Bi đát những bio-ethanol
Theo Đề án phát triển nhiên liệu sinh học (bio-ethanol) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hàng loạt nhà máy bio-ethanol đã ra đời nhằm sản xuất, cung cấp nhiên liệu sinh học pha chế xăng E5. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã quyết định chủ trương đầu tư, chỉ đạo các đơn vị thành viên đầu tư ba nhà máy bio-ethanol ở ba miền (tại Phú Thọ, Quảng Ngãi và Bình Phước), công suất mỗi nhà máy 100 triệu lít/năm. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, các nhà máy bio-ethanol được đầu tư hàng chục nghìn tỉ đồng, đến nay đều rơi vào tình trạng bi đát,…
Niềm vui ngắn chẳng tày gang
Tính đến tháng 10/2015, cả nước đã có bảy nhà máy bio-ethanol được xây dựng, tổng năng lực sản xuất dự kiến khoảng 502 nghìn tấn/năm, đủ để pha chế 8,46 triệu tấn xăng E5 khi các nhà máy này hoạt động đủ 100% công suất thiết kế. Trường hợp các nhà máy chỉ hoạt động 65% công suất thiết kế, sản lượng ethanol đạt khoảng 326.250 tấn/ năm, đủ để pha chế 6,46 triệu tấn xăng E5.
Tuy nhiên, do diễn biến bất lợi của giá dầu thế giới (liên tục giảm sâu) thời gian qua, cùng với giá thành xăng E5 chưa thật sự hấp dẫn khiến người dân không mặn mà với xăng sinh học. Chính vì vậy, các nhà máy bio-ethanol lần lượt rơi vào cảnh ế ẩm, không tiêu thụ được sản phẩm, hoạt động lay lắt và buộc phải quyết định đóng cửa (hiện nay, chỉ còn Nhà máy bio-ethanol Tùng Lâm hoạt động).
Nhà máy bio-ethanol Phú Thọ (xã Cổ Tiết, huyện Tam Nông) do Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) làm chủ đầu tư, được khởi công từ tháng 6/2009, tổng vốn đầu tư ban đầu hơn 1.317 tỷ đồng (sau điều chỉnh gấp gần hai lần, lên tới 2.484 tỷ đồng), dự kiến đi vào vận hành thương mại từ tháng 11/2011.
Tuy nhiên, từ tháng 9/2012 cho đến nay, dự án đang tạm dừng, tiến độ mới đạt 79%.
Có mặt tại nhà máy, mới thấy hết vẻ hoang tàn của dự án được đánh giá là “cánh chim đầu đàn” trong hệ thống cung cấp nhiên liệu sinh học cho cả nước.
Giữa mênh mông đồng ruộng, khung cảnh nhà máy im lìm, hoang lạnh, không có bất cứ dấu hiệu nào của việc thi công hay sản xuất. Các hạng mục quan trọng đã chuẩn bị hoàn thành như nhà điều hành, kho sắn, nhà nghiền, nhà sản xuất chính, khu bồn cồn thành phẩm, điện, lò hơi,… lâm vào cảnh dang dở, đang dầm mưa, dãi nắng nên hoen gỉ, xuống cấp nghiêm trọng.
Quanh nhà máy, chỉ có lác đác vài người làm công tác bảo vệ, cánh cổng luôn khép chặt, ở tình trạng “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Người dân sống quanh khu vực cho biết, chỉ khi nào có đoàn kiểm tra về, họ thuê người cắt cỏ chung quanh để đỡ chướng mắt. Dù cỏ dại, dây leo đã được cắt xén, nhưng vẫn không thể làm tươi mới hàng trăm tấn thiết bị “đắp chiếu” bấy lâu.
Để dự án được triển khai thuận lợi, tỉnh Phú Thọ đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp như cấp giấy chứng nhận đầu tư xây dựng khu nhà ở và các công trình phục vụ cán bộ nhân viên; chuyển mục đích và giao đất cho chủ dự án; phê duyệt đơn giá cho thuê đất cho chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án. Đồng thời, có văn bản chấp thuận cho chủ đầu tư triển khai quy hoạch vùng nguyên liệu với quy mô 8.000ha và chủ đầu tư đã đầu tư gần 15 tỷ đồng để đầu tư giống, phân bón, kỹ thuật… Tuy nhiên, kết quả chỉ như muối bỏ bể.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tam Nông Phan Đức Tài ngao ngán: Ngày xưa, đây là cánh đồng lúa bờ xôi ruộng mật, nông dân xót của không chịu trả đất, chính quyền phải cưỡng chế thu hồi. Tưởng rằng sau đó nhà máy sẽ thu hút lao động địa phương, cuối cùng bỏ hoang, nông dân oán thán nhiều lắm. Huyện cũng đã nhiều lần kiến nghị cấp trên nếu không thực hiện được thì sớm chuyển mục đích dự án, tránh bỏ hoang năm này qua năm khác. Liên tiếp từ năm 2013 đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương và PVN chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, tuy nhiên, khả năng tìm cách đưa dự án trở lại hoạt động, nghe ra còn khó hơn tìm đường lên trời.
Liên tiếp từ năm 2013 đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương và PVN chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, tuy nhiên, khả năng tìm cách đưa dự án trở lại hoạt động, nghe ra còn khó hơn tìm đường lên trời.
Theo PVN, đối với dự án bio-ethanol Phú Thọ, do cổ đông chính góp vốn trong dự án là cổ đông ngoài ngành dầu khí nên PVN/PVOil không có quyền tự quyết định các vấn đề của dự án và hiện các bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về kế hoạch tiếp theo. Bởi sau khi đánh giá lại, thấy hiệu quả kinh tế của dự án không đáp ứng kỳ vọng đầu tư (nguyên nhân chính do giá nguyên liệu sắn tăng cao, trong khi giá sản phẩm giảm so với dự báo được duyệt). Tình hình tài chính của PVB rất khó khăn, hiện nay đã hết vốn để hoạt động, việc xin ân hạn trả lãi tiền vay và nợ gốc, cơ cấu lại các khoản đã vay gặp khó khăn. Các cổ đông chưa có phương án huy động nguồn vốn còn thiếu để triển khai tiếp dự án (các cổ đông ngoài ngành dầu khí không đồng ý góp thêm vốn).
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương, PVOil tiếp tục làm việc với các cổ đông khác để xem xét, thống nhất phương án triển khai tiếp theo như thành lập Tổ công tác đánh giá rõ hiện trạng máy móc thiết bị của dự án, khả năng hoàn chỉnh, đưa vào sử dụng; tính toán dự toán chi phí thực hiện các công việc còn lại của dự án để đưa nhà máy vào hoạt động với quan điểm không phát sinh giá trị Hợp đồng EPC,…
Cha chung không ai khóc
Dự án bio-ethanol Dung Quất do Công ty cổ phần Nhiên liệu sinh học dầu khí miền Trung (BSR-BF) làm chủ đầu tư, với tổng vốn thực hiện gần 1.887 tỉ đồng, đã vận hành thương mại từ đầu năm 2014. Năm 2015, nhà máy vận hành bốn đợt, tổng số 36 ngày, sản lượng chưa đầy 7.000m3 xăng E100 (khoảng 12% công suất thiết kế), cung cấp gần 90% sản lượng cho Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) để phối trộn xăng E5. Nhà máy đang tạm dừng vận hành từ ngày 21/4/2016 cho đến nay do thiếu vốn lưu động mua nguyên liệu, giá thành sản xuất cao hơn giá bán sản phẩm, không có thị trường tiêu thụ.
Theo đánh giá, các chỉ tiêu kinh tế trong thực hiện đầu tư cũng như sau khi nhà máy đi vào hoạt động đều không đạt theo báo cáo đầu tư dự án. Giá thu mua sắn nguyên liệu khi lập dự án là 1.650 đồng/kg, sau đó tăng lên gần 4.500 đồng/kg, trong khi chi phí nguyên liệu chiếm khoảng 60 - 65% giá thành sản phẩm dẫn đến tăng giá thành sản phẩm. Ngoài ra, giá dầu trên thị trường thế giới giảm sâu, khiến giá ethanol giảm theo, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất; thị trường tiêu thụ xăng E5 trong nước cũng chưa phổ biến, nên hoạt động cầm chừng, tuy ngừng vận hành nhưng vẫn phát sinh chi phí điện, nước, bảo dưỡng, khấu hao tài sản,…
Báo cáo của chủ đầu tư cho biết, năm 2014, Nhà máy bio-ethanol Dung Quất lỗ khoảng 164 tỉ đồng. Chủ đầu tư BSR-BF gặp khó khăn về tài chính, thiếu vốn mua nguyên liệu phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhà máy. Sản lượng tiêu thụ rất thấp so với công suất thiết kế, doanh thu không đủ bù đắp chi phí hoạt động, đặc biệt trong tình hình hiện nay khi giá dầu thô giảm sâu nên giá ethanol không cạnh tranh được so với xăng khoáng. Do đó, Bộ Công thương yêu cầu BSR-BF nghiên cứu áp dụng các giải pháp tối ưu hóa sản xuất để giảm chi phí, giá thành sản phẩm như nâng cao hiệu suất lên men, phối trộn nguyên liệu sắn, phối trộn than, xem xét tận dụng các tiện ích (điện, hơi) từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Nhà máy ngừng hoạt động, doanh nghiệp đành “động viên” 128 kỹ sư, công nhân nghỉ chờ việc không lương từ giữa tháng 3/2016. Tháng 7 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ngãi đã có báo cáo nêu rõ, sản phẩm xăng E5 của Nhà máy bio-ethanol Dung Quất không tiêu thụ được nên không có khả năng trả nợ ngân hàng. Nhà máy đang nợ các ngân hàng trên địa bàn hơn 1.300 tỉ đồng, phần nợ của nhà máy bị các ngân hàng đưa vào danh mục nợ xấu.
Nhà máy bio-ethanol Bình Phước có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỉ đồng (tương đương 80,684 triệu USD); nguồn vốn chủ sở hữu 30%, vay tín dụng 70%. Đầu tháng 4-2010, chủ đầu tư Công ty Phương Đông và liên danh nhà thầu Công ty ToyoThai/ Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Thiết kế dầu khí đã ký hợp đồng EPC với giá trọn gói 58,38 triệu USD. Dự án được thực hiện trong 21 tháng. Trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 84,533 triệu USD (tăng gần 3,85 triệu USD).
Theo báo cáo của chủ đầu tư, tính đến tháng 3/2013, nhà máy chỉ hoạt động năm đợt, sản xuất gần 16,3 triệu lít ethanol với giá thành khoảng 21.500 đồng/lít, tăng 10.459 đồng/lít (tăng 95%) so với giá thành sản phẩm khi lập dự án đầu tư. Giá thành sản phẩm cao, sức tiêu thụ hạn chế, nên từ tháng 4/2013 đến nay, nhà máy gần như “đắp chiếu”. Do gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm, hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp nên đối tác nước ngoài quyết định tạm dừng vận hành nhà máy đến năm 2018, khi thị trường thuận lợi mới hoạt động trở lại. Tính sơ sơ, mỗi năm nhà máy lỗ khoảng 200 tỷ đồng (khấu hao tài sản cố định 86 tỷ đồng, trả lãi vay 96 tỷ đồng,…).
Ngừng thi công, nợ nần chồng chất, ba nhà máy bio-ethanol rơi vào thảm cảnh bi đát, như kiến bò trong chảo nóng. Sau khi thực hiện xong dự án, các nhà máy đi vào hoạt động đều bị thua lỗ lớn và hầu như không vận hành thương mại; toàn bộ vốn đầu tư vào ba dự án với tổng số tiền đã thanh toán tính đến tháng 11/2014 lên tới hơn 5.400 tỷ đồng chưa có hiệu quả.
Dự án bio-ethanol Phú Thọ có tổng mức đầu tư 1.317,5 tỷ đồng, sau điều chỉnh tăng lên gần 2.485 tỉ đồng (tăng hơn 1.167,4 tỷ đồng). Quá trình thực hiện, nhà máy đầu tư dở dang, mặc dù được khởi công sớm nhất. Nhà thầu PVC dừng thi công từ tháng 11/2011, vi phạm hợp đồng EPC, gây hậu quả nghiêm trọng. Chủ đầu tư PVB, nhà thầu PVC và PVN đều bế tắc, không tìm ra giải pháp để đưa nhà máy vào hoạt động.
Dự án bio-ethanol Dung Quất có tổng mức đầu tư hơn 1.493 tỷ đồng, điều chỉnh tăng lên gần 1.887 tỷ đồng (tăng gần 394 tỷ đồng). Vốn đầu tư đã sử dụng cho dự án đến tháng 11/2014 là 2.124 tỷ đồng (chưa quyết toán), tăng 631 tỷ đồng (tăng 42% so tổng mức đầu tư khi phê duyệt). Dự án đã đầu tư xong, nhưng hầu như không vận hành thương mại.
Còn dự án bio-ethanol Bình Phước, có tổng mức đầu tư gần 1.493 tỷ đồng (tương đương 80,684 triệu USD), sau điều chỉnh tăng lên hơn 1.570 tỷ đồng (tương đương 84,533 triệu USD). Vốn đầu tư sử dụng cho dự án tính đến tháng 11/2014 lên gần 1.743 tỷ đồng, tăng hơn 250 tỷ đồng (tăng gần 17% so tổng mức đầu tư khi phê duyệt). Dự án đã hoàn thành đầu tư, song đến nay tạm dừng hoạt động.
Cả ba dự án này đều có công suất như nhau (100 triệu lít/năm) cùng công nghệ sản xuất, thực hiện cùng giai đoạn. Dự án Dung Quất và Phú Thọ thực hiện sớm hơn, nhưng chi phí đầu tư cao hơn nhiều so dự án Bình Phước.