
Cách đây 65 năm, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta làm nên thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đánh giá chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi nhận rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao tới thắng lợi hoàn toàn."
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng công binh[1] đã có nhiều đóng góp quan trọng, hiệp đồng chặt chẽ cùng với các lực lượng khác, bảo đảm cho sự toàn thắng của chiến dịch. Tổng kết bảo đảm công binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ cho thấy, nếu như trong các chiến dịch trước đó, lực lượng công binh chủ yếu bảo đảm cơ động cho bộ binh và pháo mang vác; thì sang Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng công binh đã mở những con đường cho xe cơ giới và xe kéo pháo hạng nặng cơ động tham gia chiến dịch. Quá trình diễn ra chiến dịch, có thể nhận thấy lực lượng công binh đã có sự trưởng thành, được thể hiện trong các nhiệm vụ bảo đảm cho chiến dịch.



"Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử"

Công binh bảo đảm đường cho phương tiện cơ giới cơ động là nhiệm vụ chủ yếu, xuyên suốt trong chiến dịch
Sớm dự kiến những khó khăn về đường sá phục vụ cho chiến dịch, từ tháng 10/1953, Bộ Tổng Tư lệnh điều động Trung đoàn Công binh 151 lên Tây Bắc thực hiện nhiệm vụ mở đường. Chấp hành mệnh lệnh của trên, Trung đoàn 151 cùng lực lượng thanh niên xung phong, công nhân giao thông, dân công nhanh chóng bắt tay vào sửa đường, chống lầy, lún, sụt lở do mưa lũ gây ra và phá bom, mìn do máy bay địch đánh phá.
Ngày 7/11, ta bắt đầu sửa chữa, mở rộng Ðường số 13, đoạn từ Tạ Khoa đi Cò Nòi dài 36km. Với sự cố gắng của các lực lượng, chỉ sau một tuần đường được sửa xong, để đến ngày 18/11 đoàn xe vận tải gồm 12 chiếc chở chuyến hàng đầu tiên ra mặt trận. Phát huy kết quả, kinh nghiệm của những ngày đầu, ngày 20/11/1953, Trung đoàn 151 tiến hành sửa chữa đoạn Cò Nòi-Sơn La-Tuần Giáo dài 120km. Công việc rất khó khăn do phải dọn 1.600m3 đất sụt lở, làm 167 cầu cống lớn nhỏ, vượt qua bốn đèo cao: Sơn La, Chiềng Puốc, Ðèo Mèo, Pha Ðin.
Ðầu tháng 12/1953, Trung đoàn bắt tay sửa đoạn đường từ Tuần Giáo vào Điện Biên Phủ. Cuối tháng 12/1953, toàn tuyến Tuần Giáo-Điện Biên Phủ dài 86km hoàn thành. Để sửa chữa con đường này, bộ đội công binh Trung đoàn và 400 dân công đã làm việc 16 đến 20 giờ mỗi ngày, phá 2.300m3 đá, đào xúc hơn 3.000m3 đất, làm 47 cầu cống với tổng chiều dài 3.200m[2]. Ngoài các đường trên, lực lượng công binh cùng dân công còn làm đường cho xe thồ từ Sơn La đi Ít Ong tới Lai Châu, Điện Biên dài tổng cộng 121km và tiến hành chống lầy trên nhiều đoạn bảo đảm cơ động cho chiến dịch, toàn bộ chiều dài chống lầy lên tới 122km.
Để bảo đảm cho xe kéo pháo nhanh chóng vào mặt trận, từ cuối tháng 12/1953, Trung đoàn 151 chuyển sang làm nhiệm vụ sửa chữa, mở rộng cung đường từ Tạ Khoa đi Điện Biên Phủ. Đây là đoạn đường có địa hình phức tạp, có 76 đoạn bán kính đường vòng hẹp cần phải mở rộng, một số cầu yếu cần phải gia cố, tăng cường khả năng chịu tải trọng lớn. Bên cạnh đó, do trời mưa và lưu lượng phương tiện qua nhiều, phải thường xuyên chặt cây lót những đoạn lầy lún, rải đá các đoạn đường lên xuống suối...
Nhiệm vụ nặng nề, khó khăn về nhân lực, Trung đoàn 151 được tăng cường thêm 2.000 dân công, sau đó được chi viện thêm một trung đoàn bộ binh, Ðại đội Công binh 309 (Ðại đoàn 308), hai tiểu đoàn pháo cao xạ, đưa tổng lực lượng sửa đường Tạ Khoa-Điện Biên Phủ lên tới 5.000 người. Với ý chí và quyết tâm cao, việc sửa chữa, thi công con đường được hoàn thành đúng thời hạn. Đến ngày 16/1/1954, lực lượng pháo binh của ta gồm Trung đoàn lựu pháo 54 (24 khẩu 105mm), Tiểu đoàn pháo cao xạ (12 khẩu 37mm) và các xe bảo đảm hành quân vào Km70 đường Tuần Giáo-Điện Biên Phủ.

Các đơn vị bộ binh cơ giới đang chuẩn bị xuất phát đưa quân vào Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN
Các đơn vị bộ binh cơ giới đang chuẩn bị xuất phát đưa quân vào Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN
Cùng với nhiệm vụ mở đường cho xe pháo, Trung đoàn 151 nghiên cứu địa hình, tìm đường từ Km70 Nà Nham) sang Bản Tấu dài 15km để đưa pháo vào hướng Tây Bắc Điện Biên Phủ. Lực lượng Đại đoàn 308 nhanh chóng và bí mật mở đường, lực lượng công binh và Đại đoàn 312 chuẩn bị kéo pháo. Từ ngày 17/1 đến 24/1/1954, bằng sức lao động kiên cường, bền bỉ của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ và dân công, con đường được làm xong, 24 khẩu pháo 105mm vượt qua sườn dốc dựng đứng vào trận địa bí mật, an toàn.
Sau khi công việc hoàn thành, Bộ Chỉ huy Chiến dịch quyết định thay đổi phương châm từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”. Theo đó, pháo binh được lệnh chuyển sang phía Đông và phía Tây Điện Biên Phủ, đặt trận địa trên các điểm cao của dãy núi Pú Hồng Mèo và Pú Tà Cọ. Nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh của Bộ Chỉ huy Chiến dịch, lực lượng công binh tổ chức tìm đường chuyển pháo đến vị trí mới. Trong sáu đường tìm được, chỉ có 9km là có đường cũ phải sửa, còn lại phải mở mới hoàn toàn với tổng chiều dài 63km. Thấu triệt chủ trương của trên, các lực lượng đại đoàn 308, 312, pháo binh, công binh tổ chức làm đường, kéo pháo một cách an toàn, bí mật đến trận địa mới.
Cùng với tuyến đường bộ vận chuyển cho ô-tô và hàng chục vạn người vận chuyển bằng xe đạp thồ, gánh, vác, lực lượng công binh có nhiệm vụ phá thác, khơi luồng sông Nậm Na, kết hợp vận chuyển gạo bằng đường sông, từ Pa Nậm Cúm (biên giới Việt-Trung) về thị xã Lai Châu. Nhưng do sông Nậm Na có tới 103 thác, trong đó có nhiều thác dữ, cho nên thuyền, bè mảng qua lại rất khó khăn, có chuyến chở 30 tấn gạo, về đến Lai Châu chỉ còn 10 tấn. Trung đoàn 151 giao cho Trung đội 51 (thuộc Ðại đội 124) dùng thuốc nổ phá 110 thác ghềnh, trong đó có các thác nguy hiểm để mở luồng, hạn chế mức độ nguy hiểm của dòng nước.
Sau khi nghiên cứu, thử nghiệm, các chiến sĩ công binh đã tìm ra nhiều cách làm rất sáng tạo như: lấy lá chuối hơ lửa cho mềm để gói thuốc nổ, lấy cơm nếp giã nhuyễn để bọc đầu nổ, buộc chặt khối thuốc nổ vào sào dài để đưa vào sâu trong lòng thác, đặt và buộc không để nước cuốn trôi, cắt dây cháy chậm để châm lửa trên mặt nước cho chắc chắn và an toàn.
Thác dữ bị phá, sông Nậm Na trở thành con đường vận tải thủy cho hàng trăm bè mảng xuôi dòng vận chuyển về Lai Châu hơn 2.000 tấn gạo, góp phần quan trọng vào việc tiếp tế cho chiến dịch.

Việc bảo đảm đường cho các phương tiện, lực lượng cơ động là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, gian khổ. Các lực lượng công binh cùng dân công, thanh niên xung phong, công nhân giao thông đã phải đối mặt với địa hình núi cao, rừng rậm, với thời tiết khắc nghiệt. Bên cạnh đó, còn đối mặt với máy bay địch thường xuyên đánh phá, nhất là tại các trọng điểm như Bến phà Tạ Khoa, Ngã Ba Cò Nòi, Đèo Pha Đin...
Vượt trên gian khổ, lực lượng công binh đã kiên cường bám bám đường, bám bến, nhanh chóng san lấp, sửa chữa các đoạn đường bị phá, rà phá bom mìn... bảo đảm giao thông thông suốt, các chuyến hàng ra mặt trận nhanh chóng, kịp thời.

Đèo Pha-đin trên đường số 6, nơi đã chứng kiến các cuộc hành quân lớn của quân đội ta vào chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN
Đèo Pha-đin trên đường số 6, nơi đã chứng kiến các cuộc hành quân lớn của quân đội ta vào chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN
Phối hợp với pháo binh xây dựng trận địa pháo và trực tiếp xây dựng trận địa vây lấn cho các lực lượng tham gia tác chiến
Việc mở đường, kéo pháo vào trận địa khiến cho quân Pháp ở Điện Biên Phủ bị bất ngờ, không kịp đối phó. Địch chủ quan cho rằng ta không thể đưa pháo vào đủ gần để có thể bắn sâu vào tập đoàn cứ điểm; còn nếu có đưa pháo vào thì các trận địa hỏa lực của ta phải bố trí ở các sườn núi đối diện, do đó mà sẽ bị pháo binh của địch tiêu diệt ngay. Nhờ sự dũng cảm, sáng tạo của các lực lượng, đặc biệt là lực lượng công binh chiến dịch, pháo của ta được đưa vào trận địa bắn ở các sườn núi; hầm pháo cũng được xây dựng vững chắc, ngụy trang chu đáo.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, để bảo đảm phát huy tối đa hỏa lực của Pháo binh, việc xây dựng công sự, trận địa bắn là hết sức quan trọng. Yêu cầu đặt ra là công sự, trận địa phải chịu được sức công phá của đạn pháo 105mm, có thể đặt pháo trong công sự để bắn, đồng thời bảo đảm bí mật, hạn chế khả năng tấn công của địch khi trận địa bị phát hiện. Đây là công việc khó khăn, mới mẻ. Dưới sự hướng dẫn của đồng chí Nguyễn Hữu Hậu - cán bộ tác huấn Trung đoàn 151, các chiến sĩ công binh và pháo binh đã cố gắng rất lớn để làm công sự.
Để thực hiện được cách đánh của chiến dịch là vây hãm, tiến công, đột phá lần lượt, vấn đề mấu chốt phải giải quyết là xây dựng trận địa tiến công. Ta đã kéo pháo lên các sườn núi, xây dựng các trận địa pháo vững chắc và bí mật, bất ngờ, bảo đảm cho việc phát huy sức mạnh hiệp đồng giữa bộ binh và pháo binh tiêu diệt từng trung tâm đề kháng của địch. Trận địa pháo binh ta đặt kín đáo trên các sườn núi vây quanh Điện Biên Phủ và trong tầm bắn có lợi nhất vào trung tâm khu vực mục tiêu.
Nhằm bảo đảm cho pháo của ta hoạt động liên tục cho đến khi kết thúc chiến dịch không phải di chuyển trận địa mà vẫn giữ được bí mật, an toàn, lực lượng công binh cùng pháo binh đã tiến hành xây dựng trận địa bí mật thiết bị bằng gỗ đất vững chắc, bảo đảm cho pháo của ta hoạt động liên tục cho đến khi kết thúc chiến dịch không phải di chuyển trận địa mà vẫn giữ được bí mật, an toàn. Gỗ để làm công sự là cây to (đường kính 30cm), được lấy từ xa gần 10km để giữ bí mật, đất đắp hầm dày 3m, có hầm được moi sâu vào vách núi, mỗi hầm đều có các công sự bắn, ẩn nấp, hầm chứa đạn…
Sau một tháng lao động căng thẳng, công binh và pháo binh đã làm được 11 trận địa pháo lựu, 21 trận địa pháo cao xạ đúng theo yêu cầu. Đêm 6/3/1954, ta kéo thử hai khẩu pháo vào trận địa. Đêm hôm sau, theo ánh lửa đỏ của các nén hương do công binh dẫn đường, toàn bộ xe, pháo đã vào các trận địa, bảo đảm bí mật, an toàn. Pháo của ta được ngụy trang khéo đến nỗi máy bay và trinh sát pháo binh địch không thể phát hiện được.
Cho dù trước đó, địch còn tin rằng “Việt Minh không thể có cách nào đưa được trọng pháo đến gần vùng chung quanh lòng chảo Điện Biên” thì đến giữa tháng 3/1954, chúng đã phải hết sức kinh ngạc vì pháo binh của ta đã trút bão lửa xuống căn cứ tiền tiêu Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo. Nhờ xây dựng và bố trí trận địa hợp lý, ngay khi chiến dịch mở màn và trong toàn bộ chiến dịch, pháo binh của ta đã phát huy hiệu quả, chi viện đắc lực cho các lực lượng giành thắng lợi.
Xây dựng trận địa vây lấn cũng là nhiệm vụ bảo đảm công binh cơ động lực lượng trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Bởi, ở mặt trận, việc xây dựng trận địa để siết chặt vòng vây, chia cắt địch có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là thành công lớn nhất, là kinh nghiệm nổi bật về chiến thuật của ta trong tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Quá trình tiến công, bao vây địch tại đây, hệ thống chiến hào, giao thông hào vừa là đường cơ động chiến đấu, vận chuyển của ta, vừa còn là công trình chia cắt, vây lấn địch rất hiệu quả.
Thực hiện phương châm “đánh chắc tiến chắc” của Bộ Chỉ huy Chiến dịch, ngay từ giai đoạn đầu chiến dịch, ta đã sớm hình thành thế trận bao vây, xây dựng trận địa tiến công và bao vây, ngày càng siết chặt từng cụm cứ điểm tới tập đoàn cứ điểm, chia cắt thế trận liên hoàn của địch. Hệ thống giao thông hào của các đại đoàn 308, 316, 312, 304 ngày càng thít chặt như những mũi dao nhọn chọc thẳng vào khu trung tâm Mường Thanh, chia cắt phân khu Hồng Cúm với phân khu trung tâm.

Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ vai đeo súng, tay cầm cuốc, xẻng, bất kể ngày đêm cặm cụi đào hầm trong tầm súng, đạn của giặc, dưới trời mưa và sương giá, mỗi ngày lao động 14 đến 18 giờ. Cuốc xẻng mòn vẹt, mồ hôi và máu của các chiến sĩ ta thấm ướt từng chiến hào. Bất chấp hiểm nguy từ súng đạn của địch rền rĩ đêm ngày, những mạng chiến hào của ta vẫn ngày càng vươn xa đan nhau ngang dọc.

Để bảo đảm ý định tác chiến, Bộ Chỉ huy Mặt trận quyết định đưa một số đơn vị thuộc Trung đoàn Công binh 151 lên phía trước tham gia đào chiến hào vây lấn. Hai đại đội công binh 53 và 54 lên đào 1 đường hào cắt đôi sân bay Mường Thanh và xây dựng 1 trận địa ngay sát đầu cầu Mường Thanh. Vừa đào hào, các chiến sĩ công binh vừa bắn tỉa tiêu hao địch. Đại đội Công binh 240 (Đại đoàn 312), Đại đội Công binh 309 (Đại đoàn 308) cùng tham gia đào hào xuyên qua sân bay Mường Thanh. Tháng 4/1954, chiến hào của ta cắt phân khu Nam với phân khu Trung tâm, cắt đôi sân bay Mường Thanh. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị cắt thành từng khúc, khu trung tâm Mường Thanh chỉ còn mỗi bề khoảng hơn 1km.
Hệ thống giao thông hào đã chia cắt các khu vực phòng ngự của địch, hạn chế khả năng cơ động và hỗ trợ giữa các cứ điểm, khiến cho địch ngày càng hoang mang, lúng túng. Đến cuối tháng 4/1954, vòng vây ngày càng siết chặt, ta đã khống chế hoàn toàn tập đoàn cứ điểm. Kết hợp với giao thông hào vây lấn, ta tổ chức khống chế bầu trời bằng pháo cao xạ, thu hàng hóa tiếp viện, cho lực lượng bắn tỉa diệt địch khi chúng ra ngoài công sự... Có thể khẳng định, hầm hào mà công binh cùng các lực lượng chiến đấu xây dựng đã trở thành một phương tiện tiến công tích cực, có hiệu quả.

Mở cửa mở, đánh bộc phá đồi A1 là là nhiệm vụ bảo đảm công binh quan trọng của chiến dịch

Do địch bố trí vật cản dày đặc chung quanh cứ điểm và có hỏa lực bảo vệ rất chặt chẽ, muốn đột phá vào cứ điểm địch, nhất thiết phải mở cửa qua vật cản. Mở cửa qua vật cản của địch là cuộc chiến đấu quyết liệt và quyết định thành công của việc mở đầu đột phá cứ điểm địch. Ở thời điểm đó, bộ đội ta chưa có khí tài chuyên dụng để mở cửa mà ta phải dùng người lần lượt đưa thuốc nổ vào bãi vật cản của địch. Địch được phòng ngự trong công sự vững chắc, kiên cố, hệ thống vật cản, nhất là hàng rào dây thép gai và bãi mìn được bố trí dày đặc.
Chính vì vậy, không chỉ việc trinh sát nắm địch gặp khó khăn, mà khi tiến công, để vượt qua hàng rào, vật cản, xung phong đánh chiếm mục tiêu, hoàn thành nhiệm vụ là thách thức rất lớn. Quá trình diễn ra Chiến dịch, công binh đã xác định vị trí, hướng cửa mở chính xác và cụ thể, sau đó mới tổ chức phối hợp chặt chẽ phân đội bộc phá mở cửa và bộ phận hỏa lực kiềm chế có hiệu quả các hỏa khí của địch; nhanh chóng sử dụng bộc phá mở cửa vật cản, tạo điều kiện cho bộ binh xung phong vào trong cứ điểm địch.
Một trong những đóng góp quan trọng của lực lượng công binh là thực hiện nhiệm vụ đánh bộc phá Đồi A1, nhiệm vụ có tác động lớn đến thắng lợi của đợt 3 cũng như thắng lợi của toàn bộ Chiến dịch. Để tiêu diệt hầm cố thủ của địch ở A1, phương án được Bộ Chỉ huy Chiến dịch thông qua là đào một đường hầm từ trận địa ta đến dưới hầm địch, rồi dùng một lượng thuốc nổ gần 1.000kg đánh sập hầm. Lực lượng công binh Đại đoàn 316 tính toán sẽ hoàn thành công trình này trong 14 ngày và bảo đảm đúng hướng.
Đại đội công binh thuộc Đại đoàn 316 triển khai đào được một đoạn đường hầm nhưng có khó khăn về kỹ thuật. Công việc được chuyển giao cho Trung đoàn Công binh 151. Một phân đội đặc biệt gồm 20 cán bộ, chiến sĩ do đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung, cán bộ tác chiến Trung đoàn 151 phụ trách được thành lập. Đêm 20/4/1954, việc đào đường hầm bắt đầu. Khó khăn nhất là khu vực mở cửa đường hầm chỉ cách địch hơn 100m.
Địch liên tục ném lựu đạn, sử dụng hỏa lực bắn ra chung quanh, ban đêm dùng đèn pha, pháo sáng để kiểm soát mọi hoạt động của ta. Mặc dù có chiến hào, nhưng một số chiến sĩ đã hy sinh và bị thương khi mới mở được một đoạn cửa hầm vừa chui lọt một người, càng vào sâu, công việc càng khó khăn. Đất đào được phải đổ vào túi vải dù đem đổ ra xa, phải dùng đèn pin đã che bớt ánh sáng buộc lên đầu cọc ở cửa đường hầm để ngắm hướng, dùng ống thuốc tiêm để làm thước thăng bằng…
Mặt cắt rộng và cao khoảng 0,90m. Khi chui vào sâu, thiếu dưỡng khí, chiến sĩ đào hầm bị ngất, phải đưa ra ngoài. Có chiến sĩ một đêm bị ngất 4 đến 5 lần. Nhưng không một ai nao núng, mà còn nghĩ ra cách nằm nối tiếp nhau, dùng quạt nan quạt vào trong đường hầm để có thêm dưỡng khí làm việc.
Sau khi hoàn thành đường hầm dài 49m, chiều và đêm 4/5, khối thuốc nổ gần 1.000kg chia làm 49 gói, do đồng chí Nguyễn Điệt thiết kế nổ, được xếp vào buồng nổ cuối đường hầm cùng với sáu đường dây chuyền nổ nối vào nụ xòe, dây cháy chậm và một đường dây điểm hỏa bằng điện. Phân đội công binh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào đường hầm và đưa thuốc nổ vào lòng đồi A1.
Tiếp đó, một tổ gồm các đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung, Nguyễn Điệt, Lưu Viết Thoảng và Nguyễn Văn Bạch, do đồng chí Xuyên Khung chỉ huy được giao nhiệm vụ điều khiển cho bộc phá nổ khi có lệnh. 20 giờ 30 phút ngày 6/5, được lệnh điểm hỏa, khối bộc phá nổ tiêu diệt lực lượng địch kháng cự tại trung tâm Đồi A1, lực lượng công binh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đồng chí Lưu Viết Thoảng sau này cùng với thành tích phá bom được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; ngày 21/10/2014, đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung được Chủ tịch nước ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Với sự đóng góp của bộ đội công binh, sau 56 ngày đêm chiến đấu oanh liệt, bộ đội ta tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Kết thúc chiến dịch, Trung đoàn Công binh 151 cùng thanh niên xung phong, công nhân giao thông và dân công làm nhiệm vụ bảo đảm chống lầy lún, sụt lở Đường số 41 cho hàng trăm xe, pháo và các đơn vị rút quân. Sau đó, Trung đoàn lại làm nhiệm vụ quét mìn, dọn dây thép gai, bảo vệ các kho tàng, thu dọn chiến trường, biến cảnh lộn xộn, đổ nát, chết chóc trở lại bình yên, đầy sức sống cho cánh đồng Mường Thanh.








Qua nghiên cứu tổ chức bảo đảm công binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Có thể rút ra một số kinh nghiệm như sau:
Một là, nắm chắc ý định tác chiến và các mặt liên quan để chủ động chuẩn bị chu đáo công tác bảo đảm công binh.
Ngay từ đầu năm 1953, nắm được ý định tác chiến lớn trên chiến trường Tây Bắc, Bộ đã chỉ thị cho sửa chữa đường sá, cầu cống; huy động lực lượng, phương tiện, vật chất trên khu vực này. Tháng 10/1953, Trung đoàn Công binh 151 kết hợp lực lượng thanh niên xung phong, dân công, công nhân giao thông triển khai sửa chữa đường 13 và 41 để bảo đảm cho ô-tô vận chuyển. Khi chính thức có ý định tác chiến, lực lượng công binh tiến hành sửa chữa các đoạn còn lại trên trục đường 13, 41 để vào Điện Biên Phủ và bảo đảm cho pháo xe kéo vào chiếm lĩnh trận địa. Khối lượng công việc lớn, gần 250km nhưng với tinh thần quyết tâm, chủ động, linh hoạt, sau hai tháng các lực lượng công binh, thanh niên xung phong, dân công,… đã hoàn thành nhiệm vụ.
Sau khi thay đổi sang phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, lực lượng công binh đã tổ chức trinh sát, nắm địa hình, ý định và các thủ đoạn hoạt động của địch, cùng với lực lượng các sư đoàn 308, 312 sửa chữa và làm mới 6 tuyến đường, đưa 6 đại đội pháo vào chiếm lĩnh trận địa kịp thời, đúng ý định, bí mật và an toàn.
Hai là, triệt để tận dụng mạng đường, công trình có sẵn; kết hợp các biện pháp cải tạo, sửa chữa với làm mới để tổ chức bảo đảm công binh.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ta đã sử dụng các trục đường 41 có sẵn từ Hòa Bình đến Tuần Giáo (120 km), đoạn đường ô-tô có sẵn từ Tuần Giáo vào Điện Biên Phủ (90km); Đường 13 từ Yên Bái nối với đường 41. Mặc dù các trục đường trên đều nhỏ hẹp, nhiều đèo dốc hiểm trở, bị hư hỏng nặng; chiến dịch đã triển khai Trung đoàn Công binh 151 và các lực lượng thanh niên xung phong, dân công; tổ chức sửa chữa, khôi phục, mở rộng; bảo đảm cho pháo xe kéo cơ động và ô tô vận chuyển vật chất kịp thời.
Trung đoàn Công binh 151 đã trinh sát và phối hợp với 2 đại đoàn 308 và 312 khẩn trương sửa chữa và làm 6 tuyến đường cho ô-tô kéo pháo vào vị trí mới. Trong 6 tuyến đường đó, tận dụng đường 1 tuyến có sẵn, còn 5 tuyến phải mở mới; sau 6 ngày hoàn thành, bảo đảm cho 6 đại đội pháo vào đúng vị trí, thời gian quy định, giữ được bí mật. Kết thúc chiến dịch, các đơn vị công binh tận dụng Đường 41, suốt 2 tháng liền để bảo đảm cho các đơn vị rời khỏi chiến trường Tây Bắc, cơ động về giải phóng vùng đồng bằng.
Ba là, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng tham gia tác chiến để tổ chức bảo đảm công binh
Để đáp ứng yêu cầu tác chiến, việc sử dụng rộng rãi, phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi lực lượng tham gia bảo đảm đường cơ động trong suốt quá trình tác chiến đã tạo thuận lợi cho các lực lượng tiến hành chiến dịch kịp thời, bí mật. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng công binh bảo đảm đường cơ động có 1 Trung đoàn Công binh 151, chỉ có khả năng sửa chữa, khôi phục trên một số trục đường có sẵn; trong khi, nhu cầu bảo đảm đường cho xe kéo pháo vào trận địa, ô-tô vận tải vật chất hậu cần phục vụ cho mấy chục vạn người suốt 5 tháng ở khu vực rừng núi thưa thớt, thời tiết vào mùa mưa và địch thường xuyên đánh phá.
Do đó, ngoài Trung đoàn Công binh 151, ta đã huy động tới 5.000 thanh niên xung phong, dân công và lực lượng giao thông, nhân dân tham gia bảo đảm, rải ra suốt gần 250km đường.
Bốn là, sử dụng linh hoạt các phương pháp, biện pháp bảo đảm công binh để đáp ứng kịp thời nhiệm vụ tác chiến
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ở giai đoạn tổ chức chuẩn bị, đã hình thành các phương pháp chuẩn bị đường như: rải quân dọc trên toàn tuyến, phân công, giao nhiệm vụ từng đoạn cho từng đơn vị để thi công; thi công theo kiểu cuốn chiếu, hoàn thành từng đoạn… Sang đến giai đoạn thực hành tác chiến, chiến đấu, hình thành các hình thức bảo đảm: đi cùng đội hình cơ động, chốt tại các trọng điểm hay rải quân chốt tại các vị trí xung yếu trên tuyến để bảo đảm. Cụ thể như, lực lượng công binh trong chiến dịch đã tổ chức thành các phân đội nhỏ đi cùng với xe kéo pháo, kết hợp với lực lượng pháo binh, bộ binh để đưa pháo vào trận địa.
Lực lượng thanh niên xung phong, dân công, giao thông địa phương tổ chức thành các đội bố trí tại các trọng điểm, các khu vực quan trọng trên đường 13, 41. Những biện pháp bảo đảm công binh quan trọng như làm đường để kéo pháo vào trận địa, làm công sự để triển khai pháo, xây dựng hệ thống trận địa vây lấn, làm hầm ngầm đưa lượng nổ lớn vào đánh cứ điểm đồi A1, đều được Bộ Chỉ huy Chiến dịch và cơ quan tham mưu chiến dịch quyết định một cách chính xác, linh hoạt và kịp thời, đồng thời tổ chức thực hiện liên tục, kiên quyết, góp phần vào thắng lợi to lớn của chiến dịch.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã để lại nhiều bài học quý báu về bảo đảm công binh trong những tình huống, nhiệm vụ khó khăn, phức tạp. Từ những kinh nghiệm bảo đảm công binh trong kháng chiến chống Pháp nói chung, trong chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng, bộ đội công binh đã phát huy truyền thống “Mở đường thắng lợi” để tiếp tục khẳng định vai trò của mình, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cả dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Nguồn: Sách xuất bản từ Hội thảo Khoa học “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và hiện thực (07/5/1954 - 07/5/2019)”
Trình bày: Bùi Bích Thảo

