Bộ đội Cụ Hồ
và mạch nguồn
tình quân dân

Có lẽ chẳng ở đâu trên thế giới – tên một đội quân được gọi một cách thân gần: “Bộ đội Cụ Hồ” và xem như một di sản phi vật thể quốc gia. Di sản đó gắn với “báu vật” khác - ấy là mạch nguồn tình quân dân - tạo nên nét đẹp không chỉ tỏa sáng trong chiến tranh mà cả thời bình hôm nay.
Cha con bộ đội và ngọn lửa trao truyền
Bác sĩ quân y Hoàng Tuấn An vẫn ám ảnh những cuộc gọi vào lúc nửa đêm mùa mưa ở TP Hồ Chí Minh năm 2021. Những cuộc gọi báo tin có bệnh nhân Covid-19 trở nặng, lúc đó An cùng các đồng nghiệp lập tức lên đường, bất chấp cơn buồn ngủ đang ập đến và ngoài trời mưa gió. An biết nếu mình đến muộn một phút thôi, có thể thêm một F0 tử vong. Bác sĩ An đã có những đêm rất dài bên các bệnh nhân với rất nhiều cung bậc cảm xúc. Nhiều khi bật khóc vì một F0 đã trút hơi thở cuối cùng, có lúc cười vì các bệnh nhân đã xuất viện sau một thời gian thở máy trong nguy kịch.
Trong những thời khắc gian khó, bác sĩ An càng thấm thía tình quân dân, nghĩa đồng bào. An nhớ có một cháu bé F0 phải thở máy, không nói được, đã dùng bút vẽ lên tờ giấy ăn của bệnh viện hình trái tim thay lời cảm ơn bác sĩ. Có những người bệnh sau khi xuất viện, đã quay lại gặp An mang theo đồ ăn mà họ tự tay làm lấy và cả những bài thơ tặng cho bác sĩ đã cứu mạng mình.
Với An, mạch nguồn tình quân dân đã ngấm vào tâm hồn từ thuở bé trong những câu chuyện của bố mình. Bố An là một chiến sĩ giải phóng quân, trên đường hành quân vào miền nam chiến đấu đã bị thương và lạc rừng, được một gia đình ông lão dân tộc Ê Đê cứu sống, chữa trị vết thương và chăm sóc cho đến khi hồi phục. Bố An được ông lão nhận làm con nuôi, đặt cho một cái tên Ê Đê, cung cấp lương thực thực phẩm và dẫn đi tìm lại đơn vị.
Tốt nghiệp Học viện Quân y, bác sĩ Hoàng Tuấn An đã xung phong vào Tây Nguyên công tác, tình nguyện đến khám, chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số. An đã gặp lại gia đình ông lão bố nuôi của bố, kết mối tình thân với những thế hệ sau này. Tình quân dân ấy có từ những câu chuyện của bố như một ngọn lửa được trao truyền mà người bác sĩ quân y này xem như một tài sản tinh thần, một nguyên tắc đối nhân xử thế. Ngoài câu “Thầy thuốc như mẹ hiền”, An nhớ câu “Đi dân nhớ, ở dân thương”, “quân với dân như cá với nước”.
Tình quân dân ấy càng thêm thắm thiết trong cơn bão Yari vừa qua. Chiến sĩ Trần Văn Bảo, Sư đoàn 316 Quân khu 2 cùng đồng đội tham gia tìm kiếm những người dân mất tích ở Làng Nủ (Lào Cai) với nhiều cung bậc cảm xúc. Bảo đã không cầm được nước mắt khi chứng kiến những em bé bị chôn vùi trong bùn đất, cùng với sách vở, đồ chơi. Sau 2 tuần, ngày chia tay cũng đã đến, nhiều bà con đã khóc, xếp thành hàng dài tiễn biệt các anh bộ đội. Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên Nhà văn hóa thôn Làng Nủ được kéo xuống, gấp gọn lại trong khung kính, trao cho đơn vị, trở thành kỷ vật thiêng liêng về tình quân dân. Thượng tá Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ nhiệm chính trị Sư đoàn 316, Quân khu 2 tâm sự: “Từng miếng bánh, từng bát cơm đều được nhân dân chia sẻ, đó là động lực để chúng tôi phát huy phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ. Hai tuần đồng hành cùng với bà con Làng Nủ, chúng tôi rất lưu luyến, bịn rịn khi chia tay, nỗi day dứt là 11 nạn nhân chưa được tìm thấy”. Họ cúi chào những người đã khuất, ra đi mang theo những gói xôi, miếng bánh thấm đượm tình quân dân đã được bà con tự tay làm và trao gửi.
Trung tá Ngô Anh Quyết, Phó Chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn Công binh 575, Quân khu 1 tham gia cứu nạn người dân thành phố Thái Nguyên bị lũ lụt trong cơn bão Yagi đã rất xúc động khi chèo thuyền vào, toàn bộ người dân đứng trên tầng 2, nhìn thấy bộ đội là vỗ tay không dứt. Anh kể chúng tôi tiếp tế thực phẩm, nước uống cho bà con, nhiều cô bác níu áo dặn: “Khi nào nước rút mời bộ đội về đây ăn cơm”. Đó là lời mời rất chân tình, thắm tình quân dân.
Khi Trung tá Quyết và đồng đội vừa đi thì lại có những kỹ sư, công nhân xây dựng mặc áo lính của Binh đoàn Trường Sơn đến với Làng Nủ, mang theo một nhiệm vụ đặc biệt: xây 40 ngôi nhà cho người dân. Với họ, đó không chỉ quân lệnh, mà còn là “mệnh lệnh từ trái tim”.
Khi tôi đến Làng Nủ, 40 ngôi nhà sàn đang hoàn thiện, tường trắng, mái xanh đẹp như tranh trên đỉnh núi - cách nơi xảy ra thảm họa lở đất không xa. Có cảm giác chỉ có thần đèn trong cổ tích mới xây nhanh đến vậy. Nhưng tất cả là nhờ “đội quân công tác” với gần 200 chiến sĩ làm không quản ngày đêm, mưa nắng để hoàn thành nhiệm vụ thần tốc. Để xây khu tái thiết Làng Nủ, từ chỉ huy đến lính đều ở lại công trường suốt 100 ngày, đợi bà con nhận nhà xong mới về xuôi. Kỳ tích Làng Nủ lại thêm một minh chứng sống động về “đội quân công tác” và tình quân dân.
Khi nói về “Bộ đội Cụ Hồ” và tình quân dân, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: “Tình quân dân kết nối bằng hệ giá trị, bằng mẫu số chung của lòng yêu nước; tình đoàn kết; sự tin tưởng; trái tim nhân ái, truyền thống sẻ chia; khát vọng dân giàu - nước mạnh - dân chủ - công bằng - văn minh.”
Tình quân dân gắn với danh xưng “Bộ đội Cụ Hồ” đã trở thành một nét đẹp độc đáo và tiếp thêm sức mạnh cho thế trận lòng dân hôm nay. Đã có nhiều ý kiến đề xuất Nhà nước nên công nhận danh xưng “Bộ đội Cụ Hồ” là Di sản phi vật thể quốc gia bởi đáp ứng các tiêu chí như: có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.
Đại tá Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chính ủy Sư đoàn 316, Quân khu 2 bịn rịn trong giờ phút chia tay người dân Làng Nủ. Ảnh: Sư đoàn 316
Đại tá Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chính ủy Sư đoàn 316, Quân khu 2 bịn rịn trong giờ phút chia tay người dân Làng Nủ. Ảnh: Sư đoàn 316
“Đội quân công tác” xây “thế trận lòng dân”
Đại tá Hoàng Văn Phai, Phó Giám đốc Học viện Chính trị cho rằng, Bộ đội Cụ Hồ vừa là đội quân chiến đấu, đội quân sản xuất, đội quân công tác - tạo nét đặc biệt so với hầu hết các quân đội các nước trên thế giới thường là đội quân chiến đấu chuyên nghiệp. Trong đó, đội quân công tác – với nhiệm vụ dân vận để xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh mới hiện nay.
Bác Hồ từng căn dặn: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Thấm nhuần lời dạy đó, 80 năm qua, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn dựa vào dân, thực hiện tốt chức năng “đội quân công tác”, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quân-dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong từng giai đoạn cách mạng.
Công tác dân vận trong quân đội vừa là một hoạt động của công tác đảng, công tác chính trị, vừa mang tính đặc thù, tính tổng hợp cao, được tiến hành theo các nguyên tắc, quy chế, quy định, vừa phải linh hoạt, mềm dẻo, phù hợp với đặc điểm, tình hình cụ thể của từng địa phương. Vì thế để đạt hiệu quả cao, các đơn vị trong quân đội phải tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp, bám sát phương châm: “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” và phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”.
Trong giai đoạn hiện nay, công tác dân vận trong quân đội đặt trọng tâm hướng vào giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn. Nhiều phong trào của quân đội đã thật sự đi sâu vào đời sống người dân, tạo ra những giá trị thiết thực, ý nghĩa.
Bố mẹ chia tay nhau khi mới lớp 8, Nguyễn Anh Vũ, thôn Nam Lãnh, xã Quảng Phú (Quảng Trạch, Quảng Bình) phải ở với bà ngoại già yếu và đứng trước nguy cơ phải bỏ học. Nhận thấy hoàn cảnh Vũ cực kỳ khó khăn, Ban Chỉ huy Đồn biên phòng Roòn đã nhận em về làm “con nuôi”, chăm lo cho em từng bữa ăn giấc ngủ. Vũ ở ngay tại đồn, sinh hoạt quân ngũ, được dạy dỗ bởi những “người bố” đặc biệt. Em nỗ lực học tập, luôn đạt loại giỏi và nuôi ước mơ trở thành lính biên phòng. Trong kỳ thi mới đây, Vũ đạt 25,4 điểm, đỗ vào Học viện Biên phòng năm 2024, một cái kết có hậu như cổ tích. Mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động đến nay đã tạo cơ hội cho hơn 400 em học sinh mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở vùng sâu, vùng cao, vùng biên giới trên cả nước vươn lên trong học tập.
Nhiều đơn vị quân đội đã có những hình thức dân vận sáng tạo, tạo nên sự gắn bó sống động quân dân. Chẳng hạn mô hình “hành quân dã ngoại kết hợp với dân vận” đã trở thành điểm sáng của Bộ Tư lệnh Thủ đô. Nhiều chiến sĩ trên đường hành quân đã giúp dân gặt lúa, làm sạch cảnh quan môi trường, tu sửa trường học, nhà văn hóa, khu di tích lịch sử, trạm y tế, sân vận động… Những chuyến đi về với dân làm sống lại không khí: “Các anh về mái ấm nhà vui/Tiếng hát câu cười/Rộn ràng xóm nhỏ”. Và tình quân dân, “thế trận lòng dân” càng thêm bền chặt…
Với công tác dân vận trong quân đội, tuyên truyền giáo dục có ý nghĩa rất quan trọng. Kết quả điều tra, khảo sát của đề tài nghiên cứu “Vai trò của Quân đội nhân dân Việt Nam trong xây dựng thế trận lòng dân hiện nay” của Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự cho thấy điều đó. Theo đó, đánh giá về công tác tuyên truyền, giáo dục trong xây dựng “thế trận lòng dân”, có 83,66% sĩ quan và 72% chiến sĩ cho rằng công tác tuyên truyền giáo dục đã làm cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân hiểu, thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của quân đội; có 77,38% sĩ quan và 88% chiến sĩ cho rằng công tác tuyên truyền giáo dục đã nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ trong quá trình thực hiện xây dựng “thế trận lòng dân”.

Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Lê Thanh Bài-Hồng Hạnh-Phùng Nguyên-Thiên Thanh
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Trần Hải, sư đoàn 316.