Hình ảnh và tên gọi “Bộ đội Cụ Hồ” là hiện tượng rất độc đáo trong lịch sử đấu tranh vũ trang của dân tộc Việt Nam nói chung và văn hóa quân sự Việt Nam nói riêng. Hiếm có dân tộc nào trên thế giới mà nhân dân lấy tên vị lãnh tụ tối cao của mình đặt cho quân đội. Đây vừa là tình cảm, vừa là niềm tin của quần chúng dành cho lực lượng vũ trang. Hiếm có một dân tộc nào mà hình ảnh người lính lại được toàn dân coi đó là một hình mẫu của con người trong thời đại mới, để hết lòng tin yêu, quý trọng, động viên mọi thế hệ con cháu kế tiếp và noi theo gương sáng của Bộ đội Cụ Hồ như dân tộc Việt Nam ta.
“Bộ đội Cụ Hồ” là cách gọi rất Việt Nam, thật gần gũi. “Bộ đội Cụ Hồ” không chỉ là tên gọi trìu mến mà nhân dân dành cho quân đội, mà còn là một danh hiệu, một vinh dự lớn đối với những chiến sĩ của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam.
Nhân dân ta gọi “Bộ đội Cụ Hồ”, vì “Cụ Hồ” - tên gọi trìu mến của nhân dân ta đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, là người tiêu biểu cho tinh thần đấu tranh bất khuất của nhân dân ta, là hiện thân của niềm tin và sức mạnh, là hình ảnh tiêu biểu cho tất cả những giá trị cao đẹp của dân tộc Việt Nam, của văn hóa Việt Nam. Nhân dân ta gọi Quân đội của mình là bộ đội của Cụ Hồ, vì cảm nhận một cách sâu sắc quan hệ đặc biệt hiếm có giữa Bác và Quân đội, Bác và những người chiến sĩ. Nét đặc sắc trong đạo đức và tình cảm của Bác là vô cùng gần gũi, yêu thương bộ đội, tin tưởng ở tinh thần dũng cảm và sáng tạo của bộ đội, hiểu thấu và thông cảm những gian khổ, khó khăn, hy sinh của người chiến sĩ.
Mỗi bước trưởng thành, mỗi chiến công của Quân đội đều gắn liền sự giáo dục, rèn luyện của “Người cha thân yêu”, cho nên nhân dân gọi người lính của quân đội cách mạng là “Bộ đội Cụ Hồ”. Gọi bộ đội là “Bộ đội Cụ Hồ” còn là vì, bản thân các chiến sĩ quân đội đã luôn luôn xứng đáng với niềm tin của Người. Hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” đã trở thành một mẫu hình về con người mới có lý tưởng cao đẹp, có đạo đức trong sáng, thực hiện trọn vẹn, xuất sắc chỉ thị, những lời dặn và niềm tin sâu sắc của Bác.
Những đặc trưng cơ bản của danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ” được cô đúc trong lời khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22/12/1944-22/12/1964) là: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” chứa đựng một cách đầy đủ và tập trung nhất những phẩm chất tốt đẹp của Quân đội mà mỗi chiến sĩ đã thực hiện đúng những lời dạy của Người.
Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trước hết họ từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Ngay từ khi mới thành lập, họ đã được nhân dân coi như con em. Họ luôn luôn gắn bó với dân, được dân tin, dân phục, dân yêu vì dám xả thân “vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh”. Nói Quân đội ta “hiếu với dân” cũng do là như vậy.
“Bộ đội Cụ Hồ” là những chiến sĩ có lòng trung thành tuyệt đối với Đảng Cộng sản Việt Nam. Trung thành với Đảng cũng là trung thành với Tổ quốc Việt Nam, bởi Đảng là đội tiền phong của giai cấp công nhân, của dân tộc, lợi ích của Đảng là lợi ích của dân tộc. Trung với Nước, trung với Đảng được biểu hiện ở lòng yêu Tổ quốc thiết tha, căm ghét mọi kẻ thù xâm lược và các thế lực không tôn trọng độc lập, chủ quyền và sự nghiệp cách mạng của chúng ta, là tinh thần quyết chiến, quyết thắng, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Lòng trung thành của “Bộ đội Cụ Hồ” với Tổ quốc là sự kế thừa truyền thống “sát Thát”, giết giặc Thát Đát bằng được, “dẫu trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác ta bọc trong da ngựa cũng nguyện xin làm” của những người lính thời Trần.
Vì chung một lý tưởng, đều là con em nhân dân nên “Bộ đội Cụ Hồ” có phẩm chất rất đặc biệt, đó là sâu thẳm tình đồng đội. Đồng đội đồng thời cũng là đồng chí. Đây là nét rất đặc thù của quân đội cách mạng. Nếu như những người lính trước đây coi nhau như “huynh đệ” (anh em) thì đến giữa thế kỷ XX, những chiến sĩ trong QĐND Việt Nam đã nâng lên thành tinh thần đồng đội, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau lúc thường cũng như khi ra trận. “Nghĩa tình đồng đội”, “tình bạn chiến đấu”, “đi tìm đồng đội”, “tâm tình đồng đội”... từ lâu đã trở thành những nét đẹp trong đời sống Quân đội và trong cộng đồng người Việt Nam.
“Bộ đội Cụ Hồ” không chỉ là những người cầm súng thuần túy. Từ khi mới ra đời, Quân đội ta đã được xác định nhiệm vụ là đội quân chiến đấu, đội quân sản xuất và công tác. Trong thời chiến, lúc hòa bình, ba chức năng chiến đấu, công tác và sản xuất đều được coi trọng. Gan dạ và dũng cảm, mưu trí và sáng tạo, tự lực tự cường, kiên nhẫn và nhiệt tình luôn luôn là những truyền thống tốt đẹp của người chiến sĩ QĐND Việt Nam. Truyền thống này phải chăng có nguồn gốc từ thời Lý - Trần với chính sách “ngụ binh ư nông”?
Một nét đặc trưng tiêu biểu khác của “Bộ đội Cụ Hồ”, đó là tinh thần kỷ luật, tự giác cao. Trước đây, trong lịch sử, những người lính Việt Nam đã có truyền thống “quân lệnh như sơn”; thời nay, “Bộ đội Cụ Hồ” luôn được rèn luyện bằng “12 điều kỷ luật”, bằng việc chấp hành mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và mệnh lệnh của cấp chỉ huy.
“Bộ đội Cụ Hồ” còn là những người lính có tinh thần quốc tế cao cả. Từ truyền thống nhân ái của dân tộc “tắt lửa, tối đèn có nhau”, “thương người như thể thương thân”, mấy mươi năm qua, với tinh thần “cứu bạn là tự cứu mình” đầy nhân văn, nhân ái, nhiều thế hệ chiến sĩ QĐND Việt Nam đã trở thành người chiến sĩ quốc tế, những “tình nguyện quân”, vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, chiến đấu bên cạnh các chiến sĩ và nhân dân Lào, Campuchia trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, các cuộc chiến đấu chống lại các thế lực tay sai, phản động. Tinh thần quốc tế cao cả, vô tư của “Bộ đội Cụ Hồ” là một nét rất mới trong lịch sử đấu tranh vũ trang của dân tộc Việt Nam.
Sự xuất hiện của “Bộ đội Cụ Hồ” trong lịch sử đấu tranh vũ trang của dân tộc mới có 75 năm. Thời gian 75 năm đó so với lịch sử dân tộc là không dài, nhưng chỉ bằng thời gian đó, hình tượng “Bộ đội Cụ Hồ” đã đi vào lịch sử, đời sống đất nước, cộng đồng một cách tự nhiên, nhuần nhuyễn và trở thành một trong những giá trị văn hóa tiêu biểu của thời đại mới. Và cũng từ đó, “Anh lính Cụ Hồ” trở thành nhân vật trung tâm của văn hóa, văn nghệ cách mạng.
Nhân cách Bộ đội Cụ Hồ, tất nhiên, nó không phải là sản phẩm tự phát, mà đó là quá trình rèn luyện, phấn đấu, hy sinh vì lý tưởng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân. Bởi vậy, việc tiếp tục nuôi dưỡng, xây dựng, phát triển kiểu mẫu nhân cách đó lúc này và trong tương lai là nhiệm vụ cực kỳ to lớn và phức tạp. Để có thể làm tốt nhiệm vụ đó, điều cần thiết là phân tích kiểu nhân cách này, tìm ra những giá trị cốt lõi, bền vững, những giá trị mang tính đặc thù của một giai đoạn lịch sử; đồng thời phân tích sự tác động phức tạp của đời sống đương đại hiện nay đối với các giá trị đó, từ đó vừa củng cố các giá trị truyền thống, vừa bổ sung những giá trị mới cần có của nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ lịch sử mới hiện nay và những năm tới.
Đất nước ta đã trải qua mấy chục năm phải tiến hành hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đầy hy sinh, gian khổ và hết mực kiên cường, quả cảm. Ở đây, cùng với việc khẳng định ý nghĩa to lớn của những giá trị trong nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” được định hình trong 30 năm chiến đấu, đồng thời, cần phải chú ý tính đặc thù của nó, vì đó là những giá trị được cổ xúy, được lựa chọn nhằm tạo nên những kiểu mẫu nhân cách người lính trong điều kiện có chiến tranh, đang chiến tranh.
Khi lịch sử dân tộc chuyển sang một giai đoạn mới, khác về chất lượng (kết thúc chiến tranh, đất nước có hòa bình, trực tiếp chiến đấu sang công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vừa xây dựng vừa bảo vệ Tổ quốc), một mặt, phải giữ vững các giá trị cốt lõi, cơ bản và mặt khác phải bổ sung những giá trị cần thiết cho nhân cách người chiến sĩ thời kỳ mới.
Nếu như đặc trưng lịch sử và văn hóa của Bộ đội Cụ Hồ đã trở thành một sức mạnh to lớn, sức hấp dẫn mãnh liệt đối với nhân dân và các thế hệ thanh thiếu niên trong 30 năm kháng chiến đã qua, thì hiện nay, nó đang bị thử thách một cách quyết liệt, từ cả hai góc độ: thực tế và tâm lý. Nếu tạo ra trong cảm nhận của con người hôm nay, rằng kiểu mẫu ấy chỉ là sản phẩm đẹp của quá khứ, sẽ dẫn tới xuất hiện hai dạng tâm lý: tâm lý chỉ có thể ngưỡng mộ (kính nhi viễn chi) hoặc tâm lý thất vọng và như vậy sẽ không thể tiếp tục phát triển được kiểu mẫu nhân cách đó trong hiện tại và tương lai với tư cách là một giá trị văn hóa quân sự bền vững.
Nếu chỉ làm thao tác đối chiếu ít nhiều máy móc giữa nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” trong quá khứ với người chiến sĩ hôm nay, lấy chuẩn mực quá khứ, vốn rất đẹp nhưng là sản phẩm có tính đặc thù về mặt lịch sử và văn hóa, làm thước đo tuyệt đối, sẽ khó có khả năng chủ động để tiếp tục nuôi dưỡng và xây dựng nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” trong giai đoạn mới. Công việc ở đây sẽ là, xác định những giá trị văn hóa cốt lõi và cơ bản trong nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” đã được định hình trong lịch sử để củng cố, khẳng định, đồng thời bổ sung, phát triển những nhân tố mới, trước những đòi hỏi và đặc điểm rất mới của giai đoạn lịch sử hiện nay và sắp tới.
Sự ra đời và phát triển của một kiểu mẫu nhân cách mới không bao giờ là một quá trình tự phát hay chờ có sẵn, tự nhiên mà có. Đó là cuộc đấu tranh không mệt mỏi, đầy trí tuệ, một công việc cực kỳ công phu, tinh tế và sâu sắc - sự nghiệp “trồng người” cần trăm năm nuôi dưỡng và chăm sóc như Bác Hồ dạy. Hình ảnh cao đẹp với những giá trị văn hóa quân sự sâu sắc của nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” đã được yêu thương và quý trọng trong những năm qua chỉ có thể được tiếp tục khẳng định và phát triển thời gian tới trên cơ sở của một quá trình nuôi dưỡng và xây dựng với một công phu to lớn và một trí tuệ khoa học.