
(*) Bài viết đăng trong sách "Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Một việc làm cần thiết, tất yếu; một xu thế không thể đảo ngược (Tập 2), NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, 2023, tr.229
Báo chí, truyền thông là một binh chủng, là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng, có nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, giáo dục, thuyết phục đông đảo quần chúng thực hiện đường lối của Đảng, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Thực hiện sứ mệnh cao cả đó, báo chí, truyền thông trở thành dòng thông tin chủ lưu định hướng tích cực, thông tin chính xác, kịp thời, khách quan, là bộ lọc tin cậy, được độc giả quan tâm, đón đọc. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng luôn xác định “chống giặc nội xâm” là nhiệm vụ quan trọng; trong đó, báo chí, truyền thông là công cụ hữu hiệu.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tăng cường và có nhiều đổi mới; sự giám sát của các cơ quan dân cử; vai trò của Mặt trận Tổ quốc, của nhân dân và báo chí, truyền thông trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được phát huy tốt hơn... Các cơ quan thông tấn, báo chí đã tích cực vào cuộc, đồng hành cùng Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vừa tuyên truyền, vừa tích cực đấu tranh, phát hiện tham nhũng, tiêu cực, vừa tích cực đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực xấu, thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp tăng cường giám sát”¹ .
1. Báo chí, truyền thông tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo luật định
Xã hội càng phát triển, báo chí, truyền thông càng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống hằng ngày của mỗi quốc gia, dân tộc. Với một lực lượng hùng hậu, các cơ quan báo chí, truyền thông đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam, với hàng nghìn, hàng vạn sản phẩm mỗi năm ở các thể loại báo in, ảnh, phát thanh-truyền hình và báo điện tử, nhiều bài báo gây tiếng vang, được dư luận đánh giá cao, tăng thêm niềm tin của nhân dân với Đảng, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, tăng cao uy tín, tiềm lực đất nước, như Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”2 .
Trước sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội với nhiều tác động tiêu cực, ẩn chứa những nguy cơ phức tạp, khó lường, càng đòi hỏi báo chí, truyền thông luôn phải khẳng định rõ vai trò, vị thế trong môi trường cạnh tranh, là dòng thông tin chủ lực, tin cậy, chính xác, kịp thời, khách quan, là bộ lọc tin cậy để nhân dân quan tâm, nhất là các thông tin phản ánh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có những vấn đề nhạy cảm, có sự khó khăn trong xây dựng, đăng tải tin bài trên báo chí, truyền thông.

Với một lực lượng hùng hậu, các cơ quan báo chí, truyền thông đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. (Ảnh: NHÂN DÂN)
Với một lực lượng hùng hậu, các cơ quan báo chí, truyền thông đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. (Ảnh: NHÂN DÂN)
Để báo chí, truyền thông phát huy vai trò trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng, Nhà nước đã xây dựng và ban hành luật định.
Điều 75 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định trách nhiệm của cơ quan báo chí và nhà báo trong phòng, chống tham nhũng như sau:
(1) Cơ quan báo chí, nhà báo có trách nhiệm đấu tranh chống tham nhũng, đưa tin về hoạt động phòng, chống tham nhũng và vụ việc tham nhũng. (2) Cơ quan báo chí, nhà báo có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin liên quan đến hành vi tham nhũng. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật về báo chí và quy định khác của pháp luật có liên quan. (3) Cơ quan báo chí, nhà báo có trách nhiệm phản ánh khách quan, trung thực và chấp hành các quy định khác của pháp luật về báo chí, quy tắc đạo đức nghề nghiệp khi đưa tin về hoạt động phòng, chống tham nhũng và vụ việc tham nhũng.
Điều 13 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) còn quy định cụ thể về việc họp báo, phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; khoản 1 Điều 14 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, có trách nhiệm cung cấp thông tin về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó cho cơ quan báo chí; khoản 1 Điều 15 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định về trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người được phân công, người được ủy quyền hợp pháp để thực hiện trách nhiệm giải trình.
2. Báo chí, truyền thông với công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Huy động sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn xã hội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Công tác thông tin tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành, phát triển ý thức pháp luật và lối sống theo pháp luật.
Trên thực tế, báo chí có nhiều hình thức, cách thức để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Báo chí truyền tải thông tin về phòng, chống tham nhũng thông qua rất nhiều kênh khác nhau: 1) Các xuất bản phẩm chính thức về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; 2) Các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về các vụ việc tham nhũng, tiêu cực; 3) Sách, báo lý luận, thực tiễn về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; 4) Phim ảnh có nội dung về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; 5) Giao tiếp giữa các cá nhân, các chuyên gia, nhà quản lý về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; 6) Giáo dục, đào tạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên báo chí; 7) Các bài giảng, nói chuyện chuyên đề của các luật gia, chuyên gia về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; 8) Đưa tin về xây dựng pháp luật, áp dụng pháp luật phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, v.v.. Thông qua các hình thức như: tọa đàm về pháp luật, các cuộc thi tìm hiểu về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đưa tin về các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, báo chí, truyền thông đã góp phần phản ánh thực tiễn thi hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng, định hướng dư luận xã hội, ủng hộ, biểu dương người tốt, việc tốt trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lên án, phê phán những biểu hiện tiêu cực, những hành vi tham nhũng, tiêu cực, tạo niềm tin vào công lý, vào pháp luật trong mọi tầng lớp nhân dân.
Báo chí, truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các diễn đàn để người dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, phản ánh những kiến nghị; đề xuất về chính sách, về những quy định pháp luật chưa thực sự phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
Báo chí, truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các diễn đàn để người dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, phản ánh những kiến nghị; đề xuất về chính sách, về những quy định pháp luật chưa thực sự phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Việc vận động nhân dân tham gia phòng, chống tham nhũng nhằm mục tiêu “xây” và “chống”: “xây” là vận động nhân dân tham gia phòng ngừa tham nhũng; “chống” tham nhũng là vận động nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên với hình thức theo dõi, phản ánh, tố cáo, tố giác, báo tin nhanh về hành vi tham nhũng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Sức mạnh và động lực to lớn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là sự đồng tình, ủng hộ, hưởng ứng, tham gia tích cực của nhân dân và cả hệ thống chính trị, báo chí”3.

3. Báo chí, truyền thông đóng vai trò quan trọng phát hiện các vụ tham nhũng, tiêu cực
Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện quy chế, chương trình phối hợp trong công tác thông tin, tuyên truyền về nội chính và phòng, chống tham nhũng giữa Ban Nội chính Trung ương với Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam được tổ chức vào cuối năm 2021; đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khẳng định, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua có bước đột phá là nhờ sự đóng góp rất quan trọng của báo chí nói chung và của các cơ quan báo chí phối hợp nói riêng. Các cơ quan báo chí đã thể hiện rõ vai trò xung kích, đi đầu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ quyền lợi của nhân dân; là tai mắt của Đảng, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.
Thực tiễn ở Việt Nam những năm qua cho thấy, đa số các vụ việc tham nhũng lớn là do báo chí phát hiện, đưa tin, sau đó các cơ quan điều tra mới vào cuộc. Báo chí đã có vai trò rất quan trọng trong việc điều tra các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.
Các cơ quan truyền thông, báo chí là đồng minh hết sức quan trọng của người dân trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực. Thực tiễn ở Việt Nam những năm qua cho thấy, đa số các vụ việc tham nhũng lớn là do báo chí phát hiện, đưa tin, sau đó các cơ quan điều tra mới vào cuộc. Báo chí đã có vai trò rất quan trọng trong việc điều tra các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Nhiều vụ việc có dấu hiệu tham nhũng đã được báo chí phát hiện, ví dụ: Vụ “con bạc triệu đô” Bùi Tiến Dũng và tiêu cực lớn ở PMU18; vụ cán bộ lãnh đạo thị xã Đồ Sơn (Hải Phòng) chia chác hàng chục mảnh đất trị giá hàng tỉ đồng; vụ siêu lừa đảo Nguyễn Đức Chi cùng dự án Rusalka, Khánh Hòa; vụ lừa đảo do Nguyễn Lâm Thái cầm đầu; vụ tham nhũng của cựu đại biểu Quốc hội Mạc Kim Tôn; vụ “ăn chặn” tiền cứu trợ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh); vụ đề án tin học hóa các hoạt động hành chính nhà nước (Đề án 112); vụ Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ; vụ vi phạm trong giải phóng mặt bằng cầu Thanh Trì (Hà Nội); vụ chạy hạn ngạch (quota) dệt may tại Bộ Thương mại; vụ trục lợi bảo hiểm xảy ra tại Công ty Cổ phần bảo hiểm Petrolimex (PJICO); vụ Ban quản lý dự án Đại lộ Đông - Tây và Môi trường nước Thành phố Hồ Chí Minh; dự án xây dựng cầu Bãi Cháy; vụ Vinashin... Gần đây là các vụ của các đối tượng Dương Chí Dũng, Nguyễn Đức Kiên, Huỳnh Thị Huyền Như, Phạm Công Danh...

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm nghe tuyên án, năm 2018. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm nghe tuyên án, năm 2018. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Báo chí, truyền thông có nhiều hình thức phát hiện những vụ việc tham nhũng, tiêu cực, chẳng hạn như qua Thư bạn đọc gửi đến cơ quan báo chí, phóng viên; thông qua việc tiếp nhận các phản ánh, tố cáo của người dân, báo chí xác minh tìm ra các tài liệu, chứng cứ xác thực để chuyển tới công luận và các cơ quan tư pháp. Thực hiện những biện pháp điều tra đặc thù của nghiệp vụ báo chí để phát hiện những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng. Trong vụ án Trịnh Xuân Thanh, báo chí đã có vai trò rất quan trọng trong việc phát hiện, điều tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Để kiểm soát quyền lực, việc đầu tiên là công khai, minh bạch, nếu cần phải giải trình. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Tăng cường công khai, minh bạch, giám sát, kiểm soát quyền lực; xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để “không muốn”, “không cần” tham nhũng, tiêu cực”4 .
4. Báo chí, truyền thông giám sát việc thực thi pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng phải cổ vũ, động viên sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, huy động sức mạnh của toàn dân trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, “làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp” như Bác Hồ đã dạy”5.
Cơ quan báo chí có trách nhiệm tham gia vào việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; hợp tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khi đưa tin cần bảo đảm tính chính xác, trung thực, khách quan và phải chịu trách nhiệm về nội dung của thông tin đã đưa. Báo chí có vai trò quan trọng trong việc tạo áp lực để các cơ quan chức năng phải tăng cường trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra, truy tố, xét xử hành vi tham nhũng, tiêu cực. Ngoài ra, báo chí cũng phản ánh đa chiều, khách quan, công bằng về các vụ việc liên quan đến tham nhũng, tiêu cực.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Các cơ quan thông tấn, báo chí đã tích cực vào cuộc, đồng hành cùng Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vừa tuyên truyền, vừa tích cực đấu tranh, phát hiện tham nhũng, tiêu cực, vừa tích cực đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực xấu, thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”6.
Những năm gần đây, Đảng, Nhà nước đã vinh danh báo chí trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua các giải báo chí. Tiêu biểu như Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” được dư luận đánh giá cao và có những tác động tích cực với xã hội và những người làm báo.

5. Một số giải pháp tăng cường phát huy vai trò của báo chí trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam
Thứ nhất, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng các phóng viên báo chí đưa tin tham nhũng, tiêu cực, chú trọng lương tâm của người cầm bút với đồng bào, Tổ quốc.
Yếu tố quyết định đến hiệu quả của truyền thông trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nằm ở chính việc xây dựng một đội ngũ làm truyền thông có đức và có tài.
Nhiều phóng viên muốn câu like đưa tin chưa khách quan, chưa chính xác, làm sai lệch bản chất vụ việc, đưa ra những bình luận vượt quá thẩm quyền của báo chí. Có trường hợp do phóng viên báo chí hạn chế về năng lực, có động cơ cá nhân hoặc cạnh tranh, câu khách giữa các cơ quan báo chí, truyền thông.
Các nhà báo luôn khắc ghi quan điểm: Làm báo là làm chính trị. Chính trị phải đúng. Những người cầm bút cần phải có lương tri, trách nhiệm nghề nghiệp với đồng bào, với Tổ quốc Việt Nam. Cần tự hỏi mình viết cho ai, viết vì ai và viết để làm gì? Nhà báo cần trung thực, ngay thẳng, trong sạch để có sự tin tưởng của người dân.
Các nhà báo luôn khắc ghi quan điểm: Làm báo là làm chính trị. Chính trị phải đúng. Những người cầm bút cần phải có lương tri, trách nhiệm nghề nghiệp với đồng bào, với Tổ quốc Việt Nam. Cần tự hỏi mình viết cho ai, viết vì ai và viết để làm gì? Nhà báo cần trung thực, ngay thẳng, trong sạch để có sự tin tưởng của người dân.
Báo chí khi cung cấp thông tin cần phải tuân thủ nguyên tắc tôn trọng sự thật, phản ánh đúng bản chất vấn đề. Khen ngợi, biểu dương cần đúng mực, không nên tô hồng, hoặc khi lên án, phê phán cũng không bôi đen.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “tăng cường thông tin, tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái, hành vi tham nhũng, tiêu cực; bảo vệ, khen thưởng, động viên những người làm báo dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Thiết lập cho được cơ chế để nhân dân giám sát, kiểm soát quyền lực thật sự có hiệu lực, hiệu quả, không để xảy ra tình trạng quan liêu, lạm quyền, lợi dụng quyền lực, phạm các sai lầm nghiêm trọng"7.
Thứ hai, tiếp tục phát huy những mặt tích cực của báo chí trong việc đưa tin, bài về tham nhũng, tiêu cực.
Báo chí có thuộc tính chung là phổ cập, thường ngày, kịp thời. Đây là những thuộc tính mà không phải thiết chế xã hội nào cũng có được. Những đặc tính này cho phép báo chí có thể tác động mạnh đến nhận thức của mọi chủ thể trong xã hội về phòng, chống tham nhũng. Việc thực hiện tốt chức năng của báo chí có ý nghĩa quan trọng đến việc hình thành, phát triển ý thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thông tin pháp luật có thể tăng cường hoặc làm suy yếu ý thức pháp luật, hành vi hay lối sống đang tồn tại; cũng có thể làm thay đổi ý thức pháp luật, hành vi hay lối sống theo pháp luật đã cũ; có thể hình thành ý thức pháp luật, hành vi và lối sống theo pháp luật mới.
Mỗi người sẽ thu nhận thông tin pháp luật từ báo chí, qua bộ lọc của riêng họ. Vì vậy, cần phải cân nhắc các đặc điểm tâm lý-xã hội và những nhân tố khác trong việc truyền tải thông tin về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chẳng hạn trình độ học vấn, nghề nghiệp, lợi ích, nhu cầu, đặc điểm tâm lý, địa vị xã hội...
Để phát huy tốt vai trò của báo chí cũng rất cần phải xây dựng nội dung, chương trình đưa tin phù hợp với đối tượng, xây dựng được kế hoạch phối hợp chặt chẽ trong hoạt động báo chí, và hoạt động xây dựng pháp luật, thực thi pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời cũng cần mở rộng dân chủ, tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động xây dựng pháp luật, áp dụng pháp luật, bảo đảm phát triển bền vững.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Các cơ quan truyền thông cần đăng tin, bài định hướng đúng đắn dư luận xã hội để thấy rõ những kết quả tích cực của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, cũng như những hạn chế, yếu kém, những khó khăn, phức tạp; khẳng định rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng. Khắc phục tình trạng thông tin một chiều, thông tin không chính xác, mang tính kích động, gây hoang mang hoặc quy kết về tội danh, mức án trước khi xét xử. Bảo vệ, khen thưởng, động viên những người làm báo tích cực, dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng; xử lý nghiêm khắc việc đưa tin sai sự thật, vu cáo, bịa đặt, gây hậu quả xấu. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và các cơ quan chức năng phải chủ động cung cấp một cách kịp thời, đúng pháp luật cho các cơ quan báo chí những thông tin có liên quan đến tham nhũng"8.

Phóng viên Truyền hình Công an nhân dân cùng các đồng nghiệp tác nghiệp tại Trung tâm Báo chí Đại hội XIII của Đảng. (Ảnh: TTXVN)
Phóng viên Truyền hình Công an nhân dân cùng các đồng nghiệp tác nghiệp tại Trung tâm Báo chí Đại hội XIII của Đảng. (Ảnh: TTXVN)
Thứ ba, trao quyền và tăng cường sự tham gia của người dân một cách thực chất trong hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Báo chí phải được trao quyền, được đặt ở vị trí khách quan, độc lập để phản biện, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Những vụ tham nhũng lớn thường diễn ra ở khu vực công, do đó báo chí chỉ có thể độc lập phơi bày những vụ việc tham nhũng ra ánh sáng khi báo chí được nhìn nhận là một thiết chế xã hội, với sự đồng hành của người dân. Người dân được tham gia sâu hơn vào hoạt động quản lý nhà nước. Mỗi cá nhân, công dân không giản đơn là chủ thể chịu tác động thụ động từ chính sách, pháp luật, mà cần là chủ thể tích cực, chủ động, có bản lĩnh, có văn hóa trong việc thực thi pháp luật, trong đấu tranh chống tham nhũng. Sự tham gia của người dân có ý nghĩa rất quan trọng vừa bảo đảm dân chủ, vừa tạo lập sự ủng hộ, tin tưởng của người dân, vừa thông qua đó có thể giáo dục cho công chúng, vừa tận dụng được trí tuệ, chất xám, ý kiến của người dân. Không những thế, sự tham gia của người dân còn là điều kiện, là môi trường tốt cho văn hóa công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Yếu tố quyết định đến hiệu quả của truyền thông trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là việc xây dựng đội ngũ phóng viên, người làm báo có tâm, có tầm và có tài. Do vậy, cần chú trọng đào tạo và đào tạo lại các phóng viên báo chí chuyên sâu về lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chú trọng đạo đức của người cầm bút, với tinh thần làm nghề vì lợi ích của Tổ quốc và nhân dân.
Yếu tố quyết định đến hiệu quả của truyền thông trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là việc xây dựng đội ngũ phóng viên, người làm báo có tâm, có tầm và có tài.
Báo chí, truyền thông cần thực hiện tốt nhiệm vụ: “Chủ động, kịp thời cung cấp thông tin thiết yếu và tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân trong đấu tranh phòng, chống suy thoái đạo đức, lối sống, các thông tin về tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tệ nạn xã hội; biểu dương nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt”9. “Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục”10. Thực tế chứng minh “phòng, chống tiêu cực mà trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tức là trị tận gốc của tham nhũng”11.

Phóng viên cơ quan báo chí trong nước tác nghiệp tại Trung tâm Báo chí Đại hội XIII của Đảng. (Ảnh: TTXVN)
Phóng viên cơ quan báo chí trong nước tác nghiệp tại Trung tâm Báo chí Đại hội XIII của Đảng. (Ảnh: TTXVN)
Trước sự cạnh tranh của truyền thông mạng xã hội, mỗi nhà báo, phóng viên và toàn tòa soạn phải thực hiện những nguyên tắc chuẩn mực của nhà báo cách mạng. Chuẩn mực trong đưa tin, bình luận, phân tích và định hướng dư luận xã hội. Vấn đề nêu cao đạo đức nghề nghiệp được đặt lên hàng đầu, gắn với trách nhiệm làm nghề trở thành vấn đề nóng bỏng, sống còn của báo chí, truyền thông.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Một tờ báo có ảnh hưởng trong dân chúng rất mạnh”12. Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “tập trung đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý báo chí, phóng viên, biên tập viên có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức trong sáng và tinh thông nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền”13. Đồng thời kiên quyết “xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với các cơ quan báo chí, phóng viên đăng tải thông tin chưa được xác minh, kiểm chứng, không có cơ sở, căn cứ, gây ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội”14
Báo chí, truyền thông cần bám sát thực tiễn sinh động; nhà báo, phóng viên cần xông pha nơi đầu sóng, ngọn gió, thông tin kịp thời, phân tích sâu sắc những diễn biến hằng ngày trên các lĩnh vực, ở khắp mọi miền của Tổ quốc; phản ánh, tuyên truyền, nhân lên các điển hình tiên tiến; chủ động đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, trì trệ, tham nhũng, lãng phí.
Báo chí, truyền thông tích cực tham gia giám sát, phản biện, đóng góp ý kiến xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nắm vững nguyên tắc “chống” phải bắt đầu từ “xây,” “chống” bằng thái độ “xây”, “xây” thật tốt cũng là để “chống” thật tốt. Báo chí, truyền thông chính thống cần lan tỏa thông tin tích cực, nâng cao nhận thức của nhân dân trước các thông tin sai sự thật.
Báo chí, truyền thông có nhiệm vụ quan trọng là phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, lan tỏa năng lượng tích cực, các kinh nghiệm tốt, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội, khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, tạo thành sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên thành nước phát triển. Thực hiện “Đôi cánh cho Việt Nam bay lên thì một bên là sức mạnh tinh thần, một bên là sức mạnh vật chất dựa trên công nghệ”.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Tăng cường quản lý và định hướng hoạt động của các cơ quan báo chí”15, “tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên internet"16. Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Đó chính là định hướng cho báo chí, truyền thông bắt kịp thực tiễn của xã hội, trong đó có vấn đề nóng bỏng là phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Do vậy, báo chí, truyền thông cùng lúc thực hiện hai vai trò vừa tuyên truyền, phổ biến, cổ vũ những nhân tố tích cực, vừa đấu tranh, lên án chống lại tham nhũng, tiêu cực trong xã hội. Chúng ta có thể thấy được rằng, thực tế thì nạn tham nhũng, tiêu cực ngày càng nhiều mà chỉ có báo chí, truyền thông là kênh thông tin, là tai mắt của nhân dân có thể đưa tin và lên án những hành vi tham nhũng đó nhanh chóng, chính xác và tin cậy. Công khai, trung thực khi đưa tin, báo chí sẽ giúp cho người dân có cái nhìn tổng quát hơn. Đặc biệt thông qua báo chí, người dân cũng có thể tố cáo, trình bày quan điểm về các vấn nạn tham nhũng hiện nay, cũng như giúp người dân ý thức được về nạn tham nhũng và từ đó có nếp sống lành mạnh hơn.
Hiện nay, tham nhũng, tiêu cực đã xuất hiện trong cuộc sống thường ngày, trên tất cả các lĩnh vực. Tham nhũng, tiêu cực vừa gây thiệt hại kinh tế, cản trở sự phát triển của đất nước, đi ngược lại chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. Đây là cuộc chiến đấu khổng lồ, là việc làm cần thiết, đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, thành xu thế không thể đảo ngược, được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân đánh giá cao, bạn bè quốc tế ghi nhận”17. Trong mặt trận đó, báo chí, truyền thông đóng vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Trình bày: BÔNG MAI