Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội Thông tin liên lạc đã anh dũng, mưu trí, chủ động, sáng tạo, tổ chức, triển khai bảo đảm thông tin liên lạc “Chính xác, nhanh chóng, kịp thời - Góp phần tổ chức thực hành chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống”, phục vụ Tổng Quân ủy, Bộ Chỉ huy Chiến dịch kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng trên các chiến trường giành thắng lợi vẻ vang.

Thực hiện chủ trương của Tổng Quân ủy và mệnh lệnh của Bộ Tổng Tham mưu, đầu tháng 1/1954, Đảng ủy và Thủ trưởng Cục Thông tin liên lạc triệu tập hội nghị cán bộ để phổ biến quán triệt nhiệm vụ và thống nhất quyết định lực lượng, phương tiện tham gia; phương án tổ chức, bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ Bộ Chỉ huy Chiến dịch và các lực lượng tham gia chiến đấu tại Điện Biên Phủ và các chiến trường phối hợp.

Về lực lượng, phương tiện thông tin tham gia chiến dịch

Cục Thông tin liên lạc thành lập Ban Thông tin chiến dịch do đồng chí Hoàng Đạo Thúy, Cục trưởng làm Trưởng ban; đồng chí Hoàng Xuân Vượng làm Phó Trưởng ban; cán bộ tham mưu lúc đầu có các đồng chí: Lưu Phúc Thảo, Đào Ngoạn (trợ lý hữu tuyến điện và truyền đạt), đồng chí Nguyễn Diệp (Đội trưởng Đội 101, kiêm trợ lý vô tuyến điện).

Đơn vị thông tin có: Tiểu đoàn thông tin 303, quân số 400 đồng chí, gồm 2 đại đội thông tin hữu tuyến điện, 1 đại đội tổng đài và máy điện thoại; trang bị: 2 tổng đài 20 số, 80 máy điện thoại dã chiến, 120km dây bọc. Đại đội thông tin vô tuyến điện 101, quân số 60 đồng chí; trang bị: 7 điện đài sóng ngắn loại 282, SCR 694 và 2 máy thu 137A. Đại đội thông tin chuyển đạt, quân số 100 đồng chí; trang bị phương tiện: còi, kèn, súng pháo hiệu. Ngoài ra, Xưởng sửa chữa thông tin cơ động X82, quân số 7 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Văn Hân phụ trách; khí tài: 40km dây bọc, máy điện thoại và máy vô tuyến điện.

Lực lượng thông tin của các đại đoàn bộ binh (304, 308, 312, 316) và Đại đoàn công pháo 351, mỗi đại đoàn có Ban Thông tin trực thuộc. Cùng những trang bị, phương tiện thông tin có trong biên chế, mỗi đại đoàn bộ binh tổ chức 1 trung đội VTĐscn (gồm 3-4 tiểu đội), trang bị mỗi tiểu đội 4 máy các loại BC1000, 702, 611.

Về tổ chức hệ thống thông tin chiến dịch

Trên cơ sở quân số và trang bị hiện có, bộ đội Thông tin liên lạc đã tổ chức hệ thống thông tin từ Bộ Chỉ huy Chiến dịch đến các đơn vị trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu; tổ chức thông tin hiệp đồng giữa các binh chủng (đặc biệt là giữa bộ binh và pháo binh), giữa Đảng ủy Mặt trận với Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, Bộ Chỉ huy Chiến dịch với các cơ quan Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tư lệnh; tổ chức thông tin phối hợp giữa Mặt trận Điện Biên Phủ với các chiến trường cả nước và với chiến trường Lào, Campuchia. Căn cứ vào yêu cầu của Tổng Tư lệnh, để chỉ huy các đơn vị chiến đấu ở Mặt trận Điện Biên Phủ và chỉ đạo các chiến trường hoạt động phối hợp, hệ thống thông tin chiến dịch được tổ chức như sau:

* Thông tin vô tuyến điện

Tại Sở Chỉ huy ở Mường Phăng, tổ chức liên lạc với Trung ương Đảng và Sở Chỉ huy cơ bản của Bộ ở hậu phương; với Liên khu 3, Bộ Chỉ huy Mặt trận Trung-Hạ Lào, Mặt trận Bắc Tây Nguyên, Mặt trận Tây Bắc và các đơn vị của Tây Bắc (Trung đoàn 148, Tiểu đoàn 910); với Đại đoàn 308 (các trung đoàn 36, 88, 102; Đài Quân báo và Sở Chỉ huy nhẹ của Đại đoàn khi truy kích địch ở Mường Khoa - Thượng Lào); với các đại đoàn 312, 316, 351; với Trung đoàn pháo cao xạ 367, các trung đoàn 165, 9, 57.

Tổ chức mạng thông tin vô tuyến điện để Tổng cục Cung cấp chỉ đạo, chỉ huy lực lượng vận chuyển lương thực, đạn dược, cứu chữa thương binh; chỉ huy, chỉ đạo các đơn vị công binh bảo đảm đường cơ động...

Tổ chức đài canh liên tục 24/24 giờ và tổ chức mạng vô tuyến điện thoại liên lạc bằng mật ngữ do cơ quan tác chiến cùng với Ban Thông tin Chiến dịch soạn thảo, thay đổi khóa sau mỗi trận đánh.

Tại sở chỉ huy các đại đoàn trực tiếp bao vây và tiến công địch ở Điện Biên Phủ (304, 308, 312, 316, 351), tổ chức mạng vô tuyến điện thoại riêng bảo đảm cho chỉ huy chiến dịch liên lạc với các đơn vị, sử dụng đàm thoại bằng bảng chữ mật để dự bị khi mất liên lạc hữu tuyến điện. Tại các đơn vị, thông tin vô tuyến điện được tổ chức chặt chẽ để bảo đảm liên lạc giữa đại đoàn với các đơn vị hỏa lực, các đơn vị trên hướng chủ yếu, đài quan sát và trận địa pháo ở từng khu vực.

* Thông tin hữu tuyến điện

Tại Sở Chỉ huy ở Mường Phăng, tổ chức triển khai hệ thống thông tin sở chỉ huy. Đồng chí Hoàng Xuân Vượng, Phó Trưởng Ban Thông tin Chiến dịch trực tiếp chỉ đạo, tổ chức triển khai tổng đài 20 số (mang tên Tổng đài Chiến thắng); 2 tuyến hữu tuyến điện đến tổng đài trạm giữa 20 số (của Tổng đài Chiến thắng), sát Điểm cao 1150 (Pu Pha Sông).

Từ tổng đài trạm giữa 20 số triển khai bốn đường dây đi các hướng: hai đường tới tổng đài của Đại đoàn 312; một đường tới tổng đài Đại đoàn 308 và một đường vào tổng đài Đại đoàn 351. Từ tổng đài Đại đoàn 351 triển khai một đường dây tới Đại đoàn 312. Từ Đại đoàn 312 triển khai một đường dây đến Đại đoàn 308 để bảo đảm hiệp đồng chiến đấu giữa các đơn vị và hình thành các tuyến dây vu hồi của Chiến dịch ở phía Bắc và phía Tây Mường Thanh. Từ tổng đài Đại đoàn 312 triển khai hai đường dây vào trận địa pháo 105mm ở phía Bắc đồi Độc Lập và phía Đông đồi Him Lam. Hai đường dây khác được Ban Thông tin chiến dịch tổ chức triển khai từ Sở Chỉ huy Mường Phăng kéo vào tổng đài Đại đoàn 316; qua tổng đài Đại đoàn 316 triển khai xuống Đại đoàn 304. Từ tổng đài Đại đoàn 316 triển khai các đường dây điện thoại vào trận địa pháo 105mm (pháo chiến dịch) ở Đông Bắc và Đông Nam Mường Thanh (nằm trên dãy Tà Lùng và Pú Hồng Mèo).

Theo chỉ thị của đồng chí Tư lệnh Chiến dịch, Ban Thông tin Chiến dịch giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn thông tin 303 triển khai một tuyến dây trực tiếp xuống Trung đoàn pháo 45 và Trung đoàn pháo cao xạ 367; các tuyến dây qua tổng đài Đại đoàn 351 và đến từng khẩu đội pháo 105mm (cả trận địa chính, dự bị và nghi binh), đến các đài quan sát pháo binh. Trong quá trình chuẩn bị chiến dịch, Đại đội điện thoại 110 và 154 tổ chức củng cố và triển khai đường điện thoại từ Thẩm Púa về Sơn La và từ Sơn La về Yên Bái, nhằm giữ liên lạc thường xuyên giữa tiền tuyến với hậu phương (đây là đường liên lạc của tuyến cung cấp chiến dịch).

* Thông tin chuyển đạt-tín hiệu

Thông tin chuyển đạt được bố trí cùng các trạm sửa chữa đường dây, sẵn sàng thay thế đường dây điện thoại khi bị đứt. Để kịp thời bảo đảm liên lạc, Ban Thông tin Chiến dịch bố trí từng tổ thông tin chuyển đạt xuống từng đại đoàn. Ngoài ra, thông tin chuyển đạt còn đảm nhiệm chuyển các thư từ, bưu phẩm giữa hậu phương và tiền tuyến.

Thông tin tín hiệu: Các đơn vị sử dụng kèn, còi, súng pháo hiệu theo quy định (cán bộ, chiến sĩ dùng vải bạt để làm ký tín hiệu nhận nhau trong quá trình chiến đấu; ban ngày quấn mặt xanh, ban đêm quấn mặt trắng ra ngoài).

Các vị trí của địch trên đồi Him Lam bị trúng đạn pháo của ta đang bốc cháy, các vị trí trên đồi này đã bị tiêu diệt ngay trong ngày 13/3, ngày mở đầu chiến dịch. (Ảnh: TTXVN)

Các vị trí của địch trên đồi Him Lam bị trúng đạn pháo của ta đang bốc cháy, các vị trí trên đồi này đã bị tiêu diệt ngay trong ngày 13/3, ngày mở đầu chiến dịch. (Ảnh: TTXVN)

Sau khi pháo binh ngừng bắn, các chiến sĩ xung kích của ta đã lợi dụng địa hình địa vật đang tiến sát vào các vị trí của địch trên đồi Him Lam, và tiêu diệt các vị trí của địch ở đây ngay trong ngày 13/3/1954, ngày mở đầu chiến dịch. (Ảnh: TTXVN)

Sau khi pháo binh ngừng bắn, các chiến sĩ xung kích của ta đã lợi dụng địa hình địa vật đang tiến sát vào các vị trí của địch trên đồi Him Lam, và tiêu diệt các vị trí của địch ở đây ngay trong ngày 13/3/1954, ngày mở đầu chiến dịch. (Ảnh: TTXVN)

Kế hoạch tổ chức bảo đảm thông tin liên lạc xác định: Sử dụng phương tiện thông tin hữu tuyến điện là chủ yếu, kết hợp sử dụng thông tin chuyển đạt để bảo đảm bí mật. Phương tiện thông tin vô tuyến điện sử dụng bảo đảm liên lạc với Bộ Tổng Tư lệnh, với Trung ương, với các chiến trường phối hợp; các đơn vị tổ chức mạng thông tin vô tuyến để sẵn sàng thay thế thông tin hữu tuyến điện khi thực sự gặp khó khăn.

Quán triệt và triển khai thực hiện phương châm tác chiến “đánh nhanh, giải quyết nhanh”, các lực lượng thông tin tham gia Chiến dịch đã “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”, tập trung cao độ hoàn thành mọi công tác chuẩn bị.

Sáng ngày 24/1/1954, đồng chí Hoàng Văn Thái, Tham mưu trưởng Chiến dịch trực tiếp kiểm tra toàn bộ phương án tổ chức bảo đảm thông tin của Ban Thông tin Chiến dịch. Qua kiểm tra, tất cả các hướng liên lạc đều thông suốt. Hệ thống thông tin liên lạc chiến dịch đã sẵn sàng cho chỉ huy đánh địch.

15 giờ 45 phút ngày 25/1/1954, tại Sở Chỉ huy Chiến dịch ở Mường Phăng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy Chiến dịch dùng điện thoại lệnh cho chỉ huy các đại đoàn 304, 308, 316, 351: Hoãn ngày giờ nổ súng tiến công, kéo pháo ra, đưa pháo và bộ đội về vị trí tập kết được an toàn. Mệnh lệnh này cần được chấp hành triệt để. Nhiệm vụ chuyển pháo ra coi như nhiệm vụ chiến đấu. Phương châm tác chiến tiến công địch thay đổi từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.

Chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy và chỉ huy Cục Thông tin liên lạc, ngày 10/2/1954, Ban Thông tin Chiến dịch tổ chức hội nghị thông tin, quán triệt chỉ thị mệnh lệnh về chuyển phương châm tác chiến chiến dịch, xác định những biện pháp cụ thể triển khai hệ thống thông tin liên lạc theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc”; tập trung tiếp tục quán triệt giáo dục, động viên bộ đội thông suốt chủ trương và chấp hành nghiêm mệnh lệnh, bảo đảm tốt thông tin liên lạc theo phương châm tác chiến mới.

Đến trung tuần tháng 3/1954, công tác triển khai mới hệ thống thông tin liên lạc mới theo phương châm tác chiến “đánh chắc, tiến chắc” đã cơ bản hoàn thành. Cán bộ, chiến sĩ thông tin toàn mặt trận đều hăng hái, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Các chiến sĩ chuyển đạt của Ban Thông tin Chiến dịch và Đại đội chuyển đạt khẩn trương tổ chức vận hành, bám theo đường trục điện thoại để chuyển tài liệu, thư báo đến các phân đội đang sẵn sàng chiến đấu.

Để chuẩn bị cho nổ súng theo ngày, giờ quy định, sáng ngày 13/3/1954, đồng chí Tham mưu trưởng Chiến dịch đã tiến hành kiểm tra toàn mạng liên lạc từ Bộ Chỉ huy Chiến dịch xuống các đại đoàn; từ đại đoàn xuống các trung đoàn, tiểu đoàn và đại đội mũi nhọn, các trận địa pháo mặt đất, cao xạ, cối 120mm, các đài quan sát; các mạng hữu tuyến điện và vô tuyến điện đều thông suốt. Đồng chí Lê Liêm, Chủ nhiệm Chính trị Chiến dịch, từ Sở Chỉ huy ở Mường Phăng đã gọi điện xuống đại đội mũi nhọn của Trung đoàn 141 (Đại đoàn 312) để kiểm tra và động viên cán bộ, chiến sĩ đơn vị chuẩn bị bước vào trận đánh mở màn Chiến dịch. Các cuộc liên lạc kiểm tra công tác chuẩn bị nổ súng đều thông suốt thông qua mạng điện thoại và mạng vô tuyến điện.

Bảo đảm thông tin liên lạc chiến dịch

Đợt 1 (từ ngày 13/3 đến 17/3/1954): Bảo đảm thông tin liên lạc cho chỉ huy tiêu diệt 2 cụm cứ điểm Him Lam, Độc Lập, bức hàng cụm cứ điểm Bản Kéo.

17 giờ 6 phút ngày 13/3/1954, tại Sở Chỉ huy Chiến dịch ở Mường Phăng, mệnh lệnh nổ súng mở màn chiến dịch tiến công Điện Biên Phủ được đồng chí Tư lệnh Chiến dịch truyền đi qua máy điện thoại. Đợt 1 của Chiến dịch diễn ra trong 4 ngày, Quân đội ta đã tiêu diệt 3 cụm cứ điểm, gồm: Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo. Trận đánh mở màn Chiến dịch, Đại đoàn 312 và các đơn vị phối thuộc đã xóa bỏ trung tâm đề kháng Him Lam, tiêu diệt gần 300 tên địch, bắt sống hơn 200 tên.

Trong chiến công đó có sự đóng góp quan trọng của bộ đội Thông tin liên lạc. Sơ kết đợt 1, Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã biểu dương bộ đội Thông tin chiến đấu dũng cảm, kiên quyết giữ vững thông tin liên lạc cho trận đánh, thực hiện tốt phương châm “đánh chắc, tiến chắc, thông tin vững chắc”1. Ngay sau khi đợt 1 kết thúc, chỉ huy các đơn vị thông tin đã tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu, không chủ quan, khinh địch, tiếp tục củng cố mọi mặt chuẩn bị phục vụ cho các đợt chiến đấu tiếp theo.

Đợt 2 (từ ngày 30/3 đến ngày 30/4/1954): Bảo đảm thông tin liên lạc cho chỉ huy đánh chiếm các ngọn đồi phía Đông và sân bay Mường Thanh, siết chặt vòng vây, hạn chế đến mức thấp nhất khả năng tiếp tế, tiếp viện cho Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

17 giờ 30 phút ngày 30/3/1954, pháo binh ta nổ súng mở đầu đợt 2 Chiến dịch, tiến công 9 mục tiêu trong 10 ngày đêm. Chiến sự diễn ra vô cùng ác liệt, nhất là ở các cao điểm phòng ngự phía Đông như các đồi Al, Cl, Dl, El, C2, D2 và các trận địa pháo, sân bay của địch.

Tại trận đánh Đồi A1 (trong đợt 2), bộ đội ta tập trung hỏa lực tiến công địch. Trong lúc pháo địch bắn dữ dội về phía đồi quân ta chiếm giữ, Tướng De Castries ra lệnh cho quân lính phải giữ Đồi A1 bằng mọi giá. Cuộc chiến đấu tại khu vực Đồi A1 diễn ra rất quyết liệt, nhiều tuyến hào ta với địch giành giật nhau từng tấc đất. Bằng 3 phương tiện chính là hữu tuyến điện, vô tuyến điện, chuyển đạt, cán bộ, chiến sĩ thông tin đã dũng cảm, sáng tạo, bám đội hình, chốt trụ tại cửa mở, tại trận địa; giữ vững thông tin liên lạc cho chỉ huy và cùng lực lượng bộ binh tiêu diệt địch. Đường dây thông tin bị hỏa lực đánh phá, cày xới, đứt nhiều lần, nhưng cán bộ, chiến sĩ thông tin đã dũng cảm, mưu trí, sáng tạo tìm mọi cách kịp thời khôi phục đường dây, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt.

Cùng với Đồi A1, các cao điểm Cl, Dl, El, C2, D2 là khu vực phòng ngự then chốt của địch, nếu để mất, địch sẽ không giữ nổi Điện Biên Phủ. Nắm chắc tình hình đó, Ban Thông tin Chiến dịch đã kịp thời hướng dẫn và chỉ đạo các đơn vị thông tin liên lạc toàn mặt trận bám sát lực lượng bộ binh và công binh. Với tinh thần: Chiến hào mở tới đâu đường dây điện thoại đặt tới đó, triển khai đường dây dọc đường hào trục và các đường hào nhánh, chuẩn bị cho xuất phát tiến công. Nhiều cao điểm, nhiều chiến tuyến, ta và địch giành giật nhau từng mét đất. Với tinh thần “một người, một máy cũng tiến công”, các chiến sĩ thông tin trên toàn Mặt trận Điện Biên Phủ đã khắc phục mọi khó khăn, dũng cảm chiến đấu, giữ vững thông tin thông suốt, càng chiến đấu càng trưởng thành, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đợt 2 Chiến dịch.

Sau gần một tháng tiến hành đợt 2 Chiến dịch, theo chủ trương của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Chiến dịch, các đơn vị tạm dừng lại để củng cố và nghiên cứu, triển khai cách đánh địch bằng cách kết hợp vây hãm, đánh lấn, bắn tỉa, tổ chức các đội dũng sĩ luồn sâu đánh phá kho tàng, đoạt dù tiếp tế của địch... gây cho địch tổn thất nặng nề về sinh lực, hoang mang căng thẳng về tinh thần và ngày càng lâm vào thế khốn quẫn.

Quán triệt sâu sắc chỉ thị của Bộ Chính trị và của Đảng ủy Mặt trận, cấp ủy và chỉ huy các đơn vị thông tin đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đợt sinh hoạt chính trị nhằm đấu tranh chống tư tưởng hữu khuynh, tiêu cực trong toàn đơn vị. Đợt sinh hoạt chính trị tại mặt trận của các đơn vị thông tin đã đem lại hiệu quả thiết thực, giúp cho các đơn vị tăng cường sức mạnh chính trị tinh thần và sức mạnh vật chất, củng cố vững chắc hệ thống thông tin liên lạc, sẵn sàng bước vào đợt chiến đấu quyết định.

Cuối tháng 4/1954, Ban Thông tin Chiến dịch và các đơn vị thông tin Chiến dịch đã hoàn thành các bước chuẩn bị sẵn sàng bước vào chiến đấu đợt 3. 12 giờ ngày 1/5, hệ thống thông tin liên lạc bảo đảm cho Bộ Chỉ huy Chiến dịch chỉ đạo, chỉ huy tiến công đợt 3 đã hoàn thành.

Đợt 3 (từ ngày 1/5 đến ngày 7/5/1954): Bảo đảm thông tin liên lạc cho chỉ huy đánh chiếm những điểm cao cuối cùng ở phía Đông; nắm thời cơ, thực hành tổng công kích, tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ.

Đêm ngày 1/5/1954, thông qua hệ thống thông tin liên lạc, Bộ Tư lệnh Chiến dịch phát lệnh truyền đi tất cả các hướng, các mũi lệnh bắt đầu tiến công đợt 3. Sau bảy ngày đêm chiến đấu cực kỳ gay go, ác liệt, tuy có nhiều tổn thất về lực lượng, phương tiện, song cán bộ, chiến sĩ thông tin liên lạc đã dũng cảm bám sát các đại đội thọc sâu, bảo đảm hiệp đồng chặt chẽ cho lực lượng ta tiến công và làm chủ các cứ điểm phòng ngự vững chắc của địch tại Đồi Cl, các vị trí 505, 505A ở phía Đông, 311A ở phía Tây, tiêu diệt một bộ phận quan trọng của địch ở Đông Bắc Hồng Cúm, đánh lấn diệt cứ điểm 311B.

Ngày 7/5, các lực lượng thông tin liên lạc đã bảo đảm vững chắc cho Bộ Chỉ huy Chiến dịch chỉ huy các đơn vị đồng loạt tiến công và làm chủ hoàn toàn cứ điểm Đồi A1 (lúc 4 giờ 30 phút), Đồi C2 (lúc 9 giờ). Trên toàn Mặt trận Điện Biên Phủ, quân địch không còn tinh thần chiến đấu, vô cùng rối loạn, khắp khu trung tâm Mường Thanh đã xuất hiện binh lính địch vẫy cờ trắng ra hàng. Trước thời cơ mới, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Chiến dịch (thông qua tất cả các mạng thông tin liên lạc đã triển khai) ra lệnh cho các đơn vị: Không cần chờ đến tối ngày 7/5 như đã dự định, chuyển ngay sang tổng công kích, thời cơ tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm giành thắng lợi hoàn toàn cho chiến dịch đã xuất hiện. Các phân đội thông tin liên lạc đã bám sát chỉ huy, kịp thời bảo đảm thông tin cho các đơn vị chủ lực thừa thắng tiến công các vị trí còn lại của địch. Một phân đội của Đại đoàn 312 vượt nhanh qua cầu Mường Thanh tiến thẳng vào hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm, bắt sống Tướng De Castries và Bộ Tham mưu của địch vào lúc 17 giờ 30 phút ngày ngày 7/5/1954.

21 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, Ban Thông tin Chiến dịch đã nhận bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tư lệnh, kiêm Bí thư Đảng ủy Chiến dịch. Đội 101 thông qua hệ thống thông tin vô tuyến điện đã kịp thời chuyển bức điện báo cáo Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh: Quân ta đã đại thắng tại Điện Biên Phủ.

Sau 56 ngày đêm chiến đấu, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Cùng với thắng lợi trên các chiến trường khác trong Đông Xuân 1953-1954, chiến thắng Điện Biên Phủ đã giáng đòn quyết định, góp phần đưa Hội nghị Geneva về Đông Dương (từ ngày 8/5 đến ngày 21/7/1954) thành công. Chiến dịch Điện Biên Phủ là đòn tiến công tiêu diệt lớn nhất, điển hình nhất của quân và dân Việt Nam; là sự phát triển đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự chiến dịch của quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội Thông tin liên lạc đã tập trung tối đa lực lượng, phương tiện kỹ thuật; trí tuệ và xương máu để tổ chức, bảo đảm thông tin liên lạc cho một chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, đánh bại hình thức phòng ngự tập đoàn cứ điểm của địch. Qua đó, rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu trong tổ chức, bảo đảm thông tin liên lạc, đó là:

Chủ động tìm hiểu, nắm vững tình hình, đặc biệt là kế hoạch tác chiến, chiến dịch để khẩn trương chuẩn bị mọi mặt, triển khai thông tin liên lạc kịp thời, vững chắc trong mọi tình huống;

Chỉ đạo, chỉ huy sâu sát, rút kinh nghiệm kịp thời, đề ra các biện pháp phù hợp, kiên quyết giữ vững thông tin liên lạc trong suốt quá trình chiến dịch;

Làm tốt công tác giáo dục, quán triệt nhiệm vụ, xây dựng quyết tâm chiến đấu khắc phục khó khăn, gian khổ, sẵn sàng hy sinh để giữ vững thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống;

Tập trung lực lượng, phương tiện thông tin bảo đảm vững chắc cho nhiệm vụ chủ yếu, hướng tác chiến chủ yếu của từng đợt chiến dịch và từng trận đánh then chốt, nhưng không coi nhẹ các hướng khác; luôn có lực lượng thông tin dự bị ở các đơn vị;

Kết hợp chặt chẽ các phương tiện thông tin, xác định chính xác phương tiện thông tin chủ yếu cho từng giai đoạn của chiến dịch để đáp ứng yêu cầu chỉ huy kịp thời vững chắc trong mọi tình huống;

Giữ bí mật và tổ chức nghi binh thông tin, một nội dung quan trọng của nghệ thuật tổ chức, bảo đảm thông tin liên lạc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ;

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội Thông tin liên lạc đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc. Lần đầu tiên ta đã tổ chức mạng liên lạc vô tuyến điện thoại bảo đảm cho chỉ huy chiến dịch liên lạc với các đơn vị, sử dụng đàm thoại bằng bảng chữ mật. Đây là đỉnh cao phát triển nghệ thuật tổ chức, bảo đảm thông tin liên lạc của quân đội ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trong giai đoạn hiện nay, những bài học kinh nghiệm về nghệ thuật tổ chức, bảo đảm thông tin liên lạc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị. Tuy nhiên, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong tương lai (nếu xảy ra), sẽ có những đặc điểm mới, đòi hỏi nghệ thuật tổ chức, bảo đảm thông tin liên lạc chiến dịch vừa phải kế thừa, vận dụng những bài học, những kinh nghiệm đã tích lũy được một cách sáng tạo, vừa phải nghiên cứu nắm vững, tiếp thu những thành quả của khoa học và công nghệ hiện đại, tập trung giải quyết những vấn đề mới để tiếp tục phát triển lên một trình độ cao hơn.

Hiện nay, bộ đội Thông tin liên lạc đã, đang được trang bị nhiều loại phương tiện thông tin công nghệ cao, hiện đại, có chất lượng tốt và số lượng nhiều. Tình huống tác chiến sẽ diễn ra rất khẩn trương, ác liệt, tác chiến không chỉ diễn ra trên bộ, trên không, trên biển mà còn cả môi trường điện tử và môi trường mạng, yêu cầu chỉ huy tác chiến đặt ra ngày càng cao, đòi hỏi thông tin liên lạc phải luôn thông suốt, vững chắc trong mọi tình huống.

Vì vậy, bộ đội Thông tin liên lạc phải thường xuyên quán triệt tư tưởng “lấy ít đánh nhiều”, “lấy trang bị kỹ thuật yếu hơn chống lại kẻ địch có trang bị kỹ thuật mạnh hơn, hiện đại hơn” để bảo đảm cho chỉ huy đánh thắng kẻ địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Nghệ thuật tổ chức, bảo đảm thông tin liên lạc trong chiến dịch phải dựa vào ưu thế chính trị-tinh thần và sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân; phát huy tinh thần dũng cảm, trí thông minh sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ thông tin; tổ chức huấn luyện khai thác, sử dụng thành thạo mọi loại phương tiện thông tin hiện có, tổ chức hệ thống thông tin khoa học, có dự phòng hợp lý… phù hợp với mọi cách đánh trong các loại hình tác chiến chiến dịch của chiến tranh hiện đại để bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, vững chắc trong mọi tình huống.

Việc nghiên cứu hoàn thiện, vận dụng nghệ thuật tổ chức, sử dụng, bảo đảm thông tin liên lạc chiến dịch trong điều kiện mới phải được quan tâm thường xuyên của các cấp, các ngành. Đó là yêu cầu hết sức quan trọng nhằm nâng cao khả năng bảo đảm thông tin liên lạc của bộ đội Thông tin trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thiếu tướng Khúc Đăng Tuấn, Tư lệnh Binh chủng Thông tin liên lạc

Tham luận tại Hội thảo Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và hiện thực (7/5/1954 – 7/5/2019)

Trình bày: Kim Toàn