu giành chủ động của Nava, làm cho khối quân cơ động của Nava bị chia năm sẻ bảy, lực lượng cơ động ở đồng bằng Bắc Bộ từ 44 tiểu đoàn chỉ còn lại khoảng 20 tiểu đoàn.
Tại Điện Biên Phủ, lúc này quân ta vẫn bao vây, tiêu hao và kiềm chế địch, đồng thời tăng cường mọi mặt chuẩn bị cho chiến dịch.
Địch đã phải tăng cường số quân lên tới 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh (về sau tăng lên thành 17 tiểu đoàn và 10 đại đội), 3 tiểu đoàn pháo binh (trong đó có 1 đại đội 155mm), 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng và 6 máy bay thường trực.
Chúng đóng thành 9 cụm cứ điểm gồm 49 vị trí, với công sự dã chiến khá kiên cố, các cụm và các vị trí đều có thể yểm hộ lẫn nhau bằng hỏa lực. Chung quanh các vị trí đều có hàng rào dây thép gai dày từ 50 đến 75m, có chỗ từ 100 đến 200m, xen kẽ với những bãi mìn các loại. Trong mấy tháng chiếm đóng, chúng đã dùng đến 3.000 tấn dây thép gai.
Do được củng cố và tăng cường đến mức như vậy nên địch đã huênh hoang gọi Điện Biên Phủ là “tiền đồn cực mạnh bảo vệ phương Tây”, là “chiến tuyến thép của thế giới tự do” là “pháo đài bất khả xâm phạm”. Chúng cho rằng trước kia quân ta không đánh được Nà Sản thì nay đối với Điện Biên Phủ vững mạnh hơn nhiều, chắc chắn là quân ta không thể nào đánh được.
Đầu tháng 3-1954, sau khi thấy bộ đội ta đã triển khai hoạt động trên khắp các chiến trường, địch chủ quan cho rằng bộ đội chủ lực ta đã kiệt sức, hoạt động trên các mặt trận đã dừng lại, nên ngày 12-3-1954, chúng tập trung một bộ phận lực lượng cơ động tiếp tục kế hoạch đánh rộng ra vùng tự do Liên khu V, đổ bộ lên Qui Nhơn, chuẩn bị đánh chiếm toàn tỉnh Bình Định.
Nhưng ngoài sự tính toán của địch, chỉ một ngày sau, quân ta mở cuộc tiến công lớn vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, mở đầu cho thời kỳ thứ hai của chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954.
Chiến dịch Điện Biên Phủ đã diễn ra ác liệt trong 55 ngày đêm, quá trình đó có thể phân ra ba giai đoạn:
Trong giai đoạn thứ nhất của chiến dịch, quân ta đã tiêu diệt các trung tâm đề kháng Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo, đánh chiếm hoàn toàn phân khu phía bắc của tập đoàn cứ điểm. Quân địch đã cố gắng điên cuồng nhằm triệt hạ các căn cứ hỏa lực của ta. Không quân chúng đã dội bom napan xuống các đồi núi xung quanh Điện Biên Phủ; pháo binh của chúng tập trung bắn phá dữ dội các căn cứ hỏa lực của ta, nhưng trận địa của ta vẫn vững và ngày càng xiết chặt xung quanh tập đoàn cứ điểm địch.
Trong giai đoạn thứ hai, hào giao thông “trục” và rất nhiều hào giao thông chi nhánh của trận địa ta đã phát triển xuống đến tận cánh đồng, cắt phân khu trung tâm với phân khu phía nam. Cuộc tiến công gay go nhưng thắng lợi vào các ngọn đồi phía đông đã tạo điều kiện cho vòng vây hỏa lực của quân ta khép lại. Từ các vị trí mà quân ta đã đánh chiếm được, tất cả các cỡ súng của ta uy hiếp quân địch, hoàn toàn khống chế sân bay - cổ họng của tập đoàn cứ điểm. Lúc này quân địch ra sức tiếp viện để tăng thêm lực lượng cơ động, tổ chức phản kích, oanh tạc dữ dội vào trận địa của ta, để mong cứu vãn tình thế. Một trạng thái cầm cự gay go quyết liệt đã diễn ra. Có ngọn đồi ta với địch giành đi giật lại nhiều lần; có cứ điểm ta chiếm một nửa, địch vẫn còn giữ một nửa. Quân ta phát huy tinh thần sáng tạo, thực hiện những chiến thuật mới: đánh lấn, đánh tỉa, cắt đứt sân bay, thu hẹp vùng trời của địch, khiến cho sự tiếp viện và tiếp tế của địch ngày càng khó khăn.
Giai đoạn thứ ba là giai đoạn quân ta tổng công kích. Phạm vi chiếm đóng của địch đã bị thu hẹp vào một khu vực dài rộng dưới 2 km. Binh lực của chúng đã bị tổn thất nặng nề. Khi đồi A1 bị quân ta hoàn toàn chiếm lĩnh thì hy vọng cố thủ trận địa của địch đã tiêu tan, tinh thần của chúng đã suy nhược đến cực độ - Ngày 7-5-1954, quân ta mở cuộc tiến công từ các mặt, đánh chiếm sở chỉ huy, bắt sống tướng Đờ Cát và toàn thể Bộ tham mưu của địch. Ngay trong đêm ấy, quân địch ở phân khu nam định chọc thủng vòng vây để tháo chạy nhưng đã bị quân ta tiêu diệt hoàn toàn.
Chiến dịch Điện Biên Phủ đã toàn thắng.

Trong chiến dịch đó, quân ta đã tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên, gồm 17 tiểu đoàn và 10 đại đội bộ binh (trong đó có 7 tiểu đoàn dù Âu tức là phần lớn quân dù của Pháp ở Đông Dương), 3 tiểu đoàn pháo, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, bắn rơi và bắn hỏng 62 máy bay. Tính chung trên cả nước, trong Đông Xuân 1953 - 1954, chúng ta tiêu diệt khoảng 112.000 tên địch, tức là một phần sáu binh lực của địch lúc đó, trong đó có 25 tiểu đoàn bị tiêu diệt gọn, khoảng 1.500 sĩ quan bị giết và bị bắt, phá hủy và bắn rơi 177 máy bay các loại, tức là khoảng 40 phần trăm lực lượng không quân của địch.
Nhìn chung toàn bộ chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, nhìn qua các mũi tiến công chiến lược của ta và sự phối hợp chặt chẽ về thời gian trên các chiến trường, các chiến dịch tiến công của ta hợp thành một cuộc phản công chiến lược lớn, và chiến thắng Điện Biên Phủ là trận quyết chiến chiến lược đã kết thúc thắng lợi cuộc phản công chiến lược đó. Đế quốc Pháp và can thiệp Mỹ đã hoàn toàn thất bại. Thắng lợi của ta đã buộc chúng phải ký kết Hiệp nghị Giơnevơ năm 1954, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng.
Chiến dịch Điện Biên Phủ và nói chung cả chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 là một cuộc thử thách to lớn nhất đối với quân đội và nhân dân ta trong cuộc kháng chiến lâu dài chống đế quốc xâm lược. Qua cuộc thử thách này, chúng ta đã chiến thắng vẻ vang và thu được nhiều bài học vô cùng quý báu. Bài học chủ yếu, quan trọng nhất là phát huy ưu thế về chính trị và tinh thần của quân đội và nhân dân ta, biến nó thành sức mạnh vật chất để đè bẹp quân địch. Bài học ấy thể hiện được hết ở đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng ta.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã chứng minh một cách hùng hồn rằng trong chiến tranh, trang bị vũ khí là quan trọng, nhưng không phải là nhân tố quyết định. Nhân tố quyết định là con người, trang bị vũ khí dù hiện đại đến đâu cũng phải do con người sử dụng mới phát sinh hiệu lực. Tính năng động chủ quan của con người là động lực vĩ đại quyết định thắng lợi của chiến tranh.
Thật vậy, ờ Điện Biên Phủ địch có công sự kiên cốt có xe tăng, đại bác, súng phun lửa, có áo giáp hộ thân, có máy ngắm hồng ngoại tuyến, có hàng trăm máy bay ngày đêm yểm hộ. Quân ta thì chỉ có bộ binh với súng trường, súng máy và một ít pháo binh. Thế nhưng, vì sao quân ta lại có thể dùng trang bị kém mà đánh bại được kẻ địch có trang bị vũ khí mạnh hơn mình gấp bội. Đó là vì dưới sự lãnh đạo và giáo dục của Đảng, cán bộ và chiến sĩ của ta đều là những con người có lý tưởng cao cả, nhận rõ mục tiêu phấn đấu của mình, có lòng yêu nước nồng nàn, có lòng căm thù giai cấp sâu sắc, vì vậy mà mọi người đều có quyết tâm cao độ chịu đựng và vượt qua gian khổ, khắc phục khó khăn, có tinh thần anh dũng tuyệt vời, sẵn sàng hy sinh tính mạng để hoàn thành nhiệm vụ.
Với tinh thần đó, trên mặt trận Điện Biên Phủ, quân đội ta đã đem sức lao động sáng tạo của mình, bạt núi phá rừng, sửa chữa và mở rộng hàng trăm kilômét đường tiếp tế vận chuyển, làm mới hàng chục kilômét đường xe hơi chở pháo ta tiến vào trận địa. Nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cán bộ và chiến sĩ ta đã dám nghĩ, dám làm, dùng tay không kéo pháo, đưa hàng tấn thép qua những đỉnh núi cao trong lửa đạn, lập nên một kỳ công bất diệt. Quân đội ta đã đào hàng trăm kilômét đường hào giao thông và chiến hào, bao bọc sát các vị trí địch, vượt cả hàng rào dây thép gai, tiến sát đến công sự hầm ngầm của địch. Những hào giao thông này cho phép quân ta có thể vận động ngay ở dưới bom napan và đại bác địch, đến sát nách kẻ địch để phát huy cao độ uy lực của vũ khí trang bị của mình, đồng thời hạn chế hiệu lực của không quân và pháo binh của địch.

Đại đội trưởng đại đội chủ công của Đại đoàn 312 nhận cờ Quyết Thắng trước khi đánh cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 13/3/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Đại đội trưởng đại đội chủ công của Đại đoàn 312 nhận cờ Quyết Thắng trước khi đánh cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 13/3/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Đoàn dân công xe thồ phục vụ tiền tuyến. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Đoàn dân công xe thồ phục vụ tiền tuyến. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Phút nghỉ ngơi giữa hai trận đánh. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Phút nghỉ ngơi giữa hai trận đánh. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Trong suốt 55 ngày đêm chiến đấu, mặc cho bom đạn của địch cày nát chiến trường, bom napan của chúng đốt trụi nhiều ngọn đồi, cán bộ và chiến sĩ ta vẫn anh dũng tiến lên làm nhiệm vụ, người trước ngã, người sau tiếp, quyết tâm giành thắng lợi hoàn toàn cho chiến dịch.
Tiêu biểu cho tinh thần đó là Tô Vĩnh Diện, lây thân mình chèn pháo; Bế Văn Đàn, lấy thân mình làm giá súng; Phan Đình Giót lao người lấp lỗ châu mai; là trung đội anh dũng trên đồi 674, một ngày đánh lui 12 đợt xung phong của 2 tiểu đoàn quân địch, và biết bao tấm gương anh hùng khác nữa.
Trên các chiến trường phối hợp, quân đội ta cũng nêu cao tinh thần “Quyết chiến quyết thắng, chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, anh dũng chiến đấu” để phối hợp chặt chẽ với chiến dịch Điện Biên Phủ. Có đơn vị đã truy kích địch suốt 12 ngày liền trên một quãng đường dài 300km, vượt qua 50 ngọn núi cao. Có đơn vị đã bí mật hành quân trên 1.000 km, ròng rã hàng tháng trong rừng núi của dải Trường Sơn để tiến sâu vào hậu phương của địch.
Trong biết bao gương gan dạ tuyệt vời, chúng ta không thể không nhắc đến những dũng sĩ tập kích vào Gia Lâm, Cát Bi là những sân bay nằm sâu trong lòng địch, nêu cao một bài học sinh động về sức mạnh của yếu tố chính trị và tinh thần.
Rõ ràng tinh thần “Quyết chiến quyết thắng” đã tạo cho quân đội ta có một sức mạnh phi thường, giúp quân ta khắc phục được những khó khăn tưởng chừng như không thể nào vượt nổi. Tinh thần đó đã làm cho binh hùng tướng mạnh của Nava vô cùng khiếp sợ và cuối cùng phải quỳ gối đầu hàng, làm cho trang bị vũ khí tối tân của địch không còn tác dụng.
Tinh thần “Quyết chiến quyết thắng” nói trên bắt nguồn từ bản chất cách mạng của quân đội ta, từ truyền thống quật cường bất khuất của dân tộc ta, bắt nguồn từ sự giác ngộ dân tộc và giai cấp của cán bộ và chiến sĩ ta, được Đảng dày công bồi dưỡng trong quá trình xây dựng và chiến đấu của quân đội. Đặc biệt, tinh thần đó đã được nâng cao rõ rệt sau các cuộc chỉnh huấn chính trị về chính sách phát động quần chúng tiến hành cải cách ruộng đất. Các cuộc giáo dục chính trị đó đã làm cho cán bộ và chiến sĩ ta, mà tuyệt đại đa số là nông dân, nhận rõ kẻ thù đế quốc và phong kiến, nâng cao giác ngộ về quyền lợi dân tộc, quyền lợi giai cấp, thấy rõ mục tiêu phấn đấu trước mắt của quân đội ta là giành độc lập cho dân tộc và ruộng đất cho dân cày. Do đó đã phát huy mạnh mẽ tinh thần tích cực cách mạng của toàn quân, đặt cơ sở chính trị cho những thắng lợi to lớn trong chiến cuộc Đông Xuân.
Giữ vững và phát huy tinh thần “Quyết chiến quyết thắng” của quân đội là một quá trình giáo dục và đấu tranh liên tục. Trong quá trình chiến đấu, những nhân tố tiêu cực không phải là không xuất hiện. Trên mặt trận Điện Biên Phủ, sau những thắng lợi giòn giã đầu tiên, tư tưởng chủ quan khinh địch đã từng nảy nở, nhưng đã được kịp thời uốn nắn. Sau đợt hai của chiến dịch, khi cuộc chiến đấu ngày càng trở nên gay go, ác liệt, khẩn trương, thì tư tưởng hữu khuynh tiêu cực lại xuất hiện, ảnh hưởng đến việc chấp hành nhiệm vụ chiến đấu. Theo chỉ thị của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy đã mở ngay tại mặt trận một cuộc đấu tranh tư tưởng sâu rộng chống tư tưởng hữu khuynh tiêu cực, phát huy tinh thần tích cực cách mạng nhằm đảm bảo cho chiến dịch toàn thắng. Cuộc đấu tranh tư tưởng đó đã thành công lớn và đã góp phần quyết định vào thắng lợi hoàn toàn của chiến dịch.
Chiến thắng Điện Biên Phủ một lần nữa chứng minh lời nói của Lênin: Trong bất kỳ một cuộc chiến tranh nào, vấn đề thắng lợi rốt cuộc là do tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường quyết định. Chiến thắng Điện Biên Phủ còn chứng minh rằng, quần chúng nhân dân là nguồn sức mạnh vô tận của chiến tranh, chỉ có sự tham gia rộng rãi của nhân dân thì chiến tranh mới giành được thắng lợi. Thật vậy, chiến dịch Điện Biên Phủ và nói chung chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 là biểu hiện sinh động nhất về sự tham gia nhiệt liệt của nhân dân trong chiến tranh, về sự giúp đỡ của hậu phương đối với tiền tuyến.
Trên mặt trận Điện Biên Phủ, vấn đề cung cấp lương thực, đạn dược là một vấn đề vô cùng quan trọng, đồng thời cũng là một khó khăn rất lớn của ta. Nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, địch cho rằng một lý do khiến quân ta không đánh chúng được là vì chúng ta sẽ không thể nào giải quyết nổi vấn đề cung cấp cho hàng vạn người hoạt động lâu ngày trên một vùng người thưa, của ít như chiến trường Tây Bắc, khu vực tác chiến cách xa hậu phương hàng 400 - 500km, chúng tưởng rằng chỉ cần cắt đứt đường tiếp tế là có thể buộc chúng ta phải lui quân (!!). Nhưng chúng đã tính nhầm. Chúng đã không lường được sức mạnh của nhân dân ta, sức mạnh đó có thể khắc phục mọi khó khăn, trở ngại để chiến thắng kẻ thù.
Với một quyết tâm cao độ, nhân dân ta đã đem hết sức mình cùng với quân đội khắc phục muôn vàn khó khăn để giành thắng lợi. Dưới khẩu hiệu “Tất cả để chiến thắng”, “Tất cả cho tiền tuyến”, nhân dân ta đã cung cấp hàng vạn tấn lương thực và thực phẩm cho bộ đội. Riêng tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra tiền tuyến 9.000 tấn gạo. Nhân dân Tây Bắc tuy vừa được giải phóng và còn đang gặp khó khăn, cũng đã xung phong đóng góp rất nhiều, riêng một huyện Tuần Giáo, với số dân 11.000 người, đã hăng hái đóng góp cho chiến dịch Điện Biên Phủ 1.270 tấn gạo, ngót 4.000 tấn rau và 300 tấn thịt.
Để cung cấp lương thực, đạn dược cho quân đội, từng đoàn ôtô vận tải, xe đạp, ngựa thồ, cùng hàng vạn dân công gồng gánh đã lần lượt tiến ra mặt trận Điện Biên Phủ, mặc cho máy bay địch ngày đêm bắn phá. Để chi viện cho chiến dịch, hơn 26 vạn người đã hăng hái đi dân công ra tiền tuyến, riêng tuyến hậu cần chiến dịch đã có 33.500 người phục vụ với hơn 3 triệu ngày công. Hơn 2 vạn xe đạp thồ đã được huy động phục vụ cho tiền tuyến.
Để đảm bảo tuyến cung cấp không bị gián đoạn, hàng vạn dân công và thanh niên xung phong đã anh dũng tham gia công tác sửa chữa đường dưới sự uy hiếp của máy bay địch, ngay trên những quả bom nổ chậm.
Dân công còn trực tiếp công tác ngay tại tuyến lửa: chuyển đạn vào trận địa, săn sóc, cứu chữa thương binh, bệnh binh, có nơi hàng nghìn dân công đã bám sát bộ đội ta trên các tuyến đường truy kích để kịp thời chuyên chở lương thực, đạn dược cho quân ta giết giặc.
Trong suốt mấy năm kháng chiến, thật chưa bao giờ nhân dân ta đã tiến ra mặt trận nhiều như trong Đông Xuân 1953 - 1954 và trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Cả một hậu phương đã tuôn người tuôn của ra tiền tuyến, như những dòng thác mạnh dìm kẻ địch chìm xuống vực sâu.
Tinh thần tích cực chi viện tiền tuyến của nhân dân ta là kết quả của đường lối cách mạng đúng đắn, của công tác động viên chính trị sâu rộng của Đảng ta. Đặc biệt trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ, tinh thần đó là kết quả của chính sách phát động quần chúng cải cách ruộng đất vừa được ban hành và bước đầu thực hiện. Được Đảng giáo dục, động viên và bồi dưỡng, nhận rõ mối quan hệ khăng khít giữa nhiệm vụ chống đế quốc và phong kiến, giữa quyền lợi giai cấp và quyền lợi dân tộc, nhân dân ta, trước hết là nông dân lao động, đã không tiếc sức mình đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến thắng lợi. Qua bước đầu thực hiện chính sách cải cách ruộng đất của Đảng, hậu phương ta đã được cùng cố và phát triển về mọi mặt, kinh tế cũng như chính trị... nên không những đã cung cấp đầy đủ mọi nhu cầu vật chất cho tiền tuyến mà còn chuyển ra mặt trận tinh thần phấn khởi cách mạng của nhân dân, thúc đẩy chiến sĩ ta càng quyết tâm giết giặc, cứu nước.
Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ và nói chung của cả chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 còn chứng minh tư tưởng chỉ đạo chiến tranh sáng suốt của Đảng ta. Rút kinh nghiệm chỉ đạo kháng chiến trong 8 năm đã qua, nhất là trong những năm 1951 - 1952, Đảng ta đã nắm vững những quy luật của cuộc chiến tranh xâm lược của địch, nhận rõ những mâu thuẫn và nhược điểm căn bản của chúng, do đó đã đề ra chủ trương và phương châm chiến lược đúng đắn. Đứng về mặt chỉ đạo chiến lược mà nói, có được thắng lợi trên là do Trung ương Đảng ta đã đề ra phương châm chiến lược: “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”, đã lựa chọn phương hướng tác chiến thích hợp.
Hội nghị lần thứ tư của Trung ương Đảng (đầu năm 1953) đã chỉ rõ: “Phương hướng chiến lược của ta là tạm thời “tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu” để phân tán lực lượng địch và tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng tự do” (!). Hội nghị còn chỉ thị: “Do phương hướng chiến lược này, quân đội ta phải đánh địch ở những nơi địch sơ hở, đồng thời phải hoạt động mạnh sau lưng địch. Bất kỳ ở miền núi hay đồng bằng, quân đội ta phải chuẩn bị đánh những lực lượng, những cứ điểm ngày càng mạnh của địch” (!). Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 của Trung ương Đảng đã mở đường cho những thắng lợi rực rỡ của quân và dân ta ở khắp các chiến trường trên cả nước trong Đông Xuân 1953 - 1954, đặc biệt là trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Bước vào Thu Đông 1953, trước âm mưu của Nava là tập trung binh lực ở chiến trường đồng bằng Bắc Bộ, uy hiếp nghiêm trọng vùng tự do của ta, một vấn đề được đặt ra là chủ lực ta nên lấy việc phòng ngự bảo vệ vùng tự do là chính, hay chủ yếu là nên dùng hành động tích cực tiến công ở các hướng chiến lược quan trọng để tiêu diệt sinh lực dịch. Nếu lo sợ địch chiếm mất vùng tự do, nếu muốn nhanh chóng giải phóng đồng bằng, nếu lo ngại tác chiến ở chiến trường rửng núi sẽ gặp nhiều khó khăn, thì dễ nảy sinh ý muốn theo phương án thứ nhất. Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã chỉ rõ đó là phương án sai lầm. Vì rằng, muốn bảo vệ và giải phóng đất đai thì trước hết phải tích cực tiêu diệt nhiều sinh lực địch, muốn tiêu diệt địch thì phải phân tán binh lực của chúng, muốn thế, cần phải tiến công vào những phương hướng mà địch tương đối yếu và sơ hở, nhưng lại có ý nghĩa chiến lược quan trọng, khiến địch không thể không rải quân ra phòng ngự bị động ở khắp nơi. Nếu theo phương án thứ nhất thì không những địch càng có thể tập trung được lực lượng đối phó với ta ở đồng bằng mà chúng còn lợi dụng được điều kiện thuận lợi về địa hình để phát huy ưu thế về trang bị kỹ thuật, nhất là về không quân, pháo binh, lực lượng cơ giới. Quân ta không những không tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, mà ngược lại, còn có thể bị địch tiêu hao, vùng tự do cũng khó lòng giữ được. Kiên trì nghị quyết của Hội nghị lần thứ tư của Trung ương Đảng, Bộ Chính tri đã đề ra phương châm “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt” và xác định phương hướng chủ yếu của quân ta phải là các chiến trường rừng núi. Chủ trương đó đã làm cho Nava thất bại: Nava muốn tập trung binh lực ở đồng bằng Bắc Bộ, nhưng rốt cuộc đã phải rải quân mỗi nơi một ít trên các chiến trường Tây Bắc, Thượng, Trung và Hạ Lào, Bắc Tây Nguyên. Nava muốn tác chiến ở đồng bằng để tiêu hao chủ lực ta, nhưng ta đã buộc y phải điều quân lên các chiến trường rừng núi là nơi chúng không phát huy được ưu thế về trang bị kỹ thuật, là nơi thích hợp với sở trường tác chiến của ta.
Trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, nhờ sự chỉ đạo chiến lược khôn khéo của Trung ương Đảng, chúng ta đã điều động quân địch theo ý định của ta để tạo điều kiện cho quân ta tiêu diệt. Do chủ động tiến công vào các phương hướng chiến lược quan trọng mà địch tương đối yếu và sơ hở, buộc chúng phải phân tán lực lượng cơ động chiến lược trên nhiều chiến trường, mà quân ta đã có điều kiện tập trung lực lượng chủ yếu vào hướng chiến lược chính là Tây Bắc, làm cho địch phải bị động điều quân lên Điện Biên Phủ để quân ta đón đánh đòn quyết định. Thực tế đã chứng tỏ chủ trương đó của Trung ương Đảng là hoàn toàn đúng đắn và đã đưa đến thắng lợi to lớn của chiến cuộc Đông Xuân.
Một vấn đề được đặt ra trong kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954 là chủ trương quyết chiến chiến lược ở Điện Biên Phủ và vấn đề phương châm quyết chiến.
Sau khi hoàn toàn tiêu diệt quân địch ở khu vực Lai Châu, quân ta khép chặt vòng vây xung quanh Điện Biên Phủ. Lúc đó tuy quân địch đứng chân chưa vững, binh lực chưa nhiều, công sự phòng ngự chưa vững chắc, nhưng về phía ta thì chưa thật rõ tình hình địch, công tác chuẩn bị chưa xong. Vì vậy, chủ trương của ta lúc bấy giờ là một mặt giam chân địch ở Điện Biên Phủ để tạo điều kiện thuận lợi cho quân ta hoạt động ở các chiến trường phối hợp; mặt khác, đẩy mạnh công tác điều tra và chuẩn bị, để nếu có điều kiện thì dùng phương châm đánh nhanh, giải quyết nhanh mà tiêu diệt địch. Trong quá trình điều tra và chuẩn bị, chúng ta thấy rõ địch đã tăng cường binh lực và công sự, bố trí phòng ngự kiên cố. Trước tình hình đó một vấn đề phải giải quyết là, chúng ta còn khả năng tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ nữa không và nếu còn đủ khả năng tiêu diệt địch thì phương châm đánh nhanh, giải quyết nhanh còn thích hợp nữa không?

Lính Pháp ở Điện Biên Phủ lũ lượt ra hàng, chiều 7/5/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Lính Pháp ở Điện Biên Phủ lũ lượt ra hàng, chiều 7/5/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy chủ trương kiên quyết tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, và dùng phương châm “Đánh chắc, tiến chắc” để tiêu diệt địch.
Trong điều kiện lúc bấy giờ, chúng ta phải kiên quyết tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, vì nếu không thì sẽ không mở được con đường tiến cho bộ đội, không đẩy mạnh cuộc kháng chiến tiến đến giai đoạn mới, không hoàn toàn phá tan được kế hoạch Nava và làm hậu thuẫn đắc lực cho cuộc đấu tranh ngoại giao ở Hội nghị Giơnevơ.
Chúng ta có thể tiêu diệt được địch ở Điện Biên Phủ vì tuy địch mạnh nhưng bị cô lập ở chiến trường rừng núi, xa căn cứ hậu phương, chúng chỉ có thể dựa vào sự tiếp tế của không quân, nhưng hoạt động của không quân lại bị hạn chế nhiều ở chiến trường rừng núi. Một nhược điểm căn bản nữa của địch là tinh thần chiến đấu dễ dàng sút kém khi gặp khó khăn. Về phía quân ta thì chúng ta có ưu thế về binh lực tập trung, có tinh thần chiến đấu anh dũng, chiến thuật, kỹ thuật tiến bộ. Ta có nhiều khó khăn về chiến thuật, về cung cấp nhưng hoàn toàn có thể khắc phục được nếu biết phát huy ưu thế về chính trị và tinh thần.

Các đơn vị xung kích của ta dưới sự chỉ huy của Anh hùng quân đội Nguyễn Quốc Trị tấn công sân bay Mường Thanh, ngày 22/4/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Các đơn vị xung kích của ta dưới sự chỉ huy của Anh hùng quân đội Nguyễn Quốc Trị tấn công sân bay Mường Thanh, ngày 22/4/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Chúng ta nhất định phải tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ, nhưng phải dùng phương châm “Đánh chắc, tiến chắc”, không thể dủng phương châm “Đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Vì rằng binh lực của địch khá mạnh, công sự khá kiên cố, hỏa lực bố trí khá dày đặc, lại có máy bay, trọng pháo, cơ giới phối hợp chặt chẽ. Hơn nữa, quân ta chưa có kinh nghiệm đánh tập đoàn cứ điểm, nên phải vừa đánh vừa học tập. Nếu vì sợ đánh lâu dài, lo địch tăng cường củng cố, sợ cung cấp khó khăn, bộ đội tiêu hao, mệt mỏi, mà chủ trương đánh nhanh, giải quyết nhanh, thì không những không tiêu diệt được địch, mà còn có thể bị thất bại.
Thực tiễn đã chứng minh chủ trương quyết chiến chiến lược ở Điện Biên Phủ và phương châm “Đánh chắc, tiến chắc” là vô cùng sáng suốt, thể hiện tinh thần vừa kiên quyết, vừa thận trọng trong sự chỉ đạo chiến lược, chiến dịch của Đảng ta.

Ngày 31/3/1954, quân ta mở đợt tấn công thứ hai vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, nhiệm vụ tập trung vào dãy cao điểm phía Đông, khu sân bay Mường Thanh. Trong ảnh: Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt trên khu vực đồi C. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Ngày 31/3/1954, quân ta mở đợt tấn công thứ hai vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, nhiệm vụ tập trung vào dãy cao điểm phía Đông, khu sân bay Mường Thanh. Trong ảnh: Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt trên khu vực đồi C. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Chiến dịch Điện Biên Phủ đã kết thúc cuộc kháng chiến lâu dài và gian khổ của nhân dân ta chống đế quốc Pháp và can thiệp Mỹ với một thắng lợi cực kỳ vĩ đại. Điện Biên Phủ mãi mãi nêu cao tinh thần quật cường của toàn dân, tinh thần anh dũng của một quân đội nhân dân đã chiến thắng quân đội lớn mạnh của chủ nghĩa đế quốc.
Chiến thắng Điện Biên Phủ nói lên chân lý của thời đại chúng ta: Một dân tộc nhỏ khi đã có quyết tâm đứng dậy đoàn kết đấu tranh, kiên quyết chiến đấu cho độc lập dân tộc, cho hòa bình, thì có đầy đủ khả năng để chiến thắng chủ nghĩa đế quốc lớn mạnh.
Bởi vậy, chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là thắng lợi của nhân dân ta mà còn là thắng lợi của phong trào giải phóng các dân tộc bị áp bức trên thế giới.
Từ chiến thắng Điện Biên Phủ đến nay, phong trào đấu tranh đòi giải phóng ở các nước thuộc địa và phụ thuộc không ngừng lớn mạnh và ngày càng thu được nhiều thắng lợi. Trong những năm qua, cách mạng của nhân dân Cuba đã thành công, cuộc kháng chiến của nhân dân Angiêri đã thắng lợi, cuộc đấu tranh vũ trang của nhân dân các nước Ănggôla, Cônggô, Vênêduêla... đang ngày một phát triển. Đứng trước sự lớn mạnh của phong trào giải phóng dân tộc, chủ nghĩa đế quốc đã tỏ ra vô cùng thâm độc, một mặt duy trì chủ nghĩa thực dân cũ, mặt khác đang thực hành chủ nghĩa thực dân kiểu mới để tiếp tục nô dịch nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc. Nhưng trước cơn bão táp cách mạng của nhân dân các nước châu Á, châu Phi và Mỹ latinh, trước tinh thần quật khởi của các dân tộc đang vùng lên theo gương Điện Biên Phủ, bọn đế quốc nhất định sẽ thất bại, các dân tộc bị áp bức nhất định sẽ giành được thắng lợi cuối cùng.
Nhờ chiến thắng Điện Biên Phủ, hòa bình được lập lại ở Đông Dương, miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng nhưng miền Nam nước ta còn nằm dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Ngày nay đế quốc Mỹ đang ngang nhiên vũ trang xâm lược miền Nam nước ta, hòng biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự để thực hiện mưu đồ xâm lược của chúng ở vùng Đông Nam Á. Chúng đang thực hiện cái gọi là “chiến tranh đặc biệt” để rút kinh nghiệm đàn áp phong trào giải phóng dân tộc ở các nơi trên thế giới.
Nhân dân miền Nam Việt Nam, dưới ngọn cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng đang kiên quyết đứng lên chống lại chúng và đang gây cho bọn cướp nước và bọn bán nước những thất bại nặng nề. Quân giải phóng miền Nam đang chiến đấu trong điều kiện hết sức khó khăn, gian khổ, lấy tinh thần anh dũng tuyệt vời mà chống lại vũ khí tối tân của địch, đang không ngừng trưởng thành và chiến thắng.

Chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, với truyền thống yêu nước và trí thông minh của dân tộc, với truyền thống và kinh nghiệm chiến đấu dày dạn trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Pháp trước đây, với tinh thần quật cường bất khuất của Điện Biên Phủ, nhất định nhân dân và Quân giải phóng miền Nam sẽ đập tan mọi âm mưu, kế hoạch của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, tống cổ chúng ra khỏi đất nước, thực hiện độc lập dân tộc, dân chủ và hòa bình thống nhất Tổ quốc.

ĐẠI TƯỚNG HOÀNG VĂN THÁI
Bài viết nhân kỷ niệm 10 Chiến thắng Điện Biên Phủ, đăng lại tại sách Điện Biên Phủ - Trận thắng thế kỷ
(NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2004) - trang 608, có chỉnh sửa và bổ sung.
Ảnh: nhandan.vn, TTXVN
Trình bày: VŨ ANH TUẤN