Trong những tháng đầu năm 2022 đã xảy ra nhiều hiện tượng thời tiết bất thường, cực đoan. Lần đầu trong lịch sử vào thời điểm giữa tháng 5 đầu tháng 6  phải vận hành liên hồ chứa và hồ Thủy điện Hòa Bình phải mở 5 cửa xả đáy.

Nhằm thích ứng với tình hình nêu trên cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn  của cả hệ thống chính trị, nhất là sự chủ động từ cơ sở,  để không còn những hậu quả đáng tiếc xảy ra như xả lũ đúng quy trình nhưng vẫn gây hậu quả nghiêm trọng cho người dân vùng hạ du.

Trong những năm qua, thiên tai ngày càng bất thường, khó dự đoán. Việc vận hành liên hồ chứa Thủy điện Lai Châu, Thủy điện Sơn La và Thủy điện Hòa Bình đã bảo đảm cân bằng 3 mục tiêu vừa cấp nước, vừa cắt lũ và phát điện.

Tuy nhiên, từ ngày 12 đến 15/6, lần đầu tiên trước thời điểm mùa lũ, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đã phải mở 5 cửa xả lũ theo lệnh của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai. Sau khi lần lượt mở các cửa xả, trên cơ sở các văn bản triển khai của tỉnh Hòa Bình, UBND thành phố Hòa Bình, Công ty cổ phần Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 9 và các đơn vị liên quan đã thông báo ngay đến UBND các xã, phường,  người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông, cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, phương tiện vận tải thủy, các bến đò ngang, các điểm có hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác cát sỏi biết thời gian xả lũ để chủ động phòng, tránh, bảo đảm an toàn về người và tài sản.

Đồng thời, Công ty Thủy điện Hòa Bình vận hành hệ thống loa truyền thanh dọc hạ lưu sông Đà; UBND các xã, phường vùng hạ lưu đập thủy điện Hòa Bình bị ảnh hưởng khi đập thủy điện Hòa Bình xả lũ thông báo thời gian xả lũ trên hệ thống loa phát thanh của phường xã đến từng thôn, xóm để người dân biết; các lực lượng như dân quân, thanh niên, xung kích cùng người dân tham gia phát quang mái kè, tu sửa mỏ neo, thuyền bè, gia cố phương tiện thủy, cố định lồng bè, sẵn sàng phương án điều tiết giao thông...

Tuy nhiên, việc xả lũ sớm sau nhiều năm không có lũ lớn đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho người dân vùng hạ du.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Đinh Công Sứ, việc xả lũ hồ Hòa Bình đã làm một người dân mất tích tại phía hạ du thuộc thành phố Hòa Bình và thiệt hại một số lồng cá của người dân phường Thịnh Lang. Việc xả lũ cũng làm sụt lún phía trong và ngoài tường bao Trường tiểu học, trung học cơ sở Hợp Thịnh, với tổng chiều dài 8m, rộng 5m, cao 1,5m.

Đoạn cơ kè khu vực K0+00 (kè mỏ hàn cũ) bị nước lũ làm bong tróc, cuốn trôi diện tích 126m2, nguy cơ ảnh hưởng, tiếp tục bong tróc cuốn trôi khi có lũ 354m2; tổng diện tích bị xói lở và nguy cơ xói lở là 480m2.

Đoạn kè bảo vệ đê Đà Giang K2+538 (chân cầu Đen từ suối Chăm đổ ra sông Đà) hiện nay đã sạt lở mái chân kè 2 bên bờ suối với chiều dài mỗi bên khoảng 80m, sâu từ 5-7m, rộng từ 5-10m. Đặc biệt mái kè bờ trái đoạn giáp chân cầu đã sạt lở hết cơ kè, nguy cơ tiếp tục sạt lở rất lớn.

Khu vực bờ kè, chân cầu Ngòi Mại phía giáp với sông Đà bị sạt lở, ảnh hưởng đến nhà của một hộ dân, có nguy cơ tiếp tục sụt lún khi bờ kè chân cầu Ngòi Mại sạt lở. Lòng suối cầu Ngòi Móng, đoạn đầu đường từ phường Kỳ Sơn đi xuống Hợp Thành có nguy cơ lở sâu khi nước lũ về…

Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở cửa xả đáy.

Kiểm tra an toàn đê sau bão.

Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở cửa xả đáy.

Kiểm tra an toàn đê sau bão.

Qua ghi nhận, thời gian qua tại thành phố Hòa Bình đã có hơn 200 lượt người/ngày được huy động tham gia bảo đảm an toàn, canh gác đê điều, giúp đỡ người dân.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình Nguyễn Huy Nhuận cho biết, mặc dù trước, trong và sau khi Nhà máy thủy điện Hòa Bình xả lũ, công tác dự báo sớm, vận hành liên hồ chứa đúng quy trình, công tác triển khai các phương án ứng phó luôn chủ động… nhưng vẫn khó tránh khỏi một số thiệt hại.  Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã ban hành công văn  thông báo cho các đơn vị liên quan và UBND thành phố Hòa Bình tiếp tục chỉ đạo, triển khai theo dõi ảnh hưởng của việc xả lũ đập thuỷ điện Hòa Bình, khi Công ty Thủy điện Hòa Bình có khả năng phải thực hiện đóng, mở các cửa xả đáy trong thời gian tới.

Tổng cục trưởng Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, do biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, mưa lũ bất thường, sạt lở đất, lũ quét diễn ra ngày càng gay gắt, mặt khác, đời sống người dân, kinh tế-xã hội phát triển, cho nên đất ở, đất sản xuất ngày càng đòi hỏi nhiều hơn, lòng sông, suối ngày càng thu hẹp dẫn đến khi xảy ra xả lũ, sạt lở đất, lũ quét thiệt hại sẽ lớn hơn.

Đặc biệt, trong mùa mưa, lũ năm 2022, theo quy trình vận hành liên hồ chứa, thì đến ngày 15/6 hằng năm mới phải vận hành, nhưng năm nay, lần đầu tiên phải vận hành liên hồ chứa vào nửa cuối tháng 5, đầu tháng 6. Đây là điều chứng tỏ thiên tai ngày càng diễn biến bất thường, khó dự đoán, bởi đây chưa phải là cao điểm của mùa mưa, lũ, bão tại các tỉnh phía bắc.

Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai Lê Minh Hoan trong buổi làm việc với Tổng cục Phòng, chống thiên tai, cơ quan Khí tượng thủy văn, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai tỉnh Hòa Bình, Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai kiểm tra công tác vận hành hồ Thủy điện Hòa Bình.

Đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai kiểm tra công tác vận hành hồ Thủy điện Hòa Bình.

Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đây là lần đầu  xả lũ trước thời điểm mùa lũ, chúng ta đã làm sớm hơn, chủ động hơn, có sự chuẩn bị kỹ và phản ứng kịp thời. Tuy nhiên, vẫn tiếp tục phải chủ động để ứng phó với thiên tai, bởi thiên tai ngày càng có xu hướng bất thường, bất ngờ và khó dự đoán. Ngành khí tượng-thủy văn cần tiếp tục dự báo kịp thời và phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp liên quan về vận hành liên hồ chứa bảo đảm mức cao nhất việc cắt lũ, xả lũ trong mọi tình huống...

Theo Tổng cục trưởng Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài, trong 11 liên hồ chứa toàn quốc thì hệ thống liên hồ chứa Hòa Bình, Tuyên Quang, Sơn La, Thác Bà vận hành rất phức tạp, vì liên quan đến cả nguồn nước từ nước ngoài chảy về, quy mô các công trình rất lớn. Tuy nhiên, quá trình vận hành thời gian qua là kịp thời, đúng quy trình, bảo đảm an toàn cho hạ du.

Các đơn vị chức năng đã vận hành linh hoạt, đúng quy trình các hồ chứa, liên hồ, cân đối giữa bài toán kinh tế và an toàn hồ đập.

Ông Trần Quang Hoài đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các chủ hồ đảm bảo hoạt động ổn định hệ thống theo dõi giám sát. Các chủ hồ cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với địa phương, cung cấp thông tin kịp thời đến người dân về thời gian, lưu lượng mở, đóng cửa xả, để người dân chủ động sản xuất và sinh hoạt.

Đo thủy văn mùa mưa lũ bảo đảm thông tin thông suốt phục vụ dự báo, cảnh báo kịp thời trong mùa mưa lũ.

Đo thủy văn mùa mưa lũ bảo đảm thông tin thông suốt phục vụ dự báo, cảnh báo kịp thời trong mùa mưa lũ.

Qua ghi nhận tại tỉnh Hòa Bình, trong những đợt xả lũ vừa qua, thời gian xả giữa các cửa được thông báo kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân, mặc dù số cửa xả và  lưu lượng xả lớn nhưng thiệt hại không nhiều. Công tác tuần tra canh gác bảo vệ đê, nhắc nhở người dân được thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên lực lượng của các địa phương chưa thể bao quát, nhắc nhở hết người dân, ý thức một số ít người dân vẫn chưa tốt, lượng khách du lịch từ các địa phương đến đông chưa ý thức hết sự nguy hiểm của việc xả lũ nên vẫn đến chụp hình  gần bờ sông.

Tổ chức thực hiện: Lê Bảo Trung
Nội dung: Tuấn Ngọc - Trần Hảo
Trình bày mỹ thuật: Phùng Trang
Ảnh: Báo Nhân Dân