Trong các bài phát biểu gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra nhiều việc cấp bách phải hoàn thành để chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng, là Đại hội đặt dấu mốc cho “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, với nhiều bứt phá nhằm đạt các mục tiêu kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Giai đoạn hiện nay, kinh tế thế giới và kinh tế khu vực liên tục có những biến động xấu, tác động đến kinh tế Việt Nam. Mặt khác, các vấn đề nội tại của nền kinh tế cũng chưa được nhìn nhận một cách thấu đáo để có được những quyết sách đúng đắn, hiệu quả, nhằm đưa doanh nghiệp Việt vươn lên làm chủ thị trường trong nước, hướng tới xuất khẩu và có các sản phẩm chất lượng cao, mang thương hiệu Việt Nam.
Việc tái cơ cấu nền kinh tế với hai mục tiêu: khắc phục các khuyết tật trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; và đến năm 2030, Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại có mức thu nhập trung bình cao (GDP bình quân đầu người khoảng 10.000 USD/năm), còn nhiều vấn đề cần trao đổi, làm rõ.
Trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, kinh tế nhà nước và kinh tế hợp tác là động lực chủ yếu để thúc đẩy phát triển, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng.
Thời gian tiến hành đổi mới từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đến nay đã đủ dài để có thể phân tích, làm rõ các yếu tố giúp chúng ta đạt được các thành tựu đáng tự hào, chỉ ra những nguyên nhân khiến đất nước chưa khai thác hết các tiềm năng, lợi thế nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội.
Trong cả hai bản Cương lĩnh, Đảng ta đều khẳng định trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, kinh tế nhà nước và kinh tế hợp tác là động lực chủ yếu để thúc đẩy phát triển, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng. Sau 40 năm đổi mới, chúng ta cần có đánh giá nghiêm túc về các lĩnh vực này.
Đối với kinh tế hợp tác - trong đó trọng tâm là kinh tế nông nghiệp, bên cạnh những thành tựu là đáp ứng được nhu cầu của đất nước về lương thực, thực phẩm, là một lĩnh vực xuất khẩu với kim ngạch lớn, thì nhược điểm là quan hệ sản xuất về cơ bản không có nhiều tiến bộ.
Kinh tế nông nghiệp vẫn đang vật lộn với mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kinh tế hộ gia đình, chưa hình thành được những khu vực sản xuất nông nghiệp theo mô hình công nghiệp, tạo ra lượng hàng hóa đủ lớn để đầu tư khoa học-công nghệ vào toàn bộ chuỗi giá trị từ sản xuất, thu hoạch, chế biến… nhằm thực hiện công nghiệp hóa trong sản xuất nông nghiệp, giúp người nông dân nâng cao chất lượng hàng hóa, cải thiện thu nhập, làm giàu được bằng chính nghề nông.
Đối với kinh tế nhà nước, Nhà nước sử dụng công cụ vật chất là doanh nghiệp nhà nước để thực hiện chức năng đầu tư dẫn dắt, mở đường. Đối với kinh tế tư nhân, Nhà nước nắm vai trò hoạch định, xây dựng, thực thi các chính sách điều tiết để tạo điều kiện thuận lợi cho tư nhân phát triển và làm tất cả những việc pháp luật không cấm; đồng thời điều chỉnh, sửa chữa những khuyết tật của thị trường.
Cả kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân đều có liên quan tới vai trò của Nhà nước. Tuy nhiên, thời gian qua, hai vai trò này chưa được hiểu đúng và phân định rạch ròi, dẫn tới ở cả hai khu vực đều xảy ra những trục trặc.
Trên cơ sở phân tích các điều kiện địa chính trị quốc tế và nội tại Việt Nam, với các chỉ tiêu đã đặt ra, thì yêu cầu tốc độ phát triển kinh tế-xã hội của nước ta so các nước trên thế giới và khu vực là rất cao. Do đó, muốn hiện thực hóa các mục tiêu, định hướng lớn, đòi hỏi Đại hội Đảng lần thứ XIV phải có những quyết sách đột phá để khắc phục những khó khăn về thể chế, nguồn nhân lực và huy động mọi nguồn lực của đất nước vào đầu tư phát triển. Có thể gợi ý một số vấn đề trọng tâm mà Đại hội Đảng cần xử lý như sau:
THỨ NHẤT, VỀ CẢI CÁCH THỂ CHẾ
Việc đầu tiên trong cải cách thể chế là cải cách ngay hệ thống hành chính, tổ chức bộ máy của hệ thống nhà nước. Các cơ quan và các nhà khoa học đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về thực tế “chưa có quốc gia nào lại có nhiều đơn vị hành chính cấp tỉnh như ở Việt Nam”. Mô hình này đã làm phân tán việc sử dụng các nguồn lực vốn đã hạn chế của Nhà nước trong phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, những lĩnh vực cần được ưu tiên, bởi hiên nay, hơn 70% chi ngân sách là chi thường xuyên, chỉ còn gần 30% chi cho an ninh-quốc phòng và đầu tư phát triển.
Trước hết, cần xác định rõ nhiệm vụ của từng địa phương dựa trên lợi thế so sánh và nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ giao để các địa phương chủ động phát huy được sức mạnh của mình, tránh tình trạng tỉnh nào cũng phải đặt mục tiêu phát triển tốc độ tăng GRDP tương đương bình quân của cả nước mà không dựa vào đặc điểm địa lý, chính trị của địa phương đó.
Tương tự như vậy ở cấp bộ, ngành, bộ máy quản lý cũng phình to, dẫn đến tình trạng chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ, trong khi nếu xảy ra vấn đề trục trặc thì không rõ đầu mối quản lý, không rõ người chịu trách nhiệm.
Hiên nay, hơn 70% chi ngân sách là chi thường xuyên, chỉ còn gần 30% chi cho an ninh-quốc phòng và đầu tư phát triển.
Từ việc chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ của bộ máy quản lý, dẫn tới chồng chéo trong quy định của các văn bản pháp luật. Trong cải cách thể chế, việc xây dựng hệ thống pháp luật ổn định, có tính định hướng là rất quan trọng, song thực tế là các luật ban hành đều có tuổi đời tương đối ngắn.
Trong nhiều trường hợp, luật được xây dựng với tinh thần cởi mở để các cơ quan quản lý tùy vào tình hình thực tiễn mà ban hành quy định phù hợp trong từng thời kỳ.
Tuy nhiên, điều này lại dẫn tới việc cơ quan quản lý ban hành quá nhiều văn bản dưới luật theo xu hướng chặt hơn, không cởi mở như khi xây dựng luật. Để rồi khi vướng mắc thực tế xảy ra, các bên liên quan lại yêu cầu sửa luật, dẫn tới một vòng xoáy thiếu ổn định của hệ thống văn bản pháp luật.
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Trọng tâm cải cách thể chế là phân cấp, phân quyền. Ảnh: quochoi.vn
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Trọng tâm cải cách thể chế là phân cấp, phân quyền. Ảnh: quochoi.vn
THỨ HAI, VỀ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN
Cần sử dụng tốt đầu tư công để tạo đà cho các thành phần kinh tế khác cùng tham gia góp vốn đầu tư phát triển hệ sinh thái sản xuất, thực hiện tốt quan điểm “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”.
Cần kiên quyết cải tổ bộ máy quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Với nguồn tài sản hơn 3,5 triệu tỷ đồng, phải có các biện pháp kiên quyết thông qua việc áp dụng các quy luật của nền kinh tế thị trường để sử dụng nguồn lực rất lớn này, theo nguyên tắc không phân biệt nguồn gốc sở hữu mà phải xác định rõ trách nhiệm hai vai của Nhà nước đối với nguồn tài sản này: vừa thực hiện công tác quản lý nhà nước, vừa thực hiện vai trò chủ sở hữu.
Trước mắt, Nhà nước cần tiếp tục đầu tư vào các dự án trọng điểm để tạo ra nhu cầu và mở đường cho các ngành công nghiệp mới. Điển hình là sử dụng nguồn vốn đầu tư công khoảng gần 130 tỷ USD xây dựng hệ thống đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị tại hai thành phố lớn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong khoảng thời gian 10-15 năm tới; từ đó hình thành nên ngành công nghiệp giao thông vận tải có đủ khả năng làm chủ công nghệ. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể dựa vào đây để phát triển công nghiệp bán dẫn và công nghiệp tự động hóa.
Cùng với việc đầu tư vào những ngành kinh tế mới, cũng cần phát triển song song các ngành mà Việt Nam đã chứng minh được lợi thế cạnh tranh. Điển hình là các lĩnh vực dệt may, da giày, với lợi thế trong 10-20 năm nữa về nguồn lao động và thị trường.
Cần sử dụng tốt đầu tư công để tạo đà cho các thành phần kinh tế khác cùng tham gia góp vốn đầu tư phát triển hệ sinh thái sản xuất, thực hiện tốt quan điểm “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”.
Tuyến đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội. Ảnh: HOÀI THU
Tuyến đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội. Ảnh: HOÀI THU
THỨ BA, VỀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Để phát triển bền vững, Việt Nam cần phải thực hiện các cam kết quốc tế về năng lượng xanh, kinh tế xanh.
Trong vài năm trở lại đây, các nghiên cứu về năng lượng hydrogen amoniac được đẩy mạnh nghiên cứu và dự kiến đến cuối thập niên này sẽ có một số nhà máy đi vào hoạt động. Đây là tiền đề cho việc sử dụng năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) bền vững, giải quyết được bài toán không ổn định của năng lượng tái tạo.
Cùng với sự ra đời của các nhà máy điện xanh này, Việt Nam cũng phải nghiên cứu và mua công nghệ lưu trữ điện và các phương tiện sử dụng điện tiết kiệm.
Cần khôi phục quá trình triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân mà chúng ta đã tạm dừng để tiếp tục nghiên cứu sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản).
Nếu nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng được việc triển khai rộng rãi nền kinh tế số, lại đứng trước yêu cầu ứng dụng phát triển năng lượng xanh thì sẽ là một cản trở rất lớn trong phát triển kinh tế đất nước theo các mục tiêu đã đề ra.
Một số đề xuất nêu trên là những nét gợi mở để có thể hình dung được các khó khăn, thuận lợi đối với kinh tế Việt Nam trong những năm tới. Qua đó, chúng ta có thể bình tĩnh, tự tin trước các sự việc, diễn biến của kinh tế thế giới và khu vực tác động đến nước ta, giúp chúng ta vững bước trên con đường thực hiện mục tiêu mà Đảng đề ra cho tới năm 2030 và 2045.