
Binh chủng Công binh là một binh chủng chuyên môn kỹ thuật của Quân đội nhân dân Việt Nam, có chức năng bảo đảm các công trình trong tác chiến, xây dựng các công trình quốc phòng và đảm bảo cầu đường cho bộ đội vận động tác chiến.
Ngày 2/9/1945, nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ra đời. Chính quyền cách mạng non trẻ vừa thành lập đã phải đương đầu với tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” bởi thù trong giặc ngoài. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã đề ra nhiều biện pháp khẩn cấp, đặc biệt là xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang nhân dân, Quân đội nhân dân làm nòng cốt để bảo vệ chính quyền cách mạng, củng cố và giữ vững nền độc lập dân tộc.
Ngày 25/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 34-SL quy định về tổ chức Bộ Quốc phòng. Trong cơ quan Bộ Quốc phòng có các cục chuyên môn, trong đó có Công chính Giao thông Cục, là tiền thân của Binh chủng Công binh ngày nay. Điều 13 của Sắc lệnh ghi rõ: “Công chính Giao thông Cục có nhiệm vụ tổ chức thi hành việcvận tải, thông tin, vẽ bản đồ và tổ chức công binh dùng vào cácviệc chuyên môn như cầu cống, đường sá, máy móc…”[1]. Ngày 25/3/1946 đánh dấu sự ra đời của ngành công binh Quân đội nhân dân Việt Nam và trở thành ngày truyền thống của Bộ đội Công binh Việt Nam.
Ngày 29/4/1946, Bộ Quốc phòng ra Thông tri số 300/TT quy định nhiệm vụ cụ thể của Công chính Giao thông Cục: Tổ chức và thi hành việc vận tải; trông nom, mua sắm, sửa chữa tất cả các xe dùng trong cơ quan Bộ và các đơn vị quân đội; mua sắm và giữ các kho dầu, cồn; tổ chức mở mang các xưởng sửa chữa xe máy, các xưởng công binh để giúp Quân nhu Cục, bổ sung thêm chuyên môn; vẽ bản đồ và tổ chức liên lạc thông tin.
Ngày 2/12/1946, Công chính Giao thông Cục đổi tên thành Giao thông Công binh Cục. Cuối tháng 12/1946, 3 tiểu đoàn được đầu tiên được thành lập với nhiệm vụ tiến hành công tác phá hoại và xây dựng các công trình công sự trên các đường phố quanh Hà Nội. Ngày 5/2/1949, Giao thông Công binh Cục đổi tên thành Cục Công binh. Ngày 7/1/1951, Bộ Tổng Tư lệnh ra Quyết định số 44/QĐ thành lập trung đoàn công binh trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu có nhiệm vụ tổ chức vượt sông, sửa chữa đường sá, làm công sự sở chỉ huy, làm công tác bộc phá lớn, thực hiện công tác huấn luyện và đào tạo cán bộ từ tiểu đội đến đại đội cho các đại đoàn, mặt trận và liên khu. Thi hành Quyết định trên,ngày 15/1/1951, Trung đoàn Công binh 151 trực thuộc Bộ ra đời tại khu rừng Khuôn Lâm, xã Hợp Thành, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.
Đặc biệt, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ đội Công binh đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Cùng với kiện toàn về tổ chức biên chế và tăng cường trang bị, Bộ đội Công binh liên tiếp tham gia và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong các chiến dịch: Biên Giới (1950), Trần Hưng Đạo (1951), Hoàng Hoa Thám (1951), Quang Trung và Hòa Bình (1951 - 1952), Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953), chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954.
Đặc biệt, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ đội Công binh đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao: sửa chữa và làm mới hàng trăm km đường, hàng trăm cây cầu để vận chuyển hàng hóa và làm đường kéo pháo phục vụ hiệu quả cho phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, làm các trận địa pháo lựu và pháo phòng không theo yêu cầu của Bộ.
Đến đây, Công binh đã xây dựng được nền móng của một Binh chủng kỹ thuật phù hợp với thực tiễn, tạo cơ sở vững chắc cho sự phát triển của Binh chủng Công binh những năm sau này.
Với những thành tích xuất sắc, Bộ đội Công binh đã nhận được nhiều lời khen ngợi, biểu dương của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ, đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng Bộ đội Công binh lá cờ thêu 4 chữ vàng: “Mở đường thắng lợi”. Đây là lời khái quát sâu sắc vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Bộ đội Công binh anh hùng.
" Mở đường thắng lợi"
Chủ tịch Hồ Chí Minh
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bộ đội Công binh tiếp tục có những bước phát triển mới.
Ngày 11/3/1960, Bộ Tổng tham mưu ra Chỉ thị số 41 thống nhất tổ chức công binh trong toàn quân, tổ chức công binh tiếp tục được kiện toàn, hoàn thành công binh 3 cấp: chiến lược, chiến dịch, chiến đấu và 3 loại: công trình chiến đấu, vượt sông, xây dựng công trình quốc phòng.
Trong thời gian này, Bộ đội Công binh được trang bị thêm những phương tiện, khí tài công binh mới do nước ngoài viện trợ; đồng thời Tiểu đoàn xe lội nước 69 được thành lập có nhiệm vụ bảo đảm cho phân đội phái đi trước của bộ binh thực hành vượt sông trong hành tiến. Các đơn vị công binh trực thuộc và lực lượng công binh trong toàn quân phát triển mạnh, chất lượng Bộ đội Công binh ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.
Bộ đội Công binh bảo đảm vượt sông trong luyện tập hiệp đồng chiến đấu.
Bộ đội Công binh bảo đảm vượt sông trong luyện tập hiệp đồng chiến đấu.
Ngày 28/6/1965, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 102/QĐ-BQP thành lập Bộ Tư lệnh Công binh với nhiệm vụ: Chỉ đạo, chỉ huy và quản lý các đơn vị công binh dự bị của Bộ; làm tham mưu cho Bộ về kế hoạch bảo đảm công trình gồm: công trình chiến đấu, sở chỉ huy, đường sá, sân bay, quân cảng… và giúp Bộ chỉ đạo các quân khu, quân chủng, binh chủng làm các công trình quốc phòng; trực tiếp làm một số công trình do Bộ giao; giúp Bộ chỉ đạo nghiệp vụ đối với các đơn vị công binh trong toàn quân.
Bộ đội ta mở đường lên đường Điện Biên Phủ. (Ảnh: Báo QĐND)
Bộ đội ta mở đường lên đường Điện Biên Phủ. (Ảnh: Báo QĐND)
Bộ đội công binh, dân công hỏa tuyến trong kháng chiến chống Mỹ, sửa chữa đường Quyết Thắng (Quảng Bình), đoạn đường thường xuyên bị địch đánh phá ác liệt, đảm bảo thông xe. (Ảnh: TTXVN)
Bộ đội công binh, dân công hỏa tuyến trong kháng chiến chống Mỹ, sửa chữa đường Quyết Thắng (Quảng Bình), đoạn đường thường xuyên bị địch đánh phá ác liệt, đảm bảo thông xe. (Ảnh: TTXVN)
Công binh phá hủy và thu được nhiều loại vũ khí, khí tài hiện đại của Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Công binh phá hủy và thu được nhiều loại vũ khí, khí tài hiện đại của Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Trung đoàn 6 công binh anh hùng Bộ đội Trường Sơn trong nhiệm vụ mở đường lớn bằng phương tiện cơ giới chuẩn bị cho Chiến dịch Tổng công kích mùa Xuân 1975.
Trung đoàn 6 công binh anh hùng Bộ đội Trường Sơn trong nhiệm vụ mở đường lớn bằng phương tiện cơ giới chuẩn bị cho Chiến dịch Tổng công kích mùa Xuân 1975.
Cùng với sự ra đời của Bộ Tư lệnh Công binh, lực lượng Công binh đã có những bước phát triển không ngừng.
Ngoài các đơn vị cầu, đường chuyên trách, Bộ đội Công binh còn được biên chế ở hầu hết các đơn vị trong toàn quân. Đặc biệt, lực lượng Công binh nhân dân, Công binh địa phương đã phát triển rộng khắp, thực sự là lực lượng nòng cốt bảo đảm chiến đấu và chiến đấu ở địa phương.
Cùng với phát triển lực lượng, các đơn vị Công binh được trang bị nhiều phương tiện kỹ thuật hiện đại, có sức cơ động cao và khả năng hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng: từ các hình thức bảo đảm chiến đấu cho từng trận đánh, tiến đến bảo đảm công binh trong các phương thức tác chiến hiện đại, hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn và lập được nhiều thành tích xuất sắc, góp phần vào thắng lợi nhiệm vụ đi thu thập, nghiên cứu các loại bom mìn, nghiên cứu quy luật đánh phá của địch, tổ chức biên soạn tài liệu để phổ biến rộng rãi cho các đơn vị trong toàn quân; góp phần cùng quân và dân miền nam đánh thắng các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ ở miền nam, đồng thời, đánh thắng các cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất và lần thứ hai của không quân và hải quân Mỹ đối với miền bắc xã hội chủ nghĩa, thực hiện nhiệm vụ quốc tế giúp cách mạng Lào.
Đặc biệt, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo công binh bảo đảm cầu đường trên một diện rộng, gồm nhiều trục đường phục vụ cuộc hành quân thần tốc của các quân đoàn và binh khí kỹ thuật.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Công binh Việt Nam, một lực lượng lớn công binh gồm 2 sư đoàn, 3 lữ đoàn, 20 trung đoàn, 30 tiểu đoàn làm nhiệm vụ bảo đảm đường, cầu cho các quân đoàn chủ lực và các đơn vụ binh khí, kỹ thuật với hàng nghìn km vào tham gia chiến dịch. Trên các hướng tiến công, lực lượng công binh đã làm tốt công tác bảo đảm công trình chiến dịch, bảo đảm cơ động cho các binh đoàn chủ lực, góp phần to lớn vào thắng lợi của chiến dịch, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (4/1975).
Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Bộ đội Công binh tiếp tục phát huy truyền thống “Mở đường thắng lợi”, thực hiện tốt nhiệm vụ trung tâm là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, đồng thời, Bộ đội Công binh tiếp tục là lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ mới, quan trọng, như: Xây dựng công trình phòng thủ; làm đường tuần tra biên giới; rà phá bom mìn, xử lý bom, mìn; phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả sập đổ công trình; tham gia sản xuất, phát triển kinh tế; thực hiện nhiệm vụ quốc tế giúp cách mạng Lào và cách mạng Campuchia; tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và các nhiệm vụ đột xuất khác.
Có thể nói, Bộ đội Công binh là lực lượng làm nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”, những nhiệm vụ mà Bộ đội Công binh đã và đang thực hiện dù là trong thời bình nhưng không kém phần khó khăn, gian khổ, hy sinh, mất mát.
Bội đội Công binh bắc cầu pháo thay thế cầu Phong Châu bị sập (9/2024). (Ảnh: Báo QĐND)
Bội đội Công binh bắc cầu pháo thay thế cầu Phong Châu bị sập (9/2024). (Ảnh: Báo QĐND)
Từ năm 2000 đến nay, đã có hàng chục cán bộ, chiến sĩ Công binh dũng cảm hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Sự cống hiến, hy sinh anh dũng của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công binh toàn quân đã tạo ra những giá trị vật chất, tinh thần to lớn, góp phần tô thắm truyền thống, bản chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới, qua đó, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng và chế độ, củng cố mối quan hệ đoàn kết gắn bó máu thịt quân - dân, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc.
Hiện nay và thời gian tới, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc có sự phát triển, yêu cầu rất cao. Trong khi đó, cơ cấu tổ chức lực lượng Công binh có mặt chưa theo kịp sự phát triển của yêu cầu nhiệm vụ; trang bị kỹ thuật đa chủng loại, nước sản xuất, qua sử dụng nhiều năm xuống cấp, tính đồng bộ không cao,… gây khó khăn trong huấn luyện và thực hiện nhiệm vụ.
Đội Công binh số 2 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ GGHB Liên hợp quốc về nước. (Ảnh: Cổng thông tin Bộ Quốc phòng)
Đội Công binh số 2 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ GGHB Liên hợp quốc về nước. (Ảnh: Cổng thông tin Bộ Quốc phòng)
Trước tình hình đó, để góp phần cùng toàn quân thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2025 cơ bản xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh”, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh chủng chủ trương tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác quân sự, quốc phòng; trong đó, thực hiện tốt chủ đề năm “cơ bản hoàn chỉnh điều chỉnh tổ chức lực lượng”, xây dựng Binh chủng “tinh, gọn, mạnh”, tạo tiền đề tiến liên hiện đại, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Ghi nhận những thành tích và cống hiến của Bộ đội Công binh, Đảng và Nhà nước đã tặng Binh chủng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý, như: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (2 lần: 1976 và 2013); Huân chương Độc lập hạng Nhất (2001); Huân chương Độc lập hạng Nhì của Nhà nước Lào (2004); 2 Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Sao Vàng (2010)...
Phát huy truyền thống đơn vị 2 lần được tuyên dương Anh hùng, “Mở đường thắng lợi”, cán bộ, chiến sĩ Binh chủng Công binh tiếp tục đoàn kết, ra sức rèn luyện, học tập, xây dựng Binh chủng vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ Chào mừng Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày Hội quốc phòng toàn dân.
Ngày xuất bản: 12/2024
Nội dung: Thiếu tá, ThS Nguyễn Văn Tùng
Trình bày: Ngọc Diệp
Ảnh: Báo QĐND, TTXVN, Công thông tin Bộ Quốc phòng