25 năm sau bão Linda:
Nỗi ám ảnh và bài học đắt giá
25 năm trước, cơn bão Linda đã khiến “trụ cột” của hàng nghìn gia đình ngư dân ở vùng “đất 9 rồng” (trong đó Cà Mau là tâm bão) nằm lại mãi mãi ở vùng biển sâu vốn hiền hòa, lặng sóng. Ở xã Khánh Hội, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, những cái tên hành chính của một ngôi làng, một thôn xóm được thay bằng cụm từ đầy day dứt “Làng góa phụ”, “Xóm không chồng”. Bão Linda đã để lại nỗi ám ảnh và những bài học đắt giá cho công tác phòng chống bão.
Cơn bão lớn gần trăm năm mới có
Những ngày cuối tháng 10 năm 1997, như thường lệ, ngư dân xã Khánh Hội, huyện U Minh, Cà Mau lại giong tàu ra khơi đón bình minh trên biển. Phía bờ cát dài đất liền, những người vợ vẫn ngồi miệt mài đan lưới, mắt dõi về phía biển xa trong giấc mơ tôm cá đầy ghe ngày chồng trở về.
Thế nhưng, họ không nghĩ thảm họa đã bắt đầu trực chờ trên đại dương xa – nơi gần 100 năm chưa từng có bão.
Theo tài liệu của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, đêm 31/10/1997, một vùng áp thấp trên khu vực nam Biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, cách đảo Trường Sa khoảng 350km về phía đông đông nam. Áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây. Đến trưa 1/11/1997, áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 5, có tên quốc tế là Linda. Sau khi hình thành, bão số 5 di chuyển tương đối ổn định theo hướng giữa tây và tây tây bắc, tốc độ khoảng 22-23km/h, đồng thời mạnh lên.
Vào thời điểm này, ngoài khu vực biển cách bờ chừng hơn 10 hải lý, các ngư dân chưa biết "tử thần" đang kéo về. Những con thuyền nhỏ vẫn thong dong buông lưới giữa khơi xa. Trên những căn chòi nhỏ bé chon von như tổ chim giữa đại dương, ngư dân vẫn ngồi chờ những mẻ tôm cá đầy. Trời vẫn trong vắt, thi thoảng gợn lên những cồn mây trắng. Trên vùng biển Cà Mau, vào thời điểm đó có tới hơn 700 tàu thuyền, hàng ngàn con người vẫn ung dung đánh bắt.
Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân, ông Hai (xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời) nhớ lại, dù đã nghe tin bão, nhưng không mấy người quan tâm vì xứ này, cả trăm năm chưa ai biết bão lớn là thế nào.
Nhưng khác với làng xóm, chẳng hiểu sao hôm đó lòng ông Hai đã nóng như lửa đốt, ông lọ mọ chằng lại căn nhà lá dựng tạm bên bờ sông Đốc. Đến cuối giờ chiều, tiếng gió rít mạnh dần lên, sóng từ mé rừng ngập mặn ràn rạt đánh liên hồi vào bờ.
Sáng sớm 2/11/1997, bão đạt cường độ cấp 9-10, giật trên cấp 10 khi còn cách Côn Đảo khoảng 100km về phía đông. Khoảng 11-12 giờ trưa cùng ngày, trung tâm bão đã đi sát ngay phía nam Côn Đảo. Theo số liệu gió quan trắc tại đảo, khi đó bão Linda đã đạt cường độ mạnh nhất (cấp 10-11, giật trên cấp 12).
Đêm ngày 2/11, bão Linda đã đổ bộ vào hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu với sức gió cấp 10, giật trên cấp 11. Những dãy chòi tý hon ngoài khơi xa ngay lập tức bị cuốn bay tan tác hàng chục người trên chòi canh rơi xuống biển.
Khoảng 19 giờ tối 2/11/1997, tâm bão đi vào địa phận Bạc Liêu – Cà Mau rồi đi vào vịnh Thái Lan.
Cơ quan khí tượng thủy văn nhận định, bão Linda là cơn bão có tốc độ di chuyển khá nhanh, khoảng trên 20km/h. Từ khi bão hình thành đến lúc đổ bộ vào đất liền chỉ trong vòng 30 giờ.
Phạm vi gió mạnh của bão Linda có bán kính khoảng 100km. Tại Côn Đảo có gió mạnh trên 30m/s, giật 42m/s; tại Cà Mau 18m/s, giật 25m/s; tại Bạc Liêu 15m/s, giật 28m/s. Bão Linda gây ra một đợt mưa vừa, mưa to ở các tỉnh Nam Bộ với tổng lượng mưa trong hai ngày 2 và 3/11 là 100-150mm, riêng tại Cần Thơ mưa 223m.
Sau khi hoành hành tại Việt Nam, Linda đã đổ bộ vào Thái Lan trong ngày 3/11/1997 với sức gió 65 mph, suy yếu và sau đó tiếp tục di chuyển tới Myanmar rồi tan hẳn.
Sự chủ quan gây thảm họa lịch sử
Ở vùng đất trù phú, mưa thuận gió hòa và không có khái niệm về bão, người dân các tỉnh Nam Bộ khi đó đón bão với tâm thế hiếu kỳ và thiếu kinh nghiệm, nên dù Linda không phải là cơn bão mạnh nhất đã từng bổ bộ vào Việt Nam, các tỉnh Nam Bộ vẫn hứng chịu hậu quả thảm khốc.
Tại Hội thảo “Nhìn lại 20 năm cơn bão Linda đổ bộ Việt Nam năm 1997 và những bài học kinh nghiệm” diễn ra năm 2017 tại Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Huy Ngọ kể: “Bão đổ bộ vào Cà Mau” như chuyện của “những người thích đùa”. Có người còn hồ hởi kháo nhau đi xem bão là gì, vì không ai tin Cà Mau có bão.
Ông Ngọ nhớ lại, khi đó, nhận định bão Linda rất mạnh, ông đã chỉ đạo thành viên Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương gọi điện đến tất cả các lãnh đạo địa phương khu vực Nam Bộ để cảnh báo nhưng họ đều nói “trong đây làm gì có bão mà ngoài đó cứ hốt hoảng với bão”.
Không chỉ có lãnh đạo một số địa phương chủ quan với bão, mà bản thân người dân vùng Nam Bộ khi đó cũng vậy.
Theo lời kể của nguyên Bộ trưởng Lê Huy Ngọ, đến trưa 2/11, khi những đợt mưa lớn, những vùng gió xoáy vào đến đất liền, nhiều người dân còn tò mò chạy ra “xem bão như thế nào”! Không ai chằng buộc nhà cửa, chỉ một số ít mua mì tôm về tích trữ trong nhà, trong bụng vẫn không tin là bão sẽ xảy ra trên vùng đất “trăm năm không có bão”.
Trong một lần chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân, ông Huỳnh Chuông, xã Khánh Hội, huyện U Minh nhớ lại: Thời điểm bão Linda càn quét qua vùng biển Cà Mau, là Trưởng ấp 7, ông nhận nhiệm vụ từ cấp ủy, chính quyền địa phương, đi vận động người dân chằng chéo nhà cửa, tìm cách liên lạc với người thân còn ở ngoài khơi tìm nơi tránh trú vì sắp có bão lớn, nhưng cư dân trong xã vẫn dửng dưng trước những lời cảnh báo nguy hiểm vì cho rằng vùng biển yên bình Cà Mau trước giờ chưa từng có bão.
Ngư dân Nguyễn Văn Tuấn, một người sống sót trở về từ bão Linda kể lại, hồi đó anh cũng đã nhận được tin có bão, nhưng chủ quan vì từ trước tới giờ nơi này không có bão nên vẫn đi làm bình thường. “Tính làm một buổi rồi về thôi, không ngờ bão lớn, quá trễ”, anh Tuấn nói.
Theo thống kê của Tổng cục Phòng chống thiên tai, bão Linda gây thiệt hại tại 21 tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ, khiến 778 người chết, 1.232 người bị thương, và còn 2.123 người cho đến nay vẫn mất tích. Cơn bão làm 2.897 tàu bị chìm, 1.856 tàu thuyền bị hư hỏng, 316 tàu thuyền mất tích, 107.892 nhà đổ sập, 204.564 nhà bị hư hại, 1.424 phòng học bị hư hỏng, 5.727 phòng học đổ, sập, 136.334ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản bị vỡ, ngập, 323.050ha diện tích lúa bị ngập hư hại. Thiệt hại vật chất ước tính gần 7.200 tỷ đồng.
Chưa hết, cơn bão Linda đã làm hầu hết các tuyến đê biển của các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre và Tiền Giang bị tràn và hư hại, một số tuyến bị hư hại nặng và bị vỡ nhiều đoạn. Theo thống kê của các tỉnh, chỉ tính riêng về hệ thống đê điều đã có tới hơn 400km đê biển bị tràn và vỡ (cao trình hiện trạng của các tuyến đê phổ biến từ 1,5-2m).
Ông Đặng Quang Tính, nguyên Cục trưởng Cục Đê điều và Phòng chống lụt bão, Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương nhận định, thiệt hại nặng nề của bão Linda là do tư duy chủ quan trong phòng chống thiên tai khi có sự mặc định rằng vùng này không bao giờ có bão, không lường trước được thiệt hại.
Ông Tính cũng chỉ ra những nguyên nhân khác như thời điểm đó chưa có dự báo về cấp độ rủi ro thiên tai, chưa có phân tích sâu sắc quan hệ giữa bão và yếu tố địa hình, vùng miền...
Trong khi đó, Tổng cục Phòng, chống thiên tai cho rằng cơn bão di chuyển và tốc độ gió mạnh lên quá nhanh, lại đổ bộ vào vùng ngư trường rộng lớn tập trung hàng nghìn tàu thuyền đang đánh bắt hải sản. Thời điểm đó, các con tàu đều có sức chống chịu hạn chế, lại hầu như không được trang bị các phương tiện bảo đảm an toàn nên khi gặp nạn đều bất lực. Thậm chí, nhiều tàu đã vào được khu neo đậu nhưng vẫn bị sóng đánh, va đập làm vỡ và chìm.
Trong ảnh là chị Phan Thị Lệ, ở ấp Rạch Tàu, xã Đất Mũi, H.Ngọc Hiển. Bão đã cướp đi người chồng và hai người con trai của chị. (Ảnh: Báo ảnh Đất Mũi)
Trong ảnh là chị Phan Thị Lệ, ở ấp Rạch Tàu, xã Đất Mũi, H.Ngọc Hiển. Bão đã cướp đi người chồng và hai người con trai của chị. (Ảnh: Báo ảnh Đất Mũi)
Trong ảnh là một ngư phủ vừa được cứu vớt đưa vào bờ bật khóc khi gặp người thân. (Ảnh: Báo ảnh Đất Mũi)
Trong ảnh là một ngư phủ vừa được cứu vớt đưa vào bờ bật khóc khi gặp người thân. (Ảnh: Báo ảnh Đất Mũi)
Trong ảnh là Tạ Diễm Tuyền. đứa trẻ duy nhất trong 11 đứa trẻ trên chiếc tàu chạy bão bên mộ mẹ và 2 em. Tuyền còn người em mất tích. (Ảnh: Báo ảnh Đất Mũi)
Trong ảnh là Tạ Diễm Tuyền. đứa trẻ duy nhất trong 11 đứa trẻ trên chiếc tàu chạy bão bên mộ mẹ và 2 em. Tuyền còn người em mất tích. (Ảnh: Báo ảnh Đất Mũi)
Mất mát lớn cho những bài học đắt giá
Là người trực tiếp tham gia đoàn công tác của Chính phủ về các tỉnh thành để khắc phục hậu quả của bão Linda, dù đã 25 trôi qua những GS. TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi vẫn chưa thể quên những hình ảnh tang thương từ cơn bão đau xót ấy.
Giọng run run, ông kể: Ngày 20/11/1997, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ký quyết định về việc khắc phục cơn bão số 5, khôi phục và phát triển sản xuất cho các tỉnh ven biển Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Một đoàn công tác khẩn trương được thành lập do Bộ trưởng Thủy sản Tạ Quang Ngọc làm trưởng đoàn. GS. TS Vũ Trọng Hồng giữ vai trò Phó đoàn công tác.
Ròng rã suốt 1 tháng trời tiếp theo, ông cùng đoàn đi tới tất cả các tỉnh, thành gánh chịu hậu quả nặng nề của Linda, tận mắt chứng kiến nỗi đau của những đứa trẻ ngóng cha, những người mẹ xơ xác ngồi bên biển ngóng bóng tàu mãi không trở về. Nhà cửa tung hết nóc, những bãi biển vắng bóng thanh niên, trai tráng. Thậm chí, tại Côn Đảo, GS Hồng tận mắt chứng kiến các tàu neo đậu bị sóng đưa và mắc kẹt lại trên… những ngọn dừa ngả nghiêng.
Bão Linda để lại những hậu quả thảm khốc, nhiều đau thương nhưng cũng cho vùng đất Nam Bộ và những người làm công tác phòng chống lụt bão nhiều bài học.
Điều quan trọng nhất là nhận thức về bão của người dân, chính quyền ở vùng biển bình yên phía tây đã thay đổi hẳn. Nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau Lê Thanh Triều từng chia sẻ: “Ngày trước, khi thông báo bão, ngư dân lơ là, chủ quan, thậm chí không tin nhưng giờ mới nghe “rục rịch” là đã cuống cuồng chằng néo nhà cửa. Đó là một trong những chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của người dân từ sau thảm họa cơn bão Linda. Chính rủi ro đã làm thay đổi tư duy và nhận thức của ngư dân miền biển, giúp bà con cẩn trọng hơn những hiểm nguy đến từ biển”.
Bên cạnh đó, hằng năm, Cà Mau và các tỉnh ven biển miền tây đều tổ chức diễn tập phòng chống lụt bão. Riêng tại Cà Mau trong những năm gần đây đã chuyển từ diễn tập sang tập huấn. Những người được tập huấn là những người trực tiếp phòng tránh bão nên hiệu quả cao hơn. Cà Mau cũng đã xây dựng hệ thống thông tin liên lạc xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở; phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Hải đội… liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền ra khơi; xây dựng, hướng dẫn địa điểm cho các tàu thuyền trú ẩn an toàn mỗi khi có bão.
Cũng kể từ bão Linda mà sau này mọi tàu thuyền ra khơi đã được trang bị và bắt buộc phải trang bị thiết bị Icom để liên lạc. Vì thế hiện nay, không chỉ ngư dân trên biển được tiếp nhận thông tin từ trung ương, từ địa phương, mà ngay gia đình họ cũng nắm bắt được tàu thuyền của mình đang ở đâu, tạo ra được nhiều kênh liên lạc.
Nhiều năm sau bão Linda, thực trạng thiên tai ngày càng phức tạp, dị thường khi tình trạng “biến đổi khí hậu” ngày càng nghiêm trọng. Bởi thế, trong phòng chống bão lũ cần phải thực hiện tốt phương châm "bốn tại chỗ", phải có lực lượng, phương tiện tại chỗ.
25 năm sau bão Linda, công tác dự báo bão đã được tăng cường với độ chính xác khá cao, thời gian dự báo trước tới 72 giờ (thời điểm năm 1997 chỉ dự báo trước 24 giờ). Thông tin về diễn biến của bão được truyền kịp thời giúp ngư dân có đủ thời gian để ứng phó. Công tác kêu gọi tàu thuyền được triển khai quyết liệt, bằng mọi hình thức, phương tiện và kết hợp nhiều bên. Công tác trực ban được tăng cường với các trang thiết bị, công cụ hỗ trợ nên đã có nhận định sớm trước khi bão hình thành (Windyty.com - trước khoảng bảy ngày) giúp công tác tham mưu được kịp thời. Nhận thức cộng đồng đã từng bước được nâng cao và chủ động phòng tránh nên đã giảm được thiệt hại về người và tài sản. Kết quả là trong những năm gần đây gần như không có thiệt hại về người do bão ở trên biển.
Nhưng để ứng phó với thiên tai một cách hiệu quả hơn, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai xác định vẫn luôn phải nâng cao chất lượng công tác dự báo, trong đó có dự báo bão; nâng cao nhận thức của ngư dân trong việc chấp hành chỉ đạo của các cấp chính quyền trong việc tránh trú bão (vẫn còn hiện tượng ngư dân tắt các thiết bị liên lạc, tiếp tục đánh bắt khi đã có lệnh về nơi trú ẩn); đầu tư cơ sở hạ tầng tránh trú tàu thuyền, khôi phục rừng phòng hộ ven biển, củng cố nâng cấp hệ thống đê điều.
Ngày xuất bản: 2/11/2022
Tổ chức thực hiện: VIỆT ANH - HỒNG VÂN
Thực hiện: HẢI BÌNH - SƠN BÁCH - BÔNG MAI - HỮU TÙNG
Đồ họa: BÔNG MAI
Trong bài có sử dụng tư liệu ảnh của Báo ảnh Đất Mũi.