Giải bài toán lao động

trong chương trình phục hồi kinh tế


Hai làn sóng công nhân bỏ việc về quê do tác động của dịch Covid-19 diễn ra trong tháng 7 và tháng 10 trên phạm vi cả nước đã làm biến đổi sâu sắc thị trường lao động. Doanh nghiệp trở tay không kịp vì thiếu hụt nhân công ngay trong thời điểm được vận hành sản xuất trở lại đón mùa tiêu dùng cuối năm. Trong khi đó, người lao động phải rời bỏ các trung tâm công nghiệp khi giấc mơ thoát nghèo còn dang dở và không biết cuộc sống sẽ ra sao khi trở về vùng quê mà trước đó họ từng phải ra đi vì không tìm được kế mưu sinh.


Đáp lại chào hỏi xã giao của tôi về tình hình sức khỏe của bản thân và gia đình, Xồng Bá Xò - ông bố trẻ chở vợ mới sinh và con nhỏ gần 10 ngày tuổi vượt hơn 1.500 cây số từ Bình Dương về Nghệ An bằng xe máy làm dậy sóng mạng xã hội trong đợt di cư lần thứ nhất, nói: “Đến hôm nay cả nhà em về quê được 2 tháng 15 ngày rồi. Em bé khỏe và ngoan chị ạ”.

Nhà Xò ở bản Phà Lõm, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương tỉnh Nghệ An, hơn 2 tháng qua không thể xoay sở được việc gì làm ngoài lên nương, lên rẫy. Cuộc sống vùng nông thôn buồn tẻ hơn những ngày ở Bình Dương, sáng 7 giờ lên nương, chiều 5 giờ trở về, chỉ đủ làm ra hạt gạo để ăn.

Xò bảo những ngày gần đây đọc tin tức về dòng người ồ ạt rời bỏ thành phố trở về quê, rất thương cho những người cùng cảnh ngộ và càng thấy quyết định trở về của mình là “chẳng có cách nào khác, dù lúc chạy xe máy đi đường em rất sợ”. Ở quê, cuộc sống nghèo nhưng quan trọng là không có dịch bệnh đe dọa.

Hồi tháng  9, Xò cũng đã tính cùng với chú và các anh đi làm cho một công ty ở Hưng Yên để lo cái Tết nhưng vướng đúng thời điểm các tỉnh miền bắc phải giãn cách xã hội nên sinh kế một lần nữa lại dang dở.


Lệch pha cung - cầu

Trong khi những người trở về từ đợt di cư lần đầu tiên như Xồng Bá Xò còn chưa thể ổn định được cuộc sống và tìm kiếm việc làm mới thì làn sóng di cư thứ hai đã ập đến các vùng quê nghèo với cường độ mạnh hơn làn sóng trước.

Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An Bùi Văn Hưng cho biết, từ đầu mùa dịch đến nay đã có 92 nghìn người dân Nghệ An trở về quê.

Tận dụng thế mạnh về đất đai, các huyện miền núi Nghệ An phát triển chăn nuôi, trồng trọt để giải quyết số lao động từ phía nam trở về. Ảnh: THÀNH CHÂU

Tận dụng thế mạnh về đất đai, các huyện miền núi Nghệ An phát triển chăn nuôi, trồng trọt để giải quyết số lao động từ phía nam trở về. Ảnh: THÀNH CHÂU

Do số lao động hồi hương quá đông nên việc giải bài toán việc làm ở các địa phương này không hề đơn giản.

Phần đông những người trở về không có tích lũy để tự đầu tư phát triển kinh tế, trình độ tay nghề cũng không đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp địa phương.

Nếu chuyển sang sản xuất nông, lâm nghiệp cũng phải nhiều tháng sau mới có thu nhập. Vì lẽ đó, toàn tỉnh Nghệ An có khoảng 22 nghìn người ở các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong… đang tạm sống qua ngày bằng nguồn gạo cứu đói của Trung ương.

Thoát khỏi dịch bệnh, cuộc sống của những lao động hồi hương an cư nhưng chưa thể lạc nghiệp.

Phát triển các mô hình sản xuất cơ khí để tận dụng tay nghề người lao động trở về Nghệ An. Ảnh: THÀNH CHÂU

Phát triển các mô hình sản xuất cơ khí để tận dụng tay nghề người lao động trở về Nghệ An. Ảnh: THÀNH CHÂU

Qua khảo sát 288 lao động hồi hương ở xã Huồi Tụ (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An), có gần 100 người muốn quay trở lại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam; 77 người muốn vay vốn làm ăn tại quê hương. Gần một nửa số lao động còn lại chưa biết sẽ đi đâu, làm gì.

Anh Lầu Bá Giàng trước đây vào Nam làm việc với thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng nhưng khi được hỏi về dự định tương lai, anh nói: “Bây giờ cũng chưa có định hướng gì. Nếu trong bản mà nhiều người nam tiến thì tôi cũng theo thôi”.

Thanh Hóa cũng vừa đón 185.700 người từ khắp các miền đất nước ồ ạt trở về quê tránh dịch.

Đại diện Công ty TNHH VAUDE Việt Nam ở thị xã Bỉm Sơn chủ động tiếp cận người lao động hồi hương phát tờ rơi về nhu cầu tuyển dụng lao động. Ảnh: MAI LUẬN

Đại diện Công ty TNHH VAUDE Việt Nam ở thị xã Bỉm Sơn chủ động tiếp cận người lao động hồi hương phát tờ rơi về nhu cầu tuyển dụng lao động. Ảnh: MAI LUẬN

Với sự nhanh nhẹn của tuổi trẻ và có trình độ tay nghề, Hoàng Văn Dũng và em trai là Hoàng Văn Tài vừa được tuyển dụng vào bộ phận cắt tại Công ty may Sông Lam ở thị xã Nghi Sơn, Thanh Hoá sau ít ngày trở về từ Quận 12, TP Hồ Chí Minh.

Nhóm của Dũng - Tài có 4 người cùng rủ nhau trở về thì cả 4 đều tìm được việc làm cách nhà hơn chục cây số, không phải mất tiền ở trọ mà lại có điều kiện gần gũi, trợ giúp thêm bố, mẹ. Ngoài thu nhập theo sản lượng sản phẩm, hiện mỗi lao động được hỗ trợ tiền ăn, công kỹ thuật khoảng 4 triệu đồng/tháng, tạm đủ để sống qua mùa dịch rồi tính tiếp.

Nhưng không có nhiều lao động hồi hương được suôn sẻ như vậy. Nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là gần 50 nghìn lao động, đến thời điểm này mới tạo được việc làm cho 14.200 lao động hồi hương; hơn 1.227 lao động khác đang được đào tạo lại để chờ vào làm việc.

Số lượng lớn lao động còn lại chưa biết sẽ kiếm sống thế nào vì chủ yếu là lao động phổ thông, hành nghề tự do, trình độ chuyên môn, tay nghề thấp, chưa có tác phong công nghiệp nên chưa được tuyển dụng do không đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa cho biết, lao động hồi hương có nhu cầu vay vốn để giải quyết việc làm rất lớn. Nhưng trong số 1.680 người muốn vay vốn, mới có 24 lao động được vay 1,66 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam.

Công nhân ở Đồng Nai ngược dòng về quê. Ảnh: THIÊN VƯƠNG

Công nhân Công ty CP Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng thực hiện phương án “Ba tại chỗ” trong gần 4 tháng qua. Ảnh: Công ty cung cấp.

Lao động làm việc tại một cơ sở may. Ảnh: THÀNH CHÂU

Công nhân ở Đồng Nai ngược dòng về quê. Ảnh: THIÊN VƯƠNG

Công nhân Công ty CP Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng thực hiện phương án “Ba tại chỗ” trong gần 4 tháng qua. Ảnh: Công ty cung cấp.

Lao động làm việc tại một cơ sở may. Ảnh: THÀNH CHÂU

Đối lập với thực tế thiếu việc làm, thừa lao động của các vùng quê nghèo là tình trạng khát lao động tại các trung tâm công nghiệp phía nam.

Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng (Khu công nghiệp An Hạ, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) đang rất cần bổ sung thêm nhân lực để đáp ứng các đơn hàng trong nước và xuất đi 40 quốc gia.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch công đoàn công ty cho biết, lao động trong ngành cơ khí đòi hỏi phải có tay nghề. Dịp này, doanh nghiệp cần thêm khoảng 200-300 công nhân nữa, nhưng cũng rất khó tìm, nên mục tiêu cao nhất lúc này là giữ ổn định hoạt động khoảng 1.200 công nhân hiện có.

Nguy cơ thiếu lao động trầm trọng hơn đối với ngành may mặc vì ngay cả trước khi dịch bệnh bùng phát, các doanh nghiệp trong ngành cũng phải đối mặt với vấn đề thiếu lao động diễn ra thường xuyên và mức độ thiếu hụt lao động không đồng đều giữa các doanh nghiệp.

Hiệp hội Dệt may đánh giá, thiếu hụt lao động từ nay đến cuối năm sẽ vào khoảng từ 35-37%.

Mặc dù TP Hổ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía nam đang dần mở cửa trở lại nhưng vẫn rất khó để công nhân quay trở lại làm việc, vì chỉ còn vài tháng sẽ đến Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Chưa kể việc đi lại giữa nhiều địa phương còn khó khăn vì công tác chống dịch.

Đây là thách thức rất lớn với cộng đồng doanh nghiệp khi chưa có phương án tối ưu để tuyển lao động trong điều kiện bình thường mới.

Nhiều doanh nghiệp dệt may hiện đang trong tình trạng kín đơn hàng từ nay đến quý I/2022 nhưng lo không đủ nhân lực sản xuất.

Tại Đồng Nai, phiên giao dịch việc làm ngày 11/10 do Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai tổ chức có 29 doanh nghiệp đăng ký với nhu cầu tuyển dụng 4.410 lao động trong các ngành may mặc, giày da, sản phẩm gỗ, gốm sứ. Tuy nhiên, về phía cung, chỉ có khoảng 300 lượt lao động tham gia sàn.

Nhiều công nhân tại Đồng Nai về quê. Ảnh: THIÊN VƯƠNG

Nhiều công nhân tại Đồng Nai về quê. Ảnh: THIÊN VƯƠNG

Bà Trịnh Thị Phương Uyên, chủ sở hữu hai doanh nghiệp ngành gỗ tại phường Tân Hòa (Biên Hòa, Đồng Nai) đã quyết định mở cửa sản xuất trở lại từ ngày 9/10 nhưng chỉ gọi được gần 70 công nhân đi làm. Lo lắng nhất của bà Phương Uyên lúc này là thiếu lao động cho kế hoạch huy động tổng lực để phục hồi sản xuất, lấy lại đà tăng trưởng trong tháng 11.

“Chúng tôi chưa dám liên hệ gọi người lao động ở quê quay lại làm việc vì một số địa phương vẫn còn hạn chế trong lưu thông và sản xuất. Quan trọng nhất, người lao động mới về quê được mấy ngày sau nhiều tháng sống thiếu thốn, ngột ngạt ở thành phố, mình gọi họ trở lại không dễ chút nào. Công nhân các tỉnh miền tây có thể quay trở lại trong vòng một tháng nữa, còn phần lớn lao động quê ở miền bắc, miền trung nhiều khả năng sau Tết Nguyên đán mới quay lại Đồng Nai”, bà Phương Uyên đánh giá tình hình.

Còn tại Bình Dương, kể từ ngày 1/10 vừa qua khi thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, số lượng lao động ngoại tỉnh đã rời Bình Dương về quê, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt lao động phổ thông làm việc trong các doanh nghiệp da giày, dệt may, lắp ráp linh kiện ...

Dự kiến, nhu cầu tuyển dụng lao động trong quý IV/2021 là rất lớn để đáp ứng các đơn hàng đã ký kết và đơn hàng mới.

Thị trường lao động đang bị tổn thương

Theo Tổng cục Thống kê, từ tháng 7 đến ngày 15/9 đã có khoảng 1,3 triệu người về quê tránh dịch. Trong đó hơn 74% là người trong độ tuổi lao động, hơn 35% số đó mất việc làm.

Sau ngày 30/9 nhiều tỉnh thành phố phía nam bắt đầu nới lỏng giãn cách nên dòng người hồi hương tiếp tục trở về các tỉnh miền tây, Tây Nguyên và phía bắc. Làn sóng di cư thứ hai diễn ra với khoảng 404 nghìn người.

Trong cả nước, hơn 28 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tác động của đại dịch Covid-19 ở các khía cạnh thất nghiệp, giãn/giảm việc làm, giảm thu nhập.

Thị trường lao động đang bị tổn thương, thể hiện ở nhiều dấu hiệu: Quan hệ lao động bị biến đổi, chi phí giao dịch của thị trường lên cao. Nhiều đơn vị dich vụ việc làm bị ảnh hưởng, thậm chí gặp khó khăn sau các đợt bùng phát dịch bệnh nên các giao dịch việc làm sẽ bị ảnh hưởng.

Hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm không được quan tâm đầu tư đúng mức từ chục năm nay trong khi hạ tầng kém, chưa được số hóa và khó kết nối được cung - cầu lao động trong toàn quốc.

Về phía người lao động cũng chưa sẵn sàng tham gia thị trường lao động để tìm kiếm việc làm mới vì còn bị ảnh hưởng nặng nề về tâm lý. Hơn nữa, sự kiệt quệ về tài chính cũng là rào cản để người lao động tiếp cận thị trường.


NHỮNG KỶ LỤC ĐÁNG BUỒN
- Đợt bùng phát đại dịch Covid-19 lần thứ tư đã làm số người tham gia lực lượng lao động sụt giảm nghiêm trọng, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động trong quý III ở mức thấp chưa từng có trong 10 năm trở lại đây.

- Lao động có việc làm trong quý III tiếp tục giảm sâu nhất từ trước tới nay, giảm gần 2,6 triệu người so quý trước. Hàng triệu người không có việc làm, ngay cả việc làm tạm thời cũng không thể tìm được.

- Lao động thiếu việc làm tăng cao chưa từng có, nhất là ở TP Hồ Chí Minh. Cả nước có 1,8 triệu người trong độ tuổi lao động thiếu việc làm.

- Thu nhập bình quân tháng của người lao động sụt giảm nghiêm trọng, lao động vùng đông nam bộ chịu tổn thương nặng nề nhất với mức thu nhập giảm sâu.

- Tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến lên mức gần 4%, là mức tăng cao nhất trong 10 năm qua và vượt xa con số 2% như thường thấy.
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Theo các chuyên gia, vấn đề lớn nhất của các trung tâm kinh tế khi tái khởi động sản xuất là nguồn nhân lực.

Theo thống kê từ báo cáo của 27/63 tỉnh, thành phố, hiện tổng số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng là 8.896 doanh nghiệp với nhu cầu lao động là 286.665 người, tập trung vào các ngành lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ, linh kiện điện tử.

Số lượng lao động cần tuyển dụng lớn, tập trung là lao động phổ thông không có trình độ chuyên môn kỹ thuật.

Một khảo sát trong tháng 9 của Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động tại hơn 256 doanh nghiệp dệt may, giày dép tại TP Hồ Chí Minh ghi nhận hơn 60% lao động muốn về quê hoặc đã về quê. Chủ yếu họ muốn về trong một thời gian ngắn để hồi phục sức khỏe và cuộc sống cho bản thân và con cái sau thời gian kiệt quệ cả về tâm lý, sức khỏe và kinh tế vì giãn cách xã hội.

Làn sóng hồi hương lần này là một cuộc nghỉ ngơi của người lao động sau khoảng thời gian mệt mỏi bám trụ lại thành phố. 89% người di cư có nguyện vọng tiếp tục làm việc ở nhà máy hiện tại, chỉ 9,3% muốn tìm việc ở quê. Tuy nhiên, nếu không có biện pháp hỗ trợ tích cực, sẽ phải mất 3 đến 5 tháng để người lao động di cư trở lại nhà máy. Để người lao động sớm trở về nhà máy, doanh nghiệp cần có sự liên hệ thường xuyên để nắm tình hình và hỗ trợ ngay khi cần thiết. Chính quyền địa phương cần thực hiện trợ cấp thôi việc cho người lao động theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, phối hợp doanh nghiệp thu xếp phương tiện, chi phí xét nghiệm, ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động.
BÀ ĐỖ QUỲNH CHI
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động

Ông Bùi Sỹ Lợi, chuyên gia cao cấp của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội phân tích: Sau những làn sóng hồi hương vì đại dịch Covid-19, thị trường lao động Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ mang tính dài hạn cả về cung lẫn cầu, dẫn đến khả năng đứt gãy chuỗi cung ứng nhân lực.

Nghịch lý lớn nhất của cung, cầu lao động hiện nay là nguồn nhân lực vừa thiếu lại vừa thừa. Nơi thiếu lao động là các thành phố lớn mà lao động nhập cư vừa rời bỏ, khiến các trung tâm công nghiệp có nguy cơ đình trệ sản xuất. Nơi thừa là những địa phương có dòng người hồi hương lớn, gây ra tình trạng thất nghiệp và các vấn đề xã hội. Đồng thời là những người bị mất việc làm do doanh nghiệp cắt giảm quy mô sản xuất, phá sản vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Sự dịch chuyển của dòng người di cư vừa qua có tác động mạnh đến nguồn cung của thị trường lao động và sự phục hồi sản xuất của các doanh nghiệp. Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và doanh nghiệp cần chung tay đánh giá tình hình, đưa ra các giải pháp để cân bằng mối cung-cầu về lao động khi nền kinh tế vận hành trở lại.

Yêu cầu cấp thiết đặt ra lúc này là cần có giải pháp cả trong ngắn hạn và dài hạn để chống đứt gãy thị trường lao động, nếu để xảy ra đứt gãy sẽ rất nguy hiểm. Vấn đề quan trọng là phải có giải pháp thu hút lao động trở lại làm việc để các doanh nghiệp khôi phục sản xuất. Yếu tố quyết định và cũng là gốc rễ để có thể khôi phục sản xuất, phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 là phải có đủ lao động.
ÔNG BÙI SỸ LỢI
Chuyên gia cao cấp của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội

Cần tấm lưới an sinh xã hội
và chính sách phúc lợi đủ lớn

Sau 2 làn sóng hồi hương ồ ạt, từ giữa tháng 10 bắt đầu có những người lao động tập trung thành từng nhóm lớn di chuyển từ các tỉnh Tây Nguyên trở lại TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương làm việc. Đó là những người về quê trong làn sóng hồi hương đầu tiên, vẫn giữ được liên lạc với công ty và nay được gọi lại khi các trung tâm công nghiệp lớn phía nam chính thức bước sang trạng thái bình thường mới.

Sở Lao động Thương binh và Xã hội Đồng Nai đánh giá, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có chính sách thu hút lao động tương đối ổn định, người lao động đa phần gắn bó với doanh nghiệp. Hơn nữa, người lao động hồi hương thuộc các tỉnh tương đối gần với Đồng Nai, các tỉnh miền tây có khoảng 20 nghìn người, Tây Nguyên có khoảng 10 nghìn người nên có thể tin tưởng vào khả năng sớm thu hút được lao động trở lại.

Nhưng giải bài toán về lao động lúc này sẽ không giống như ở bất kỳ một giai đoạn nào trong quá khứ, cần có một cuộc điều tra chuyên sâu hoặc nghiên cứu xã hội học về tác động của làn sóng di cư đến thị trường lao động nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung để dựa vào đó đưa ra kịch bản bám sát với thực tế.

Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Nghiên cứu Chiến lược, Thương hiệu và Cạnh tranh nhận định, đầu tàu kinh tế TP Hồ Chí Minh dự kiến mất khoảng 2 năm mới lấy lại được nguồn lao động như trước khi xảy ra đại dịch.

Lao động đang trở thành vấn đề đại sự của quốc gia trong cả ngắn hạn và lâu dài, đòi hỏi Chính phủ cần ưu tiên giải quyết trong bài toán phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
- ông Võ Trí Thành.

Các nhà nghiên cứu chính sách lo ngại phục hồi nguồn nhân lực trong giai đoạn này sẽ không còn đơn giản là tăng một chút thu nhập, thu xếp xe đưa đón để gọi họ lại khi cần.

Hiện tượng dòng người di cư vẫn tìm mọi cách rời bỏ thành phố vào thời điểm đỉnh dịch đã qua và cơ hội được đi làm trở lại đang mở ra, khiến chúng ta giật mình nhận ra, những người lao động nhập cư, nhất là lao động tự do, lao động phi chính thức, bị tổn thương rất lớn trước cú sốc Covid-19.

Với đồng lương như hiện tại, họ làm việc cả cuộc đời cũng không thể mua được nhà ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương; khó tiếp cận các dịch vụ y tế, xã hội và con cái bị hạn chế khả năng học tập vì chi phí quá đắt đỏ.

Nguyên nhân do quá trình công nghiệp hóa của các thành phố lớn đã không quan tâm xây dựng các khu đô thị giá rẻ và dịch vụ xã hội cho người lao động, thành quả của quá trình đô thị hóa đã không được tái phân bổ hợp lý khiến đội ngũ lao động trở thành những lao động yếu thế, chịu nhiều thiệt thòi.

Người lao động hồi hương trong đại dịch bởi họ đã phải đối mặt với quá nhiều nỗi lo. Ảnh: THIÊN VƯƠNG

Người lao động hồi hương trong đại dịch bởi họ đã phải đối mặt với quá nhiều nỗi lo. Ảnh: THIÊN VƯƠNG

Tiến sĩ Lương Hoài Nam ví làn sóng hồi hương lần thứ hai, về bản chất là một cuộc tháo chạy vì người lao động nghèo không thể sống tiếp những ngày đáng sợ phải giãn cách xã hội hà khắc trong những khu nhà trọ tồi tàn ở thành phố - nơi bị dịch bệnh tấn công dữ dội và dai dẳng nhất.

Tiến sĩ Lương Hoài Nam cho rằng, giải pháp có sức thuyết phục nhất cho bài toán lao động và phục hồi kinh tế của TP Hồ Chí Minh lúc này là phải có một chương trình nhà ở xã hội được công bố rõ ràng và được cam kết thực hiện bởi người đứng đầu.

Nếu người lao động có niềm tin rằng họ sẽ có cơ hội mua trả góp một căn nhà ở xã hội khoảng 30m2 với giá 150-200 triệu đồng sau một số năm làm việc ở TP Hồ Chí Minh, con cái họ được học gần nhà, hệ thống y tế cơ sở tốt thì nhiều người sẽ trở lại và ổn định cuộc sống lâu dài ở thành phố.

Thành phố không thiếu quỹ đất cho nhà ở xã hội vì đất nông nghiệp còn rất nhiều, chiếm hơn 50% diện tích nhưng chỉ tạo ra chưa đến 1% tăng trưởng GDP. Hoàn toàn có thể xin Chính phủ chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với một phần nhỏ đất nông nghiệp để xây nhà ở xã hội phục vụ nhu cầu công nghiệp hóa hiện tại và lâu dài của thành phố.

TP Hồ Chí Minh không thể giàu nếu thiếu những người lao động nghèo và thiếu cách thu hút, giữ chân họ bằng các chính sách an cư lạc nghiệp, giúp họ ổn định cuộc sống và ngày càng giàu lên cùng thành phố.
Tiến sĩ Lương Hoài Nam
Người hồi hương nhận thêm sữa tươi từ bộ phận tiếp, đón ở Thanh Hóa để tiếp tục vượt dặm trường về các tỉnh phía bắc. Ảnh: MAI LUẬN

Cùng với những bất cập về chính sách xã hội cho người lao động, đại dịch Covid-19 cũng là tiếng chuông cảnh báo cho các nhà hoạch định chính sách về những hạn chế trong chính sách an sinh xã hội hiện nay.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Giang Thanh Long, giảng viên cao cấp khoa Kinh tế học, trường Đại học Kinh tế quốc dân, người lao động bỏ về quê cũng sẽ cân nhắc quay lại khi hoạt động kinh tế phục hồi trở lại, nhưng có thể không quay lại ngay, bởi họ phải tính toán về nhà ở, học tập của con cái…

Nếu việc quay trở lại của người lao động và nhu cầu lao động cho sản xuất bị “lạc nhịp” thì việc thiếu hụt hoạt động khi phục hồi kinh tế là điều thấy rõ.

Làm thế nào để khi có các cú sốc lớn hơn trong tương lai, người lao động vẫn có thể duy trì cuộc sống ? (Ảnh: MAI LUẬN)

Làm thế nào để khi có các cú sốc lớn hơn trong tương lai, người lao động vẫn có thể duy trì cuộc sống ? (Ảnh: MAI LUẬN)

Hiện tượng lao động di cư hồi hương càng cho thấy sự cần thiết của việc mở rộng hệ thống an sinh xã hội, đặc biệt là bảo hiểm xã hội (cả bắt buộc và tự nguyện) tới mọi người lao động, để nếu khi có các cú sốc lớn hơn trong tương lai, họ vẫn có thể duy trì cuộc sống.

An sinh xã hội cần phải được coi là cầu nối, đệm đỡ giữa bảo đảm hoạt động kinh tế với các rủi ro có thể phát sinh (về kinh tế, sức khỏe, xã hội… như đang xảy ra với đại dịch Covid-19). Thiết kế của hệ thống phải bảo đảm được nguyên tắc 3A, đó là khả năng tiếp cận (Accessibility), khả năng chi trả (Affordability) và mức thụ hưởng phù hợp (Adequacy). Bảo đảm an sinh xã hội cũng chính là giải pháp để chuỗi lao động không bị đứt gãy.
- Giáo sư, Tiến sĩ Giang Thanh Long -
Giảng viên cao cấp khoa Kinh tế học, trường Đại học Kinh tế quốc dân

Đáng mừng là chuyển động chính sách hiện đang có những điểm tích cực. Cùng với sự chuyển hướng trong các chính sách chống dịch và phát triển kinh tế, cách tiếp cận vấn đề để giải quyết bài toán khó về lao động trong đại dịch Covid-19 cũng đang được các nhà hoạch định chính sách nhìn nhận đa chiều hơn.

Trong 11 nội dung thuộc kế hoạch phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế của TP Hồ Chí Minh đã đưa vào nhiệm vụ xây nhà giá rẻ cho công nhân, người thu nhập thấp thuê, mua. Lãnh đạo UBND thành phố đã chính thức công bố chương trình xây 1 triệu nhà ở giá rẻ để kêu gọi các nhà đầu tư và huy động các nguồn lực trong xã hội cùng tham gia.

Sản xuất tại Công ty TNHH nhựa Nhị Bình, Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II, Bình Dương. Ảnh: TRỊNH BÌNH

Sản xuất tại Công ty TNHH nhựa Nhị Bình, Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II, Bình Dương. Ảnh: TRỊNH BÌNH

Về phía Bộ Xây dựng đã có công văn số 3822/BXD-QLN ngày 17/9/2021 gửi các địa phương về giải pháp phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, trong đó nhấn mạnh: Khi quy hoạch xây dựng khu công nghiệp phải bố trí diện tích đất phù hợp để xây dựng nhà ở cho công nhân, thiết chế cho công đoàn bảo đảm đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho người lao động trong khu công nghiệp đó. Có cơ chế, giải pháp khuyến khích doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân; bố trí nguồn lực hợp lý để đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu như trường học, nhà trẻ, cơ sở khám chữa bệnh, khu vực sinh hoạt cộng đồng...

Đây là giải pháp căn cơ để người lao động an tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, kể cả khi xảy ra những cú sốc lớn như dịch bệnh vừa qua.

Cũng cần tập trung xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo, nâng cao chất lượng lao động. Ảnh: MAI LUẬN

Cũng cần tập trung xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo, nâng cao chất lượng lao động. Ảnh: MAI LUẬN

Bên cạnh giải pháp phát triển nhà ở cho công nhân, việc tập trung xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo, nâng cao chất lượng lao động để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang nền kinh tế số, kinh tế xanh cũng đã được tính đến. Đại dịch Covid-19 đang thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, tác động đến nhu cầu sử dụng lao động có trình độ trong khi tỷ lệ lao động có bằng, chứng chỉ hiện nay mới chỉ chiếm 26,1%.

Tiêm vaccine cho công nhân. Ảnh: TRỊNH BÌNH

Tiêm vaccine cho công nhân. Ảnh: TRỊNH BÌNH

Chế biến sản phẩm thủy hải sản. Ảnh: QUANG QUÝ

Chế biến sản phẩm thủy hải sản. Ảnh: QUANG QUÝ

Sản xuất theo phương án “Ba tại chỗ” tại công ty Đại Dũng. Ảnh: Công ty cung cấp.

Sản xuất theo phương án “Ba tại chỗ” tại công ty Đại Dũng. Ảnh: Công ty cung cấp.

Item 1 of 3

Tiêm vaccine cho công nhân. Ảnh: TRỊNH BÌNH

Tiêm vaccine cho công nhân. Ảnh: TRỊNH BÌNH

Chế biến sản phẩm thủy hải sản. Ảnh: QUANG QUÝ

Chế biến sản phẩm thủy hải sản. Ảnh: QUANG QUÝ

Sản xuất theo phương án “Ba tại chỗ” tại công ty Đại Dũng. Ảnh: Công ty cung cấp.

Sản xuất theo phương án “Ba tại chỗ” tại công ty Đại Dũng. Ảnh: Công ty cung cấp.



Những ngày này, người lao động hồi hương trong làn sóng chạy dịch đầu tiên đang tính chuyện quay lại thành phố tìm việc làm để mưu sinh khi rào cản cách ly xã hội được nhiều địa phương gỡ bỏ.

Nhưng Xồng Bá Xò chưa có đủ niềm tin để quay trở lại Bình Dương. Nỗi ám ảnh về một cuộc sống bất an nơi xóm trọ chật hẹp không việc làm, không tiền bạc, ăn bữa đói bữa no trong quãng đời làm công nhân ở Bình Dương của đôi vợ chồng trẻ đến nay vẫn là vết thương chưa đủ thời gian để chữa lành. Thay vì vào nam, Xồng Bá Xò chờ sau Tết sẽ ra bắc tìm việc làm với suy tính, nếu chẳng may lại xảy ra bất trắc, ít ra đường về nhà sẽ ngắn hơn, bớt nguy hiểm hơn so với chuyến hồi hương bão táp hồi tháng 7.

Tổ chức thực hiện: THU HÀ
Nội dung: VIỆT HẢI, TÔ HÀ, THÀNH CHÂU, MAI LUẬN, QUANG QUÝ, ANH TUẤN, TRỊNH BÌNH, THIÊN VƯƠNG
Ảnh: THÀNH CHÂU, MAI LUẬN, QUANG QUÝ, TRỊNH BÌNH, THIÊN VƯƠNG, CTV
Trình bày: DIỆU THU, PHAN ANH