Sau giải phóng 10 năm, anh Trần Vũ Bình mới được gọi ông Trần Văn Lai tiếng “ba”.

Anh Bình nói với ánh mắt long lên, ửng đỏ: “Năm 1977, tôi mới được nhận ba, nhưng nhận ba mà chỉ kêu là “bác”. Chúng tôi gọi ông bằng bác, để tránh hàng xóm phát hiện, tránh cho ông bị địch bắt”, anh Trần Vũ Bình xót xa nói. Tự nhận mình là đứa con ngỗ nghịch nhất nhà, chỉ dám nhìn ba mình - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (nhà thầu khoán Dinh Độc Lập Mai Hồng Quế) từ xa, nhưng những gì mà anh Bình đã và đang làm, lại rất đặc biệt với tâm nguyện: “muốn trả cho ba sự thật về cuộc đời ông”.

Trong kháng chiến, ông Lai đã xây dựng được nhiều cơ sở quần chúng trong số bạn bè kháng chiến cũ, người đồng hương, người đồng nghề, đồng ngành, tạo chỗ ăn, chỗ ở cho các đồng chí cán bộ của ta từ căn cứ về Sài Gòn hoạt động an toàn. Ông đã xây dựng được trên 20 cơ sở tại nhà riêng gia đình bảo đảm có khả năng vừa cất giấu vũ khí, vừa giấu cán bộ để hoạt động bí mật, hơn 100 cơ sở nòng cốt có thể giao nhiệm vụ từ dễ đến khó, từ đóng góp tiền bạc đến nhận nhiệm vụ công tác…

Ngày nay, hơn 20 nhà cửa, cơ sở cách mạng, nơi trú ém quân, kho chứa vũ khí năm xưa của Biệt động Sài Gòn đã được anh Bình mua lại và hiến cho Nhà nước làm Bảo tàng, làm di tích cách mạng.

“Biệt động Sài Gòn là một lực lượng vũ trang đặc biệt không chỉ trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, mà còn khác biệt so với các lực lượng vũ trang trên thế giới. Biệt động Sài Gòn hoạt động bí mật âm thầm ngay giữa sào huyệt địch và đã tạo ra những trận đánh sấm sét làm khiếp đảm quân thù, điển hình như cuộc Tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Có những câu chuyện về quá trình hoạt động mà cha cũng như các cô, chú biệt động luôn giấu kín, nên để hiểu rõ, hiểu đúng những sự hy sinh, cống hiến của Biệt động Sài Gòn là điều không dễ. Chính vì thế mà tôi nghĩ mình cần phải tiếp tục sưu tầm, bảo quản, gìn giữ, nghiên cứu, tìm hiểu, để Biệt động Sài Gòn sống mãi trong lịch sử oai hùng của dân tộc Việt Nam”, anh Trần Vũ Bình khẳng định.

Anh chia sẻ, còn rất nhiều điều anh muốn làm và chỉ ước mong còn sức để tiếp tục làm, để thế hệ hôm nay và mai sau hiểu hơn về lực lượng Biệt động Sài Gòn và cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.

Tự nhận mình là đứa con ngỗ nghịch nhất nhà, chỉ dám nhìn ba từ xa, nhưng những gì mà anh Bình đã và đang làm, lại rất đặc biệt với tâm nguyện: “Muốn trả cho ba sự thật về cuộc đời ông”

Ông Trần Văn Lai (hàng trên, thứ hai từ trái sang) bên gia đình đầu tháng 5/1975.

Ông Trần Văn Lai (hàng trên, thứ hai từ trái sang) bên gia đình đầu tháng 5/1975.

Nỗi hàm oan của người vợ lẽ và những đứa con hoang

Sáu anh em Trần Vũ Bình, khai sinh đều mang họ Đặng. Họ ra đời trong sự yêu thương của bố mẹ, nhưng phải chịu hàm oan là con hoang, mẹ mình là vợ lẽ. Bao nỗi căm phẫn, tủi hờn không bao giờ nguôi ngoai trong tâm trí của người con trai của chiến sĩ biệt động Trần Văn Lai. Một cảm giác vừa hận, vừa uất và vừa buồn. Hận vì sao máu mủ ruột rà mà người mình gọi là ba xem mình như người dưng, buồn vì sao mình cũng có mẹ có cha mà như đứa trẻ mồ côi.

Từ đó, những câu hỏi cứ thôi thúc đứa con người Biệt động Sài Gòn đi tìm sự thật. Đây cũng chính là sự khởi đầu cho những di tích và hơn 10.000 hiện vật được phục hồi như hôm nay.

Sau này, anh Bình mới hiểu ra, ba anh làm như thế là bảo vệ sự an toàn cho vợ con và cũng là nguyên tắc làm việc cho tổ chức. Cao hơn nữa chính là sự hy sinh. Khi anh Bình trên bước đường dò tìm sự thật về cha mình, cái cảm giác uất hận và buồn tủi dần biến thành sự thương yêu và kính phục.

Khi anh Bình trên bước đường dò tìm sự thật về cha mình, cái cảm giác uất hận và buồn tủi dần biến thành sự thương yêu và kính phục.

Mẹ anh, bà Đặng Thị Thiệp, vốn là con gái của một gia đình cán bộ ở Quảng Ngãi. Sau bà được đưa lên Củ Chi, chờ cơ hội đưa ra Hà Nội học tập. Bấy giờ, ông Mai Hồng Quế (Trần Văn Lai) hay về Củ Chi họp, bàn phương án đào hầm, đưa vũ khí về thành phố. “Tôi hay đi nhờ xe hơi của ông. Thấy tôi khỏe mạnh, lanh lợi, ông xin cấp trên cho tôi theo ông về Sài Gòn”, bà Thiệp kể.

Để che mắt mật thám, ông mua cho bà Thiệp một căn nhà trên đường Nguyễn Kiệm (Phú Nhuận). Ông thường chở bà đi quanh thành phố, khi thì hỏi mua nhà, lúc thì mua vật liệu để xây dựng Dinh Độc Lập nhưng khi ai tò mò về thân phận bà Thiệp, ông đều nói đây là “bà bé”.

Mua được 2 căn biệt thự vào năm 1965, hai vợ chồng miệt mài đào hầm, chờ thời cơ đưa vũ khí về nhà cất giấu. Để xây dựng cơ sở, năm 1966 ông Trần Văn Lai và bà Đặng Thị Thiệp trở thành vợ chồng sau khi cả hai người đã báo cáo tổ chức. Dưới vỏ bọc là cai thầu xây dựng Dinh Độc Lập, là gia đình tư sản, đi xe hơi sang, bao nhiêu năm, ông Trần Văn Lai đưa người cách mạng về may vá, đưa người chiến khu về nội thành họp hành. Hàng tấn vũ khí được ông vận chuyển trót lọt vào nội thành, đưa về hầm cất giấu.

   Căn nhà bà Đặng Thị Thiệp nuôi giấu người chồng bị truy nã và con thơ trước năm 1975.

Có khi, bà Thiệp run sợ, ông Năm Lai lớn tiếng: “Sợ hả, sợ thì đừng có làm”. Nhưng vốn là con nhà cách mạng, cha đi tập kết, anh trai hy sinh, bà cũng chỉ lo cho con cái chứ không lo cho mình.

Nhờ vào quần chúng hóa, ông Năm Lai đã có những vỏ bọc rất hoàn hảo. Ở Đặng Dung, ông tên là chú Năm; ở quận Phú Nhuận, ông được biết tới cái tên là chú Ba; ở quận 4, ông tạo vỏ bọc tên là chú Hai. Ở nơi nào, ông cũng rất thân thiện với hàng xóm, không ai nghi ngờ về ông. Ông Mai Hồng Quế đã có những chuyến hàng đóng vai hợp pháp từ việc hành nghề trang trí để vận chuyển những tài liệu giá trị như bản đồ các mục tiêu bảo vệ trong Phủ Đầu Rồng, sơ đồ hệ thống cống ngầm, đến việc truyền tải nhu yếu phẩm cùng tiền vàng ra căn cứ quân sự của quân kháng chiến...

Ông sử dụng danh tính nhà tư sản nhằm mục đích nắm bắt tình hình các mục tiêu vào ban ngày và đêm đến thì đào hầm trong nhiều ngôi nhà do bản thân đứng tên ngay tại nội đô Sài Gòn. Nhiều năm trời, trong những căn hầm của nhà ông và những cơ sở bí mật ông gây dựng trong thành phố trở thành nơi hội họp, cất giấu tài liệu, thư từ, tiền vàng, thuốc tây... phục vụ trực tiếp cho các hoạt động của lực lượng cách mạng nội thành.

Trong trận đánh Bộ Tổng Tham mưu, Dinh Độc Lập vào năm Mậu Thân 1968, trong lúc ông chạy về nhà lấy vũ khí cho các chiến sĩ biệt động của ta thì bị phát hiện. Thân phận Mai Hồng Quế bị lộ, chính quyền Sài Gòn truy nã gắt gao, nhiều căn nhà ông đứng tên bị tịch thu. Mai Hồng Quế bị truy nã, chúng treo thưởng hàng nghìn đô-la cho ai có thông tin về ông để bắt sống bằng được người biệt động này. Chúng phẫn nộ khi phát hiện ra, dưới vỏ bọc cai thầu cho Dinh Độc Lập, bao năm qua, Mai Hồng Quế đã ngang nhiên vận chuyển được cả tấn vũ khí vào nội thành, cất giấu trong biệt thự của mình mà đội mật thám sừng sỏ không hề phát hiện ra.

Tôi đeo nhiều vàng, đi xe hơi, không ai nghĩ mình là Việt Cộng. Bao năm như vậy, tôi vẫn làm giao liên cho chồng mình.

Đặng Thị Thiệp

Từ năm 1968, Mai Hồng Quế mất tích, mọi người tưởng ông đã rời khỏi nội thành về ở với bà lớn. Nhưng thực ra, ông sống ẩn mình dưới hầm ở căn nhà tại phố Nguyễn Kiệm, do một mình tay bà Thiệp chăm sóc. Một mình sinh con, nuôi con, chăm chồng bí mật, bà Thiệp vẫn thi thoảng mang theo tài liệu, tiền vàng ra chiến khu ở Củ Chi. “Tôi đeo nhiều vàng, đi xe hơi, không ai nghĩ mình là Việt Cộng. Bao năm như vậy, tôi vẫn làm giao liên cho chồng mình”, bà Thiệp kể.

Năm 1968, Trần Vũ Bình ra đời trong hoàn cảnh bố phải sống ẩn dật trong nhà. “Chúng tôi chào đời và mang họ mẹ. Ông cách ly vợ con để an toàn. Sau này, tôi mới hiểu đó là điều đau khổ suốt cuộc đời ông”, anh Bình tư lự.

Nhưng trong ký ức của người đàn ông này, những năm tháng tuổi thơ không hề êm đềm. Dù sống trong biệt thự, nhưng luôn thấy tủi hổ vì bị bạn bè trêu là con hoang, mẹ bị rêu rao là vợ bé. Có bữa tức lên, Bình lao vào đánh nhau với tụi trẻ con ở xóm tới sứt đầu, mẻ trán. Về nhà, anh lại bị mẹ cho trận đòn roi vì không nghe lời. Tuổi thơ cứ thế trôi đi trong nỗi buồn và thiếu bàn tay chăm sóc của người cha.

   Giấy xác nhận thân phận thực sự của các con ông Trần Văn Lai.

“Cha tôi là một người vô cùng đặc biệt” , nói tới đây, anh chùng giọng. Anh nhớ, khi bé, ba anh rất kiệm lời, rất khó nói chuyện. Suốt cuộc chiến tranh, ông chỉ có công việc, đồng đội, không sống với con cái. Suốt bao năm trước giải phóng, khi anh biết nói, cũng không dám nhận ông Mai Hồng Quế là ba. Ông ngồi trước mặt đấy, nhưng những đứa con của ông chỉ gọi bằng bác. Trong ký ức của anh Bình, tiếng “ba” rất khó thốt ra lời.

Cả cuộc chiến tranh, ông Mai Hồng Quế không gần gũi với con cái, mà cả khi giải phóng rồi, ông cũng sống một mình một nếp. Sau này anh mới hiểu, ông sợ bị ám sát, sợ vợ con sẽ bị thủ tiêu, nên ông giữ khoảng cách và sự lạnh nhạt đó để an toàn cho cả gia đình.

Năm 1977, sau khi sinh thêm người con út, ông bà mới xin được xác nhận của đơn vị là Phòng Tổng kết chiến tranh thuộc Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh xác nhận tình trạng hôn nhân của mình và kết hôn vào năm 1979. Lúc này, cả 6 con mới có giấy khai sinh về đều cùng 1 ngày, ngày 7 tháng 5 năm 1979.

“Má nói tôi giống BA, luôn vượt qua những tầm thường”

“Tôi từng rất ghét ông. Chắc có lẽ chỉ mình tôi hận ông, không cam chịu như các chị em thôi”, anh Bình nói. Ngoài sự lạnh nhạt, sống riêng rẽ, xa lánh vợ con, ông Năm Lai còn để lại mấy chục căn nhà ông mua được cho người khác đứng tên nhẹ như tơ hồng. Nhà cửa, biệt thự lớn, ông Trần Văn Lai để cho anh em bạn bè đứng tên; tài sản ông hiến cho cách mạng. Cả nhà sống dựa vào tài năng buôn gánh, bán bưng của mẹ. Còn ba anh, có lúc trở thành một ông già giữ xe cho khách đi chợ, hết buổi thì phụ mẹ anh việc bếp núc.

Tôi từng rất ghét ông. Chắc có lẽ chỉ mình tôi hận ông, không cam chịu như các chị em thôi.

Anh TRẦN VŨ BÌNH

Nói ghét vậy, nhưng sau này, chính anh Bình lại là người tâm huyết nhất với việc lưu giữ lại những di tích lịch sử này. Kể từ thập niên 80, anh Trần Vũ Bình đã bắt đầu chuyến hành trình phục dựng khu căn cứ, đi tìm lại những di vật của cha và đồng đội. Hai trong số hàng loạt căn nhà mà ông Mai Hồng Quế xây dựng nên hệ thống ngầm phục vụ thời kỳ kháng chiến đã được Nhà nước Việt Nam công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia và cấp thành phố.

“Có những căn nhà mua lại 2 lần, lần sau đắt gấp mấy lần. Tôi nghĩ mình oắt con có chút xíu, sức đâu mua nổi. Ai hỏi, tôi nói Nhà nước trả lại cho vui. Nhưng có lẽ về mặt tâm linh, mình làm đúng nên được phù hộ chăng?”, anh Bình suy tư.

Sau nhiều năm gây dựng với hàng chục nghìn kỷ vật sưu tầm tìm được của người cha quá cố, cùng các đồng đội của ông trong lực lượng Biệt động Sài Gòn, ông Bình đã cho khánh thành quán cà phê Biệt động Sài Gòn đầu tiên tại địa chỉ số 113A Đặng Dung, phường Tân Định, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2018. Nơi đây trước kia vốn được ông Mai Hồng Quế mua về tu sửa lại rồi xây dựng thêm tầng hầm nổi, cất giấu thư từ mật, vàng bạc cũng như thuốc tây để dùng dần trong lực lượng đặc công quân Giải phóng miền nam.

Một góc Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - nơi anh Bình đã dày công sưu tầm hiện vật và trưng bày để thế hệ mai sau luôn ghi nhớ công lao của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn.

Một góc Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - nơi anh Bình đã dày công sưu tầm hiện vật và trưng bày để thế hệ mai sau luôn ghi nhớ công lao của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn.

Năm năm sau, bảo tàng đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam về lực lượng Biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình ông Mai Hồng Quế chính thức đi vào hoạt động tại địa chỉ 145 Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1.

Anh tâm sự: “Mình làm để cho mọi người và thế hệ sau này hiểu được cuộc đời của những người chiến sĩ Biệt động Thành, trong đó có ba mình hy sinh, cống hiến chả màng gì”. Để giữ những địa chỉ đỏ này, anh Bình cố gắng mua nhà cho 5 anh, chị em mình ra ở chỗ khác.

Lật giở tư liệu những căn nhà đã hiến cho Nhà nước, anh Bình tâm sự, đến nay anh đã chuộc được hơn 20 điểm hầm gồm: hầm vũ khí, hầm bí mật, hầm Tư lệnh, hầm Nguyễn Thị Huỳnh, hầm làm nội thất Dinh Độc Lập, nơi nuôi giấu 2 tử tù Phan Trọng Bình-Phạm Quốc Sắc…

Trần Văn Lai bên hầm vũ khí bí mật giữa lòng Sài Gòn

Ông Trần Văn Lai bên hầm vũ khí bí mật giữa lòng Sài Gòn.

Ông Trần Văn Lai bên hầm vũ khí bí mật giữa lòng Sài Gòn.

Nhưng để làm được điều này, anh cũng vấp phải sự phản ứng lớn của gia đình. Quay sang mẹ, anh Bình trêu: “Má la con hoài, tiền nhà không có, suốt ngày đi mua di tích, má nhỉ!”. Rồi có lúc, trong câu chuyện, anh buồn rầu khi có người bảo anh cố mua những di tích này vì chắc còn nhiều vàng cất giấu dưới lòng đất. Khi mua nhà Đặng Dung mọi người nói “đừng tin Bình, nó lừa mua xong sẽ đập đi, xây 5-10 tầng làm kinh doanh”. Để dập tắt lời đồn đó, căn nhà Đặng Dung được anh giữ nguyên trạng, cống hiến cho thành phố.

“Tôi biết thế nào người ta cũng nghĩ mình làm khùng khùng điên điên. Nhưng nếu mình không làm, thì ai chứng minh được biệt động của ta đã hy sinh thầm lặng thế nào. Má nói tôi giống ba, luôn vượt qua những tầm thường. Khi vượt qua tầm thường thì mất cao hơn nữa cũng không có gì sợ nữa, tới mức đó sẽ được phù hộ, may mắn tự đến”, anh tâm sự.

“Tôi đã trả được cho ba sự thật về cuộc đời ông”

Ở tuổi ngoài 80, bà Thiệp rất mẫn tiệp, bà kể rành rọt chi tiết những việc âm thầm nuôi con, từ bán xăng lậu, bán trứng vịt lộn, làm đủ thứ nghề nuôi đủ 6 con học Đại học, đi làm Nhà nước.

   Ở tuổi ngoài 80, bà Thiệp rất mẫn tiệp, rành rọt kể chuyện năm xưa.

Kể lại ngày được gỡ bỏ hàm oan đằng đẵng chục năm trời, vào thời điểm thành phố được giải phóng hoàn toàn, bắc-nam sum họp một nhà, ông Trần Văn Lai không còn cảnh sống chui lủi trong căn hầm tối tăm, bà Đặng Thị Thiệp giơ hai tay lên trời, reo lên “Chồng tôi làm cách mạng, chồng tôi chứa vũ khí cho cách mạng, tôi không phải làm vợ bé, tôi không giành chồng với ai”. Rồi bà trào nước mắt vì sung sướng, vì những tủi hổ bao năm đã được trút bỏ.

Ôm mẹ cả đời tảo tần chăm con một mình, âm thầm nuôi chồng trong những năm tháng bị truy lùng, một thân một mình vẫn cống hiến cho cách mạng, nhịn nhục vì đại cuộc chung, anh Bình nói: “Bà xứng đáng mấy lần được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nhưng bà không chịu nhận”. 

Cứ lần lượt dốc tiền nhà đi mua di tích cha mình để lại, anh bảo đó là một cuộc chạy đua tốc lực với thời gian, vì di tích không mua kịp thì bán qua tay người khác là mất. Có những nhà trao tay nhiều chủ đã bị xây dựng lại, mất đi nét cổ xưa.

Những tâm huyết này, dẫn lối anh đến thành công. Có lúc anh bảo: “Tôi tính ngưng làm, nhưng không ngưng được; tính kết thúc thì lại bắt đầu mở ra câu chuyện khác. Sau khi mua được căn 113A Đặng Dung, phường Tân Định, quận 1, TP Hồ Chí Minh, tôi lại nghĩ tới mua căn ở 30/77 Nguyễn Bỉnh Khiêm. Các căn sau này cũng cứ thế tiếp nối được mua lại”.

Nhưng quá trình phục hồi lại di tích và hiện vật cũng lắm nhiêu khê. Công việc này tuy nó kết thúc chỗ này nhưng lại là khởi đầu ở chỗ khác. Sự kiện này tiếp nối sự kiện kia, đi tìm sự kiện kia thì truy ra manh mối của một sự kiện khác. Cũng có những địa chỉ từng là căn cứ của Biệt động Sài Gòn khi tìm đến nơi thì đã bị phá hủy để xây mới. "Những lúc như thế này, tôi như người chết đi sống lại, nhìn mà đau lắm", anh Bình xót xa.

Ba tôi là người đặc biệt, ông làm bao nhiêu thứ nhưng không bao giờ kể công. Ông nói ông sống nhờ nhân dân, thành công nhờ nhân dân. Bao năm sau giải phóng, ông chuyên đi lo chuyện xác nhận cho đồng đội của ông. Bao nhiêu tài sản ông hiến hết, chẳng giữ gì cho mình, cho vợ con. Sau giải phóng, ông mất nhiều thứ, thậm chí còn bị nghi ngờ, bị bắt. Bởi vậy, những việc làm của tôi bây giờ, là muốn trả cho ba tôi sự thật về cuộc đời ông.
Anh Trần Vũ Bình.

Bao năm qua, anh cũng đã dành nhiều tâm huyết, thời gian, công sức để trùng tu, bảo tồn nhiều căn nhà gần như nguyên vẹn. Anh cũng âm thầm tìm kiếm, sưu tầm hơn cả chục nghìn kỷ vật, hiện vật của cha và đồng đội, của lực lượng Biệt động Sài Gòn để trưng bày với mong muốn lưu giữ một phần của lịch sử. Bằng cách mưa dầm thấm lâu, anh Bình đã mua lại gần chục chiếc xe cổ của cha để tặng lại các bảo tàng.

Chúng tôi không khỏi tò mò về động lực nào cứ mang tiền nhà đi cống hiến cho đất nước, anh Bình tâm sự, anh làm tất cả những điều này vì lực lượng Biệt động Sài Gòn-Gia Định vì cha anh và các đồng đội đều tham gia hoạt động đặc biệt bao năm trời, đều có thành tích đặc biệt và sự hy sinh của họ rất anh hùng.

Nhưng điều quan trọng nhất mà anh luôn đau đáu phải làm bằng được những việc mình đang theo đuổi là bởi: “Ba tôi là người đặc biệt, ông làm bao nhiêu thứ nhưng không bao giờ kể công. Ông nói ông sống nhờ nhân dân, thành công nhờ nhân dân. Bao năm sau giải phóng, ông chuyên đi lo chuyện xác nhận cho đồng đội của ông. Bao nhiêu tài sản ông hiến hết, chẳng giữ gì cho mình, cho vợ con. Sau giải phóng, ông mất nhiều thứ, thậm chí còn bị nghi ngờ, bị bắt. Bởi vậy, những việc làm của tôi bây giờ, là muốn trả cho ba tôi sự thật về cuộc đời ông”.

Hết giờ làm, chưa kịp cởi bỏ bộ đồng phục, anh Bình lại xắn tay vào dự án Bia tưởng niệm cán bộ chiến sĩ Biệt động Sài Gòn trực tiếp chiến đấu và hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Hết giờ làm, chưa kịp cởi bỏ bộ đồng phục, anh Bình lại xắn tay vào dự án Bia tưởng niệm cán bộ chiến sĩ Biệt động Sài Gòn trực tiếp chiến đấu và hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Thời gian gần đây, anh vẫn đang đầy khí thế, cùng với các cô, chú trong Câu Lạc bộ Truyền thống kháng chiến Khối Vũ trang-Biệt động Quân khu Sài Gòn-Gia Định đề xuất thành phố dựng Bia tưởng niệm cán bộ chiến sĩ Biệt động Sài Gòn trực tiếp chiến đấu và hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh.

Trên hành trình đi tìm lại những di tích mang dấu ấn của nhà thầu Mai Hồng Quế, anh hạnh phúc vì hai con trai anh đều tiếp nối tâm huyết này. “Con lớn của tôi đang làm Giám đốc bảo tàng tư nhân, con trai bé làm hướng dẫn viên, cùng nhau kể chuyện biệt động vanh vách, rất tự tin. Việc mình làm thành công mới chỉ được 50%, trên hành trình ấy phải có người tiếp nối mới thành công được 100%. 3-4 thế hệ của nhà tôi đều chung tâm huyết cùng làm việc này”, anh Bình nói đầy hào hứng.

Việc mình làm thành công mới chỉ được 50%, trên hành trình ấy phải có người tiếp nối mới thành công được 100%. 3-4 thế hệ của nhà tôi đều chung tâm huyết cùng làm việc này.

Hành trình “muốn trả cho ba sự thật về cuộc đời ông” với anh Bình, giờ thật sự thành công hơn sức tưởng tượng. Anh bảo những việc mình đang làm là “đắm đuối” với công việc “chắt lọc quá khứ”, anh chỉ giữ lại niềm tự hào đã gây dựng được chuỗi di sản trong lòng thành phố. Anh dồn tâm huyết cho duy trì Câu Lạc bộ Truyền thống kháng chiến Khối Vũ trang-Biệt động Quân khu Sài Gòn-Gia Định; giúp các chiến sĩ biệt động; thậm chí đón các cô chú từng là chiến sĩ biệt động Sài Gòn khó khăn, neo đơn về nhà phụng dưỡng. Bởi vậy, còn sức anh còn làm để lịch sử được “sống” nguyên vẹn giá trị trong lòng những đồng đội của ba mình còn sống, trở thành địa chỉ đỏ cho thế hệ trẻ sau này.

Ông Mai Hồng Quế (10/10/1920-25/6/2002), tên thật là Trần Văn Lai, bí danh Năm USOM/Năm Lai là một sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam mang quân hàm Thượng úy trực thuộc Đơn vị 159 Biệt động Quân khu Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định.

Với vỏ bọc là một nhà thầu khoán trang trí nội thất trong Dinh Độc lập, ông đã thiết lập nên mạng lưới các mối quan hệ với giới chức chính quyền Việt Nam Cộng hòa để rồi từ đó bí mật đào hầm, vận chuyển và cất giấu vũ khí chuẩn bị cho sự kiện Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968. Đến năm 2015, Mai Hồng Quế cùng với Trung tướng Tám Lê Thanh đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Cuộc đời ông tái hiện qua bộ phim tài liệu lịch sử "Ông thầu khoán biệt động" dài 4 tập trình chiếu trên các kênh của Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày xuất bản: 1/5/2025
Tổ chức thực hiện: TRƯỜNG SƠN
Thực hiện: NHÓM PHÓNG VIÊN
Trình bày: NGỌC DIỆP
Ảnh: THÀNH ĐẠT, NVCC