Ngày 30/1/1950, Liên Xô (trước đây) là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, đặt nền móng cho tình hữu nghị bền chặt và quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Liên bang Nga sau này. Trong chặng đường 72 năm qua, nhiều nhân vật, sự kiện đã trở thành biểu tượng của tình hữu nghị Việt-Nga và vẫn còn nguyên giá trị về sau. Trong đó, phải kể đến hai chú voi Công và Dũng mà Việt Nam tặng người dân thành phố Leningrad (nay là Saint Petersburg).

Nhân kỷ niệm 72 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Liên bang Nga (30/1/1950 - 30/1/2022), chúng tôi đến sở thú Leningrad, với hy vọng tìm thêm những câu chuyện mới về hai chú voi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thành phố Leningrad năm 1954. Gần 70 năm trôi qua, hình ảnh cặp voi được xem là biểu tượng tình hữu nghị Việt-Nga vẫn còn được lưu giữ cẩn thận giữa lòng “thủ đô phương Bắc” của “xứ sở Bạch dương”.

Việc Việt Nam tặng Saint Petersburg hai con voi được biết đến rộng rãi, nhưng chuyện chúng đã sinh sống và trở thành một phần trong lịch sử sở thú Leningrad ra sao, thì dường như vẫn còn mới mẻ với nhiều người. Không liên hệ trước, sự tò mò đưa chúng tôi đến sở thú nằm ngay trong lòng thành phố.

“Có người Việt Nam đi tìm chuyện về voi Việt Nam”, người bán vé gọi lên ban quản lý, rồi cười với những vị khách châu Á: “Xin chờ chút, sẽ có người ra ngay”. Trong lòng chúng tôi bỗng hoan hỉ. Điều gì đó thú vị đang ở phía trước.

Anh bạn Yan thuộc bộ phận soát vé dẫn chúng tôi vào trong. Nếu nhìn ngoài cổng cao rào sắt, khó có thể hình dung những gì bên trong sở thú Leningrad, nơi hiện là “ngôi nhà hoang dã” của khoảng 900 loài động vật có vú, chim, cá và động vật không xương sống. Là di sản văn hóa quý của Saint Petersburg, sở thú Leningrad kể từ khi thành lập vào năm 1865 đã cùng thành phố trải qua nhiều sự kiện lịch sử, như Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917, Chiến tranh thế giới thứ hai, rồi những ngày Leningrad bị phong tỏa…

Bên ngoài sở thú Leningrad. (Ảnh: Thanh Thể)

Bên ngoài sở thú Leningrad. (Ảnh: Thanh Thể)

Trong những năm tháng khó khăn, nơi đây không chỉ lưu giữ và chăm sóc động vật, mà còn mang đến những cảm xúc tích cực cho cả người lớn lẫn trẻ em. Đó là lý do cái tên “Leningrad” được giữ lại cho sở thú, như để tưởng nhớ về những tháng năm anh hùng.

Bà Svetlana Alexandrova, Trưởng ban giáo dục của sở thú chờ chúng tôi trong phòng riêng, tay cầm cuốn sách “Lịch sử vườn thú Leningrad” của tác giả E.E.Denisenko. Nhấn mạnh phần quan trọng về những chú voi trong sở thú, bà đề đạt dẫn những vị khách hiếu kỳ đi thăm cơ sở. Từ những trang sách và lời kể của bà, chuyện về hai chú voi Việt Nam bắt đầu.

Năm 1954, chính quyền Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định tặng thiếu nhi và nhân dân thành phố Leningrad một cặp voi. Theo đại diện Ủy ban lưu trữ Saint Petersburg, người Việt Nam biết rằng, trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, bom đạn đã cướp đi sinh mạng của chú voi Betty - con vật yêu thích của trẻ em Leningrad. Nhân kỷ niệm 10 năm ngày phá vòng vây phong tỏa Leningrad, Chính phủ Việt Nam quyết định tặng “thành phố huyền thoại” món quà đặc biệt. Bằng cách đó, hai chú voi lên đường sang Liên Xô.

Người Nga tiếp nhận món quà vui vẻ với lòng biết ơn, song có một vấn đề lớn là sở thú chưa biết nên làm gì với chú voi đực Baby, vốn đã được chuyển đến đây từ vườn thú Praha năm 1951. Trong số các phương án được tính đến, có cả đề xuất tách cặp voi từ Việt Nam và chỉ để lại voi cái. Song ý tưởng này ngay lập tức bị phản đối. Lý do là cặp voi Việt Nam đã quá thân thiết với nhau.

Không những thế, việc tách hai chú voi cũng được coi là cách đối xử “không được đẹp” với món quà tặng. Người ta tính đến phương án giữ lại cả ba con voi, hai đực và một cái. Song cũng không khả thi, do việc mở rộng chuồng voi khiến các chuyên gia đau đầu. Cuối cùng, họ phải đưa ra một quyết định “không được vui vẻ lắm”. Baby được chuyển đến vườn thú Kiev.

Hai chú voi từ Việt nam là Dũng (trong từ “anh dũng”), tên tiếng Nga là Сюн (Xung) và Công - trong “chiến công”, tên tiếng Nga là Кунг (Cung). Theo trang “Ngôi nhà của nhà văn Saint Petersburg”, Dũng và Công đã đi bộ cả năm trời khắp Việt Nam từ nam ra bắc, xuyên núi băng rừng, vượt qua muôn vàn khó khăn. Chúng qua biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, trước khi lên tàu đến Nga.

Như một số nguồn dữ liệu khác, tác giả E.E.Denisenko trong cuốn sách “Lịch sử vườn thú Leningrad” của mình viết rằng, đầu tháng 10/1954, toa tàu chở Dũng và Công, với sáu người tháp tùng, đi qua Chita, Irkutsk, Novosibirsk, Omsk, Perm đến ga hàng hóa Leningrad-Phần Lan. Từ đây, hai chú voi được chào đón và dẫn về sở thú Leningrad trong đêm.

Bà S.Alexandrova cầm trên tay cuốn sách “Lịch sử vườn thú Leningrad” của tác giả E.E.Denisenko. (Ảnh: Thanh Thể)

Bà S.Alexandrova cầm trên tay cuốn sách “Lịch sử vườn thú Leningrad” của tác giả E.E.Denisenko. (Ảnh: Thanh Thể)

Bản vẽ của họa sĩ Vladimir Shevchenko. (Ảnh: holod.media)

Bản vẽ của họa sĩ Vladimir Shevchenko. (Ảnh: holod.media)

Item 1 of 3

Bản vẽ của họa sĩ Vladimir Shevchenko. (Ảnh: holod.media)

Bản vẽ của họa sĩ Vladimir Shevchenko. (Ảnh: holod.media)

Trong thành phố trên sông Neva, những chú voi ngay lập tức trở thành những nhân vật được yêu thích của người dân, cả trẻ em và người lớn. Nhiều thông tin còn cho biết, nhà máy sản xuất cao su  “Tam giác đỏ” ở Leningrad đã mau chóng cho ra đời các chú voi bằng cao su có vẻ ngoài giống Dũng, và thứ đồ chơi này ngay lập tức trở nên siêu nổi tiếng.

Báo chí cũng viết nhiều về voi trong vườn thú Leningrad. Một trong những số tháng 12/1956 của tờ “Leningrad Liên Xô” đã đăng bài viết về những con voi trong vườn thú kèm nhiều ảnh. Thậm chí, còn có cả thơ dành cho chúng, trong dịp chào năm mới 1957:

Vừa đi vừa say sưa kể chuyện, bà S.Alexandrova dẫn chúng tôi đến thẳng chỗ Dũng và Công từng sinh sống cách đây gần 70 năm. Tại nơi từng là chuồng voi, đang trưng bày những tấm ảnh lịch sử. Trong đó, dễ dàng nhận ra hình ảnh Dũng và Công, cùng đoàn người hộ tống. Chỉ vào bức hình, bà S.Alexandrova giải thích, hai chú voi Việt Nam được trải những tấm thảm trên lưng, dệt bằng lụa màu đỏ, trang trí bằng các sợi tua vàng. Sau lưng chúng, người dân đang vô cùng thích thú.

Bà S.Alexandrova tặng phóng viên báo Nhân Dân sách “Lịch sử vườn thú Leningrad” tại nơi trưng bày ảnh về hai chú voi từ Việt Nam.

Bà S.Alexandrova tặng phóng viên báo Nhân Dân sách “Lịch sử vườn thú Leningrad” tại nơi trưng bày ảnh về hai chú voi từ Việt Nam.

Theo lời kể của đoàn tháp tùng, cả Dũng và Công là những chú voi nổi bật với nhiều công trạng. Ở Việt Nam, chúng chở những cây gỗ khổng lồ vào nhà máy sản xuất diêm, hay sát cánh cùng người dân chiến đấu chống thực dân, thồ vũ khí cho du kích.

Tác giả E.E.Denisenko trong cuốn sách của mình viết rõ, cả Dũng và Công không còn trẻ. Những người hộ tống voi tiết lộ, Việt Nam đã chọn những chú voi lớn nhất để làm quà. Theo giấy tờ, Dũng và Công sinh năm 1907, song người chăm sóc voi nhận định, Dũng sinh trước đó bốn năm. Trong khi đó, Giám đốc vườn thú Berlin cho rằng, Dũng trẻ hơn so độ tuổi trong giấy khai sinh, có thể chú voi này sinh năm 1918, hoặc 1920.

Tháng 12/1956, một sự việc trọng đại diễn ra. Voi cái Công sinh hạ một chú voi con. Sổ theo dõi ghi lại:

Chuyện voi con ra đời đã trở thành sự kiện đặc biệt. Một cuộc thi đặt tên cho voi con được tổ chức. Cuối cùng, cái tên được chọn là Leks (tiếng Nga là Лекс - ghép ba chữ cái đầu của Leningrad (Ленинград), Công (Кунг) và Dũng (Сюн). Nhưng khi biết Leks là voi cái, người ta gọi nó là Leksy.

Leksy bú mẹ và lớn lên. Nhưng voi mẹ dường như quá lo lắng. Nó không để voi con rời khỏi mình, thường xuyên dồn vào góc. Vào cuối xuân, khi trời ấm lên, voi mẹ vẫn không ra ngoài. Mùa hè đến, voi con cũng không được thấy mặt trời. Rồi mùa xuân, voi mẹ Công đột ngột qua đời, để voi con lại một mình.

Người chăm sóc dẫn Leksy đi dạo hai lần/ngày. Nó phát triển hoàn toàn bình thường và được ban những đặc quyền lớn. Leksy có thể đi dạo khắp sở thú khi không có khách. Thỉnh thoảng nó cũng lượn lờ chỗ công cộng vào ban ngày.

Tranh về những chú voi từ Việt Nam. (Ảnh: dompisatel.ru)

Tranh về những chú voi từ Việt Nam. (Ảnh: dompisatel.ru)

Tháng 7/1958, trong một lần chạy trong sân, Leksy bị ngã xuống hố. Nó hốt hoảng và kêu lên, nhưng rồi bình tĩnh lại và tiếp tục chơi đùa. Khi nhân viên rời khỏi sân, Leksy lại lo lắng, kêu lên và vấp chân phải vào gờ bê-tông khi chạy dọc tấm lưới. Nó đi khập khiễng, ngồi bằng hai chân sau rồi ngã. Leksy được đưa vào khu chăm sóc và được chẩn đoán chấn thương cột sống.

Các bác sĩ cố gắng chữa cho voi con, kết hợp cả xoa bóp và chế độ dinh dưỡng, song không hy vọng nhiều. Tháng 11/1958, Leksy khá lên và có thể đi dạo, dù còn rụt rè. Ngày 1/12, chú voi tự tin hơn, đi bộ nửa tiếng nhưng đột ngột ngồi lên chân sau và không tự đứng lên được. Sau vài ngày, tình trạng của chú voi xấu đi. Nó lười ăn, suy nhược.

Các bác sĩ tiếp tục cứu chữa, song Leksy yếu đi từng tuần và biếng ăn. Đầu tháng 4/1959, những người lạc quan nhất cũng phải thừa nhận, Leksy sẽ không thể đứng dậy được nữa. Ngày 6/4/1959, các chuyên gia buộc phải để Leksy ra đi mãi mãi. Nguyên nhân tất cả những bất hạnh mà Leksy gặp phải, được xác định là do bệnh còi xương nghiêm trọng.

Sau khi Leksy mất, tháng 3/1960, người ta mang đến cho voi đực Dũng một chú voi cái mới. Chúng chung sống hòa bình trong khoảng 20 năm, nhưng không có con. Năm 1980, Dũng còn lại một mình, sau khi người bạn voi của mình mất. Cũng trong năm 1980, vườn thú thảo luận kế hoạch xây chuồng mới cho chú voi Việt Nam.

Bên trong sở thú Leningrad. (Ảnh: Thanh Thể)

Bên trong sở thú Leningrad. (Ảnh: Thanh Thể)

Công nhân khẩn trương triển khai công việc, song bị voi làm phiền. Người ta cũng không thể gửi Dũng đến một nơi khác, vì nó quá già và còn đau chân. Các chuyên gia còn tính đến việc gây mê cho Dũng để triển khai công việc. Phương án cuối cùng được đưa ra. Họ quyết định để Dũng sống một cách tự nhiên, như nó muốn. Theo tài liệu, tại thời điểm đó, Dũng là con voi già nhất trong các vườn thú trên thế giới. Năm 1982, Dũng qua đời.

Công trường được giải phóng, song không còn ai nghĩ gì đến chuyện xây lại chuồng voi. Nó tồn tại hai năm tiếp theo, trước khi bị tháo dỡ làm chỗ nuôi ngựa. Mấy chục năm trôi qua kể từ khi Dũng qua đời, sở thú Saint Petersburg vẫn chưa có thêm chú voi nào.

Bà Svetlana Aleksandrovna giải thích, sắp xếp nơi cho voi sinh sống là việc phức tạp. Hơn nữa, sở thú cũng không còn nhiều không gian. Họ đã tính cả phương án chuyển địa điểm, nhưng nhiều người dân không đồng tình vì tính lịch sử của sở thú.

Đến thời điểm hiện tại, Dũng là con voi cuối cùng trong sở thú Leningrad. Bà S.Aleksandrovna nhấn mạnh, những chú voi Việt Nam là một phần lịch sử của sở thú. Chúng sẽ còn mãi trong trái tim nhiều người Nga. Đó không chỉ là món quà, mà còn là biểu tượng tình hữu nghị Việt-Nga. Sở thú là sợi dây kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai thành phố.

Voi từ Việt Nam trong vườn thú Leningrad. (Tranh của họa sĩ Genrikh Kilpe)

Câu chuyện thú vị về những chú voi Việt Nam đã được thể hiện theo một cách đặc biệt vào những năm 50 của thế kỷ 20, trong tác phẩm của hai đại diện đáng chú ý của cư dân Leningrad là nhà văn Vitaly Bianki và họa sĩ Vladimir Shevchenko.

Năm 1956, V.Shevchenko (Khoa Đồ họa của Viện I.Repin thuộc Học viện Nghệ thuật Liên Xô) đang tìm chủ đề cho luận văn của mình. Ông được khuyên nên vẽ các con vật cho trẻ em. Người họa sĩ đến sở thú Leningrad để hòa mình vào thiên nhiên, nơi ông nhìn thấy và được nghe những câu chuyện về sự xuất hiện của những chú voi từ Việt Nam. Ông V.Shevchenko ngay lập tức có cảm hứng và thực hiện một loạt bức vẽ minh họa.

Galina Shevchenko, con gái V.Shevchenko kể lại, cha cô đã suy nghĩ rất lâu vì trước đó chưa từng vẽ động vật. Nhưng rồi, khi quyết định làm về voi Việt Nam, ông Shevchenko đã đi đến cùng. Họa sĩ trò chuyện với nhân viên vườn thú, người đã dẫn voi từ Trung Quốc đến Leningrad; ghi lại phỏng vấn, tìm hiểu đường đi, thời gian di chuyển, điểm dừng, sinh hoạt của voi…  


Cũng theo bà, ông Shevchenko đã tìm hiểu kỹ lãnh thổ, cuộc sống ở đất nước Việt Nam xa xôi. Đặc biệt, ông dành nhiều thời gian nghiên cứu thói quen và tập tính của loài voi. Với những kiến thức có được, người nghệ sĩ đã vẽ mọi thứ, như thể ông ấy đã ở đó, cả trong những khu rừng của Việt Nam và trên lãnh thổ rộng lớn của nước Nga.

Truyền thống tặng voi mang lại hạnh phúc đã có từ vài thế kỷ trước, nhất là ở phương Đông. Họa sĩ Shevchenko cho rằng, voi cũng mang lại hạnh phúc cho chính ông. Nhờ những bức vẽ của mình về Dũng và Công, ông đã nhận được bằng tốt nghiệp hạng ưu và trở thành ứng cử viên của Hiệp hội họa sĩ. Sau đó, ông Shevchenko trở thành họa sĩ nổi tiếng ở nhiều thể loại khác nhau, song ông đặc biệt thích vẽ minh họa cho sách thiếu nhi.

Tranh về voi Việt Nam của họa sĩ V.Shevchenko. (Ảnh: https:holod.media)

Tranh về voi Việt Nam của họa sĩ V.Shevchenko. (Ảnh: https:holod.media)

Trở lại câu chuyện về hai chú voi Việt Nam, sau khi hoàn thành các bức vẽ về Dũng và Công, ông Shevchenko nhận ra rằng, ông có một câu chuyện mạch lạc về số phận của những con vật và hành trình của chúng đến sở thú. Ông liền liên hệ với nhà văn thiếu nhi nổi tiếng V.Bianki để nhờ viết chú thích cho những bức vẽ.

Nhà văn Bianki thích thú đến nỗi ông không chỉ viết chú thích, mà còn tạo ra một tác phẩm rạch ròi, độc đáo với tranh minh họa của họa sĩ Shevchenko. Đây là một trong những trường hợp hiếm có trong văn học, khi lời văn được viết sau tranh minh họa.

Trong quá trình làm việc chung giữa họa sĩ và nhà văn, một tình bạn ngắn ngủi đã nảy sinh giữa hai người. Năm 1959, nhà văn Bianki qua đời. Thế là, truyện về Dũng và Công là một trong những tác phẩm cuối cùng của nhà văn nổi tiếng này.

Trong câu chuyện của mình, ông Bianki đã phần nào thay đổi chi tiết thật của hai chú voi để gây hứng thú cho độc giả nhỏ tuổi. Ông đã “trẻ hóa” các anh hùng của mình một cách đáng kể. Câu chuyện của Bianki bắt đầu từ tình bạn thời thơ ấu của Dũng và Công. Sau đó, chúng bị tách ra, làm việc chăm chỉ và chỉ gặp nhau trước khi được gửi đến Leningrad. Câu chuyện kết thúc với sự ra đời và lựa chọn đặt tên cho chú voi con.

Cuốn sách của V.Bianki và V.Shevchenko được nhà xuất bản “Văn học thiếu nhi” xuất bản năm 1957. Dù số lượng phát hành của cuốn sách vào thời điểm đó rất lớn (300 nghìn bản), song vì nhu cầu đón đọc cao, tác phẩm đã được tái bản thêm hai lần nữa. Một lần 40 nghìn bản bằng tiếng Ukraine năm 1958 và lần thứ hai năm 1963 với số lượng phát hành 60 nghìn bản.

Thật kỳ diệu là tác phẩm tuyệt vời của V.Bianki và V.Shevchenko trong thời đại chúng ta bất ngờ tìm thấy “sự sống lần thứ hai”. Năm 2013, họa sĩ trẻ V.Golovachev, lúc đó đang là giáo viên trường nghệ thuật số 10 thành phố Saint Petersburg, cùng với các học sinh của ông nhân kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng voi cho thành phố, đã khởi xướng các hoạt động giáo dục – nghệ thuật quốc tế mang tên “Dũng và Công – những chú voi của tình bạn”. Họ tổ chức triển lãm lưu động tại trường và nhiều địa điểm khác.

Dự án đã thu hút nhiều sự chú ý của người dân. 60 năm sau cuộc hành trình kỳ thú của hai nhân vật voi đặc biệt, người dân Saint Petersburg đã lại làm sống lại câu chuyện về Dũng và Công. Nhiều cuộc thi sáng tạo về voi Việt Nam dành cho trẻ em và thanh thiếu niên, cùng các chuyến thăm hữu nghị chéo đã được tổ chức. Con gái của họa sĩ V.Shevchenko, bà G.Shevchenko trở thành người truyền cảm hứng cho dự án.

Năm 2014, tại buổi tổng kết dự án, ban tổ chức cho biết, hơn 1.000 trẻ em trên khắp đất nước đã tham gia dự án. Tất cả các thành phố mà hai chú voi Dũng và Công đã ghé qua trước khi đến Leningrad cũng tham gia công việc chung. Các học sinh và sinh viên Việt Nam cũng tích cực góp sức. Các tác phẩm tốt nhất, gồm tranh, đồ thủ công… đã được giới thiệu tại các cuộc triển lãm trong thư viện V.Bianki ở Moskva và nhiều địa điểm khác. Dự án đã đưa người dân hai nước Việt Nam và Liên bang Nga xích lại gần nhau hơn.

Dịch giả Quốc Hùng (ngoài cùng bên trái) tại giao lưu ra mắt sách Xung và Cung. (Ảnh: Quốc Hùng)

Dịch giả Quốc Hùng (ngoài cùng bên trái) tại giao lưu ra mắt sách Xung và Cung. (Ảnh: Quốc Hùng)

Đặc biệt, năm 2019, Nhà xuất bản Kim Đồng đã cho ra mắt bản dịch tiếng Việt cuốn sách "Xung và Cung - Đôi bạn voi dũng cảm", do hai dịch giả Nguyễn Quốc Hùng và Nguyễn Thụy Anh thực hiện. Trao đổi với phóng viên báo Nhân Dân, ông Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, người dân không thể quên câu chuyện cảm động về hai chú voi gắn kết hai dân tộc Việt Nam và Liên bang Nga.

Ông Hùng cũng cảm ơn cơ duyên làm quen với con gái họa sĩ Shevchenko, biết được câu chuyện và quyết định dịch sách sang tiếng Việt, nhằm phổ biến câu chuyện lịch sử về tình cảm của Bác Hồ với thiếu nhi Nga, về tình hữu nghị giữa hai đất nước. Trong nỗ lực dịch sách, ông Hùng và đồng nghiệp đã chủ động đề nghị chính quyền Saint Petersburg giúp đỡ, liên hệ vườn thú Saint Petersburg, Ủy ban lưu trữ thành phố để tìm lại những tài liệu quý về câu chuyện ý nghĩa này.

Với sự ra mắt của cuốn sách năm 2019, Dũng và Công thật sự đã “trở về” quê hương sau hơn 60 năm. Trong buổi giới thiệu sách, đại diện hai nước cũng tiết lộ nhiều dự án tiếp theo, đáng chú ý là dự định tìm hiểu con đường của voi, liên hệ người đã dẫn voi hoặc con cháu của họ, hay tổ chức triển lãm, xuất bản sách song ngữ về voi…

Tại “thủ đô phương Bắc”, nhiều thế hệ trẻ em Saint Petersburg đã lớn lên và chỉ thấy những chú voi qua tivi hay ở một số tại rạp xiếc. Chỉ còn lại hai đến ba chuyên gia, những người đã làm việc với voi ở sở thú trong một thời gian dài, học hỏi từ những sai lầm và biết thêm nhiều điều tinh tế mà không cuốn sách nào viết ra. Nhưng câu chuyện về hai chú voi từ Việt Nam thì vẫn thường xuyên được nhắc lại.


Công và Dũng không thể bị lãng quên. Chúng đại diện cho một thời kỳ lịch sử của sở thú.


Chúng tôi có những chương trình tìm hiểu về lịch sử của sở thú, về những con vật và quá trình chúng đến đây, cũng như lớn lên như thế nào. Công và Dũng không thể bị lãng quên. Chúng đại diện cho một thời kỳ lịch sử của sở thú” - Trưởng ban giáo dục của sở thú Svetlana Aleksandrovna cho hay, đồng thời bày tỏ hy vọng, sau Dũng và Công, sẽ có thêm những cái tên khác, để hợp tác với phía Việt Nam tiếp tục được phát triển thời gian tới./.


Ngày xuất bản: 30/01/2022
Tổ chức sản xuất: TRƯỜNG SƠN
Nội dung: THANH THỂ (Phóng viên báo Nhân Dân thường trú tại Liên bang Nga)
Trình bày: HOÀNG HÀ