
Trong khí thế hào hùng của mùa Xuân năm 1975 lịch sử, Bộ đội Trường Sơn đã phát huy tinh thần “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu, cơ động vận chuyển binh lực, khí tài, bảo đảm cơ động, chi viện vũ khí vật chất, vũ khí trang bị phục vụ các chiến dịch, góp phần vào thắng lợi vĩ đại, trọn vẹn của dân tộc.
Mùa Xuân năm 1975, trên chiến trường miền Nam rực lửa, Bộ đội Trường Sơn không chỉ giữ vai trò hậu cần chiến lược mà còn trực tiếp cầm súng chiến đấu, trở thành lực lượng xung kích ở nhiều mũi tiến công then chốt. Từ hành lang vận tải đến chiến trường ác liệt, những người lính Trường Sơn hiên ngang giữa lửa đạn đã trở thành biểu tượng của một đội quân chiến đấu tinh nhuệ, hiệu quả.
Trong Chiến dịch Tây Nguyên, Sư đoàn 968 tổ chức nhiều trận đánh quan trọng, sử dụng pháo binh bắn phá nhiều vị trí trọng điểm của địch, phối hợp với Sư đoàn 3 (Khu 5) tiến công một loạt đồn bốt địch trên Đường số 19, phát triển áp sát Thanh An, Plei Ku, tạo sức ép mạnh từ phía Đông và Bắc Tây Nguyên. Một số đơn vị của Bộ đội Trường Sơn đã tổ chức tiến công hỏa lực, làm trạm phát sóng giả, hành quân cơ giới, dựng bến phà và trận địa giả… Với nhiều biện pháp nghi binh, Bộ đội Trường Sơn, chủ yếu là Sư đoàn 968 đã góp phần giam chân một bộ phận quan trọng lực lượng địch ở khu vực Plei Ku, tạo điều kiện cho hướng tiến công Buôn Ma Thuột giành thắng lợi, làm thay đổi cục diện chiến trường.
Với nhiều biện pháp nghi binh, Bộ đội Trường Sơn, chủ yếu là Sư đoàn 968 đã góp phần giam chân một bộ phận quan trọng lực lượng địch ở khu vực Plei Ku, tạo điều kiện cho hướng tiến công Buôn Ma Thuột giành thắng lợi, làm thay đổi cục diện chiến trường.
Tại các mặt trận Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Sài Gòn, nhiều chiến sĩ vận tải Bộ đội Trường Sơn vừa giữ chắc vô lăng, vừa giương cao súng, chiến đấu anh dũng để giữ vững đội hình và thế tiến công. Tiêu biểu là trận đánh ngày 16/4 trên hướng tiến của cánh quân Duyên Hải, Tiểu đoàn 54 - Đơn vị mang truyền thống Điện Biên Phủ tham gia cơ động Trung đoàn 101 Sư đoàn 325 đột phá tuyến phòng thủ Phan Rang của địch. Trong cơn “giãy chết”, địch tập trung tối đa hỏa lực và sử dụng máy bay tiến công ngăn chặn đội hình xe, kìm bước tiến của ta. Các chiến sĩ lái xe Trường Sơn dạn dày lửa đạn vẫn vững vàng tay lái, phối hợp cùng lực lượng cơ giới đơn vị bạn đột phá dũng mãnh, đưa bộ binh đánh chiếm hết vị trí này đến vị trí khác và trực tiếp chiến đấu, tiêu diệt nhiều sinh lực, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch, góp phần vào chiến công giải phóng Phan Rang, mở toang “cánh cửa thép” để cánh quân Duyên Hải tiến về Nam.
Đặc biệt, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Bộ đội Trường Sơn có 6 sư đoàn binh chủng trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Trên hướng tiến công chủ yếu của Quân đoàn 2, một số xe của Bộ đội Trường Sơn tham gia cơ động lực lượng đột kích thọc sâu của Quân đoàn chọc thủng các căn cứ Nước Trong, Long Thành, ngã ba Đường số 15 tiến lên phía Nam căn cứ Long Bình. Quá trình thực hành đột phá trung tâm đầu não địch ở Sài Gòn, các lực lượng ô tô của hai sư đoàn vận tải đã cơ động bộ binh đi cùng xe tăng, đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, Biên Hòa, Bộ Tổng Tham mưu địch… tiến vào đánh chiếm Dinh Độc Lập ngày 30/4, góp phần quan trọng vào Đại thắng mùa Xuân 1975. Dương Quang Lựa, chiến sĩ lái xe Trường Sơn điều khiển chiếc xe mang biển số CE.1283 vinh dự có mặt trong đội hình đột kích đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập.
“Thần tốc, thần tốc hơn nữa…” - Mệnh lệnh lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được Bộ đội Trường Sơn hiện thực hóa bằng những cuộc hành quân cơ giới thần tốc chưa từng có. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, hai sư đoàn ô tô 471 và 571 huy động gần 5.000 xe vận tải, thần tốc cơ động các đơn vị, binh đoàn chủ lực vượt hàng nghìn kilômét từ hậu phương phía Bắc, xuyên dọc Trường Sơn vào các chiến trường trọng điểm, bất chấp bom đạn ác liệt và địa hình hiểm trở. Trong 10 ngày đầu tháng 4, Sư đoàn Ô tô 471 đã cơ động sư đoàn hai sư đoàn (2 và 3) cùng cơ quan Quân đoàn 3 vào Lộc Tấn, Lộc Ninh; đồng thời, vận chuyển 3.000 tấn hàng từ Sê Xụ, Buôn Ma Thuột vào tuyến kho chiến dịch. Sư đoàn 571 đã làm nên kỳ tích về vận chuyển. Cũng chỉ trong 10 ngày, Sư đoàn đã cơ động đại bộ phận Quân đoàn 1 vượt 1.200km từ Vĩnh Linh vào Đồng Xoài theo hướng Tây Trường Sơn, sớm hơn kế hoạch 6 ngày, góp phần tạo thế áp đảo từ hướng Tây Bắc Sài Gòn. Tiếp đó, với 13 ngày hành quân thần tốc, Sư đoàn 571 tiếp tục cơ động vận chuyển Quân đoàn 2 vượt 900km, vừa hành quân, vừa đánh địch để kịp thời tham gia trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.
Cả Trường Sơn sục sôi không khí thi đua để giành chiến thắng.
Để hoàn thành nhiệm vụ cơ động đội hình các quân đoàn chủ lực trên chặng đường dài hàng nghìn kilômét trong thời gian cực kỳ khẩn trương, địch đánh phá ác liệt, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã tăng cường tối đa phương tiện cơ giới, lực lượng công binh để vận chuyển và bảo đảm cầu đường phục vụ vận chuyển. Cả Trường Sơn được huy động vào trận. Cả Trường Sơn sục sôi không khí thi đua để giành chiến thắng. Khắp các nẻo đường từ Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam của dãy Trường Sơn và nhiều tuyến đường khác nườm nượp xe, người, súng, pháo. Từng đoàn xe chở quân, chở hàng, nhiều đoàn xe tăng, xe kéo pháo, xe công trình hối hả tiến xuống đồng bằng và tiến về phía Nam. Không kể ngày đêm, không ngưng nghỉ, “thần tốc” và “thần tốc” lúc này là không chỉ là mệnh lệnh của Tổng Tư lệnh mà còn là mệnh lệnh từ trái tim mỗi người lính Trường Sơn.
Chạy đua với thời gian, vượt qua rừng sâu, đèo dốc hiểm trở, vùng trọng điểm trong điều kiện thông tin liên lạc hạn chế, với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến”, những chiến sĩ lái xe Bộ đội Trường Sơn đã vận hành đội hình cơ giới liên hoàn, chính xác, bí mật, hiệu quả. Bằng nhiều biện pháp tổ chức kiên quyết khoa học, như: Tổ chức các cung, chặng vận chuyển phù hợp; sử dụng phù hợp chủng loại xe cho từng nhiệm vụ; tập trung xe xi-téc về các sư đoàn để tự tiếp xăng dầu; tổ chức nhiều trạm chỉ huy cơ động trên đường; phát huy cao độ vai trò chỉ huy của cán bộ trung đoàn, tiểu đoàn… những người lính Trường Sơn đã làm nên kỳ tích về vận chuyển. Đó chính là minh chứng sống động cho khí thế “thần tốc, táo bạo, bất ngờ”, nhịp độ “một ngày bằng hai mươi năm” của thời đại, tinh thần, khát vọng thống nhất non sông, góp phần làm nên chiến thắng huy hoàng của dân tộc.

Trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975, Bộ đội Trường Sơn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm giao thông huyết mạch cho các binh đoàn chủ lực cơ động chiến đấu. Bộ đội Trường Sơn với lực lượng công binh làm nòng cốt đã làm mới, sửa chữa hàng trăm cây cầu, hàng ngàn kilômét đường, rà phá bom mìn, khắc phục sạt lở… để giữ vững “mạch máu” vận tải chiến lược. Máu của các chiến sĩ Bộ đội Trường Sơn đã đổ xuống từng mét đường để những cánh quân chủ lực tiến lên như vũ bão.
Trong Chiến dịch Tây Nguyên, cùng với việc tập trung toàn bộ lực lượng vận tải vận chuyển gấp rút vũ khí, lương thực, lực lượng cho Mặt trận, thực hiện hành quân bộ binh bằng xe cơ giới theo đội hình “vừa đi, vừa đánh” để tăng tốc độ tiến công, tạo bất ngờ chiến lược, các sư đoàn công binh 470, 472, 473 cùng nhiều trung đoàn độc lập của Bộ đội Trường Sơn đã mở đường thần tốc, làm cầu vượt suối, phá bom mìn, mở lối qua rừng sâu núi thẳm, áp sát Buôn Ma Thuột, trực tiếp góp phần tạo thế bất ngờ chiến lược.
Tại mặt trận Trị - Thiên, Bộ đội Trường Sơn đã vận dụng sáng tạo phương thức kết hợp bảo đảm hậu cần, kỹ thuật và cơ động chiến lược trong điều kiện thời gian gấp, bom đạn địch đánh phá ác liệt; lực lượng công binh Trường Sơn khẩn trương khôi phục cầu Mỹ Chánh, Đông Hà, Bến Tượng và hàng trăm mét đường bị chia cắt, tổ chức rà phá bom mìn, mở đường vượt sông cho bộ đội cơ động.
Trên hướng Đà Nẵng, Bộ đội Trường Sơn tổ chức cơ động linh hoạt lực lượng, vừa vận chuyển tiếp viện, vừa tổ chức truy kích địch theo Đường số 1; kết hợp chặt chẽ giữa chiến đấu - bảo đảm giao thông - thu hồi và sử dụng chiến lợi phẩm để đẩy nhanh tốc độ truy kích và mở rộng phạm vi chiến dịch.
Đặc biệt, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, lực lượng Công binh Trường Sơn đã bảo đảm giao thông trên 7 tuyến đường với chiều dài 2.577km, sửa chữa và làm mới 89 cầu với tổng chiều dài 4.216m, khắc phục hàng trăm chướng ngại vật trên các tuyến đường bảo đảm cho các lực lượng cơ động thần tốc vào giải phóng Sài Gòn. Riêng trên tuyến Quốc lộ 1, đoạn Đông Hà - Sài Gòn, công binh Trường Sơn đã khôi phục, sửa chữa và bảo đảm giao thông trên quãng đường dài 800km với 70 cây cầu vượt sông.
Trên các trọng điểm, các đơn vị Bộ đội Trường Sơn đã miệt mài “bám đường giữ mạch máu giao thông”, có mặt kịp thời để khắc phục sự cố, xây dựng đường cơ động mới, bảo đảm cho các binh đoàn cơ động kịp thời, đúng thời điểm, đúng hướng, đúng yêu cầu chiến dịch. Bộ đội Trường Sơn xứng đáng với vai trò là lực lượng tiên phong đưa Đại quân tiến vào mùa Xuân toàn thắng.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Bộ đội Trường Sơn đã triển khai một chiến dịch vận tải chiến lược quy mô lớn, vận chuyển hàng chục nghìn tấn vũ khí, đạn dược, xăng dầu, lương thực, thuốc men tới các chiến trường trọng điểm. Hệ thống bảo đảm hậu cần, kỹ thuật được xây dựng đồng bộ, vận hành linh hoạt, kết nối chặt chẽ giữa các lực lượng, tạo nên một “mạng lưới tiếp sức” khổng lồ, góp phần tiếp thêm sức mạnh cho các đoàn quân.
Ngay từ sau Hiệp định Paris 1973, Bộ đội Trường Sơn đã đẩy mạnh mở rộng và hoàn chỉnh hệ thống giao thông chiến lược Đông và Tây Trường Sơn. Trong 2 năm 1973 - 1974, với nỗ lực, quyết tâm cao độ, Bộ đội Trường Sơn đã vận chuyển chi viện cho các chiến trường hơn 403.300 tấn hàng hóa quân sự, gấp 3,8 lần giai đoạn 1969 - 1972, góp phần vào chiến công vận chuyển trên 1 triệu tấn vật chất, vũ khí giao các chiến trường trong 16 năm hoạt động của Bộ đội Trường Sơn. Để chuẩn bị Chiến dịch Hồ Chí Minh, Bộ đội Trường Sơn đã huy động hai sư đoàn ô tô 471 và 571, gần 5.000 xe các loại, vận chuyển 30.000 tấn vũ khí đạn, 8.000 tấn xăng dầu, 21.000 tấn quân nhu, bảo đảm sẵn sàng cho tất cả các hướng tiến công chiến lược.
Bộ đội Đường ống xăng dầu Trường Sơn tuy mới thành lập nhưng đến đầu năm 1975, đã hoàn thành gần 5.000km đường ống, với hơn 250 trạm bơm do 8 trung đoàn chuyên ngành vận hành; trong đó, T029 ở Bu Phrang, T030 ở Bù Gia Mập là các trạm lớn, có trữ lượng 200m3, đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm cho các đơn vị tham gia chiến dịch, rút ngắn đường lấy xăng từ Bình Long, Phước Long, Lộc Ninh... Riêng 3 tháng đầu năm 1975, Bộ đội Đường ống xăng dầu Trường Sơn đã tiếp nhận hậu phương 46.500 tấn xăng dầu; thu 1 hồi 6.359 tấn xăng dầu của địch; vận chuyển, cấp phát 49.525 tấn xăng dầu cho các đơn vị, phục vụ đầy đủ, kịp thời cho các binh chủng kỹ thuật cơ động chiến đấu.
Với tinh thần “Chủ động, sáng tạo, khẩn trương, chính xác”, Bộ đội Trường Sơn đã xây dựng một hệ thống bảo đảm tác chiến hoàn chỉnh, với sự tổ chức chỉ huy chặt chẽ, sáng tạo, linh hoạt, từ xây dựng kho dự trữ chiến lược đến vận hành trạm quân y, bảo dưỡng phương tiện, kỹ thuật. Tuyến vận tải chiến lược Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh thực sự là hậu phương trực tiếp và vững mạnh, nơi tiếp thêm sức mạnh cho các binh đoàn chủ lực chiến đấu và chiến thắng vẻ vang.
Để chuẩn bị Chiến dịch Hồ Chí Minh, Bộ đội Trường Sơn đã huy động hai sư đoàn ô tô 471 và 571, gần 5.000 xe các loại, vận chuyển 30.000 tấn vũ khí đạn, 8.000 tấn xăng dầu, 21.000 tấn quân nhu, bảo đảm sẵn sàng cho tất cả các hướng tiến công chiến lược
Với tinh thần “Chủ động, sáng tạo, khẩn trương, chính xác”, Bộ đội Trường Sơn đã xây dựng một hệ thống bảo đảm tác chiến hoàn chỉnh, với sự tổ chức chỉ huy chặt chẽ, sáng tạo, linh hoạt, từ xây dựng kho dự trữ chiến lược đến vận hành trạm quân y, bảo dưỡng phương tiện, kỹ thuật.
Tuyến vận tải chiến lược Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh thực sự là hậu phương trực tiếp và vững mạnh, nơi tiếp thêm sức mạnh cho các binh đoàn chủ lực chiến đấu và chiến thắng vẻ vang.
Hành quân với chiếc gậy Trường Sơn huyền thoại.
Hành quân với chiếc gậy Trường Sơn huyền thoại.
Các chiến sĩ thông tin Trường Sơn đảm bảo thông suốt liên lạc trong mọi tình huống (Tây Trường Sơn, mùa khô 1969-1970).
Các chiến sĩ thông tin Trường Sơn đảm bảo thông suốt liên lạc trong mọi tình huống (Tây Trường Sơn, mùa khô 1969-1970).
Bộ đội Trường Sơn có đóng góp to lớn trong các chiến dịch của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giai đoạn 1971-1975.
Bộ đội Trường Sơn có đóng góp to lớn trong các chiến dịch của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giai đoạn 1971-1975.
Năm mươi năm đã trôi qua, Tổ quốc vẫn nhắc đến những chiến công to lớn của Bộ đội Trường Sơn trong mùa Xuân toàn thắng. Bộ đội Trường Sơn đã “vượt lên mọi hy sinh, gian khổ, lao động, chiến đấu dũng cảm sáng tạo, mở đường giỏi, đánh giặc giỏi, bảo đảm tuyến đường thông suốt, bảo đảm vận chuyển kịp thời khối lượng lớn hàng hóa vào chiến trường” như lời khen của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp[1], đóng góp xứng đáng vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Những chiến công của Bộ đội Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 nói riêng sẽ mãi là biểu tượng của lòng trung thành, trí tuệ và ý chí Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh./.
Ngày xuất bản: Tháng 4/2025
Tổ chức sản xuất: Bùi Nam Đông
Nội dung: Thượng tá, ThS NGUYỄN DUY HIỂN, Viện Chiến lược và Lịch sử quốc phòng Việt Nam
Trình bày: Thùy Lâm
Ảnh: Tư liệu