Mặc dù thị trường bất động sản vừa trải qua một quãng thời gian đầy khó khăn, thách thức; tuy nhiên, thị trường bất động sản năm 2023 có rất nhiều điều kiện, cơ hội để phát triển an toàn, lành mạnh. Năm 2023 cũng là năm mà Bộ Xây dựng đặt việc thúc đẩy đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội làm nhiệm vụ trọng tâm. Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân chung quanh những vấn đề này.

Năm 2022, Việt Nam đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ: Vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; trở thành điểm sáng "trong bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu. Năm 2023 được dự báo sẽ khó khăn hơn khi kinh tế toàn cầu suy giảm.
Chuyên đề "Dự báo năm 2023" gồm chuỗi bài phỏng vấn lãnh đạo bộ, ngành, địa phương và chuyên gia các lĩnh vực, nhằm nhận diện thách thức, cơ hội, đồng thời gợi mở các giải pháp để Việt Nam tiếp tục vượt khó, bứt phá.

Tiếp tục cùng các địa phương, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn

Phóng viên (PV): Trong năm 2022, Bộ Xây dựng đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để quản lý, phát triển thị trường bất động sản, Thứ trưởng có đánh giá như thế nào về thị trường bất động sản năm vừa qua?

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh: Năm 2022, thị trường bất động sản có nhiều biến động phức tạp và thiếu ổn định.

Trong nửa đầu năm 2022, thị trường đã từng bước phục hồi so với năm 2021 với lượng và giá giao dịch các loại bất động sản đều tăng thập chí là tăng nóng, cục bộ một số khu vực, một số phân khúc.

Chuyển sang nửa cuối năm 2022, đặc biệt là trong quý IV, thị trường bất động sản biến động nhanh và đối diện với nhiều khó khăn như: nguồn cung bất động sản hạn chế ở các phân khúc, trong khi cơ cấu bất động sản nhà ở chưa phù hợp, đặc biệt thiếu nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá phù hợp; lượng giao dịch giảm mạnh, giá bất động sản vẫn ở mức cao khiến thanh khoản gặp khó khăn; các doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng và huy động nguồn vốn khác cho hoạt động đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản.

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, sự tích cực, khẩn trương của các bộ, ngành và hoạt động hiệu quả của Tổ công tác theo quyết định 1435/QĐ-TTg của Thủ tướng về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện các dự án bất động sản tại các địa phương doanh nghiệp, thị trường bất động sản đến cuối năm đã có nhiều dấu hiệu tích cực, các doanh nghiệp đã bớt khó khăn hơn về nguồn vốn khi Ngân hàng nhà nước nới "room" tín dụng.

Năm 2022, thị trường bất động sản có nhiều biến động phức tạp và thiếu ổn định. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Năm 2022, thị trường bất động sản có nhiều biến động phức tạp và thiếu ổn định. (Ảnh minh họa: TTXVN)

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, năm 2022 được đánh giá là một năm khó khăn chồng chất khó khăn của thị trường bất động sản. Vậy những khó khăn đó là gì, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh: Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1435/QĐ-TTg ngày 17/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp, Bộ trưởng Xây dựng - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã kiểm tra, làm việc với 5 thành phố trực thuộc Trung ương và 29 doanh nghiệp bất động sản với 89 dự án được rà soát, phân loại.

Việc Chính phủ bắt tay tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp bất động sản là việc hết sức cần thiết, quan trọng, cho thấy sự đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp theo đúng tinh thần khó khăn cùng chia sẻ.
- Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Văn Sinh -

Năm 2022 được đánh giá là một năm khó khăn chồng chất khó khăn của thị trường bất động sản. (Ảnh minh họa: Hùng Võ/TTXVN)

Năm 2022 được đánh giá là một năm khó khăn chồng chất khó khăn của thị trường bất động sản. (Ảnh minh họa: Hùng Võ/TTXVN)

Qua làm việc, Tổ công tác nhận thấy, các doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn.

Thứ nhất là do thể chế, một số quy định pháp luật trong các lĩnh vực xây dựng, quy hoạch, phát triển đô thị, nhà ở, kinh doanh bất động sản, đất đai, đầu tư… còn chồng chéo, bất cập gây cản trở trong triển khai thực hiện dự án bất động sản. Trong đó, khó khăn được nhiều ý kiến phản ánh nhất liên quan pháp luật về đất đai như tính tiền sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giải phóng mặt bằng…

Thứ hai là khó khăn, vướng mắc về trình tự thủ tục đầu tư, xây dựng dự án nhà ở, dự án khu đô thị phức tạp, kéo dài, chậm thực hiện ở các địa phương.

Thứ ba là về khó khăn nguồn lực tài chính của doanh nghiệp, do khó tiếp cận tín dụng, khó khăn trong phát hành trái phiếu và áp lực đáo hạn trái phiếu; khó khăn, trong huy động vốn của khách hàng dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ, dừng triển khai thực hiện dự án.

Thứ tư là lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng, dẫn đến chi phí của doanh nghiệp cũng tăng cao gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ năm là một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh; phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động (dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO; có tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động).

Thứ sáu là khó khăn của thị trường bất động sản kéo theo khó khăn của nhiều ngành nghề, cắt giảm một lượng lớn lao động và ảnh hưởng đến an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội. Các doanh nghiệp nhà thầu thi công phải cắt giảm lao động do các dự án phải dừng, giãn tiến độ thi công; không có dòng tiền để trả cho doanh nghiệp cung ứng và trả lương người lao động do chủ đầu tư không có nguồn để thanh toán. Khách hàng mua bất động sản khó tiếp cận vốn vay của các tổ chức tín dụng gián tiếp ảnh hưởng đến thanh khoản các sản phẩm, dự án bất động sản dẫn đến các doanh nghiệp không bán được sản phẩm để thu hồi vốn và tái đầu tư.

PV: Vậy hướng giải quyết những khó khăn, vướng mắc kể trên như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh: Trong quá trình làm việc, Tổ công tác đã trao đổi, hướng dẫn trực tiếp về các quy định pháp luật và việc tổ chức thực hiện đối với các nội dung thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành và địa phương.

Các nội dung chưa thể trao đổi, hướng dẫn trực tiếp, tổ công tác đã cho rà soát, tổng hợp để giải quyết theo chức năng nhiệm vụ các bộ ngành liên quan. Đặc biệt, tổ công tác có văn bản gửi các địa phương để đôn đốc, yêu cầu địa phương khẩn trương giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của địa phương mà doanh nghiệp báo cáo, kiến nghị.

Về khó khăn nguồn vốn của một số doanh nghiệp, chúng tôi cũng thấy nổi lên một vấn đề là trong giai đoạn thị trường tốt, nhiều doanh nghiệp thực hiện cùng lúc nhiều dự án và không cân bằng nội lực của mình với hoạt động phát triển dẫn đến đây là một cái khó mà chính các doanh nghiệp tạo nên cho mình bên cạnh những khó khăn khác của cơ chế chính sách.
- Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Văn Sinh -

Về khó khăn nguồn vốn của một số doanh nghiệp, chúng tôi cũng thấy nổi lên một vấn đề là trong giai đoạn thị trường tốt, nhiều doanh nghiệp thực hiện cùng lúc nhiều dự án và không cân bằng nội lực của mình với hoạt động phát triển dẫn đến đây là một cái khó mà chính các doanh nghiệp tạo nên cho mình bên cạnh những khó khăn khác của cơ chế chính sách.

Chúng ta cũng biết cơ chế chính sách vẫn là như vậy nhưng có thời điểm các doanh nghiệp triển khai quá nhiều dự án nên không kiểm soát được tài chính dẫn đến những khó khăn nhất định. Do đó, khi làm việc chúng tôi cũng có đề nghị các doanh nghiệp phải rà soát lại, cơ cấu lại các sản phẩm dự án bất động sản, bán bớt các dự án chưa triển khai để tập trung vào các dự án đang triển khai, hoàn thành các dự án đó sớm từ đó sẽ giúp đủ điều kiện bảo đảm để huy động vốn, tạo dòng vốn thực hiện các dự án tiếp theo.

Để phát triển ổn định, lâu dài, rõ ràng việc triển khai các dự án của các doanh nghiệp phải đúng. Vốn vay dự án nào thì phải thực hiện đúng cho dự án đó, tránh tình trạng sử dụng nguồn vốn vay của dự án này sang dự án khác làm cho mất cân bằng tài chính của doanh nghiệp như trong thời gian vừa qua.

Trong thời gian tới, Tổ công tác sẽ tiếp tục đôn đốc cũng như cùng các địa phương, các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn.

Để phát triển ổn định, lâu dài, rõ ràng việc triển khai các dự án của các doanh nghiệp phải đúng. Vốn vay dự án nào thì phải thực hiện đúng cho dự án đó, tránh tình trạng sử dụng nguồn vốn vay của dự án này sang dự án khác làm cho mất cân bằng tài chính của doanh nghiệp như trong thời gian vừa qua.
- Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Văn Sinh -

Thúc đẩy đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội

Khu nhà ở xã hội giá rẻ tại phường Định Hòa, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: TTXVN)

Khu nhà ở xã hội giá rẻ tại phường Định Hòa, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: TTXVN)

PV: Được biết, trong năm 2022, Bộ Xây dựng cũng đã hoàn thành và trình Chính phủ đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Xin Thứ trưởng cho biết rõ hơn về đề án này cũng như giải pháp mà Bộ Xây dựng đang và sẽ triển khai để thực hiện thành công đề án?

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh: Việc phát triển nhà ở xã hội để đáp ứng chỗ ở cho các đối tượng có khó khăn, thu nhập thấp luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Xây dựng để triển khai Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Xây dựng cũng đã hoàn thành và trình Chính phủ đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Việc triển khai thực hiện Đề án có tính đa mục tiêu, vừa thúc đẩy đầu tư, tăng nguồn cung vừa góp phần điều chỉnh cơ cấu sản phẩm của thị trường, do nhà ở xã hội có sự hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước sẽ bổ sung quỹ nhà có giá phù hợp để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp tại đô thị, công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp…

Theo đó, tại Đề án Bộ Xây dựng đã đề xuất các giải pháp về quỹ đất, nguồn vốn và hoàn thiện thể chế, pháp luật để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trong thời gian tới.

Trên cơ sở xác định nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp của các địa phương, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu xây dựng Đề án và xây dựng mục tiêu cụ thể cho từng địa phương đến năm 2030 hoàn thành khoảng 1.416.700 căn (trong đó, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 571.200 căn; giai đoạn 2025-2030 hoàn thành khoảng 845.500 căn).
- Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Văn Sinh -

Đồng thời, trên cơ sở xác định nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp của các địa phương, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu xây dựng Đề án và xây dựng mục tiêu cụ thể cho từng địa phương đến năm 2030 hoàn thành khoảng 1.416.700 căn (trong đó, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 571.200 căn; giai đoạn 2025-2030 hoàn thành khoảng 845.500 căn).

Cùng với đó, Đề án giao trách nhiệm các địa phương có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng… để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, uy tín trong lĩnh vực bất động sản tham gia và triển khai đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tạo nguồn cung cho thị trường.

Sau khi Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các cấp chính quyền, địa phương sẽ có cơ sở để căn cứ tập trung triển khai thực hiện nhằm đảm bảo đạt mục tiêu đã đề ra.

PV: Vậy đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội đến nay đã thực hiện được đến đâu, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh: Về tình hình thực hiện dự án, hiện nay chúng tôi đã tập hợp cả nước đang thực hiện 401 dự án, với tổng số 454.300 căn hộ. Như vậy, từ nay đế năm 2025 chúng ta chỉ cần 200.000 căn hộ là đáp ứng được mục tiêu đặt ra trong giai đoạn này. Giai đoạn từ 2025 đến năm 2030 sẽ còn 845.000 căn hộ nữa, chúng tôi sẽ thúc đẩy được, khi đó Luật Nhà ở đã sửa đổi, nhiều cơ chế chính sách thuận lợi để thúc đẩy hoạt đồng đầu tư nhà ở xã hội trong thời gian tới.

PV: Một nội dung mà có lẽ rất nhiều người quan tâm đó là liệu việc đầu tư xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội kể trên có giúp giảm giá thành không, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh: Việc giảm giá thành thì như chúng ta biết theo quy luật cung cầu. Việc xây dựng 1 triệu ăn nhà ở xã hội tạo ra nguồn cung lớn, đây là một trong những giải pháp rất quan trọng để vừa tạo ra chỗ ở cho người dân, vừa giúp việc giảm giá thành, bởi vì các chính sách về nhà ở xã hội đã được ưu đãi rất nhiều như được miễn tiền sử dụng đất,… nhiều chính sách ưu đãi khác. Do đó, giá nhà ở xã hội sẽ phù hợp với người lao động hơn và khi nguồn cung tăng lên sẽ là một thông số giúp giảm giá.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải nói là về nhà ở, về thị trường bất động sản thì cũng có nhiều phân khúc, có những phân khúc cao cấp đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân. Cho nên là sẽ có những phân khúc cao cấp được đầu tư song song cùng với phân khúc thấp và trung bình trong thời gian tới.

Việc xây dựng 1 triệu ăn nhà ở xã hội tạo ra nguồn cung lớn, các chính sách về nhà ở xã hội đã được ưu đãi rất nhiều. Do đó, giá nhà ở xã hội sẽ phù hợp với người lao động hơn và khi nguồn cung tăng lên sẽ là một thông số giúp giảm giá.
- Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Văn Sinh -

Năm 2023 có những điều kiện để phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững

(Ảnh minh họa: Lê Việt)

(Ảnh minh họa: Lê Việt)

PV: Trong năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan trong đó có Bộ Xây dựng đã vào cuộc rất quyết liệt để thúc đẩy thị trường bất động sản. Và có thể nhận thấy thị trường bất động sản trong thời gian rất ngắn gần đây đã có dấu hiệu tích cực. Vậy trong năm 2023, thị trường bất động sản dự báo có thể sẽ diễn tiến như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh: Mặc dù thị trường bất động sản thời gian qua cũng như hiện tại còn có những khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, trong năm 2023 và thời gian tới thị trường cũng có những điều kiện để phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Thứ nhất, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ đồng lòng của toàn xã hội, Việt Nam sẽ tiếp tục kiểm soát thành công dịch bệnh để tiếp đà phục hồi, phát triển kinh tế.

Thứ hai là với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và việc triển khai tích cực, khẩn trương của các Bộ, ngành nhiều cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật đã được ban hành và tiếp tục được hoàn thiện trong thời gian tới.

Thứ ba là các địa phương cũng đã tích triển khai thực hiện nhiều giải pháp như phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án… để tháo gỡ khó khăn cho thị trường và doanh nghiệp kinh doanh bất động sản; đặc biệt là tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.

Với những yếu tố đó, tôi tin rằng thị trường bất động sản trong thời gian tới sẽ được cải thiện, có nhiều nguồn cung, với giá hợp lý, đáp ứng cho người dân và góp phần phát triển thị trường bất động sản từng bước ổn định, lành mạnh.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Tôi tin rằng thị trường bất động sản trong thời gian tới sẽ được cải thiện, có nhiều nguồn cung, với giá hợp lý, đáp ứng cho người dân và góp phần phát triển thị trường bất động sản từng bước ổn định, lành mạnh.
- Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Văn Sinh -

Ngày xuất bản: 20/01/2023
Chỉ đạo thực hiện: VIỆT ANH
Nội dung và trình bày: BÔNG MAI
Ảnh: TTXVN, LÊ VIỆT