FO NGUYỄN NGỌC BẢO CHÂU

"Đời đã mỉm cười với tôi một lần nữa"

Loạt bài “Tôi đã vượt qua lằn ranh sống chết trong đại dịch” ghi lại tháng ngày nguy hiểm rình rập, sang chấn tâm lý nhưng thấm đẫm tình người của những bệnh nhân Covid-19. Với quyết tâm “không bỏ cuộc” của đội ngũ bác sĩ, cùng nghị lực và may mắn của bản thân, họ đã hồi sinh kỳ tích.

Nghị lực còn sót lại trong cơ thể về một khao khát được sống đã đánh thức Nguyễn Ngọc Bảo Châu ở lúc bi quan nhất. Cô đã được các bác sĩ trao tặng thêm một cơ hội sống, vì thế dù cơ thể vẫn dội lên những cơn đau đớn, cô kiên nhẫn cố gắng từng chút một với một tâm ý: "Mình phải khỏe mạnh để sống tiếp, sống thay cho những người không may mắn khác".

Bác sĩ chia tay bệnh nhân khỏi bệnh tại Bệnh viện dã chiến số 13 quận Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: ĐOÀN MINH

Cấp cứu cho bệnh nhân Covid-19 trở nặng. Ảnh: ĐOÀN MINH

Bác sĩ chia tay bệnh nhân khỏi bệnh tại Bệnh viện dã chiến số 13 quận Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: ĐOÀN MINH

Cấp cứu cho bệnh nhân Covid-19 trở nặng. Ảnh: ĐOÀN MINH

1.Châu he hé mắt, ánh sáng trở nên mờ ảo trong đôi mắt đã 20 ngày được ru ngủ bởi thuốc an thần. Cô chỉ thấy mặt bóng dáng rất nhiều áo trắng, những y lệnh được đưa ra hối hả, và một giọng nói khắc sâu vào tâm trí: “Cố gắng cho bệnh nhân thêm một cơ hội”.

Những thước phim tua chậm trong đầu về 20 ngày trước khi cô bắt đầu mất ý thức (ngày 23/7). Cô có thể trạng béo phì, nên được coi là đối tượng đặc biệt cần theo dõi sát khi nhiễm Covid-19. Sau 5 ngày tại bệnh viện thu dung, cơ thể nặng 110 ký của Châu bị virus tấn công làm xẹp phổi, trở nặng nhanh chóng.

Nồng độ ô-xy trong máu liên tục giảm, phải chuyển thở ô-xy dòng cao. Sáng đó, cô đã ngất, các dấu hiệu sinh tồn giảm dần, cơ hội chỉ còn vài phần trăm sự sống. Chuyển viện là giải pháp cuối cùng, dù cơ hội vô cùng mong manh.

BSCK 2 Trần Thanh Linh và ê-kíp hồi sức của Bệnh viện Chợ Rẫy tại khoa ICU 2A hối hả đón bệnh nhân ở sảnh với một dự cảm không lành. Bảo Châu rất nguy kịch, trụy tim mạch, ngừng hô hấp. Phổi phải gánh cơ thể nặng 110 kg khiến cho việc hồi sức vô cùng khó khăn. “Đặt ECMO ngay lập tức”, BS Linh nói rồi cùng đồng nghiệp gấp rút can thiệp tim phổi nhân tạo cho Châu để tìm cho cô một cơ hội sống.

Những ngày đấu tranh sinh tồn của Châu được nghe kể lại qua những mẩu chuyện được chắp nhặt từ mỗi người một chút.

Cô không thể biết rằng, trong những ngày cô ngất đi, cơ thể cô phải đối mặt với một sự tàn phá khủng khiếp. Gan và thận đều suy, tim đã trụy mạch, phổi bị virus tấn công trắng xóa và đã có xuất huyết. Mọi đường thở của Châu đều bị bóp nghẹt.

3 giờ đồng hồ can thiệp ECMO, bác sĩ Trần Thanh Linh, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Chợ Rẫy trấn an cả ê-kíp:

"Đây là phương án cuối cùng để duy trì sự sống cho bệnh nhân. Thế nhưng, khả năng thành công là bao nhiêu % không ai dám nói trước vì bệnh nhân bị tổn tương rất nặng. Hơn nữa, bệnh nhân có cân nặng hơn 110 kg nên béo phì là một trong những bệnh lý nguy hiểm nhất khi mắc Covid-19. Thôi thì cố gắng hết sức để bệnh nhân có thêm một cơ hội”.

Sức trẻ, cùng thể trạng béo phì khiến cơ thể Châu tiếp tục phản ứng dữ dội khi được chạy tim phổi nhân tạo. Phổi của cô xuất huyết, toàn thân nhiễm trùng. Tất cả các loại thuốc tốt nhất từ kháng sinh, kháng nấm, chống đông máu... đã được thay đổi liên tục điều trị với những hy vọng cuối cùng cho cô gái. Nhưng mọi đáp ứng đều rất chậm rãi, có lúc tưởng chừng vô vọng.

Nhưng rồi hành trình hồi phục ngoạn mục của bệnh nhân Bảo Châu đã bắt đầu diễn ra, bất chấp những phản ứng của cơ thể. Chỉ số sinh tồn của Châu đã xuất hiện vào ngày thứ 20 duy trì sự sống nhờ hệ thống ECMO.

Ngày 12/8 được Châu mô tả giống như cô được sinh ra một lần nữa trong đời khi được cai ECMO và lơ mơ cảm nhận về sự sống vẫn hiển hiện quanh mình. "Các bác sĩ hối hả chạy đua với thời gian để cứu từng tính mạng. Mọi người chung quanh đều nằm bất động giữa những tiếng máy tít tít báo hiệu sự sinh tồn. Tôi biết, mình đã được sống", Châu kể.

Vượt qua trở ngại khó khăn thách thức nhất, Châu được tiếp thêm nghị lực nhờ vào sự thăm hỏi mỗi ngày của bác sĩ Trần Thanh Linh, sự chăm sóc tận tình của các kíp điều dưỡng.

2.Trong khu hồi sức tích cực của Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19, có rất nhiều người đến và đi liên tục. Cô nằm đó và chứng kiến những cuộc chia ly trong lặng lẽ, không người thân bên cạnh. Những bất trắc có thể đến bất kỳ lúc nào, dù sinh mạng đã được các bác sĩ dồn hết sức để cứu chữa. Vì thế, cô cũng đã có lúc rơi vào tuyệt vọng.

Thời điểm Châu suy sụp nhất là khi được đưa ra khỏi khu ICU để lên khoa Sub – ICU 7A và thở ô-xy mask, tập vật lý trị liệu. Nỗi bi quan mỗi ngày một đầy hơn, bóp nghẹt sự lạc quan của cô vì thời gian cai ô-xy diễn biến rất chậm. Bỏ máy thở ô-xy ra, Châu lại rơi vào trạng thái mệt không còn tha thiết cuộc sống. “Tôi sợ cuộc đời này của mình sẽ lệ thuộc hoàn toàn vào máy thở”, Châu chua xót.

Những ngày nản đó càng làm cho quá trình tiến triển sức khỏe của Châu chậm lại. Cơ thể nặng nề dù đã giảm 20 kg trong quá trình nằm hôn mê vẫn khiến cho cô mệt mỏi, lăn trở khó khăn, tập thở cũng vô vàn thách thức.

Mỗi ngày đều có 4 nhân viên y tế luân phiên hỗ trợ vỗ rung, xoay trở cơ thể cho Châu để tránh cơ thể cô bị lở loét. Điều quan trọng nhất trong giai đoạn này với các bác sĩ là giúp Châu nhanh chóng phục hồi chức năng phổi, động viên và hướng dẫn tự thở, cai ô-xy càng sớm càng tốt.

Mọi người hỏi “có sợ không?”, đương nhiên sợ chứ. “Có nản không?”, nản chứ vì không thể ngờ mình rơi vào trường hợp nặng như vậy. Các nhân viên y tế như anh Linh, anh Lực, anh Huy phải nói chuyện động viên rất nhiều, truyền lửa thì mình mới có niềm tin sẽ vượt qua được khó khăn gặp phải.

May mắn của mình được đánh đổi bằng sự không may của nhiều người khác. Châu tự nhủ với mình như vậy, để những ngày sau đó, cô bắt đầu bước vào hành trình nỗ lực hơn nữa để hồi phục.

3.Chỉ muốn ùa về nhà, sà vào lòng mẹ. Đó là cảm xúc trỗi dậy mãnh liệt nhất của Châu khi được sinh ra thêm một lần nữa. Cô bắt đầu thấm sự cô đơn khi bố mẹ và chị gái đang ở nửa vòng bên kia trái đất. Những lúc bi quan, yếu đuối nhất, Châu nén những giọt nước mắt, chỉ dám khóc thầm.

Hơn 30 ngày sau tìm lại được điện thoại bị thất lạc dưới Củ Chi, Châu nhắn tin về cho gia đình bác ruột để cả nhà yên tâm. Cô không dám gọi cho mẹ vì sợ mẹ nhận ra hơi thở còn yếu ớt của mình. Cả gia đình biết, cô đã nhiễm Covid-19, nhưng không một ai mường tượng được, cô con gái út đã vượt qua một hành trình rất dài, rất trắc trở để được sống thêm một lần nữa.

Châu sẽ cố gắng để trở lại cuộc sống lạc quan như trước và ưu tiên đầu tiên là phải giảm cân.

Châu sẽ cố gắng để trở lại cuộc sống lạc quan như trước và ưu tiên đầu tiên là phải giảm cân.

Sút 20 kg trong quá trình nằm viện, Châu đã phần nào thấy nhẹ nhõm hơn gánh nặng cơ thể so với trước. Giờ đây, thi thoảng đọc lại các tin tức về dịch bệnh, xem nguy cơ của người béo phì khi mắc Covid-19, Châu mới thấm thía hơn kỳ tích mà các bác sĩ mang lại cho cô.

45 ngày nằm viện, 20 ngày sống bằng tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO), Nguyễn Ngọc Bảo Châu đã được tái sinh một lần nữa. Covid-19 bằng mọi sự tấn công, làm Bảo Châu suy đa tạng, trụy tim nhưng đã không thể cướp đi sinh mạng của cô gái nặng 110 kg này.

Châu vẫn nhớ câu nói sau cùng trước khi ra viện mà người bác sĩ đã cứu mình từ cửa tử nói: "Sự bình phục của em là món quà tinh thần dành cho chúng tôi. Vì vậy, hãy cố gắng tập luyện để trở lại cuộc sống bình thường mới nhé", vì thế, cô vẫn nỗ lực từng ngày để cơ thể được bình phục.

Sự lạc quan của các bác sĩ trong môi trường áp lực đó làm Châu thay đổi quan điểm sống. “May mắn của tôi chắc chắn phải đánh đổi bằng sự không may của nhiều người khác. Trong khả năng có thể, tôi sẽ làm việc gì đó có ích để giúp đỡ hoàn cảnh khác”, Châu chia sẻ.

2 tuần trở về nhà, cơ thể đang hồi phục khá tốt, Châu đã có thể nói được bình thường, hơi thở bớt mệt mỏi và đã không còn những cơn ho dai dẳng nhưng đôi chân vẫn còn yếu.

Ước nguyện lớn nhất của Châu là sẽ đoàn tụ với gia đình sớm hơn dự định và kế hoạch lớn nhất đời cô giờ là giảm cân và tăng thể lực. “Từ bây giờ đến khi được về sống với bố mẹ, tôi sẽ tập trung vào việc hồi phục sức khỏe, cố gắng tìm hướng đi ý nghĩa hơn là chỉ đi làm kiếm tiền. Công việc trước đây khá stress và đây là thời điểm tốt vừa chăm sóc thể trạng bên ngoài và tinh thần của mình”, Châu tâm sự.

Tổ chức sản xuất: VIỆT ANH
Thực hiện: THIÊN LAM, PHAN ANH, ĐỨC DUY
Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP, ĐOÀN MINH, BỆNH VIỆN CHỢ RẪY