Binh chủng Hóa học là binh chủng chuyên môn của Quân đội nhân dân Việt Nam, có chức năng bảo đảm hóa học cho tác chiến, làm nòng cốt trong việc phòng chống vũ khí hủy diệt lớn.

Sau khi Hiệp định Giơnevơ năm 1954 được ký kết, đất nước Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai miền: miền bắc hoàn toàn giải phóng và bước vào thời kỳ quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội; miền nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới, tháng 3 năm 1957, Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 12 (mở rộng) xác định: “...Tích cực phấn đấu để tiếp tục thực hiện và hoàn thành thắng lợi kế hoạch xây dựng Quân đội nhân dân, làm cho Quân đội ta trở thành một lục quân cách mạng chính quy và tương đối hiện đại, đồng thời đặt cơ sở đầu tiên cho các quân chủng và binh chủng khác”[1]. Đó là tiền đề cho sự ra đời, phát triển một loạt các quân binh chủng, trong đó có Binh chủng Hóa học.

Trước đó, thực hiện chủ trương xây dựng quân đội ta từng bước tiến lên chính quy và hiện đại, năm 1956, Bộ Quốc phòng đã cử một số cán bộ ra nước ngoài học tập về chuyên ngành hoá học, đồng thời thành lập “Tổ nghiên cứu tác chiến dưới điều kiện vũ khí hóa học và nguyên tử” thuộc Cục Quân huấn. Sau khi số cán bộ hóa học được đào tạo từ nước ngoài về, Khoa Hóa học Trường Sĩ quan Lục quân được thành lập và đào tạo cán bộ hóa học đầu tiên.  

Tháng 7/1957, Khoa Hóa học tại Trường trung cao quân sự được thành lập, có nhiệm vụ bồi dưỡng kiến thức phòng chống vũ khí hủy diệt lớn cho cán bộ trung cao cấp trong toàn quân. Tiếp nhận một số vũ khí, khí tài hóa học của các nước anh em viện trợ, chuẩn bị tích cực về cơ sở vật chất cho Bộ đội Hóa học ra đời.

Ngày 19/4/1958, Phòng Hóa học - Nguyên tử trực thuộc Cục Huấn luyện chiến đấu - Tổng cục Quân huấn, được thành lập trên cơ sở từ Tổ nghiên cứu hóa học, hạt nhân.

Ngày 19/4/1958 trở thành Ngày truyền thống của Binh chủng Hóa học.

Ngày 19/4/1958, Bộ Tổng Tham mưu ra Quyết định số 214/BTM, giao nhiệm vụ cho Trường Sĩ quan Lục quân tổ chức một tiểu đoàn hóa học trực thuộc lấy phiên hiệu là Tiểu đoàn 6. Đây là tiểu đoàn hóa học đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, có nhiệm vụ đào tạo hạ sĩ quan hóa học cho toàn quân, đảm nhiệm phòng hóa học hạt nhân và chiến đấu bằng vũ khí lửa.

Cùng ngày, Bộ quyết định thành lập 2 đại đội hóa học trực thuộc 2 Sư đoàn bộ binh 308 và 320. Đây là những tổ chức tiền thân của Binh chủng Hoá học. Ngày 19/4/1958 trở thành Ngày truyền thống của Binh chủng Hóa học.

Sự ra đời của bộ đội hóa học - Một lực lượng mới của Quân đội ta là một tất yếu khách quan, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội tiến lên chính quy, hiện đại, sẵn sàng ứng phó và đánh bại âm mưu dùng vũ khí hóa học của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Đến đầu năm 1960, lực lượng hóa học được tổ chức ở hầu hết các đơn vị trong toàn quân, việc huấn luyện bộ đội tác chiến dưới điều kiện địch sử dụng vũ khí hóa học hạt nhân được mở rộng. Ngày 20 tháng 8 năm 1960, Bộ Tổng Tham mưu ra Quyết định số 169/BMG-BTTM chuyển Phòng Hóa học - Nguyên tử (được thành lập từ tháng 4/1958) trực thuộc Cục Quân huấn thành Phòng Hóa học - Nguyên tử trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu với nhiệm vụ làm tham mưu cho Bộ trong việc chỉ đạo xây dựng lực lượng phòng hóa trong toàn quân, huấn luyện, phổ cập phòng vũ khí hóa học hạt nhân trong ba thứ quân và quản lý xây dựng các đơn vị trực thuộc[2].

Ngày 30/1/1962, Bộ Tổng Tham mưu ra quyết định số 179/TMG, thành lập tiểu đoàn hóa học thứ hai với phiên hiệu 902. Đồng thời, Tiểu đoàn 6 được chuyển từ Trường sĩ quan Lục quân về trực thuộc Phòng Hóa học - Nguyên tử và đổi tên thành Tiểu đoàn 901. Như vậy, lực lượng hóa học trực thuộc Bộ có hai tiểu đoàn độc lập với nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và huấn luyện.

Do yêu cầu công tác chỉ đạo phòng hóa trên miền bắc và nhiệm vụ chi viện bảo đảm cho công tác phòng hóa ở chiến trường miền Nam ngày càng lớn, trong khi chiến tranh diễn ra ngày càng ác liệt, ngày 9 tháng 5 năm 1966, Phòng Hóa học - Nguyên tử chuyển thành Cục Hóa học thuộc Bộ Tổng Tham mưu (theo Quyết định số 34/QĐ-QP).

Bộ đội Hóa học ngày càng được kiện toàn tổ chức, xây dựng, phát triển lực lượng; từng bước huấn luyện theo phương hướng chính quy, hiện đại, nhanh chóng triển khai rộng rãi, toàn diện công tác phòng hóa quần chúng, phòng hóa nhân dân.

Bộ đội hóa học diễn tập ứng phó sự cố môi trường (Nguồn: TTXVN)

Bộ đội hóa học diễn tập ứng phó sự cố môi trường (Nguồn: TTXVN)

Qua hoạt động xây dựng, huấn luyện, chiến đấu, Bộ đội Hóa học thể hiện vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác phòng hóa trên các hướng chiến trường. Chiến công đầu tiên của Bộ đội Hóa học là tổ chức thả khói ngụy trang Nhà máy Điện Yên Phụ, bảo vệ mục tiêu an toàn trước các đòn tiến công bằng bom đạn có điều khiển của Không quân Mỹ năm 1967.

Trong Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, lần đầu tiên lực lượng hóa học cơ động của Bộ trực tiếp làm nhiệm vụ bảo đảm phòng hóa, sử dụng màn khói ngụy trang, tổ chức nghi binh có hiệu quả, góp phần thu hút, tiêu hao một khối lượng lớn bom đạn của địch và bảo đảm an toàn, giữ gìn lực lượng tác chiến chiến dịch.

Hệ thống đài quan sát hóa học được duy trì thường xuyên, quan sát, thông báo kịp thời, chính xác các tình huống hóa học. Các phân đội lửa được tăng cường cho các đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ uy hiếp lô cốt đầu cầu, tạo điều kiện và thời cơ cho các lực lượng mở cửa, đột kích thọc sâu tiêu diệt địch, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của chiến dịch.

Với tinh thần chiến đấu ngoan cường, không quản ngại hy sinh, độc hại, Bộ đội Hóa học đã có mặt ở những nơi bị địch tập kích, phun rải chất độc hóa học, hướng dẫn bộ đội và nhân dân cách phòng, chống, khắc phục hậu quả địch sử dụng vũ khí hóa học.

Với tinh thần chiến đấu ngoan cường, không quản ngại hy sinh, độc hại, Bộ đội Hóa học đã có mặt ở những nơi bị địch tập kích, phun rải chất độc hóa học, hướng dẫn bộ đội và nhân dân cách phòng, chống, khắc phục hậu quả địch sử dụng vũ khí hóa học. Đồng thời, Bộ đội Hóa học sử dụng hiệu quả màn khói và các phương tiện khác để ngụy trang che giấu lực lượng ta, cấu trúc các trận địa hỏa lực giả để nghi binh lừa địch, thu hút bom đạn địch đánh vào các trận địa giả, bảo đảm an toàn cho bộ đội, xe tăng của ta chiến đấu, bảo vệ an toàn nhiều mục tiêu kinh tế, chính trị, quân sự quan trọng của đất nước.

Từ 1965 đến 1972, Cục Hoá học thường xuyên cử cán bộ tham gia Tiểu ban Điều tra tội ác chiến tranh; cung cấp nhiều tài liệu, tư liệu có giá trị về tội ác chiến tranh hóa học của Mỹ ở Việt Nam. Với những hoạt động của Bộ đội Hóa học đã góp phần vào cuộc đấu tranh trên mặt trận đấu tranh chính trị, ngoại giao, có tác dụng thức tỉnh lương tri của nhân loại tiến bộ. Trước làn sóng đấu tranh mạnh mẽ trên thế giới, ngày 26/12/1970, Tổng thống Mỹ Nixon đã phải ra lệnh hủy bỏ việc phun rải các loại chất độc diệt cỏ ở miền nam Việt Nam.

Ngoài ra, bộ đội hóa học còn thực hiện nhiệm vụ sản xuất, quản lý, vận chuyển, sửa chữa, bảo đảm hàng nghìn tấn trang bị khí tài, vật tư hóa học đáp ứng yêu cầu phòng hóa trên chiến trường, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau khi đất nước thống nhất, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, ngày 17/7/1976, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Quốc phòng đã ký Quyết định số 224/QĐ-QP phát triển Cục Hóa học thành Bộ Tư lệnh Hóa học. Đây là bước phát triển cả về tổ chức và lực lượng Bộ đội hóa học, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội tiến lên chính quy, từng bước hiện đại, sẵn sàng đối phó với cuộc chiến tranh quy mô lớn của địch có sử dụng vũ khí hóa học, hạt nhân. Bộ đội Hóa học đã tích cực thu gom, xử lý nhiều loại vũ khí hóa học của đế quốc Mỹ để lại sau chiến tranh, xử lý nhiều vùng đất bị ô nhiễm, trả lại môi trường an toàn, trong sạch cho nhân dân tiếp tục sản xuất, xây dựng cuộc sống mới.

Tiêu hủy chất độc hóa học của Mỹ còn sót lại sau chiến tranh ở miền nam.

Tiêu hủy chất độc hóa học của Mỹ còn sót lại sau chiến tranh ở miền nam.

Trong giai đoạn hiện nay, Binh chủng Hóa học tiếp tục làm tốt nhiệm vụ xử lý chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh, bảo vệ môi trường sinh thái quốc gia; chủ động tham mưu, xây dựng kế hoạch chuẩn bị lực lượng, phương tiện để sẵn sàng ứng phó với các sự cố hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân; các sự cố môi trường, nhất là tình hình liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Binh chủng chú trọng đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng cao; tăng cường huấn luyện nâng cao trình độ bảo đảm phòng hóa và khả năng sẵn sàng chiến đấu.

Đồng thời, coi trọng xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ tiên tiến; nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa trang bị, khí tài phòng hóa hiện có, đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất tiên tiến; từng bước tiếp cận và khai thác hiệu quả các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0... góp phần thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Trải qua hơn 65 năm, Binh chủng Hóa học đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây đắp nên truyền thống “Phòng chống tốt - Chiến đấu giỏi”. Với những thành tích đạt được Binh chủng Hóa học được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Quân công các hạng và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đây là sự khích lệ vô cùng to lớn để Bộ đội Hóa học tiếp tục phấn đấu vươn lên, giành nhiều thành tích xuất sắc hơn trong giai đoạn mới.

-------------------

Ngày xuất bản: 12/2024
Nội dung: PHAN ÁNH TUYẾT
Trình bày: NGỌC DIỆP
Ảnh: TTXVN, Viện Lịch sử quân sự