Canh tác lúa thông minh ở Đồng bằng sông Cửu Long

Năm 2021, ông Cao Văn Long Ân, nông dân (ấp Long Thành, xã Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) tiết kiệm được gần 100kg thóc giống cho 1 ha nhờ áp dụng cách gieo trồng mới.

100 kg thóc giống không phải là con số quá lớn, nhưng với một người nông dân có tới 10 ha ruộng bị nhiễm mặn, phèn và đang phải tiết kiệm từng đồng do dịch COVID-19, đó là một thay đổi không hề nhỏ.

Cách gieo trồng mà ông Ân áp dụng có cái tên rất dài: Mô hình “Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu”. Đây không phải là những câu chữ mà bất kể người nông dân nào như ông Ân cũng có thể hiểu cặn kẽ được, nhưng ông Ân biết rõ, nếu áp dụng mô hình này lượng thóc giống, phân bón, thuốc sâu sẽ giảm trong khi năng suất, lợi nhuận sẽ tăng. Đây là điều ông và nhiều người nông dân khác từng “không thể tin được”.

“Canh tác lúa thông minh tại vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long” là chương trình hợp tác giữa Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền. Chương trình được thực hiện ở 13 tỉnh thành Đồng Bằng Sông Cửu Long qua 2 giai đoạn: 2016-2017 (3 vụ canh tác) và 2020-2022 (4 vụ canh tác). Mục tiêu của chương trình là gia tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho nông dân và tăng tính chủ động trong canh tác một cách thông minh trước những tác động của biến đổi khí hậu và thị trường.

Theo thông tin từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang, tình trạng biến đổi khí hậu đã và đang tác động mạnh mẽ đến tình hình sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân. Bên cạnh đó, giá vật tư nông nghiệp có chiều hướng ngày càng tăng, gây ảnh hưởng rất lớn đến chi phí sản xuất và lợi nhuận cho người làm nông.

Do vậy, việc áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật để canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu và thị trường là cần thiết.

Giống ít, phân bón ít, sản lượng lúa tăng

Tháng 11/2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang và Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền khảo sát và chọn ông Cao Văn Long Ân cùng ba hộ gia đình khác tham gia mô hình “Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu”

Ban đầu, gia đình ông Ân chỉ áp dụng cách canh tác mới trên 5ha. Gieo sạ (hạt giống) xong xuôi, ông Ân mới tính toán, lượng giống gieo sạ chỉ có  65-80 kg/ha. So với lượng giống gieo theo theo tập quán cũ là 150 – 200 kg/ha, ông giảm được 85 - 120 kg/ha! Mạ giảm, kéo theo lượng thuốc trừ sâu, phân bón cũng giảm.

Chi phí sản xuất giảm thì lợi nhuận tăng. Sau thắng lợi của vụ đầu tiên, ông đã chuyển toàn bộ 10ha ruộng mà mình có sang mô hình canh tác lúa thông minh.

Cùng với gia đình ông Ân,  ông Lê Văn Toán cũng được lựa chọn để tham gia mô hình này. Cầm nhánh lúa vàng đượm trên tay, ông Toàn không giấu được sự rạng rỡ với một vụ lúa trúng mùa. “Thì ra từ trước đến nay, nhiều người như tôi hiểu hoàn toàn sai về gieo sạ, bón phân” - ông nói.

Đó là quan niệm gieo sạ càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, sạ dày khiến cây lúa mọc chen chúc, tranh giành dinh dưỡng, nước để phát triển, dẫn đến tình trạng bông trổ bị hao hụt. Bên cạnh đó, khi lúa mọc dày, người nông dân lại phải phun xịt thuốc trừ sâu và bón phân nhiều hơn. Dinh dưỡng dư thừa khiến lá lúa phát triển, dụ dẫn côn trùng phá hoại đến sinh đẻ, cắn phá. Vòng tròn luẩn quẩn này được  phá vỡ khi người nông dân bắt đầu gieo mạ thưa theo hướng dẫn của Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang và Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền.

“Khi sạ thưa, cây lúa có không gian sống thoải mái hơn, không bị ngộp vì chen chúc chung quanh nên cũng cho bông nhiều hơn, hạt chắc hơn, ít lúa lép” - ông Toán vui vẻ nói.

Chương trình canh tác lúa tổng hợp đã được triển khai rộng trên cả 13 tỉnh của đồng bằng sông Cửu Long với các loại đất điển hình của vùng trồng lúa: đất nhiễm mặn, đất phèn, đất phù sa và đất xám. Trong 3 năm, qua 5 vụ, chương trình đã triển khai được trên 100ha lúa canh tác với 294 mô hình.

Năng suất lúa trung bình của các mô hình tăng 0,42 tấn/ha (tăng 7,16%), chi phí sản xuất giảm 1,42 triệu đồng/ha (giảm 7,54%), lợi nhuận tăng 4,45 triệu đồng/ha (tăng 27,62%).

GS TS Nguyễn Bảo Vệ, Trưởng Ban Cố vấn chương trình Công ty Phân Bón Bình Điền cho biết, để có được quy trình canh tác này là nhiều năm nghiên cứu miệt mài của đội ngũ các nhà khoa học tại 13 tỉnh của Đồng bằng Sông Cửu Long từ năm 2016.

Công thức mô hình được xây dựng từ việc ứng dụng các phương pháp canh tác tổng hợp: Phương pháp làm đất (để diệt cỏ, rửa phèn, mặn), giảm lượng giống và thay đổi cách gieo sạ, bón phân chuyên dùng Đầu Trâu, quản lý dịch hại tổng hợp, quản lý nước theo ngập – khô xen kẽ,…

Riêng yếu tố phân bón là kết quả phân tích từ 76 mẫu đất tại 38 điểm trong chương trình canh tác lúa. Các kết quả phân tích cho thấy đất canh tác lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long có sự biến động khá rõ về các chỉ tiêu theo vùng sinh thái đất. Đây là cơ sở quan trọng cho việc xây dựng và chỉnh sửa các công thức phân bón cho phù hợp theo từng tiểu vùng sinh thái đất đáp ứng mục tiêu giảm chi phí sản xuất. Hay nói cách khác, đây là cơ sở để Bình Điền đưa ra giảm pháp giảm phân bón cho người nông dân.

GS TS Nguyễn Bảo Vệ cho biết, việc khuyến cáo giảm lượng phân bón, quản lý dịch hại tổng hợp của quy trình không những đem lại hiệu quả cho người dân mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường đất, môi trường nước của các vùng trồng lúa do phân bón, thuốc bảo vệ thực vật gây ra, hướng tới một nền nông nghiệp bền vững hơn.

Yếu tố mật độ gieo sạ được kế thừa từ các tiến bộ kỹ thuật quy trình canh tác 3 giảm, 3 tăng; quy trình 1 phải, 5 giảm; quy trình gói kỹ thuật canh tác tiến tiến nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo cho vùng đồng bằng sông Cửu Long; quy trình canh tác lúa giảm chi phí và nâng cao hiệu quả tại vùng.

3 giảm tức là: Giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh, giảm lượng phân đạm. 3 tăng tức là: Tăng năng suất lúa, tăng chất lượng lúa gạo, tăng hiệu quả kinh tế. 1 Phải, 5 giảm: 1 Phải là Phải sử dụng giống xác nhận, 5 giảm là: giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh, giảm lượng phân đạm, giảm nước tưới và giảm thất thoát sau thu hoạch.

Lý thuyết sẽ không có giá trị nếu không được áp dụng thành thực tế. Vào năm 2020, nhóm các nhà khoa học Bình Điền bắt đầu tập huấn cho người cho nông dân và cán bộ kỹ thuật tại nơi xây dựng mô hình. Trong 7 vụ, chương trình đã tổ chức được hàng trăm buổi tập huấn kỹ thuật với trên hàng nghìn nông dân và cán bộ địa phương tham dự.

Định kỳ 1 hoặc 2 tuần/lần cán bộ kỹ thuật của các trung tâm khuyến nông và cán bộ công ty phân bón Bình Điền sẽ gặp gỡ nông dân, phối hợp thăm đồng.

Trong nhiều năm liên tiếp người nông dân bắt đầu quen với hình ảnh với một ông giám đốc dẫn đoàn một toán các nhà khoa học tháo giày tây, lội ruộng.

“Doanh nghiệp phân bón khuyến cáo nông dân bón ít hơn thì làm sao mà có lợi nhuận?

Bàn đạp cho nông nghiệp bền vững

“Doanh nghiệp phân bón khuyến cáo nông dân bón ít hơn thì làm sao mà có lợi nhuận?” Đó là câu hỏi mà ông Ngô Văn Đông - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền nhận được khi bắt đầu chương trình “Canh tác lúa thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu”.

“Tôi và những thành viên trong dự án lại nghĩ khác. Lợi nhuận hình thành từ liên kết hộ nông dân - doanh nghiệp, liên kết càng bền vững thì việc kinh doanh càng hiệu quả. Chính bà con nông dân là người mang lại kết quả sản xuất tư nhân cho chúng tôi và chúng tôi cũng phải suy nghĩ phục vụ lại bà con nông dân ngày một tốt hơn”, ông Đông nói.

Thành công này đạt được nhờ vào sự hợp tác chặt chẽ giữa 3 yếu tố Doanh nghiệp - Nông dân - Nhà nước. Trong đó, người nông dân là yếu tố tiên quyết. Người đứng đầu Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền phân tích, đây là mối quan hệ hữu cơ và bền vững trong hoạt động kinh doanh nông nghiệp.

Tuy nhiên, việc xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp và hộ nông dân là chuyện không dễ dàng. “Cái khó là làm người nông dân tin vào tính khả thi và hiệu quả kinh tế của dự án, từ đó chuyển đổi mô hình canh tác, bởi nông nghiệp là một ngành mang tính truyền thống khá cao”, ông Đông kể.

Chính bà con nông dân là người mang lại kết quả sản xuất tư nhân cho chúng tôi và chúng tôi cũng phải suy nghĩ phục vụ lại bà con nông dân ngày một tốt hơn

Ông Ngô Văn Đông - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền

Trên thực tế, thoạt đầu rất nhiều nông dân tại An Giang đã bày tỏ nghi ngại về mô hình “Canh tác lúa thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu”. Ông Hồng Vân Kỳ là một trong số đó. Sau hơn 30 năm làm ruộng theo cách truyền thống, ông đặt ra rất nhiều câu hỏi: Canh tác thông minh là như thế nào? Có đem lại hiệu quả gì so với làm như trước? Làm sao sạ giống ít mà lại cho năng suất nhiều được?

Kết quả thực tế đã đem lại cho ông câu trả lời xác đáng nhất. Không chỉ vậy, sau 3 vụ tập huấn, từ một người nông dân chỉ biết cầm cuốc, liềm trong hơn 3 thập kỷ, ông Kỳ đã thành thạo dùng drone phun xịt, lắp hệ thống tưới thông minh, dùng máy sạ hàng…

Cũng như ông Kỳ, sau trải nghiệm thắng lợi ở vụ mùa đầu tiên với mô hình mới, ông Lê Văn Toán đã chuyển 1,5 ha ruộng làm theo truyền thống sang canh tác thông minh. Mô hình này đã giúp gia đình ông thu thêm 1,3 triệu đến 2,5 triệu đồng/ha.

Qua hơn 2 giai đoạn thực hiện (từ 2016 đến nay), chương trình “Canh tác lúa thông minh tại vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long” của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đã góp phần tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho người nông dân, góp phần nâng cao hiệu quả trong canh tác lúa thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Qua đó,  chương trình đã phần nào thay đổi nhận thức của người nông dân về việc phát triển nông nghiệp bền vững.

Với vị thế là vùng đóng góp hơn 50% diện tích, sản lượng lúa của cả nước, Đồng bằng Sông Cửu Long chính là bàn đạp quan trọng để phát triển nông nghiệp bền vững cho cả nước.

Tuy nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với những thách thức từ biến đổi khí hậu, bao gồm hạn hán, mưa lũ, nhiệt độ cao và sâu bệnh. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất đồng ruộng và sinh kế của những người nông dân như ông Ân, ông Toán, hay ông Kỳ,...

Mô hình "Canh tác lúa thông minh tại vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long" không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao năng suất, tăng cường hiệu quả kinh tế mà còn giúp người nông dân tiết kiệm tài nguyên, giảm tác động môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

  • Tổ chức sản xuất: Việt Anh
  • Thực hiện: Phong Vân, Thanh Dũng, Quang Quý
  • Hình ảnh: Bình Điền