Bộ máy hoạt động của ASEAN gồm những cơ quan nào?

Theo Hiến chương ASEAN, bộ máy hoạt động của ASEAN hiện nay gồm có các cơ quan sau:

Hội nghị cấp cao ASEAN gồm những người đứng đầu nhà nước hoặc chính phủ các quốc gia thành viên; là cơ quan hoạch định chính sách tối cao của ASEAN, xem xét, đưa ra các chỉ đạo và quyết định các vấn đề then chốt liên quan việc thực hiện các mục tiêu của ASEAN và lợi ích của các quốc gia thành viên.

Hội nghị cấp cao ASEAN họp hai lần một năm, do quốc gia thành viên giữ chức Chủ tịch ASEAN chủ trì tổ chức và có thể được triệu tập khi cần thiết như là các cuộc họp đặc biệt hoặc bất thường tại thời điểm được tất các các quốc gia thành viên nhất trí.

Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC) gồm các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN; có chức năng chuẩn bị cho các cuộc họp cấp cao ASEAN, điều phối việc thực hiện các thỏa thuận và quyết định của Hội nghị cấp cao ASEAN; xem xét theo dõi tổng thể tất cả các hoạt động của ASEAN với sự trợ giúp của Tổng Thư ký ASEAN. Hội đồng Điều phối ASEAN họp ít nhất hai lần một năm.

Các Hội đồng Cộng đồng ASEAN gồm Hội đồng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN, Hội đồng Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN; có nhiệm vụ bảo đảm việc thực hiện các quyết định có liên quan của Hội nghị cấp cao ASEAN, điều phối công việc trong các lĩnh vực phụ trách, và những vấn đề liên quan các Hội đồng Cộng đồng khác.

Các Hội nghị Bộ trưởng chuyên ngành là các Hội nghị Bộ trưởng ASEAN trong tất cả các lĩnh vực hợp tác, có nhiệm vụ thực hiện các thỏa thuận và quyết định của Hội nghị cấp cao ASEAN trong phạm vi phụ trách, và kiến nghị lên các Hội đồng Cộng đồng liên quan các giải pháp nhằm triển khai và thực thi các quyết định của Hội nghị cấp cao ASEAN.

Ban Thư ký ASEAN là cơ quan thường trực nhất của ASEAN, có nhiệm vụ triển khai thực thi các quyết định, thỏa thuận của ASEAN, hỗ trợ và theo dõi tiến độ thực hiện các thỏa thuận và quyết định của ASEAN, đệ trình báo cáo hằng năm về các hoạt động của ASEAN lên Hội nghị cấp cao ASEAN. Ban thư ký ASEAN do Tổng thư ký ASEAN đứng đầu.

Ủy ban Đại diện thường trực bên cạnh ASEAN gồm Đại diện thường trực có hàm Đại sứ bên cạnh ASEAN, đặt tại thủ đô Jakarta (Indonesia); có nhiệm vụ đại diện cho các nước thành viên điều hành công việc hằng ngày của ASEAN, hỗ trợ các Hội đồng Điều phối và các Hội nghị Bộ trưởng chuyên ngành, hỗ trợ các hoạt động đối ngoại của ASEAN và nhận các nhiệm vụ khác mà Hội đồng Điều phối giao phó.

Ban Thư ký ASEAN quốc gia là đầu mối điều phối và phối hợp hoạt động hợp tác ASEAN trong phạm vi mỗi quốc gia. Ban Thư ký ASEAN quốc gia của Việt Nam do Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao đảm nhiệm.

Ủy ban liên chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR) được thành lập năm 2009; có nhiệm vụ thúc đẩy nhận thức về quyền con người trong các tầng lớp nhân dân ASEAN và tăng cường hợp tác giữa chính phủ các nước thành viên ASEAN, với mục tiêu bảo vệ các quyền con người. AICHR là một cơ quan liên chính phủ và có tính chất tham vấn; chỉ gồm các nước thành viên ASEAN. Mỗi chính phủ cử một đại diện hoạt động theo nhiệm kỳ 3 năm và có thể được tái bổ nhiệm thêm 1 nhiệm kỳ.

Quỹ ASEAN nhằm hỗ trợ Tổng Thư ký ASEAN và các cơ quan liên quan của ASEAN để phục vụ xây dựng Cộng đồng ASEAN. Nguồn tài trợ của Quỹ ASEAN được khuyến khích lấy từ các khoản đóng góp của khu vực tư nhân như các doanh nghiệp, nhà từ thiện, các cá nhân cả trong và ngoài ASEAN.