Thành lập từ năm 2018, Bệnh viện đồ da đã tiếp nhận, đào tạo và tạo việc làm cho nhiều người yếu thế, bao gồm: Trẻ lang thang, nạn nhân buôn người,…
Nguyễn Văn Phúc – đồng sáng lập Bệnh viện đồ da. Xuất phát điểm của Phúc cũng là một lao động yếu thế: Trẻ em đánh giày.
Kim – Nạn nhân buôn người. Năm 2015, Kim bị bán sang Trung Quốc làm vợ. Sau 6 năm Kim trở về nhà. Ngày 26/7/2021, Kim trở thành thợ may tại Bệnh biện đồ da.
Chiến có nhiều năm lăn lộn với đường phố với nghề đánh giày mưu sinh. Hiện, Chiến là một trong số thợ chính của Bệnh viện.
17 tuổi, Băng rời quê lên Hà Nội mưu sinh với “tổng tài sản” chỉ vỏn vẹn 7 nghìn đồng trong túi.
Là con út trong một gia đình nghèo tại Thanh Hóa, Thái đã buộc phải nghỉ học từ năm lớp 11 khi việc đóng học phí đã trở thành “gánh nặng” quá lớn.
Với trình độ lao động, kỹ năng thấp,… lao động yếu thế rất khó tìm được một môi trường làm việc tốt tại các đô thị lớn. Họ thường xuyên làm việc trong các môi trường độc hại, thiếu an toàn,… với các công việc ngắn hạn.
Nếu không có một điểm bứt phá, vòng lặp này sẽ khó có thể kết thúc.
Do vậy, các mô hình, đơn vị chủ động nhận đào tạo, dạy nghề và tạo việc làm cho lao động yếu thế như Bệnh viện Đồ Da đã và đang tạo ra một tác động tích cực lên xã hội.
Họ góp phần giải quyết các vấn đề xã hội như trẻ lang thang, nạn buôn người,... đồng thời tạo ra một nguồn nhân lực cung ứng tại chỗ, có tay nghề.
Đây là điểm bứt phát, nơi mà nhiều số phận đã được viết lại.
Kim, 30 tuổi, người dân tộc Khơ Mú Tây Nghệ An ngồi lọt thỏm sau chiếc máy may cao quá đầu. Từng là nạn nhân của nạn buôn người, từng mất niềm tin vào cuộc sống, bỗng một ngày, cô nhận ra một cánh cửa mới đang từ từ mở ra với mình từ chính xưởng đồ da nhỏ của những người tử tế phần nào có cùng cảnh ngộ. Sống tới 1/3 cuộc đời, lần đầu tiên Kim được nhận bảo hiểm xã hội.
Từ chuyện của Kim: “Con ơi, mẹ không có tiền mua dừa cho con”
Kim là nhân sự đặc biệt nhất của Bệnh viện đồ da (Thanh Trì, Hà Nội). Trước khi bắt đầu “tập sự” tại đây, Kim đã có gần 10 năm mà cô không bao giờ muốn nhắc lại.
Vốn sinh ra tại huyện miền núi Tương Dương (Nghệ An), giống như người bà, người mẹ, người chị của mình, Kim chưa từng rời núi. 14 tuổi, cô lấy chồng và đẻ liền 2 cô con gái. Cuộc sống của người mẹ “không quen biết người nào khác bản” ấy cứ thế trôi qua cho tới trước năm 2015. Năm đó, Kim bị lừa bán sang Trung Quốc để làm vợ người. Khi đi, đứa con nhỏ nhất của Kim mới vừa tròn 4 tuổi.
Ngẩng đầu lên nhìn vào chúng tôi, Kim bảo: Khi bị bán đi, cô chẳng có gì trong tay. “Em chỉ biết làm ruộng và nuôi lợn thôi. Con bé con nó thích ăn hoa quả này kia nhưng em không có tiền. Thế nên mới muốn đi làm nhưng người ta lại bán mình đi”, Kim nhớ lại bùi ngùi.
Khi bị bán sang Trung Quốc, Kim bị giam lỏng trong nhà 2 năm để chăm sóc người chồng hờ. Kim chỉ biết anh tên Thanh, mắc chứng thiểu năng từ khi lọt lòng. 4 năm tiếp theo, Kim được ra ngoài đi chợ và làm các việc vặt trong nhà.
Nỗi nhớ nhà, thương con khiến cô khắc khoải từng đêm dài. May mắn, sau 6 năm, cô được “giải cứu” và đưa trẻ về với đất mẹ. Gia đình, địa phương mừng cho Kim. Cô cũng mừng cho chính mình. Nhưng niềm vui ấy lại chẳng kéo dài được lâu. Bởi lúc này, cô nhận ra, mình không biết phải làm gì tiếp theo để nuôi 2 đứa con đang ngày càng khôn lớn.
“Có những lúc, đứa bé bảo em: Mẹ ơi, mẹ mua cho con quả dừa. Lúc ấy, em chẳng biết nói sao khi trong người chỉ còn một ít tiền để dành cho bữa tối"
Cuộc sống ngày càng khó khăn, khiến Kim một lần nữa nghĩ tới việc rời bản lần thứ hai trong đời. Mang theo một chút tiền vay mượn, cô bắt xe xuống Hà Nội bắt đầu thử thách mới trong nỗi hoang mang, lo lắng vô bờ.
“Chị ơi, vào đây làm với em”, Kim nhớ lại cách cô tìm được việc mới. Lời giới thiệu không khác mấy so với lời mời khi cô bị bán sang Trung Quốc năm nào: “Để chị tìm việc cho em”.
Nhưng lần này, cô may mắn hơn khi không bị đưa sang đất khách. Chỉ khác, cô liên tục bị “ăn chặn”, cắt bớt tiền lương khi làm việc tại một xưởng may tại Hà Nội.
“Em bắt đầu tới xưởng lúc 7 giờ sáng, có những ngày 12 giờ đêm mới về phòng trọ. Tiền lương có khi chỉ đủ trang trải, nên em gửi về nhà rất ít”, Kim kể lại, mắt đỏ hoe.
Phải gần 1 năm sau, Kim mới thực sự tìm thấy cánh cửa mới mở ra cho mình khi cô nhận sự hỗ trợ từ một tổ chức chuyên hỗ trợ người yếu thế, trẻ em và nạn nhân buôn người. Lần này, Kim được giới thiệu về học nghề có lương tại Bệnh viện đồ da của Nguyễn Văn Phúc tại Thanh Trì, Hà Nội.
… và những chàng trai mưu sinh trên đường phố
Nguyễn Viết Chiến
Nguyễn Viết Chiến từng có nhiều năm lăn lộn với đường phố với nghề đánh giày mưu sinh. Năm 17 tuổi, bố Chiến đột nhiên đổ bệnh, bao nhiêu tiền của trong nhà cứ lần lượt đội nón ra đi. Khi ấy, cậu trai đang học lớp 11 tại Thường Xuân buộc phải lựa chọn việc nghỉ học để trở thành trụ cột bất đắc dĩ.
Bán chiếc xe đạp dùng để tới lớp được 300 nghìn, Chiến bắt xe khách lên Hà Nội. Đặt chân tới Thủ đô, cậu chỉ còn đúng hơn 100 nghìn đồng trong túi. Ngay cả bộ đồ nghề đánh giày đầu tiên Chiến cũng được các anh chị cùng quê mua giúp với lời hứa “sẽ trả ngay khi tích đủ tiền”. Ngày ngày, cậu bé 17 tuổi lang thang quanh khu Keangnam tìm khách.
“Lúc ấy, chị gái em đang học Đại học. Nếu em không nghỉ, chị em sẽ phải bỏ ngang. Số tiền kiếm được dù ít ỏi nhưng cũng đủ để cả hai thuê nhà, nộp học phí và gửi một phần về phụ bố mẹ”, Chiến nhớ lại.
Nguyễn Văn Băng
Cũng giống Chiến, Nguyễn Văn Băng cũng bắt đầu “lăn lộn với đường phố” từ khi còn rất trẻ. Mất bố từ sớm, 17 tuổi, Băng rời quê lên Hà Nội mưu sinh với “tổng tài sản” chỉ vỏn vẹn 7 nghìn đồng trong túi.
Khi chưa biết phải bắt đầu từ đâu, cậu may mắn được một người tốt bụng xin cho một chân phụ hồ tại quận Đống Đa. Từ xách vữa, bơm nước… Băng đều cố gắng nhận làm, không một lời kêu ca.
“Lúc ấy, em mới biết kiếm được đồng tiền khó khăn như thế nào”, Băng nhớ lại.
Được 1 năm, Băng có quyết định nhập ngũ. Sau thời gian thực hiện nghĩa vụ, cậu lại tiếp tục lao ra đường, bươn chải đủ thứ nghề. Thậm chí có lúc Băng đã sa chân vào con đường đa cấp. Cậu đã “gần như mất định hướng, cứ nay đây mai đó, có việc gì thì làm, không biết tương lai của mình sẽ ra sao”.
Trịnh Đình Thái
Trịnh Đình Thái cũng không khác nhiều so với các “đàn anh đi trước”. Là con út trong một gia đình nghèo tại Thanh Hóa, Thái đã buộc phải nghỉ học từ năm lớp 11 khi việc đóng học phí đã trở thành “gánh nặng” quá lớn. Vay mượn được vài trăm ngàn, mang theo vài bộ quần áo, Thái cũng lựa chọn lên Hà Nội để tìm cách mưu sinh…
… đến chuyện của Phúc và Bệnh viện đồ da
Hồi tưởng lại những ngày gian khó nhất, cả Kim, Băng, Chiến và Thái đến giờ đều cười nhẹ bẫng. Dù đến từ các địa phương khác nhau, nhưng giờ tất cả họ lại có một điểm chung khi cùng làm việc để mở ra tương lai mới tại Bệnh viện đồ da của ông chủ Nguyễn Văn Phúc.
Trong khu xưởng rộng chừng 100m2, cả nhóm đang tất bật với những công việc sửa chữa đồ da thường nhật của mình. Cũng từng “lăn lộ với đường phố”, hơn ai hết, Nguyễn Văn Phúc thấu hiểu những khó khăn mà nhóm của Kim, Băng, Chiến và Thái từng đối mặt.
Sinh ra trong một gia đình có 5 anh chị em tại Thanh Oai, Phúc là con trai duy nhất trong nhà. Năm 2001, sau khi bố mất vị bệnh nặng, Phúc bắt đầu xin gia nhập vào “đội đánh giày” của làng. Bộ đồ nghề đầu tiên được anh mua từ tiền tiết kiệm được trong vài năm trước đó.
Nhớ lại ngày đầu bước chân vào nghề, Phúc kể, anh đã phải dậy từ 3 giờ sáng rồi theo chân đám trẻ trong làng ra bắt xe lên Hà Nội.
“Ngày đấy, vé xe có giá 2.000 đồng cũng là một số tiền rất lớn. Để tiết kiệm, tôi có khi đánh giày cho lái xe, khi đóng vai phụ xe”, anh kể lại.
Ban đầu do chưa quen việc, Phúc phải nhờ người kèm cặp và truyền nghề. Sau một thời gian ngắn, cậu bé nhỏ thó đã “tích” được vài trăm ngàn từ công việc làm thêm của mình. Khi ấy, mẹ Phúc cũng không biết việc con đi đánh giày.
Cứ sáng sớm, anh “mang đồ nghề” đi, trưa lại bắt xe về ăn vội bát cơm sau đó lên lớp. Công việc đặc biệt ấy gắn bó với Phúc đến tận khi anh lên Đại học; đồng thời cũng giúp anh hiểu những khó khăn đặc biệt của trẻ em đường phố.
Bước ngoặt đến với Phúc từ năm 2015, khi qua những lần đánh giày cho khách, anh bắt đầu được tiếp xúc với lượng đồ hiệu khá nhiều.
"Tôi bắt đầu lao vào tìm hiểu và nghiên cứu một số quy trình và sản phẩm bảo dưỡng đồ da. Sau một thời gian tìm được vật liệu và quy trình phù hợp, tôi quyết định đi theo hướng bảo dưỡng đồ da với phân cấp cao hơn một chút so với trước. Ý định này được ấp ủ từ năm 2015, nhưng tới năm 2018 khi nghỉ làm báo tôi mới có cơ hội bắt tay vào làm”, Phúc nhớ lại.
Nhưng con đường khởi nghiệp của Phúc đã thất bại nhanh chóng chỉ sau 8 tháng. Không bỏ cuộc, tháng 1/2019, Phúc rủ Chiến-một “đồng nghiệp” đường phố như mình cùng bắt tay mở ra Bệnh viện đồ da với số vốn ít ỏi 100 triệu đồng.
Nhớ lại thời điểm ấy, Chiến kể: “Ban đầu, hai anh em không có nhiều vốn nên phải mượn một căn phòng nhỏ tại Văn Điển (Thanh Trì, Hà Nội) làm xưởng. Cả ngày, hai anh em loay hoay sửa chữa đồ da cho khách. Đến tối, mỗi người lại phải đi làm thêm, từ xe ôm, đánh giày để trang trải cuộc sống”.
Sau một thời gian lăn lộn, Bệnh viện đồ da dần phát triển và có những tệp khách hàng ổn định của riêng mình. Khi nhu cầu nhân sự ngày càng lớn, Phúc và Chiến quyết định đón những “anh em đường phố” về cùng làm với mình. Lần lượt Băng, Thái và gần đây nhất là Kim được mời về gia nhập vào bệnh viện đồ da đặc biệt này.
“Hầu hết các nhân sự đang làm việc tại Bệnh viện đồ da đều xuất phát từ đường phố hoặc có hoàn cảnh đặc biệt. Ban đầu, các bạn gần như không có kỹ năng gì nhưng lại bắt nhịp rất nhanh với công việc từ những chỉ dẫn ban đầu”, anh Phúc chia sẻ.
Lý giải về việc lựa chọn nhân sự là những người yếu thế, anh Phúc chia sẻ: Bản thân anh cũng từng phải lao động từ rất sớm nên anh hiểu những khó khăn cũng như rào cản đặc biệt của nhóm người này.
“Có bạn ngày đi làm bị trấn tiền, đêm về ngủ trong các nhà trọ chung chỉ 5.000 đồng thì lại bị ‘xin đểu’. Mặt khác, do làm việc trong môi trường tự phát, họ cũng sẽ dễ rơi vào các tệ nạn xã hội khác. Từ chính những trải nghiệm của mình, tôi mong muốn có thể giúp được họ phần nào. Thay vì đi đánh giày đường phố, các em có thể tìm được một việc làm có thể tự nuôi sống bản thân và gia đình”, Phúc nói.
Làm việc với lao động bình thường đã khó rồi nhưng làm việc với lao động yếu thế còn khó hơn rất nhiều, trong đó rào cản tâm lý là vấn đề lớn nhất. Khi bước ra từ đau thương họ sẽ có cái nhìn phòng thủ và tiêu cực. Khi giao tiếp, nhiều người trong số họ luôn đặt mình ở vị trí thấp hơn. Người lao động yếu thế tự ti về bản thân mình. Do vậy họ cũng không thể cởi mở trong công việc.
Một buổi sáng đầu tháng 8/2022…
Kim ngại ngần khi bước vào khoảng sân của Bệnh viện đồ da nằm sâu trong làng Bằng Liệt (Thanh Trì, Hà Nội). Từ phía trong, Phúc bước ra, tươi cười đón Kim vào bên trong và bắt đầu giới thiệu về những công việc cô sẽ có thể làm.
Kể về ngày đầu làm việc của Kim, Phúc bảo: Khi ấy, Kim luôn nói: Cái này mình không làm được đâu. Cô ấy cũng không bao giờ dám nhìn vào mắt người đối diện mà chỉ luôn cúi đầu. Phúc đã phải dành rất nhiều thời gian để hỏi han, chuyện trò với cô để Kim dần vượt qua mặc cảm.
Trong quá trình đào tạo và làm việc với những lao động yếu thế như Kim, anh Phúc nhận xét: Ưu điểm của người lao động yếu thế là sự nỗ lực. Nếu người bình thường chỉ nỗ lực 1 thôi thì người yếu thế phải nỗ lực 2 – 3 lần.
“Kim là người học tốt nhất và nhanh nhất. Kim rất kiên trì. 1 tháng 30 ngày đi học việc, Kim không nghỉ một ngày nào. Khi xác định mình cần làm việc, họ sẽ là đối tượng chăm chỉ nhất, nghị lực nhất. Bởi khi đã đi qua đau thương, họ hiểu giá trị của những điều tốt đẹp.
Vậy nên khi có cơ hội, họ sẽ dồn toàn bộ tổng lực những gì mình có. Bởi vậy, thay vì mất 1 năm để thành thợ may đồ da, Kim chỉ cần bỏ ra 6 tháng đã thành thạo”, anh Phúc nói.
Cũng từ đây, một cánh cửa mới đã chính thức mở ra cho người mẹ người Khơ Mú. Từ lời giới thiệu của ông chủ Phúc, cô đã được nhận vào làm việc tại một xưởng đồ da với mức lương 9 triệu đồng/tháng. Từ một người khép kín và mất niềm tin vào cuộc sống, Kim đã bắt đầu mỉm cười và tin hơn vào tương lai phía trước.
Vĩ thanh
Ngày gặp chúng tôi, Kim đã chủ động bắt chuyện. Cô khoe về việc mình đã bắt đầu gửi quà và cả tiền về cho 2 cô con gái ở nhà. Rồi chuyện sắp tới có thể đón các cháu lên Hà Nội chơi một chuyến cho biết Thủ đô như thế nào. Kim vui vẻ chụp với chúng tôi một bức ảnh.
Ngay bên cạnh, Băng, sau 3 năm gắn bó với Bệnh viện đồ da đã chững chạc hơn rất nhiều. Cậu trở thành người anh lớn trong xưởng, sẵn sàng chỉ dạy cho lứa sau những công việc hàng ngày. Em út Thái cũng đã có thể một mình đảm đương công việc bọc da cho sản phẩm. Mức lương cậu nhận cũng đủ để gia đình ở Thường Xuân (Thanh Hóa) bớt nhọc nhằn.
Trưa cuối tháng 7, sau giờ làm việc, tất cả ngồi với nhau trên chiếc ghế sofa đặt ngang xưởng. Họ kể cho nhau nghe về những ước mơ của mình trong tương lai trước mắt.
Bệnh viện đồ da, trong khoảng khắc ấy, như trở thành một gia đình, một mái nhà bình yên của những người từng bị coi là yếu thế…