TỪ BẢN MƯỜNG PHĂNG
ĐẾN HẦM ĐỜ CÁT
Tôi muốn bắt đầu cuộc hành hương của mình từ điểm xa nhất: Mường Phăng, nơi đặt sở chỉ huy của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Tư lệnh chiến dịch Điện Biên. Mường Phăng, tiếng Thái có nghĩa là “Bản Lạnh”. Điểm cao này nằm ở rặng núi phía đông cánh đồng Mường Thanh.
Nhìn lên bản đồ tưởng gần, nhưng đường từ thị xã Điện Biên Phủ đến Mường Thanh khá xa. Theo quốc lộ 279 (con đường độc đạo nối liền Tuần Giáo trên quốc lộ 6 với Điện Biên, ngày trước là đường 42) đi ngược trở lại 15km rồi quặt về hướng tây thêm gần mười cây số nữa mới đến địa phận xã Mường Phăng.
Đường vào hầm chỉ huy của Đại tướng Tổng Tư lệnh chênh vênh bên sườn núi Mường Phăng nay đã được sửa sang thoai thoải và lát đá, làm cầu phục vụ khách thăm. Con đường chạy qua rừng dẻ với những thân cây cao vút xưa hẳn rậm rịt lắm, nay đã thưa thớt đi nhiều.
Đến ngã ba, nơi có tấm bia kỷ niệm chữ đục vào một tảng đá rất to: “Khu sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ 21/1/1954-8/5/1954”. Từ đây có các lối rẽ lên hầm của Đại tướng Tổng Tư lệnh, hầm của Trung tướng Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng chiến dịch, hầm giao ban tác chiến...
Tại Mường Phăng, bộ đội công binh đã xây dựng một hệ thống đường hầm nhỏ. Nó chia thành ba nhánh đồng tâm, hình rẻ quạt, chạy xuyên vào trái đồi dài khoảng 300 mét. Một nhánh có giao thông hào nối liền với cơ quan tham mưu. Một nhánh chạy tới nơi Đại tướng làm việc. Hầm được tính toán chống sức ép của bom đạn khi nổ gần. Trong hầm có nơi hội họp, phòng chỉ huy tác chiến, nơi liên lạc thẳng tới các đơn vị đang chiến đấu ở mặt trận cũng như với chỉ huy trưởng chiến dịch, có điện, bảo đảm làm việc bình thường ngay cả khi máy bay địch oanh tạc.
Tôi leo lên một cái dốc khá cao (may thay nay đã có bậc cấp) đến cái lán làm dưới tán cây, sát bên miệng hầm riêng của Đại tướng đào vào sườn núi. Đây là “ngôi nhà” của ông ở Mường Phăng.
Tôi vào trong “ngôi nhà” được phục chế có lẽ từ hồi đầu kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên (1994), nay tre vầu nhiều cây bắt đầu mục, xông lên mùi ẩm mốc, vắng lạnh. Mùa này thưa vắng khách thăm, và hình như các đoàn du lịch đi theo tour ít chịu khó tới đây. Tôi rón rén ngồi ghé xuống đầu chiếc ghế, khẽ tì tay lên mặt bàn, chân bàn là những ống bương chôn xuống đất, mặt bàn đan bằng nứa chẻ. Trong ngôi nhà hôm nay lạnh lẽo, trong cái “Bản Lạnh” này đã từng làm nên những trang sử vẻ vang.
Ngày 6/5/1954, ngày ta giải quyết dứt điểm đồi A1 (Eliane 2, theo cách gọi của người Pháp), để hôm sau, tấn công những cứ điểm cuối cùng của địch. Đại tướng Võ Nguyên Giáp rời căn hầm lên đỉnh núi Mường Phăng: “Buổi trưa trời hửng nắng. Tôi trèo lên đỉnh núi Mường Phăng sau Sở chỉ huy, quan sát trận địa. Gần một tháng qua, từ vị trí này, với một chiếc ống nhòm có bội số quang học lớn, tôi theo dõi sự tiến triển của chiến hào ta. Thời gian đầu, sự tách biệt giữa ta và địch rất rõ (...). Nhưng từ cuối tháng 4, rất khó phân biệt trận địa ta và trận địa địch. Vì hầu hết những mũi chiến hào của ta đã cắm sâu vào tập đoàn cứ điểm”.
Từ sườn non cao, Đại tướng không nhận ra hầm chỉ huy của Đờ Cát. Bản doanh của tướng chỉ huy tập đoàn cứ điểm địch không hẳn là một cao điểm. Nó là điểm duy nhất trong tập đoàn cứ điểm ở Điện Biên Phủ, người Pháp gọi là GONO, viết tắt bốn từ Binh đoàn tác chiến Tây - Bắc, cứ điểm duy nhất được mang cái tên có chút hơi hướng binh đao là Chim Ưng (Epervlier), trong khi tất cả mọi cứ điểm khác đều được đặt theo tên con gái: Gabrielle (Đồi Độc Lập), Béatrice (Him Lam), Anne Marie (Bản Kéo), Eliane (A1, C2...). Con Chim ưng kiêu hãnh giờ đây ngập ngụa ở đâu đó trong lầy lội mưa bùn đỏ quạch lẫn với máu mủ thương binh Pháp không chữa được...
Hầm chỉ huy của Đờ Cát đã được phục chế giống như xưa, có phần “khang trang” hơn tôi hình dung khi đọc các sách viết về trận Điện Biên Phủ. Sự thật có lẽ giống như tôi nghĩ. Anh bạn nhà báo tỉnh Lai Châu cùng đi cho biết: “Khi phục chế, ta đã nâng cao cửa hầm lên hơn hai mét, mới được khô ráo thế này. Hầm của Đờ Cát là hầm ngầm vào nơi đồng đất khá trũng, cho nên dễ ngập trong nước mỗi khi có trận mưa to”...
30 năm trước, nhà văn Jules, tác giả Trận Điện Biên Phủ không thể chui xuống hầm. Nhìn những đà sắt hoen gỉ, ông cảm nhận: “Là kẻ chiến bại cô đơn và câm lặng giữa những người chiến thắng đang ân cần chăm sóc tôi, tôi ngồi xuống bên cạnh cái hố gần như bị lấp đầy, nơi Đờ Cát từng chơi bài brít để giải buồn trong những ngày chờ đợi dài dằng dặc trước các cuộc tiến công, tôi ngồi xuống cạnh đó mà ghi chép...”. Và ông cay cú mỉa mai viên bại tướng (mà ông đã phản ứng khi được người Việt Nam gọi đúng bằng hai từ ấy); “Sĩ quan kị binh Christian de Castries tự phong tỏa mình trong thành lũy và tự chôn mình trong hang ổ của hầm chỉ huy... Cứ như thế trong con người ông, cái lò xo đã gãy mất rồi”. Quả không được công bằng cho lắm. Nếu chỉ đổ mọi thảm bại lên đầu viên tướng ấy. Vì chính Jules Roy cũng nhận ra: “Ở đây người ta cảm thấy bị đè bẹp dưới những con người tầm vóc thì nhỏ bé nhưng lòng dũng cảm thật là vĩ đại, những con người ấy đã đưa đại bác của mình lên những đỉnh cao nhất, bắn hạ máy bay và nghiền nát các tiểu đoàn của ta”.
Có lẽ bất công nếu mọi sự đổ lên đầu viên tướng ấy cùng mấy tay phó và ban tham mưu của họ. Đại tá Langlais, Phó chỉ huy thứ nhất, tuy cục cằn, thô bạo thật đấy, nhưng đã trải qua đào tạo có bài bản tại Học viện Quân sự Saint Cyr nổi tiếng. Sau cuộc chiến, nhiều người nói y mới là người chỉ huy thực sự ở Điện Biên Phủ. Bigeard, Phó thứ hai, khi bắt đầu chiến dịch chỉ là một viên tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn thuộc địa số 6 (6è BPC). Ấy thế mà sau khi thất trận có mấy năm, đã trở thành vị Bộ trưởng Quốc phòng nước Cộng hòa Pháp. Sao bảo họ không phải là những người tài? Còn bản thân Đờ Cát? Lúc Navarre quyết định hình thành cụm cứ điểm Điện Biên Phủ ở vùng Tây Bắc Việt Nam xa xôi hẻo lánh, bất kỳ ai có chút kiến thức quân sự cũng thấy là rồi sẽ rất khó khăn cho việc tiếp tế hậu cần, và viên sĩ quan quý tộc vào binh chủng kị binh theo truyền thống dòng họ này cũng mới mang lon đại tá: “Khi có người thắc mắc, sao không cử một sĩ quan cấp tướng để giao phó trách nhiệm nặng nề, Navarre đáp: “Tôi cũng như Tướng Cogny không nhìn số sao để giao nhiệm vụ”. Một câu nói thật xứng đáng được chép vào Từ điển Bách khoa quân sự thế giới. Còn người Mỹ? Báo New York Times số ra ngày 25/3/1954 chẳng đã đăng bài ngợi ca Đờ Cát “là vị anh hùng Đông Dương, là nhà quý tộc và người chiến binh hăng hái” đó sao? Còn nhà báo Pháp Robert Guilain thì đánh giá: “Ngay cả Đại chiến thế giới thứ hai, quân đội Pháp cũng chưa bao giờ dựng lên một hệ thống phòng ngự dã chiến lớn mạnh như ở Điện Biên Phủ”.
Các đơn vị pháo binh của ta tiếp tục pháo kích vào các vị trí của địch. Các vị trí của địch bị trúng đạn pháo đang bốc cháy.
Các đơn vị pháo binh của ta tiếp tục pháo kích vào các vị trí của địch. Các vị trí của địch bị trúng đạn pháo đang bốc cháy.
Các đơn vị xung kích đang tiến vào khu trung tâm.
Các đơn vị xung kích đang tiến vào khu trung tâm.
Cái tên dòng họ De Castries đã mấy thế kỷ nay hầu như hiện diện ở trong mọi cuốn từ điển riêng ở nước Pháp. Từ thế kỷ XVIII, một vị tổ của viên tướng ngày nay thua trận, tên khai sinh là Charles Eugène Gabriel De Castries, đã lập nhiều chiến công hiển hách, được phong hàm Thống chế, tuy xuất thân từ kị binh mà rất nổi tiếng khi làm Bộ trưởng Hải quân, rồi Thống đốc toàn quyền xứ Flandre và xứ Hainaut miền Bắc nước Pháp. Người viết bài này, trong những dịp thơ thẩn đường phố Pari, đã đôi lần dừng chân ngắm tòa dinh thự lớn ẩn mình kín đáo sau bức tường cao vời vợi, toạ lạc đường Varenne, không mấy xa Dinh Matignon (Hotel Matignon) trụ sở Thủ tướng Chính phủ Pháp. Tòa nhà này đã được Nhà nước Pháp mua lại và nay thuộc tài sản quốc gia, vẫn mang tên là Dinh Đờ Cát (Hotel De Castries).
Cạnh cái cổng sắt rộng sơn màu lá cây sẫm với những chấn song lực lưỡng chóp hình lưỡi giáo mạ vàng, có gắn tấm biển khắc chữ son kể lại lịch sử toà nhà gắn với dòng họ vị tướng lừng danh. Viên sĩ quan hậu duệ của Thống chế Đờ Cát vào thời đại cộng hòa không còn mang tước hầu, nhưng cái tên quý tộc thì vẫn dài lòng thòng. Tháng 4/1940, đầu Chiến tranh thế giới thứ hai, với 60 binh sĩ, viên sĩ quan trẻ Đờ Cát đã cầm cự suốt ba ngày chống một tiểu đoàn quân Đức và chỉ chịu trở thành tù binh khi đã bị thương và bắn hết đạn. Ông đã ba lần tìm cách trốn trại giam, và thành công lần cuối cùng với 20 sĩ quan khác đào một đường hầm. Ông đã vượt một chặng đường dài đầy gian nan thử thách từ Đức trở về Pháp để sang Bắc Phi tiếp tục tham gia kháng chiến chống phát xít...
Thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ đâu có phải là thất bại của một nhóm người nào đó, mà là đỉnh điểm của quá trình sụp đổ chủ nghĩa thực dân trước sức chiến đấu của dân tộc Việt Nam anh hùng. Mặc dù cay cú, mặc dù “trái tim tôi tan nát”, “mặc dù đối với tôi tất cả đều là đau thương”, Jules Roy vẫn không thể không thừa nhận một cách đúng đắn: “Trên toàn thế giới, Waterloo trước đây (trận thảm bại của Napoléon trước liên quân Anh - Đức năm 1815- PQ) không gây tiếng vang bằng Điện Biên Phủ thất thủ gây nỗi kinh hoàng khủng khiếp. Đó là một trong những thảm bại lớn nhất của phương Tây, báo trước sự sụp đổ của các đế quốc thuộc địa và sự cáo chung của một nền cộng hoà (nền cộng hoà thứ tư của Pháp - PQ). Tiếng sấm Điện Biên Phủ vẫn còn vang vọng”.
Tôi không ngồi xuống cạnh cái hố để ghi chép như Jules ngày trước. Tôi leo lên đỉnh hầm, nhờ anh bạn bấm cho một pô ảnh làm kỷ niệm. Tấm ảnh lịch sử chụp lá cờ Quyết chiến Quyết thắng của Quân đội nhân dân tung bay năm nào trên nóc hầm này đã đi vòng quanh thế giới. Đứng trên nóc hầm, tôi phóng tầm mắt nhìn cánh đồng Mường Thanh đã bị che khuất đi nhiều vì những tòa nhà cao mới xây của thị xã Điện Biên Phủ nay là tỉnh lị tỉnh Lai Châu. Tôi đứng lâu trên nóc hầm để cố hình dung cảnh oai hùng trận đánh dứt điểm chiến dịch Điện Biên Phủ qua nhiều trang sách tôi từng được đọc.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể: “Năm giờ rưỡi chiều ngày 7/5, Đại đoàn 312 báo cáo: “Toàn bộ quân địch tại khu trung tâm đã đầu hàng. Đã bắt được Tướng Đờ Cát”.
Cả khu rừng cơ quan chỉ huy mặt trận, từ xưa đến nay rất nghiêm mật, bỗng sôi lên trong những tiếng ầm ào như biển động. Cán bộ, chiến sĩ hò reo, khua chân múa tay, ôm nhau nhảy nhót, biểu lộ sự vui mừng như những em nhỏ.
Sự vui mừng chưa đến với tôi... Tôi hỏi anh Lê Trọng Tấn (Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312):
- Có đúng là đã bắt được Đờ Cát không? ... Lát sau, anh Lê Trọng Tấn gọi điện thoại:
- Báo cáo anh, Đờ Cát cùng với cả Bộ chỉ huy Pháp ở Điện Biên Phủ đang đứng trước mặt tôi. Hắn vẫn còn cả can và mũ đỏ” .
Hai hôm sau ngày toàn thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp rời bản Lạnh Mường Phăng đi thăm chiến trường Điện Biên Phủ. Đại tướng quan sát nhiều nơi. Đến điểm Chim Ưng, Đại tướng kể: “Đồng chí Cao Văn Khánh, Đại đoàn phó Đại đoàn 308, người phụ trách tiếp quản Mường Thanh, đưa tôi vào xem sở chỉ huy của Đờ Cát. Nó khá rộng, nằm không sâu dưới mặt đất, được bảo vệ bên trên bằng những vòm những thanh sắt uốn cong và rất nhiều bao tải cát... Trong hầm, giấy tờ ngổn ngang. Có cả một bức thư của vợ Đờ Cát...
Đêm hôm đó, tôi ở lại Điện Biên Phủ trong sở chỉ huy của Đờ Cát, nơi đã thành trụ sở của Ban tiếp quản”.
Đại tướng từng viết: “Hạnh phúc lớn nhất đối với người cầm quân là được ở bên bộ đội ngay tại mặt trận”. Xin phép anh Văn cho tôi được nói leo: “Có niềm vui nào lớn hơn đối với vị Tư lệnh chiến trường, sau ngày toàn thắng được nghỉ qua đêm trong bản doanh của Tư lệnh đội quân đối địch?”
Tác giả: PHAN QUANG
Nguồn: Sách "Điện Biên Phủ - Trận thắng thế kỷ", NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2004, trang 724.
Ảnh: TTXVN
Trình bày: ANH NGỌC