BẢO HIỂM XÃ HỘI - NHỮNG ĐIỂM SÁNG 2021
Năm 2021, lĩnh vực bảo hiểm xã hội đã có những nỗ lực đáng ghi nhận, hướng tới lấy quyền lợi người dân làm trung tâm. Đồng thời, bảo đảm quyền lợi của người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng cho người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19
Ngày 1/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (Nghị quyết 68).
Nghị quyết gồm nhóm 12 chính sách hỗ trợ. Trong đó, có một số chính sách đáng quan tâm hỗ trợ về lĩnh vực bảo hiểm xã hội với người lao động và người sử dụng lao động.
Đó là: Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc; Chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động.
Đồng thời, Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện Nghị quyết 68.
Tính đến ngày 20/12, theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết 68, Quyết định 23 toàn quốc là gần 31,7 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ 27,37 triệu lượt đối tượng. Trong đó, gồm 378.038 lượt đơn vị sử dụng lao động, gần 27 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác.
Đến 20/12/2021:
Tổng kinh phí hỗ trợ 3 chính sách về bảo hiểm là 5,43 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho 375.854 đơn vị sử dụng lao động và 11,39 triệu người lao động. Cơ quan bảo hiểm xã hội đã rà soát và thông báo cho 375.000 đơn vị sử dụng lao động với 11.238.000 người lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ tháng 7/2021 đến hết tháng 6/2022 với tổng số tiền (tạm tính) khoảng 4.322 tỷ đồng.
Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đã được thực hiện tại 57/63 tỉnh, thành phố với tổng số 842 đơn vị sử dụng lao động và 159.885 người lao động, tổng kinh phí 1.111,4 tỷ đồng.
Cơ quan bảo hiểm xã hội đã xác nhận cho 4.102 lao động tại 40 đơn vị sử dụng lao động để làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ đào tạo nghề. Tại 8 tỉnh, thành phố , 13 đơn vị sử dụng lao động được phê duyệt hỗ trợ 4,33 tỷ đồng để đào tạo nghề, duy trì việc làm cho 1.252 người lao động.
Cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp đã xác nhận danh sách cho 2,92 triệu người lao động của 69.977 đơn vị sử dụng lao động để đề nghị hưởng các chính sách hỗ trợ tại 63 tỉnh, thành phố.
(Nguồn: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội)
Gói hỗ trợ 38 nghìn tỷ đồng
từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp
Ngày 24/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (Nghị quyết 116).
Đối tượng áp dụng là người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30/9/2021 (không bao gồm người lao động đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên).
Người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 30/9/2021 có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm, không bao gồm người hưởng lương hưu hằng tháng.
Mức hỗ trợ trên cơ sở thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động. Cụ thể như sau:
- Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp dưới 12 tháng: hỗ trợ 1.800.000 đồng/người.
- Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng đến dưới 60 tháng: hỗ trợ 2.100.000 đồng/người.
- Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 60 tháng đến dưới 84 tháng: hỗ trợ 2.400.000 đồng/người.
- Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 84 tháng đến dưới 108 tháng: hỗ trợ 2.650.000 đồng/người.
- Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 108 tháng đến dưới 132 tháng: hỗ trợ 2.900.000 đồng/người.
- Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 132 tháng trở lên: hỗ trợ 3.300.000 đồng/người.
Người lao động được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt, với kinh phí khoảng 30 nghìn tỷ đồng từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2020.
Thời gian thực hiện việc hỗ trợ người lao động từ ngày 1/10/2021 và hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/12/2021.
Nghị quyết 116 cũng giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Cụ thể, người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Tổng kinh phí của gói hỗ trợ theo Nghị quyết 116 là khoảng 38 nghìn tỷ đồng.
Đến hết ngày 21/12: Gần 12,8 triệu lao động đã được nhận hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Tổng số tiền hỗ trợ là hơn 30,3 nghìn tỷ đồng.
Số người tham gia
bảo hiểm xã hội tự nguyện
tiếp tục tăng
Đến hết tháng 11/2021, số người tham gia bảo hiểm xã hội tiếp tục tăng so với năm 2020, đạt 16,202 triệu người (tăng 38,7 nghìn người). Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt gần 1,3 triệu người, đạt 2,6% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội.
Điều này cho thấy, độ bao phủ bảo hiểm xã hội ngày càng được mở rộng, trong đó đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã vượt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW.
Trước đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong năm 2020 là 1,068 triệu người, tăng 494 nghìn người, gần gấp đôi so với năm 2019.
Chuyển đổi số lấy quyền lợi người dân làm trung tâm
Ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện kho cơ sở dữ liệu hơn 98 triệu dân, là nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm.
Ngày 1/7, hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chính thức được vận hành. Bảo hiểm xã hội Việt Nam là đơn vị đầu tiên ngoài ngành công an được lựa chọn để triển khai dịch vụ kết nối và xác thực dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Hiện nay, cơ sở dữ liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang quản lý thông tin của toàn bộ người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Tháng 11 vừa qua, tại Hội nghị Ban Chấp hành Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN (ASSA) lần thứ 38, Bảo hiểm xã hội Việt Nam vinh dự được nhận Giải thưởng với hạng mục “Công nghệ thông tin” về “Triển khai ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số - Tạo điều kiện cho người tham gia tiếp cận thông tin, thực hiện dịch vụ công về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế một cách thuận lợi, dễ dàng và nhanh chóng”.
Giải thưởng là sự ghi nhận, đánh giá cao với những tính năng, tiện ích mà ứng dụng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đem lại cho người dùng trong quá trình tham gia, thụ hưởng, tiếp cận thông tin về các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
VssID là ứng dụng trên nền tảng thiết bị di động chính thức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhằm cung cấp thông tin thiết yếu cho người sử dụng về quá trình tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; thông tin thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; lịch sử khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; hỗ trợ trực tuyến 24/7… giúp người tham gia nắm bắt được quá trình tham gia, thụ hưởng các chính sách, đồng thời tự giám sát, bảo vệ quyền lợi an sinh của mình.
Tính đến 26/12/2021, toàn quốc có hơn 23,6 triệu tài khoản giao dịch điện tử cá nhân với cơ quan Bảo hiểm xã hội được phê duyệt (dùng để đăng nhập và sử dụng ứng dụng VssID). Số lượt tải, cài đặt ứng dụng VssID trên Google Play và AppStore đã đạt hơn 22,3 triệu lượt.
VssID ra mắt từ tháng 11/2020 và không ngừng được cải tiến, nâng cấp. Với ứng dụng này, người tham gia, thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp có thể:
- Sử dụng thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID để đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế có ký hợp đồng khám, chữa bệnh với cơ quan bảo hiểm xã hội; cập nhật các thông tin về thẻ bảo hiểm y tế, quyền lợi được hưởng khi đi khám, chữa bệnh; Lịch sử khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế...
- Theo dõi quá trình tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; Thông tin hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội (hằng tháng, một lần, ốm đau, thai sản, dưỡng sức, tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp);
- Hỗ trợ tra cứu: Mã số bảo hiểm xã hội; Cơ quan bảo hiểm xã hội; Cơ sở khám, chữa bệnh cấp giấy nghỉ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội; Cơ sở khám, chữa bệnh ký hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; Đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội; Điểm thu, đại lý thu bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế…
- Thực hiện các dịch vụ công trực tuyến của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam dành cho cá nhân.
- Hỗ trợ trực tuyến 24/7: Chatbot - trả lời tự động, tổng đài hỗ trợ 1900.9068, email, câu hỏi thường gặp, gửi phản ánh, kiến nghị đến cơ quan bảo hiểm xã hội;
- Theo dõi tin tức hoạt động ngành bảo hiểm xã hội; các thông tin về chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; hướng dẫn sử dụng ứng dụng; hướng dẫn thực hiện dịch vụ công, dịch vụ thanh toán trực tuyến.
Đến nay, ứng dụng VssID đã triển khai 5 ngôn ngữ: Tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Hàn Quốc và tiếng Nhật Bản.
Bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong đại dịch
Trong năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đa dạng, linh hoạt các phương thức chi trả (chi trả gộp 2 tháng, chi trả tại nhà); đẩy mạnh chi trả không dùng tiền mặt. Hiện tại, khoảng 50% số người nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị, hoàn thành chỉ tiêu Chính phủ giao.
Qua đó, chi trả kịp thời, an toàn cho 3,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng với gần 15 nghìn điểm chi trả đến tận cấp xã.
Theo Luật Bảo hiểm y tế, từ ngày 1/1/2021 thực hiện chính sách thông tuyến tỉnh trong điều trị nội trú đối với khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Theo đó, người có thẻ bảo hiểm y tế tự đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh trên phạm vi toàn quốc được quỹ bảo hiểm y tế chi trả chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng (như đúng tuyến).
Từ ngày 1/4, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cấp thẻ bảo hiểm y tế mẫu mới, có những thay đổi theo hướng mang lại nhiều tiện ích hơn cho người tham gia.
Đồng thời, các thông tin về bảo hiểm y tế của người tham gia đã được cập nhật trên Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế và Cổng Thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Do đó, dù đổi thẻ bảo hiểm y tế mẫu mới, nhưng những thông tin về quyền lợi bảo hiểm y tế của người tham gia đã được lưu trên hệ thống để phục vụ cho việc thực hiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Vì vậy, người tham gia được cấp thẻ bảo hiểm y tế mẫu mới hay mẫu cũ thì đều có thể sử dụng để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và hưởng các quyền lợi theo đối tượng mà mình tham gia.
Đặc biệt, từ ngày 1/6/2021, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp ngành y tế chính thức triển khai việc sử dụng hình ảnh thẻ Bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số trong khám, chữa bệnh trên toàn quốc.
Theo đó, người dân khi đi khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế sẽ không cần phải mang theo thẻ bảo hiểm y tế giấy, thay vào đó có thể sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID. Cách làm này đã giúp loại bỏ, đơn giản thủ tục khám, chữa bệnh, đồng thời người dân cũng không cần phải lo lắng việc bảo quản thẻ bảo hiểm y tế quên thẻ bảo hiểm y tế; tính bảo mật, an toàn dữ liệu thông tin khám, chữa bệnh được bảo đảm.
Đồng thời, ngành bảo hiểm xã hội đẩy mạnh việc thực hiện kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực thông tin công dân khi đăng ký tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan Bảo hiểm xã hội trên Cổng Dịch vụ công Bảo hiểm xã hội Việt Nam và trên ứng dụng VssID.
Song song đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chính thức triển khai việc xác thực thông tin công dân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi công dân đăng ký tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan Bảo hiểm xã hội trên Cổng Dịch vụ công Bảo hiểm xã hội Việt Nam và trên ứng dụng VssID.
Thời gian tới, sẽ đề xuất cho phép sử dụng căn cước công dân có gắn chíp thay thẻ Bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh. Các bệnh viện có thể đọc thông tin từ mã vạch QR trên căn cước công dân. Sau đó, gửi yêu cầu đến cơ quan Bảo hiểm xã hội và nhận được các thông tin do cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý và thực hiện việc khám, chữa bệnh theo đúng quy định, giống như việc sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế giấy hoặc thẻ Bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID của Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong khám, chữa bệnh hiện nay. Ứng dụng công nghệ sinh trắc xác thực vân tay của người dân trên thẻ căn cước công dân gắn chíp vào việc chống lạm dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm y tế.
Khi ứng dụng được công nghệ này, người dân không thể mượn thẻ của người khác để lạm dụng trục lợi Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh hay khi hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội…
Việt Nam - Hàn Quốc ký hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội
Ngày 14/12, Việt Nam và Hàn Quốc đã chính thức ký Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội. Qua đó, giúp quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động hai nước được bảo vệ, trong đó có quyền và nghĩa vụ tham gia bảo hiểm xã hội.
Đây là Hiệp định đầu tiên của hai quốc gia trong lĩnh vực này.
Việt Nam và Hàn Quốc đã thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược. Hợp tác giữa hai nước đang ngày càng phát triển trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực lao động - việc làm.
Số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc và người Hàn Quốc đến làm việc tại Việt Nam ngày càng tăng và đều có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp của cả hai nước. Quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ cũng được bảo vệ bởi luật pháp của hai nước, trong đó có quyền và nghĩa vụ tham gia bảo hiểm xã hội.
Hiệp định này có hai mục đích chính.
Thứ nhất là tránh việc đóng hai lần bảo hiểm xã hội.
Trong trường hợp hai nước có Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội, sẽ tránh được việc người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội hai lần. Người lao động là công dân Việt Nam và Hàn Quốc sẽ chỉ có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội tại một nước.
Thứ hai là thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ được hai bên công nhận lẫn nhau.
Thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội của người lao động là công dân Việt Nam và công dân Hàn Quốc sẽ được tính là tổng thời gian mà người lao động đó đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội ở Việt Nam và Hàn Quốc. Tổng thời gian này sẽ là căn cứ để Quỹ Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Quỹ Hưu trí quốc gia Hàn Quốc xét người lao động hưởng chế độ lương hưu.
Hiệp định cũng là điều ước quốc tế để thực hiện chủ trương của Đảng được nêu trong Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Ngày xuất bản: 30/12/2021
Chỉ đạo sản xuất: NGỌC THANH
Tổ chức sản xuất: XUÂN BÁCH
Nội dung: NGÂN ANH
Trình bày: DIỆU THU
Ảnh: DUY LINH, ĐĂNG KHOA, MINH DUY, BÁO NHÂN DÂN, TTXVN, VSS…