• Mục tiêu: Bộ Tư lệnh Chiến dịch giao Quân đoàn 4 đảm nhiệm hướng đông chiến dịch, tiến công tiêu diệt Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 và Sư đoàn 18 quân đội Sài Gòn ở Biên Hòa, sau đó thọc sâu vào nội thành Sài Gòn, đánh chiếm Dinh Độc Lập.

Thực hiện quyết tâm hoàn thành công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đầu tháng 4/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định (sau đổi tên thành Chiến dịch Hồ Chí Minh). Cùng với hoạt động tạo thế, ngày 22/4/1975, công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật và cơ động lực lượng của Chiến dịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành, các binh đoàn chủ lực mạnh hình thành thế bao vây Sài Gòn trên 5 hướng, chuẩn bị sẵn sàng cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng: Quân đoàn 3 ở hướng tây bắc; Quân đoàn 1 ở hướng bắc; Quân đoàn 2 ở hướng đông nam; Đoàn 232 và Sư đoàn 8 thuộc Quân khu 8 ở hướng tây và tây nam. Đối với hướng Đông, Bộ Tư lệnh Chiến dịch giao cho Quân đoàn 4 - Binh đoàn Cửu Long đảm trách, thực hiện tổ chức tiến công tiêu diệt Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 và Sư đoàn 18 quân đội Sài Gòn ở Biên Hòa, sau đó thọc sâu vào nội thành Sài Gòn, cùng với Quân đoàn 2 đánh chiếm Dinh Độc Lập.

Vào lúc 17 giờ ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức mở màn. Trên hướng đông, Quân đoàn 4 do Thiếu tướng Hoàng Cầm làm Tư lệnh, Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện làm Chính ủy, sử dụng lực lượng gồm ba sư đoàn 6, 7, 341, được tăng cường Lữ đoàn bộ binh 52 của Quân khu 5, 1 tiểu đoàn pháo 130mm, 1 trung đoàn và 1 tiểu đoàn pháo cao xạ hỗn hợp, 1 tiểu đoàn xe tăng. Căn cứ nhiệm vụ được giao, Quân đoàn 4 chỉ đạo Sư đoàn 6 triển khai ở phía nam đường số 1 tiến công Hố Nai, Sư đoàn 341 triển khai ở phía bắc đường số 1 tiến công Trảng Bom, Biên Hòa, Sư đoàn 7 là lực lượng thọc sâu.

Thực hiện mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân đoàn 4 chỉ đạo Sư đoàn 341 tiến công đánh chiếm Yếu khu Trảng Bom, không cho địch co cụm về Biên Hòa, mở đường cho đội hình lớn của Quân đoàn thọc sâu vào Sài Gòn. Vào lúc 17 giờ ngày 26/4/1975, Sư đoàn 341 chỉ đạo các mũi tiến công hành quân chiếm lĩnh xây dựng trận địa tiến công. Đúng 4 giờ 5 phút ngày 27/4/1975, hỏa lực pháo binh của Sư đoàn 341 bắn vào các mục tiêu như Sở Chỉ huy Yếu khu Trảng Bom, Sở Chỉ huy Chiến đoàn 48, ấp Dương Ngơ, bắc Bàu Cá.... Đến 10 giờ 30 phút, Sư đoàn 341 đã tiêu diệt và làm tan rã các chiến đoàn 43, 48, 52 thuộc Sư đoàn 18 Bộ binh, Chi đoàn 1 và Chi đoàn 3 xe tăng thiết giáp, Tiểu đoàn Bảo an và đại đội biệt lập, bắt 1.715 địch; phá hỏng, phá hủy nhiều loại vũ khí, phương tiện quân sự, hoàn thành thắng lợi trận Trảng Bom.

Phát huy thắng lợi của trận then chốt mở màn chiến dịch trên hướng đông, Quân đoàn 4 gấp rút tổ chức lực lượng tiến công khu vực phòng thủ của địch ở Hố Nai, ngoại vi thị xã Biên Hòa. Ngày 27/4/1975, Sư đoàn 6 được tăng cường Trung đoàn 209 của Sư đoàn 7, một tiểu đoàn xe tăng, hai tiểu đoàn pháo cao xạ tiến theo phía nam đường số 1 nhanh chóng đập tan các khu vực phòng thủ của địch ở suối Ông Hoàng, diệt và làm tan rã Trung đoàn 5 thiết giáp ở ngã ba Yên Thế, phát triển về Hố Nai, Biên Hòa.

Đến ngày 28/4/1975, tại Hố Nai, lực lượng địch có Lữ đoàn 258 lính thủy đánh bộ giữ trục đường từ Hố Nai đến Biên Hòa, một số đơn vị còn lại của sư đoàn 18 án ngữ khu vực Hố Nai - Long Bình, Chiến đoàn bảo an 318 giữ khu vực ngã ba Hố Nai - Tam Hiệp. Địch đào hào, rải mìn chống tăng, chiếm các dãy phố, nhà dân, công sở và dựa vào các công sự, đồn bót tạo thành các hỏa điểm. Xe tăng M48, M41 nằm sâu dưới các ụ đất, các hầm bọc bao cát chĩa nòng pháo về phía các con đường tiến quân của ta.

Sư đoàn 341 đã sử dụng Trung đoàn pháo binh 55 kiềm chế các trận địa pháo binh địch, Tiểu đoàn bộ binh 7 được tăng cường 4 xe tăng phối hợp với Tiểu đoàn 4 đột phá. Do địch dựa vào các công sự và chướng ngại chống trả, bộ đội ta lại phải vừa chiến dấu diệt địch, vừa bảo vệ dân nên các mũi tiến công phát triển chậm. Đến chiều ngày 28/4/1975, bộ đội ta mới vào đến ấp Hố Nai 1.

Vào lúc 10 giờ sáng ngày 29/4/1975, Trung tướng Lê Trọng Tấn - Phó tư lệnh Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh ra Mệnh lệnh tiến công số 03/ML cho Quân đoàn 4, xác định rõ quyết tâm đối với cánh Đông: Bắt đầu từ 16 giờ ngày 29/4/1975, trực tiếp công kích vào nội đô Sài Gòn, chậm nhất là 5 giờ sáng ngày 30/4/1975. Về nhiệm vụ, Quân đoàn 4 nhanh chóng tiêu diệt dịch, đánh chiếm Hố Nai, Tam Hiệp, Biên Hòa, cầu Ghềnh, cầu Mới, phát triển tiến công đánh chiếm vững chắc đầu cầu ở hữu ngạn sông Đồng Nai, mở đường tiến về Sài Gòn. Sau đó, Quân đoàn 4 đột kích vào nội đô tiêu diệt địch, đánh chiếm Quận 1, nhằm các mục tiêu chủ yếu là Dinh Độc Lập và đài phát thanh. Nếu các lực lượng phối hợp chưa vào kịp thì phát triển sang Quận 3, nhằm các mục tiêu Bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô, khám Chí Hòa. Về cách đánh: Quân đoàn 4 chú trọng chỉ đạo cách đánh, đánh liên tục ngày đêm, tăng cường đánh ngày nhất là khi vào nội đô[1].

Thực hiện mệnh lệnh được giao, sáng 29/4/1975, Sư đoàn 341 sử dụng 5 xe tăng dẫn dầu, phát huy ưu thế hoả lực mạnh, đập tan nhiều ổ đề kháng của địch trên hướng tiến về Biên Hòa. Khi đột phá đến ngã ba Hố Nai đi Biên Hòa, Sư đoàn 341 không phát triển tiến công được vì xe tăng bị 4 tuyến hào của địch chặn lại. Trước tình hình đó, Sư đoàn 341 quyết định để lại một bộ phận cầm chân địch, các đơn vị khác vòng qua phía bắc đánh thốc xuống Biên Hòa, chiếm các mục tiêu đã được phân công.

Đêm 29/4/1975, Sư đoàn 6 tiêu diệt toàn bộ quân địch, phá hủy hàng chục xe tăng, xe thiết giáp ở ngã ba Hố Nai và tiếp tục truy quét tàn binh địch, diệt các mục tiêu còn lại, quân quản khu Biên Hòa. Khi đến cách Hố Nai 1,5km, Trung đoàn 165 của Sư đoàn 341 triển khai chiến đấu, tổ chức tiến công tiêu diệt Tiểu đoàn 6 thủy quân lục chiến và một bộ phận Trung đoàn 82 của Sư đoàn 18 quân đội Sài Gòn, gồm 22 xe tăng, thiết giáp. Sau đó, Sư đoàn 341 vượt qua cầu đường sắt bằng xe tải, đánh chiếm các mục tiêu đã được phân công ở quận Gò Vấp, quận 3 và quận 10.

Tuyến phòng thủ của địch ở Hố Nai tan vỡ, nhưng tàn binh địch lẩn trốn trong dân còn tụ tập thành từng tốp nhỏ, bắn vào đội hình hành quân của Sư đoàn 7. Sau khi tổ chức lực lượng tiêu diệt địch, Sư đoàn 7 quyết định đột phá qua Tam Hiệp, mở rộng đường hành quân sang hai cánh, vừa đi vừa đánh địch, đẩy nhanh tốc độ tiến công.

Từ 7 giờ sáng ngày 30/4/1975, Sư đoàn 6 phối hợp với Trung đoàn bộ binh 3 của Sư đoàn 341 tiến công và làm chủ Sở Chỉ huy Quân đoàn 3 đội Sài Gòn và sân bay Biên Hòa. Đến 9 giờ sáng, Sư đoàn 341 chiếm Hốc Bà Thức, phát triển sang Thủ Đức và đánh chiếm Sở chỉ huy Sư đoàn 18 quân đội Sài Gòn và khu biệt động quân, sau đó phát triển vào nội đô Sài Gòn.

Trên hướng Sư đoàn 7, vào lúc 4 giờ sáng ngày 30/4/1975, Tiểu đoàn 5 tiến đến cầu sắt xe lửa Biên Hòa (cầu Ghềnh) thì dừng lại vì cầu có trọng tải 12 tấn, xe tăng không qua được. Trước tình hình đó, Quân đoàn 4 lệnh cho Sư đoàn 7 không tiến quân theo đường số 1 nữa mà quay ra đường Xa Lộ. Khi đến ngã ba Tam Hiệp, Sư đoàn 7 phải tổ chức đánh cụm quân địch đang chốt giữ để đưa đội hình thọc sâu qua cầu xa lộ Đồng Nai và tiến vào Sài Gòn. Lúc 8 giờ, bộ phận đi đầu của Trung đoàn 141 là Tiểu đoàn 2 ra đến Xa Lộ, đúng lúc đội hình của Quân đoàn 2 đang trên đường tiến vào Sài Gòn. Đại đội 7 của Trung đoàn 141 được xe tăng dẫn đường, tiến theo đường Hồng Thập Tự, qua đại lộ Thống Nhất, tới thẳng Dinh Độc Lập vào lúc 12 giờ 30 phút ngày 30/4/1975. Trước đó, các lực lượng của Quân đoàn 2 đã tiến vào Dinh Độc Lập, buộc Tổng thống Dương Văn Minh và toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn đầu hàng vô điều kiện.

Vào lúc 17 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh giao cho Quân đoàn 4 chiếm giữ Dinh Độc Lập, Bộ Quốc phòng quân đội chính quyền Sài Gòn, Bộ Chỉ huy Sư đoàn thủy quân lục chiến, Bộ Tư lệnh Hải quân, cảng Bạch Đằng, Đài phát thanh và làm nhiệm vụ quân quản các quận 1, 2, 3, 4, 10, 11.

Cùng với việc hoàn thành nhiệm vụ tiến công đột phá các tuyến phòng thủ của địch trên hướng đông Chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân đoàn 4 đã tiêu diệt 4.746 tên và làm tan rã một bộ phận quan trọng sinh lực địch, thu gần 1 vạn súng (có 40 khẩu pháo), gần 1.154 xe các loại (có 204 xe tăng thiết giáp) cùng nhiều loại vũ khí, trang bị khác[2].

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân đoàn 4 thực hiện vai trò là lực lượng tác chiến tại chỗ, có nhiệm vụ đẩy mạnh các hoạt động phối hợp chiến trường, tác chiến tạo thế mở rộng vùng giải phóng, mở đường, tạo bàn đạp cho các đơn vị bạn cơ động lực lượng tham gia chiến dịch. Suốt quá trình phát triển tiến công vào trung tâm đầu não chính quyền Sài Gòn, Binh đoàn Cửu Long phải vượt qua nhiều điểm chốt phòng ngự kiên cố của địch, có những lúc phải thực hiện vòng tránh, bỏ qua các vị trí thứ yếu, nên tốc độ hành quân có phần chậm lại. Kịp thời điều chỉnh thế trận và lực lượng, Binh đoàn Cửu Long đã thực hiện thành công trận then chốt mở màn chiến dịch trên hướng đông và phát triển tiến công dọc theo chiều sâu chiến dịch, đập tan mọi sự kháng cự của quân đội Sài Gòn, không cho địch co cụm về phòng thủ khu trung tâm Sài Gòn - Gia Định, tạo thời cơ thuận lợi cho các hướng tiến công của Chiến dịch Hồ Chí Minh đẩy nhanh tốc độ hành quân để giành thắng lợi quyết định.

Sư đoàn 18 đã mất đi 30% sức mạnh của nó sau trận chiến ở Xuân Lộc”.
“...Khi chiếc cổng sắt tại dinh Độc Lập bị xe tăng của Quân giải phóng húc đổ, cán cờ ngụy rơi xuống đất... lính gác Việt Nam lập tức giơ tay xin hàng và tập hợp thành hàng ngũ chờ lệnh mới. Cờ Chính phủ cách mạng lâm thời tung bay trong không khí chiến thắng ở lan can tầng hai ngay cả trong khi lá cờ ba sọc vẫn còn bay trên mái nhà”.
“Quân đội Cộng sản tươi cười và vui vẻ cưỡi xe tăng vào Phủ Tổng thống ở Sài Gòn và hô lớn với những người dân đứng hai bên đường”.

Ngày xuất bản: 17/4/2025
Tổ chức sản xuất: Bùi Nam Đông
Nội dung: Thiếu tá, ThS Lê Minh Nam, Viện Chiến lược và Lịch sử quốc phòng Việt Nam
Trình bày: Thùy Lâm