Điều gì đã dẫn đến thảm kịch trên sân Kanjuruhan?
Ngày 1/10/2022, một vụ bạo loạn và giẫm đạp đã xảy ra sau trận đấu bóng trên sân vận động Kanjuruhan tại tỉnh Đông Java, Indonesia. Tổng cộng 125 người, trong đó có 32 trẻ em, đã thiệt mạng trong vụ việc kinh hoàng này. Đây được đánh giá là một trong những thảm kịch nghiêm trọng nhất từng xảy ra tại các sân vận động trên thế giới.
Trận bóng tại tỉnh Đông Java đã kết thúc bằng thảm kịch, khi cổ động viên của đội bại trận - Arema FC - tràn xuống sân thi đấu, khiến cảnh sát phải bắn hơi cay để kiểm soát tình hình.
Tuy nhiên, việc sử dụng hơi cay đã dẫn đến một vụ giẫm đạp khiến nhiều người bị nghẹt thở. Hậu quả là 125 người thiệt mạng và hơn 320 người khác bị thương.
Thảm kịch xảy ra ở đâu?
Diễn biến của vụ việc như thế nào?
Trận bóng giữa đội chủ nhà Arema và đội khách Persebaya Surabaya bắt đầu diễn ra vào lúc 20 giờ ngày 1/10/2022 (theo giờ địa phương), tại sân vận động Kanjuruhan, ở Malang, Đông Java, Indonesia.
Để đề phòng nguy cơ bùng phát đụng độ giữa người hâm mộ của hai đội tuyển, chỉ có cổ động viên của đội chủ nhà mới được phép vào sân theo dõi trận đấu.
Gần 22 giờ, trận đấu kết thúc với chiến thắng 3-2 nghiêng về Persebaya Surabaya. Đây là lần đầu tiên trong 23 năm Arema để thua đối thủ ngay trên sân nhà.
Cảnh sát đến mang theo tấm chắn và hơi cay. Một số cổ động viên đã ném chai lọ và các đồ vật khác vào các cầu thủ và quan chức có mặt trên sân vận động.
Các cổ động viên chạy về phía các cầu thủ, những người đang bước vào phòng thay đồ ở phía tây của sân vận động.
Một số hình ảnh cho thấy xe của cảnh sát bị lật và bốc cháy bên trong sân vận động.
Sau đó, cảnh sát mang theo dùi cui và hơi cay đuổi theo các cổ động viên. Cảnh sát cho biết họ đã bắn hơi cay sau khi hai cảnh sát tử vong. Trong khi đó, những người sống sót sau vụ bạo loạn cho rằng cảnh sát đã phản ứng thái quá.
Cảnh sát đã bắn hơi cay lên khu vực khán đài đông đúc trước cổng ra số 12 và 13 của sân vận động.
Hơi cay khiến các cổ động viên hoảng loạn bỏ chạy qua một cửa thoát hiểm. Cửa dẫn tới ít nhất một lối thoát hiểm chỉ đủ rộng cho một người đi qua. Theo cảnh sát, nhiều nạn nhân bị giẫm đạp hoặc ngạt thở đến chết.
Ở ngoài sân vận động, cổ động viên chứng kiến nhiều thi thể được đưa ra ngoài. Họ ném bất cứ vật gì họ có thể tìm thấy như đá, chai lọ... vào cảnh sát trong lúc các nhà chức trách đang tìm cách sơ tán sân vận động.
Điều gì có thể đã góp phần dẫn đến vụ bạo lực?
Trận đấu diễn ra vào buổi tối
Theo một kênh truyền thông của Indonesia, cảnh sát trước đó muốn giờ bóng lăn là 15 giờ 30 phút để tránh gặp phải vấn đề an ninh hoặc sự cố không mong muốn thường xảy ra trong các trận đấu buổi tối.
Tuy nhiên, PT Liga Indonesia Baru (LIB), đơn vị điều hành Liga 1, và ủy ban sự kiện đã quyết định giữ thời gian bắt đầu thi đấu là 20 giờ và đưa ra một số quy định. Một trong số các quy định là cổ động viên của đội Persebaya Surabaya sẽ không được vào sân để tránh xảy ra xô xát giữa các cổ động viên.
Bán vé vượt mức
Sân vận động Kanjuruhan được cho là đã vượt sức chứa trong trận bóng này. Bộ trưởng An ninh Indonesia Mahfud MD cho biết trên Instagram, 42.000 vé đã được phát hành trong khi sân vận động này chỉ có sức chứa 38.000 người.
Cổ động viên phản ứng trước trận thua
Lần đầu tiên trong 23 năm, Arema để thua Persebaya Surabaya ngay trên sân nhà. Người hâm mộ Arema đã lao xuống sân thi đấu. Một số người tỏ ra tức giận, trong khi một số người khác muốn bắt tay các cầu thủ của Arema.
Bắn hơi cay
Theo quy định an toàn của FIFA, ban tổ chức hoặc cảnh sát không nên mang hoặc sử dụng súng hoặc "khí kiểm soát đám đông". Cảnh sát tỉnh Đông Java chưa trả lời chất vấn về việc họ có biết quy định này hay không.
Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI) Yunus Nusi cho biết FIFA đã yêu cầu báo cáo về vụ chết người và đã cử một tổ công tác đến hiện trường để điều tra làm rõ vụ việc.
Ủy ban Quyền con người Indonesia cũng đã lên kế hoạch điều tra an ninh tại sân vận động, bao gồm cả việc sử dụng hơi cay.
Nhiều nạn nhân trong sân vận động đã bị chấn thương, khó thở và thiếu oxy do ảnh hưởng của hơi cay.
Hiện trường vụ giẫm đạp tại sân Kanjuruhan. (Ảnh: Reuters)
Hiện trường vụ giẫm đạp tại sân Kanjuruhan. (Ảnh: Reuters)
Xe tải của cảnh sát bị đốt cháy sau trận đấu giữa Arema và Persebaya Surabaya. (Ảnh: Antara)
Xe tải của cảnh sát bị đốt cháy sau trận đấu giữa Arema và Persebaya Surabaya. (Ảnh: Antara)
Nhân viên y tế của Bệnh viện Saiful Anwar kiểm tra các nạn nhân của vụ giẫm đạp. (Ảnh: Reuters)
Nhân viên y tế của Bệnh viện Saiful Anwar kiểm tra các nạn nhân của vụ giẫm đạp. (Ảnh: Reuters)
Những đám đông hoảng loạn
Xô đẩy đã xảy ra tại ít nhất một cổng của sân vận động. Nhiều nạn nhân đã bị giẫm đạp hoặc ngạt thở đến chết. Các cửa không mở hoặc không đủ rộng để cho mọi người thoát ra.
Huấn luyện viên Javier Roca của đội bóng Arema ngày 2/10 cho biết có cổ động viên thậm chí còn "chết trong vòng tay của các cầu thủ", khi một số cầu thủ ở lại sân sau trận đấu.
Bạo lực tiếp diễn bên ngoài sân
Các cổ động viên bên ngoài sân vận động đã đáp trả cảnh sát bằng cách lật và đốt xe của cảnh sát.
Theo báo cáo của địa phương, nhiều nạn nhân bị thương đã được điều trị tại phòng y tế của sân vận động, trong khi nhiều người khác được đưa tới các bệnh viện trên toàn thành phố Malang. Ít nhất 11 bệnh viện tại Malang đã tiếp nhận nạn nhân của vụ giẫm đạp trên sân Kanjuruhan.
Với hàng trăm người thương vong, vụ giẫm đạp và bạo loạn trên sân Kanjuruhan đã trở thành một trong những ngày đen tối nhất trong lịch sử bóng đá thế giới.
ĐIỂM LẠI NHỮNG THẢM KỊCH TRÊN SÂN CỎ THẾ GIỚI
Ngày xuất bản: 04/10/2022
Thực hiện: HOÀNG HÀ - QUANG HUY
Nguồn: The Straits Times, AP và Reuters.