Khi bảo tàng “xắn tay”
làm du lịch

Ở chính giai đoạn ngành du lịch tìm cách xoay xở, phục hồi sau đại dịch Covid-19, một số bảo tàng đã đổi mới, sáng tạo thông qua phối hợp, xây dựng các tour du lịch văn hóa với điểm nhấn là tính hấp dẫn, phát huy thế mạnh đặc thù của từng đơn vị. Đặc biệt, có trường hợp như Bảo tàng Văn học Việt Nam lâu nay được ví như “nàng công chúa ngủ trong rừng”, mở cửa đã khá lâu mà không mấy ai biết đến nay đã trở nên sôi nổi dù mới chỉ có tour du lịch được vận hành.

Thay vì chỉ đến bảo tàng để ngắm nhìn hiện vật

Cuối năm 2022, Tour “Chữ Tâm chữ Tài” tại Bảo tàng Văn học Việt Nam với sự phối hợp cùng Công ty Du lịch Bền vững Việt Nam đã được khởi động. Tour bắt đầu từ 18 giờ mỗi thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, thời lượng 90 phút. Trung bình, mỗi tuần bảo tàng tổ chức 4-5 tour, mỗi tour thu hút khoảng 60 khách. Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, Giám đốc bảo tàng cho biết, đây là một điểm đến đầy tiềm năng với diện tích khoảng 3.000 m2, trưng bày hơn 3.454 hiện vật tiêu biểu được lựa chọn từ 55.000 hiện vật là những di sản quý giá chứa đựng nhiều câu chuyện về các nhà văn, nhà thơ, tinh hoa của văn chương Việt Nam. Tuy nhiên, bảo tàng hoạt động từ tháng 6/2015 mà không mấy ai biết đến vì không có tour du lịch nào được vận hành, khách tham quan chủ yếu là đối tượng khách lẻ gồm các nhà nghiên cứu, sinh viên... muốn tìm hiểu dữ liệu văn học phục vụ công việc, học tập.

Từ khi có tour du lịch, lượng khách tăng khá nhanh, không chỉ tập trung ở tour mà phân bổ đều ở các thời điểm khác trong ngày. Thời điểm trước năm 2022, bảo tàng chỉ đón khoảng 2.000 lượt khách một năm. Sau khi vận hành tour du lịch, lượt khách tham quan tăng gấp 5 lần, không tính khách tour. Như vậy, có thể nhận định tour du lịch đã góp phần “đánh thức” tiềm năng của bảo tàng.
Tour du lịch “Chữ Tâm chữ Tài” mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm hấp dẫn và thú vị như: Tham quan vườn tượng 20 danh nhân văn học, gánh chữ vào cửa “Ngôi đền văn chương Việt Nam”, Không gian văn học Việt Nam thời kỳ cổ-trung đại, chữ viết lưu truyền thơ văn như thế nào, Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên “Nam quốc sơn hà”; Bản tuyên ngôn độc lập thứ hai “Bình Ngô đại cáo”, Không gian đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều, Bác Hồ và tác giả thơ hay nhất về Bác. Cuối cùng là nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh và những giai thoại văn chương gây xúc động lòng người...

Một mô hình khác cũng được khai thác đầy thú vị là tour du lịch “Bác Cổ - mùa hoa gạo” được tổ chức vào dịp tháng ba - khi bầu ký ức của bao người được đánh thức bởi sắc hoa gạo đỏ. Vẫn khuôn viên cổ kính của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, vẫn cây gạo cổ thụ đã đi vào bao tác phẩm thơ ca nhạc họa, nhưng tour du lịch đã thổi vào đó một không khí khác: sôi động hơn, lan tỏa hơn. Chung quanh gốc gạo trăm năm tuổi, không gian làng quê Việt được tái hiện bằng mô hình cổng làng, quán nước, quang gánh, xích đu tre, các trò chơi dân gian... Du khách còn có cơ hội tìm hiểu về lịch sử, thăng trầm của tòa nhà Bác Cổ, một công trình mang dấu ấn kiến trúc Đông Dương hòa quyện với nét văn hóa bản địa. Bên cạnh đó, chương trình tham quan còn tập trung vào điểm nhấn giới thiệu tinh hoa văn hóa Việt thông qua những câu chuyện, trải nghiệm về hiện vật trưng bày thuộc kho tàng bảo vật quốc gia, như: Cây hương đá chùa Tứ Kỳ (thế kỷ 17); cây cầu đá có niên đại Thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 18); trống đồng Ngọc Lũ và chuông Vân Bản (linh khí, nhạc khí không thể thiếu trong nghi lễ, tôn giáo của người Việt)... Ngoài ra còn có phần gặp gỡ, giao lưu giữa du khách với các chuyên gia để cùng khám phá lịch sử, kỹ thuật đúc trống đồng của ông cha ta và trải nghiệm đánh trống, lắng nghe thanh âm linh thiêng trong một không gian nhuốm màu cổ kính. Tour du lịch vừa gợi nhớ cho du khách về ký ức quê hương, vừa mang đến giá trị khám phá chiều sâu văn hóa để từ đó có thêm nhiều nguồn cảm hứng, động lực để họ tìm hiểu, gắn bó một cách sâu sắc hơn, nhất là với đối tượng người trẻ.

Khách tham quan trải nghiệm Tour du lịch văn học “Chữ Tâm, Chữ Tài”. Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân

Khách tham quan trải nghiệm Tour du lịch văn học “Chữ Tâm, Chữ Tài”. Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân

Phát huy tối đa tính sáng tạo

Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ, khách mời tham gia tour “Chữ Tâm chữ Tài” của Bảo tàng Văn học Việt Nam, vì đam mê và cảm nhận được sự tương tác đầy hấp dẫn với du khách đã viết một kịch bản công phu cho tour du lịch chủ đề “Biển đảo trong thơ ca Việt Nam” và tự nguyện đóng góp cho bảo tàng. Sự cống hiến, sáng tạo này được đội ngũ vận hành ghi nhận và đánh giá cao, nhất là khi anh không thuộc ê-kíp chịu trách nhiệm trực tiếp về nội dung, hoạt động. Đại diện bảo tàng cho biết, câu chuyện nhỏ này cũng chính là một gợi ý để các đơn vị có thể kêu gọi sự góp ý, khơi gợi ý tưởng từ các chuyên gia nghiên cứu, du khách, khách mời... để mở rộng sự phong phú, đa dạng và hấp dẫn cho các tour du lịch.

Cũng theo nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, từ lâu đội ngũ vận hành bảo tàng đã luôn trăn trở về những con đường mới giúp lan tỏa giá trị văn hóa, văn học đến với công chúng thay vì chỉ để công chúng ngắm nhìn hàng nghìn hiện vật và nghe thuyết minh - một hình thức không sinh động và dễ gây nhàm chán. Từ nền tảng ban đầu, đơn vị đã kết hợp với một công ty du lịch để ra mắt tour đầu tiên. Trong thời gian tới, bảo tàng dự định xây dựng thêm nhiều phiên bản cho tour du lịch văn học với các chủ đề khác nhau như thiếu nhi, biên giới, biển đảo... đồng thời tăng cường sự phối hợp với các địa phương để kiến tạo nhiều chương trình du lịch chuyên đề, hành trình về quê hương các tác giả nổi tiếng để giá trị từ các tác giả, tác phẩm trở nên thân thuộc hơn với công chúng trong nước và cả du khách quốc tế.

Là một trong những đơn vị đã tổ chức nhiều tour du lịch văn hóa, Bảo tàng Lịch sử quốc gia bên cạnh việc hướng đến đối tượng khách du lịch trong nước và nước ngoài, cũng nâng cao sự kết nối với các trường đại học, nhất là trường trong quân đội. Trường Sĩ quan Lục quân I là đơn vị hỗ trợ tích cực cho sinh viên tham quan theo chủ đề, tìm hiểu về thời kỳ dựng nước của các vua Hùng, tham gia các hoạt động trải nghiệm thú vị: thi giã gạo chày đôi, bắt chạch trong chum... gợi nhớ về đời sống vật chất, tinh thần phong phú thời Văn Lang, hiểu hơn về thời kỳ khai sơn, lập quốc của các vị Quốc tổ Hùng Vương, cũng như giá trị của những Bảo vật quốc gia. Trong quý I năm 2023, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã đón 25.146 lượt/người (trong đó số khách miễn phí là 3.243 lượt/người). Bên cạnh các tour, đơn vị cũng chú trọng tổ chức các hoạt động miễn phí, như: “Giờ học lịch sử”, tổ chức 157 chương trình giáo dục cho 4.989 lượt/người. Từ năm 2021 đến nay, để khắc phục ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và thúc đẩy du lịch nội địa, bảo tàng đã liên tục phối hợp với nhiều hội, câu lạc bộ lữ hành, du lịch tổ chức hàng loạt chương trình Vgreen Caravan, như “Tây Bắc - Mùa ban nở”, “Trở về cội nguồn - Linh thiêng đất tổ”, các tour du lịch caravan với hình thức di chuyển bằng xe riêng, nhóm nhỏ... và các tour bộ hành “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội”, tour đêm “Thanh âm Đồng Cổ” hay tour “Thăng Long - Kẻ chợ”.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Định, Phó Trưởng Phòng Giáo dục, Công chúng của bảo tàng chia sẻ: “Những tour tham quan do Bảo tàng Lịch sử quốc gia nghiên cứu, xây dựng và phối hợp với các đơn vị, các công ty lữ hành tổ chức trong giai đoạn 2021-2023 đã mở ra hướng đi mới trong đa dạng các sản phẩm du lịch và các chương trình tour để phục vụ đa dạng nhu cầu của các đối tượng, với mong muốn đưa Bảo tàng ngày một đến gần với công chúng hơn, trở thành địa chỉ quen thuộc không chỉ cho người dân Hà Nội nói riêng mà nhiều du khách trong nước và quốc tế có dịp đến với Thủ đô”.

Có thể thấy, hầu hết các mô hình du lịch văn hóa thành công đều dựa trên các yếu tố cơ bản: Nền tảng về kiến thức, nhân lực; đầu tư về thời gian, công sức; sự thích ứng linh hoạt về dịch vụ và đặc biệt cần chịu được nhiều áp lực mà du lịch văn hóa đòi hỏi: kiên trì, đổi mới liên tục, học hỏi không ngừng, lợi nhuận không tức thì... Bù lại, lợi ích du lịch văn hóa mang đến có tính bền vững hơn các mô hình khác, có nhiều cơ hội hợp tác thiện chí giữa các bên để liên tục tạo ra nguồn đam mê, cảm hứng sáng tạo, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị của văn hóa di sản. Các tour thu hút khách như “Chữ Tâm chữ Tài”, “Bác Cổ - mùa hoa gạo” đều áp dụng chương trình giảm 50% giá vé cho đối tượng là học sinh, sinh viên; ưu đãi với các đoàn khách gia đình và miễn phí cho trẻ em dưới 7 tuổi... nhằm thể hiện sự khuyến khích, đồng hành cùng du khách trong hành trình khám phá và lan tỏa sâu rộng hơn nữa các giá trị văn hóa dân tộc.

Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Hồ Cúc Phương, Mai Lữ, Đàm Bảo Ngọc, Trương Thu Hiền
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Huyền Nga, Sun Group, Báo quân đội nhân dân, Sở du lịch Ninh Bình, nguồn internet