Có niềm tin là có cán bộ dám nghĩ, dám làm
Kết luận số 14 của Bộ Chính trị ban hành ngày 22/9/2021 chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, ở đâu có cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì nhất định mang lại thành công.
Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Cha ông ta đã nói như vậy. Sau cách mạng tháng Tám thành công không lâu, ngày 14/11/1945, với bài “Nhân tài và kiến quốc” đăng trên báo Cứu Quốc, Bác Hồ viết: “Kiến thiết thì phải có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài ngày càng phát triển, càng thêm nhiều”. Một năm sau, ngày 20/11/1946, Người lại viết bài “Tìm người tài đức”. Bài báo như “Chiếu cầu hiền”, như một thông điệp gửi đến toàn thể quốc dân đồng bào:“Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài,...trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết. Báo cáo phải nói rõ tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó. Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ”. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng; người có tài, đức ở trong quần chúng. Từ trước đến nay, nhất là hơn 35 năm đổi mới, Đảng ta luôn xác định như vậy và chính nhờ khuyến khích cán bộ cống hiến tài năng cho Tổ quốc cùng với công sức to lớn của toàn Đảng, toàn dân, đất nước ta mới có được cơ đồ, tiềm lực,vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Những bài học từ lịch sử
Trao đổi với Báo Nhân Dân, PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, trong Cách mạng tháng Tám, vai trò của ông Nguyễn Khang (1919-1976) ở Hà Nội là rất lớn. Tháng 8 năm 1945, khi là Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ trực tiếp phụ trách Hà Nội, ông Nguyễn Khang đã sớm đưa ra quyết định Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội - quyết định mà những người hoạt động cùng ông luôn coi là một bước đi táo bạo và không kém phần sáng tạo trong thời điểm ấy.
Quyết định để Hà Nội khởi nghĩa được đưa ra chỉ hai ngày sau khi có tin Nhật đầu hàng phe Đồng minh và Pháp còn đang lúng túng trong chính sách cụ thể đối với Đông Dương. Trong khi ngày 17/8/1945 Đại hội Quốc dân Tân Trào mới bế mạc và có thư kêu gọi đồng bào cả nước đứng lên khởi nghĩa. Trong điều kiện phương tiện giao thông khó khăn, lệnh khởi nghĩa không thể truyền nhanh tới các địa phương, nhưng căn cứ vào bản Chỉ thị của Trung ương: “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, Nguyễn Khang đã quyết định cho Hà Nội đứng lên khởi nghĩa, quyết định ấy có thể coi như một sự sáng tạo, một cách chớp thời cơ để “vùng lên” giành chính quyền ngay từ khi mệnh lệnh chưa đến.
Trong thời xây dựng chủ nghĩa xã hội, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc thí điểm giao ruộng khoán cho từng hộ nông dân để xây dựng tập thể hợp tác xã vững mạnh. Tuy nhiên, xu thế chung lúc đó thực hiện đúng đường lối của Đảng là phải tập thể hóa, chứ không thể chấp nhận chuyện chia ruộng cho các hộ. Việc “xé rào” giao khoán của ông Kim Ngọc lúc đó chính là thúc đẩy sản xuất và mang lại hiệu quả rất thiết thực, tạo tiền đề “cởi trói” sức lao động của người nông dân.
PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc phân tích, việc “xé rào” giao khoán của ông Kim Ngọc xuất phát từ tư tưởng của Bác Hồ: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Ông Kim Ngọc tin cách làm đó là đúng, vì cái gì mang lại lợi ích nhiều cho người dân sẽ đúng. Động cơ của ông Kim Ngọc là xuất phát từ tình yêu thương nhân dân, và dùng hiệu quả công việc, hiệu quả sản xuất làm căn cứ để đưa ra quyết định.
“Lịch sử chứng minh đấy là cơ sở để ta có khoán 100 năm 1981, rồi sau đó có khoán 10 năm 1988 giao ruộng đất lâu dài cho nông dân. Hiện nền nông nghiệp phát triển chính nhờ bước đi quan trọng ở người cán bộ có trách nhiệm, có tâm, có tình cảm với dân, thương dân, trách nhiệm với Đảng, đất nước”, PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc nói.
PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng
Nhắc đến câu chuyện xây dựng đường dây điện cao áp 500kV Bắc-Nam năm 1992, PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc cho biết, khi ấy Nhà máy thủy điện Hòa Bình đi vào vận hành với sản lượng 8 tỷ kWh/năm, nhưng miền Bắc chỉ dùng hết 5 tỷ kWh, trong khi đó miền Nam cần tới 5,7 tỷ kWh lại không có nguồn cung cấp, nên luôn đói điện.
Quyết định xây dựng đường dây siêu cao áp 500kV Bắc-Nam nhằm truyền tải điện từ Bắc vào Nam, giúp đồng bào miền Nam bớt cơn “khát điện” đã được Thủ tướng Võ Văn Kiệt ấp ủ từ năm 1991. Tuy nhiên, mục tiêu hoàn thành xây dựng đường dây 500kV Bắc-Nam có chiều dài tới 1.500km trong 2 năm cũng đã được nhiều người cho là không khả thi, nhất là việc giải quyết bài toán 1/4 bước sóng, khắc phục tình trạng điện áp không ổn định khi truyền tải từ Bắc vào Nam. Sau khi tham khảo ý kiến nhiều chuyên gia và khẳng định có thể làm được, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã hạ quyết tâm xây dựng bằng được. Công trình được khởi công xây dựng vào ngày 5/4/1992. Gần 30 năm kể từ ngày đóng điện, đường dây 500 kV Bắc-Nam (mạch 1) vẫn vận hành an toàn, thông suốt, mang điện tỏa sáng muôn nơi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Không chỉ đưa điện từ Bắc vào Nam, góp phần đưa khu vực Đông Nam Bộ trở thành đầu tàu trong phát triển kinh tế của đất nước những giai đoạn tiếp theo, kể từ năm 1999, đường dây 500kV Bắc-Nam (mạch 1) lại làm nhiệm vụ truyền tải điện ngược từ Nam ra Bắc là chủ yếu.
Chia sẻ câu chuyện đưa Internet vào Việt Nam thập niên 1990, ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông cho biết, khi đó, có những lo ngại khi đưa Internet vào Việt Nam có nguy cơ lộ bí mật nhà nước, tuyên truyền chống phá chế độ, du nhập văn hóa trái thuần phong mỹ tục.
“Chúng tôi phải báo cáo, giải trình với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thậm chí từng đồng chí ủy viên Bộ Chính trị. Một ngày mùa hè năm 1997, khi tiễn tôi ra đến cổng nhà riêng, Thủ tướng Phan Văn Khải đặt tay lên vai tôi nói: đồng chí cố gắng quản lý Internet cho tốt, mở ra mà đóng lại thì không biết ăn nói với thế giới như thế nào. Tôi thấy nặng cả hai vai nhưng có cơ hội được làm mà mình run thì làm sao được, có cơ hội thì dấn thân thôi”, ông Mai Liêm Trực chia sẻ.
Internet vào Việt Nam 1997 nhưng khi ấy vẫn còn những tranh cãi, có yêu cầu quản lý là “quản đến đâu mở đến đấy”, tức là cái gì quản được mới mở chưa quản được thì chưa mở, cho nên không có đại lý Internet, không có cà-phê Internet, bưu điện cũng không làm được đại lý cho người dân.
Ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông
“Chúng tôi lại mất 2-3 năm thuyết phục, cuối cùng Nghị quyết số 58, ban hành ngày 17/10/2000 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá, mới thay đổi quan điểm “quản lý phải theo kịp tốc độ phát triển”, từ đấy là nở rộ Internet khắp nơi”, ông Mai Liêm Trực chia sẻ.
Theo ông Trực, quyết định đi thẳng vào công nghệ hiện đại, đưa tất cả các dịch vụ mới trên thế giới về Việt Nam, kể cả Internet là một quyết định mang tính chiến lược tạo đột phá cho sự phát triển của viễn thông và Internet tại Việt Nam.
Người thợ truyền tải điện sửa chữa, bảo dưỡng đường dây 500 kV Bắc Nam.
Người thợ truyền tải điện sửa chữa, bảo dưỡng đường dây 500 kV Bắc Nam.
Tạo môi trường thúc đẩy cán bộ dám nghĩ, dám làm
Đại hội lần thứ VI là một dấu mốc lớn của Đảng và dân tộc ta, mở đầu cho thời kỳ đổi mới. Để tăng cường sức chiến đấu và năng lực tổ chức thực tiễn của mình, Đảng xác định phải đổi mới về nhiều mặt: đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế; đổi mới tổ chức... Về công tác cán bộ, Văn kiện Đại hội chỉ rõ: Nhân tài không phải là sản phẩm tự phát, mà phải được phát hiện và bồi dưỡng công phu... Muốn tạo nên một tập thể vững mạnh, phải xây dựng từng con người, quan tâm phát hiện và bồi dưỡng nhân tài.
Tuy nhiên, đến Đại hội VII, Đảng nhận định, chưa có cơ chế hợp lý để phát hiện và lựa chọn nhân tài. Từ thực tiễn công cuộc đổi mới, Đảng ngày càng khẳng định vai trò then chốt trong công tác cán bộ, nhất là việc phát hiện, lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng người có tài đức. Vì thế năm 1997, Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã ban hành nghị quyết rất quan trọng về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết nêu rõ: “Phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, tập hợp rộng rãi các loại cán bộ, trọng dụng nhân tài, không phân biệt đảng viên hay người ngoài Đảng, dân tộc, tôn giáo, người ở trong nước hay người Việt Nam định cư ở nước ngoài; không định kiến với những người có sai lầm trong quá khứ, nay đã hối cải và sửa chữa”. Đây là bước tiến mới từ nhận thức đến hành động trong công tác cán bộ của Đảng, nhằm tạo môi trường thúc đẩy cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Quan điểm mới đó thể hiện rõ sự kế thừa, phát triển tư tưởng của ông cha ta về cách dùng người, đặc biệt là tư tưởng Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài.
Nghị quyết Trung ương ba, khóa VIII mang đầy đủ tinh thần ấy, đó vừa là bản chất, truyền thống tốt đẹp, nhân văn của Đảng ta trong phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc- một tư tưởng cơ bản, xuyên suốt quá trình đấu tranh, lãnh đạo cách mạng, vừa là chủ trương lớn nhằm phát hiện, đào đạo, bồi dưỡng trọng dụng những người có trí tuệ, đạo đức để tham gia công việc chung của Đảng, Nhà nước, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc.
Từ khi có nghị quyết quan trọng này đến nay, Đảng còn ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định về công tác cán bộ, như Nghị quyết số 11,ngày 25/1/2002 của Bộ Chính trị về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý; Nghị quyết số 42 ngày 30/11/2004 của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước... Gần đây là Nghị quyết Trung ương 7, khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Nghị quyết xác định “Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài,... Chuẩn hoá, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với xây dựng thể chế, tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, phát huy sáng tạo và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”.
Mặc dù vậy, theo PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm còn nhiều bất cập. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã thẳng thắn chỉ ra điều đó: “Chính sách cán bộ chưa thực sự tạo động lực để cán bộ toàn tâm, toàn ý với công việc; chưa có cơ chế bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”.
Chủ trương thu hút nhân tài của Đảng dường như ở một số nơi chưa được quán triệt thực hiện tốt trong thực tế. Có nơi chủ trương thu hút người tài đức, nhưng sử dụng, đãi ngộ chưa hợp lý, làm cho người có tài đức sớm thui chột ý chí đổi mới, sáng tạo, khát vọng cống hiến…
Nhằm khắc phục những bất cập nêu trên, PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc cho biết, Kết luận số 14/KL-TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị đã cụ thể hóa thêm một bước quan điểm của Đảng nêu trong Văn kiện Đại hội XIII. Đại hội đã khẳng định: “Xây dựng, hoàn thiện chính sách phát hiện, thu hút, sử dụng nhân tài; có cơ chế bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”.
Kết luận số 14 của Bộ Chính trị như một thông điệp kêu gọi, khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, cụ thể ở đây là quan điểm bảo vệ cán bộ “sáu dám”. Quan điểm này từng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại nhiều lần trong các bài phát biểu quan trọng tại Đại hội XIII, đó là: dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách.
"Tôi cho rằng Kết luận số 14 là bước tiến mới trong công tác cán bộ. Theo tôi, phải có những quy định như thế thì công tác cán bộ mới sát với thực tiễn... Chọn được người cán bộ tốt đã khó, tạo dựng cho họ môi trường tốt để yên tâm công tác, cống hiến lại càng khó", PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc phân tích.
Theo ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Kết luận số 14 của Bộ Chính trị thể hiện rõ quan điểm lập trường của Đảng ta trong việc phát huy truyền thống của dân tộc, luôn luôn trọng dụng hiền tài.
"Ông cha ta có câu: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội có nhiều vấn đề rất mới nên phải có con người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám vì lợi ích chung, do đó cần phải khuyến khích và bảo vệ”, ông Hùng nhận định.
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra trung ương
Hơn 35 năm đổi mới, cùng với sự phát triển về nhiều mặt của đất nước, đội ngũ cán bộ của ta không chỉ đông mà chất lượng được nâng lên rõ rệt. Chính thực tiễn đổi mới là cái nôi sinh thành, nuôi dưỡng cán bộ nâng cao trình độ, năng lực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, cùng toàn Đảng, toàn dân phấn đấu đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển thu nhập cao như mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII đề ra. Cùng với tư tưởng chỉ đạo nêu trong Văn kiện Đại hội XIII, Kết luận số 14 của Bộ Chính trị như một thông điệp kêu gọi, khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Để chủ trương đó thành hiện thực sinh động, trước hết các cấp ủy, các cấp, các ngành cần có tư duy đổi mới phong cách lãnh đạo, đổi mới cách đánh giá, đặc biệt là sử dụng cán bộ, dám bảo vệ cán bộ khi họ mắc khuyết điểm nhưng không phải vì động cơ cá nhân mà do điều kiện khách quan mang lại. Trước mỗi ý tưởng đổi mới, tư duy đột phá của cán bộ, cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo hãy nghiên cứu, xem xét, đánh giá, hỗ trợ, tạo điều kiện thôi thúc cán bộ dám nghĩ, dám làm. Trước mỗi sai lầm, thiếu sót của cán bộ, nhất là khi thực hiện thí điểm những mô hình mới, cần được phân tích công tâm, khách quan, biết giữ cán bộ, “giải cứu” khi không may họ “sảy chân” mà chưa gây hậu quả nghiêm trọng, đồng thời xử lý nghiêm khi ai đó cố tình lợi dụng chủ trương này để làm bừa, làm ẩu thiếu nghiên cứu, tính toán, hoặc vì động cơ cá nhân, lợi ích nhóm, mà gây hậu quả nghiêm trọng.
Khi có niềm tin với Đảng và chế độ, với tổ chức đảng, với cán bộ lãnh đạo quản lý trực tiếp, với chính mình, khi có động lực thúc đẩy bằng sự khích lệ động viên, cộng đồng trách nhiệm, bằng cơ chế chính sách thỏa đáng thì tin rằng mọi cán bộ sẽ không ngừng phấn đấu tự hoàn thiện mình về mọi mặt nhất là trình độ, năng lực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Ngược lại không có được niềm tin đó, thì không bao giờ có cán bộ như thế. Có niềm tin là sẽ có cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung của đất nước ./.
Ngày xuất bản: 28/10/2021
Tổ chức thực hiện: NGỌC THANH - VIỆT ANH
Nội dung: BẮC VĂN – TRỊNH DŨNG – BÔNG MAI - TRƯƠNG NGỌC - ĐÔNG HÀ
Trình bày: PHAN ANH - ĐĂNG PHI - ĐỨC DUY
Ảnh: Duy Linh, tư liệu, TTXVN