Bắt kịp xu thế báo chí hiện đại

Trước một giai đoạn phát triển mới mang đậm dấu ấn thời đại, những “bạn đọc đặc biệt”, cũng chính là những cây viết cộng tác lâu năm với Nhân Dân cuối tuần gửi gắm những mong muốn, kỳ vọng gì đối với ấn phẩm? Xin được chia sẻ cùng độc giả!

GS,TS Đinh Xuân Dũng

NHÂN DÂN CUỐI TUẦN - BÁO CUỐI TUẦN CỦA NHÂN DÂN

Bao năm dài, báo ở nước ta chỉ có một ấn phẩm duy nhất. Đôi khi vào dịp hệ trọng, đặc biệt mới có một phụ trương hoặc chuyên đề. Những năm gần đây, nhận thấy nhu cầu mới của xã hội, của người đọc, các tờ báo được phát hành các ấn phẩm khác nhau nhằm tăng cường sự lan tỏa, chuyển tải nhanh, đa dạng, kịp thời các thông tin của báo. “Nhân Dân cuối tuần” ra đời trong bối cảnh đó, cùng với Nhân Dân hằng ngày, Nhân Dân hằng tháng, Thời nay, Nhân Dân điện tử, Truyền hình Nhân Dân… tạo thành một tổ hợp báo chí, vươn lên thành tập đoàn báo chí - truyền thông đa phương tiện. Tôi nghĩ rằng, đó là một bước phát triển kịp thời, hợp quy luật trong xã hội hiện đại. Sức sống của Nhân Dân được tăng lên nhiều lần từ việc xây dựng những ấn phẩm mới đó.

Nhưng, phải chăng, từ khi ra mắt số đầu tiên đến nay, Nhân Dân cuối tuần luôn đứng trước một yêu cầu khó khăn, hay nói một cách khác, phải giải đáp một “ẩn số” hóc búa: Vừa phải kiên định với tôn chỉ, mục đích là “cơ quan của Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng, nhà nước và nhân dân Việt Nam” , vừa phải tìm tòi, sáng tạo làm rõ đặc trưng, dấu ấn riêng của mình. Trả lời đòi hỏi đó là lý do tồn tại và phát triển của Nhân Dân cuối tuần. Được đọc và tham gia viết ít bài cho Nhân Dân cuối tuần, tôi đã nhận ra kết quả đáng mừng của sự tìm ra đặc trưng của ấn phẩm này. Những vệt bài theo các chuyên đề chuyên sâu, có tính hệ thống được chọn lọc, biên tập kỹ càng và in ấn đẹp, “bắt mắt”, bám sát các vấn đề lớn, thời sự của đất nước và thời cuộc.

Người đọc tìm thấy những lời giải đáp, thông tin kịp thời, có chiều sâu trong nhận định, có tính hệ thống và sức thuyết phục, đồng thời khách quan, thẳng thắn với thái độ khoa học, xây dựng chỉ ra cả hai mặt được và chưa được của các vấn đề lớn trong thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước trên các lĩnh vực trọng yếu từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, quốc tế… Làm người bạn đồng hành, đồng thời là người định hướng vững chắc, tin cậy của cuộc sống, của bạn đọc là thành công của Nhân Dân cuối tuần.

Bám sát những định hướng của Đảng, nhà nước, neo đậu hơn nữa vào cuộc đời để tạo nên những bài viết có sức thuyết phục, hấp dẫn lớn, gần gũi, thiết thực như một “thực phẩm tinh thần” vào ngày cuối tuần để nạp năng lượng cho những ngày sống và làm việc mới, vì thế mong ước rằng, Nhân Dân cuối tuần mãi mãi trở thành người bạn tinh thần, tờ báo cuối tuần của nhân dân.

Nhà báo Đức Lượng, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân

BƯỚC TIẾN MỚI CỦA NHÂN DÂN CUỐI TUẦN

Là một Phó Tổng Biên tập, tiếp nối người tiền nhiệm- Anh Trần Kiên, tôi có nhiều năm phụ trách Nhân Dân cuối tuần. Gọi là “phụ trách” cho oai, chứ thật ra tạo nên thế đứng và chiều dày phát triển của Nhân Dân cuối tuần như ngày nay là từ sự cố gắng bền bỉ của anh chị em cán bộ, phóng viên, từ nhiệt tình đóng góp công sức, trí tuệ của đội ngũ đông đảo cộng tác viên. Đúng như vậy. Qua hai đời Tổng Biên tập, tôi luôn được phân công phụ trách các ban: Xây dựng Đảng, Chính trị - Xã hội, Quốc tế, Nhân Dân cuối tuần, công tác Đối ngoại của cơ quan. Nếu nói phụ trách đúng nghĩa thì làm sao có đủ quỹ thời gian, vì hằng tháng phải thay nhau trực báo hằng ngày, báo điện tử và biết bao cuộc tiếp khách, họp hành… Riêng Nhân Dân cuối tuần, ai phụ trách, phải trực tiếp duyệt bài từng số.

Nhờ công việc này, tôi có thêm cơ hội hiểu sự cần cù, vất vả của anh chị em. Và vui nhất là những ngày làm báo Tết: rộn ràng, hối hả ngày đêm đến khi Tổng Biên tập đặt bút ký cho máy chạy ở nhà in, mọi người mới thở phào, thoải mái. Khác với báo hằng ngày, dựa chắc vào ngân hàng tin TTXVN, phóng viên thường trú ở các địa phương và thường trú của báo ở nước ngoài, tập thể lãnh đạo Ban phải suy nghĩ, tìm tòi chủ đề, đề tài, thảo luận tập thể, phân công người tìm cộng tác đặt bài. Cộng tác viên của Nhân Dân cuối tuần, họ cao quý lắm, phần lớn đã thành danh, nhiều người có tên tuổi. Không ít bạn đọc của báo đọc bài vì tên tác giả.

Tôi gắn bó với đội ngũ cán bộ, phóng viên Nhân Dân cuối tuần là từ cảm thông vất vả và sự trăn trở tìm tòi cái riêng đích thực hấp dẫn, lôi cuốn người đọc. Đã mười mấy năm xa anh em, xa Nhân Dân cuối tuần mà nhiều đêm trong mơ vẫn chợt về trong tôi những tên bài, câu chữ và nỗi niềm đau đáu đổi thay, có trách nhiệm của chính mình. Là một người trong cuộc, tôi tự cho mình cái duyên như thế, nên thường xuyên theo dõi các bước tiến của Nhân Dân cuối tuần.

Nhân Dân cuối tuần không còn là sự kéo dài, có vài điểm nhấn của quỹ đạo hằng ngày. Đội ngũ cộng tác viên trẻ trung hơn, nhưng không thiếu người dày dặn “giữ quyền phát ngôn”. Bản thân phóng viên, biên tập viên, nhiều người đang vươn lên trở thành cây bút có sắc thái riêng. Tôi không tài nào liệt kê hết đổi thay trên từng số báo, đặc biệt tập trung các số chuyên đề, trình bày gọn mà vẫn có nét sang.

Nhìn nhận một bước tiến của các em, dám “đứng trên vai” của những người đi trước, làm sao chỉ có thể nói được trong hạn chế mấy dòng. Chỉ biết rằng, mỗi tuần, cầm tờ báo trên tay, giữa các tiêu đề, giữa những dòng chữ vẫn nảy tanh tách niềm vui và đôi chút tự hào. Cảm ơn nhiều thế hệ các em. Cảm ơn nhiều cộng tác viên mến yêu báo Đảng trên Nhân Dân cuối tuần!

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam

BƯỚC NGOẶT CỦA ĐỔI MỚI

Nhân Dân cuối tuần thật sự là một đổi mới, là một bước ngoặt trong quá trình đổi mới của các ấn phẩm Báo Nhân Dân.

Và bây giờ, Nhân Dân cuối tuần lại bước vào một thời kỳ mới. Thời kỳ mới mà tôi nói đến chính là sau khi Hội nghị văn hóa toàn quốc được tổ chức vào tháng 11/2021. Con đường mà Nhân Dân cuối tuần phải giữ và bước tiếp chính là những vấn đề văn hóa trong mọi lĩnh vực đặc biệt là chính trị, bởi chính trị cao nhất, vì con người nhất là nền chính trị chứa đựng những yếu tố văn hóa sâu sắc nhất.

Chúng ta nên tăng cường những bài viết về văn hóa từ những câu chuyện đời thường, tăng cường tọa đàm hay bàn tròn về những vấn đề văn hóa trên ấn phẩm này.

Bác Hồ đã nói từ năm 1946: "Văn hóa soi đường quốc dân đi". Bằng những cách nói sâu sắc nhất, sinh động nhất và bám sát đời sống về đời sống, Nhân Dân cuối tuần phải biến những câu chuyện nhỏ, dung dị của con người trở thành những vấn đề của thời đại. Một điều mà tôi mong Nhân Dân cuối tuần là phải trở thành một diễn đàn đối thoại hoặc lên tiếng bảo vệ những giá trị truyền thống cũng như những giá trị mới đã và đang được sáng tạo một cách dũng cảm. Hơn nữa, Nhân Dân cuối tuần cần để những tiếng nói nhiều phong cách và có chính kiến về những vấn đề chung của con người và đất nước trên nguyên tắc xây dựng và phát triển.

Ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn Truyền thông Lê

CHẬM VÀ CHẮC

Tôi thực sự bắt đầu sự nghiệp làm báo của mình ở một tuần san kinh tế bằng tiếng Anh, nhưng vì điều kiện đặc thù, tờ báo đó là sự pha trộn của cả tin tức và những bài bình luận, phân tích chuyên sâu.

Rõ ràng có hai xu thế trong toà soạn, một mặt, các phóng viên đuổi theo khai thác những sự kiện nóng hổi, thí dụ như những thoả thuận liên doanh khổng lồ, sự trồi sụt của thị trường chứng khoán, hay là những động thái biến động chính sách. Mặt khác, những biên tập viên cần mẫn làm việc với các chuyên gia kinh tế, đầu tư, văn hoá, nghiền ngẫm với những bài bình luận tổng hợp, sắc sảo, bàn về một quá trình vận động, xu hướng thị trường, dự báo tương lai hoặc đưa ra cả một bức tranh tổng thể của một vấn đề kinh tế - xã hội. Nhưng, phần tin tức dần dần hết sức nóng, vì áp lực cạnh tranh ngày một nhiều của các tờ báo hằng ngày, và tiếp theo là những trang báo mạng chuyên về tin tức. Chỉ phần chuyên sâu là đứng vững.

Nhưng, tờ Nhân Dân cuối tuần là một thí dụ hoàn toàn khác. Tờ báo xuất bản hằng tuần này nằm trong hệ sinh thái của báo Nhân Dân, cùng với những ấn bản hằng ngày, hằng tháng, thậm chí hằng giờ, đã có sẵn một nhiệm vụ rõ ràng, không đuổi theo tin tức nóng (breaking news) mà lùi lại một bước, xác thực thông tin, phân tích, mở rộng và đưa ra cái nhìn sâu hơn vào một sự kiện, vấn đề xảy ra trong tuần.

Chúng tôi gọi cách làm báo này là slow journalism – hay nôm na là làm báo chậm, tương lai sẽ là đối trọng quan trọng của mạng xã hội, với trọng tâm là tìm đến ngọn nguồn của thông tin, cung cấp cái nhìn đa chiều, từ nhiều góc độ đa dạng, và trên hết, giúp bạn đọc tiếp nhận đầy đủ thông tin với một điều hướng nhất định. Trong bối cảnh bùng nổ của báo chí toàn dân – một cách gọi đối với hiện tượng tràn ngập tin tức và bình luận trên mạng xã hội, báo chí sẽ không chỉ làm nhiệm vụ đăng tải tin tức, mà trên hết phải tìm ra bản chất của thông tin, sự thật của câu chuyện, thông qua sự độc lập điều tra, nghiên cứu, phân tích và giải thích vấn đề.

Ngày hôm nay, Nhân Dân cuối tuần chưa phải là một tờ báo thật lớn trong tổng thể gia đình Nhân Dân, nhưng đó là tương lai của báo chí. Bắt kịp với xu hướng hiện đại, Nhân Dân cuối tuần sẽ cần hiện diện rõ nét hơn trên môi trường số, với cá tính riêng, hình thức riêng, nhưng giữ vững con đường làm báo chậm và chắc.

TS Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Pháp chế, Thanh tra Chính phủ

GIỮ VỮNG TÔN CHỈ MỤC ĐÍCH TRONG KỶ NGUYÊN SỐ

33 tuổi với một tờ báo, cái tuổi vừa đủ độ chín và vẫn còn nguyên những khát khao. Những ai thường xuyên theo dõi ấn phẩm Nhân Dân cuối tuần của báo Nhân Dân sẽ cảm nhận được sự trưởng thành và vị trí của nó trong làng báo Việt Nam.

Không dễ để một tờ báo chính luận có chỗ đứng trong lòng độc giả ở mọi tầng lớp, lứa tuổi , nhưng những nỗ lực của tập thể người làm báo đã khiến tờ báo ngày càng sống động hơn, trực diện hơn với những vấn đề nóng bỏng, gai góc nhưng cũng không thiếu những cung bậc màu sắc của muôn mặt đời thường trong những lĩnh vực mà người dân quan tâm. Khẳng định vị thế của một tờ báo trong thời đại bùng nổ thông tin không phải là điều dễ dàng. Sự phát triển như vũ bão của kỷ nguyên số vừa mở ra cơ hội mới cho sự phát triển nói chung và báo chí nói riêng nhưng cũng không thiếu những lo toan, thách thức.

Xét cho cùng thì bảo đảm và ngày càng nâng cao chất lượng của tờ báo cả về nội dung và hình thức là yêu cầu tất yếu và thường xuyên của Nhân Dân cuối tuần. Những gì đạt được hay hạn chế đều phải thường xuyên được nhìn nhận và cải tiến. Dừng lại đã là một sự thụt lùi. Luôn theo kịp sự phát triển nói chung nhưng vẫn giữ được bản sắc và tôn chỉ mục đích của một tờ báo chính luận, đó là điều mà những người làm báo Nhân Dân cuối tuần cần tâm niệm. Điều đó không dễ nhưng cũng không quá khó khi những người làm báo dành đủ tâm huyết và trí tuệ trong từng số báo. Đất nước ta đang trên đà phát triển mạnh mẽ, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay…”. Sự nghiệp đổi mới với bản lĩnh, trí tuệ, nhân ái Việt Nam là nguồn cảm hứng vô tận cho báo chí.

Bạn đọc hy vọng và tin tưởng sẽ được đồng hành trong mỗi sự phát triển của Nhân Dân cuối tuần, để thấy được muôn mặt cuộc sống mà trong đó mãi mãi là hình ảnh cao đẹp của Đảng trong cuộc sống hôm nay!

PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

CẦU NỐI GIỮA “Ý ĐẢNG” VÀ “LÒNG DÂN”

Không phải ngẫu nhiên báo chí luôn được xem là quyền lực thứ tư. Tôi luôn nghĩ rằng, để một xã hội phát triển, ý chí, nguyện vọng của người dân phải luôn được lắng nghe và tôn trọng. Báo chí chính là một kênh thông tin quan trọng để nói tiếng nói của nhân dân, từ đó, những quyết sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước được hình thành và thực thi trên tinh thần của một Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Báo Nhân Dân là một cơ quan trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam, vì thế những thông tin chính thống từ Báo Nhân Dân có vai trò quan trọng trong việc định hướng nhận thức và dư luận xã hội. Khi tôi nhìn thấy các đảng viên say sưa đọc và bàn luận với tờ báo Nhân Dân trên tay, tôi hiểu tầm quan trọng đến mức thế nào của một tờ báo định hướng dư luận, đặc biệt trong bối cảnh thông tin ngày càng trở nên đa dạng, phong phú, thậm chí đến mức hỗn loạn ở thời buổi cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ở đó, mỗi người dân có thể tự cho mình là một “nhà báo”, có thể đưa ra thông tin, thậm chí có cả những phán xét về những vấn đề xã hội theo cách nhìn riêng của mình, cũng ở đó, báo chí và các phương tiện truyền thông mới có “sự chạy đua” giữa thông tin chính xác, sự thật với việc đưa tin nhanh nhất.

Tôi thường hay đọc báo Nhân Dân cuối tuần, nơi có chuyên trang Đời sống văn hóa mà tôi rất quan tâm và thỉnh thoảng cũng có những chia sẻ. Đây thật sự là một chuyên mục mà tôi yêu thích. Điều này đến từ sự nhanh nhẹn, cách làm việc trách nhiệm, cẩn trọng trong từng chi tiết nhỏ nhất, khai thác, tìm hiểu những vấn đề văn hóa từ nhiều khía cạnh, có cái nhìn khách quan, đa chiều, cũng như cách trình bày ấn tượng, hiện đại từ mỗi bài viết đến cả tờ báo.

Rõ ràng, hơi thở của cuộc sống từ nội dung phản ánh đến xu hướng cập nhật của báo chí thời cách mạng số đã khiến Nhân Dân cuối tuần thêm hấp dẫn với bạn đọc ngày nay. Trong mặt trận tư tưởng, khi báo chí nắm bắt và phản ánh được tiếng nói của nhân dân, nhân dân gần gũi với báo chí thì đó là lúc báo chí thực hiện trọn vẹn nhiệm vụ cách mạng là cầu nối giữa “ý Đảng” với “lòng dân”, là diễn đàn để các tầng lớp nhân dân đóng góp tâm huyết vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là những gì tôi kỳ vọng và Nhân Dân cuối tuần đã thật sự làm được.

KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam

CHẠM ĐƯỢC ĐẾN NHỮNG VẤN ĐỀ NÓNG HỔI CỦA ĐỜI SỐNG

Báo Nhân Dân nói chung, ấn phẩm Nhân Dân cuối tuần nói riêng, từ lâu đã có vị trí trong lòng bạn đọc, được bạn đọc quan tâm, được các chuyên gia, nhà khoa học khắp các vùng miền đất nước, cộng tác viên thân thiết viết bài. Về Nhân Dân cuối tuần, đây là ấn phẩm có bản sắc riêng, phản ánh đa dạng những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, văn học, quốc tế sâu. Rất nhiều vấn đề thời sự, sát thực tế cũng được quan tâm phân tích, có những ý kiến sâu sắc của các chuyên gia tùy từng lĩnh vực.

Ở lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch đô thị, nhiều năm qua, tôi cũng được mời viết bài, đóng góp ý kiến nhằm xây dựng và phát triển đô thị ngày càng văn minh, giàu đẹp. Đặc biệt, việc phát triển đô thị trong bối cảnh hiện nay, vấn đề bảo tồn không gian cổ kính, bảo vệ môi trường đô thị, cải tạo chung cư cũ, xây dựng đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu… là vấn đề nóng và đặt ra thách thức cho nhà quản lý, chuyên gia. Nhân Dân cuối tuần đã chạm được những vấn đề này.

Một điều nữa, đất nước ta đang quan tâm đến công nghiệp văn hóa, chuyển đổi số, ở đô thị thì quan tâm phát triển không gian sáng tạo… Đó là những chuyển động rất rõ trong đời sống mà Nhân Dân cuối tuần đã quan tâm, tổ chức các chuyên đề, và trong hơn nửa năm qua, chuyên đề đã tăng số trang và số lượng bài viết. Thời gian tới, Nhân Dân cuối tuần tiếp tục phản ánh, phân tích kịp thời những sự biến đổi về kinh tế- xã hội, song phải lưu ý đến yêu cầu gìn giữ được bản sắc văn hóa, như tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã đề cập đến.

Với 16 trang như hiện tại, theo tôi vẫn là hơi mỏng. Nhân Dân cuối tuần nên tăng trang, tăng chuyên mục, thu hút nhiều hơn bài viết của các chuyên gia, làm phong phú hơn tờ báo, bám sát hơi thở cuộc sống. Nhất là báo nên có nhiều tuyến điều tra, phân tích sâu, thành vệt bài đấu tranh với tiêu cực, tham nhũng, thoái hóa biến chất; cập nhật đời sống dân sinh ở nhiều vùng miền, nhất là người nghèo, vùng dân tộc thiểu số.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia độc lập về sinh thái đồng bằng sông Cửu Long

TẠO NÊN SỨC LAN TỎA MẠNH MẼ HƠN

Được cộng tác với tờ Nhân Dân cuối tuần trong vài năm qua, bản thân tôi cũng bắt đầu quan tâm, đọc tờ báo này nhiều hơn. Điều thú vị mà tôi phát hiện là ấn phẩm Nhân Dân cuối tuần có phong cách “mềm” hơn, nhẹ nhàng hơn tờ Nhân Dân. Thử điểm qua các chuyên mục Thời sự-Chính trị, Góc nhìn kinh tế, Chuyên đề, Đời sống xã hội, Thể thao, Dân tộc-Tôn giáo, ta có thể thấy lượng bài phong phú, chủ đề đa dạng. Phần lớn các bài viết đều mang tính nghiêm túc, phân tích chặt chẽ những vấn đề quan trọng.

Theo dõi nội dung Nhân Dân cuối tuần một thời gian, người đọc có thể thấy được nỗ lực của ấn phẩm tạo ra nét riêng của mình bằng cách tăng tính xã hội, văn hóa, giải trí, dù vẫn thuộc hệ thống ấn phẩm của Báo Nhân Dân và một nét đặc biệt khác của ấn phẩm cuối tuần là mỗi tuần đều tập trung vào một chuyên đề bắt nhịp với tình hình thời sự. Nhờ xoáy vào chủ đề thời sự nên mỗi số báo đạt được độ sâu của chủ đề. Từ đó, tạo nên cảm giác “phải đọc” đối với bạn đọc của mình, vì không đọc sẽ bị “bỏ rơi” lại phía sau về thông tin. Với cách làm này, ấn phẩm đã thành công trong việc lưu giữ lượng bạn đọc trung thành.

Với nội dung và phong cách của ấn phẩm Nhân Dân cuối tuần như hiện nay, tôi hình dung tờ Nhân Dân cuối tuần rất phù hợp với giới trí thức, từ tuổi trung niên trở lên, thưởng thức vào những buổi sáng uống trà cuối tuần, tức là những lúc có thể lắng đọng hơn, để nghiền ngẫm về những vấn đề của đất nước.

Tuy nhiên, trong thời buổi thông tin hiện nay, theo quy luật cạnh tranh, mỗi tờ báo đều phải tự làm mới mình để trở nên thu hút hơn, đặc biệt là thu hút thêm bạn đọc mới. Thành phần độc giả mà một tờ báo hướng đến tùy thuộc vào một số yếu tố như tính đại diện theo ngành nghề, vùng miền, độ tuổi, phong cách diễn đạt. Vì vậy, để cho tờ báo Nhân Dân cuối tuần được lan tỏa hơn, thiết nghĩ chuyện chính là làm sao thu hút để bạn đọc đa dạng về kiến thức, mối quan tâm, từ các vùng khác nhau trong cả nước được thấy mình trong đó, để họ cảm giác được tờ báo là thân thiết với họ.

Riêng tôi sẽ rất thích nếu ấn phẩm có thêm nhiều hơn những bài mang tính tản văn, tự sự, dù nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, biến những vấn đề phức tạp trong cuộc sống thành những câu chuyện đơn giản, dễ hiểu, có thông điệp dễ ghi nhớ.

Nhà báo Đinh Đức Hoàng

CÁC ĐÒI HỎI CHO MỘT TUẦN BÁO TRONG THỜI ĐẠI MỚI

Có một lý thuyết đã được các học giả truyền thông khắp thế giới đề cập khoảng hơn 10 năm qua, nhưng giờ đã trở thành một vấn đề bức thiết. Đó là việc công chúng sẽ từ việc “thiếu tin tức” chuyển sang “quá tải tin tức”. Mạng xã hội, các nền tảng internet sẽ làm họ bị “lụt” trong một biển thông tin nhiễu loạn. Và nhiệm vụ của báo chí vì thế cũng phải thay đổi.

Trước đây, nhiệm vụ đã khai sinh ra ngành báo chí, hay thậm chí là ngành in ấn và xuất bản, là việc lan tỏa thông tin càng nhanh và nhiều càng tốt. Nhưng giờ điều đó đã trở thành hiển nhiên, và vai trò của báo chí, lại là đi chậm lại, quan sát xã hội và giải thích cho công chúng điều gì đang thật-sự diễn ra.

Giữa một biển thông tin nhiễu loạn, bạn cần hiểu những điều gì, điều gì quan trọng với cuộc sống của bạn, một người Việt Nam giữa thế kỷ 21? Bạn có thể rút ra điều gì để làm cuộc sống của mình an toàn hơn, chất lượng sống của mình tăng lên, hạnh phúc hơn? Đó là điều công chúng không có thời gian làm, dù họ biết rằng mình rất cần: hằng ngày, họ kéo ngón tay cái trên màn hình và đi qua hàng nghìn dòng “thông tin” khác nhau. Họ không thể xâu chuỗi, lý giải, hay thậm chí phân biệt sự thật và tin giả. Họ có thể bị làm hoang mang. Có những cái họ đọc được là tiêu biểu, như tình hình kinh tế hiện nay, cần luận giải để họ đưa ra phương án hành động cho riêng mình. Có những cái hoàn toàn là tình huống cá biệt, như một vụ án giật gân chẳng hạn, thì cũng cần có người nói đó là cá biệt, chứ không thể để nó trở thành bức tranh chung của xã hội.

Một tuần báo có nhiều thời gian tĩnh để “lọc”, để luận giải, để thông báo với công chúng biết rằng trong những gì bạn đã đọc, cái nào là quan trọng và vì sao chúng quan trọng. Một tuần báo đuổi theo tin tức, đuổi theo xu hướng là tự hủy hoại chính mình. Chúng ta đang ở trong một thời đại cần những tác phẩm báo chí được đầu tư theo đơn vị “tuần” hơn bao giờ hết.


Một trong những đổi mới quan trọng của ấn phẩm Nhân Dân cuối tuần trong giai đoạn hiện nay là việc gia tăng đầu tư chất và lượng cho mỗi số chuyên đề. Với số trang chuyên đề được tăng lên, dung lượng và chiều sâu vấn đề cũng được mở ra để đưa đến cho bạn đọc một góc nhìn “chậm và sâu hơn, đa chiều hơn” vào một sự kiện, vấn đề nóng hổi đang thu hút sự quan tâm của độc giả.
Cùng sự hợp tác sâu sắc của Ban Nhân Dân điện tử, Nhân Dân cuối tuần đã xây dựng những phiên bản đặc biệt của chuyên đề trên nền tảng điện tử. Nhờ đó, bạn đọc, đặc biệt là giới trẻ có thể tìm thấy cách tiếp cận mới thú vị hơn về cùng một vấn đề.
Bắt kịp với xu hướng hiện đại, Nhân Dân cuối tuần đang thực thi chiến lược hiện diện rõ nét hơn trên môi trường số, với cá tính riêng, hình thức riêng, theo xu hướng "báo chí chậm", "báo chí dữ liệu".

Xuất bản: Tháng 3/2022
Tổ chức sản xuất: Vũ Mai Hoàng
Thực hiện: Ngô Phương Thảo, Lưu Hương, Võ Hoàng, Khúc Hồng Thiện, Hoàng Nghĩa Nam, Nguyễn Văn Học, Thu Hà, Trung Hiếu, Đức Hoàng, Phạm An và CTV
Trình bày: Phan Anh, Duy Long