Bóng đá nữ Việt Nam:
Không tới World Cup
để dạo chơi
“Chúng tôi sẽ không tới World Cup để dạo chơi. Chúng tôi sẽ chiến đấu hết mình để tất cả biết về một Việt Nam kiên cường, ý chí vươn lên”, cầu thủ Huỳnh Như, đội trưởng Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam chia sẻ.
“Không thể bỏ cuộc
khi đồng đội đang cần”
Chương Thị Kiều và các đồng đội xuất hiện trong buổi tọa đàm “Nâng tầm bóng đá nữ Việt Nam” do Báo Nhân Dân tổ chức với một trang phục rất giản dị. Chiếc áo đồng phục xanh thêu cờ đỏ sao vàng bên ngực trái, quần thể thao cùng một gương mặt có phần… bẽn lẽn. Cô trông khác xa với hình ảnh một chiến binh băng gối, khập khiễng chiến đấu hết mình cho tới giây phút cuối cùng trên sân vận động Cẩm Phả cách đây không lâu.
Nhìn lại chặng đường “giành vàng” đã qua, HLV Mai Đức Chung không giấu nổi sự bồi hồi. Ông Chung tự nhận mình đã rất may mắn khi đã được đồng hành cùng những cô gái nhỏ bé nhưng kiên cường và không bao giờ chịu khuất phục. Đó là đội trưởng Huỳnh Như đã từng bị căng cứng cả hai chân, không thể đi lại được ngay sau trận chung kết SEA Games 2019; hay mới đây nhất là hình ảnh những nữ chiến binh sao vàng ra sân với những tấm vải trắng bó trên chân mình tại SEA Games 31.
Người hâm mộ cả nước chắc chắn sẽ không thể quên bước chân rướm máu của Kiều tại trận chung kết Philippines năm 2019. Vào thời điểm ấy, cô gái dân tộc Khmer ở huyện Gò Quao (Kiên Giang) còn chưa bình phục hẳn vết đau ở đầu gối phải nhưng vẫn quyết tâm vào sân thi đấu. Nữ trung vệ mang áo số 3 sau đó đã có pha va chạm rất mạnh với Chinwwong của Thái Lan khiến đùi trái của Kiều xướt xát hết. Nhưng cô vẫn kiên cường băng bó lại rồi lại vào sân thi đấu tới cuối cùng.
Sau này, nhớ lại quyết định của mình, hậu vệ sinh năm 1995 này cho hay: Lúc đó, cô không nghĩ được quá nhiều, bởi đây đã là trận chung kết SEA Games rồi.
“Phía sau chúng tôi còn là rất nhiều người hâm mộ. Tôi chỉ nghĩ mỗi khi vào sân là mình cần phải ‘chiến’ hết mình. Khi bị rách đùi, HLV Mai Đức Chung hỏi: ‘Có sao không con’. Lúc ấy, tôi chỉ càng muốn vào sân nhanh hơn nữa. Tôi không muốn mọi người phải chiến đấu thay cho phần mình”, Chương Thị Kiều hồi tưởng.
Nhà báo Minh Hải – người đã đồng hành cùng các cô gái kim cương trong nhiều năm qua cũng đặc biệt ấn tượng với “chân rớm máu” của Chương Thị Kiều. Ngay buổi tối Kiều gặp chấn thương, Minh Hải đã tới thăm cô. Ban đầu, cũng giống như nhiều người hâm mộ nghĩ Kiều chỉ bị rách phần bụng chân, nhưng khi tới nơi, anh mới biết nữ trung vệ đã bị đứt bán dây chằng – một dạng chấn thương rất nặng có nguy cơ hủy hoại toàn bộ sự nghiệp quần đùi, áo số.
“Tôi đến đúng lúc bác sĩ đang thăm khám cho Kiều. Tiếng kêu của em khi được sát trùng vết thương thực sự là tiếng kêu đau đớn nhất mà tôi từng thấy. Lúc đó tôi hỏi: ‘Nếu có cơ hội làm lại, em có làm không?’. Câu trả lời của em khiến tôi cảm thấy mình vô cùng nhỏ bé: ‘Em không thể để đồng đội ở lại phía sau em được, nhất là khi mọi người đang cần em’. Đó chính là tinh thần bất khuất kế thừa của con cháu Bà Trưng, Bà Triệu”, nhà báo Minh Hải tâm sự.
Bóng đá Việt Nam có thể yếu về thể lực, nhỏ hơn về thể hình, nhưng trái tim của các cô gái kim cương luôn vĩ đại. Họ đã chiến đấu bằng tinh thần của những chiến binh, bằng sự quả cảm không lui bước để hiện thực hóa từng bước những giấc mơ cả đời của mình. Đó cũng chính là lý do khiến bóng đá nữ phát triển hơn rất nhiều so với sự đầu tư cơ bản.
"Cháy" hết mình tại World Cup để quốc kỳ Việt Nam bay cao
Tháng 2/2022, khi tiếng còi của trọng tài vang lên, báo hiệu trận play-off cuối cùng giữa Việt Nam và Đài Bắc Trung Hoa kết thúc, Huỳnh Như đứng sững trên sân cỏ một lúc. Trong một khoảnh khắc, tất cả hình ảnh về những ngày tập dưới cái nắng cháy da hay lúc vật vã với chấn thương trong suốt những năm tháng làm cuộc đời cầu thủ trước đó như ùa về trong cô. Cuối cùng, giấc mơ từ thuở nhỏ đã thành hiện thực.
Đó là cách đội trưởng Huỳnh Như bắt đầu câu chuyện về kỳ tích World Cup 2023. Với Như cũng như tất cả các cầu thủ của đội tuyển nữ Quốc gia, tới được World Cup chính là thành công được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu. Thế nhưng, theo Như, chắc chắn, cả đội sẽ tới với Ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh không phải chỉ để “đá cho vui”.
“Chúng tôi đã xem Thái Lan đá ở World Cup trước đó và biết được tất cả các đối thủ đều rất mạnh. Nhưng chúng ta cũng tiến bộ. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để lá cờ Việt Nam được tất cả mọi người trên thế giới nhìn thấy, để bạn bè quốc tế hiểu rằng: Việt Nam chúng ta dù nhỏ bé nhưng ý chí và sức mạnh luôn vươn xa”, đội trưởng tuyển nữ Việt Nam khẳng định.
Đồng tình với quan điểm của Huỳnh Như, ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục Thể thao cho rằng: Trong thời gian tới đây, Tổng cục Thể dục Thể thao sẽ tích cực giúp đỡ, hỗ trợ các cầu thủ chuẩn bị tốt nhất cho World Cup. Trong chiến lược phát triển lâu dài, Tổng cục Thể dục Thể thao đặc biệt quan tâm tới sự phát triển chung của các đội tuyển bóng đá, trong đó có bóng đá nữ.
Sắp tới đây, chúng ta sẽ tập trung vào việc đào tạo bài bản hơn để nâng tầm bóng đá nữ nhằm hướng tới mục tiêu cạnh tranh ở sân chơi cấp độ châu lục và thế giới trong tương lai”
Bàn cụ thể hơn về khâu chuẩn bị cho World Cup, ông Phấn cho rằng, bên cạnh việc nâng cao thể lực, đội tuyển bóng đá nữ cũng cần tính đến các yếu tố khác như kỹ, chiến thuật. Đây là những điểm HLV Mai Đức Chung đang làm rất tốt do có kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với bóng đá nữ.
“World Cup là một sân chơi lớn, do đó, chúng ta cần thận trọng trong từng bước đi. Điều quan trọng là các cầu thủ cần phải đá hết mình và không tự tạo áp lực cho mình, qua đó khẳng định tinh thần Việt Nam. Với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước, Tổng Cục Thể dục Thể thao cũng sẽ tạo điều kiện hết khả năng để đội tuyển có thể làm được điều gì đó”, ông Phấn nhấn mạnh.
Trong khi đó, bình luận viên Vũ Quang Huy nêu quan điểm: Phải nhìn nhận khách quan, bản thân các cầu thủ nữ mặc dù 7 lần vô địch SEA Games nhưng cũng chỉ chiến thắng sát nút các đối thủ trong khu vực với sự tập trung và chuyên nghiệp rất cao. Đông Nam Á đã thế thì World Cup, chúng ta không nên tạo áp lực.
“Tôi rất mừng khi vừa qua, VFF cũng đã có chiến lược đưa chị em đi tập huấn, sắp tới là đi Pháp và sau đó là châu Á. Đây là cơ hội để các chị em cọ xát với các trường phái bóng đá khác nhau, qua đó chuẩn bị tốt hơn cho kỳ World Cup sắp tới”, bình luận viên kỳ cựu chia sẻ.
Nhìn nhận từ góc độ vĩ mô hơn, nhà báo Minh Hải cho rằng: Để hướng tới Giải vô địch Bóng đá nữ thế giới vào năm sau, điều đầu tiên là phải sớm xác định ban huấn luyện cũng như lối chơi.
“Vấn đề là phải xác định người kế thừa ông Chung là ai và có cần sự bổ trợ từ ông Chung hay không? Chúng ta cũng nên tính tới việc dùng ông Chung ở vị trí khác như Giám đốc kỹ thuật”, nhà báo Minh Hải gợi ý.
Tôi cũng muốn anh Chung tiếp tục dẫn dắt đội tuyển nữ. Tôi hiểu bây giờ anh cũng cao tuổi rồi, muốn nhường lại cơ hội cho người khác. Nhưng đây là World Cup đầu tiên của đội tuyển nữ, sẽ có những bỡ ngỡ, vấp váp không tránh khỏi. Nếu anh dẫn dắt tiếp, sẽ thấy được rõ nhất những thước đo cho đội tuyển Việt Nam. Chúng ta cũng sẽ biết mình đang đứng ở đâu để từ đó xây đắp bóng đá nữ tốt hơn.
Bên cạnh đó, theo nhà báo Minh Hải, ngay từ thời điểm hiện tại, Liên đoàn bóng đá, Tổng Cục Thể dục Thể thao… phải có kế hoạch dinh dưỡng thực sự có tính kế thừa chứ không phải đợi tới sát World Cup mới bổ sung. Ngoài ra, ban huấn luyện cần tính tới việc đa dạng hóa các bài tập thể lực nhằm nâng cao thể chất cho các cầu thủ.
Chúng ta đã đổ biết bao mồ hôi, biết bao thế hệ cầu thủ bóng đá nữ đã hy sinh công sức, thậm chí cả máu để bây giờ giành được tấm vé đi World Cup. Đây là một sân chơi lớn với các đối thủ hàng đầu thế giới. Điều đầu tiên, tôi mong báo chí không nên gây áp lực cho các cầu thủ.
Những nhọc nhằn
phía sau vinh quang
Chuyên gia bóng đá Nguyễn Hoài Nam từng chia sẻ những dòng rất day dứt về cuộc đời của những cô gái đuổi theo trái bóng tròn: “Dọc đời bóng đá, thỉnh thoảng chúng tôi nghe những câu chuyện bóng đá nữ khổ thế nào. Từng nghe có em chấn thương mà đội không có tiền nên phải cuốn lá tự chữa, hoặc môi trường khắc nghiệt khiến các em phải trở nên mạnh mẽ hơn đàn ông mới trụ lại được… Ngay cả khi đem vinh quang về cho Tổ quốc, mọi thứ cũng nhanh chóng chìm xuống”.
Cuối năm 2019, dư luận cả nước đã từng xôn xao trước thông tin đội bóng nữ Thái Nguyên đứng sát bên bờ vực giải thể. Việc thiếu kinh phí hoạt động đã khiến đội bóng đến từ một địa phương từng là cái nôi của bóng đá nữ đi vào ngõ cụt. Có những hình ảnh thực sự khiến những người yêu bóng đá cảm thấy đau lòng. Đó là căn phòng tạm bợ, xuống cấp chỉ rộng hơn 10m2 nhưng là nơi sinh hoạt của 6-7 cầu thủ.
Đằng sau hào quang sân cỏ là rất nhiều nỗi bộn bề...
Đằng sau hào quang sân cỏ là rất nhiều nỗi bộn bề...
Nhà báo Minh Hải kêu gọi cần có những hành động cụ thể để bóng đá nữ không rơi vào cảnh lầm lũi sau vinh quang.
Nhà báo Minh Hải kêu gọi cần có những hành động cụ thể để bóng đá nữ không rơi vào cảnh lầm lũi sau vinh quang.
Những cô gái đá bóng trên đất gang thép với tình yêu bóng đá cháy bỏng sẵn sàng xách giày ra sân tập từ 5 giờ sáng, đầu trần đuổi theo quả bóng dưới cái nắng chói chang. Đổi lại mỗi ngày họ nhận được khoản tiền công 60.000 đồng và 100.000 đồng tiền ăn. Hàng tháng tính 22 ngày chấm công, lương cầu thủ nữ nhận được khoảng 1,3 triệu đồng. Không ít chị em đã buộc phải chia tay giấc mơ và niềm đam mê với trái bóng tròn để đi làm công nhân nhằm trang trải mưu sinh. Chuyện sau mùa giải, cầu thủ nữ Thái Nguyên lại… xin nghỉ để đi làm thời vụ vài ba tháng rồi trở lại đội cũng không hiếm gặp.
Là người thấm thía nỗi nhọc nhằn sau ánh hào quang ấy, cựu cầu thủ Ngọc Châm chia sẻ: “Đối với bóng đá nữ, tuổi nghề cũng như tuổi đời đều ngắn; lương thưởng cũng rất ít. Thời điểm tôi còn thi đấu, lương của tôi chỉ ở mức 2 triệu đồng”.
Cũng theo Châm, hầu hết gia đình các cầu thủ nữ đều rất nghèo. Những cô gái ngoài đá bóng sẽ còn phụ giúp gia đình. Họ ra ruộng gặt lúa, bắt cá cho cha mẹ, đi bán hàng online. Đó không phải những công việc “làm cho vui” mà để trang trải cuộc sống và mưu sinh.
“Các cầu thủ đã lên tuyển, đạt thành tích và có tài trợ có thể có mức lương tốt hơn, nhưng hầu hết các cầu thủ trẻ khác thì còn khá thấp”, Ngọc Châm tâm sự.
Bên cạnh đó, chuyện riêng tư của các cô gái kim cương cũng buộc phải gác lại sau trái bóng tròn. Đội trưởng Huỳnh Như vừa cười vừa kể: “Với tôi, cái khổ lớn nhất là khi về nhà nghỉ mấy ngày, các cô chú, ông bà, cha mẹ đều hỏi: ‘Ủa, mày nghỉ để lấy chồng chưa hay còn đá nữa?’.”
Những lúc ấy, đội trưởng của Đội tuyển nữ Quốc gia chỉ biết cười trừ: “Trời, chưa đi đá World Cup làm sao con lấy chồng được”.
Rõ ràng, đây là trách nhiệm của tất cả chúng ta. Chúng ta hãy cố gắng để hỗ trợ các cầu thủ để khi không còn đá nữa thì cuộc sống các em không quá vất vả, để các em đừng cô quạnh quá. Hãy vào cuộc để tránh việc chúng ta bị coi là một nền thể thao vắt chanh bỏ vỏ.
Ngày xuất bản: 7/6/2022