Hợp tác biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt những bước tiến nào?

Thực hiện các thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, các vấn đề tồn tại trong quan hệ hai nước đã từng bước được giải quyết. Hai nước ký Hiệp ước biên giới trên đất liền (năm 1999), Hiệp định phân định và Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ (năm 2000), hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc (năm 2008) và ký kết 3 văn kiện về quản lý đường biên giới trên đất liền (năm 2009). Đây là những sự kiện quan trọng có ý nghĩa lịch sử, tạo tiền đề xây dựng đường biên giới Việt-Trung thành đường biên giới hòa bình, ổn định và phát triển, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.

Ngày 30/12/1999, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Đường Gia Triền ký Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa hai nước. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 30/12/1999, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Đường Gia Triền ký Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa hai nước. (Ảnh: TTXVN)

Hợp tác giữa các địa phương Việt Nam với các tỉnh, thành Trung Quốc, đặc biệt là các tỉnh thành có chung đường biên giới như Quảng Tây, Vân Nam diễn ra sôi động, đạt nhiều thành quả thiết thực. Các cơ chế, chương trình giao lưu hợp tác giữa địa phương hai nước được tổ chức thường xuyên như: Gặp gỡ đầu Xuân giữa Bí thư các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang của Việt Nam với Bí thư Khu ủy khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc và Ủy ban công tác liên hợp giữa bốn tỉnh này với Quảng Tây; Nhóm công tác liên hợp giữa các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; Hợp tác Hành lang kinh tế giữa năm tỉnh/thành phố Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc...

Hai bên đã đi sâu trao đổi về các biện pháp nhằm tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hợp tác, cùng xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, đóng góp cho quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc phát triển ổn định, lành mạnh.

Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa bên cột mốc biên giới Việt Nam tại cửa khẩu Tà Lùng. (Ảnh: TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa bên cột mốc biên giới Việt Nam tại cửa khẩu Tà Lùng. (Ảnh: TTXVN)

Tình hình Biển Đông tuy không phát sinh các vụ việc nghiêm trọng nhưng diễn biến phức tạp. Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước đã đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng về việc kiểm soát bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Hai bên đã ký kết Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc (năm 2011), thiết lập và duy trì thường xuyên cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ, các cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao hai nước và 3 cơ chế đàm phán Nhóm công tác cấp chuyên viên Việt Nam-Trung Quốc về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, Nhóm công tác về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển, Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển.

Các bài học kinh nghiệm quý báu trong quá trình đàm phán giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền và phân định Vịnh Bắc Bộ cùng với Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc và nhận thức chung đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước tạo tiền đề, niềm tin để hai bên tiếp tục đàm phán, tìm kiếm biện pháp từng bước giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông trên cơ sở quan hệ hữu nghị giữa hai nước, tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của nhau, phù hợp luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký giữa ASEAN và Trung Quốc.