70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc
Khi lòng ta đã hóa những con tàu
Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát
Tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu
Vài năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, nhà thơ Chế Lan Viên đã viết nên những vần thơ đầy cảm xúc trong phong trào kiến thiết kinh tế-xã hội Tây Bắc nói chung, Điện Biên nói riêng. Từ các tỉnh thành của miền bắc, hàng vạn thanh niên, trong đó nòng cốt là những người lính đã từng “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” một lần nữa lại vững tay cuốc, chắc tay cày cùng xây dựng tương lai mới cho mảnh đất phên dậu Tổ Quốc.
70 năm qua đi, những người muôn năm cũ kẻ còn, người mất. Nhưng câu chuyện về họ vẫn giống như một bản trường ca không thể phai trong lòng người hiện tại-bản trường ca mang trong mình sức mạnh của ý chí kiên trung, bền bỉ và hơn hết là tình yêu nồng nàn với đất và người Điện Biên.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Báo Nhân Dân xin gửi tới bạn đọc những câu chuyện “vỡ đất, vỡ cát” đằng sau chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”…
Nắng từ đỉnh đồi gay gắt hắt xuống lòng chảo Điện Biên, khiến không khí trở nên oi bức. Từ phía Tây Trang, gió Lào cũng ngùn ngụt lùa về bỏng rát. Vừa lau mồ hôi, cựu binh Trần Quang Hữu vừa nheo nheo mắt, nhìn đăm đăm vào khoảng đất đầy cỏ voi và lởm chởm những hố mìn tại C17 mà anh và đơn vị được phân về. Một màu xám xịt, u ám trải dài ra trước mắt người “nông binh” trẻ vừa được làm lễ… hạ sao.
Ngay sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, một nhiệm vụ khẩn trương là phải khắc phục hậu quả, hàn gắn những vết thương do chiến tranh gây ra. Khi đó, ở miền Bắc dấy lên các phong trào “Lấy nông trường làm gia đình”, “Lấy Tây Bắc làm quê hương”.
Nay trở về, ta lấy lại vàng ta...
Ngược dòng lịch sử, chỉ vài năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, theo quyết định của Bộ Tổng tham mưu, nhiều đơn vị bộ đội đã tình nguyện trở lại Điện Biên (lúc bấy giờ thuộc tỉnh Lai Châu) để thực hiện nhiệm vụ mới, xây dựng nông trường, phát triển kinh tế, ổn định sản xuất, làm hậu phương vững chắc cho tiền tuyến.
Mùa xuân năm 1958, năm đầu tiên của kế hoạch phát triển kinh tế-văn hóa miền bắc Xã hội chủ nghĩa (giai đoạn 1958-1960), Đại đoàn 316 một lần nữa nhận lệnh hành quân qua sống đèo Pha Đin. Ngay trước khi lên đường, Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Trung ương Đảng, Chính phủ và Quân ủy Trung ương đến thăm, động viên đơn vị. Bác căn dặn: “... Đơn vị các chú có một trong những nhiệm vụ chính là tham gia sản xuất, nói rõ là sản xuất nông nghiệp, đánh giặc trong nông nghiệp phức tạp hơn đánh giặc thực dân, phải chuẩn bị đánh cho thắng...”.
Mang theo tinh thần quyết thắng ấy, 1.954 cán bộ, chiến sĩ của Đại đoàn 316 đã băng rừng, vượt núi có mặt tại Điện Biên. Cựu chiến binh Trần Quang Hữu, năm nay vừa tròn 90, người Bình Lục, Hà Nam vẫn chưa thể quên những ngày đầu tiên “vỡ đất, vỡ cát”. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tháng 1/1953, ông nhập ngũ tham gia chiến đấu ở Trung đoàn 176. Năm 1958, theo chủ trương, ông Hữu được “hạ sao” làm nông binh và trở thành một trong những cư dân đầu tiên của ngôi làng mang phiên hiệu C17, tức xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) bây giờ.
Ông Hữu kể, Đại đoàn 316 khi ấy có 3 trung đoàn. Trung đoàn 98 được giao nhiệm vụ mở đường Tuần Giáo. Trung đoàn 174 chọn những người tinh nhuệ lập ra lữ đoàn thường trực, còn lại chuyển qua Trung đoàn 176 làm nhiệm vụ xây dựng nông trường quân đội.
Chỉ hơn 1 tháng sau khi “bộ đội trở về”, Nông trường Quân đội Điện Biên được thành lập, trực thuộc Cục Nông-Binh, Bộ Quốc Phòng. Tổ chức nông trường khi đó bao gồm: Nông trường bộ, các phòng ban trực thuộc và 23 đơn vị sản xuất. Mỗi đơn vị sản xuất là 1 đại đội (gọi là C), thực hiện nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản, làm giao thông, thủy lợi, cơ khí, máy kéo vận tải, sản xuất vật liệu, kiến thiết cơ bản… Các C được bố trí vào cùng với nhiều khu dân cư chung quanh lòng chảo Điện Biên. Ngoài ra, 2 đại đội khác cũng di chuyển vào Mường Ảng, Tuần Giáo với nhiệm vụ tương tự.
Cùng thời điểm này, cựu chiến binh Phạm Đức Cư (Trung đoàn 367 pháo cao xạ) cũng nhận lệnh trở lại chiến trường xưa theo diện… đặc biệt khác.
Lịch sử Đảng bộ tỉnh Điện Biên ghi lại, sau khi Điện Biên Phủ được giải phóng, ta thành lập Khu tự trị Thái Mèo (sau đổi thành Khu tự trị Tây Bắc), không có đơn vị hành chính trung gian là tỉnh. Tất cả các châu huyện trong vùng trước đây, trong đó có châu Điện Biên đều trực thuộc Khu Tây Bắc.
“Khi đó, Chủ tịch Khu tự trị Thái – Mèo Lò Văn Hặc trực tiếp xin một số cán bộ đã từng chiến đấu, công tác tại Điện Biên trước đây để làm nòng cốt. Cùng nhiều đồng đội, tôi quay trở lại chiến trường xưa làm nhiệm vụ xây dựng Đảng, chính quyền và các lực lượng vũ trang để bảo vệ Khu Tây Bắc”, ông Cư nhớ lại.
Trong thư gửi đồng bào khu tự trị Thái Mèo vào ngày 7/5/1955, Bác Hồ căn dặn: “Hôm nay là ngày kỷ niệm quân và dân ta đại thắng ở Điện Biên Phủ, cũng là ngày Khu tự trị Thái - Mèo chính thức thành lập. Cho nên hôm nay là một ngày lịch sử rất vẻ vang của đồng bào Tây bắc và của cả nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. (…) Để xứng đáng với vinh dự to lớn ấy, và để làm tròn nhiệm vụ cao quý ấy, đồng bào Khu tự trị Thái - Mèo cần:
- Phải đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc, phải thương yêu giúp đỡ nhau như anh em.
- Phải thi đua tăng gia sản xuất, làm cho mọi người áo ấm cơm no.
- Phải luôn luôn tỉnh táo, và sẵn sàng giúp bộ đội và công an chống mưu địch chia rẽ và phá hoại.
Cán bộ thì cán bộ cũ và cán bộ mới, cán bộ địa phương và cán bộ từ nơi khác đến làm việc, cán bộ quân sự và cán bộ Đảng, Chính cần phải thật thà, đoàn kết, một lòng một dạ phục vụ nhân dân. Phải kiên quyết chống bệnh quan liêu, mệnh lệnh, tham ô, lãng phí.”
Nhớ lại những ngày đầu tiên ấy, ông Cư bảo: Lời căn dặn của Bác đã trở thành kim chỉ nam cho thế hệ những người như ông noi theo. Mặc dù thời hạn nhiệm vụ chỉ 3 năm, nhưng trong thâm tâm người chiến sĩ trẻ quê Thái Bình đã manh nha ý định chọn Điện Biên trở thành quê hương thứ hai của mình…
Theo thống kê chưa đầy đủ, ngay sau Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, đã có khoảng 2.000 chiến sĩ quay trở lại Điện Biên làm nhiệm vụ tái thiết kinh tế-xã hội, phát triển văn hóa.
Ngoài ra, cùng trong giai đoạn 1958-1960, hàng nghìn thanh niên xung phong từ khắp các địa phương miền bắc cũng tình nguyện lên Điện Biên theo lời kêu gọi của Đảng.
Tất cả trở thành những “cán bộ mới”, “nông binh mới” trực tiếp đóng góp sức người, sức của để giữ vững thành quả của cách mạng, “trở về lấy lại vàng ta” như lời thơ da diết của Chế Lan Viên trong tác phẩm Tiếng hát con tàu.
Gian nan ngày... "vỡ đất"
Tháng 5/1958. Nắng từ đỉnh đồi gay gắt hắt xuống lòng chảo Điện Biên, khiến không khí trở nên oi bức. Từ phía Tây Trang, gió Lào cũng ngùn ngụt lùa về bỏng rát. Vừa lau mồ hôi, cựu binh Trần Quang Hữu vừa nheo nheo mắt, nhìn đăm đăm vào khoảng đất đầy cỏ voi và lởm chởm những hố mìn tại C17 mà anh và đơn vị được phân về. Một màu xám xịt, u ám trải dài ra trước mắt người “nông binh” trẻ vừa được làm lễ… hạ sao.
Nhớ lại những ngày đầu tiên, ông Hữu vẫn… rùng mình. 4 năm sau ngày chiến thắng, châu Điện Biên vẫn chằng chịt những giao thông hào và dây thép gai. Hai bên đường toàn cây chó đẻ, cỏ gianh… cao quá đầu người. Những chiến sĩ năm xưa ngay lập tức phải trần lưng dưới nắng nóng để gỡ dây thép gai, lấp giao thông hào, đào mương thủy lợi…
Nguy hiểm nhất là bom mìn còn sót lại khiến cho công cuộc tái thiết, xây dựng cuộc sống mới càng trở nên gian nan hơn. Ông Hữu từng chứng kiến đồng đội mình khi gỡ dây thép gai đạp trúng mìn. Vụ nổ ràn rạt hơi nóng, ngay lập tức thổi bay một phần cơ thể của người nông binh. Cánh lính mới đặc biệt sợ mìn cóc, loại mìn khi gặp phải sẽ nhảy lên ngang ngực mới phát nổ.
Vào thời điểm này, sản xuất nông nghiệp tại Điện Biên chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên. Ngay cả cánh đồng Mường Thanh, vốn nổi tiếng toàn vùng Tây Bắc cũng chủ yếu bị bỏ hoang và chịu sự tàn phá dữ dội của chiến tranh. Vì vậy, sản lượng làm ra không đủ ăn.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, trên địa bàn tỉnh chỉ trồng lúa được 1 vụ, còn 1 vụ bỏ hoang; năng suất cây lúa chỉ hơn 10 tạ/ha; đến năm 1963 năng suất lúa mới chỉ đạt hơn 20 tạ/ha, ngô đạt hơn 9,4 tạ/ha… Thời điểm đó, cả tỉnh phải phụ thuộc vào nguồn trợ cấp lương thực từ Trung ương và huy động hỗ trợ từ các địa phương khác trong cả nước.
Xòe bàn tay đầy vết chai sần, ông Hữu tiếp tục kể: “Vốn quen cầm súng, bước vào giai đoạn mới phải nắm chắc tay cầy, cây cuốc, anh em đều khá bỡ ngỡ. Chúng tôi có câu thơ: Giơ cuốc lên thì cò đậu, bổ cuốc xuống thì mối xông để nói về sự lóng ngóng lúc ban đầu này. Nhưng tất cả vẫn quyết tâm với tinh thần cày cuốc là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ”.
Làm đã vất vả, chuyện ăn ở cũng… chẳng giống bình thường. Lính đồng bằng đã quen với cơm tẻ lên đất mới Tây Bắc bụng nóng cồn cào vì… đồ nếp và thiếu… rau xanh. Để cải thiện, tranh thủ những chuyến công tác về xuôi, anh em chia nhau mua từng gói rau muống Nam Định, rau lang Mộc Châu, chuối tiêu Hà Nam… về trồng trên những vạt vườn vừa mới lấp.
Phương châm xuyêt suốt thời điểm đó được xác định: Sản xuất trước, quy hoạch sau; trồng trọt trước, xây dựng sau; lấy cây ngắn nuôi cây dài, trồng cây lâu năm và phát triển các ngành nghề khác. Cán bộ nông trường đồng thời hướng dẫn đồng bào các dân tộc phát triển sản xuất và sẵn sàng chiến đấu.
Là cán bộ vận tải, ông Hữu bảo: Điện Biên ngày đó thiếu thốn đủ bề. Đồng bào các dân tộc chưa biết cả thả cá lẫn nuôi lợn, bò như dưới xuôi. Trong khi đó, mãi tới sau này, các kỹ sư nông nghiệp mới được tăng cường nên mọi việc đều phải trông vào… bộ đội.
Ông Hữu từng đánh xe cả 2 tuần lễ về miền bắc… rước “ông bà” lợn ỉ về cho nông trường làm giống; rồi lại rong ruổi đưa cán bộ nông nghiệp huyện xuống Sơn La xin những túi cá giống đầu tiên về thả tại hồ thủy lợi Pá Khoang và phân phối lại cho các hợp tác xã.
“Ngày ấy, đồng chí Trưởng phòng Nông nghiệp huyện hồ hởi nói: Rồi các cậu xem, chỉ vài năm nữa thôi, cá vài chục cân sẽ nhảy cả lên bờ”, ông Hữu cười rộ lên khi nhớ lại.
Cũng trở lại Điện Biên từ năm 1958, ông Bùi Kim Điều, nguyên lính thông tin thuộc đại đội 405 trung đoàn 165, đại đoàn 312 nhớ lại: Để khắc phục tình trạng thiếu phân bón, các nông binh phải đi phát cây chó đẻ ủ làm phân xanh bón ruộng đồng. Các phân khu C2, C4 và khu C13 được nông trường khai hoang mở rộng diện tích để trồng lạc, trồng mía, trồng ngô... Tại phân trường Mường Ảng, bộ đội ta cũng bắt tay vào trồng mắc ten và cà-phê để giúp dân tìm cách thoát nghèo.
Ròng rã trong nhiều năm tiếp theo, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ Điện Biên năm xưa đổ máu, mồ hôi xuống những thửa đất cằn. Những hy sinh mất mát của họ dần được đất mẹ trả lại bằng màu xanh bạt ngàn của lúa mới. Sau nhiều năm, bà con các dân tộc cũng lần đầu tiên được thấy máy xúc, máy cày ầm ì chạy ngay trên lòng chào Mường Thanh trong làn gió cơ giới hóa ngày càng sâu rộng.
Tháng 10/1958, trong vụ gieo trồng đầu tiên, nông trường Điện Biên đã thu hoạch 248 tấn thóc, ươm 13 nghìn cây cao su, gây được gần 1.000 con trâu, bò, giành thắng lợi mở đầu trên mặt trận sản xuất.
Kỷ yếu 70 năm ngành nông nghiệp tỉnh Điện Biên về sau ghi lại: Sau 3 năm đầu vừa khai hoang, cải tạo chiến trường ngổn ngang bom đạn thành đồng ruộng; vừa tổ chức sản xuất, vừa thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Điện Biên, Nông trường đã khai hoang được 1.108ha đất, trồng được 38ha cà phê, 830ha cây lương thực và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Được sự quan tâm của Trung ương, năm 1963 Điện Biên được đầu tư xây dựng công trình Đại thủy nông Nậm Rốm, với sự tham gia của hơn 2.000 thanh niên. Suốt gần 7 năm (1963 - 1969) xây dựng công trình, vượt qua muôn vàn khó khăn, Đại thủy nông Nậm Rốm đã hoàn thành, là công trình thủy nông lớn nhất khu vực Tây Bắc. Kể từ khi đi vào hoạt động, Đại thủy nông Nậm Rốm đảm bảo nước tưới cho cánh đồng Mường Thanh, góp phần mở rộng diện tích đến nay hơn 4.000ha. Trên cánh đồng màu mỡ ấy, các giống gạo chất lượng cao như: IR64, Bắc thơm số 7, séng cù... đã được ngành nông nghiệp và người dân canh tác hiệu quả.
Công trình Đại thủy nông Nậm Rốm đã thay đổi ngành nông nghiệp Điện Biên. Từ đó khoa học kỹ thuật được áp dụng, các giống lúa năng suất, chất lượng cao được đưa vào sử dụng; diện tích lúa nước ngày càng tăng.
Thế nhưng, công cuộc tái thiết và xây dựng đất mới Điện Biên vẫn còn ở phía trước…
Bình yên Điện Biên. (ẢNH: NHẬT QUANG)
Bình yên Điện Biên. (ẢNH: NHẬT QUANG)
Ngày xuất bản: 30/4/2024
Chỉ đạo: NGỌC THANH
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH
Nội dung: SƠN BÁCH - THIÊN LAM
Ảnh: THÀNH ĐẠT, NHẬT QUANG
Trình bày: BÌNH NAM