
Binh chủng Đặc công - binh chủng được tin tưởng đặc biệt
Binh chủng Đặc công là binh chủng chiến đấu đặc biệt tinh nhuệ của Quân đội nhân dân Việt Nam, được tổ chức, trang bị và huấn luyện đặc biệt, có phương pháp tác chiến linh hoạt, táo bạo, bất ngờ, thường dùng để đánh các mục tiêu hiểm yếu nằm sâu trong đội hình chiến đấu, bố trí chiến dịch và hậu phương của địch.
Cách đánh đặc công có từ rất sớm trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, được Đảng và Quân đội ta kế thừa, phát triển lên một trình độ mới. Đó là đỉnh cao của cách đánh giặc lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông, là sự phát triển sáng tạo độc đáo của học thuyết quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Ngay từ những năm đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trên các chiến trường, nhiều đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích thành lập các tổ, đội dùng cách đánh bí mật, bất ngờ tiến công các cơ sở quân sự của địch đạt hiệu quả cao... hình thành cách đánh đặc công.
Đêm 21 rạng sáng ngày 23/3/1950, trên chiến trường Biên Hòa, với loại vũ khí phá tường FT, 50 tổ chiến đấu đồng loạt đánh vào 50 tháp canh, gây hoang mang lớn cho địch. Từ trận đánh này, Tỉnh đội Biên Hòa và Phòng Tham mưu Quân khu 7 tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm và đặt tên cho cách đánh này là “công đồn đặc biệt”, gọi tắt là “Đặc công”.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Trong giai đoạn cuối thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ đội Đặc công đã phát triển trên các chiến trường, có sở trường tác chiến ở vùng sau lưng địch, bước đầu có kinh nghiệm tác chiến hiệp đồng trong các chiến dịch. Lực lượng Đặc công đã đánh địch trên cả mặt trận chính diện và cả ở hậu phương địch. Một số trận đánh tiêu biểu của Bộ đội Đặc công như trận đánh bom Phú Thọ, kho bom Tân An, đánh sân bay Cát Bi, sân bay Gia Lâm...
Sau Hiệp định Geneva, các đơn vị đặc công từ phía nam Vĩ tuyến 17 tập kết ra miền bắc và được tổ chức lại. Từ đầu những năm 1960, lực lượng đặc công phát triển mạnh về mọi mặt và được tổ chức từ Bộ Quốc phòng đến các trung đoàn và địa phương cấp huyện. Trong 2 năm 1961-1962, có 10 đại đội đặc công chuyên môn, 1 tiểu đoàn cơ động với quân số 1.122 người đã được tăng cường cho Khu 5 và Nam Bộ.
Trong 2 năm 1961-1962, có 10 đại đội đặc công chuyên môn, 1 tiểu đoàn cơ động với quân số 1.122 người đã được tăng cường cho Khu 5 và Nam Bộ.
Sự ra đời và phát triển nhanh chóng của các lực lượng đặc công cơ động và đặc công chuyên trách trên miền bắc đã đánh dấu một bước phát triển mới về tổ chức lực lượng của bộ đội đặc công. Với cách đánh bí mật, bất ngờ, lực lượng Đặc công đã khẳng định vị trí cách đánh đặc công, phát huy hiệu quả chiến đấu trên các chiến trường, gây thiệt hại lớn về người và cơ sở vật chất cho địch. Tháng 2/1967, Quân ủy Trung ương quyết định phát triển hệ thống tổ chức các đơn vị đặc công trên cả nước.
Ngày 19/3/1967, tại Trường Bổ túc cán bộ Dân tộc Trung ương (Phùng Khoang, Từ Liêm, Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Đảng, Nhà nước, Quân đội đến xem Bộ đội Đặc công trình diễn kỹ thuật, chiến thuật và dự công bố quyết định thành lập Binh chủng Đặc công. Trong buổi lễ trọng thể đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh huấn thị: “Đặc công tức là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt, cần phải có cố gắng đặc biệt. Các chiến sĩ đặc công được tin tưởng đặc biệt... Bất kỳ nhiệm vụ gì, bất kỳ nhiệm vụ đặc biệt nào cũng phải hoàn thành và hoàn thành cho tốt... Bất kỳ khó khăn đặc biệt nào cũng phải vượt qua, cũng phải khắc phục cho kỳ được”[1]. Ngày 19/3/1967 trở thành Ngày truyền thống Bộ đội Đặc công.
Sau khi thành lập, từ cuối năm 1967, lực lượng Đặc công phát triển mạnh, với sự ra đời của các trung đoàn (đoàn) đặc công ở Quân khu 5, Mặt trận Tây Nguyên và Bộ Chỉ huy Miền, cùng hàng chục đơn vị cấp tiểu đoàn, hàng trăm đại đội (đội) ở các tỉnh (thành phố) và huyện (thị xã)...

Trong suốt 30 chiến tranh giải phóng, đặc biệt trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bộ đội Đặc công đã thể hiện được sự phát triển của nhiệm vụ và khả năng chiến đấu của mình, từ tham gia diệt ác, trừ gian, đánh phá bình định, bảo vệ các cơ sở chính trị và vũ trang địa phương, hỗ trợ đắc lực phong trào chiến tranh du kích và đấu tranh chính trị của quần chúng đến đánh phá các cơ quan đầu não, các căn cứ quân sự, kho tàng, sân bay, bến cảng, đường giao thông huyết mạch..., diệt những sinh lực quan trọng của địch; từ chiến đấu độc lập đến tham gia các chiến dịch tiến công, phản công, phòng ngự của bộ đội chủ lực, có lúc là những mũi tiến công sắc nhọn trong đội hình chiến đấu hiệp đồng binh chủng, có lúc tiến hành những đợt hoạt động độc lập.
Tiêu biểu là chiến công của Bộ đội Đặc công Rừng Sác, Biệt động Sài Gòn, đánh chìm tàu địch trên biển Cửa Việt, trong Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971, cuộc tiến công chiến lược Xuân - Hè năm 1972, Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975…, cũng như hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế giúp cách mạng Lào.
Chỉ tính riêng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bộ đội Đặc công đã đánh hơn 19.300 trận, loại khỏi vòng chiến đấu hàng vạn tên địch; tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng hàng trăm sở chỉ huy các cấp; phá hủy, phá hỏng hàng nghìn máy bay và gần 11.500 xe quân sự, hơn 2.160 khẩu pháo (từ 105 đến 175mm), hơn 1.700 khẩu cối (từ 60 đến 106,7mm), 42 giàn tên lửa, 53 giàn ra-đa; phá hủy 3,8 triệu tấn bom đạn, đốt cháy gần 1.700 triệu lít xăng dầu; đánh chìm, đánh cháy, đánh hỏng hàng nghìn tàu, xuồng chiến đấu, phá sập 326 (lần chiếc) cầu giao thông quan trọng; thu nhiều vũ khí, trang bị và vật chất, phương tiện chiến tranh của địch[2].
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Binh chủng Đặc công tiếp tục được kiện toàn về biên chế tổ chức. Bộ đội Đặc công đã tích cực tham gia hiệu quả các nhiệm vụ: quân quản, truy quét bọn phản động, bảo vệ vùng giải phóng, xây dựng kinh tế, củng cố chính quyền cách mạng...
Đặc biệt, trong tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và làm nhiệm vụ quốc tế giúp cách mạng Lào và cách mạng Campuchia, Bộ đội Đặc công đã đánh 600 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu hàng chục nghìn tên địch; phá hủy và thu nhiều vũ khí, trang bị, phương tiện chiến tranh của chúng, góp phần cùng quân, dân cả nước bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả...
Những năm gần đây, được sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Binh chủng Đặc công có bước phát triển mới, toàn diện về chính trị, tư tưởng, tổ chức, biên chế, vũ khí, trang bị, trình độ, sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu. Cán bộ, chiến sĩ của Binh chủng tiếp tục phát huy bản chất, truyền thống “đặc biệt tinh nhuệ” trong thời kỳ mới, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng khen ngợi, đánh giá cao.
Hiện nay và những năm tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó dự báo; tranh chấp chủ quyền, xung đột sắc tộc, dân tộc, tôn giáo, khủng bố và thách thức an ninh phi truyền thống diễn ra gay gắt. Tình hình Biển Đông tiềm ẩn nguy cơ khó lường. Các thế lực thù địch, phản động tiếp tục đẩy mạnh chống phá bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, “phi chính trị hóa” Quân đội với những thủ đoạn rất tinh vi.
Tình hình hiện nay và những năm tới đặt ra cho toàn quân nói chung, Binh chủng Đặc công nói riêng nhiều nhiệm vụ mới, nặng nề và phức tạp hơn.
Tình hình đó đặt ra cho toàn quân nói chung, Binh chủng Đặc công nói riêng nhiều nhiệm vụ mới, nặng nề và phức tạp hơn, nhất là chống bạo loạn lật đổ, chống khủng bố, tác chiến bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo...
Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin tưởng đặc biệt của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, Binh chủng tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, phát triển lực lượng Đặc công theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, thực sự là lực lượng chiến đấu đặc biệt trung thành, tinh nhuệ trong tình hình mới.
Trong đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh chủng tập trung xây dựng lực lượng Đặc công đặc biệt tinh nhuệ về chính trị; “tinh, gọn, mạnh” về biên chế tổ chức, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặc biệt; xây dựng lực lượng Đặc công đặc biệt tinh nhuệ về trình độ tác chiến, chú trọng hiện đại hóa vũ khí, trang bị, đáp ứng yêu cầu tác chiến hiện đại..., sẵn sàng đập tan mọi âm mưu và hành động gây bạo loạn, lật đổ của các thế lực phản động, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ chính quyền, bảo vệ nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa
Với những thành tích, chiến công đặc biệt xuất sắc, tính đến ngày 19/3/2017, Binh chủng Đặc công được Đảng và Nhà nước 2 lần phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (1976 và 2012); 16 chữ vàng truyền thống “Đặc biệt tinh nhuệ, anh dũng tuyệt vời, mưu trí táo bạo, đánh hiểm thắng lớn”; tặng thưởng 1 Huân chương Sao vàng (2007), 1 Huân chương Hồ Chí Minh (1979), 1 Huân chương Độc lập hạng nhất (2012), 4 Huân chương Quân công hạng nhất (1970, 1984, 2002 và 2016), 1 Huân chương Hữu nghị hạng Nhì của Vương quốc Campuchia (2016), 1 Huân chương Ítxala hạng Nhất của nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào (2017). 105 tập thể, 227 cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Ngày xuất bản: 12/2024
Nội dung: Nguyễn Văn Tùng
Trình bày: Ngọc Diệp
Ảnh: Báo QĐND