Báo chí Trung Quốc ca ngợi chiến thắng Điện Biên Phủ

Bộ đội ta đang vượt qua cầu Mường Thanh tiến vào khu trung tâm chiến trường Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)

Bộ đội ta đang vượt qua cầu Mường Thanh tiến vào khu trung tâm chiến trường Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)

Bài viết nêu rõ: Cuộc chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam, trong những điều kiện gay go, đã đưa đến thắng lợi ở chiến trường Điện Biên Phủ. Nhân dân Việt Nam đã đạt được thêm một thắng lợi vĩ đại và chứng tỏ sức mạnh trong cuộc chiến đấu chính nghĩa chống sự xâm lược của đế quốc.

Theo bài viết, Quân đội nhân dân Việt Nam đã giải phóng Điện Biên Phủ. Nhưng để mở rộng cuộc chiến tranh Đông Dương, tháng 11/1953, Mỹ với kế hoạch Nava đã yêu cầu bộ chỉ huy quân sự Pháp cho những đội quân nhảy dù tinh nhuệ nhảy xuống Điện Biên Phủ và xây dựng công sự phòng thủ tối tân, với ý định dùng Điện Biên Phủ làm một vị trí để quấy rối sau lưng Quân đội nhân dân Việt Nam và tấn công những vùng mới giải phóng ở tây bắc Việt Nam. Tuy nhiên, Quân đội nhân dân Việt Nam, vốn được tôi luyện và lớn mạnh trong 8 năm kháng chiến, đã lập tức bao vây chặt chẽ Điện Biên Phủ và sau đó siết chặt vòng vây và tiêu diệt hoàn toàn quân đội xâm lược và lại giải phóng Điện Biên Phủ.

Việc giải phóng Điện Biên Phủ một lần nữa làm cho toàn thế giới thấy rằng nhân dân Việt Nam đã vùng dậy và không có một lực lượng nào khuất phục nổi. Không một kẻ thù nào có thể chống lại được quyết tâm của nhân dân Việt Nam giành độc lập dân tộc và tự do. Âm mưu duy trì chế độ thực dân và đàn áp phong trào giải phóng dân tộc của các nước châu Á đã đi đến chỗ thất bại.

Việc giải phóng Điện Biên Phủ một lần nữa làm cho toàn thế giới thấy rằng nhân dân Việt Nam đã vùng dậy và không có một lực lượng nào khuất phục nổi.

Nhân Dân nhật báo Bắc Kinh (Trung Quốc) ra ngày 9/5/1954

Theo bài viết được đăng tải trên tờ Nhân Dân nhật báo Bắc Kinh, mặc dù tin tưởng vào thắng lợi chắc chắn của mình trong cuộc chiến tranh chính nghĩa chống chủ nghĩa thực dân, song nhân dân Việt Nam luôn muốn chấm dứt cuộc chiến tranh bằng cách thương lượng hòa bình trên cơ sở quyền dân tộc được bảo đảm. Nhân dân Đông Dương và các chính phủ dân chủ ở Đông Dương đã nhiều lần đưa ra những đề nghị hòa bình nhằm thương lượng đình chiến.

Ở hội nghị Geneva, họ vẫn cố gắng để lập lại hòa bình ở Đông Dương. Khi đến sân bay ở Geneva, Phó Thủ tướng kiêm quyền Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khi đó là đồng chí Phạm Văn Đồng, đã tuyên bố rằng: Đoàn đại biểu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đem hết sức mình để góp phần vào việc giải quyết hòa bình vấn đề Đông Dương.

Đoàn đại biểu Việt Nam tin chắc rằng những cố gắng thành khẩn và có tính cách xây dựng của các nước tham gia hội nghị Geneva sẽ đem lại một giải pháp thỏa đáng cho vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương và do đó đảm bảo việc duy trì hòa bình và an ninh ở các nước châu Á, giảm căng thẳng và củng cố hòa bình thế giới.

Ngày 4/5/1954, Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do Phó Thủ tướng kiêm quyền Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn, đến Geneva (Thụy Sĩ) tham dự Hội nghị Geneva về Đông Dương. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 4/5/1954, Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do Phó Thủ tướng kiêm quyền Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn, đến Geneva (Thụy Sĩ) tham dự Hội nghị Geneva về Đông Dương. (Ảnh: TTXVN)

Ông Souphanouvong, Thủ tướng Chính phủ kháng chiến Pa-thét Lào và ông Sơn Ngọc Minh, Chủ tịch Chính phủ kháng chiến Khơ-me cũng ra bản tuyên bố ngày 3 và 5/5/1954, yêu cầu được cử đại biểu đi tham dự hội nghị Geneva để đi đến một giải pháp có hiệu nghiệm trong vấn đề chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Pa-thét Lào và Khơ-me.

Tờ Nhân Dân nhật báo Bắc Kinh khẳng định: “Không có gì chính đáng hơn lập trường của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ kháng chiến Pa-thét Lào và Chính phủ kháng chiến Khơ-me. Nhân dân Đông Dương là nạn nhân của sự xâm lược. Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, nhân dân Đông Dương đã thu được những thắng lợi liên liên tiếp. Chính nghĩa là thuộc về bên họ. Họ rất dũng cảm và không gì thắng nổi họ. Họ đã đấu tranh để tự giải phóng và để làm dịu tình hình căng thẳng trên thế giới, bảo vệ hòa bình ở châu Á và trên toàn thế giới. Vì lợi ích của nhân dân châu Á và trên toàn thế giới, họ rất muốn lập lại hòa bình ở Đông Dương bằng cách thương lượng và trao đổi ý kiến trên cơ sở bảo vệ quyền dân tộc của họ. Họ đã được những người yêu chuộng hòa bình ở tất cả các nước ủng hộ”.

Ngày 7/5/1954, toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị quân ta tiêu diệt, lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" phấp phới bay trên nóc hầm tướng Đờ-cát. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 7/5/1954, toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị quân ta tiêu diệt, lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" phấp phới bay trên nóc hầm tướng Đờ-cát. (Ảnh: TTXVN)

Tờ báo khẳng định, đã từ lâu, nhân dân Pháp tỏ ý căm ghét cuộc chiến tranh chống nhân dân Đông Dương. Ở Pháp, nhiều người biết rằng nếu cuộc chiến tranh này kéo dài thì chỉ hy sinh thêm tính mạng của thanh niên Pháp. Việc giải phóng Điện Biên Phủ là một bài học cho những phần tử hiếu chiến ở Pháp. Nhân dân Pháp biết rằng thời gian đã quá chín muồi để đòi chấm dứt cuộc chiến tranh Đông Dương, để đấu tranh cho thanh niên Pháp khỏi phải bị hy sinh thêm nữa.

Việc giải phóng Điện Biên Phủ đã mang lại niềm phấn khởi cho những người yêu chuộng hòa bình ở tất cả các nước, đặc biệt là ở châu Á; tiếp thêm niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của cuộc đấu tranh đập tan âm mưu của đế quốc Mỹ và lập lại hòa bình ở châu Á và trên toàn thế giới.

Nội dung: TƯỜNG VŨ
(Theo Báo Nhân Dân năm 1954)
Trình bày: NHÃ NAM