Sau hơn 30 năm tái lập, tỉnh Ninh Bình đang là điểm sáng trong phát triển kinh tế-xã hội của khu vực và trên cả nước. Trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Nhân Dân, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc khẳng định: trải qua các thời kỳ, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Ninh Bình luôn đoàn kết, trách nhiệm, bản lĩnh đưa ra những điều chỉnh chiến lược quan trọng, phù hợp với điều kiện thực tế và lợi thế vốn có; luôn kiên trì với mục tiêu tăng trưởng, dồn lực xây dựng quê hương phát triển nhanh, bền vững vì một “khát vọng Ninh Bình” ngày một đẹp giàu.

Phóng viên: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, song, bức tranh kinh tế-xã hội của tỉnh Ninh Bình có nhiều điểm sáng. Đồng chí có thể khái quát những kết quả nổi bật mà tỉnh đã đạt được trong nửa nhiệm kỳ qua?

Đồng chí Phạm Quang Ngọc: Trong gần ba năm qua, tình hình quốc tế, khu vực và trong nước có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, vượt khả năng dự báo, đặc biệt là đại dịch Covid-19 kéo dài gây hậu quả nặng nề và cuộc xung đột Nga-Ucraina, đã ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội.

Nhưng dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự quan tâm của các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Ninh Bình luôn đoàn kết, trách nhiệm, bản lĩnh, kiên định và quyết tâm, nỗ lực, chủ động, sáng tạo, phát huy dân chủ, khắc phục khó khăn, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt; cùng với sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, nên đã đạt được kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực; đã có một số chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 22.

Nổi bật là đã thực hiện tốt “mục tiêu kép”, vừa tập trung phòng, chống kiểm soát dịch bệnh Covid-19, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Dự kiến tốc độ tăng trưởng GRDP (theo giá so sánh 2010) giai đoạn 2020-2023 bình quân đạt 7,34%/năm.

Riêng sáu tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,56%, đứng thứ 12 toàn quốc và đứng thứ 6 vùng đồng bằng sông Hồng. Quy mô nền kinh tế của tỉnh không ngừng mở rộng; đến hết năm 2022, GRDP của tỉnh đạt gần 3,5 tỷ USD, đứng thứ 37/63 tỉnh thành phố trong cả nước.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng cơ cấu công nghiệp, dịch vụ và giảm cơ cấu nông-lâm-thủy sản nhưng vẫn tăng về giá trị; đến hết năm 2022, khu vực nông-lâm-thủy sản đạt 10,6%; khu vực công nghiệp-xây dựng đạt 45,2%; khu vực dịch vụ đạt 44,2%.

Thu ngân sách đạt kết quả nổi bật, từ năm 2022 tỉnh Ninh Bình thực hiện tự chủ về ngân sách và điều tiết về Trung ương 9% và cũng là năm có tổng thu ngân sách Nhà nước lớn nhất từ trước đến nay, ước đạt 24.300 tỷ đồng, đứng thứ 15 trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước.

Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình.

Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình.

Xây dựng nông thôn mới đi vào thực chất, đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay, 100% số xã trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới; 6/6 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 2/2 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 30/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 14/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 333/1.355 thôn, xóm, bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, các giá trị bản sắc độc đáo được quảng bá, lan tỏa, chuyển hóa thành nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng sống của nhân dân. Công tác đảm bảo an sinh xã hội được chú trọng, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, đến hết năm 2022 lần lượt là 2,36% và 2,81%.

Giáo dục-đào tạo được quan tâm, chú trọng phát triển toàn diện cả quy mô và chất lượng. Ninh Bình liên tục đứng trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước về điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Cải cách hành chính, chuyển đổi số đạt được kết quả tương đối tốt: chỉ số hài lòng về phục vụ hành chính (SIPAS) xếp 25/63; chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) xếp thứ 17/63; hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) nằm trong top 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước; chỉ số về chuyển đổi số xếp thứ 21/63. Quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hoạt động đối ngoại mở rộng...

Phóng viên: Thưa đồng chí, thời gian qua, tỉnh Ninh Bình có sự chuyển biến rất mạnh trong tư duy phát triển bền vững, chuyển hướng chiến lược phát triển kinh tế từ “nâu” sang “xanh”. Cụ thể vấn đề này như thế nào thưa đồng chí?

 

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc và đoàn công tác.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc và đoàn công tác.

Đồng chí Phạm Quang Ngọc: Khi tái lập tỉnh năm 1992, Ninh Bình là một tỉnh nghèo, kinh tế dựa chủ yếu vào nông nghiệp; ngành công nghiệp chủ yếu khai thác nguồn lực tài nguyên sẵn có như đá vôi để sản xuất vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, trong mỗi giai đoạn phát triển, tỉnh Ninh Bình có những điều chỉnh chính sách, chiến lược phát triển phù hợp với điều kiện thực tế và nguồn lực sẵn có. Chiến lược phát triển kinh tế “xanh” là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt qua nhiều nhiệm kỳ Đại hội, đã sớm được định hình và có những bước đi bài bản.

Ngay từ đầu những năm 2000, tỉnh đã thực hiện chuyển hướng chiến lược từ "nâu" sang "xanh", chuyển từ công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng sang phát triển du lịch, chú trọng bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử. Đến nay, Ninh Bình đã dừng thu hút các dự án chiếm nhiều diện tích đất, sử dụng công nghệ lạc hậu và đóng góp giá trị kinh tế thấp. 

Đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình (thứ 2 từ trái sang) đi thăm và làm việc tại huyện Kim Sơn (Ninh Bình).

Đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình (thứ 2 từ trái sang) đi thăm và làm việc tại huyện Kim Sơn (Ninh Bình).

Trên cơ sở xác định tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để phát triển, Ninh Bình hướng đến phát triển toàn diện, nhanh, bền vững, theo hướng tăng trưởng xanh, chất lượng cao, hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường; bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử văn hóa, di sản thiên nhiên và chăm lo đời sống nhân dân. 

Trong đó du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu trở thành trung tâm du lịch của Quốc gia và khu vực. Tỉnh đã từng bước xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển du lịch, đặc biệt là từ khi Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới năm 2014, tạo thế và lực mới cho sự phát triển du lịch Ninh Bình, từng bước đưa du lịch Ninh Bình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của vùng và cả nước. Di sản Quần thể danh thắng Tràng An của tỉnh Ninh Bình được Tổng Giám đốc UNESCO ghi nhận là một trong những mô hình mẫu mực, tiêu biểu nhất trên thế giới về sự kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững.

"Tỉnh đã từng bước xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển du lịch, tạo thế và lực mới cho sự phát triển du lịch Ninh Bình, từng bước đưa du lịch Ninh Bình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của vùng và cả nước."
Đồng chí Phạm Quang Ngọc – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình

Lễ hội Hoa Lư

Lễ hội Hoa Lư

Lễ hội Tràng An

Lễ hội Tràng An

Đền Vua Đinh

Đền Vua Đinh

Item 1 of 3

Lễ hội Hoa Lư

Lễ hội Hoa Lư

Lễ hội Tràng An

Lễ hội Tràng An

Đền Vua Đinh

Đền Vua Đinh

Phóng viên: Là địa phương có diện tích tự nhiên nhỏ, trong khi không gian dành cho bảo tồn di sản lại chiếm khá lớn, vậy để tạo ra không gian và dư địa mới cho phát triển kinh tế, Ninh Bình đang giải “bài toán” này ra sao thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Quang Ngọc: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 22, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định một trong ba khâu đột phá của tỉnh là tập trung đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, hiệu quả, chất lượng. Qua thực tế gần ba năm thực hiện Nghị quyết, đã cho thấy đây thực sự là chủ trương có tính đột phá của Ninh Bình.

Tỉnh Ninh Bình đã triển khai thực hiện quyết liệt, đã phát huy, khẳng định quan điểm này đúng, ngày càng hiệu quả. Điều đó thể hiện rất rõ từ sự thay đổi ngay trong tư duy của đội ngũ cán bộ, đảng viên, sự phấn khởi của nhân dân, của các nhà đầu tư.

Cụ thể về tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2020-2023 đạt hơn 86.102 tỷ đồng, bình quân mỗi năm tăng 6,7%. Đến hết năm 2023, tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn ước đạt 29.423 tỷ đồng, vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025.

Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông được tăng cường đầu tư hoàn thiện theo hướng đồng bộ, kết nối vùng, liên vùng và yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Thời gian tới Ninh Bình tiếp tục thực hiện tốt hơn khâu đột phá này, nhất là hạ tầng giao thông, nhằm tạo ra không gian, dư địa, động lực và lợi thế phát triển mới để đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội. Từ đó tạo ra sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển; cân bằng được nhu cầu thực tế phát triển với bảo tồn.

Đồng thời, tỉnh sẽ tập trung xây dựng đô thị “Cố đô-di sản” sau khi hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư hiện tại; xây dựng thành phố Tam Điệp trở thành đô thị động lực, theo hướng công nghiệp-dịch vụ hiện đại, chất lượng cao, thân thiện môi trường, gắn với bố trí thế trận quốc phòng-an ninh, kết nối và chuyển tiếp hài hòa, phù hợp với vùng Di sản Quần thể danh thắng Tràng An và tạo động lực phát triển vùng đông nam Nho Quan.

Như vậy không gian phát triển rộng ra, sẽ có cơ chế đặc thù để người dân sống, bảo đảm sinh kế cho người dân trong khu vực; đồng thời tạo ra việc làm mới, không gian, nơi ở mới cho cư dân vùng lõi di sản, giảm áp lực cho bảo tồn, như vậy sẽ bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển kinh tế-xã hội.

Bám sát tinh thần chỉ đạo của Ban Chấp hàng Đảng bộ tỉnh, của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, song song với phát triển, các chương trình, hành động phải liên tục gắn với tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học làm luận cứ để nâng tầm thành lý luận, từ đó có những quyết định đúng đắn mang tính chiến lược quan trọng, nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh của tỉnh; góp phần từ thực tiễn bổ sung lý luận trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của đảng, nhà nước, từ đó đề xuất cơ chế chính sách đặc thù riêng cho tỉnh, để Ninh Bình phát huy tối đa được nguồn lực, nội lực để thực hiện được những mục tiêu đã đề ra.

Phóng viên: Trên cơ sở những giá trị nổi bật riêng có về địa lý, sinh thái tự nhiên, truyền thống và kết quả thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong thời gian vừa qua, đề nghị đồng chí cho biết, trong thời gian tới, Ninh Bình cần phải làm gì và làm như thế nào để hiện thực hóa khát vọng phát triển?

Đồng chí Phạm Quang Ngọc: Ninh Bình cách thủ đô Hà Nội chừng 90km, là "Cửa ngõ" phía Nam khu vực miền Bắc, cũng là "Cửa ngõ phía Nam của Nền văn minh sông Hồng"; thuộc hành lang kinh tế quốc gia Bắc - Nam; hành lang kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ; điểm kết nối, giao thoa, chuyển tiếp của 3 vùng kinh tế: Vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, Vùng rừng núi Tây Bắc và Vùng duyên hải Bắc Trung Bộ… đây là những lợi thế lớn về địa kinh tế.

Do vậy, Ninh Bình sẽ tiếp tục đổi mới phương thức huy động và phân bổ nguồn lực; tăng cường hiệu quả việc huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực tài chính công; bảo đảm "đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư", "đầu tư công lôi kéo đầu tư xã hội", hướng nguồn lực công đến các địa chỉ mà khu vực tư nhân không thể tham gia hoặc đồng thời góp phần hình thành các nền tảng "kích thích" sự tham gia của khu vực tư nhân qua các cơ chế tạo động lực, hỗ trợ phù hợp; phân bổ theo hướng vận dụng nguyên tắc cạnh tranh, tăng cường tính tập trung, tập trung vào những lĩnh vực tạo ra các giá trị kinh tế gắn với việc làm và nguồn thu ngân sách của tỉnh.

Đồng thời, Ninh Bình sẽ đẩy mạnh xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa. Trong đó, các lĩnh vực của công nghiệp văn hóa được kỳ vọng sẽ trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm. Tôi cho rằng, trong sự phát triển của bối cảnh mới, các yếu tố về giá trị văn hóa, giá trị thương hiệu đã và đang trở thành nguồn lực, động lực quan trọng để phát triển nhanh và bền vững cho mỗi địa phương, trong đó Ninh Bình đang có nhiều lợi thế.

Qua hơn 30 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân tỉnh Ninh Bình, với ý chí và khát vọng vươn lên, đã luôn đoàn kết, chủ động, sáng tạo, phát huy tiềm năng, lợi thế, vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Từ một tỉnh kinh tế thuần nông (chiếm gần 63% GRDP), quy mô nhỏ và tốc độ tăng trưởng chậm, chưa vững chắc và mang nặng tính chất tự cung, tự cấp với nền nông nghiệp lạc hậu; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhỏ lẻ, phát triển manh mún; thương mại, dịch vụ chậm phát triển. 

Với bước đi đúng đắn, tỉnh Ninh Bình đã tận dụng khai thác phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh; đặc biệt là xác định và quyết tâm thực hiện những bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng quan trọng, chuyển dịch cơ cấu trong nội tại ngành kinh tế theo hướng xanh, ứng dụng khoa học công nghệ và tạo ra giá trị lớn; chú trọng quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và giải pháp về thu hút, xúc tiến đầu tư nhằm thu hút những nhà đầu tư chiến lược, các dự án lớn có đóng góp lớn cho tăng trưởng và phát triển kinh tế của địa phương.

Nền kinh tế của tỉnh đã hình thành được một số ngành, sản phẩm chủ lực có thương hiệu và đóng góp lớn cho tăng trưởng, phát triển kinh tế và thu ngân sách, nổi bật như: Công nghiệp lắp ráp ô tô, công nghiệp phụ trợ ô tô với đầu tàu liên doanh giữa Tập đoàn Hyundai với Tập đoàn Thành Công, đưa Ninh Bình cùng với tỉnh Quảng Nam và tỉnh Vĩnh Phúc trở thành ba trung tâm sản xuất ô tô lớn nhất cả nước.

Định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong thời gian được xác định là "Phát triển nhanh và bền vững, phát triển kinh tế đi đôi với công bằng và tiến bộ xã hội; trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng nổi trội, giá trị độc đáo và lợi thế riêng có của địa phương, cốt lõi là lấy bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa-lịch sử, cảnh quan thiên nhiên cùng truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô Hoa Lư làm nguồn lực và động lực phát triển".

Đối với ngành, lĩnh vực, công nghiệp được xác định là động lực, là nền tảng phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững; tạo nền tảng khai thác có hiệu quả và bảo vệ giá trị văn hóa-lịch sử vùng đất Cố đô Hoa Lư - Nơi lưu giữ những giá trị khởi nguyên trong hành trình phục hưng dân tộc; giá trị nội bật toàn cầu của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An, từng bước phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực. 

Theo đó, 3 khát vọng, mục tiêu tổng quát của tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xác định như sau: Là một trong những tỉnh khá, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững của vùng Đồng bằng Sông Hồng; Là một trong những trung tâm du lịch cấp quốc gia, mang tầm quốc tế; Là miền đất đáng sống, an toàn và thân thiện.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

"3 khát vọng, mục tiêu tổng quát của tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xác định như sau: Là một trong những tỉnh khá, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững của vùng Đồng bằng Sông Hồng; Là một trong những trung tâm du lịch cấp quốc gia, mang tầm quốc tế; Là miền đất đáng sống, an toàn và thân thiện".
Đồng chí Phạm Quang Ngọc – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình

Nội dung: Văn Lúa, Xuân Trường
Trình bày: Hạnh Vũ
Ảnh: Anh Tuấn, Đức Lam, Minh Đường, Xuân Trường, Vũ Tuấn, Thái Bá