Sau khi có nhiều ý kiến về những bất cập trong cấp hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động là F0, nhất là F0 điều trị tại nhà, các cơ quan chức năng đã cải thiện quy trình, thủ tục cấp các giấy tờ cho người lao động đúng quy định để bảo đảm được chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội.

Đơn giản hóa thủ tục cho người dân

Là một bệnh nhân mắc Covid-19 (F0) điều trị tại nhà, ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội, chị V.T.H chia sẻ, thời điểm chị mắc Covid-19 là vào giữa tháng 2/2022. Khi ấy, quy định tại phường vẫn yêu cầu những ai là F0 phải ra mang que test ra phường xét nghiệm để được công nhận là F0 và công bố khỏi bệnh. Để có thể nhận được giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định chị phải tự chuẩn bị giấy này, điền sẵn thông tin và chuyển trạm y tế phường xin xác nhận, phải đi lại nhiều lần.

Tuy nhiên, hiện nay (đến ngày 6/3), theo chị H., việc quản lý F0 tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, đã được cải thiện rất nhiều. Các F0 không phải mang que test ra y tế phường để được xét nghiệm công nhận là F0 và công bố khỏi bệnh, mà chỉ phải khai báo trực tuyến theo hướng dẫn. Thông tin của người bệnh sẽ được tổng hợp, sau đó y tế phường sẽ cấp quyết định cách ly và công nhận khỏi bệnh chuyển về tổ dân phố. Đại diện tổ dân phố sẽ có trách nhiệm nhận và chuyển các giấy tờ này đến từng hộ gia đình. Việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định cũng được cải thiện.

Đợt tôi bị F0, những ai là F0 như tôi muốn xin giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội phải tự chuẩn bị mẫu giấy chứng nhận rồi tự kê khai. Khi có kết quả trả giấy tờ, mọi người phải tự tìm, tự lấy giấy chứng chận của mình, gây mất thời gian, khiến nhiều người bị thất lạc.

Nhưng chồng tôi bị F0 thời gian sau, khi ra xin giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội thì tại y tế phường đã chuẩn bị sẵn Giấy chứng nhận đóng thành quyển với 2 liên, người dân tự điền thông tin và được phường cấp ngay cho liên 2.
- Chị H. chia sẻ -

Trước khi có quy định mới, người dân là F0 tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội phải xếp hàng từ nửa tiếng trở lên để tới lượt lấy mẫu. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Trước khi có quy định mới, người dân là F0 tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội phải xếp hàng từ nửa tiếng trở lên để tới lượt lấy mẫu. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Tuy nhiên, chị H. có một chút băn khoăn về giấy chứng nhận nghỉ việc của mình được cấp chưa được đúng hoàn toàn theo mẫu hướng dẫn.

“Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội của tôi ban đầu được cấp nhưng mục “Chẩn đoán phương pháp điều trị” và “Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh” lại bị bỏ trống. Sau đó, tôi lại phải ra y tế phường hỏi lại thì được bổ sung chữ ký mục “Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh” nhưng mục “Chẩn đoán phương pháp điều trị” lại vẫn bị bỏ trống do phía y tế phường nói là “không cần thiết”. Hồ sơ của cả hai vợ chồng tôi đã gửi đi rồi nhưng không biết có được bên bảo hiểm xã hội chấp nhận giải quyết không?”, chị H. băn khoăn.

Để tạo điệu kiện thuận lợi và giải quyết công việc được nhanh gọn hơn nữa, tránh tập trung đông người. Mới đây, ngày 4/3, Trạm Y tế phường Hoàng Liệt ra thông báo, sẽ triển khai giải quyết những thủ tục liên quan các trường hợp F0 sinh sống riêng tại Khu chung cư HH Linh Đàm trực tiếp tại nhà sinh hoạt cộng đồng của khu chung cư, thời gian từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần trong giờ hành chính. Quyết định này đã nhận được sự đồng tình rất cao của cư dân khu chung cư này.


Thực tế, ở thời điểm hiện nay, rất nhiều F0 tại phường Hoàng Liệt chưa được nhận các giấy tờ liên quan để hưởng các chế độ, chính sách, phần nhiều là do đây là một trong những phường có mật độ dân cư cao tại Hà Nội. Tuy nhiên, các thủ tục khai báo đã được cải thiện đáng kể, thuận tiện hơn nhiều, giảm tải áp lực, vất vả cho nhân viên y tế cũng như người dân.

Tương tự, chị P.T.T, phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, cho biết, tại phường chị, các F0 cũng được quản lý trực tuyến. Cả nhà chị trở thành F0 nhưng cũng chỉ cần gọi tới y tế phường và được hướng dẫn khai báo, không phải đi lại nhiều.

“Khi cả nhà bị F0, tôi gọi điện tới y tế phường và được hướng dẫn, gửi đường link khai báo theo dõi F0 điều trị tại nhà của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Đại diện của phường cũng chủ động trao đổi với tôi qua Zalo gửi thông tin thẻ bảo hiểm y tế để cấp giấy chứng nhận hưởng chế độ bảo hiểm. Mọi thứ đều được giải quyết trực tuyến, rất thuận tiện”, chị P.T.T chia sẻ.

Trước đó, ngày 1/3, Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội đã có công văn số 651/BHXH-CĐBHXH về việc giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động điều trị Covid-19.

Theo đó, để thực hiện kịp thời việc giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động điều trị Covid-19, Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội yêu cầu bảo hiểm xã hội các quận, huyện, thị xã, các phòng nghiệp vụ chủ động phối hợp Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã hướng dẫn các trạm y tế xã, phường, thị trấn có trách nhiệm cấp kịp thời giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với người lao động điều trị Covid-19 (F0).

Đồng thời, hướng dẫn các trạm y tế cập nhật thông tin người điều trị Covid-19 đã được cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội lên Cổng thông tin giám định bảo hiểm xã hội của Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo quy định. Thực hiện đăng ký mẫu dấu, mẫu chữ ký y, bác sĩ của các cơ sở khám, chữa bệnh.

Đối với hồ sơ, giấy tờ do người lao động cung cấp chưa đúng quy định tại Thông tư số 56/2017/TT-BYT, hướng dẫn người lao động đến cơ sở khám, chữa bệnh điều trị bệnh nhân để hoàn thiện và cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định.

Trước đó, Sở Y tế TP Hà Nội đã có Công văn 415/SYT-NVY ngày 21/1/2022 hướng dẫn cụ thể về hồ sơ quản lý theo dõi, điều trị người nhiễm Covid-19. Trong đó, yêu cầu Trạm y tế nơi quản lý, điều trị bệnh nhân có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo mẫu tại Phụ lục 7 Thông tư 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế (sau đây gọi tắt là Thông tư 56).

Hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội là F0 để được hưởng trợ cấp ốm đau.

Hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội là F0 để được hưởng trợ cấp ốm đau.

Không thể cùng lúc nhận cả lương và chế độ ốm đau

Nhân viên y tế quận Hoàng Mai lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho các F0 tại Nhà văn hóa phường Hoàng Liệt. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Nhân viên y tế quận Hoàng Mai lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho các F0 tại Nhà văn hóa phường Hoàng Liệt. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Một chuyên gia về chính sách bảo hiểm xã hội nhấn mạnh, Luật Bảo hiểm xã hội có quy định chi trả chế độ ốm đau dành cho những lao động bị ốm đau, trong đó có lao động mắc Covid-19. Tuy nhiên, chế độ này chỉ thanh toán với những ngày người lao động ốm phải nghỉ việc không hưởng lương, với mức hưởng bằng 75% mức lương đóng bảo hiểm xã hội. Do mức chi trả 75% này thấp hơn thù lao của chính sách làm việc online hay nghỉ phép năm hưởng nguyên lương, nên cũng có một bộ phận người lao động không quan tâm nhiều tới chính sách của bảo hiểm xã hội.

Nếu trong những ngày người lao động là F0 ở nhà nhưng vẫn hưởng lương do nghỉ phép, hoặc làm việc online; cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ không thanh toán chế độ ốm đau cho người tham gia. Người lao động sẽ không thể vừa nghỉ hưởng chế độ ốm đau, vừa nhận 100% tiền lương trong những ngày nghỉ phép năm.

Đối với những người lao động làm việc khối văn phòng, khi mắc Covid-19, họ có thể duy trì làm việc online và không bị ảnh hưởng nhiều đến thu nhập. Tuy nhiên, với đội ngũ người lao động trực tiếp sản xuất tại các đơn vị sử dụng lao động, chế độ ốm đau của bảo hiểm xã hội rất quan trọng với cuộc sống của họ, bởi lẽ mỗi ngày nghỉ làm họ đều có khả năng bị trừ lương.

Cần sớm gỡ những bất cập

Luật sư Nguyễn Danh Huế, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Luật Hừng Đông, Hà Nội, cho biết, đến thời điểm hiện tại, chưa có sự đồng bộ về biểu mẫu văn bản chứng nhận nghỉ ốm tại các cơ sở điều trị, dã chiến, trạm y tế cơ sở. Biểu mẫu tiêu chuẩn để được hưởng bảo hiểm xã hội được quy định tại Thông tư 56 của Bộ Y tế. Tuy nhiên, rất nhiều F0 sau khi khỏi bệnh chỉ được cấp giấy chứng nhận ra viện hoặc hoàn thành điều trị, cách ly. Vì lý do đó, người lao động có thể gặp khó khăn khi thực hiện việc thanh toán chế độ với cơ quan bảo hiểm xã hội.

Hơn thế nữa, hiện nay có rất nhiều F0 điều trị tại nhà bởi đa số triệu chứng nhẹ, không bắt buộc họ tới cơ sở khám, chữa bệnh. Trong khi đó, hiện nay chưa có quy định, hướng dẫn thống nhất về việc cấp các giấy tờ làm hồ sơ căn cứ hưởng bảo hiểm xã hội với F0 điều trị tại nhà.

Trong tình hình dịch bệnh và số lượng F0 lên đến hơn 142.000 ca/ngày như trong ngày 6/3, việc rập khuôn chỉ chi trả khi có giấy chứng nhận nghỉ ốm hưởng bảo hiểm theo Thông tư 56/2017 của Bộ Y tế là bất hợp lý, gây phiền nhiễu và khó khăn cho người lao động. Điều này cũng tạo gánh nặng cho các cơ sở khám, chữa bệnh cũng như trạm y tế cơ sở khi số lượng phải điều trị, xác nhận tăng cao.
- Luật sư Nguyễn Danh Huế, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Luật Hừng Đông, Hà Nội -

Vì vậy, để bảo đảm quyền lợi cho người lao động và đồng thời giảm tải ngay cho hệ thống y tế cơ sở, cần có phương án tối tối ưu hóa viêc xác nhận. Đối với các văn bản có nội dung tương tự Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, có thể sử dụng các ứng dụng như PC-Covid hay Sổ sức khỏe điện tử để xác nhận.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hiền, Tổ phó tổ dân phố số 3, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội trao giấy chứng nhận cho các trường hợp F0 đã khỏi bệnh điều trị tại nhà. (Ảnh: MINH QUYẾT/TTXVN)

Bà Nguyễn Thị Thanh Hiền, Tổ phó tổ dân phố số 3, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội trao giấy chứng nhận cho các trường hợp F0 đã khỏi bệnh điều trị tại nhà. (Ảnh: MINH QUYẾT/TTXVN)

Mới đây nhất, đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng đã lên tiếng đề nghị tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong giải quyết chế độ với lao động là F0 điều trị tại nhà.

Cụ thể, ngày 3/3, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Y tế phản ánh kiến nghị của người lao động về việc xin giấy xác nhận F0 và hồ sơ hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội.

Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề nghị Bộ Y tế quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết kịp thời việc xác nhận người lao động bị nhiễm Covid-19, tránh trường hợp người lao động phải đi lại nhiều lần và gây mất an toàn trong công tác phòng, chống dịch.

Trường hợp các cơ sở y tế có thẩm quyền bị quá tải, đề nghị xem xét việc ứng dụng công nghệ thông tin để người lao động tự đăng ký, khai báo ca bệnh F0 hoặc có giải pháp tăng cường sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn để có thêm nguồn lực cho công tác này.

Đồng thời, cần khẩn trương ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế để hướng dẫn hồ sơ thủ tục hưởng trợ cấp ốm đau cho phù hợp tình hình thực tế công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay và bảo đảm quyền lợi bảo hiểm xã hội của người lao động.

Trường hợp chưa thể ban hành ngay Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 56/2017/TT-BYT trong đầu tháng 3/2022, đề nghị có văn bản hoặc họp báo để thông tin, giải thích các thắc mắc về chế độ, chính sách cho người bị mắc Covid-19, để họ yên tâm điều trị bệnh, tránh tình trạng người lao động hoang mang, lo lắng do thiếu thông tin như hiện nay.

Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Vướng mắc trong giải quyết chế độ cho người lao động là F0 điều trị tại nhà cần phải xử lý sớm. Nếu không xử lý vấn đề này gây vướng mắc tới một số việc như nữ lao động nuôi con thế nào...

Căn cứ Điều 29 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, sau khi điều trị các bệnh khác, trong đó có Covid-19, nếu người lao động đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian trong một năm theo quy định mà trong vòng 30 ngày trở lại làm việc, sức khỏe của người lao động vẫn chưa hồi phục thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.

Thời gian nghỉ hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe trong trường hợp này sẽ do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định:

+ Tối đa không quá 10 ngày đối với người lao động sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do mắc bệnh cần chữa trị dài ngày;

+ Tối đa 7 ngày đối với người lao động sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do phải phẫu thuật;

+ Bằng 5 ngày đối với các trường hợp khác.

Mức tiền được hưởng trong thời gian nghỉ dưỡng sức là 30% mức lương cơ sở, tức là 447.000 đồng/ngày.

NĂM 2021:
> 7,8 triệu lượt người hưởng chế độ trợ cấp ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe

— Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam


Ngày xuất bản: 7/3/2022
Tổ chức thực hiện: HỒNG VÂN, LÊ NGÂN
Nội dung: LÊ NGÂN, BÔNG MAI
Ảnh: THÀNH ĐẠT, TTXVN
Trình bày: BÔNG MAI