Tổng Giám đốc BKAV Nguyễn Tử Quảng cho rằng Việt Nam cần rất nhiều điều kiện để phát triển trí tuệ nhân tạo. Trong đó, Việt Nam rất cần một vị kiến trúc sư trưởng để “thống nhất được thiết kế, quản lý được thi công” trong quá trình phát triển trí tuệ nhân tạo của Việt Nam.
PV: Theo ông, trí tuệ nhân tạo là gì?
Nguyễn Tử Quảng: Trí tuệ nhân tạo là một loại máy móc, do con người tạo ra để phục vụ chính mình.
Trí tuệ nhân tạo là một phần của trí tuệ con người. Về chiều sâu, trí tuệ nhân tạo nằm bên trong; về chiều rộng trí tuệ nhân tạo phủ bên ngoài trí tuệ của con người.
Tôi nói thế này để bạn dễ hiểu, mỗi con người là một bộ não. Mỗi cộng đồng là một bộ não lớn bao gồm nhiều bộ não nhỏ. Một đất nước sẽ là một bộ não bao gồm nhiều bộ não lớn hơn. Cả nhân loại, thực chất là một bộ não lớn hơn nữa.
Trước đây kiến thức của những bộ não này được ghi trong sách vở. Còn bây giờ kiến thức đó được ghi trên Internet - đây chính là bộ não lớn của nhân loại mà ai cũng có thể truy cập, sử dụng. Không ai có thể nhớ mọi kiến thức trên đời trong đầu mình cả. Nhưng nhờ có những công nghệ như mạng Internet, như trí tuệ nhân tạo mà hiểu biết chung của cả nhân loại cũng chính là hiểu biết của mình, lúc nào cần thì ta lấy nó ra. Nói trí tuệ nhân tạo lớn hơn trí tuệ của con người về chiều rộng là bởi vậy.
Tuy nhiên, về chiều sâu, trí tuệ nhân tạo vẫn nằm trong trí tuệ của con người. Đầu tiên, cụm từ này vẫn bao gồm chữ “nhân tạo” - tức là chưa thể đạt được mức độ “tinh” của con người.
Vừa rồi chúng ta có ChatGPT - một công nghệ đột phá, cho cảm giác trò chuyện tự nhiên. Nhưng tôi khẳng định rằng ChatGPT vẫn chưa biết suy nghĩ đâu!
ChatGPT hay công nghệ trí tuệ nhân tạo nói chung mới đang ở mức chỉ biết thống kê chứ hoàn toàn không hiểu câu mình nói. Đó là xác suất thống kê.
Tôi cho rằng, ChatGPT mới giống hoặc gần giống giao tiếp của con người. Do đó, ChatGPT có thể đoán được văn bản hay mô phỏng cách thức giao tiếp của con người.
Năm 1997, khi còn học đại học, chúng tôi được học bộ môn trí tuệ nhân tạo. Lúc đó, chúng ta đã mơ tới việc làm thế nào để một chiếc máy có thể nói chuyện được như con người nhưng đến bây giờ thế giới mới làm được.
Trí tuệ nhân tạo sẽ làm thay đổi thế giới, thay đổi cách mà con người làm việc, thay đổi niềm tin của con người với khả năng của công nghê. ChatGPT là ứng dụng rõ nhất về sự khả thi đó.
PV: Như ông vừa phân tích, với khả năng nắm giữ mọi kiến thức của nhân loại, trí tuệ nhân tạo sẽ ảnh hưởng thế nào tới quá trình tiến hoá tự nhiên của trí tuệ con người?
Nguyễn Tử Quảng: Có người băn khoăn khi trí tuệ nhân tạo phát triển mạnh mẽ như vậy thì trí tuệ con người có bị giảm sút không? Tôi khẳng định là không.
Nó giống như câu chuyện máy tính bỏ túi hay Việt Nam mình còn gọi là máy tính Casio. Trước khi có máy tính bỏ túi, mình phải viết ra giấy hay dùng bàn tính gẩy với các phép tính lớn. Sau khi có máy tính bỏ túi, việc của mình chỉ là bấm. Thậm chí, chúng ta không cần phải nhớ cách tính nữa!
Đầu tiên, các trường học không cho mang máy tính vào phòng thi vì lúc đó chúng ta vẫn còn thi cách làm tính. Nhưng tới giờ, học sinh buộc phải mang máy tính vào phòng thi. Chúng ta không coi cách làm tính là vấn đề nữa mà phải dùng kết quả để giải những bài toán lớn hơn.
Tương tự, gần đây một cuộc tranh cãi nảy ra trong trường học là cho hay không cho sinh viên dùng ChatGPT để trả bài. Theo cách học cũ thì ChatGPT làm cho hết rồi, thi gì nữa? Nhưng tôi nghĩ, tại sao các trường học không thay đổi? Giáo viên sẽ phải tìm kiếm trên Google, trên ChatGPT trước để xem đề tài này đang được giải quyết, bàn luận như thế nào. Trên cơ sở đó, họ thay đổi bài thi của mình.
Quan điểm của tôi là có thể cho phép học sinh, sinh viên tham khảo ChatGPT như một công cụ hữu hiệu cho việc học. Nếu kiến thức đã được chia sẻ nhiều thì người học chỉ cần vào hỏi là có ngay. Đó chính là kiến thức đúc kết của nhân loại.
Việc của học sinh là phân tích xem những câu trả lời đó là đúng hay là sai để tìm ra kiến thức.
Tức là mình phải thay đổi cách học và cách thi. Chúng ta sẽ thích nghi chứ! Thay vì mất công rèn luyện tư duy trong tính toán, chúng ta lại rèn luyện tư duy trong việc hoạch định, tư duy logic các công việc ở mức cao hơn. Theo tôi, đây là một quá trình thay đổi để tốt hơn.
Như đã nói, trí tuệ nhân tạo cũng là một loại máy móc. Khi có máy móc, chúng ta sẽ rảnh tay. Do đó, con người có thể sáng tạo ra những thứ lớn hơn, trí tuệ hơn.
Máy móc hay trí tuệ nhân tạo không hề khiến cho quá trình tiến hoá của con người dừng lại. Ngược lại, xã hội chắc chắn sẽ phát triển hơn nữa.
Không có ai phàn nàn vì máy tính mà tôi kém hơn trước cả!
PV: Ông đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển trí tuệ nhân tạo của Việt Nam?
Nguyễn Tử Quảng: Nếu nói về tiềm năng, người Việt Nam có thể đứng đầu thế giới về khả năng phát triển trí tuệ nhân tạo.
Quay trở lại câu chuyện của ChatGPT, người có vai trò quyết định tới thuật toán của chatbot này là một người Việt Nam - Lê Viết Quốc. Quốc là một trong 4 người sáng lập ra Google Brain - nơi đứng sau tất cả các thành tựu trí tuệ nhân tạo của Google.
Cụm từ “trí tuệ nhân tạo” vốn dĩ đã gồm có hai phần: Nhân tạo là phần toán, trí tuệ là phần người. Mà con người lại phải được hiểu bằng cảm xúc, cảm giác.
Để làm được trí tuệ nhân tạo tốt, một nhân sự cần có hai khả năng, có thể nói là trái ngược: Logic toán học và trực giác, cảm xúc.
Toán học giúp ta mô phỏng cách bộ não hoạt động. Trực giác, cảm xúc giúp ta hiểu cách con người suy nghĩ.
Người Việt Nam có cả hai tố chất này. Chúng ta có truyền thống toán học lại nổi tiếng hành động theo cảm xúc.
Ví dụ, dù bạn sai nhưng tôi thích bạn nên tôi sẵn sàng bỏ qua. Một người châu Âu hay người Mỹ,… sẽ không dễ dàng bỏ qua như thế.
Đây không phải là một đặc điểm tốt để tạo ra xã hội công nghiệp nhưng tốt để phát triển trí tuệ nhân tạo.
Tuy nhiên đó mới chỉ là tiềm năng. Để dẫn đầu nguồn nhân lực về phát triển trí tuệ nhân tạo, Việt Nam còn cần nhiều điều kiện “đủ” khác nữa. Giỏi toán và duy tình mới là điều kiện “cần” thôi.
PV: Vậy chúng ta còn cần những điều kiện “đủ” gì nữa thưa ông?
Nguyễn Tử Quảng: Các chiến lược phát triển trí tuệ nhân tạo của Việt Nam rất ổn, nếu không muốn nói là tuyệt vời. Nghị quyết cập nhật đúng, kịp thời. Chính sách tốt nhưng thực thi chưa tốt.
Trí tuệ nhân tạo Việt Nam thiếu một kiến trúc sư trưởng, tức là thiếu một người đứng đầu về việc thực thi.
Để xây một toà nhà to đẹp thì bạn cần gì? Sắt thép, xi măng, cát sỏi,… Đó là những thứ ai cũng có thể có, có tiền là có. Những để xây to và đẹp, cái bạn cần là thiết kế, là kiến trúc. Rồi làm sao để các công đoạn đi theo đúng thiết kế, không có chuyện đội này vào sửa một ít, đội kia vào sửa một ít. Cuối cùng nó chẳng ra thứ ban đầu! Thứ bạn cần là một kiến trúc sư trưởng - người thống nhất được thiết kế, quản lý được thi công.
Tôi lấy một ví dụ rất hữu hình để chúng ta thấy xây một căn nhà cho mình ở đã như vậy rồi nữa là những lĩnh vực trừu tượng như: Chiến lược quốc gia về công nghệ, chiến lược quốc gia về trí tuệ nhân tạo,…
Chúng ta cần một kiến trúc sư trưởng để phát tiển trí tuệ nhân tạo. Nhưng đó lại là điều chưa được chú tâm. Chúng ta phải tìm kiếm họ; phải tạo điều kiện cho họ hoạt động. Quốc rất muốn về Việt Nam, khao khát đóng góp cho Việt Nam. Nhưng Quốc về mà không có chỗ để đóng góp thì khao khát ấy cũng không có giá trị gì cả.
Nhà quản lý phải tìm được những người như Quốc, giao nhiệm vụ, giao trách nhiệm cho họ. Thay đổi chế độ, quy trình để nâng cao vai trò của những người ấy. Đầu tư không cần tốn kém mà cần đúng hướng. Hướng đúng ở đây chính là con người.
PV: Nên phát triển trí tuệ nhân tạo nội địa hay địa phương hoá trí tuệ nhân tạo quốc tế?
Nguyễn Tử Quảng: Có 2 khía cạnh như thế này:
Một là chúng ta phải dứt khoát đứng trên vai người khổng lồ. Trung Quốc không phát triển các thuật toán hay mô hình trí tuệ nhân tạo (AI model) mà sử dụng mô hình do Mỹ hoặc Châu Âu đưa ra. Phát minh gốc thì chỉ cần một số nơi làm thôi, áp dụng được đã là tốt rồi. Ta nên dùng các thành tựu của thế giới để phát triển thêm.
Nhưng thứ này thì cần phải nội địa: Dữ liệu. Thuật toán thì có sẵn nhưng dữ liệu như thế nào thì sẽ tạo ra trí tuệ nhân tạo như vậy. Phải là dữ liệu của mình thì trí tuệ nhân tạo mới phục vụ cho mình. Đây là khía cạnh thứ hai.
Hiện tại, dữ liệu về Việt Nam, của người Việt Nam rất ít nên những ứng dụng của trí tuệ nhân tạo như ChatGPT sẽ không hiểu về người Việt. Cho nên mình dứt khoát phải có dữ liệu của mình.
Theo tôi, công thức để phát triển trí tuệ nhân tạo của Việt Nam chính là: Thuật toán thì thừa hưởng, dữ liệu thì nội địa.
Trách nhiệm sử dụng dữ liệu là vấn đề của cả thế giới. Trí tuệ nhân tạo mang lại nhiều giá trị cho xã hội nhưng cũng tạo ra những vấn đề mới. Trong đó, có quyền riêng tư.
Để phát triển, một trí tuệ nhân tạo sẽ cần thu thập rất nhiều dữ liệu. Điều này khiến quyền riêng tư của con người dễ bị vi phạm. Nhưng xã hội sẽ phải thay đổi để thích nghi với việc này.
Chúng ta đang thay đổi rồi đấy nhé. Tôi lấy ví dụ: Chỉ bằng 16 lần click, Facebook có thể hiểu người dùng hơn cả bản thân họ. Đó chính là quyền riêng tư đấy. Chúng ta chấp nhận để Facebook biết mình là ai để đổi lại những lợi ích mà mạng xã hội này đem lại.
Ở Việt Nam, năm 2023 sẽ là năm dữ liệu. Chúng ta sẽ cần phải đặt ra các tiêu chuẩn và ranh giới để phân loại các dữ liệu. Đâu là dữ liệu được phép sử dụng, đâu là dữ liệu phải đảm bảo tuyệt mật chứ không thể cấm hết. Bởi một khi không có dữ liệu, chúng ta không thể phát triển trí tuệ nhân tạo. Hậu quả là chúng ta sẽ bị lạc hậu so với các nước được phép sử dụng dữ liệu.
PV: Tôi có một câu hỏi riêng tư một chút, ông nghĩ thế nào về biệt danh Quảng "Nổ"?
Nguyễn Tử Quảng: Chuyện đấy thì bình thường, chẳng có gì riêng tư cả.
Từ bé, tôi đã ít chơi với các bạn cùng trang lứa mà hay ngồi một mình suy tư. Tôi luôn nghĩ là mình phải làm một việc gì đó tốt cho xã hội, còn nếu không thì mình sống chẳng có ý nghĩa gì cả.
Lớn lên thì học công nghệ, giúp mọi người diệt virus, làm tin học hoá, rồi làm smartphone. Lúc ấy, tôi rất muốn xây dựng lại ngành công nghiệp phần cứng của Việt Nam. Nhưng ý tưởng đó bị phản đối khủng khiếp. Suy nghĩ của mình là như vậy nhưng mọi người lại nghĩ khác. Tôi bị sốc và thất vọng, không hiểu vì sao mọi chuyện lại như thế?
Tôi bị căng thẳng. Không! Tôi bị bệnh tâm lý thì đúng hơn. Hơn hai năm trời tôi không hề đến công ty. Tôi chỉ ngồi ở nhà mà không dám ra ngoài.
Sau đó thì tôi tự giải thích cho mình. À, chuyện đó cũng là bình thường. Nhà bác học vĩ đại còn bị vậy thì mình chẳng là gì cả.
Vì sự ném đá mà họ trưởng thành, mình cũng thế. Khi hiểu đó là quy luật tất yếu của cuộc sống thì mình vui vẻ.
PV: Mục đích sống của anh là gì?
Nguyễn Tử Quảng: Là làm những điều tốt đẹp cho xã hội.
PV: Điều ấy có lớn quá, xa vời quá với mục đích sống của một cá nhân đơn lẻ không?
Nguyễn Tử Quảng: Mọi người cứ nghĩ là tại sao phải bao đồng như thế? Thực ra nếu nghĩ lớn thì mình sẽ trưởng thành cho chính những thứ nhỏ nhặt của mình.