Suốt giai đoạn trước và trong khi Chiến dịch Tây Nguyên tiến hành, lực lượng bộ đội địa phương, trong đó có các Tiểu đoàn đặc công tinh nhuệ đã góp phần quan trọng làm tiêu hao sức mạnh địch; qua đó giúp quân chủ lực có thêm thời gian và thế tấn công sau cùng.

Trong những ngày tháng 4 lịch sử, phóng viên Báo Nhân Dân đã gặp và lắng nghe câu chuyện “đánh giặc trong lòng địch” của các chiến sĩ đặc công thuộc Tiểu đoàn 408 tại Gia Lai.

NHỮNG CHÀNG ĐẶC CÔNG... CÕNG NHAU TỚI CHIẾN TRƯỜNG

Ở Gia Lai, Chu Quang Tùy là một huyền thoại. Nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn đặc công của Tỉnh đội Gia Lai là một trong 4 người đã tham gia cắm cờ giải phóng trên nóc tòa hành chính thị xã Pleiku (cũ) đúng ngày 17/3/1975.

Thế nhưng, ít người biết, ông còn là người Đại đội trưởng Đại đội 70 – đơn vị từng khiến chính quyền ngụy tại Gia Lai “mất ăn, mất ngủ” với những trận đánh phá mục tiêu lớn xuất quỷ nhập thần. Nhưng, người lính chiến, khi trở về đời thường, bình dị và không thích nói nhiều về mình. Bởi vậy, phải thuyết phục rất lâu, ông mới đồng ý gặp chúng tôi trong một buổi chiều đã muộn.

Cựu chiến binh Chu Quang Tùy kể lại chuyện lính đặc công địa phương đánh cứ điểm.

Cựu chiến binh Chu Quang Tùy kể lại chuyện lính đặc công địa phương đánh cứ điểm.

Sinh ra và lớn lên ở miền bắc, từng trải qua nhiều mặt trận, đầu năm 1970, ông hành quân qua đường Đông Trường Sơn để tới Tây Nguyên. Thời điểm này, ông vừa hoàn thành khóa huấn luyện đặc công kéo dài 9 tháng tại Sơn Tây.

Ông bảo, đường hành quân ngày ấy vô cùng thiếu thốn và vất vả. Cả đại đội 100 người đi nhiều khi không còn gì để ăn, phải vào rừng mót củ mỳ còn sót lại trên những khoảnh nương đã quá vụ bỏ hoang. Luộc lên, thứ củ còi cọc, dài ngoằng vẫn dai nhách, hơi nhầm nhậm đắng.

Đi được chừng 1 tháng thì ông Tùy ngã bệnh vì sốt rét rừng. Đồng đội đành phải gửi ông lại ở trạm giao liên rồi theo đường mòn tiến tiếp. Sau 3 ngày, dù người còn xanh rớt, chân lẩy bẩy, chàng đặc công trẻ vẫn cố gượng dậy, chặt cây rừng làm gậy chống rồi… xin giao liên dẫn đường theo dấu Đại đội.

Ròng rã 2 tháng như thế, sau cùng, ông cũng gặp lại được đồng đội trên cao nguyên. Ông bảo: “Anh em mừng lắm, nhưng cũng bất ngờ vì không nghĩ tôi có thể bắt kịp đoàn theo cách… kỳ lạ đến thế”.

Tôi cứ tấp tểnh đi theo giao liên. 2 người dìu nhau giữa rừng già. Qua hết binh trạm này tới binh trạm khác. Không có lương thực, tôi đem quần áo, vật dụng cá nhân đổi hết cho đồng bào lấy cái ăn, chỉ giữ lại tấm bản đồ tác chiến, ống nhòm, quân phục và súng...
Cựu chiến binh Chu Quang Tùy

Vào Tây Nguyên muộn hơn 1 năm so với Đại đội trưởng Chu Quang Tùy, hành trình của chàng đặc công Lê Mạnh Hùng cũng không kém phần gian khổ. Sinh năm 1952 tại Thanh Hóa, ngay khi học hết lớp 10 (chương trình cũ), ông Hùng đã xung phong nhập ngũ với ước muốn… tìm nơi ba đang đóng quân.

“Ba tôi khi ấy đang chiến đấu trong miền nam. Tôi chỉ muốn vào bộ đội rồi vào cùng ba. Nên dù mẹ và các anh em cản, tôi vẫn quyết chí lên đường”.

Bộ đội ta vượt Trường Sơn vào mặt trận phía nam. (Ảnh: TTXVN)

Bộ đội ta vượt Trường Sơn vào mặt trận phía nam. (Ảnh: TTXVN)

Cuối tháng 4 năm 1970, ông Hùng có quân tịch. Nhưng ba ông đã hy sinh tại Tiền Giang vài ngày sau đó. Khi ấy, người lính trẻ măng không hề biết thông tin này. Ước mong cùng cha đứng chung một chiến hào vẫn như một ngọn lửa, leo lét cháy, leo lét dẫn đường cho ông hướng về miền nam.

Cũng giống ông Tùy, Lê Mạnh Hùng trải qua gần 1 năm huấn luyện tại Sơn Tây trước khi được tuyển vào lực lượng đặc công và nhận nhiệm vụ trên cao nguyên bazan đất đỏ. Cuối năm 1970, ông hành quân theo hướng Tây Trường Sơn để tập kết.

Cựu chiến binh Lê Mạnh Hùng kể lại hành trình gian khổ vượt Trường Sơn để vào được tới Gia Lai.

Cựu chiến binh Lê Mạnh Hùng kể lại hành trình gian khổ vượt Trường Sơn để vào được tới Gia Lai.

“Chúng tôi mất đúng 314 ngày hành quân. Trên đường đi qua đất bạn Lào, do thiếu thốn, anh em phải mang nhiều tư trang đổi cơm nếp, thịt khô với người dân địa phương ăn cho có sức. Những lúc ốm đau, đồng đội chặt tre, gánh nhau tới chiến trường”, ông Hùng hồi tưởng.

Dừng lại một chút, ông Hùng trầm ngâm: Những ngày đầu, cuộc sống vô cùng khó khăn. Bộ đội địa phương vừa chiến đấu, vừa phải tự tăng gia sản xuất. Người trồng sắn, kẻ đi mót mỳ trên những nương rẫy hoang. Thiếu đến độ “đại đội 100 người có khi chỉ còn 2 bồ củ sắn”. Riêng muối, trở thành niềm mơ ước xa xỉ trên cao nguyên. Bộ đội chỉ còn cách đốt cỏ gianh, lấy than tro trộn vào thức ăn cho mặn vị.

“Thế nhưng, không ai kêu than hay nản chí. Anh em chỉ càng thêm quyết tâm chiến đấu và mong ngày giải phóng”, cựu Đại đội trưởng Đại đội 10 Chu Quang Tùy nhớ lại.

Trong 100 người xuất phát từ Hà Nội, qua Binh trạm 10, vòng qua đất Lào năm ấy, một nửa được điều về Kon Tum. Nửa còn lại, trong đó có ông Hùng nhận lệnh về Gia Lai, bổ sung quân số cho Tiểu đoàn đặc công 408, nơi Chu Quang Tùy đang là Đại đội trưởng Đại đội 10.

SỐNG - CHẾT VÀ NHỮNG TRẬN ĐÁNH NỞ HOA TRONG LÒNG ĐỊCH

Một năm sau khi vào Gia Lai, ông Hùng xin xuống đơn vị chiến đấu với vai trò lính trinh sát thuộc Tiểu đoàn đặc công 408.

“Khác với các lực lượng khác, đặc công chúng tôi chỉ đánh địch ngủ chứ không tấn công địch thức. Thường thường, sau khi đã lên phương án, chuẩn bị kỹ càng, anh em sẽ lên đường. Phải căn những tối trăng muộn, mù trời mà đi. Trăng sáng rõ thì tất cả ở nhà… phát rẫy, trồng nương”, ông Hùng giải thích.

Tiểu đoàn đặc công 408 Gia Lai chụp ảnh lưu niệm sau ngày Giải phóng Pleiku. (Ảnh: NVCC)

Tiểu đoàn đặc công 408 Gia Lai chụp ảnh lưu niệm sau ngày Giải phóng Pleiku. (Ảnh: NVCC)

Cựu chiến binh Hoàng Đình Thẻ, cựu chiến sĩ Tiểu đoàn đặc công 408 cho biết thêm: Mục tiêu đánh chính của Tiểu đoàn khi ấy là sân bay, kho xăng, kho lương lớn của chính quyền nguỵ. Đánh bất thần để địch bị tiêu hao. Đánh cho chúng “thất kinh” không còn tâm trí đánh chiếm đất khu giải phóng; đồng thời tạo thế nghi binh, thu hút địch.

Mít tinh chào mừng miền Nam và tỉnh Gia Lai hoàn toàn giải phóng, ngày 15/5/1975. Ảnh: Tư liệu.

Mít tinh chào mừng miền Nam và tỉnh Gia Lai hoàn toàn giải phóng, ngày 15/5/1975. Ảnh: Tư liệu.

Tiểu đoàn đặc công 408 tỉnh Gia Lai được thành lập năm 1967 theo quyết định của Bộ Tư lệnh B3 và Bộ Tư lệnh Quân khu 5. Với biên chế gồm Tiểu đoàn Bộ và 4 đại đội: K60, K70, K80, K90, Tiểu đoàn có nhiệm vụ luồn sâu, đánh vào hậu cứ, sở chỉ huy, kho tàng, phương tiện chiến tranh của Mỹ- ngụy trên địa bàn thị xã Pleiku và vùng ven, tiêu diệt và tiêu hao sinh lực địch, góp phần đẩy mạnh phong trào chiến tranh du kích vùng khu 9, khu 3 và khu 6.

Nói thêm về bố phòng cứ điểm giai đoạn 1974-1975, ông thông tin: Hầu hết các cứ điểm quan trọng như sân bay Cù Hanh (sân bay Pleiku hiện tại), Tổng kho xăng dầu… đều được địch bố trí nhiều lớp rào. Ít thì 4 lớp, nhiều nhất là 8 lớp. Thông thường, lớp đầu tiên là rào thép gai dạng hình lò xo. Tiếp đó là rào đơn, rồi đến ‘cũi lợn’ – dạng rào rất thấp phải bò sát mặt đất mới có cơ hội chui qua. Dưới mặt đất, địch cũng cài đầy mìn để tránh bộ đội ta xâm nhập.

Ngồi thừ ra một lát, ông Thẻ tiếp tục: Để có thể công phá các mục tiêu, lính đặc công cần quán triệt 2 nguyên tắc cơ bản: Trinh sát kỹ, chỉ đánh khi chắc chắn, mắt thấy, tai nghe, tay sờ; và… sẵn sàng chấp nhận mất xác nếu hy sinh trong cứ điểm địch.

“Sở dĩ có nguyên tắc sau bởi trong những lần đánh điểm, lính trinh sát chỉ đi theo tốp khoảng 10 người. Trong số này, cứ 2 người thành một tổ mũi nhọn có nhiệm vụ đặt bộc phá tiêu diệt mục tiêu. Nhóm còn lại giữ vai trò mở đường, cảnh giới và y tế, hậu cần. Nếu hy sinh bên trong, khả năng lấy được thi thể ra gần như không có. Bởi vậy, tất cả chúng tôi đều quán triệt và xác định rất rõ về mặt tinh thần”, ông nói.

Chiến sĩ đặc công Tiểu đoàn 408 bàn bạc chiến thuật. Trong ảnh, ông Chu Quang Tùy thời trẻ là người ngoài cùng, bên phải. (Ảnh: NVCC)

Chiến sĩ đặc công Tiểu đoàn 408 bàn bạc chiến thuật. (Ảnh: NVCC)

Sau hơn 50 năm, những người lính chiến thi thoảng vẫn nằm mơ thấy cảnh đồng đội hy sinh khi vượt rào. Đó là vào đêm 12/10/1974, tổ ông Hùng gồm 7 người nhận nhiệm vụ đánh mục tiêu trong lòng thị xã.

“Khi ấy, đồng chí Tăng, quê ở Nam Hà, là Đại đội phó bỗng dưng bảo với tôi: Hôm nay cậu không vào nhé. Ở ngoài cảnh giới. Tôi sẽ vào. Đêm mai là lượt cậu. Nói rồi, Tăng lúi cúi chui đi. Nhưng chỉ tới lớp rào thứ 4 thì mìn nổ. Chẳng ai trong số chúng tôi khi ấy dám tính đến ngày về…”, ông Hùng nói xong rồi lặng phắc.

Để hạn chế thương vong, trước mỗi trận đánh, lính đặc công sẽ phải tiến hành trinh sát rất kỹ. 2 người làm nhiệm vụ cắt rào, ‘mở cửa’ mục tiêu nhất thiết phải là Đảng viên. Sau khi phá rào, anh em sẽ tiếp tục dò và đánh dấu vị trí chôn mìn. Xong xuôi, 1 “đội đi lùi” sẽ có trách nhiệm xóa toàn bộ dấu vết xâm nhập. Toàn bộ thông tin về vị trí, bố phòng lại được báo cáo với cấp trên để lên phương án chi tiết cả về tác chiến, nhân sự lẫn… đường rút lui an toàn.

Trung đoàn 95 và Sư đoàn 3, Quân khu V tấn công địch tại đèo An Khê, cắt đường 19 nghi binh đánh Pleiku và Kon Tum tháng 3/1975. (Ảnh: Bảo tàng Chiến thắng Tây Nguyên)

Trung đoàn 95 và Sư đoàn 3, Quân khu V tấn công địch tại đèo An Khê, cắt đường 19 nghi binh đánh Pleiku và Kon Tum tháng 3/1975. (Ảnh: Bảo tàng Chiến thắng Tây Nguyên)

Đại đội trưởng K70 Chu Quang Tùy vẫn chưa thể quên trận đánh phá kho xăng địch gần sân bay Aria (nay thuộc tổ 5, phường Thắng Lợi, thành phố Pleiku) tháng 2/1974.

“Gần Tết năm đó, chúng tôi nhận nhiệm vụ trên giao là bằng mọi cách phải phá được tổng kho xăng dầu này. Sau khi trinh sát địa bàn, lên kế hoạch, Chỉ huy Mặt trận B3 đồng ý với cách đánh của đơn vị”, ông Tùy kể.

Do đây là kho xăng lớn nên địch bố trí canh phòng rất nghiêm ngặt, có hỏa lực mạnh bảo vệ. Riêng hệ thống rào lên tới 7 lớp. Bên trong có 3 kho xăng hình tam giác. Sau 3 đêm thực địa, gần nửa đêm ngày 10/2, ông Tùy dẫn theo 12 người xuất phát.

Đêm đó, trăng mịt mù. Núi rừng cũng mênh mông. Đoàn người lặng lẽ tiến theo hướng đông. Để ở phía ngoài 7 đồng chí làm nhiệm vụ cứu thương, cảnh giới, ông Tùy cùng 5 đồng đội chia làm 3 mũi tiến sâu hơn.

“Mỗi đội mang theo 6 kg bộc phá. 4 kg dùng để gài vào bồn. 2 kg còn lại đề phòng tình huống bị lộ thì anh em sẵn sàng giật nổ luôn, chấp nhận hy sinh. Mũi trưởng thì có thêm 1 khẩu AK. Bên ngoài có thêm 2 khẩu súng cảnh giới, hỗ trợ hỏa lực khi cần thiết”, ông Tùy kể.

6 chiến sĩ lặng lẽ trườn vào sân tổng kho. Mũi xa nhất được ưu tiên đi đặt mìn đầu tiên, sau đó tới các điểm gần hơn. Kíp nổ hẹn giờ đếm ngược cũng đã sẵn sàng. Cả trung đội dần rút ra ngoài, nín thở chờ đợi giờ điểm hỏa.

Quân Giải phóng tiến công cứ điểm địch trong chiến dịch Tây Nguyên. (Ảnh tư liệu)

Quân Giải phóng tiến công cứ điểm địch trong chiến dịch Tây Nguyên. (Ảnh tư liệu)

Đúng 12 giờ đêm, một chuỗi những tiếng nổ lớn phát ra. Cả bầu trời thị xã rực sáng. Lửa và khói đen bốc lên cuồn cuộn. Tổng kho xăng bị phá hủy thành công trong niềm hân hoan của ông Tùy và đồng đội.

“Mãi sau này, tôi mới biết được trận đánh đêm đó đã khiến 1 trung đội địch thương vong, hơn 20.000 lít xăng bị cháy”, ông Tùy hào hứng nói.

NHỮNG NGƯỜI CẮM CỜ TRÊN NÓC TÒA HÀNH CHÍNH PLEIKU

Như một sự sắp đặt của lịch sử, ngày Pleiku được giải phóng, 2 người lính đặc công của tiểu đoàn 408 anh hùng là Chu Quang Tùy, Lê Mạnh Hùng đã cùng 2 đồng đội khác cắm lá cờ giải phóng trên nóc tòa hành chính Pleiku.

Ngày 11/3/1975, sau thất bại nặng nề ở Đắk Lắk, toàn bộ vùng Cao nguyên Trung phần của ngụy quyền rung chuyển. Dù địch tìm mọi cách để phản kích và tái chiếm lại Buôn Ma Thuột, nhưng quân giải phóng ta đã đập tan mưu đồ trên, khiến chúng tan rã tại nhiều cứ điểm quan trọng.

Lịch sử tỉnh Gia Lai sau này ghi lại: Tổ chức tái chiếm Buôn Ma Thuột bất thành, đường 19 và đường 21 bị Quân giải phóng chia cắt, Tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu quyết định rút quân khỏi Kon Tum và Pleiku về vùng duyên hải miền trung qua đường số 7.

Rạng sáng 15/3/1975, quân đội ngụy quyền bắt đầu cuộc rút quân. Dự kiến tình huống địch rút lui chiến lược khỏi Tây Nguyên, Quân ủy Trung ương chỉ thị các đơn vị chuẩn bị phương án đánh địch rút chạy.

Tỉnh ủy Gia Lai cũng chỉ đạo lực lượng vũ trang tại chỗ chớp thời cơ, phối hợp với bộ đội tiêu diệt địch, giải phóng quê hương.

Quân đội ngụy quyền rút chạy khỏi Pleiku.

Quân đội ngụy quyền rút chạy khỏi Pleiku.

Trong thời khắc lịch sử ấy, Đại đội trưởng Đại đội 10 Chu Quang Tùy cũng dần cảm nhận được sự rung chuyển dữ dội của thời cuộc. Ông kể lại: Đêm ngày 15/3/1975, ông chỉ huy Đại đội đánh Trung đoàn Thiết giáp của địch thì nhận được tin địch đang rút chạy khỏi Pleiku.

“Tôi lập tức giao nhiệm vụ cho một tiểu đội cơ động về khu trú quân của tiểu đoàn ở huyện Đăk Đoa báo cáo chỉ huy. Đồng thời, tôi dẫn một tổ tiến vào thị xã ngay trong đêm để nắm thêm tình hình”. Cùng đi với ông là 3 chiến sĩ đặc công bao gồm các đồng chí Lê Mạnh Hùng, Triệu La Phương và Trịnh Thế Đoàn.

Ông Lê Mạnh Hùng nhớ lại: Khi nhận nhiệm vụ “đặc biệt”, Đại đội trưởng Chu Quang Tùy yêu cầu cần khẩn trương “thâm nhập tòa hành chính ngụy”. Trước khi đi, cả tổ được giao một lá cờ Mặt trận giải phóng.

50 năm trôi qua, nhưng ông Hùng vẫn nhớ rõ khoảnh khắc cùng đồng đội vào cắm cờ trên nóc tòa hành chính Pleiku.

50 năm trôi qua, nhưng ông Hùng vẫn nhớ rõ khoảnh khắc cùng đồng đội vào cắm cờ trên nóc tòa hành chính Pleiku.

“Khoảng 2 giờ chiều 16/3/1975, 4 chúng tôi đã tới tòa hành chính Pleiku. Lúc này địch đã rút hết. Khắp sân là quần áo, giấy tờ rải rác. Trên cột cờ còn một lá cờ ngụy đã bị cắt 2/3 dây treo. Tôi lập tức giao nhiệm vụ cho đồng chí Lê Mạnh Hùng, quyền mũi trưởng mũi 3 và Tiểu đội trưởng Trịnh Thế Đoàn cảnh giới để đồng chí Triệu La Phương trực tiếp cắm cờ. Sau khi giật lá cờ ba que của ngụy xuống, đồng chí Phương đã xé toang nó ra từng mảnh và thay vào đó là lá cờ giải phóng. Lúc đó, chúng tôi vui sướng không sao tả được. Chúng tôi nằm mơ cũng không nghĩ ta có thể giải phóng Pleiku nhanh và thuận lợi như vậy”, ông Tùy nhớ lại.

Trung đoàn 48, Sư đoàn 320 làm chủ Ty cảnh sát Ngụy tháng 3/1975. (Ảnh: Bảo tàng Chiến thắng Tây Nguyên)

Trung đoàn 48, Sư đoàn 320 làm chủ Ty cảnh sát Ngụy tháng 3/1975. (Ảnh: Bảo tàng Chiến thắng Tây Nguyên)

Trong những ngày tháng 3, các chiến sĩ đặc công năm xưa về thăm lại Tòa hành chính cũ. Trong gió chiều cao nguyên, dường như những ký ức hào hùng năm xưa vẫn đang dội về…

“Cách đây 50 năm trong những ngày đầu giải phóng, thế hệ chúng tôi đã chứng kiến một Pleiku dưới sự kìm kẹp của Mỹ, ngụy phố xá nhỏ bé, tối tăm nồng nặc mùi khói bom, khói súng, nhân dân đói khổ hoang mang.

Nhưng ngày nay không chỉ Pleiku mà toàn tỉnh Gia Lai đã có sự phát triển thần kỳ, hạ tầng hiện đại, giao thông phát triển, đời sống người dân ngày càng cao, niềm tin vào con đường đổi mới, vào sự lãnh đạo của Đảng ngày càng nâng lên. Đây là niềm tự hào rất to lớn của những người cựu chiến binh cũng như Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh nhà”, cựu chiến binh Triệu La Phương xúc động nói.

Mít tinh chào mừng miền Nam và tỉnh Gia Lai hoàn toàn giải phóng, ngày 15/5/1975. Ảnh: Tư liệu.

Mít tinh chào mừng miền Nam và tỉnh Gia Lai hoàn toàn giải phóng, ngày 15/5/1975. Ảnh: Tư liệu.

TIỂU ĐOÀN 408 ANH HÙNG

Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, Tiểu đoàn đặc công 408 tỉnh Gia Lai đã lập nhiều chiến công hiển hách. Trải qua 9 năm trực tiếp chiến đấu, Tiểu đoàn Đặc công 408 đã tham gia đánh 245 trận, loại khỏi vòng chiến đấu trên 8.300 tên địch, bị thương khoảng hơn 1.000 tên.

Cùng với đó, phá hủy 151 máy bay các loại; phá sập 1.028 nhà, 281 lô cốt- hầm ngầm; phá hủy, phá hỏng hơn 720 xe quân sự các loại; 16 kho với hơn 130.000 tấn bom đạn, hơn 50 kho xăng dầu trên 13,45 triệu lít; phá hủy khoảng 272 súng, pháo các loại, thu hơn 250 khẩu…

Với thành tích đạt được, Tiểu đoàn Đặc công 408 đã được các cấp tặng 1 cờ “Luồn sâu đánh giỏi, liên tục tấn công thị xã và căn cứ Mỹ”; 4 cờ "Đơn vị Thành đồng quyết thắng"; 10 huân chương chiến công giải phóng hạng nhất; 7 huân chương chiến công giải phóng hạng hai; 14 huân chương chiến công giải phóng hạng ba.

Tháng 8/1975, sau ngày đất nước giải phóng, theo quyết định của cấp trên, Tiểu đoàn 408 đã giải thể.

------------------------

Ngày xuất bản: 4/2025
Tổ chức sản xuất: TRƯỜNG SƠN - HỒNG VÂN
Nội dung: SƠN BÁCH - VĂN TOẢN
Trình bày: SƠN BÁCH
Ảnh: SƠN BÁCH, BÁO NHÂN DÂN, BẢO TÀNG CHIẾN THẮNG TÂY NGUYÊN