Ba năm ấp ủ, lên thiết kế, 4 năm xây dựng và hoàn thiện, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đã kết thúc giai đoạn 1 và ra mắt công chúng tháng 11/2024. Với thiết kế hiện đại, mới mẻ cùng nhiều điểm nhấn, các khu trưng bày ấn tượng và ý nghĩa, Bảo tàng đã thu hút đông đảo khách tham quan ngay từ những ngày đầu mở cửa.

Nhân dịp đầu Xuân Ất Tỵ 2025, kiến trúc sư Trịnh Việt A - Giám đốc thiết kế Công ty Nikken Sekkei Ltd (Nhật Bản), Kiến trúc sư trưởng Dự án Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đã chia sẻ với Báo Nhân Dân về công trình này.

“Chúng tôi mong muốn Bảo tàng trở thành biểu tượng cho tình yêu nước, tinh thần quả cảm của Quân đội nhân dân nói riêng và của mọi người dân Việt Nam nói chung, đồng thời đánh dấu bước phát triển mới cho nền kiến trúc nước nhà”.

Kiến trúc sư TRỊNH VIỆT A

Ghi dấu nhờ kiến trúc ấn tượng và nội dung trưng bày ý nghĩa

Phóng viên: Dù chỉ mới mở cửa đón khách một thời gian ngắn nhưng Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đã trở thành điểm đến cực kỳ “hot” tại Thủ đô. Với vai trò là kiến trúc sư trưởng của dự án, cảm xúc của anh lúc này như thế nào?

KTS Trịnh Việt A: Khi đứa con tinh thần ấp ủ bao lâu được ra mắt và đón nhận, đương nhiên tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc. Tôi còn nhớ, khi nhận được hình ảnh khách nườm nượp tới tham quan từ anh em công trường gửi về, một cảm giác “lim dim sướng” len lỏi trong tôi. Chen lẫn niềm vui đó là niềm tự hào. Chúng tôi tự hào vì được góp sức tái hiện lịch sử giữ nước hào hùng của dân tộc, được mang đến và sẻ chia lòng tự hào dân tộc ấy với người dân.

Song bên cạnh đó tôi cũng có chút hồi hộp. Bởi lẽ, công trình mới hoàn thành giai đoạn 1, vẫn đang thu thập ý kiến đóng góp của người dân để hoàn thiện hơn. Khi thiết kế, an toàn luôn là yếu tố bất kỳ kiến trúc sư nào cũng phải đặt lên hàng đầu nhưng tôi vẫn rất lo, không biết có sai số nào gây ảnh hưởng tới an toàn của khách tham quan không.

Chúng tôi tự hào vì được góp sức tái hiện lịch sử giữ nước hào hùng của dân tộc, được mang đến và sẻ chia lòng tự hào dân tộc ấy với người dân.

Giống như khi tôi nhận được công trình này, cảm xúc bao trùm là vui sướng và vinh dự vì với bất kỳ kiến trúc sư nào, được thiết kế bảo tàng luôn là mơ ước. Những công trình như vậy đều là những thiết chế văn hóa có quy mô, tầm cỡ và sẽ trở thành dấu ấn với xã hội, với ngành kiến trúc. Tuy nhiên, tôi cũng ý thức được trách nhiệm to lớn, vì đây là công trình hết sức đặc biệt, gánh trên vai sứ mệnh kể lại câu chuyện lịch sử. Cơ hội lớn đồng nghĩa với khó khăn, gian khó rất nhiều.

Phóng viên: Theo anh, đâu là yếu tố khiến Bảo tàng ghi dấu trong lòng khách tham quan như vậy?

KTS Trịnh Việt A: Có lẽ chính sự hài hòa giữa nội dung và hình thức đã thu hút được sự quan tâm và yêu thích của khách tham quan. Một bảo tàng có kiến trúc hiện đại, lạ mắt phải đi cùng với nội dung trưng bày hấp dẫn mới thực sự được đón nhận.

Chân thành mà nói, đây cũng là điểm may mắn, là cái duyên của tôi. Bởi vì khi đồ án của tôi được lựa chọn, lãnh đạo Bộ Quốc phòng đã yêu cầu tôi phải thực hiện cả công tác trưng bày, với lý do “trưng bày cần bảo đảm ăn khớp với thiết kế” để mang đến cho người xem những cảm xúc trọn vẹn.

Đối với tôi, việc được tin tưởng và giao cả hạng mục trưng bày vốn không phải thế mạnh ấy, không phải là thử thách mà là may mắn. Bởi vì điều này có nghĩa là tôi có cơ hội tìm hiểu thêm về một lĩnh vực chuyên môn khác, được đi sâu nghiên cứu lịch sử nước nhà, qua đó hoàn thiện hơn đồ án của mình. Tất nhiên chúng tôi không tự làm các hạng mục trưng bày, nhưng chúng tôi phối hợp chặt chẽ với một bên khác thực hiện. Thí dụ như việc trưng bày quả địa cầu là ý tưởng của tôi, còn họ sẽ đưa ra chi tiết trưng bày cái gì, như thế nào. Chiều ngược lại, chúng tôi sẽ tư vấn việc sử dụng chất liệu gì trong thiết kế hỗ trợ khu vực trưng bày. Cứ như vậy phối hợp nhuần nhuyễn để cho ra sản phẩm ưng ý.

Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam là một công trình lớn cả về quy mô lẫn ý nghĩa do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam làm chủ đầu tư với số tiền 2.500 tỷ đồng (giai đoạn 1), xây dựng mới trên địa bàn hai phường Tây Mỗ và Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội từ năm 2019, trên diện tích 386.600m2. 

Bảo tàng hiện đang lưu giữ hơn 150.000 hiện vật, trong đó có 4 bảo vật quốc gia và nhiều hiện vật quý.Bảo tàng được xây dựng với thiết kế hiện đại, nhiều công năng, kiến trúc Bảo tàng không chỉ đơn thuần là một công trình trưng bày về lịch sử chiến tranh, mà còn tạo một không gian chung để khách tham quan tương tác và trải nghiệm về cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Bên cạnh đó, bảo tàng áp dụng nhiều phương pháp trưng bày mới, kết hợp với các công nghệ sa bàn 3D mapping; thiết bị màn hình tra cứu thông tin, media tư liệu ảnh, thuyết minh tự động audioguide và mã QR tra cứu thông tin hiện vật, hình ảnh và hơn 60 video clip giới thiệu về chiến dịch, trận đánh và các nhân vật lịch sử mang đến cho khách tham quan trải nghiệm hoàn toàn mới.

Hiện tại, Bảo tàng đã hoàn thiện giai đoạn 1 và chính thức mở cửa đón khách tham quan từ ngày 1/11/2024.

Công trình kể chuyện sử

Phóng viên: Xin anh chia sẻ khái quát về thiết kế công trình này?

KTS Trịnh Việt A: Chúng tôi bắt tay vào thiết kế công trình này từ năm 2017, và đến năm 2020 mới xong đồ án. Công trình hiện đã hoàn thiện giai đoạn 1. Bảo tàng được xây dựng trên một khu đất có tổng diện tích xây dựng là 13,4ha, gồm 2 khu vực chính là tòa nhà chính 4 tầng để trưng bày hiện vật trong nhà (hiện mới hoàn thiện tầng 1), và cảnh quan ngoài trời (trưng bày các hiện vật ngoài trời và các tác phẩm mỹ thuật liên quan).

Công trình nằm trên một trục chính xuyên suốt từ nam sang bắc, với lần lượt các hạng mục như cổng chính, tháp chiến thắng, tòa nhà chính, cảnh quan chung quanh,... Trong đó, tòa nhà chính có hình cánh cung, kết nối cảnh quan chung quanh ôm trọn tháp chiến thắng cao 45m. Chung quanh tòa nhà chính là hàng cột xiên, hướng ra ngoài, với góc xiên lớn nhất là 23 độ, kết hợp với hệ thống mái phẳng tạo thành một đường cong, tựa hình ảnh đôi cánh đang dang ra, vươn mình chuẩn bị bay lên.

Phóng viên: Với một công trình tầm cỡ cả về quy mô và ý nghĩa thế này, anh và nhóm của mình gặp khó khăn gì trong quá trình thiết kế và thi công?

KTS Trịnh Việt A: Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam là một công trình rất có ý nghĩa. Bởi nói tới lịch sử Việt Nam là nói đến lịch sử dựng nước và giữ nước. Hay nói cách khác, qua lịch sử quân sự có thể nhìn được rất nhiều điều về lịch sử đất Việt và con người Việt Nam. Ý thức được điều đó, ngay khi nhận được đề bài, chúng tôi luôn trăn trở phải làm sao để đưa được cái hồn cốt ấy vào trong từng thiết kế, để khách tham quan không chỉ cảm nhận được cái đẹp của một công trình, mà còn thực sự “được nghe công trình kể chuyện sử”. Đối với chúng tôi, đây là một bài toán không dễ giải.

Đầu tiên chúng tôi là phải làm sao tạo luôn ấn tượng cho khách tham quan ngay khi mới tiếp cận công trình và để họ nhận ra đó là bảo tàng lịch sử quân sự.

Tiếp theo là phải làm sao để du khách được đắm chìm trong không khí hào hùng, bất khuất của một đội quân anh hùng, mà vẫn cảm nhận được sự thư thái, gần gũi khi tham quan nơi này.

Ngoài ra, không chỉ đơn giản là trưng bày hiện vật theo một trật tự tuyến tính thời gian đơn thuần, chúng tôi luôn cần tìm cách phối hợp tỉ mỉ và sáng tạo giữa công tác thiết kế không gian kiến trúc với việc sắp đặt, bố trí các khu vực trưng bày, để làm sao tạo thành một tour du lịch ngược thời gian thật sinh động, đưa mọi người quay trở lại quá khứ cùng tìm hiểu và rồi tự hào về lịch sử hào hùng, oanh liệt của Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng và của Việt Nam nói chung. Chính bởi vậy, hầu như mỗi thiết kế ở đây chúng tôi đều cố gắng gắn với ý nghĩa hoặc sự kiện nào đó của lịch sử quân sự.

Phóng viên: “Công trình kể chuyện sử” như thế nào?

KTS Trịnh Việt A: Nhận bài toán là xây dựng bảo tàng trên một khu đất hình ngũ giác, chúng tôi quyết định đặt tòa chính bảo tàng ở trung tâm để tạo điểm nhấn, từ trung tâm tỏa ra hết khu đất. Một tòa nhà hình cánh cung, kết nối liền mạch với cảnh quan ngoài trời chung quanh, nhìn từ trên xuống cả công trình tạo thành một hình tròn, mang ý nghĩa về sự đoàn kết, gắn bó của quân đội ta.

Tổng thể công trình xây dựng nổi bật 3 yếu tố tự nhiên là “Đất, biển và trời”. Bước chân qua cổng chính, du khách thấy ngay một hồ nước, đó là yếu tố “biển”. Tòa chính bảo tàng nằm trên 2 ngọn đồi đó là “đất”. Tòa chính hình cánh cung như đôi cánh dang rộng chực bay lên bầu trời. Đó là yếu tố “trời”. Ba yếu tố này gắn liền với nhau thể hiện sự toàn vẹn lãnh thổ, cũng như sự vững chắc vươn lên, đồng thời đây cũng là tượng trưng cho 3 lực lượng chính của quân đội: Lục quân, hải quân và không quân.

Tổng thể công trình xây dựng nổi bật 3 yếu tố tự nhiên là “Đất, biển và trời”.

Tổng thể công trình xây dựng nổi bật 3 yếu tố tự nhiên là “Đất, biển và trời”.

Tháp chiến thắng cũng được chúng tôi gắn ý nghĩa lịch sử trong đó. Tháp cao 45m, để gợi nhắc tới năm 1945 - năm khai sinh nước Việt nam dân chủ cộng hòa. Đó là một mốc son trong lịch sử quân sự cũng là mốc son trong lịch sử phát triển của nước Việt Nam. Hình dạng tòa tháp được thiết kế mềm mại nhưng vững chãi, tượng trưng cho tinh thần dân tộc. Trên đỉnh tháp là ngôi sao năm cánh, được cắt vát 60 độ để có được tầm nhìn cho người tham quan từ cả trên không lẫn dưới mặt đất.

Hàng cột xiên bao quanh tòa chính tạo cảm giác trùng trùng điệp điệp, đại diện cho hình ảnh đoàn quân hùng dũng ra trận.

Ngay cả màu sơn được sử dụng trong không gian trưng bày trong nhà cũng có dụng ý riêng.

Ngay cả màu sơn được sử dụng trong không gian trưng bày trong nhà cũng có dụng ý riêng.

Ngay cả màu sơn được sử dụng tại không gian trưng bày trong nhà cũng có dụng ý riêng, theo tiến trình lịch sử. Từ nâu đất đậm dần thành đỏ sẫm và kết thúc bằng xanh lá cây, thể hiện sự tăng dần mức độ khốc liệt của chiến tranh đến cao trào và kết thúc bằng màu xanh hòa bình.

Chúng tôi hy vọng khi khách tới tham quan, ngoài cảm giác về sự oai hùng, oanh liệt của quân đội, còn cảm nhận được sự gần gũi, hào sảng, bởi quân đội Việt Nam là đội quân từ nhân dân mà ra, chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc và vì hòa bình.

Chúng tôi hy vọng khi khách tới tham quan, ngoài cảm giác về sự oai hùng, oanh liệt của quân đội, còn cảm nhận được sự gần gũi, hào sảng, bởi quân đội Việt Nam là đội quân từ nhân dân mà ra, chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc và vì hòa bình.

--Kiến trúc sư Trịnh Việt A--

Ấn tượng đầu tiên cho bất kỳ ai đến với Bảo tàng là sự hoành tráng và quy mô của công trình.

Trái với suy nghĩ cho rằng, Bảo tàng về lịch sử quân sự là một nơi đơn điệu với những hiện vật xù xì, khô cứng, sự giao thoa giữa ánh sáng và “chứng tích lịch sử”, giữa nét đẹp kiến trúc hiện đại, uyển chuyển với các khu trưng bày đầy sáng tạo nơi đây đã khắc họa thật đúng và thật đủ “chất lính” của anh Bộ đội Cụ Hồ, của tinh thần người Việt Nam.

Dù là ánh sáng ban mai, hay những sợi nắng lúc tà dương đều có chỗ để góp mình tạo nên vẻ đẹp của không gian Bảo tàng, cùng kể câu chuyện lịch sử giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Truyền đi thông điệp về hòa bình

Phóng viên: Đâu là điểm nhấn khác biệt của công trình ý nghĩa này?

KTS Trịnh Việt A: Điểm nhấn của công trình chính là không gian chuyển tiếp từ khu trưng bày trong nhà ra khu trưng bày ngoài trời.

Như tôi đã chia sẻ, Bảo tàng là một công trình có quy mô rất lớn, hiện nay mới chỉ là hoàn thành giai đoạn 1. Sau khi hoàn tất, để tham quan hết các hiện vật và trưng bày của triển lãm, khách tham quan phải dành cả ngày, thậm chí 2-3 ngày.

Điểm nhấn của công trình chính là không gian chuyển tiếp từ khu trưng bày trong nhà ra khu trưng bày ngoài trời.

---Kiến trúc sư Trịnh Việt A---

Nếu liên tục tìm hiểu các hiện vật trong khoảng thời gian dài như vậy, dễ mang lại cảm giác chán và mệt mỏi cho khách tham quan, đặc biệt là vào mùa hè. Bởi vậy chúng tôi thiết kế một không gian bán mở ngay bên ngoài tòa chính với hệ thống mái che lớn tạo bóng mát, đóng vai trò như những tán cây khổng lồ để người dân dừng chân nghỉ ngơi.

Không gian bán mở kết hợp thiết kế xanh và hệ thống thông gió được tạo ra nhằm tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng tự nhiên giúp công trình tiết kiệm điện bởi không cần sử dụng điều hòa nhưng vẫn mang lại cảm giác thông thoáng, mát mẻ cho du khách.

Hai cánh hai bên là các khoảng thông tầng, ở đó chúng tôi bố trí 2 cụm trưng bày biểu tượng. Một bên là xác vũ khí tan chảy thành những cánh chim hòa bình bay cao tụ lại thành quả cầu thể hiện thông điệp: "Quá khứ chiến tranh đã lùi xa, hiện tại hòa bình đã đến". Bên kia là hoa sen, gương lấp lánh xoay quanh quả địa cầu hòa bình thể hiện ước mong gìn giữ hòa bình đang có và cho thế hệ tương lai.

Đó cũng là thông điệp chúng tôi muốn gửi gắm qua từng hạng mục thiết kế. Đến với bảo tàng lịch sử quân sự để hiểu hơn về giá trị của hòa bình.

Cụm biểu tượng xác vũ khí tan chảy thành những cánh chim hòa bình bay cao tụ lại thành quả cầu thể hiện thông điệp "Quá khứ chiến tranh đã lùi xa, hiện tại hòa bình đã đến".

Cụm biểu tượng những tấm gương lấp lánh xoay quanh quả địa cầu thể hiện ước mong gìn giữ hòa bình đang có và cho thế hệ tương lai.

Đến với bảo tàng lịch sử quân sự để hiểu hơn về giá trị của hòa bình.

Phóng viên: Ánh sáng thường là yếu tố quan trọng tạo hiệu ứng trưng bày và thẩm mỹ cho Bảo tàng. Anh đã tận dụng yếu tố này thế nào trong thiết kế của mình?

KTS Trịnh Việt A: Ánh sáng chính là điểm nhấn khác trong công trình này mà tôi muốn nhắc tới. Thiết kế ánh sáng trong Bảo tàng luôn rất quan trọng. Ngoài việc sử dụng hệ thống ánh sáng đèn để tạo hiệu ứng thị giác, chúng tôi cố gắng tận dụng ánh sáng tự nhiên, vừa để giảm thiểu năng lượng sử dụng cho chiếu sáng nhân tạo, vừa tạo nên những hiệu ứng cảm xúc không gian cho từng khu vực.

Chúng tôi cố gắng tận dụng ánh sáng tự nhiên vừa để giảm thiểu năng lượng sử dụng cho chiếu sáng nhân tạo, vừa tạo nên những hiệu ứng cảm xúc không gian cho từng khu vực.

Thí dụ sảnh trước tòa nhà chính, khi thiết kế, chúng tôi nghiên cứu kỹ về hướng, về đường di chuyển của ánh sáng, và mong muốn kết hợp ánh sáng với hệ thống cột xiên để tạo nên chiếc đồng hồ tự nhiên. Ánh sáng di chuyển bóng từ đông sang tây theo chiều dài thời gian. Nhìn bóng đổ của cột ta có thể dự đoán thời gian lúc đó. Vào buổi chiều, khi ánh hoàng hôn buông xuống chiếu sâu vào công trình, sẽ tạo thành những vệt nắng vàng đậm rực rỡ; còn bên ngoài khi ấy sẽ là một không gian nhuốm màu đỏ rực, lung linh và ấm áp, rất đẹp.

Hay ở không gian trong nhà, tại khu vực trưng bày máy bay MIG, chúng tôi thiết kế lấy sáng qua khe. Đó là ánh sáng dịu, không chiếu trực tiếp xuống máy bay sắt. Tuy nhiên, có những thời điểm vào mùa hè, ánh sáng mạnh hơn sẽ lọt xuống và rọi chiếu vào máy bay tạo nên vẻ đẹp lung linh đầy nghệ thuật.

Thay vì chỉ đơn thuần trưng bày hiện vật, đặc biệt là các hiện vật chiến tranh khô cứng, chúng tôi cố gắng gắn vào đó các yếu tố nghệ thuật thị giác để người xem cảm nhận được sự thư thái, thoải mái hơn khi tham quan Bảo tàng.

Phóng viên: Phải chăng đó là chút thi vị anh muốn mang đến cho một Bảo tàng lịch sử về quân sự?

KTS Trịnh Việt A: Đây là một công trình mang ý nghĩa giáo dục, mục đích cuối cùng không phải là gợi nhắc những đau thương, mất mát, mà muốn khẳng định về giá trị của hòa bình, về mong muốn cuộc sống hòa bình của một dân tộc yêu chuộng hòa bình. Chính bởi vậy, trong thiết kế và trưng bày, bằng các hiệu ứng nhẹ nhàng chúng tôi cố gắng truyền tải thông điệp đó. Việc tạo ra một không gian bán mở và cả không gian trưng bày ngoài trời rộng lớn cùng việc tận dụng ánh sáng tự nhiên một phần cũng để tạo ra cảm giác khoáng đạt, tự do, yên bình như vậy cho người xem.

Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều là sắp xếp có chủ ý. Cũng có những thứ ngẫu nhiên đã tạo nên nét đẹp riêng cho công trình này.

Có những thứ ngẫu nhiên đã tạo nên nét đẹp riêng cho công trình này.

Tôi đang muốn nhắc đến một “lỗi sai thi vị”. Trong quá trình thiết kế khu vực trưng bày máy bay MIG như tôi kể trên, vốn dĩ tôi không định để ánh sáng chiếu trực diện vào máy bay, nhưng một lỗi trong thi công khiến tia sáng nhỏ đã chiếu thẳng vào phần thân kim loại của máy bay. Khi phát hiện ra lỗi sai đó, tôi nhận thấy chi tiết ấy lại tạo ra hiệu ứng nghệ thuật rất thú vị, làm nên chất thơ cho một hiện vật tưởng chừng khô cứng.

Ở bảo tàng này, có khá nhiều góc nhỏ thú vị như vậy, có những khoảnh khắc nhất định, thiên nhiên, kiến trúc và hiện vật kết hợp với nhau tạo nên bức tranh nghệ thuật tuyệt vời. Thật đúng với chất lính của quân đội Việt Nam, “cầm súng vì hòa bình, ra trận vẫn làm thơ”. Ánh sáng chiếu rọi hào quang của lịch sử.

kiến trúc sư Trịnh Việt A tự nhận mình rất có duyên với công trình này và Bảo tàng là tâm huyết, là cách anh thể hiện tình yêu với quê hương đất nước.

kiến trúc sư Trịnh Việt A tự nhận mình rất có duyên với công trình này và Bảo tàng là tâm huyết, là cách anh thể hiện tình yêu với quê hương đất nước.

Biểu tượng cho tình yêu nước và tinh thần quả cảm

Phóng viên: Anh từng nói mình “có duyên” với công trình này. Cụ thể là như thế nào?

KTS Trịnh Việt A: Tôi sang Nhật học tập và sinh sống từ năm 19 tuổi. Cách đây 14 năm khi vừa tròn 30 tuổi, với tình yêu quê hương và mong muốn đóng góp vào sự phát triển của nền kiến trúc nước nhà, tôi trở về Việt Nam trong vai trò là Giám đốc thiết kế của Công ty Nikken Sekkei Ltd. và bắt đầu thực hiện một số dự án ở Việt Nam. Đến nay, tôi đã 4 lần có cơ hội hợp tác với Bộ Quốc phòng. Như đã nói ở trên, được thiết kế bảo tàng luôn là mơ ước của các kiến trúc sư, và tôi đã biến được giấc mơ đó thành hiện thực tại Việt Nam - quê tôi. Với tôi đó là cái duyên, là may mắn.

Suốt quá trình làm việc, tôi cũng đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ và hỗ trợ của lãnh đạo Bộ, của đồng nghiệp,... Với bất kỳ kiến trúc sư nào, khi đồ án của mình được hiện thực hóa đến 80-90% được coi là may mắn, nhất là với những công trình công cộng mang quy mô lớn như Bảo tàng này. Và tôi thật may mắn khi có thể thực hiện được điều đó.

Tôi xin được lấy một thí dụ nhỏ, trong bản thiết kế ban đầu, hàng cột xiên được làm bằng vật liệu sơn giả đá, vì ở Việt Nam nhiều người vẫn coi để bê-tông trần đồng nghĩa với việc công trình còn đang dang dở, thiếu thẩm mỹ. Nhưng khi lãnh đạo Tổng cục Chính trị tới thị sát công trình, tôi đã mạnh dạn đề nghị đồng chí chuyển sang sử dụng vật liệu bê-tông trần, vì như vậy vừa mang tính thẩm mỹ hiện đại, vừa bảo đảm độ lâu bền, tránh rêu mốc của công trình sau này.

Thông thường, để thay đổi thiết kế dù nhỏ vậy vẫn cần rất nhiều thủ tục, trình qua nhiều cấp thẩm quyền với thời gian không ngắn, nhưng với sự ủng hộ của Lãnh đạo Bộ và Lãnh đạo Tổng cục Chính trị, đề xuất đó của tôi đã được thực hiện một cách nhanh chóng. Thực sự đó cũng là cái may, cái duyên của tôi có được khi thực hiện công trình này.

Item 1 of 4

Phóng viên: Trở về Việt Nam bằng tình yêu nước và yêu ngành nghề. Anh đã thể hiện điều đó vào thiết kế lần này thế nào?

KTS Trịnh Việt A: Cũng có một vài người đã từng hỏi tôi câu hỏi tương tự. Họ muốn biết tôi đã đưa nét kiến trúc Việt vào công trình mang tính biểu tượng của tình yêu nước và tự hào dân tộc này như thế nào. Xin chia sẻ thật, đây cũng là vấn đề mà chúng tôi đã rất trăn trở suốt quá trình thực hiện đồ án. Chúng tôi muốn Bảo tàng thực sự là công trình của người Việt, kể chuyện sử đất Việt, phục vụ người Việt và những người yêu Việt Nam

Chúng tôi muốn Bảo tàng thực sự là công trình của người Việt, kể chuyện sử đất Việt, phục vụ người Việt và những người yêu Việt Nam.

Bảo tàng được thiết kế theo phong cách hiện đại, bởi vậy nếu đưa các yếu tố như mái cong, hay cột kèo cổ,… vào có thể sẽ phá vỡ tính xuyên suốt về ngôn ngữ thiết kế. Chúng tôi nghĩ rằng, yêu nước, yêu cái đẹp Việt Nam và con người Việt Nam không nhất thiết là thể hiện cụ thể đặc trưng ở phương diện kiến trúc. Thay vào đó, chúng tôi đã lựa chọn giữ nguyên ngôn ngữ thiết kế hiện đại, nhưng bảo đảm tính ứng dụng phù hợp phong tục và thói quen người Việt. Việc thiết kế không gian bán mở như tôi đã từng đề cập là một thí dụ về việc chúng tôi đưa thói quen sinh hoạt và văn hóa của người Việt vào trong thiết kế lần này.

Cụ thể là, qua nghiên cứu về khí hậu của Việt Nam cũng như thói quen sinh hoạt của người Việt, chúng tôi nhận thấy, vào những ngày nắng nóng, người Việt thường thích đứng dưới bóng cây râm mát. Thêm vào đó, người dân rất thích các không gian mở, thông thoáng. Không gian bán mở ra đời chính là dựa vào các yếu tố đó để đáp ứng nhu cầu của người dân. Các không gian bán mở ấy vừa tạo cảm giác thoải mái, vừa tạo sự liên kết bên trong và bên ngoài, một sự chuyển tiếp mềm mại, uyển chuyển.

Item 1 of 7

Phóng viên: Anh kỳ vọng gì ở “đứa con tinh thần” này?

KTS Trịnh Việt A: Công trình này chính là tâm huyết, là niềm tự hào của nhóm kiến trúc sư chúng tôi. Chúng tôi không chỉ muốn tạo ra một điểm đến đầy thú vị và ý nghĩa cho du khách, mà còn hy vọng Bảo tàng sẽ góp phần mang lại diện mạo mới cho kiến trúc bảo tàng ở Việt Nam. Truyền thông Nhật Bản cũng đã giới thiệu về Bảo tàng như một điểm sáng về kiến trúc được đông đảo người Việt đón nhận.

Hiện công trình đã hoàn thành giai đoạn 1 và đang thu thập ý kiến đóng góp của người dân và các nhà chuyên môn với mong muốn hoàn thiện hơn ở giai đoạn 2. Xin được bật mí, ở giai đoạn 2, Bảo tàng còn nhiều hạng mục quy mô với nhiều ý tưởng độc đáo, chắc chắn sẽ thu hút khách tham quan. Chúng tôi mong muốn, khi Bảo tàng hoàn thiện hết các hạng mục, có thể thực hiện đầy đủ sứ mệnh “kể chuyện sử” của mình, trở thành biểu tượng cho tình yêu nước và tinh thần quả cảm của Quân đội nhân dân nói riêng và của mọi người dân Việt Nam nói chung, đồng thời đánh dấu bước phát triển mới cho nền kiến trúc nước nhà.

Phóng viên: Cảm ơn những chia sẻ của anh. Nhân dịp năm mới, chúc anh thật nhiều sức khoẻ, chúc công trình Bảo tàng các giai đoạn sau về đích đúng hạn, đáp ứng mong mỏi của công chúng.

Ngày xuất bản: 1/2/2025
Nội dung & trình bày:
XUÂN BÁCH-MINH THU-NGỌC BÍCH
Ảnh: THÀNH ĐẠT, NVCC

Kiến trúc sư Trịnh Việt A

  • Năm sinh: 1981
  • Thạc sĩ chuyên ngành kiến trúc, Đại học Tokyo
  • Từng thực tập tại Văn phòng thiết kế Dominique Perrault, Paris, Pháp
  • Hiện là Giám đốc thiết kế tại Nikken Sekkei LTD. Nhật Bản
  • Các công trình, giải thưởng tiêu biểu:
    - Tatsuno Awards/Condor Awards cho đồ án tốt nghiệp Trường Đại học Tokyo
    - Giải thưởng kiến trúc quốc gia (bạc, đồng) 2022-2023
    - Giải A quy hoạch và thiết kế ý tưởng kiến trúc trụ sở 12 bộ ban ngành Tây Hồ Tây
    - Giải Nhì (không có giải Nhất) thiết kế mở rộng và cải tạo Trung tâm hành chính Thành phố Hồ Chí Minh
    - Công trình trụ sở cục Viễn Thông
    - Công trình Đài phát thanh truyền hình quân đội
    - Công trình Rey Hotel
    - Công trình Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam