TỪ "LÀNG KHÔNG TÊN CỦA DI DÂN" ĐẾN "BẢN MÔNG BÌNH YÊN" BÊN DÒNG KRÔNG NÔ

Những cụm từ như “3 không”, “4 không”, thậm chí là “5-6 không” thường được dùng để nói về những vùng “khó khăn đặc biệt”. Thế nhưng, với làng Mông hẻo lánh này, mọi con số như thế đều không mang nhiều giá trị, bởi người ta vẫn ví von 179 bằng một danh xưng khá dài: “Nơi không có gì, ngoài tỷ lệ sinh cao.” Nghe danh xưng ấy, Tủa cũng chỉ bật cười và… tiếp tục cười, vì vốn dĩ đại gia đình của anh cũng chưa phải là hộ đông đúc nhất trong làng.

Tiểu khu 179 nằm trên địa phận của huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng nhưng thường hay bị nhầm lẫn là địa bàn của tỉnh Đắk Nông. Lý do là bởi từ trung tâm của huyện Đam Rông không có cách nào để đi vào 179 ngoài việc “mượn” một đoạn đường của huyện Đắk Glong tỉnh Đắk Nông rồi vòng ngược lại. Địa hình 3 bề giáp núi, mặt còn lại giáp sông đã khiến nơi đây rơi vào một thế cô lập, suốt hàng chục năm lặng lẽ như một bản làng “bị lãng quên” giữa đại ngàn.

Cái tên 179 vốn là số hiệu của khoảnh rừng  xã Liêng Srônh - một trong những nơi “sâu nhất của những vùng sâu và xa nhất của những vùng xa” trên địa bàn Huyện.

A Tủa bảo: “Vì sâu và xa như thế, nên người Mông mới tìm tới đây để làm ăn. Bởi tập quán của người Mông phù hợp với những nơi hẻo lánh".

Trước khi trở thành chủ tịch huyện Đam Rông, ông Trương Hữu Đồng từng kinh qua nhiều vị trí công tác tại UBND huyện từ khi huyện được thành lập năm 2004. Ông khẳng định: “Tình trạng đồng bào từ các tỉnh miền núi phía Bắc di dân tự do tới địa bàn mà điển hình nhất là Tiểu khu 179 đã diễn ra từ trước khi huyện Đam Rông được thành lập. Di dân chủ yếu là đồng bào người Mông từ Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang… theo đường bộ lặn lội tới đây với giấc mơ tìm một “vùng đất hứa”. Họ phá những vùng lõi rừng, cách xa khu vực dân cư để lập bản làng, làm nương rẫy. Trong bối cảnh khó khăn về nhiều mặt, khi đó, việc phát hiện là vô cùng khó khăn… chứ chưa nói tới công tác quản lý.”

Toàn cảnh những khó khăn của Tiểu khu 179 năm 2023.

Toàn cảnh những khó khăn của Tiểu khu 179 năm 2023.

Từ một vài hộ người Mông đầu tiên, qua thời gian gần 30 năm, Tiểu khu 179 trở thành một làng Mông với hàng trăm hộ cùng gần 800 nhân khẩu trong cảnh sống vô vàn những cái không… mà khởi đầu là cái tên phải “mượn” những con số từ số hiệu khoảnh rừng.

Tháng 12/2023 là lần đầu tiên chúng tôi đặt chân tới Tiểu khu 179. “Cổng chào” của ngôi làng là một cây cầu sắt chỉ rộng đủ để 2 chiếc xe máy có thể đi chậm lại, khéo léo lách qua nhau. Màu sơn đỏ đã xỉn và ố dần theo những tiếng cọt kẹt, rung rinh khi xe cộ vượt cầu qua dòng nước chảy siết của sông Krông Nô. Đầu cầu có 1 biển nội quy với cách diễn đạt rất “đồng bào”, trong đó có một nội dung được lưu ý kỹ: “Cấm đưa trẻ con chạy chơi trên cầu” - đủ để thấy những người dân nơi đây chưa từng yên tâm với chất lượng của công trình “xây tạm”.

Cuộc sống phía bên kia cầu cũng chông chênh không kém khi gần 800 con người sinh sống chẳng hề có điện lưới, nước sạch hay bất kỳ một thiết chế cơ bản nào, ngoài một điểm trường với vài lớp học được che chắn bằng những tấm ván gỗ bạc màu - nơi học tập của hơn 100 học sinh ở nhiều lứa tuổi.

NHỮNG ÁNH ĐOM ĐÓM ĐÊM GIỮA ĐẠI NGÀN

Bữa cơm của 1 gia đình ở Tiểu khu 179.

Bữa cơm của 1 gia đình ở Tiểu khu 179.

Ắc quy - thiết bị tích trữ năng lượng không thể thiếu tại Tiểu khu 179.

Ắc quy - thiết bị tích trữ năng lượng không thể thiếu tại Tiểu khu 179.

Tấm năng lượng mặt trời trên mái nhà.

Tấm năng lượng mặt trời trên mái nhà.

Đêm xuống là lúc Tiểu khu 179 chìm trong một không gian mà chúng tôi gọi là “không gian đom đóm”. Thứ ánh sáng lập loè, thoắt ẩn, thoắt hiện, lúc mạnh, lúc yếu giữa màn đêm đen một cách tĩnh lặng của đại ngàn.

Thắng - học sinh lớp 4 tại điểm trường 179 là một con đom đóm đêm của chúng tôi. Với chiếc đèn pin yếu ớt trên tay, em cùng nhóm bạn thoăn thoắt xé màn đêm đưa “những người lạ” đi làm quen khắp bản. Cả nhóm cứ líu lo đủ thứ chuyện bằng tiếng đồng bào, thi thoảng lại nhìn về phía chúng tôi cười phá… đủ để chúng tôi cảm nhận được sự hứng khởi pha chút tò mò khi lũ trẻ gặp những người ở “phía bên kia cầu sắt đỏ”.

Hành trình dừng lại ở nhà A Tủa, một trong không nhiều người 179 biết nói tiếng Kinh. Tủa đã biết tin có người lạ tới từ chiều và hình như Tủa cũng biết rằng lũ trẻ sẽ đưa chúng tôi đến nhà gặp Tủa. Bên thứ ánh sáng leo lét từ chiếc đèn năng lượng mặt trời giữa ngôi nhà ẩm thấp, Tủa hồi tưởng những ngày đầu anh về 179.

Anh Sùng A Tủa.

Anh Sùng A Tủa.

“Mình cũng không phải đẻ ra ở đây, đẻ ra là ở ngoài Hà Giang. Hồi đó có người đi trước rồi, bảo trong này đất đai tốt lắm, trồng cây cũng dễ, không nhiều đá cũng không cao, dễ làm ăn, nói chung là dễ sống. Nên là năm chín mấy thì mình đi theo. Ngày xưa đi cứ đường bộ thôi, tiện chỗ nào có xe thì đi xe không thì đi bộ, đi cả hơn 1 tuần mới tới”.

Rồi cũng như nhiều bà con khác, 15 16 tuổi, Tủa lấy vợ, sinh con và giờ có 9 người con cả thảy.

“Đứa lớn nhất của mình 17 tuổi đi học ở xa rồi, đứa bé nhất thì mới có hơn 1 tuổi thôi. Ở đây phải đẻ nhiều để nhà còn có người làm, có sức đi nương đi rẫy”. Người đàn ông Mông kể bằng một nụ cười hãnh diện.

So với Thắng, A Tủa là một chú đom đóm cỡ bự hơn. Ngoài chiếc đèn pin công xuất lớn, anh còn là một người có uy tín và tiếng nói trong vùng. Dẫn chúng tôi qua từng con dốc, anh cởi mở chia sẻ về bản làng thân yêu của mình.

“Hơn 700 người chúng mình ở đây sống bằng nương rẫy thôi, chủ yếu là cà phê. Nhà nào ít thì cũng có 1ha. Biết là làm cà phê phải phá rừng đấy nhưng mà mình cứ ngày càng đẻ nhiều, nhiều người hơn thì lại phải trồng nhiều hơn. Tương lai thì chắc cũng phải làm cái gì đó khác đi, chứ phá rừng nhà nước không cho đâu”.

“Ở đây nhiều khó khăn nhỉ”? - tôi hỏi Tủa.

“Người Mông mình quen khó khăn rồi, ở đây còn thuận lợi hơn ngoài quê nhiều. Điện giờ có điện mặt trời dùng tạm, trường học cho trẻ con nhà nước cũng làm rồi, đường đi hơi vất vả tí… chỉ có…” Nói tới đây, Tủa nghẹn lại như thể còn chuyện muốn dấu chúng tôi.

Tôi cố hỏi: “Cái gì mà làm khó được anh đây”?

Bước nhanh qua đoạn dốc , Tủa quay lại bảo: “Còn cái chứng minh thư, căn cước ấy. Bà con hầu như là chưa có. Chỗ này ở có hợp pháp đâu. Mình phá rừng vào đây ở mà. Nhà nước không cho hộ khẩu, không cho giấy tờ. Thiếu cái này, làm gì cũng khó”.

Những em nhỏ ở Tiểu khu 179.

Những em nhỏ ở Tiểu khu 179.

Tại Tiểu khu 179 thời điểm đó, chỉ có trên đầu ngón tay những người có giấy tờ tùy thân. Đa phần, họ là những hộ làm ăn khấm khá, có điều kiện, sang huyện Đắk Glông tỉnh Đắk Nông mua đất, làm nhà và làm giấy tờ tại nơi ở mới. Còn lại, hơn 700 già - trẻ đều sống một cách “vô thừa nhận”, không có lấy một thứ gì để chứng minh cho sự tồn tại giữa núi rừng.

Câu chuyện của Tủa kết thúc ở điểm cuối của hành trình: Nhà nguyện. Nhà nguyện là nơi người dân tại 179 sinh hoạt tôn giáo mỗi đêm. Trong ánh đèn trắng nhoè yếu ớt, những người dân nơi đây cùng “chạm tay” vào thứ ánh sáng mạnh mẽ nhất mà họ có:… Niềm tin.

Niềm tin là động lực để những người Mông vượt lên mọi thiếu thốn, cơ cực. Họ đi trên hàng chục km những con đường đất hẹp mỗi ngày - hiểm trở và ngoằn nghèo. Họ trồng và chăm bẵm những vườn cà phê xanh tốt dù mùa khô có cằn cỗi hay mùa mưa có khắc nghiệt đến đâu. Họ luôn tươi cười cả trong ánh sáng và bóng tối với một lối sống lành mạnh: không to tiếng, không rượu bia, không cờ bạc.

Thế nhưng, niềm tin lại là chưa đủ để những đứa trẻ được lớn lên đủ đầy, được học hành trọn vẹn.

Giàng Seo Sính là hàng xóm của A Tủa. Sính có 7 người con, trong đó, người con đặc biệt nhất là người con gái cả đang đi học ở Trường Võ Nguyên Giáp phía ngoài trung tâm huyện Đam Rông.

Anh Giàng Seo Sính.

Anh Giàng Seo Sính.

Sính tự hào lắm: “Cả bản này có mỗi đứa con mình là học giỏi để đi học tiếp ngoài huyện thôi. Mấy đứa khác chỉ học hết tiểu học ở điểm trường trong này rồi nghỉ. Con mình nó học được nên mình cho học tiếp nhưng mà khổ lắm”.

Sính soi đèn vào tấm ảnh cô con gái mặc “áo cử nhân” treo trên cánh tủ quần áo, bên cạnh là vài giấy khen đã ố màu. “Ở đây không có căn cước công dân nên đi học không được hưởng mấy cái chính sách của nhà nước như là ở nội trú hay trợ cấp các thứ. Chả biết ở ngoài đấy thì học hành được đến bao giờ”.

Chúng tôi thắc mắc: “Thế ngoài đó thì cháu nhà anh sinh hoạt, ăn ở thế nào”?

Sính cười, gãi đầu: “Chả biết”.

Câu trả lời dứt khoát và gọn gàng khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ nhưng cũng chẳng dám hỏi thêm. Không biết vì công việc bận rộn, Sính không có thời gian để tâm… hay là anh tin tưởng vào khả năng tự lập của cô con gái cả… hoặc chỉ đơn giản là ở đây không có sóng điện thoại, khó liên lạc, nên anh ít có thông tin… Chỉ biết là số điện thoại của con thì anh đọc cho chúng tôi vanh vách, không cần phải tra cứu hay hỏi lại bất kỳ ai.

Chưa đến 8 giờ tối mà màn đêm đã nuốt trọn tiểu khu 179, khi những ánh đèn từ năng lượng mặt trời tích luỹ trong ngày yếu dần rồi lịm hẳn. Không gian tĩnh mịch, nặng nề đến mức khó để cảm nhận cả những tiếng côn trùng. Thi thoảng, chó sủa từ phía xa vọng lại văng vẳng làm chúng tôi thao thức: nghĩ về những con người ở tiểu khu - những người mà thế giới phía bên ngoài cây cầu kia chẳng có mấy ai hay biết. Điều gì đã đưa chúng tôi đến với nơi này? Có lẽ nào, tôi đã từng uống một ly cà phê được làm từ những hạt đỏ au, chín mọng trồng ở làng Mông này chăng?

GIẤC MƠ HỌC HÀNH TRONG LÁN THỢ XÂY

Cuộc sống của Giàng Thị Gánh.

Cuộc sống của Giàng Thị Gánh.

Đây là lán trại của thợ xây đến làm công trình ở huyện. Em không có căn cước công dân, nhà cũng không có sổ hộ khẩu, không có giấy tờ gì nên không ai dám cho thuê ở trọ. Chỗ này người ta không cần giấy tờ gì cả, nên em mới ở đây được

_ Giàng Thị Gánh_

Huyện Đam Rông chưa có thị trấn. Trụ sở huyện nằm tại thôn 1 của xã Rô Men. Chúng tôi phải mất cả một buổi sáng để di chuyển từ Tiểu khu 179 về khu vực trung tâm huyện. Đường núi với nhiều khúc cua gắt, dốc cao, bụi bay mù mịt, đỏ au màu đặc trưng của vùng đất bazan màu mỡ.

Theo số điện thoại mà đêm qua xin được từ Sính, chúng tôi cố gắng liên lạc với con gái anh: Giàng Thị Gánh, nhưng sau nhiều cuộc điện thoại vẫn không có tín hiệu từ phía đầu dây bên kia. Phải đến gần 1 giờ chiều, Gánh mới nhấc máy. Có lẽ, ít khi em gái Mông 15 tuổi nhận được những cuộc gọi từ người lạ bởi em sống một mình hơn một năm nay, chẳng quen biết hay gặp gỡ mấy ai sau giờ đi học.

Nghe chúng tôi giới thiệu là người quen của bố Sính, Gánh ngập ngừng, nửa tin, nửa ngờ nhưng vẫn đồng ý cho địa chỉ để “những người lạ” ghé thăm.

Chỗ của Gánh là một nơi “khó tìm”, nên em hẹn gặp ở “ngã 3 cây xăng” thôn Rô Men 1.

Cô gái nhỏ nhắn lọt thỏm trong chiếc khoác đồng phục phải xắn mấy gấu mới hở bàn tay. Em đưa chúng tôi đi vòng qua nhiều ụ cát xây dựng, rẽ vào một con đường được làm phẳng bằng xà bần tới khu lán lụp xụp, tạm bợ ốp bằng cốp pha.

Những bước chân của Gánh chậm lại dần rồi dừng hẳn ở nơi cuối dãy. Nó nhỏ hơn 1 chiếc lán nhưng lại lớn hơn 1 túp lều với 4 góc được thưng bằng những tấm bạt xanh đỏ. Gánh cẩn thận nhìn chung quanh một lượt, rồi ngại ngùng: “Đây là lán trại của thợ xây đến làm công trình ở huyện. Em không có căn cước công dân, nhà cũng không có sổ hộ khẩu, không có giấy tờ gì nên không ai dám cho thuê ở trọ. Chỗ này người ta không cần giấy tờ gì cả, nên em mới ở đây được”.

Trong nơi được Gánh gọi là “phòng” ấy, bề bộn quần áo, chăn màn, thứ đáng giá nhất là bộ sách vở được em xếp ngăn nắp trên chiếc bàn nhựa đỏ.

Tôi bắt đầu một câu hỏi để xua đi bầu không khí im ắng: “Ở đây em ăn ở thế nào"?

“Dạ tiền ở 150 nghìn một tháng, điện nước thêm 100 nghìn, ăn thì tự nấu hoặc ăn chung với các bác thợ xây. Trả 15-20 nghìn một bữa ạ".

Phòng Gánh cạnh công trình phụ chung của cả khu vừa là nhà vệ sinh, vừa là nhà tắm. Nhà vệ sinh không có cửa, đúng hơn là từng có cửa nhưng đã hỏng và không được sửa.

Gánh nhận ra sự sửng sốt của chúng tôi. Em khẽ nói: “Em sẽ tắm rửa sớm trước khi mọi người đi làm về, hoặc hôm nào học thì vệ sinh thật muộn sau khi mọi người đi ngủ".

Giàng Thị Gánh.

Giàng Thị Gánh.

Đó là cách sống của một cô bé 15 tuổi giữa hàng chục người thợ xây, chủ yếu là đàn ông ư? Chúng tôi cùng chung một băn khoăn, một sự nghẹn ngào mà chẳng nói nên lời. Vì ở phía đối diện, cô bé người Mông đã rơi nước măt.

“Thầy cô bảo, nếu năm sau em không có căn cước công dân, em sẽ không được thi tốt nghiệp Trung học phổ thông".

Từ nghèn nghẹn đến thút thít, Gánh ngẩng đầu, quyệt vội đôi mắt hoe đỏ: “Em vẫn cứ học thôi, đến đâu thì đến. Đời bố mẹ em không biết chữ đã khổ lắm rồi".

Cuộc gặp ngắn ngủi chỉ kéo dài hơn nửa giờ đồng hồ bởi Gánh phải tạm biệt chúng tôi để lên trường cho buổi học chiều. Nơi em sống cách trường hơn 1km, em đi bộ, quãng đường gần và dễ đi hơn nhiều so với những con đường đất trong Tiểu khu 179. Đất đỏ bazan ở Tây Nguyên thật màu mỡ, nhưng cuộc sống của những người như Gánh, như gia đình Gánh vẫn “khô cằn” vì thiếu những điều kiện cơ bản để phát triển.

“Chả biết” - câu trả lời của anh Sính, bố Gánh lại vang lên. Đôi khi, có những thứ người ta “chả biết” còn tốt hơn là biết.

Ngày xuất bản: 24/1/2025
Tổ chức sản xuất: Phan Thái Sơn - Lê Thanh Tùng
Nội dung: Lâm Phan; Hoàng Đạt; Phương Lan
Trình bày: Diệc Dương
Ảnh: Lâm Phan; Hoàng Đạt
Clip: Hoàng Đạt; Giang Nam

Bản làng không tên giữa núi rừng.

Bản làng không tên giữa núi rừng.