
11 giờ 30 phút ngày 29/3/1975, lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam tung bay trên nóc Tòa Thị chính, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của ngụy quyền tại thành phố Đà Nẵng, kết thúc chặng đường dài hơn 20 năm kiên cường kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Đà Nẵng anh hùng.
Nửa thế kỷ đã trôi qua, ký ức hào hùng về ngày giải phóng Đà Nẵng vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; và Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Kiều Đa, nguyên Quận đội phó quận Nhất, kiêm Chỉ huy trưởng Biệt động tự vệ cánh Đông Đà Nẵng.
Cuối tháng 3 năm 1975, những thắng lợi liên tiếp của quân dân ta trong chiến dịch Trị Thiên-Huế (giải phóng Quảng Trị ngày 19/3, Huế ngày 25/3) và chiến dịch Nam-Ngãi (giải phóng Tam Kỳ ngày 24/3, Quảng Ngãi ngày 25/3) buộc địch dồn về co cụm ở Đà Nẵng trong thế bị bao vây tuyệt vọng.
Trước diễn biến mau lẹ của chiến trường, ngày 25/3/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở chiến dịch giải phóng Đà Nẵng (Mặt trận Quảng Đà) với tư tưởng chỉ đạo “nhanh chóng nhất, kịp thời nhất, táo bạo nhất, bất ngờ nhất và chắc thắng”.
Cùng ngày, Bộ Tư lệnh chiến dịch được thành lập, do đồng chí Lê Trọng Tấn - Phó Tổng tham mưu trưởng làm Tư lệnh và đồng chí Chu Huy Mân - Tư lệnh Quân khu 5 làm Chính ủy.
Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn khi ấy đang là đội trưởng đội biệt động quận Nhì. Trong hồi ức của ông, Đà Nẵng bấy giờ là liên hiệp căn cứ quân sự lớn thứ hai của Mỹ ngụy ở miền nam, bảo đảm toàn bộ hậu cần chiến tranh cho cả một khu vực rộng lớn từ Quảng Ngãi, Quảng Nam ra đến Quảng Trị.
“Ở đây tập trung binh lực địch đông nhất, có thời kỳ cao điểm cứ 8 người dân thì có 1 binh lính Mỹ ngụy, chưa kể ngụy quyền, phản động, tính cả tàn quân các nơi dồn về thì tổng cộng khoảng 100 nghìn quân”, Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn nhớ lại.
Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn kể lại ký ức ngày giải phóng Đà Nẵng.
Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn kể lại ký ức ngày giải phóng Đà Nẵng.
Trong bối cảnh đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ cho đồng chí Tư lệnh Lê Trọng Tấn trong 3 ngày phải khẩn trương giải phóng Đà Nẵng, đánh cho địch không kịp tổ chức phòng ngự. Bởi với gần 10 vạn lính ngụy như vậy, nếu chúng ta chậm không tạo lực lượng áp sát vào Đà Nẵng thì Tướng Ngô Quang Trưởng - Tư lệnh Quân đoàn 1 Vùng 1 Chiến thuật sẽ kịp tổ chức lực lượng phòng ngự bảo vệ, khi ấy tổn thất cho quân và dân ta sẽ rất lớn.
“Bộ Tư lệnh đã huy động hiệp đồng các lực lượng tham gia chiến dịch, phối hợp tiến công địch chặt chẽ, áp sát Đà Nẵng từ 5 hướng, tạm gọi là 5 cánh quân: cánh phía bắc theo đường đèo Hải Vân, cánh tây bắc từ trên Thượng Đức xuống, cánh tây nam, cánh nam theo đường Quốc lộ 1 và cánh đông nam dọc ven biển tiến ra. Lực lượng ta khi đó ít hơn địch rất nhiều nhưng tạo khí thế rất lớn, và từ khí thế đó đã thôi thúc nhân dân ta nổi dậy”, Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn kể.
Ông vẫn nhớ như in ngày 28/3/1975, quân ta bắt đầu pháo kích Đà Nẵng, khống chế sân bay, bến cảng và các mục tiêu quan trọng của thành phố… Quần chúng râm ran chuẩn bị nổi dậy, các chi bộ, tổ chức đảng, tổ chức cách mạng triển khai việc may cờ xuống đường giành chính quyền. Cũng ngay đêm hôm đó, Tướng ngụy Ngô Quang Trưởng đã bí mật trốn ra Hạm đội 7 của Mỹ đậu ngoài biển, bất chấp lời kêu gọi “tử thủ” Đà Nẵng của Tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu. Thậm chí, trước đó ngày 26/3, Mỹ đã lập cầu hàng không di tản cơ quan lãnh sự Mỹ ở Đà Nẵng về Sài Gòn, khiến binh lính địch càng hoang mang, rối loạn.
Xe tăng của Lữ đoàn 203, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tiến vào giải phóng Đà Nẵng (29/3/1975). (Ảnh: Hoàng Giang/TTXVN)
Xe tăng của Lữ đoàn 203, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tiến vào giải phóng Đà Nẵng (29/3/1975). (Ảnh: Hoàng Giang/TTXVN)
Quân ta tiến vào với khí thế áp đảo, lính ngụy trong thành phố tinh thần rệu rã, cởi áo quần, vứt giày dép, buông súng trốn chạy. Lực lượng huấn luyện ở trung tâm Hòa Cầm gồm mấy trăm quân sau đó cũng giương cờ trắng đầu hàng. Nhờ thế, Đà Nẵng được giải phóng với tổn thất rất thấp, thành phố gần như giữ được nguyên vẹn...
Thế nhưng, ngay trước thềm giải phóng, có hai chiến sĩ biệt động đã ngã xuống trên mảnh đất quê hương. “Anh Nguyễn Công Khanh - chính trị viên phó quận 3 không may rơi vào tay giặc và bị chúng xử tử tại Hòa Đa (nay là Hòa Xuân) chiều 28/3. Sáng hôm sau, chiến sĩ biệt động thành Nguyễn Văn Dự cũng anh dũng hy sinh”, nói đến đây, giọng vị tướng già chợt chùng xuống...

Nhớ về chiến dịch giải phóng Đà Nẵng 50 năm trước, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Kiều Đa - nguyên Quận đội phó quận Nhất, kiêm Chỉ huy trưởng Biệt động tự vệ cánh Đông Đà Nẵng cũng không khỏi cảm thấy bồi hồi, xúc động.
Cuối tháng 3 năm 1975, ông được Bộ Tư lệnh tiền phương tin tưởng giao nhiệm vụ chỉ huy lực lượng biệt động thành trinh sát, đánh chiếm 4 mục tiêu đầu não của địch: Quân đoàn 1, Quân khu 1 do Trung tướng Ngô Quang Trưởng chỉ huy; Tòa Thị chính (trụ sở chính quyền ngụy); Quân vụ thị trấn, Biệt khu Quảng Đà (cơ quan quân sự thành phố); và Đài phát thanh của ngụy. Đây là những mục tiêu quan trọng nằm giữa lòng thành phố, được kẻ địch xây dựng kiên cố và tuần tra, canh gác, bảo vệ suốt ngày đêm.
“Tôi báo cáo Bộ Tư lệnh là chỉ đủ lực lượng đánh 2 nơi, gồm Quân đoàn 1 và Tòa Thị chính, đề nghị chi viện lực lượng đánh 2 mục tiêu còn lại. Đồng chí Nguyễn Ngọc Phỉ, Phó tham mưu trưởng Mặt trận 4 Quảng Đà khi đó đã cử một trung đội đặc công Lê Độ tăng cường xuống quận Nhất (nay là quận Hải Châu) hỗ trợ các mũi tiến công”, ông Đa hồi tưởng.
Ông cùng một cán bộ khác là ông Huỳnh Ngọc Châu trực tiếp giao nhiệm vụ cho đội biệt động Hòa Cường - do đồng chí Trần Tiến chỉ huy lên phương án tác chiến, diệt ác ôn, chốt giữ khu vực ngã tư Quân đoàn 1 nhằm ngăn chặn đường tháo chạy của địch và dẫn đường cho quân chủ lực của ta tiến vào.
Để tránh bị địch phát hiện, 20 chiến sĩ biệt động thành đã cải trang, mang toàn đồ ngụy, hành tiến theo hai mũi áp sát Quân đoàn 1. Một mũi gồm 9 đồng chí dùng xuồng máy di chuyển, nổ súng đánh địch tại cầu Trịnh Minh Thế (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi), khiến chúng rối loạn, phải vứt vũ khí và tháo chạy. Mũi còn lại từ Đò Xu đánh ra phường Hòa Cường cướp chính quyền khởi nghĩa ở đó.
Song song với tiến đánh Quân đoàn 1, Chỉ huy trưởng Phạm Kiều Đa giao biệt động Hoàng Xuân Mai làm mũi trưởng phụ trách một đội tấn công Tòa Thị chính, nhưng đồng thời ông cũng trực tiếp chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này.
Khoảng 9 giờ ngày 29/3/1975, chiếc xe Honda Dame do ông Trần Phú chở biệt động Phạm Kiều Đa len lỏi qua những ngõ nhỏ, băng qua chùa Bà Quảng để né bãi mìn và tránh địch, rồi dừng lại trước cổng Tòa Thị chính trên đường Bạch Đằng, quận 1. Khi đó, đội của biệt động Hoàng Xuân Mai vẫn còn chưa tới nơi.
Đại tướng Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu 5 (thứ 4, đeo kính) chỉ huy các mũi tiến công vào thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Đại tướng Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu 5 (thứ 4, đeo kính) chỉ huy các mũi tiến công vào thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Quân giải phóng làm chủ các cơ quan của ngụy quyền trong thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Quang Thành/TTXVN)
Quân giải phóng làm chủ các cơ quan của ngụy quyền trong thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Quang Thành/TTXVN)
Xe tăng quân giải phóng tiến vào Đà Nẵng ngày 29/3/1975. (Ảnh: TTXVN)
Xe tăng quân giải phóng tiến vào Đà Nẵng ngày 29/3/1975. (Ảnh: TTXVN)

Sau một hồi thám thính không thấy động tĩnh, ông Đa quyết định đi vào trong sân, không gặp một bóng người, trái ngược với ngoài đường đang hỗn loạn bởi các tốp lính giành giật tài sản, phương tiện để chạy trốn. Với kinh nghiệm chiến trận, ông cùng hai đồng đội đi men theo vách tường, dùng tay rà mìn và vật liệu nổ dọc theo cầu thang bộ. Nhưng khi đi lên đến tầng 3 tòa nhà, ông vẫn không gặp chướng ngại nào.
“Tôi xuống tầng 2 vào phòng làm việc của Thị trưởng, thấy trên bàn đặt một ấm trà, nước trong ly còn nóng, chứng tỏ người mới rời đi”, ông Đa kể. Phát hiện phòng này có điện thoại nên ông chủ động liên lạc cho cấp trên báo cáo đã chiếm giữ được Tòa Thị chính, nhưng hệ thống dây đã bị cắt từ trước.
Trên nóc Tòa Thị chính thời điểm đó không có cờ. Khoảng 11 giờ, mũi biệt động do Hoàng Xuân Mai phụ trách tiến vào Tòa Thị chính. Chỉ huy trưởng Phạm Kiều Đa giao biệt động Hoàng Xuân Mai tổ chức một bộ phận anh em khắc phục vật cản lên nóc tòa nhà cắm cờ. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 29/3/1975, lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam tung bay trên nóc Tòa Thị chính Đà Nẵng, báo hiệu thành phố đã được giải phóng.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Kiều Đa - nguyên Quận đội phó quận Nhất, kiêm Chỉ huy trưởng Biệt động tự vệ cánh Đông Đà Nẵng trao đổi với phóng viên.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Kiều Đa - nguyên Quận đội phó quận Nhất, kiêm Chỉ huy trưởng Biệt động tự vệ cánh Đông Đà Nẵng trao đổi với phóng viên.
Thời khắc chứng kiến lá cờ quân ta tung bay trên nóc Tòa Thị chính, biệt động Phạm Kiều Đa và các đồng đội đều tự hào và xúc động. “Một cảm xúc hạnh phúc vô cùng khó tả bởi trước giờ tôi chưa từng dám nghĩ mình được đánh vào Tòa Thị chính, và cũng không ngờ là chiếm giữ được cơ quan đầu não này mà không phải nổ một tiếng súng nào”, ông Đa bồi hồi nói.
Phối hợp với các mũi tiến công của bộ đội chủ lực, các lực lượng vũ trang địa phương và nhân dân nổi dậy giành chính quyền ở phường, quận, huyện... Đến 12 giờ ngày 29/3, các hướng tiến công của ta đã chiếm được các mục tiêu chủ yếu trong thành phố và đến 15 giờ cùng ngày, ta làm chủ toàn bộ căn cứ quân sự liên hợp Đà Nẵng và bán đảo Sơn Trà, giải phóng hoàn toàn thành phố Đà Nẵng và toàn bộ tỉnh Quảng Đà. Chỉ trong vòng 32 giờ, chiến dịch Đà Nẵng đã kết thúc thắng lợi.
Theo Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, chiến dịch giải phóng Đà Nẵng có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với cục diện chiến trường miền nam bấy giờ. Với thắng lợi này, quân ta đã tạo ra thế chia cắt chiến lược và đánh sập căn cứ liên hiệp quân sự lớn thứ hai của Mỹ ngụy tại miền nam với một bộ máy khổng lồ, đội quân hùng hậu, tác động mạnh vào đầu não Sài Gòn. “Ta thắng một cách nguyên vẹn, không tổn thất lớn, và chính cái không tổn thất đó tạo nên ý chí, niềm tin thắng lợi và dồn lực lượng hướng về giải phóng Sài Gòn, thực hiện Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”, Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn khẳng định.
Một góc thành phố Đà Nẵng hôm nay. (Ảnh: TÙNG LÂM)
Một góc thành phố Đà Nẵng hôm nay. (Ảnh: TÙNG LÂM)