Chiến sĩ bộ đội biên phòng. (Ảnh: Bùi Giang/TTXVN)

Chiến sĩ bộ đội biên phòng. (Ảnh: Bùi Giang/TTXVN)

BỘ ĐỘI QUÂN HÀM XANH

Lãnh thổ quốc gia Việt Nam được hình thành, tồn tại suốt hàng nghìn năm lịch sử cùng với các quốc gia trên thế giới, trong khu vực và các nước láng giềng. Trải qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, ông cha ta luôn coi biên cương là “phên dậu” của Tổ quốc, mọi biến động nơi biên cương đều liên quan đến sự an nguy của đất nước. Kế thừa và phát huy truyền thống bảo vệ biên cương của dân tộc, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đến nhiệm vụ bảo chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Tháng 2/1948, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Chỉ huy Quân đội Quốc gia Việt Nam ra Nghị định thành lập Đội vũ trang công tác biên phòng, gọi tắt là Vũ công đội biên phòng, có nhiệm vụ hoạt động trong các tỉnh biên giới Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang. Nghị định quy định Đội vũ trang công tác biên phòng do một phái viên Bộ Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia chỉ huy gồm 4 đội, mỗi đội 50 người. Những đội viên đội vũ trang công tác biên phòng sẽ sinh hoạt theo chế độ quân nhân và được hưởng phụ cấp đặc biệt. Việc chỉ huy và quản trị Đội vũ trang công tác biên phòng đặt dưới quyền trực tiếp của Bộ Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia. [1]

Sau khi ban hành Nghị định thành lập, ngày 20/5/1948, Bộ Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia ra Chỉ thị số 13/CT Về nhiệm vụ của đặc phái viên phụ trách võ trang công tác đội biên phòng, quy định rõ: “Tiến hành công tác tiểu phỉ, trừ gian; Liên lạc với các tổ chức cứu quốc gây và giữ vững vùng cơ sở dân chúng; Tổ chức du kích trong địa phương; Giữ liên lạc giao hảo với ngoài bản. Các ban chỉ huy trung đoàn, tiểu đội hay đại đội lập theo hệ thống chung trong Quân đội Quốc gia trực tiếp chỉ huy các đội vũ trang tuyên truyền”. [2]

Để xây dựng tổ chức biên chế, thực hiện nhiệm vụ được giao, ngày 28/5/1948, Bộ Chỉ huy Võ trang công tác đội biên phòng có công văn số 556/BP gửi Bộ Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia Việt Nam Về tổ chức biên chế của Bộ Chỉ huy Võ trang tuyên truyền, gồm có Ban văn thư, dưới Ban văn thư có Ban chính trị, Ban tình báo, Ban kiểm tra, trong mỗi ban có một đội võ trang tuyên truyền. Ở cấp khu và trung đoàn đều có người phụ trách chuyên môn võ trang tuyên truyền nằm trong phòng chính trị. [3]

Trước yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới, Bộ Chính trị Trung ương Đảng (khóa II) và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho Tổng Quân ủy (nay là Quân ủy Trung ương), Đảng đoàn Bộ Công an nghiên cứu xây dựng đề án thành lập lực lượng cơ sở sáp nhập, thống nhất các đơn vị quân đội, công an đang làm nhiệm vụ trên biên giới và nội địa. Ngày 16/2/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 141/SL thành lập lực lượng Công an biên phòng thuộc Bộ Công an, tổ chức biên chế theo hình thức các đồn biên phòng dọc biên giới trực thuộc Ty Công an các tỉnh có biên giới. Tiếp đó, ngày 28/7/1956, Chính phủ ra Nghị định số 982/TTg thành lập lực lượng Cảnh sát vũ trang thuộc Bộ Công an làm nhiệm vụ bảo vệ các trại giam, tham gia tiễu phỉ, trừ gian. 

Để Quân đội có điều kiện tập trung xây dựng lực lượng chuẩn bị cho công cuộc giải phóng miền nam thống nhất đất nước, ngày 19/11/1958, Bộ Chính trị (khóa II) ra Nghị quyết số 58/NQ-TW "Về việc thành lập lực lượng Cảnh vệ nội địa và Biên phòng". Đây là nghị quyết đầu tiên của Đảng về công tác biên phòng, nội địa và giới tuyến, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của biên giới quốc gia. Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 3/3/1959, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 100/TTg thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang, nêu rõ: "Thống nhất các đơn vị bộ đội quốc phòng đang làm công tác bảo vệ nội địa, bảo vệ biên giới, giới tuyến và các đơn vị Công an biên phòng, Cảnh sát vũ trang thành một lực lượng vũ trang chuyên trách công tác biên phòng và bảo vệ nội địa, lấy tên là Công an nhân dân vũ trang, đặt dưới sự lãnh đạo của Bộ Công an". [4]

Item 1 of 2

Bộ đội Đồn Biên phòng Tam Hợp, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An hỗ trợ nhân dân làm đường giao thông.

Bộ đội Đồn Biên phòng Tam Hợp, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An hỗ trợ nhân dân làm đường giao thông.

Chuẩn bị hàng hóa ở “ngôi nhà thiện nguyện” tặng đồng bào nghèo ở khu vực biên giới Nghệ An.

Chuẩn bị hàng hóa ở “ngôi nhà thiện nguyện” tặng đồng bào nghèo ở khu vực biên giới Nghệ An.

Về cơ cấu biên chế tổ chức gồm 3 cấp: Trung ương có Ban Chỉ huy Trung ương Công an nhân dân vũ trang (tháng 7/1961 đổi thành Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang); cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Ban chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh, thành phố; cấp cơ sở có các đồn Công an nhân dân vũ trang và đơn vị cơ động. Đây là sự kiện đánh dấu sự ra đời của Bộ đội Biên phòng - lực lượng vũ trang chuyên trách bảo vệ biên giới quốc gia; khẳng định bước trưởng thành, phát triển của lực lượng vũ trang nhân dân trong sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Lực lượng Công an nhân dân vũ trang ra đời trong bối cảnh tình hình đất nước và các tuyến biên giới diễn biến hết sức phức tạp. Ở biên giới Việt-Trung, lực lượng phản cách mạng, đặc vụ Tưởng tăng cường hoạt động xây dựng căn cứ, móc nối với bọn phản động trong nước tập hợp lực lượng phỉ, gây bạo loạn, chống phá cách mạng. Ở biên giới Việt-Lào, Mỹ-ngụy tăng cường hoạt động bạo loạn vũ trang, tổ chức lôi kéo người Mông theo “châu phà”, xưng đón vua, nổi loạn cướp của giết người, đốt làng bản... gây tình trạng căng thẳng dọc biên giới. Ở khu vực giới tuyến và trên vùng biển, Mỹ - chính quyền Sài Gòn thường xuyên tung các toán gián điệp, biệt kích ra miền bắc điều tra thu thập tình hình, móc nối, cài cắm, xây dựng cơ sở ngầm và câu kết với tổ chức phản động trong đồng bào dân tộc hoạt động phá hoại làm suy yếu hậu phương miền bắc. Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển, giới tuyến quân sự tạm thời và các mục tiêu trọng yếu nội địa của lực lượng Công an nhân dân vũ trang hết sức nặng nề, khó khăn.

Trên mặt trận đấu tranh chống gián điệp biệt kích của Mỹ-ngụy, bảo vệ an ninh miền bắc, Công an nhân dân vũ trang trong những năm (1959-1964) thực hiện phương châm “giữ dưới đất là chính, giữ bên trong là chính; làm trong sạch địa bàn, chuẩn bị sẵn lực lượng, thế trận; địch vào là đánh, bắt gọn để tiếp tục mở rộng chuyên án”, “dùng địch để đánh địch”, đã mở nhiều chuyên án đánh địch đạt kết quả cao như các chuyên án K33, K34, K26, K32, K35... chủ động đón bắt nhiều toán gián điệp biệt kích cùng với số lượng lớn hàng tiếp tế của địch thả dù xuống. Đặc biệt, trong những năm 1961-1964, lực lượng Công an nhân dân vũ trang đã bắt 59 toán với hàng trăm tên, thu nhiều vũ khí, phương tiện và trang bị, tiêu biểu là Công an nhân dân vũ trang Lai Châu, Sơn La, Nghĩa Lộ, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình...

Ngày 16/2/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 141/SL thành lập lực lượng Công an biên phòng thuộc Bộ Công an, tổ chức biên chế theo hình thức các đồn biên phòng dọc biên giới trực thuộc Ty Công an các tỉnh có biên giới.

Chiến sĩ Trạm kiểm soát Biên phòng Sông Đốc tuần tra, kiểm soát biên giới biển. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Chiến sĩ Trạm kiểm soát Biên phòng Sông Đốc tuần tra, kiểm soát biên giới biển. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Bộ đội Biên phòng Cà Mau tăng cường tuần tra trên biển. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Bộ đội Biên phòng Cà Mau tăng cường tuần tra trên biển. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Trong cuộc chống chiến tranh phá hoại miền bắc của Mỹ (1965-1972), với tinh thần “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, các đơn vị Công an nhân dân vũ trang đã tích cực chủ động hiệp đồng, phối hợp với các lực lượng chiến đấu tại chỗ, vừa chiến đấu đánh trả máy bay địch, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu trọng yếu; kết quả đã bắn rơi 219 máy bay Mỹ, bắt nhiều giặc lái. Nhiều đơn vị đánh giỏi, thắng lớn như: Công an nhân dân vũ trang Quảng Bình bắn rơi 43 chiếc; Đặc khu Vĩnh Linh bắn rơi 29 chiếc, Nghệ An bắn rơi 22 chiếc...

Thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, thấm nhuần quan điểm “không để mất một tấc đất của Tổ quốc, không để lọt một phần tử nguy hiểm”, Công an vũ trang đã không quản ngại khó khăn, hiểm nguy thường xuyên tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới. Trong 10 năm (1965-1975), các đơn vị đã làm thủ tục xuất, nhập cảnh cho hàng triệu lượt người và phương tiện, với gần 10 triệu tấn hàng hoá ra vào biên giới, giới tuyến, cảng biển; đăng ký quản lý hơn 5.000 tàu thuyền đánh cá, với hàng vạn thuỷ thủ, thuyền viên; bắt gần 700 vụ buôn lậu; phát hiện gần 900 người nghi vấn hoạt động tình báo; ngăn chặn 30 vụ người theo đạo Thiên Chúa vượt biên trái phép…. [5]

Trên chiến trường miền nam, lực lượng an ninh vũ trang ban đầu có Đại đội 180, sau phát triển thành Trung đoàn 180 làm nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài, đánh địch đổ bộ, càn quét, đánh biệt kích, thám báo để bảo vệ các khu căn cứ và Trung ương Cục. Về tổ chức, ở cấp khu tổ chức tiểu đoàn, ở cấp tỉnh tổ chức đại đội. Lực lượng an ninh vũ trang kiên trì, bền bỉ, bám đất, bám dân, trụ vững giữa lòng địch, xây dựng cơ sở, vận động và tổ chức quần chúng đấu tranh trực diện với kẻ thù, tiến hành công tác binh địch vận, phá vỡ nhiều tổ chức tình báo, mật vụ, hỗ trợ đắc lực cho các cuộc nổi dậy của quần chúng phá ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh 1975, lực lượng an ninh vũ trang phối hợp với các lực lượng trực tiếp tham gia chiến đấu, tiêu diệt nhiều gián điệp, thám báo nằm vùng và tham gia dẫn đường cho các cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Sau năm 1975, lực lượng phản động trong nước cấu kết với chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch triển khai kế hoạch "hậu chiến", lôi kéo người Việt Nam vượt biên di cư ra nước ngoài; sử dụng tàn quân FULRO, tổ chức lực lượng phản động xâm nhập vào biên giới, móc nối xây dựng cơ sở nhằm chống phá cách mạng Việt Nam. Trước tình hình đó, lực lượng Công an nhân dân vũ trang đã khẩn trương triển khai hệ thống đồn, trạm biên giới, vận động nhân dân xây dựng phòng tuyến bảo vệ chủ quyền, an ninh trên chiều dài gần 8.000km biên giới, bờ biển, thuộc địa bàn của 1.078 xã, phường, thị trấn, 227 quận, huyện, thị xã, 44 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biên giới, bờ biển thuộc 7 quân khu; [6] khẩn trương cùng các đơn vị quân đội, công an và nhân dân cả nước quyết tâm đấu tranh chống kế hoạch "hậu chiến", truy quét tàn quân FULRO, bóc gỡ cơ sở ngầm của địch, củng cố chính quyền cơ sở mới thành lập ở các tỉnh biên giới phía nam. Trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía bắc, một lần nữa, lực lượng Công an vũ trang đã nêu cao ý chí kiên cường, dũng cảm, tinh thần độc lập dân tộc, lập được nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu.

Ngày 3/3 hằng năm trở thành Ngày truyền thống của Bộ đội Biên phòng và Ngày Biên phòng toàn dân.

Item 1 of 2

Chiến thắng Hàm Rồng: Bị thất bại ở chiến trường miền nam, cuối năm 1964, đầu năm 1965 đế quốc Mỹ vạch kế hoạch ném bom miền bắc, trong đó có mục tiêu phá sập cầu Hàm Rồng, cắt đứt mạch máu giao thông bắc-nam, làm suy yếu vai trò của hậu phương đối với tiền tuyến miền nam. Trong cuộc quyết chiến ngày 3 và 4/4/1965, quân và dân Thanh Hóa anh hùng đã làm nên chiến thắng lẫy lừng, bảo vệ cầu Hàm Rồng an toàn, trong đó, ngày 4/4, lần đầu tiên máy bay ta bắn rơi máy bay địch. Trong ảnh: Trận địa pháo cao xạ bảo vệ cầu Hàm Rồng. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Chiến thắng Hàm Rồng: Bị thất bại ở chiến trường miền nam, cuối năm 1964, đầu năm 1965 đế quốc Mỹ vạch kế hoạch ném bom miền bắc, trong đó có mục tiêu phá sập cầu Hàm Rồng, cắt đứt mạch máu giao thông bắc-nam, làm suy yếu vai trò của hậu phương đối với tiền tuyến miền nam. Trong cuộc quyết chiến ngày 3 và 4/4/1965, quân và dân Thanh Hóa anh hùng đã làm nên chiến thắng lẫy lừng, bảo vệ cầu Hàm Rồng an toàn, trong đó, ngày 4/4, lần đầu tiên máy bay ta bắn rơi máy bay địch. Trong ảnh: Trận địa pháo cao xạ bảo vệ cầu Hàm Rồng. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Quân tình nguyện Việt Nam ở mặt trận Campuchia. (Nguồn: TTXVN)

Quân tình nguyện Việt Nam ở mặt trận Campuchia. (Nguồn: TTXVN)

Sau năm 1978, tình hình trên các tuyến biên giới nước ta diễn biến phức tạp, để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, ngày 10/10/1979, Bộ Chính trị (khóa IV) ra Nghị quyết 22/NQ-TW và ngày 19/11/1979, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 412/CP về phân công lại nhiệm vụ, đổi tên lực lượng Công an nhân dân vũ trang thành Bộ đội Biên phòng và chuyển từ Bộ Nội vụ (Bộ Công an) sang Bộ Quốc phòng. 

Tiếp đó, ngày 30/11/1987, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa VI) ra Nghị quyết số 07/NQ-TW, về "Nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới", "Chuyển giao Bộ đội Biên phòng cho Bộ Nội vụ trực tiếp phụ trách" (nay là Bộ Công an). Ngày 31/5/1988, Ban Bí thư ra Chỉ thị 41/CT-TW, về "Chuyển giao lực lượng Bộ đội Biên phòng từ Bộ Quốc phòng sang Bộ Nội vụ". Đến ngày 8/8/1995, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa VII) ra Nghị quyết số 11/NQ-TW về "Xây dựng Bộ đội Biên phòng trong tình hình mới" quyết định chuyển Bộ đội Biên phòng từ Bộ Nội vụ sang Bộ Quốc phòng. 

 Từ năm 1986, quán triệt đường lối đổi mới của Đảng, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị tích cực nghiên cứu, đổi mới toàn diện các biện pháp công tác biên phòng. Trong đó xác định biện pháp trinh sát là mũi nhọn, vận động quần chúng là cơ bản, tuần tra vũ trang, kiểm soát hành chính, công trình kỹ thuật là quan trọng và nâng tầm công tác đối ngoại biên phòng thành một biện pháp nghiệp vụ trọng yếu của Bộ đội Biên phòng trong bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới; kết hợp chặt chẽ an ninh, quốc phòng và đối ngoại, tích cực tham gia phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở khu vực biên giới, phòng, chống thiên tai, khắc phục hậu quả bão, lụt... Kết hợp chặt chẽ các lực lượng và các biện pháp công tác, Bộ đội Biên phòng từng bước vươn ra bảo vệ chủ quyền các vùng biển, đảo của Tổ quốc, chủ động quan hệ hợp tác chặt chẽ với nhân dân và lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng.

Cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đồn Pa Tần tăng cường tuần tra kiểm soát phòng chống tội phạm về ma túy trên địa bàn xã Pa Tần, huyện Sìn Hồ, Lai Châu. (Ảnh minh họa: Quý Trung/TTXVN)

Cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đồn Pa Tần tăng cường tuần tra kiểm soát phòng chống tội phạm về ma túy trên địa bàn xã Pa Tần, huyện Sìn Hồ, Lai Châu. (Ảnh minh họa: Quý Trung/TTXVN)

Để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, ngày 22/2/1989, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ra Quyết định số 16/HĐBT về tổ chức "Ngày Biên phòng" trong cả nước (chính thức có hiệu lực từ ngày 3/3/1989). Tiếp đó, ngày 17/6/2003, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Khóa XI) đã thông qua Luật Biên giới quốc gia. 

Là một thành phần của Quân đội nhân dân Việt Nam, làm nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh, trật tự biên giới quốc gia trên đất liền, các hải đảo, vùng biển và các cửa khẩu theo phạm vi nhiệm vụ do pháp luật quy định; đồng thời là một lực lượng thành viên trong khu vực phòng thủ tỉnh, huyện biên giới, trải qua 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Với những thành tích đạt được, Bộ đội Biên phòng vinh dự được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý: Hai lần được phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 1 Huân chương Sao vàng; 3 Huân chương Hồ Chí Minh; 2 Huân chương Độc lập; 2 Huân chương Quân công; 1 Huân chương Lao động hạng Ba…

Ngày 3/3 hằng năm trở thành Ngày truyền thống của Bộ đội Biên phòng và Ngày Biên phòng toàn dân.

Nội dung: Trần Quốc Dũng
Trình bày: An Ninh
Ảnh: Báo Nhân Dân; TTXVN