Đại tá, Tiến sĩ LÊ QUANG LẠNG
Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Nam

Chẳng phải ngẫu nhiên chiến trường Tây Nguyên lại được Bộ Thống soái tối cao của ta chọn là nơi mở đầu cuộc tiến công chiến lược giải phóng miền nam. Thật vậy, ngay từ khi thành lập (01/5/1964), Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh đã xác định rõ vai trò, vị trí và nhiệm vụ của Mặt trận Tây Nguyên (mật danh B3): “Xây dựng Tây Nguyên thành chiến trường đánh tiêu diệt lớn, có đội quân chủ lực mạnh làm nòng cốt thúc đẩy ba thứ quân phát triển; tiêu diệt, tiêu hao nhiều và rộng rãi sinh lực, phương tiện chiến tranh của địch; thu hút và giam chân lực lượng chủ lực cơ động Mỹ - ngụy, tạo điều kiện cho đồng bằng và thành phố nổi dậy; phối hợp chặt chẽ với Trị - Thiên, Đông Nam Bộ và các chiến trường khác tiến công địch trong những thời điểm chiến lược. Đồng thời xây dựng hậu phương trực tiếp của chiến trường thành căn cứ địa vững chắc của cách mạng miền nam và Đông Dương: xây dựng, bảo vệ hành lang chiến lược nối liền hậu phương với tiền tuyến lớn, phá thế chia cắt của địch, tiến lên chia cắt địch”[1].

Sở Chỉ huy mặt trận Tây Nguyên, tháng 3/1975. (Ảnh: TTXVN)

Sở Chỉ huy mặt trận Tây Nguyên, tháng 3/1975. (Ảnh: TTXVN)

Quá trình triển khai nhiệm vụ và kết quả chiến đấu của quân và dân trên chiến trường Tây Nguyên đã khẳng định tầm nhìn chiến lược và quyết sách đúng đắn của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh. Vượt qua khó khăn, thử thách đối với một chiến trường rừng núi, trong hơn 10 năm xây dựng, chiến đấu, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên đã lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân trên địa bàn tiến hành nhiều trận đánh, chiến dịch quan trọng, giành thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, tiêu biểu là Chiến dịch Pleime (cuối năm 1965) - đánh phủ đầu và diệt gọn cấp tiểu đoàn quân Mỹ; Chiến dịch Sa Thầy (cuối năm 1966), Đăk Tô 1 (cuối năm 1967), Đăk Tô 2 (giữa năm 1969), Bắc Tây Nguyên (đầu năm 1972)..., góp phần cùng quân dân miền nam lần lượt làm thất bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn, buộc đối phương phải ký kết Hiệp định Paris (27/1/1973) về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Để thúc đẩy thời cơ giành thắng lợi hoàn toàn cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từ cuối năm 1973 đến đầu năm 1974, quân và dân miền nam đã đẩy mạnh phản công và tiến công, kiên quyết đánh bại âm mưu lấn đất, giành dân của địch... Ở Tây Nguyên, ta đánh chiếm căn cứ Chư Nghé, Măng Đen, Măng Bút, Ia Súp, Lệ Ngọc, mở rộng vùng giải phóng ở tây Đường số 14 và bắc thị xã Kon Tum[2]. Tuy nhiên, bước vào mùa khô 1974-1975, Mỹ và chính quyền, quân đội Sài Gòn phán đoán, trong năm 1975, các hoạt động tiến công của ta tại chiến trường Tây Nguyên lớn hơn năm 1974 nhưng chưa thể bằng năm 1972. Quân Giải phóng sẽ chiếm một số chi khu, quận lỵ, một số thị xã, thị trấn nhưng cố tránh không để Mỹ can thiệp trở lại. Ở Quân khu 2, Quân Giải phóng sẽ đánh bắc Tây Nguyên, chiếm các thị xã Peiku, Kon Tum trước mùa mưa và chúng cho rằng, cuộc tiến công của ta sẽ bắt đầu vào dịp Tết cho đến hết tháng 6/1975. Từ dự đoán trên đây, địch điều chỉnh lực lượng dự bị cơ động phòng giữ bắc Tây Nguyên, nâng tổng số quân chủ lực ở đây lên đến 8 trung đoàn và liên đoàn, còn ở nam Tây Nguyên chỉ có 1 trung đoàn bộ binh và 1 liên đoàn biệt động[3].

Bộ đội Gia Lai hành quân trên Đường 19 (năm 1975). (Ảnh: TTXVN)

Bộ đội Gia Lai hành quân trên Đường 19 (năm 1975). (Ảnh: TTXVN)

Nắm bắt chuyển động của chiến trường miền nam, khả năng và biện pháp đối phó của Mỹ và chính quyền, quân đội Sài Gòn, tháng 2/1974, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh đã dự kiến phương hướng chiến lược trong hai năm 1975, 1976 và chỉ rõ: “Đòn tiến công chính của chủ lực là ở Tây Nguyên”. Tháng 9/1974, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh chính thức giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên mở chiến dịch nam Tây Nguyên. Khu vực tác chiến lúc đầu là Thuần Mẫn, Đức Lập. Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên nghiên cứu quán triệt nhiệm vụ và phổ biến sơ bộ cho các bộ phận liên quan chuẩn bị trước.

Từ ngày 30/9 đến ngày 8/10/1974, Bộ Chính trị tiến hành Hội nghị thảo luận kế hoạch chiến lược, tập trung phân tích chỗ mạnh, chỗ yếu của quân đội Sài Gòn, khả năng trở lại của Mỹ, kết quả chuẩn bị chiến lược, thế mới, lực mới của ta, và bước đầu hạ quyết tâm giải phóng miền nam. Sau khi nghe Bộ Tổng Tham mưu trình bày Dự thảo kế hoạch tiến công chiến lược giải phóng miền nam, Bộ Chính trị đã cho ý kiến, nhất trí với nội dung Dự thảo và xác định quyết tâm chiến lược: “Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy cuối cùng, đưa chiến tranh đến mức phát triển cao nhất, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân ngụy, đánh chiếm Sài Gòn, sào huyệt trung tâm của địch cũng như tất cả các thành thị khác, đánh đổ ngụy quyền ở trung ương và các cấp, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân, giải phóng hoàn toàn miền nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, tiến tới thống nhất nước nhà”[4]. Bộ Chính trị nhấn mạnh: “Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền nam trong năm 1975”[5] và đề ra hướng chiến lược cho bộ đội chủ lực phải chuẩn bị cả hai hướng là Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ, trong đó trọng điểm nam Tây Nguyên là hướng chiến lược rất quan trọng, miền Đông Nam Bộ là hướng quyết định cuối cùng.

Voi Tây Nguyên tham gia vận chuyển gỗ cho Chiến dịch Tây Nguyên. (Ảnh: TTXVN)

Voi Tây Nguyên tham gia vận chuyển gỗ cho Chiến dịch Tây Nguyên. (Ảnh: TTXVN)

Trong lúc Bộ Chính trị họp thảo luận kế hoạch tiến công chiến lược giải phóng miền nam thì tại Tây Nguyên, lực lượng vũ trang khẩn trương chuẩn bị mở Chiến dịch Tây Nguyên theo nhiệm vụ do Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh giao lần thứ nhất (9/1974). Theo đó, khu vực tác chiến chủ yếu của chiến dịch lúc đầu là Thuần Mẫn, Đức Lập nhằm mở thông hành lang nối liền nam Tây Nguyên với Đông Nam Bộ, tạo điều kiện cho bộ đội chủ lực cơ động nhanh vào miền Đông, phối hợp với quân chủ lực tại chỗ của Miền tiến công Sài Gòn - Gia Định.

Ngày 9/10/1974, Thường trực Quân ủy Trung ương họp bàn nhiệm vụ quân sự trong mùa Xuân 1975. Thực hiện bước một kế hoạch tác chiến chiến lược, Thường trực Quân ủy Trung ương quyết định mở chiến dịch tiến công địch ở nam Tây Nguyên, mục tiêu chủ yếu là Buôn Ma Thuột.

Đến ngày 13/11/1974, Mặt trận Tây Nguyên được Bộ Tổng Tư lệnh giao nhiệm vụ lần thứ hai với quy mô chiến dịch rộng lớn và nặng nề hơn trước. Tuy nhiên, đến lúc này, mục tiêu thị xã Buôn Ma Thuột vẫn chưa được xác định trong nhiệm vụ của chiến dịch Tây Nguyên, mà chỉ cố gắng giải phóng Đức Lập, Thuần Mẫn, Kiến Đức và vùng đất bằng xung quanh Buôn Ma Thuột, xung quanh Pleiku và Cheo Reo. Bộ Chính trị thấy cần phải có thời gian nghiên cứu, đánh giá tình hình ta, địch kỹ hơn, nhất là khả năng trở lại can thiệp của Mỹ khi ta đánh lớn.

Quân giải phóng tiến công giải phóng cứ điểm Bộ Chỉ huy Cảnh sát Việt Nam Cộng hòa ở Phước Long. (Ảnh: TTXVN)

Quân giải phóng tiến công giải phóng cứ điểm Bộ Chỉ huy Cảnh sát Việt Nam Cộng hòa ở Phước Long. (Ảnh: TTXVN)

Đặc biệt, thắng lợi của quân và dân ta trong Chiến dịch Đường 14 - Phước Long (13/12/1974-6/1/1975)[6] là một nhân tố mới rất quan trọng để Hội nghị Bộ Chính trị (mở rộng, Đợt 2)[7] khẳng định quyết tâm chiến lược giải phóng miền nam với yêu cầu cao hơn. Tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị là giành thắng lợi nhanh hơn, lớn hơn. Bộ Tổng tham mưu căn cứ vào tình hình phát triển của chiến trường, đề đạt ý kiến với Bộ Chính trị bổ sung điều chỉnh kế hoạch tác chiến cho phù hợp với tình hình mới. Đây cũng chính là thời cơ để ta quyết tâm giải phóng Tây Nguyên.

Ngay sau khi Hội nghị Bộ Chính trị kết thúc, ngày 9/1/1975, Thường trực Quân ủy Trung ương họp để quán triệt và triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị. Cùng tham dự có các đồng chí Võ Chí Công - Bí thư Khu ủy Khu V, Chu Huy Mân - Tư lệnh Quân khu 5, Lê Trọng Tấn - Phó Tổng Tham mưu trưởng và Hoàng Minh Thảo - Phó Tư lệnh Quân khu 5. Vấn đề trọng tâm là bàn về Chiến dịch Tây Nguyên. Kết luận cuộc họp, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp nhắc lại quyết định của Bộ Chính trị chọn nam Tây Nguyên làm hướng tiến công chiến lược chủ yếu, mục tiêu tiến công đầu tiên là Buôn Ma Thuột, hướng phát triển tiếp theo là phía đông. Sử dụng lực lượng cũng như cách đánh phải mạnh bạo, bí mật, bất ngờ, nghi binh tốt, hướng sự chú ý của địch vào bắc Tây Nguyên và Trị - Thiên. Về công tác chính trị, tư tưởng, công tác tổ chức trong chiến dịch, cần xây dựng quyết tâm giành thắng lợi lớn nhất, nắm vững tư tưởng đánh tiêu diệt, coi trọng công tác binh vận, đề cao tinh thần đoàn kết hiệp đồng, tôn trọng kỷ luật chiến trường, nghiêm chỉnh chấp hành chính sách vùng giải phóng, chính sách tù, hàng binh, chính sách chiến lợi phẩm... Công tác cán bộ cần sắp xếp, dự trù đủ cán bộ có phẩm chất và năng lực, bảo đảm chỉ huy lãnh đạo bộ đội chiến đấu liên tục, sẵn sàng bổ sung phát triển lực lượng.

Đơn vị vận tải C3 anh hùng (Đoàn 250 Tây Nguyên) cõng đạn ra chiến trường. (Ảnh: TTXVN)

Đơn vị vận tải C3 anh hùng (Đoàn 250 Tây Nguyên) cõng đạn ra chiến trường. (Ảnh: TTXVN)

Nhiệm vụ cụ thể của chiến dịch Tây Nguyên được xác định rõ:

  • Tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch loại khỏi vòng chiến đấu từ bốn đến năm vạn tên, diệt từ ba đến bốn trung đoàn, liên đoàn bộ binh, thiết giáp, đánh thiệt hại nặng từ một đến hai sư đoàn chủ lực địch, diệt nhiều tiểu đoàn bảo an, nhiều trung đội dân vệ, làm tụt nhanh quân số của địch. Mở rộng hành lang chiến lược từ đường 14 qua Gia Nghĩa xuống đường 20 nối với miền Đông Nam Bộ và từ Tây Nguyên xuống ba tỉnh Khu V.
  • Giải phóng nhân dân và phần lớn vùng đất ở nam Pleiku và Cheo Reo, xung quanh Buôn Ma Thuột, đánh bại kế hoạch “bình định”, nống lấn và giải tỏa của địch, giữ vững, phát huy quyền làm chủ chiến trường, thực hiện chia cắt chiến lược. Tích cực phối hợp với mặt trận chống bình định ở đồng bằng. Diệt từ ba đến bốn tiểu khu, chi khu quân sự, từ một đến hai tỉnh lỵ...
  • Đánh phá giao thông và hậu cứ, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, làm cho tiềm lực kinh tế của địch giảm sút trầm trọng. Khi có thời cơ, thực hiện chia cắt hẳn các đường 14, 19, 21, trọng điểm là đường 19.
  • Phát triển đấu tranh chính trị trong các thị xã. Ra sức xây dựng cơ sở tự vệ mật và các tổ chức biệt động, diệt ác ôn đầu sỏ, tạo thế làm chủ ở cơ sở.
  • Xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, xây dựng vùng giải phóng, xây dựng các đường chiến lược, chiến dịch, hoàn thành mọi công tác chuẩn bị cho nhiệm vụ tiếp theo. Quyết tâm chiến lược của Đảng đã được cụ thể hóa. Các cơ quan Tổng hành dinh theo chức trách của mình, hướng mọi nỗ lực vào chiến trường chính Tây Nguyên, hướng vào mục tiêu Buôn Ma Thuật, khẩn trương chuẩn bị ngày đêm. Theo chỉ thị của Bộ Tổng tham mưu, Đoàn 232 (tương đương quân đoàn) được thành lập trên cơ sở Bộ Chỉ huy tiền phương B2 và các lực lượng Miền, Quân khu 8 và lực lượng của Bộ mới tăng cường[8].

Ngày 21/1/1975, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh giao nhiệm vụ bổ sung cho chiến dịch Tây Nguyên, trong đó nhiệm vụ giải phóng Buôn Ma Thuột là nhiệm vụ chủ yếu của chiến dịch.

Quyết định mở chiến dịch tiến công Tây Nguyên thể hiện tầm nhìn chiến lược của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh trong chỉ đạo, điều hành chiến tranh. Khi nhận thấy thế và lực của địch đã suy yếu, bị động nhưng Mỹ có có khả năng can thiệp trở lại, Bộ Thống soái tối cao đã nhận rõ thời cơ và đưa ra quyết định chính xác nhằm giải phóng Tây Nguyên.

Tây Nguyên là một địa bàn có nhiều điều kiện thuận lợi cho đánh tiêu diệt lớn sinh lực địch, nhất là vùng xung quanh Buôn Ma Thuột.

Bằng mọi phương tiện thô sơ và cơ giới, các chiến sĩ vận tải vận chuyển hàng hóa phục vụ Chiến dịch Tây Nguyên. (Ảnh: TTXVN)

Bằng mọi phương tiện thô sơ và cơ giới, các chiến sĩ vận tải vận chuyển hàng hóa phục vụ Chiến dịch Tây Nguyên. (Ảnh: TTXVN)

Xét về mặt địa lý quân sự, Tây Nguyên là một địa bàn có nhiều điều kiện thuận lợi cho đánh tiêu diệt lớn sinh lực địch, nhất là vùng xung quanh Buôn Ma Thuột. Đó là vùng hiểm yếu, tiếp giáp với đồng bằng Khu V và Nam Bộ, giành thắng lợi ở đây có thể dễ dàng phát triển xuống đồng bằng. Chọn Tây Nguyên là ta đã chọn đúng nơi yếu nhất của địch, bởi vì quân đội Sài Gòn lúc này đang tập trung lực lượng mạnh phòng thủ ở hai đầu (Trị - Thiên và Sài Gòn - Gia Định), yếu và sơ hở ở giữa (Quân khu 2). Đánh vào chỗ địch sở hở nhưng hiểm, ta có điều kiện mở cuộc tiến công tiếp theo giải phóng vùng đồng bằng ven biển Nam Trung Bộ, thực hiện chia cắt chiến lược, cô lập Quân khu 1 của địch, trực tiếp uy hiếp Quân khu 3, nhất là Sài Gòn - Gia Định. Thế trận phòng ngự của địch trên toàn miền nam sẽ nhanh chóng ta vỡ.

Trên địa bàn Tây Nguyên, địch bố trí lực lượng phòng ngự mạnh ở phía Bắc (Kon Tum, Pleiku), còn khu vực Buôn Ma Thuột, chúng thường xem như là hậu phương chiến dịch. Trước ngày ta nổ súng mở màn chiến dịch, địch tập trung 8/10 trung đoàn, chiến đoàn ở bắc Tây Nguyên. Ở nam Tây Nguyên, lực lượng phòng ngự của chúng mỏng yếu hơn[9]. Chính vì vậy, Bộ Chính trị đã đồng ý đề xuất của Quân ủy Trung ương chọn Buôn Ma Thuột là mục tiêu then chốt chủ yếu của chiến dịch. Đánh Buôn Ma Thuột là một đòn bất ngờ đối với địch. Sẽ có nhiều khả năng phá vỡ hệ thống phòng ngự của chúng ở Quân khu 2, làm rung chuyển Tây Nguyên và toàn bộ thế trận của địch trên chiến trường, tạo ra thời cơ mới cho việc thực hiện kế hoạch chiến lược hai năm 1975-1976.

Trong diễn biến thực tế, Chiến dịch Tây Nguyên với thế trận nghi binh tài tình, hiệu quả (bắc Tây Nguyên), với trận đánh then chốt đột phá mở đầu Buôn Ma Thuột (nam Tây Nguyên) giành thắng lợi nhanh chóng, giòn giã, làm cho quân đội và chính quyền Sài Gòn hoàn toàn bị bất ngờ về hướng tiến công và quy mô lực lượng của ta. Từ thất bại này, đối phương liên tiếp phạm những sai lầm nghiêm trọng trên bàn cờ chiến lược, tháo chạy khỏi Tây Nguyên. Cuộc tiến công chiến lược của ta có điều kiện và thời cơ thuận lợi phát triển lên thành Tổng tiến công chiến lược giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, hoàn thành thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trình bày: Xuân Bách - Nhã Nam

Ảnh: TTXVN