BỘ ĐỘI KHÔNG QUÂN NHÂN DÂN VIỆT NAM TRONG SỰ NGHIỆP BẢO VỆ BẦU TRỜI TỔ QUỐC

(Thiếu tướng Lâm Quang Đại)

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 921-Đoàn Không quân Sao Đỏ nhân dịp Tết nguyên đán Đinh Mùi (9/2/1967). (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 921-Đoàn Không quân Sao Đỏ nhân dịp Tết nguyên đán Đinh Mùi (9/2/1967). (Ảnh: TTXVN)

Cách đây 64 năm, ngày 3/3/1955, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Quốc phòng - Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã ký Quyết định số 15 thành lập “Ban nghiên cứu sân bay”, với nhiệm vụ: Tiếp quản, chỉ huy và quản lý các sân bay hiện có, đồng thời giúp Bộ Quốc phòng nghiên cứu về tổ chức, xây dựng lực lượng Không quân. Ngày 3/3/1955 đã trở thành ngày thành lập của Không quân nhân dân Việt Nam Anh hùng.

Anh hùng quân đội Nguyễn Văn Cốc được mệnh danh là phi công “át chủ bài” của Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh. Ông là người duy nhất trên thế giới dùng máy bay tiêm kích phản lực MiG-21 bắn rơi 9 máy bay Mỹ tại miền Bắc Việt Nam. Ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ, khen ngợi phi công Nguyễn Văn Cốc tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua Quân chủng Phòng không - Không quân năm 1969. Tại đây, Bác có câu nói nổi tiếng “Bác chúc không quân có thêm nhiều Cốc nữa”. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Anh hùng quân đội Nguyễn Văn Cốc được mệnh danh là phi công “át chủ bài” của Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh. Ông là người duy nhất trên thế giới dùng máy bay tiêm kích phản lực MiG-21 bắn rơi 9 máy bay Mỹ tại miền Bắc Việt Nam. Ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ, khen ngợi phi công Nguyễn Văn Cốc tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua Quân chủng Phòng không - Không quân năm 1969. Tại đây, Bác có câu nói nổi tiếng “Bác chúc không quân có thêm nhiều Cốc nữa”. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Sau ngày thành lập, được sự quan tâm của Ðảng, Bác Hồ và sự giúp đỡ tận tình của các nước XHCN, lực lượng Không quân đã phát triển nhanh chóng. Ngày 24/1/1959, thành lập Cục Không quân, tiếp đến là Trung đoàn 919, Trung đoàn 910, Trung đoàn 921 - các đơn vị Không quân chiến đấu đầu tiên của Quân đội ta.

Ngày 3/4/1965 khắc sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi đến thăm Trung đoàn 921: “Tổ tiên ta từ xưa đã có chiến công trên sông, trên biển, trên bộ, ngày nay chúng ta phải mở mặt trận trên không thắng lợi. Trách nhiệm ấy trước hết là ở các chú, nghệ thuật đánh giặc của Việt Nam rất độc đáo, vũ khí trong tay người Việt Nam dù thô sơ cũng giành hiệu suất cao, phát huy cách đánh của ta, không sợ không quân địch hiện đại, hãy bắt chiếc đồng bào miền Nam, nắm chắc thắt lưng địch mà đánh”, Biên đội MiG-17 (do Phạm Ngọc Lan, Hồ Văn Quỳ, Phan Văn Túc, Trần Minh Phương điều khiển), đã xuất kích bắn rơi hai máy bay F-8U của Hải quân Mỹ trên bầu trời Hàm Rồng (Thanh Hóa); ngày 4/4/1965, Biên đội MiG-17 (do Trần Hanh, Phạm Giấy, Lê Minh Huân, Trần Nguyên Năm điều khiển), lại xuất kích bắn rơi hai máy bay F-105 của không quân Mỹ trên bầu trời Hàm Rồng. Chiến thắng trận đầu của Bộ đội Không quân trên bầu trời miền bắc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, minh chứng cho sự trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội ta, của lực lượng và thế trận Phòng không, Không quân nhân dân trên miền bắc.

Chiến thắng đó làm nức lòng đồng bào và chiến sĩ cả nước; khẳng định quân và dân ta hoàn toàn có thể đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ; được Bác Hồ và Trung ương Ðảng khen ngợi, chính vì vậy, ngày 3/4/1965 đã trở thành Ngày Truyền thống ra quân đánh thắng trận đầu vẻ vang của Không quân nhân dân Việt Nam Anh hùng.

Item 1 of 3

Máy bay của không quân Việt Nam xuất kích tiêu diệt máy bay Mỹ. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Máy bay của không quân Việt Nam xuất kích tiêu diệt máy bay Mỹ. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Các phi công của Trung đoàn 923-Đoàn không quân Yên Thế anh hùng bên những "con chim sắt" MiG-17. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Các phi công của Trung đoàn 923-Đoàn không quân Yên Thế anh hùng bên những "con chim sắt" MiG-17. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Bị thua đau trên khắp các chiến trường, đế quốc Mỹ điên cuồng mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền bắc.

Với ý chí: “... Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “Ðã xuất kích là mang chiến thắng trở về”, Bộ đội Không quân đã không ngừng trưởng thành, luôn sáng tạo nhiều cách đánh độc đáo, vừa chiến đấu, vừa xây dựng lực lượng. Trải qua hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ từ năm 1964 đến 1972, từ trận đánh thắng đầu đến các chiến thắng liên tiếp trong suốt cuộc chiến tranh, đơn vị nào của Bộ đội Không quân cũng đánh thắng, lớp cán bộ, phi công, chiến sĩ nào cũng lập công; trong tình huống ác liệt nào cũng bảo đảm xuất kích tiêu diệt địch; loại máy bay nào cũng làm nên chiến thắng.

Không quân nhân dân Việt Nam đã đánh thắng địch cả trên trời, dưới đất và trên biển, đánh bị thương tàu chiến Hạm đội 7 của Mỹ; đánh thắng cả ban ngày và ban đêm; đánh sâu vào tận hậu cứ quân thù; bắn rơi nhiều loại máy bay tầm thấp, tầm cao, cả máy bay chiến thuật và chiến lược; bắt sống nhiều giặc lái của không lực Hoa Kỳ, có những tên có hàng nghìn giờ bay.

Càng chiến đấu gian khổ ác liệt, chủ nghĩa anh hùng cách mạng càng được Bộ đội Không quân phát huy cao độ, làm ngời sáng lên phẩm chất cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”, “Người chiến sĩ Phòng không - Không quân (PK-KQ) ưu tú” trên mặt trận bảo vệ bầu trời Tổ quốc.

Ðặc biệt là trận quyết chiến, chiến lược “Hà Nội - Ðiện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972 và Cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất Tổ quốc, với tinh thần “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, quyết thắng”, Bộ đội Không quân đã nhanh chóng chớp thời cơ, chỉ trong sáu ngày luyện tập, đã sử dụng thành thạo máy bay A-37 thu được của địch, bất ngờ tập kích sân bay Tân Sơn Nhất, phá hủy 25 máy bay, loại khỏi vòng chiến đấu gần 300 tên ngụy, góp phần đẩy nhanh tốc độ tiến công của bộ đội ta trên khắp các chiến trường, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng miền nam, thống nhất Tổ quốc.

Máy bay chiến đấu MiG-21 của Trung đoàn 921-Đoàn không quân Sao Đỏ sẵn sàng xuất kích tiêu diệt địch trong đợt Mỹ đánh phá miền Bắc lần thứ nhất (1967). (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Máy bay chiến đấu MiG-21 của Trung đoàn 921-Đoàn không quân Sao Đỏ sẵn sàng xuất kích tiêu diệt địch trong đợt Mỹ đánh phá miền Bắc lần thứ nhất (1967). (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại, Không quân nhân dân Việt Nam đã bắn rơi 320 máy bay (trong đó có hai máy bay B-52) trong tổng số 2.635 máy bay do Quân chủng PK-KQ và 4.181 chiếc bị quân và dân ta bắn rơi trên bầu trời miền bắc, gồm tất cả các loại máy bay hiện đại nhất của không quân Mỹ. Với những thành tích và chiến công đặc biệt xuất sắc, Quân chủng Không quân (trước kia) và hàng chục đơn vị và cán bộ, chiến sĩ đã vinh dự được Ðảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Những chiến công hiển hách của Không quân nhân dân Việt Nam trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc mãi là biểu tượng sáng ngời của ý chí kiên cường, bất khuất, tinh thần quyết tâm “dám đánh, biết đánh và quyết thắng” giặc Mỹ xâm lược; là thắng lợi của ý chí, trí tuệ và nghệ thuật quân sự Việt Nam được kế thừa và phát triển trong thời đại Hồ Chí Minh.

Ngày nay, mặc dù tác chiến đường không đã có sự thay đổi căn bản và đặt ra yêu cầu cao, song với sức cơ động nhanh, hỏa lực mạnh, vai trò của Không quân hết sức quan trọng. Không quân là một trong các lực lượng chủ yếu tiêu diệt các phương tiện đột nhập, tiến công đường không, bảo vệ các mục tiêu yếu địa của Tổ quốc và tham gia bảo vệ các lực lượng trong từng khu vực phòng thủ của đất nước. Không quân cùng với các lực lượng Tên lửa và các loại hỏa lực phòng không khác tạo nên một hệ thống hỏa lực liên hoàn, rộng khắp, nhiều tầng, nhiều lớp, có hiệu quả.

Vinh dự là một trong các lực lượng được Ðảng, Nhà nước, Quân đội xác định tiến thẳng lên hiện đại, Quân chủng PK-KQ nói chung, Bộ đội Không quân nói riêng sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư nguồn lực của Ðảng, Nhà nước, mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng; sự chăm lo, tin tưởng của nhân dân. Bộ đội Không quân cùng cán bộ, chiến sĩ trong toàn Quân chủng PK-KQ sẽ tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm chiến tranh nhân dân, đường lối quân sự, quốc phòng của Ðảng, nhất là Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả chín nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 mà Thường vụ Quân ủy Trung ương đã đề ra năm 2019; xây dựng Quân chủng PK-KQ “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, có chất lượng tổng hợp, trình độ, khả năng và sức mạnh chiến đấu ngày càng cao.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), gắn thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 87 của Thường vụ Quân ủy Trung ương. Ðẩy mạnh phong trào thi đua quyết thắng trong các cơ quan, đơn vị, thực hiện có hiệu quả các chương trình quốc gia, các cuộc vận động lớn trong Quân đội. Xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, xây dựng Ðảng bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, lãnh đạo thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Ðẩy mạnh thực hiện tốt “3 khâu đột phá” năm 2019: Ðổi mới, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, giáo dục-đào tạo; bảo đảm an toàn bay vững chắc và an toàn trong mọi hoạt động; nâng cao chất lượng công tác xây dựng cơ quan, rèn luyện kỹ thuật, quản lý tình hình chính trị nội bộ; bảo đảm vũ khí trang bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong đó, chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, giáo dục pháp luật, định hướng tư tưởng; chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, không để xảy ra “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, giữ bí mật và bảo đảm an toàn trong thực hiện các nhiệm vụ. Nâng cao chất lượng xây dựng môi trường văn hóa, bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội.

Tiếp tục thực hiện kế hoạch điều chỉnh tổ chức lực lượng của Quân chủng theo Ðề án tổ chức Quân đội giai đoạn 2017-2021. Duy trì lực lượng trực ban chiến đấu, canh trực theo đúng Chỉ lệnh của Bộ trưởng Quốc phòng. Thường xuyên nâng cao cảnh giác cách mạng, xác định rõ “đối tác”, “đối tượng”, kiên quyết xử lý đúng đắn, kịp thời, linh hoạt, có hiệu quả các tình huống phức tạp, các vấn đề nhạy cảm, không để Tổ quốc bị bất ngờ vì các tình huống trên không, nhất là các vấn đề liên quan đến Biển Ðông, góp phần giữ vững chủ quyền vùng trời, biển, đảo của Tổ quốc và tạo lập, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước.

Bài đã đăng trên Báo Nhân Dân ngày 3/3/2019
Trình bày: Diệc Dương
Ảnh: TTXVN