Bảo vệ dữ liệu cá nhân
trong môi trường số

Việt Nam được coi là một trong những quốc gia nhanh nhạy trong chuyển đổi và dễ thích ứng với các xu hướng mới. Các ngành nghề, các dịch vụ kinh doanh có liên quan đến dữ liệu phát triển nhanh, mạnh mẽ đã đặt ra cho xã hội nhiều khó khăn thách thức. Theo thống kê từ Bộ Công an, hiện Việt Nam có 68 văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến bảo vệ dữ liệu cá nhân, tuy nhiên, xét tổng thể hệ thống văn bản pháp luật hiện tại vẫn chưa có sự thống nhất, tương thích trên nhiều phương diện. Tình trạng lộ lọt, mất, mua bán, chiếm đoạt dữ liệu cá nhân đang diễn ra công khai, không hoặc khó xử lý vì thiếu cơ sở pháp lý để thi hành.

Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân được ban hành ngày 17/4/2023 được coi là công cụ hữu hiệu, nhằm bảo vệ người dùng, đồng thời tạo hành lang pháp lý đủ mạnh, đầy đủ để hỗ trợ cá nhân tổ chức khai thác sử dụng dữ liệu cá nhân đúng luật, an toàn, lành mạnh và thượng tôn pháp luật. Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong môi trường số là vấn đề xuyên suốt mà Nhân Dân hằng tháng đề cập trong Tiêu điểm của tháng này.

Tăng “đề kháng” cho người dùng trên không gian mạng

Để xây dựng chính quyền số, một trong những mục tiêu quan trọng của chương trình Chuyển đổi số Quốc gia, việc thu thập dữ liệu, dữ liệu cá nhân của toàn dân là cần thiết, được tiến hành bằng nhiều cách, nhiều công cụ trên các nền tảng số. Đồng thời với công tác thu thập, việc bảo vệ, bảo đảm quyền riêng tư, an toàn dữ liệu cá nhân trên môi trường số hiện nay đang là vấn đề gây nhiều bức xúc cần được chấn chỉnh, hoàn thiện hơn nữa, đặc biệt trong bối cảnh nhận thức chung của cộng đồng về an toàn thông tin chưa thực sự theo kịp tốc độ phát triển.

Muôn vàn chiêu trò lừa đảo

Theo ước tính, Việt Nam hiện có gần 80 triệu người sử dụng internet. Số người sử dụng ngày càng nhiều cho thấy những tiện ích mà công nghệ thông tin mang lại cho đời sống là không thể phủ nhận. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ đó, tình trạng để lộ lọt thông tin, dữ liệu cá nhân xảy ra khá phổ biến, một phần không nhỏ xuất phát từ sự bất cẩn của người dùng, khiến vấn nạn lừa đảo trực tuyến ngày càng nhiều, nếu không kịp thời và nỗ lực ngăn chặn, một ngày không xa có thể dẫn đến tình trạng khó bề kiểm soát.

Chị T.M, 50 tuổi, quê ở Phủ Lý (Hà Nam) đang làm việc cho một công ty cung cấp dịch vụ dọn dẹp vệ sinh công nghiệp ở Hà Nội. Trong chuyến đi chơi cuối tuần cùng gia đình vừa rồi, chị đã phải tắt điện thoại suốt hành trình.
“Tôi bị các cuộc điện thoại gọi đến làm phiền quá nhiều. Không hiểu người ta lấy số của tôi từ đâu, tại sao biết tên tôi để gọi mời, từ mua chứng khoán, mua bảo hiểm, mời tham gia hội thảo bán hàng, mời tham gia khóa học dinh dưỡng, đến cả mời vay vốn làm ăn! Tôi đang sống cùng mẹ già, các con đều đi học xa, cho nên tôi cần điện thoại kết nối mạng để tiện liên lạc lúc cần, nhưng tôi thấy quá phiền khi thường xuyên nhận các cuộc gọi...”, chị T.M cho biết.

Tuy nhiên, chỉ mới bị gọi điện làm phiền như chị M vẫn còn là may mắn so với nhiều trường hợp bị lừa qua mạng. Từ việc lộ lọt số điện thoại, tên tuổi địa chỉ nhà... kẻ gian xây dựng lên muôn hình vạn trạng kịch bản, chiêu trò lừa đảo. Chị B.K.N ở Đông Anh (Hà Nội) đang tham dự khóa học lái xe, bỗng một hôm có cuộc gọi đến tự nhận người của trung tâm sát hạch lái xe đang hỗ trợ học viên bộ đề thi lý thuyết lái xe với giá 500 nghìn đồng, hỏi chị có ở nhà không để “nhân viên” mang đến. Vốn đang rất bối rối với phần ôn thi lý thuyết, chị N vội vàng đồng ý ngay không chút nghi ngờ và chỉ dăm phút sau đã được nhận hàng. Trả tiền rồi, “nhân viên” đi rồi chị mới ngớ người, không hiểu sao “thầy” lại biết mình đang cần. Chiêu trò gọi điện lừa con ở trường bị tai nạn, người cục thuế báo còn nợ, công an gọi báo vi phạm luật, thông báo còn chịu các khoản nợ... bùng phát thời gian gần đây! Sóng sau đè sóng trước, mỗi ngày trong đời sống lại xuất hiện thêm những chiêu thức lừa đảo mới. Người dùng mua phải vé giả của các buổi biểu diễn nghệ thuật, các voucher du lịch nghỉ dưỡng, những chiêu thức chỉ là bình mới rượu cũ mặc dù được cảnh báo nhiều lần mà vẫn không ít người sập bẫy. Mới đây, bà M., một tiểu thương bán tạp hóa ở chợ Đồng Xuân (Hà Nội), cảnh báo, bà vừa suýt bị mất tiền bởi chiêu thức giả mạo mã QR. Kẻ lừa đảo lén dán chồng mã QR giả lên mã của quán, khách hàng thay bằng scan mã để trả tiền vào tài khoản của bà thì đã trả vào ví kẻ gian. May sao, người mua hàng vốn là khách quen, sau khi quét mã thấy tên chủ tài khoản không đúng, kiểm tra lại mới lật tẩy chiêu lừa đảo.

Trước khi Nghị định 13/2023/NĐ-CP ban hành, Việt Nam có nhiều bộ luật và quy định liên quan, như Luật An toàn thông tin mạng dành riêng một mục cho Dữ liệu cá nhân, trong đó cấm thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái phép thông tin cá nhân của người khác. Tuy nhiên, việc tuân thủ quy định không được chú trọng. Hậu quả là hàng loạt vụ rò rỉ dữ liệu người dùng vẫn diễn ra suốt thời gian qua.

Nhiều năm hỗ trợ cho các nạn nhân bị lừa đảo mạng, đánh cắp thông tin, ông Ngô Minh Hiếu, chuyên viên giám sát của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia đánh giá, việc lộ lọt dữ liệu có thể ảnh hưởng nhiều đến mọi mặt trong cuộc sống nạn nhân. Sau hơn 3 năm hoạt động, Dự án Chống lừa đảo trên không gian mạng do ông sáng lập thu hút 300 nghìn thành viên tham gia, tư vấn giúp đỡ cho hơn 10 nghìn nạn nhân bị lừa đảo trên không gian mạng, ngăn chặn hàng nghìn trang web độc hại...

Thực tế, trong nhiều trường hợp, người dân còn thờ ơ với việc bảo vệ thông tin cá nhân, tình trạng vô tình để lộ lọt thông tin cá nhân vẫn còn phổ biến có thể gây tác hại khôn lường, như những clip ngắn đăng trên TikTok, cung cấp số điện thoại, thậm chí địa chỉ nhà, số tài khoản cá nhân... trên những trang web bán hàng online, thậm chí thông tin cá nhân có thể bị lộ lọt từ những ống kính camera đường phố. Theo khảo sát của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) 80% nguyên nhân lộ lọt dữ liệu cá nhân xuất phát từ sự bất cẩn của người dùng. Hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ đều đòi hỏi cung cấp dữ liệu các nhân, như tên tuổi, địa chỉ nhà, số điện thoại, nhà mạng. Trong nhiều trường hợp, người dùng chấp nhận đánh đổi việc cung cấp dữ liệu cá nhân để sử dụng các nền tảng dịch vụ.

Những cuộc gọi “rác” thường xuyên quấy rối người dùng là một trong những hệ lụy của việc lộ, lọt dữ liệu cá nhân.

Những cuộc gọi “rác” thường xuyên quấy rối người dùng là một trong những hệ lụy của việc lộ, lọt dữ liệu cá nhân.

Nâng cao kỹ năng tự bảo vệ

Trong thời gian qua, để bảo vệ người dân, cộng đồng trước vấn nạn lừa đảo trực tuyến, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng triển khai nhiều biện pháp kỹ thuật, hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, một số biện pháp đã bước đầu mang lại hiệu quả nhất định. Người dùng đang dần nhận thức đúng, thông tin cá nhân là một loại tài sản giá trị cao, cần cân nhắc kỹ việc chia sẻ.

Từ Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), cơ quan đầu ngành về công tác bảo đảm an ninh và an toàn mạng, chỉ đạo xuống các cơ quan trực thuộc ở địa phương triển khai các biện pháp đấu tranh phòng ngừa, phát hiện điều tra xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao. Theo đó, các đơn vị cơ sở trực thuộc đã nâng cao biện pháp tuyên truyền đến người dân kỹ năng cũng như ý thức cảnh giác trước những chiêu trò lừa đảo. Trang Phòng An ninh nội địa (Công an tỉnh Quảng Bình) tuyên truyền 10 chiêu thức kẻ gian hay sử dụng để lừa đảo trên không gian mạng đến người dân một cách dễ hiểu, sinh động. Với những lời cảnh báo thiết thực, dễ đọc dễ nhớ đó, bài viết đã thu hút được hàng nghìn lượt tương tác, chia sẻ về trang cá nhân, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ.

Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin truyền thông) là đơn vị rốt ráo trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm lừa đảo trực tuyến. chiến dịch “Tháng hành động tuyên truyền nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến” được phát động từ 23/6 đến 23/7 với nhiều hoạt động cụ thể và thiết thực. Cuốn Cẩm nang nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến dài 41 trang cảnh báo cho người dân các hình thức lừa đảo chủ yếu trên không gian mạng. Theo đó, có thể xếp 3 nhóm lừa đảo chính (gồm giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo chính trên không gian mạng. Mỗi hình thức lừa đảo đều có dấu hiệu nhận biết và lời cảnh báo, hoặc cách thức phòng tránh cụ thể, chi tiết. Thí dụ, với chiêu thức lừa đảo cài cắm ứng dụng, link quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đen..., cơ quan chức năng đưa ra các biện pháp phòng cảnh báo như: Nếu cần vay tiền, bạn nên tìm đến các tổ chức cho vay uy tín như ngân hàng hoặc các công ty tài chính hợp pháp. Tuyệt đối không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng trên các trang web và ứng dụng không tin cậy. Khi cài đặt bất kỳ ứng dụng nào, đặc biệt liên quan đến tài chính, bạn nên xem xét cẩn thận các quyền mà ứng dụng yêu cầu cũng như đọc kỹ các điều khoản, chính sách của ứng dụng này. Nếu phát hiện có điểm đáng ngờ, hãy hủy cài đặt ứng dụng ngay lập tức. Nếu phát hiện bất kỳ ứng dụng, website có dấu hiệu lừa đảo nào, bạn cũng có thể báo cáo với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) tại địa chỉ https://canhbao.khonggianmang.gov.vn. Theo dõi và cập nhật các thông tin, tình huống, dấu hiệu về lừa đảo trực tuyến tại Cổng không gian mạng quốc gia (khonggianmang.vn)...

Bên cạnh biện pháp phòng tránh cụ thể, cơ quan chức năng đúc rút thành 5 không ngắn gọn: Không đăng nhập vào đường link lạ, không cung cấp bất kỳ nội dung gì liên quan đến thông tin cá nhân hoặc thông tin tài khoản ngân hàng, không chuyển bất cứ khoản tiền nào để làm thủ tục vay tiền hoặc chứng minh tài chính, không chuyển bất cứ khoản tiền nào để mua đơn hàng theo yêu cầu của đối tượng, không cung cấp mã OTP cho người khác.

Bảo vệ dữ liệu cá nhân tới đây nên chăng được lồng ghép vào chương trình học cho học sinh, coi đó là kỹ năng cơ bản để học tập, làm việc, sử dụng không gian số. Đây cũng là các giải pháp hữu ích để nâng cao sức đề kháng cho cộng đồng khi hoạt động trên môi trường số.

Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
BÌNH NHI-LINH GIANG-TRẦN BÁCH-LÂM NHI-TRẦN GIA
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
T.Nhung, nguồn internet